Ở quận lỵ nhỏ bé này, mỗi tối tôi đều đến coi báo cọp ở quán sách của một anh bạn lớn tuổi, anh tuy không còn độc thân nhưng vẫn vui tánh như thường. Quán sách có tên là Kiến Thức nên dù đang mùa hè trời thường đổ những cơn mưa biến lòng đường thành dòng sông nhỏ tôi vẫn chịu khó lội nước đến đó để "mở mang kiến thức" cho bằng người ta.
Có một buổi tối, ông chủ bận việc đi đến nhà bà con, anh nhờ tôi đứng bán hàng giùm. Trời đang mưa bên ngoài nhưng quán chưa thể đóng cửa đi ngủ sớm vì vào giờ này học sinh mới thường đi mua "bút chỉ văn phòng". Đợi mãi cũng không thấy khách khứa đến, để khỏi phải nhìn cảnh mưa rơi cho buồn lòng ai, phải nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn, tôi dở một tờ nhật báo xem mục Tử vi trong ngày. Tuổi Song Nam. Công việc: Bạn không nên cho vay mượn. Tình cảm: Bạn sẽ không phải hối tiếc được quen với một người khác phái. Tôi bật cười vì lời tiên đoán của Lốc Cốc Mù tiên sinh. Ở đời có ai thích cho vay mượn bao giờ mà phải dặn nên với không nên và ở đời có ai không thích quen với một người khác phái bao giờ mà phải khuyên hối tiếc với không hối tiếc. Bói như vậy thì chẳng cần hội đủ điều kiện ắt có và đủ làm "mù" mới trở thành thầy bói hay.
- Ông bán cho em quyển "Một thời để yêu và một thời để chết".
Tôi ngước nhìn cô bé đứng trước quầy. Em mặc chiếc áo mưa mầu xanh nhạt và tay cầm chiếc mũ sũng nước. Mặt em cũng đẫm nước, những sợi tóc ướt dính sát vào trán và hình như đôi mắt em cũng có những giọt mưa long lanh. Tôi đứng dậy, mở tủ kính lấy quyển truyện đưa cho em và hỏi:
- Chị em sai em đi mua truyện hả ?
- Ông nghĩ em không biết đọc à ?
- Quyển truyện này viết về "một thời để yêu". Tôi nghĩ em chưa đến thời kỳ đó.
- Em rất yêu thương con Miu Miu của em, vậy em đọc được chưa ? Còn ông mới tập sự bán sách phải không ?
Chúa ơi. Chắc cô nhỏ này đã được Thượng Đế lầm lẫn nhét hai cái xương sườn đàn ông vào người nên em mới "lanh" như vậy. Tôi nhăn nhó trả lời:
- Phải, tôi mới bắt đầu bán từ tối hôm nay và em là khách hàng đầu tiên. Mà sao em biết rành quá vậy ?
- Những ông bán sách chuyên nghiệp chỉ cần người mua sách chứ không cần biết người ta đã đến "thời kỳ" đọc sách chưa.
Em nhấn mạnh hai chữ "thời kỳ" một cách thích thú rồi cúi đọc tỉnh bơ những chữ in ở bìa sau quyển truyện. Đọc xong em lật bìa trong xem giá tiền.
- Bảy trăm đồng ? Mắc quá trời mà còn đề "net" nữa chứ.
Chẳng phải là chủ quán sách nên tôi giải thích ẩu:
- Thì em cũng biết mọi thứ vật giá đều leo thang, quyển truyện này không leo thang nó đứng y nguyên một chỗ. Vậy "net" là rẻ rồi còn gì.
- Bộ ông không bớt hai chục phần trăm à.
- Nó đã không leo thang thì em bắt nó phải xuống thang làm sao được.
- Em chỉ có năm trăm đồng thôi, vậy ông cho em gởi trả quyển truyện.
Em để lại quyển sách trên mặt quầy và trong khi đội mũ áo mưa lên đầu mắt em vẫn không rời nó. Thấy em có vẻ tha thiết với "một thời để yêu" nên tôi cầm quyển truyện đưa cho em:
- Tôi tặng em đó.
Cô bé lắc đầu:
- Em chưa quen ông nên không thể nhận quà tặng.
