71. Một ngày vui và một ngày buồn ở Israel
Với tôi, Amir và Dana là một cặp hoàn hảo. Cả hai đều hiếu động, vui tính, điên rồ. Kẻ tung người hứng nên nhà lúc nào cũng rộn tiếng cười. Nhưng đến buổi tối thứ hai, không khí trong nhà bỗng trầm hẳn, không ai nói, không ai cười, Amir bảo tôi:
“Chip ơi, từ bây giờ đến tối ngày mai em đừng nói cười gì nhé. Nếu em không có việc gì cũng đừng ra ngoài. Đánh máy thì đánh êm êm thôi để tránh gây tiếng ồn”.
Ngày ở Israel bắt đầu từ lúc mặt trời lặn. Hoàng hôn ngày thứ hai là bắt đầu của ngày thứ ba: Yom Hazikaron. Đây là ngày tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống và nạn nhân khủng bố. Ngày này được kỷ niệm ngay trước ngày Quốc Khánh Israel.
Amir và Dana chẳng bao giờ xem TV, nhưng hôm đấy hai người vào mạng xem chương trình tưởng niệm trên truyền hình. Amir cũng mở trang web nơi người ta đăng tải thông tin về những liệt sĩ đã ngã xuống, đọc trang về cậu anh, rồi khóc. Cậu anh khi đấy vẫn là một cậu bé mười chín tuổi, trẻ trung, hiếu động. Đây là ảnh cậu cười rạng rỡ với đám bạn khi đang đi cắm trại. Đây là ảnh cậu ngồi trên bãi biển chơi ghi ta. Đây là ảnh cậu đùa nghịch với đám bạn trong quân ngũ, súng vắt ngang vai, miệng cười toe toét. Amir bảo cậu anh hồi nhỏ rất thích làm thơ và chính anh cũng viết nhạc cho một số bài thơ của cậu. Đúng tám giờ tối, một tiếng còi dài kéo lên báo hiệu một phút tưởng niệm. Amir và Dana lúc đấy đang ở trong nhà vẫn bỏ tất cả những việc mình đang làm, đứng nghiêm trang. Nếu ai đang đi ngoài đường lúc đấy thậm chí cũng dừng xe lại, bước ra ngoài đứng để tưởng niệm. Tôi không phải người Do Thái, tôi cũng không biết nhiều về lịch sử Israel, nhưng lòng tôi tự nhiên cũng trĩu lại. Nỗi đau của cả một dân tộc, nỗi chua xót của cả một thế hệ bao trùm lên cả một đất nước.
“Ở Israel ai cũng quen ít nhất một người đã chết trong chiến tranh. Ông nội anh là người của cả gia đình sống sót trong cuộc diệt chủng, chạy trốn về lại được Israel. Cậu anh mất trong chiến tranh 1967, bạn anh mất trong chiến tranh Li-băng 2006. Bọn anh hiểu hơn ai hết giá trị của sự tồn tại của mình ngày hôm nay trong một đất nước như thế này”.
Ấy vậy, nhưng buồn là thế, chỉ buổi tối thôi là không khí lại khác hẳn. Bầu không khí u buồn lập tức thay thế bằng bầu không khí vui tươi hớn hở như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Amir lại bắt đầu bật nhạc, nhảy tưng tưng khắp nhà.
“Chào mừng Quốc Khánh Israel!”. Amir vừa bật champagne vừa nói. Hôm nay cả thành phố Tel Aviv sẽ trở thành sàn nhảy lớn nhất thế giới và chúng ta sẽ tiệc tùng cả đêm.
Anh không hề nói quá. Cả thành phố Tel Aviv lấp lánh ánh đèn, xập xình tiếng nhạc. Dường như cả đất nước Israel đều đổ ra đường, tiếng cười nói, nô đùa vang dội. Quảng trường Rabin biến thành một sân khấu ca nhạc rực rỡ với cả chục ngàn khán giả. Khu phố Florentine trở thành trung tâm của bữa tiệc ngoài trời chật kín người tham gia. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều trai xinh gái đẹp đến thế! Người Israel phải nói là rất đẹp. Người Israel di cư về đây từ khắp nơi trên thế giới mang đủ loại màu da, màu tóc, màu mắt. Qua mấy thế hệ, những nét này lai tạo vào nhau tạo nên những vẻ đẹp kỳ lạ, không ai giống ai, ngắm hoài không chán. Giới trẻ Israel lại tuyệt nhiên không có người béo (đây đó có những ngoại lệ nhưng rất rất ít), ai cũng người đẹp dáng chuẩn.
“Con gái Israel đẹp quá, ăn mặc cũng đẹp”. Tôi ngây người ra ngắm, nói bâng quơ. “Mình đã chẳng đẹp thì chớ, lại cũng chẳng có tiền mua váy xinh”.
