Phần V
O"ng ấy nói gì?" Lily hỏi, trong khi đưa một thìa kem trà xanh vào miệng. Chúng tôi hẹn gặp nhau chín giờ ở nhà hàng Sushi Samba để tôi kể ngay về ngày làm việc đầu tiên. Bố mẹ tôi đã nghiến răng giải tỏa thẻ tín dụng cho trường hợp khẩn cấp, để tôi còn sống đến ngày phát lương đầu tiên chứ. Món cá thu cuốn cay và xalat rong biển tạm gọi là trường hợp khẩn cấp cũng được, tôi thầm cảm ơn phụ huynh đã thết đãi mình và Lily một bữa thịnh soạn như vậy.
"Ông ấy nói BÉ CƯNG, HÃY VUI LÊN ĐI TRONG NHÀ BÚP BÊ, tớ thề đấy. Nghe có sướng tai không?"
Lily trợn tròn mắt thán phục nhìn tôi, thìa kem chưa kịp vào miệng.
"Cậu vớ được công việc ngon nhất mà tớ từng thấy," Lily nói. Cô vẫn luôn tiếc rằng đã học lên cao học ngay mà không bỏ ra một năm đi làm.
"Nghe có vẻ ngon lành, đúng không? Hơi kỳ quái một chút, nhưng ngon lành, tớ nghĩ vậy," tôi nói, tiếp tục thanh toán cốc kem sô cô la hạnh nhân. "Tuy rằng tớ vẫn thích cuộc đời sinh viên hơn."
"Rõ rồi. Tớ biết là cậu chỉ thích làm nửa ngày, đủ trang trải cho bài luận án tiến sĩ đắt lòi mắt và hoàn toàn vô dụng của cậu, tớ nói có chính xác không? Có thật cậu ghen tị khi thấy tớ đêm nào cũng đi bồi bàn cho lũ sinh viên vắt mũi chưa sạch trong một quán bia mạt hạng, bốn giờ sáng mới về đến nhà, ngủ chưa đẫy giấc đã chạy đến lớp hay không? Và trong đầu luôn biết rằng nếu cả chục năm nữa có làm xong luận án, một thành tích cực kỳ vĩ đại, thì cũng chẳng kiếm đâu ra việc làm." Cô ngoạc mồm cười nhạo báng và nốc đánh ực một ngụm Sapporo. Lily đang viết luận án tiến sĩ văn học Nga ở đại học Columbia. Cô đi làm thêm vào mỗi phút rảnh rỗi. Bà ngoại cô cũng chỉ chật vật đủ ăn, không giúp gì được, và cơ may kiếm được học bổng cô cũng chỉ hy vọng có sau khi làm xong bằng cao học. Tối nay cô có thì giờ ra đây là mừng cho tôi lắm rồi.
Tôi cắn vào miếng mồi là Lily vứt ra, như mọi khi Lily vẫn ca thán về cuộc sống của mình. "Thế tại sao cậu còn theo đuổi việc học hành làm gì?" Tôi hỏi, mặc dù đã nghe câu trả lời cả triệu lần rồi.
Lily khịt mũi chán nản. "Vì mình yêu công việc ấy!" Cô ca giọng mai mỉa. Quả thật là cô ít khi thú nhận điều đó và thích ca thán hơn, nhưng cô yêu môn đó thực sự. Cô yêu văn hóa Nga từ hồi học lớp tám, khi nghe thầy giáo kể rằng trông cô với khuôn mặt tròn và mái tóc đen loăn xoăn rất giống Lolita như ông luôn mường tượng ra. Cô lập tức về nhà và ngốn ngấu cuốn dâm thư bậc thầy của Nabokov, không phiền muộn chỉ về toàn bộ quan hệ giữa thầy giáo và Lolita, rồi từ đó cô đọc hết những gì mà Nabokov viết ra. Và Tolstoy. Và Gogol. Và Chekhov. Khi Lily đâm đơn xin vào đại học Brown, người phỏng vấn cô là một giáo sư chuyên về văn học Nga. Ông thừa nhận là ít từng gặp ai trong số sinh viên, tiến sĩ hay ngoài đời mà lại đọc và say đắm văn học Nga như cô bé mười bảy tuổi này. Cô vẫn giữ trọn tình yêu ấy, vẫn nghiên cứu ngữ pháp Nga và có thể đọc tất cả trong nguyên bản. Chỉ có một chuyện làm cô thích hơn: than vãn về số phận mình.