- Ồ chúng ta là anh em họ Hồng Bàng với nhau nên đâu có xa lạ gì. Thôi được, tôi bán cho em với giá 500 đồng.
- Ông chỉ là người bán thuê nên em không muốn ông bị thiệt thòi.
Mặc cho Lốc Cốc Mù tiên sinh đã dặn không cho vay mượn tôi vẫn hăng hái đề nghị :
- Tôi cho em mượn hai trăm, khi nào có tiền em trả lại sau.
Cô bé gật đầu:
- Vâng cám ơn ông.
Tôi nhanh nhẹn lấy tờ giấy có in hoa nhiều màu gói quyển sách đưa cho em và hỏi:
- Em ở gần đây không?
- Ông kỹ ghê, sợ em trốn nợ à!
- Không phải vậy. Tôi muốn biết em phải lội mưa có lâu không.
- Nhà em ở cách đây hai mươi cây số. Em đến đây học trọ.
- Vậy em học lớp mấy rồi ?
- Đố ông đó.
- Lớp bảy hả ?
- Bộ em trông con nít lắm sao ?
- Lớp tám chăng ?
Em lắc đầu.
- Lớp chín ? Lớp mười ?
Em lắc đầu hai lần.
- Tướng em chưa đủ lớn để học lớp mười một hay mười hai. Vậy chứ em học lớp mấy ?
- Lớp "mười và mười một".
- Cái lớp gì mà kỳ cục vậy trời.
- Trường em đã nghỉ hè, như vậy em học xong lớp mười. Bây giờ em học hè lớp mười một và họ đang ôn bài lớp mười vậy em đang học lớp "mười và mười một" đúng không. Còn ông mới đến đây à ?
- Đâu có, lâu rồi.
- Lâu rồi ? Vậy ông có biết ở đây con gì là cá mà người ta không gọi là cá ?
- Trời đất, ở đây làm gì có con kỳ cục đó.
- Vậy ông đúng là người mới đến đây. Nếu ở lâu ông đã biết đó là "con mắm".
Tôi bật cười cái tính lí lắc của em và tự nhiên tôi muốn giữ em đứng lại nói chuyện thật lâu cho vui nhưng ông chủ quán đã về. Anh bóp còi xe gắn máy "tin tin" khiến cô bé giật mình. Em chào tôi và nói khi nào có tiền sẽ đem đến trả ngay rồi em kẹp quyển truyện trong áo mưa và bước vội ra ngoài. Ông chủ quán hỏi tôi bán được nhiều không. Tôi nói cái còi xe của anh đã đuổi khách hàng nếu không tôi bán thêm được một cây bút chì. Tôi móc túi đưa anh bảy trăm đồng. Anh cười nói cảm ơn và tôi vội chạy ra ngoài hy vọng sẽ đuổi kịp cô bé để hỏi địa chỉ nhà trọ của cô em.
Bên ngoài trời mưa lớn hơn khi tôi còn ngồi trong quầy sách. Con phố đã tắc điện và mọi nhà đều đóng cửa nên con đường tối om. Chạy đến một ngã ba tôi phân vân không biết em đã đi đường nào nên đành lủi thủi về nhà. Mưa lạnh buốt khiến tôi phải rùng người và chợt nhớ đã để quên áo mưa ở quán sách. Về phòng tắm rửa xong tôi nằm đắp chăn rên hừ hừ. Tôi vẫn thường bị "cảm" dễ dàng như vậy nhưng lần này không biết vì cô bé hay vì những giọt mưa.
Ở quận lỵ nhỏ bé này, vào những đêm trăng tôi không thích mở mang kiến thức bằng mở mang bao tử, nên thay vì đi đọc báo cọp như mọi tối tôi đã lần mò đến các nhà bạn để kiếm ăn. Bây giờ đang mùa "dông". Đó là món nhậu tuyệt vời ở chốn đất cát này. Những con dông ram béo ngậy, thơm tho hơn thịt gà nhiều và chỉ cần tưởng tượng đến món gỏi dông ăn với xoài xanh là tôi chẳng thể nào ngồi yên trong nhà.