“Aww, tội nghiệp thế. Anh hứa là khi nào anh có tiền, việc thứ hai anh sẽ làm là mua cho em một bộ váy thật đẹp”. Ai đó ở phía sau bất chợt chen vào.
“Thế việc đầu tiên anh làm là gì?”.
“Mua cho anh một bộ”.
Tôi quay lại nhìn kẻ xa lạ. Anh nhoẻn miệng ra cười. Nụ cười ấm áp nổi bật lên giữa cả biển người trên phố. Tôi nghĩ tôi đã yêu Ronan ngay từ cái nhìn đầu tiên.
72. Miền Bắc Israel
Asher là một anh chàng hậu đậu. Để về lại Israel rẻ nhất, anh cần bay đến sân bay Amman của Jordan, rồi đi taxi chỉ hai tiếng là sang đến Israel. Hồi ở Nepal, một lần đang đi chơi với bạn gái thì anh gọi cho tôi: “Chip ơi, Sushil vừa tìm cho tao vé đi Amman rẻ lắm, rẻ hơn vé bình thường những 100 đô. Mày mang tiền sang cho Sushil đặt vé mua cho tao ngay đi, sợ khi nào tao về thì nó hết”. Tôi ngoan ngoãn làm theo. Lúc về mới té ngửa ra rằng Sushil đã đặt vé cho anh đi Oman là một quốc gia ở tận đầu kia vùng vịnh. Thế là anh tranh thủ làm một chuyến du ngoạn ở Oman. Trên đường từ Oman về Israel, anh còn ghé qua các tiểu vương quốc Ả Rập. Anh tính đầu tháng tư sẽ về lại được Israel, nhưng cuối cùng mãi đến đầu tháng năm mới sang đến nơi, muộn hơn tôi mấy ngày. Anh về thẳng nhà dì anh ở làng Kozarim phía Bắc Israel, hẹn gặp tôi trên đó. Tôi tremp (đi nhờ xe) lên phía Bắc ngay ngày anh sang đến nơi.
Tôi tremp từ Tel Aviv lên Kozarim, vừa đi vừa hồi hộp. Từ đầu chuyến đi tới giờ, mỗi con người tôi gặp đều gắn liền với một mảnh đất. Khi tôi nhớ về Veera, đó mãi là nắng, gió, biển và cái nhộn nhịp của Mumbai. Khi tôi nhớ về Karlis, đó mãi là anh chàng phóng xe điên rồ 122km/h trên những con đường ngoằn nghèo vòng vèo của Nepal. Tôi tự hỏi không biết Asher ở Israel có khác Asher ở Nepal không? Liệu khi gặp nhau, chúng tôi vẫn còn thân nhau được không.
Nhưng ngay khi anh xuất hiện dưới mái hiên với mái tóc đỏ hoe và nụ cười toe toét: “Chip ơi, mày vừa giảm chiều cao à?”, tôi thấy mình lo lắng thật ngớ ngẩn.
Asher đang ở cùng chú dì anh, cũng là bố mẹ của Nati. Nati bước ra cười nhăn nhở:
“Đây là con bé thích ăn đồ mặn mà anh vẫn kể đấy à?”.
“Ở Việt Nam người ta nói rằng ăn đồ mặn nhiều sẽ thông minh”. Tôi bảo.
“Ở Mỹ người ta nói rằng ăn đồ mặn nhiều sẽ khát nước”. Asher tỉnh queo.
“Asher - Chip: 1 - 0”.
Thế là tôi ghét Nati từ đấy. Nói thế thôi, chứ chẳng ai ghét Nati được. Anh cao gầy, tóc dài quá vai, mặt dài, mũi thẳng, khi anh nghiêm túc lại thì nhìn không khác gì Giê-su. Nhưng chẳng mấy khi anh nghiêm túc được vì anh hay làm những mặt rất là ngớ ngẩn. Khi ngồi xem TV, môi dưới anh hơi cong, cái mặt nghệt ra nhìn rất tếu. Khi cười, anh cười tít cả mắt lại không nhìn thấy trời trăng gì nữa.
Nhà bố mẹ anh là một căn nhà cực kỳ xinh xắn trên một ngọn đồi đầy hoa. Trước căn nhà là một bãi cỏ xanh rì, nhìn thẳng xuống biển hồ Galilee xanh ngắt soi bóng mây, bóng núi. Xung quanh nhà là khu vườn đầy cây ăn trái. Buổi sáng tôi thích dậy sớm, đi chân đất ra vườn hái quả ăn ngay ở gốc cây.
