Được nghĩa mẫu dạy dỗ cẩn thận và với tinh thần ham học hỏi, thêm cả tính cần mẫn Thiên Thành cũng nấu được món chè khá là vừa miệng ta. Vậy mà ta đâu có được ăn ngon miệng một cách trọn vẹn. Khi nói đến ranh giới giữa sự sống và cái chết, dẫu biết mọi điều trong cuộc sống này đều là vô thường, nhưng ngay cả các vị thiền sư cũng đã từng giảng dạy rằng, dù đã bỏ qua chấp niệm, tu tập theo phật pháp nhưng trước sự ra đi của bậc cao tăng trong chùa hay người môn đệ, trong lòng họ, nếu nói không một chút xót xa là dối lòng. Nhân sinh vô thường, cõi người chỉ là cõi tạm, nhưng những ân tình chúng ta trao cho nhau đâu phải là tạm bợ? Thậm chí ta và Thiên Thành còn chưa chính thức bắt đầu thực sự vậy mà em ấy nói thiếu chút nữa không thể gặp lại ta nữa rồi. Trung Thành Vương đã cứu mạng em ấy, ta phải phản ứng như thế nào, muốn em ấy phải tránh xa hắn ư. Ta không ở bên cạnh Thiên Thành thì ai sẽ bảo vệ em ấy. Không phải là bây giờ ta không có mặt ở kinh thành thì "nhờ" Trung Thành Vương chăm sóc cho Thiên Thành, rồi khi ta về không cần hắn nữa và lại bắt hắn tránh xa Thiên Thành ra. Ta muốn Thiên Thành có thể thật mạnh mẽ, có thể tự bảo vệ chính bản thân mình.
Lại nói đến chuyện em ấy cứu hươu nai, có tấm lòng nhân hậu, xả thân cứu giúp người gặp hoạn nạn là điều tốt nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho chính mình. Sinh mạng của mỗi con người khi được sinh ra trên cõi đời đâu phải là của riêng mình. Cứu được một sinh mệnh nhưng lại đánh mất sinh mệnh của mình là tội bất hiếu. Giống như ta khi nhảy xuống sông cứu Vi Thủy, ta đã tự trang bị được những kinh nghiệm cứu người đuối nước để làm sao vừa cứu được người vừa không nguy hại đến tính mạng bản thân. Vì vậy đôi khi không phải cứ làm việc tốt thì đó sẽ là chuyện tốt, làm việc tốt đôi khi sẽ khiến một ai đó sẽ rất đau lòng. Đương nhiên ta không thể nói một mạch những điều ta suy tư trong đầu cho Thiên Thành nghe lập tức khi mà ánh mắt em ấy, điệu bộ em ấy thực sự chỉ khiến ta muốn ôm lấy mà cưng nựng. Vì cái vẻ hồn nhiên ấy mà ta chỉ biết thở phào nhẹ nhõm, may là em vẫn bình an, không sao là tốt rồi.
Ta có phải là không bình thường không, với chiều cao của Thiên Thành khi ta ôm em ấy từ sau lưng, cằm của ta sẽ vừa vặn chạm vào mái tóc em ấy, đó là sự vừa vặn thật đẹp. Nhưng ta cũng không thể quá nóng vội như vậy, vì Thiên Thành còn nhỏ, ta đâu có lo sợ gì, chỉ là ta tôn trọng Thiên Thành mà thôi. Mỗi lần gặp Thiên Thành là tâm trí ta lại rối tung lên, và không biết nên phải hành động như thế nào. Đây không phải lần đầu tiên ta có cái suy nghĩ muốn ôm em ấy vào lòng và sau này ta thậm chí còn có những suy nghĩ còn không bình thường hơn cái suy nghĩ này, nhưng không phải như vậy có nghĩa là thứ tình cảm không trong sáng. Chỉ là cái cảm giác muốn ở gần bên Thiên Thành cứ luẩn quẩn trong tâm chí ta, thật là khiến ta cứ bứt dứt trong lòng.