Tôi đang ở trên căn gát nhà Ngẫu trọ, bàn với anh em đem hũ rượu thuốc lên quán ông Võ ở gần quốc lộ để nhậu với dông thì có tiếng Kha gọi từ dưới nhà vọng lên. Tôi chạy vội xuống cầu thang. Kha nói có khách ở nhà. Khách khứa đến lúc này chẳng có giá trị bằng con dông nên tôi nói kệ họ và định chạy trở lên gác. Kha nói cô bé đó. Cô bé. Chỉ nghe hai tiếng đó tôi chẳng còn biết con dông là con gì nữa và ra sức chạy hết tốc lực về nhà.
Cả tuần này tôi đã nóng lòng nhờ Kha đi tìm cô bé. Tôi tả hình dáng em thật tỉ mỉ để Kha rõ và mặc dầu là thổ công ở đây anh cũng chịu thua. Anh đã hỏi thăm những người quen, đã đến các lớp hè nhưng chẳng ai biết em ở đâu. Tôi đã rầu muốn chết vì tài tìm kiếm khắp nơi của anh, không ngờ đêm nay chính anh lại tìm ra cô bé ở ngay nhà tôi.
Khi đẩy cổng vào sân tôi thấy cô bé đứng lớ ngớ trước căn phòng cửa sơn xanh đóng kín. Em mặc áo bà ba màu tím than, tóc chẻ đôi được cột bằng hai giải vải màu đỏ rực. Trông em rạng rỡ và tươi sáng hơn đêm mưa ở quán sách.
- Chào cô bé. Em cũng biết nhà tôi ở đây à.
- Ở đây ai mà chẳng biết nhau. Em hỏi thăm một lúc là biết nhà ông ngay.
- Vậy mà cả tuần nay tôi hỏi thăm lung tung nhưng chẳng có ai biết nhà em trọ ở đâu.
- Ồ, ông đừng đến nhà em trọ. Ông cậu em khó lắm, coi chừng ổng hay hiểu lầm đánh chết em.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Hiểu lầm chuyện gì vậy kìa ?
Cô bé cười :
- Em cũng đâu có biết.
Từ khi chúng tôi vào phòng, mặc cho tôi mỏi miệng mời, em vẫn đứng tựa lưng vào tường và để đáp lễ tôi cũng đứng tựa lưng vào bàn nhưng tôi không phải là nhà vô địch đứng lâu nên một lần nữa tôi lại lên tiếng mời em ngồi. Cô bé lắc đầu:
- Không phải em chê ghế có rệp đâu. Em đứng để nhìn những bức tranh kia. Tranh của ông vẽ phải không ?
Té ra là như vậy. Em đứng để nhìn những bức tranh tôi vẽ nguệch ngoạc treo trên tường. Tranh cũng chẳng đẹp đẽ gì nên tôi chối:
- Của một người bạn ở chung phòng. Em thấy thế nào ?
- Tưởng của ông thì em mới "phê bình" còn của người khác thì thôi. Không nên chê khen một người vắng mặt phải không ông ?
Mô phật. Chắc kiếp trước cô bé này là cô giáo bị học sinh ghét nên bây giờ được đầu thai lên làm học trò chăng ?
Cô bé đi lòng vòng quan sát mọi vật trong phòng như quan thuế xét hàng rồi nói :
- Phòng này ấm cúng quá.
- Em muốn nói nó nóng nực vì thiếu cửa sổ ?
- Không em nói thật mà. Em ước mơ có một căn phòng riêng như thế này để học.
Thật may, cô bé cũng không phải là vô địch đi lòng vòng nên sau cùng em đã kéo ghế ngồi xuống nhìn chăm chú tấm ảnh màu tôi cắt từ báo Life để ở dưới mặt kính bàn viết. Ảnh chụp một đôi tình nhân trẻ choàng vai nhau đứng trên cầu nhìn xuống một dòng sông có những đóa hoa forget-me-not. Phía dưới tấm ảnh có in hai dòng chữ.
Time never waits, they often say.
But for love, you know, it may.
Cô bé hỏi :
- Người ta viết gì vậy ông?
Tôi bèn trổ tài làm "thi sĩ" nhìn hình dịch thành thơ.
Thời gian như nước chảy trôi,
Tình yêu vẫn đợi người nơi chân cầu.
Cô bé vỗ tay:
- Hay ghê. Em muốn nói ý nghĩa hay câu đó chứ không phải em nịnh ông làm thơ hay đâu.