Buổi chiều tôi thích ngồi trong nhà chơi piano, Nati chơi ghi ta còn Asher thì ngủ gật. Mẹ Nati như mọi người bảo thì đúng là bà mẹ Israel kiểu mẫu. Bác luôn nhớ rõ mỗi người thích ăn gì, để mỗi lần chúng tôi lên thì bác mua đầy những đồ ăn đó để khắp nhà. Nào là hoa quả, sô-cô-la, các loại hạt để trong mấy cái giỏ ở ngoài phòng khách, trong bếp, trên cầu thang, trong phòng chúng tôi. Bác đã từng đến Việt Nam nên bác hết sức ngạc nhiên khi thấy tôi đi thế này. Bác cứ tưởng là ở Việt Nam không ai được phép xuất ngoại chứ. Nghe Asher nói là tôi lên thăm, bác đi siêu thị mua bánh đa, bún, hành lá về làm gỏi cuốn để đãi tôi.
Nati lái xe đưa tôi và Asher đi lòng vòng quanh phía Bắc. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều hoa như thế, như thể cả miền Bắc Israel được trải một tấm thảm hoa đầy màu sắc vậy. Hoa dại là hoa đầy sức sống.
Những mảnh màu rực rõ đuổi nhau xa tít tắp đến tận chân trời: đỉnh đồi này là một mảng màu tím, chân ngọn đồi lại là mảng màu trắng, ven theo con đường lại là mảng màu đỏ, cả cánh đồng lại là mảng màu vàng. Chúng tôi trải chiếu ngồi ở mép thung lũng. Vách núi dựng đứng phủ kín bồ công anh. Mỗi khi gió thổi, hàng triệu nhánh bồ công anh tung bay như cánh tuyết trắng xóa cả không gian.
Chúng tôi ra bờ sông Jordan - nơi Gio-an Tẩy Giả rửa tội cho Chúa Giê-su. Ngày trước đọc Kinh Thánh, tôi cứ nghĩ sông này phải to lắm. Đến nơi rồi, tôi mới há hốc mồm ngạc nhiên khi thấy sông chỉ rộng khoảng chục mét, sâu chưa đến hai mét. Chúng tôi đi xuống hồ Galibee, nơi Chúa Giê-su bước đi trên mặt nước. Tôi nhảy xuống đây, chìm nghỉm.
Chúng tôi đến làng của người Druze. Druze là một dân tộc/ một tôn giáo hết sức thú vị. Các học giả xếp họ thành một nhóm của đạo Hồi, nhưng họ không thích bị gọi là người đạo Hồi. Họ nói tiếng Ả Rập, nhưng tham gia quân đội Israel như những người Do Thái. Người theo đạo Druze tin rằng Đấng Messiah tiếp theo sẽ được sinh ra từ một người đàn ông. Chính vì vậy, đàn ông Druze mặc quần rộng thùng thình, trễ đũng, túm chặt hai đầu gối để lỡ đấng Messiah có sinh ra sẽ không bị rơi mất. Kiểu quần này sau này được phụ nữ Israel ưa chuộng vì nó rộng rãi, thoải mái. Người Israel mang nó đi khắp nơi cùng những chuyến du ngoạn của mình, biến nó thành mốt thời trang yêu thích của dân hippie. Tôn giáo này tuy ăn mặc có vẻ kì quặc nhưng người dân ở đây lại hết sức thân thiện. Họ có nhiều đồ ăn rất ngon, mà ngon nhất là kinafee - một loại bánh ngọt làm từ pho mát và si-rô.
Chúng tôi đi qua những trang trại được ngăn cách ở giữa: một bên là Li-băng, một bên là Israel. Chúng tôi đi lên Golan Height, nhìn xuống bên dưới là Syria với cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những mặt hồ xanh long lanh. Không gian nhìn yên bình đến lạ.
Ấy vậy mà trên đường ra bãi biển, chúng tôi bật đài nghe tin mới hay biên giới Israel đang bị tấn công từ khắp các phía: Syria, Li-băng, Palestine. Ngày Israel giành được độc lập cũng là ngày người Palestine mất đi mảnh đất quê hương mình. Ngày vui đối với dân Do Thái được coi là “Ngày thảm họa” đối với những người theo đạo Hồi. Hàng năm cứ ngày này, quân đội Israel phải tăng cường lực lượng chống trả tấn công ở biên giới và tấn công khủng bố ở trong nước. Năm nay tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn rất nhiều, bởi đây là lần đầu tiên mà biên giới Israel bị tấn công từ khắp các phía cùng một lúc, như thế các nước láng giềng đang liên minh lại với nhau để đánh Israel vậy.
“Liệu họ có đánh xuống đây không nhỉ?”.
“Nếu có thì thế nào em cũng sẽ làm được một bài cực hay về tình hình chiến sự Trung Đông, Chip ạ”.
Người Israel có cách tiếp nhận mối đe dọa thản nhiên đến đáng sợ. Kể cũng đúng, Israel một thân một mình sống giữa thế giới Ả Rập, biến mình thành kẻ thù của tất cả các nước láng giềng. Mối nguy hiểm lúc nào cũng cận kề, họ quá quen rồi nên cũng chẳng sợ nữa.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...