"Okay, tớ công nhận đã vớ được cần câu cơm tử tế. Thử nghĩ xem: Ralph Lauren, Chanel, biệt thự của Frederic Marteau - mới là ngày đầu tiên đấy. Nhưng cũng phải nói thêm là tất cả những thứ đó liệu có đưa tớ lại gần The New Yorker chút nào không? Có thể hôm nay quá sớm để nhận xét. Hiện tớ thấy mọi thứ đều nửa hư nửa thực, cậu hiểu không?"
"Rõ rồi. Bất cứ khi nào có nguyện vọng trở lại thực tế phũ phàng, cậu biết địa chỉ của tớ rồi đấy," Lily nói trong khi rút vé tàu điện ngầm khỏi ví. "Cậu tha thiết mong gặp lại xóm liều, khát khao thở không khí của khu da đen phải không? Căn hộ mini của tớ luôn chờ đón cậu."
Tôi thanh toán hóa đơn, chúng tôi ôm hôn nhau từ biệt. Lily cố giải thích cặn kẽ cho tôi biết đường đi từ đại lộ 5 và phố Christopher Street về nhà ra sao. Tôi thề đi thề lại rằng tôi đã nhớ chính xác các bến đỗ của tàu điện, đến phố 96 đi bộ về nhà theo lối nào. Nhưng Lily vừa đi khuất góc phố là tôi nhảy lên taxi.
Chỉ lần này thôi nhé, tôi tự nhủ, ngồi lún vào ghế đệm mềm và cố tránh luồng khí hôi hôi phả ra từ gã lái xe. Chả gì thì giờ đây tôi đã lên hạng Runway.
Tôi hài lòng nhận ra là cho đến cuối tuần làm việc đầu tiên, mọi việc đại khái cũng như ngày đầu. Hôm thứ Sáu gặp nhau ở phòng lễ tân trắng lốp lúc bảy giờ sáng, Emily trao cho tôi thẻ ra vào tòa nhà, có dán ảnh mà tôi không nhớ chụp khi nào.
"Chụp bằng camera theo dõi," cô nói khi thấy tôi ngạc nhiên xem ảnh. "Máy quay lắp khắp nơi trong nhà, nói để chị biết thế. Công ty có vấn đề lớn vì mất trộm đồ đạc và trang sức dùng để chụp ảnh. Có vẻ như mấy người đưa hàng, hay đôi khi cả các biên tập viên cũng cầm nhầm. Bây giờ ai cũng bị giám sát." Cô quẹt thẻ qua máy đọc và cánh cửa kính xịch mở ra.
"Giám sát? Chị nói giám sát, cụ thể như thế nào?"
Emily rảo bước đi nhanh qua hành lang tới bàn làm việc, mông lắc đi lắc lại trong chiếc quần nhung kẻ hiệu Sevens màu nâu bó khít. Vừa mới hôm qua cô còn khuyên tôi nên quyết tâm mua một chiếc, vì Sevens và MJ là hai mác quần bò hay nhung kẻ mà Miranda cho phép các nhân viên mặc ở văn phòng. Và cũng chỉ mặc Sevens và MJ cùng với giày cao gót. "MJ là gì?" "Marc Jacobs," Emily đáp, giọng ngán ngẩm.
"Nhờ camera và thẻ ra vào, họ nắm được tương đối rõ mọi người làm gì." Cô đặt chiếc túi Gucci lên bàn, cởi chiếc áo vest da ôm sát người hoàn toàn không hợp chút nào trong tiết trời lạnh buốt cuối tháng Mười một. "Tôi không nghĩ là họ xem lại các thước phim giám sát khi bị mất đồ, nhưng thẻ ra vào bộc lộ tất cả, ví dụ như chị qua quầy an ninh vào nhà hay lên tầng này đi qua cửa thì họ biết ngay chị là ai. Họ cũng biết là ai đang ở chỗ làm việc. Nếu chị không đi làm - chuyện không bao giờ xảy ra, trừ trường hợp thiên tai địch họa khủng khiếp lắm - thì chị đưa thẻ cho tôi quẹt vào máy đọc, như thế thì những ngày vắng mặt chị vẫn được trả lương. Ngược lại thì chị cũng làm việc đó cho tôi - ở đây ai cũng thế."
Tôi vẫn hơi choáng vì câu "chuyện không bao giờ xảy ra" trong khi Emily tiếp tục bài giảng.