Thiên Thành mặc bộ áo chàm mà những Phật tử hay mặc khi đến chùa, có phải khi em ấy càng giản dị, em ấy trong mắt ta lại càng trở nên trong sáng và thuần khiết đến vậy. Là vẻ đẹp của buổi ban mai, là sự thuần khiết của ánh nắng ấm áp dịu nhẹ. Ta và em ấy sẽ có một tuần ở bên nhau. Ta phải biết ơn nghĩa mẫu lắm vì đã tạo cơ hội này dành cho ta, nếu người cũng muốn ngăn cản ta và Thiên Thành thì đâu có khó khăn gì, chỉ là người biết nhưng cứ thế làm ngơ, đôi khi còn góp gió đẩy thuyền đi. Ta chắp tay sau lưng đi phía trước, ngoái lại thì thấy Thiên Thành cũng chắp tay sau lưng giống ta, miệng thì chúm chím, thật khiến người ta muốn không kiềm chế nữa.
- Anh sắp đi gặt lúa giúp dân làng phải không?
- Em muốn theo ta đi à? Em ở nguyên trên chùa cho ta. - Ta nghi ngờ, sao mà Thiên Thành lại dò la được tin tức nhanh như vậy.
- Anh biết bao lâu rồi em mới được gặp anh không?
- Theo ta cũng được nhưng chỉ được đứng nhìn thôi.
- Thế khác nào người ra trận không đánh, cầm gươm mà để người khác đâm mình. - Thiên Thành của ta vẫn luôn lí sự giỏi như vậy.
Đồng lúa chín vàng mênh mông kéo dài hun hút như sự rộng dài của non nước Đại Việt. Nào ai hoành hoành vó ngựa, cầm cây kiếm để chém giết những con người bình dị, những con người quanh năm suốt tháng chỉ biết có đồng ruộng, nào ai sẽ giẫm nát những cây lúa nặng trĩu mồ hôi, nước mắt và đôi khi là cả máu của người nông dân. Vì đời ta chỉ quanh quẩn với cành lúa nhưng kẻ thù buộc ta cầm trên tay gậy gộc, gươm giáo. Phải sống giữa sự mộc mạc của tình làng nghĩa xóm với niềm yêu thương vô bờ bến của lòng dân, các người mới biết sự ấm áp này ấm áp đến nhường nào. Ở phương Nam xa xôi khi đó ta đã nghe về vó ngựa Mông Cổ, ta đã nghĩ về một viễn cảnh không xa, viễn cảnh ta không mong rằng nó sẽ xảy ra, viễn cảnh ta mong rằng mọi linh tính của ta về nó đều sai lầm.
Ta nghe tiếng cánh đồng lúa xào xạc, làn gió nhẹ thoảng qua dịu dàng, để lại những gợn sóng vàng cứ nối tiếp bắt lấy nhau, đuổi lấy nhau. Đôi lúc, vài chú chim nhỏ bay vụt lên từ thửa ruộng gần đó, tất cả cảnh sắc quê hương đều tràn ngập màu nắng, màu của sự phóng khoáng, màu của khát khao và tự do.
Giữa tiếng đồng lúa xào xạc, giữa tiếng gió thì thầm ta nghe tiếng gọi của em...
Thiên Thành là cô gái nhỏ, thắc mắc tất cả mọi thứ xung quanh em ấy, lần đầu tiên em ấy muốn ta giảng giải cho em ấy nghe về binh pháp, em ấy còn hỏi ta về mưa, hỏi ta về mọi chuyện trên đời. Thực ra thì chuyện đó Thiên Thành có thể hỏi người khác nhưng em ấy đã chọn hỏi ta hay là vì muốn được hỏi ta nên đã đặt ra những câu hỏi như vậy?
Thiên Thành cởi đôi hài ra, sắn cao ống quần, cô công chúa nhỏ của ta chẳng ngại bùn đất chút nào. Các bà, các mẹ cứ nghĩ em ấy chỉ một cô thôn nữ cùng ta và đám thanh niên trai tráng khác xuống giúp dân làng gặt lúa cho kịp vụ.
- Anh còn không mau hướng dẫn em dùng lưỡi liềm này?
Ta đội nón cho Thiên Thành, khoanh tay ngắm nghía lại em ấy:
- Em giống cô nông dân rồi đấy. Thật sự muốn học cách gặt lúa ư?