Chèng đéc quỉ thần ơi. Em làm tôi cụt hứng. Vậy mà xưa nay tôi cứ tưởng mình đã là thi sĩ vì mỗi lần có tiền rủ bạn bè đi nhậu họ đều khen tôi có "cốt cách thi nhân".
Sau một hồi im lặng, cô bé nói :
- Em đến đây để trả nợ cho ông.
Tôi xua tay :
- Thôi dẹp chuyện nợ nần đó đi . Tôi bớt cho em trăm phần trăm.
Em cười nói :
- Vậy mỗi lần hết tiền em phải đến vay ông mới được nhưng tiếc quá ngày mai em phải dời khỏi đây rồi.
Tôi giật mình hỏi:
- Rời khỏi đây ?
Em gật đầu cho tôi biết gia đình muốn gởi em vào học ở Sài Gòn trong niên khóa tới vì vậy em phải vào trong đó học hè để theo kịp các bạn và quen đường phố. Em nói Sài Gòn chắc vui lắm phải không ông. Em muốn được thay đổi không khí. Ở đây buồn chán quá đọc sách xong em chẳng biết làm gì, ở Sài Gòn em có thể đi xem chiếu bóng. Ông có thích xem chiếu bóng không ? Tôi nói tôi cũng thích chiếu bóng lắm. Tôi thích mọi thứ ở Sài Gòn nhưng tất cả đều không bằng em. Cô bé tròn xoe đôi mắt hỏi :
- Tại sao không bằng em ?
- Tôi thích chúng chứ không yêu chúng.
- Ông chưa đến thời kỳ đọc truyện "một thời để yêu" à ?
- Không phải một thời để yêu con Miu Miu như em đâu. Tình yêu này khác.
Cô bé nhíu mày suy nghĩ rồi lắc đầu.
- Ông nói gì em chẳng hiểu.
Tôi muốn giải thích cho em biết tình yêu đã thấm vào người tôi như những giọt mưa ngay trong đêm tôi bị "cảm" rên hừ hừ. Nhưng khổ nỗi nhìn đôi mắt em, tôi chẳng thể nói lên điều đó. Đôi mắt kia quá ngây thơ, quá tinh khiết và tôi không đủ can đảm đầu độc nó bằng tình yêu của mình. Tôi đành nói :
- Rồi lớn lên em sẽ hiểu.
- Mỗi bữa em đều ăn hai chén cơm, bắt đầu từ ngày mai em sẽ ăn thêm bốn chén cơm.
- Để làm gì vậy, em muốn mập thù lù như cái lu hả ?
- Em muốn mình lớn mau để có thể hiểu được điều ông nói.
Tôi thở dài :
- Khi đó tôi cũng già mau và mọi chuyện đều đổi thay.
- Mùa hè qua rồi mùa hè lại đến, mùa hè lại đến có gì đổi thay đâu.
Tôi biết mùa hè đang qua. Mùa hè sẽ còn qua dài dài. Time never waits... But for love. Tự dưng tôi nổi sùng vì lời tiên đóan của Lốc Cốc Mù Tiên Sinh : Bạn sẽ không hối tiếc vì quen một người. Không phải hối tiếc, thật vậy không ?
Tôi buồn rầu nói :
- Em biết đó, mùa hè có nhiều đổi thay. Trời còn nắng mưa giông bão bất chợt huống gì lòng người.
- Ông sợ đổi thay ?
- Phải, khi mà giữa chúng ta chưa có gì đáng để đổi thay.
- Quả đất tròn rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau.
- Nhưng hai đầu quả đất hơi méo nên chúng ta cũng dễ lạc nhau.
- Em sẽ nhớ mãi hai câu thơ ông đã dịch cho em nghe. Bây giờ khuya rồi, xin phép ông em về.
Tôi không muốn đưa em về tí nào nhưng vì lịch sự tôi đành lủi thủi theo em mở cổng. Khi em nói chào ông, tôi đã nhìn sững đôi mắt em. Đôi mắt to sáng lóng lánh dưới trăng trông đẹp lạ lùng, đẹp lạ lùng hơn cả những gì đẹp lạ lùng ở trần gian này và tôi đứng im chẳng thốt nên lời vì vẻ đẹp lạ lùng đó.
Người ta còn biết nói gì khi đã hiểu mùa hè có nhiều đổi thay.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...