"Cầm thẻ này chị cũng lấy đồ ăn ở căng tin. Đây đồng thời cũng là thẻ trả tiền, chị nạp ít tiền vào đó và mỗi lần mua máy sẽ trừ đi. Tất nhiên là qua đó họ biết chị ăn gì." Emily mở khóa vào phòng Miranda, ngồi thụp xuống sàn, vớ ngay lấy một hộp rượu vang và bắt đầu gói.
"Họ quan tâm đến cả đồ ăn của mình?" Tôi hỏi, ngạc nhiên như đang xem phim kinh dị Sliver.
"Hừm, tôi cũng không rõ. Có thể lắm chứ! Tôi chỉ biết là họ có thể làm được chuyện ấy. Cả ở phòng tập cũng phải quẹt thẻ, như khi mua sách báo ở quầy. Tôi nghĩ là rất tiện cho việc tổ chức."
Tổ chức? Tôi đi làm cho một công ty muốn "tổ chức" tốt thông qua việc nắm vững nhân viên nào lên tầng nào, ai chọn xúp hành ăn trưa hay xalat, tập thể dục bao nhiêu phút trên máy? Được "chăm sóc" như thế thì còn gì bằng.
Mệt lả vì đến hôm nay đã là bốn buổi sáng liền phải dậy sớm đi làm, tôi cần năm phút để nghỉ ngơi trước khi cởi áo khoác và ngồi xuống bàn. Đang định gục xuống bàn nghỉ một lát thì ở phòng bên Emily hắng giọng khá to.
"Chị vào đây giúp tôi một tay được không?" Cô hỏi, dĩ nhiên đó không phải câu hỏi. "Chị gói mấy thứ này," cô đẩy một chồng giấy gói quà màu trắng sang phía tôi rồi tiếp tục việc mình. Nhạc của Jewel ầm ầm dội ra từ cặp loa gắn bên máy tính iMac.
Cắt, gói, gấp, dán: Emily và tôi làm việc suốt buổi sáng, chỉ ngừng tay sau mỗi lần gói xong hai mươi lăm hộp quà để gọi nhân viên chở hàng từ tầng trệt lên lấy đi. Khoảng giữa tháng Chạp, khi chúng tôi bật đèn xanh, họ sẽ túa ra khắp Manhattan để trao quà. Quà gửi đến các địa chỉ ngoài thành phố chúng tôi đã gói xong trong hai ngày đầu tiên kể từ khi tôi đi làm, xếp sẵn trong kho đợi dịch vụ chuyển phát nhanh DHL tới lấy. Do bưu kiện đến tay người nhận ngay hôm sau với chuyến sớm nhất, tôi không hiểu tại sao cứ phải vội vàng làm gì - bây giờ mới là cuối tháng Mười một. Song tôi đã học được một điều là tốt nhất chớ hỏi nhiều. Chúng tôi gửi qua FedEx khoảng 150 chai Priestly đi khắp thế giới: Paris, Cannes, Bordeaux, Milan, Rome, Florence, Barcelona, Geneva, Bruges, Stockholm, Amsterdam, London. Riêng London hàng chục chai. FedEx bay đến cả Bắc Kinh, Hongkong, Capetown, Tel Aviv và Dubai (Dubai!). Cả ở Los Angeles, Honolulu, New Orleans, Charleston, Houston, Bridgehampton và Nantucket cũng sẽ có người nâng cốc chúc sức khỏe Miranda Priestly. Tất cả sẽ diễn ra trước khi chai đầu tiên cán đích New York là nơi tụ họp bộ sậu thân cận nhất của Miranda: bạn bè, bác sĩ, thầy dạy Yoga, huấn luyện viên thể hình, giúp việc, thợ làm tóc, cô trông trẻ, lái xe, nhân viên mua hàng. Và đương nhiên ở nơi tập trung phần lớn các thành phần của công nghiệp thời trang: các nhà tạo mốt, người mẫu, diễn viên, chủ bút, quảng cáo, quan hệ đại chúng. Ai ai cũng được nhân viên bưu điện của Elias Clark chuyển đến một chai, phù hợp với cấp bậc.
"Chị nghĩ là tất cả tốn bao nhiêu tiền?" Tôi hỏi Emily trong khi cắt dán đến tờ giấy gói quà trắng thứ một triệu.
"Tôi đã kể rồi, tôi đặt cả thảy 25.000 dollar mua rượu."