Thiên Thành gật đầu lia lịa. Liềm dùng để gặt lúa có hình cánh cung và có chuôi để cầm, cách dùng thì không có gì khó khăn nhưng lưỡi liềm khá bén nên nếu không cẩn thận có thể dễ bị đứt tay, đứt chân. Ta hướng dẫn Thiên Thành tay trái nâng những bông lúa, tay phải cầm chiếc liềm sắc cạnh đưa vào ngang thân lúa. Tiếng liềm, tiếng cắt lúa nghe xàn xoạt. Vì mới học cách cầm liềm nên ta đã dặn dò Thiên Thành cứ làm từ từ, chưa cần nhanh như các cô, các cô đã gặt lâu năm nên có nhiều kinh nghiệm, bàn tay cứ thoăn thoắt gặt lúa. Ta nói quả không sai, Thiên Thành mất tập trung, chắc chắn là cứ ngó nghiêng nhìn ta nên lỡ cứa lưỡi liềm vào tay, may là vết cứa không quá sâu. Ta thực sự rất giận dữ, băng bó lại cho em ấy rồi bắt em ấy lên bờ. Nhưng Thiên Thành cứ nằng nặc đòi ở lại, rồi cầu cứu các cô các bà, ta lại đành chịu em ấy thôi. Người đâu lại khiến người ta lo lắng nhiều thế, không yên tâm mà gặt lúa một chút nào. Cơn gió thoảng ngang qua, như dịu đi cái nắng oi ả, chúng ta ngồi tạm xuống nghỉ ngơi, uống vội chén nước. Thiên Thành đã nhanh chóng thân quen với các cô, các bà, lân la lại gần trò chuyện. Biết rằng khi gặt lúa phải khom lưng khá mỏi nên em ấy xông xáo đấm lưng cho các bà đứng tuổi. Ta ngồi đó, chăm chú từng hành động, cử chỉ của Thiên Thành. Đó là cảm giác "muốn bắt em ấy về nhà nuôi".
Khi đã chán chê rồi mới bắt đầu quay về bên ta đây mà, Thiên Thành ngồi xuống cạnh ta. Ta ghé sát tai em ấy thầm thì:
- Đã đến lượt anh được đấm lưng chưa?
- Em tưởng anh không cần, tưởng anh giận em cơ mà. Mà thanh niên trai tráng như vậy thì cần gì?
- Vậy thôi khỏi cần em nữa, ta sẽ...
- Em đấm đây, đấm đây.
Thiên Thành và ta im lặng một lúc, rồi đột nhiên Thiên Thành nghiêm túc đến lạ, em ấy như đang trầm tư suy nghĩ.
- Em thậm chí còn chưa từng đấm lưng cho phụ hoàng và cả mẫu hậu của em nữa. Em cũng chưa từng được cảm nhận tình cảm của người cha dành cho con gái hay cảm giác có mẹ là như thế nào.
Ta cố kéo cái không khí đang trùng xuống lên bằng cách kéo Thiên Thành đứng dậy.
- Tiếp tục chăm chỉ thôi nào.
Nhưng trong đầu ta đã nghĩ đến việc ta sẽ phải làm việc gì đó...
Việc gặt lúa, lội xuống bùn đất giữa trời nắng chang chang, mồ hôi đầm đìa chảy thành từng dòng thấm đẫm lưng áo không phải là chuyện gì đó quá lớn lao đối với những người nông dân cần mẫn. Vì đó là nghề của họ, vất vả là một phần cái nghề của họ nên chẳng ai than phiền đến một câu. Nhưng hôm ấy Thiên Thành của ta rất đáng khen. Ngày hôm ấy em không phải với tư cách của một nàng công chúa Đại Việt cao quý, không phải là thiên kim sống trong nhung lụa mà đơn giản em như một cô thôn nữ, đội chiếc nón lá, sắn cao gấu quần, mặt lấm lem, cầm chiếc liềm gặt lúa. Ta chưa bao giờ thấy em cười rạng rỡ đến vậy...
Em hôm ấy là em đẹp nhất trong những khoảnh khắc đẹp nhất về em trong lòng ta.
Thiên Thành là tên hiệu của một nàng công chúa.
Nhưng ngày hôm ấy ta muốn thất lễ mà gọi tên em.
Khuê Anh!
Người con gái mà ta đem lòng thương!
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...