"Không, không, tôi định hỏi tổng cộng tất cả vụ này. Gửi chuyển phát nhanh toàn bộ những gói này đi khắp thế giới, có những địa chỉ mà lệ phí gửi đắt hơn tiền chai rượu bên trong, nhất là loại rượu cho tầng lớp vô danh."
Lần đầu tiên Emily đần mặt ra suy nghĩ, không có vẻ miệt thị, ngán ngẩm hay hờ hững như tôi vẫn quen. "Hừm, thử tính xem, FedEx đòi khoảng 20 dollar cho mỗi bưu kiện trong nước, gửi ra nước ngoài thì khoảng 60 dollar, riêng khoản này đã hết 9.000 dollar rồi. Tôi nghe ai đó kể lại là bưu điện của công ty tính 11 dollar mỗi gói, nghĩa là gửi 250 gói phải trả 2.750 dollar. Còn công làm của mình nữa, cứ cho là mất hẳn một tuần gói ghém, nghĩa là lương của hai tuần làm việc, thêm 40 vé nữa..."
Tôi giật mình nghĩ thầm, thì ra khoản chi nhỏ nhất trong đó là trả lương của hai chúng tôi cho cả tuần lao động.
"Ờ, nếu cộng tất cả các khoản thì khoảng 16.000 dollar. Choáng chưa? Nhưng không làm không được. Chị biết rồi, Miranda Priestly mà lại."
Gần một giờ chiều, Emily kêu đói và xuống tầng dưới đi ăn chút gì với mấy cô gái ở bộ phận phụ trang. Tôi cứ nghĩ là cô chỉ ăn trưa một lát như chúng tôi vẫn quen cả tuần nay. Tôi đợi mười, mười lăm phút, rồi hai mươi phút vẫn không thấy cô quay về. Từ khi tôi vào làm, không ai trong chúng tôi dám ăn ở căng tin vì đề phòng trường hợp Miranda gọi điện, thật là ngớ ngẩn. Hai giờ, hai rưỡi, rồi ba giờ. Tôi gọi vào điện thoại di động của Emily nhưng được nối với hộp thoại tin nhắn. Cô ta chết đột ngột ở căng tin rồi hay sao? Hóc lá xà lách hay lăn đùng ra sau khi tọng một cốc kem vào bao tử? Tôi nghĩ đến chuyện nhờ ai đó kiếm hộ đồ ăn đưa lên, nhưng lại ngại phải đi nhờ vả một người lạ. Nói cho cùng thì chính tôi phải tự lo kiếm đồ ăn, chẳng lẽ lại xin lỗi, tôi không được phép rời vị trí cực kỳ quan trọng của nhân viên gói quà, cảm phiền chị đi lấy cho tôi một chiếc bánh mì kẹp được không ạ, chị tốt quá. Tôi không thể làm thế được. Bốn giờ chiều. Vẫn chưa thấy bóng dáng Emily đâu cả và Miranda cũng không thấy gọi điện. Và tôi đã làm một chuyện không ngờ: tôi rời văn phòng, không có ai thế chỗ.
Sau khi ngó ra ngoài và chắc chắn không thấy bóng dáng Emily, tôi chạy vút ra phòng lễ tân và ấn nút thang máy đến hai mươi nhát. Sophy, cô gái lễ tân xinh đẹp người Á nhướng mày ngạc nhiên rồi xây qua hướng khác. Chẳng rõ là cô không thích chứng kiến nỗi sốt ruột của tôi hay không muốn biết văn phòng Miranda bây giờ thiếu người trông. Tôi cũng không cần biết. Rồi thang máy cũng lên tới nơi, tôi lao ngay vào. Một gã nhom nhem tướng xì ke, tóc tai vuốt keo kiểu lông nhím, chân đi giày Puma xanh cốm, mỉm cười giễu cợt và nhấn nút đóng cửa. Khoang thang máy còn khối chỗ, nhưng không ai nhích một phân để nhường chỗ cho tôi. Bình thường ra thì tôi nổi xung lên rồi, nhưng bây giờ đầu óc tôi chỉ tập trung kiếm được thứ gì ăn và quay lại văn phòng ngay, khẩn trương!
Trước cửa căng tin choáng lộn toàn kính và cẩm thạch là một đàn sếu cẳng dài hạng hai, chụm đầu vào nhau thì thào và ngắm nghía những ai ra khỏi thang máy. Các bạn gái của nhân viên Elias Clark đây mà - nhờ lời kể trước của Emily mà tôi nhận ra ngay bọn họ qua sự phấn khích lộ liễu khi được đứng giữa trung tâm của thế giới thời trang. Lily cũng đã năn nỉ xin tôi đưa cô đến phòng căng tin này ăn trưa nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa có dịp. Nhà hàng này được hầu hết báo chí Manhattan khen hết lời nhờ chất lượng tuyệt hảo và thực đơn phong phú - chưa kể đến hàng đống khuôn mặt sáng giá. Ngoài ra, kế hoạch làm việc hàng ngày ở văn phòng trói chặt Emily và tôi đến mức chưa khi nào tôi quá hai phút rưỡi để chọn và trả tiền đồ ăn, tôi cũng không tin rằng một ngày đẹp trời sẽ có đủ thì giờ mời Lily.
Tôi lượn tránh đám con gái, thấy cả lũ quay phắt lại xem tôi có phải là VIP nào không. Nhầm. Tôi dồn nghị lực bỏ quầy khai vị hoành tráng đầu phòng với cừu và bê xốt vang, lướt nhanh qua chỗ bày pizza với cà chua khô và pho mát là món luân chuyển hôm nay (một cái bàn nhỏ, bị đẩy ra cạnh tường, ai cũng biết với cái tên "Đồ ăn chay"). Cứ điểm ngoan cố nhất vẫn ở phía trước: dãy bàn xalat trộn (còn gọi là quầy "Xanh," dân eo thon vẫn hẹn "Gặp nhau ở quầy Xanh nhé!") dài bằng đường băng phi trường và có thể tấn công từ bốn phía! May mà đám đông để tôi chen vào sau khi tôi lớn tiếng hứa sẽ không xúc mất mấy viên đậu phụ cuối cùng. Tận cuối phòng, trơ trọi ngay sau quầy bánh mì là một quầy xúp cô đơn. Cô đơn, bởi vì bếp trưởng phụ trách các món xúp là người duy nhất trong nhà bếp kiên cường không chịu nấu món duy nhất nào ít béo, giảm mỡ, không mỡ, ít muối, hay ít ca lo. Chính vì thế mà trong toàn nhà ăn chỉ có quầy của ông ta không có ai xếp hàng, và tôi lao bổ đến chỗ ông. Từ khi có tin cả công ty chỉ có mình tôi mua xúp - tôi mới vào đây có một tuần - ông ta hạn chế thực đơn của mình xuống còn một món xúp mỗi ngày. Tôi khấp khởi đợi món xúp cà chua với pho mát Cheddar, nhưng lại được ông cho một bát xúp nghêu to tướng, lại còn hãnh diện khoe là nấu với kem béo. Ba người ở quầy "Xanh" sửng sốt quay lại nhìn tôi. Chướng ngại cuối cùng là đám đông vây quanh đầu bếp năm sao đến biểu diễn ở đây. Trong bộ đồ trắng muốt, ông thể hiện cho các fan xem nghệ thuật biến các khúc cá to thành món Sashimi. Tôi lẩm nhẩm nhớ tên ông ta, tí nữa về chỗ làm phải đọc lại xem đó là ai, chắc chắn tôi là nhân viên duy nhất trong tòa nhà không biết ông. Tội nào lớn hơn nhỉ: chưa bao giờ nghe tên ông Matsuhisa hay Miranda Priestly?
Cô thu ngân nhỏ bé trước tiên nhìn vào bát cháo, rồi nhìn vào vòng eo của tôi khi bấm máy tính tiền. Hay tôi tưởng tưởng ra? Tôi đã quen với chuyện đi đến và lúc nào cũng bị người ta săm soi, nhưng tôi thề là cô ta nhìn tôi với một biểu cảm không khác gì ánh mắt tôi dành cho một người nặng hai tạ rưỡi đang mua tám chiếc hamburger loại bự: ánh mắt đó khẽ hỏi:" Cô nhất thiết phải ăn lắm như thế không?" Có lẽ tôi hơi bị chứng hoang tưởng rồi. Con bé này là ai cơ chứ? Thu ngân ở căng tin! Chứ không phải nhân viên tư vấn về ăn kiêng. Không phải biên tập viên thời trang.
"Dạo này ít người mua xúp", cô khẽ nói trong khi bấm số tiền vào máy.
"Đúng, tôi nghĩ chắc ít người thích ăn xúp nghêu," tôi lầm bầm, quẹt thẻ vào máy, chỉ chực giục cô ta nhanh tay lên một chút.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...