P1- Chương 13
Đêm đó, Luân tạm ngủ ở một chỗ do Ngọc thu xếp.
Luân đắn đo mãi, sau cùng, liên lạc với Ngọc, từ một trạm điện thoại công cộng, vào gần nửa đêm.
Ngọc chở Luân bằng chiếc xe 2CV, đưa đến căn phố đầu đường Trần Hưng Đạo, đối diện với bar Kim Sơn. Họ theo cầu thang lên tầng trên. Chủ nhà niềm nở đón họ. Đó là một phụ nữ đứng tuổi, vợ một kĩ sư đi kháng chiến và đã tập kết – mà họ gọi là chị Cả.
Sau bữa cơm – tuy bất thường song rất tươm tất – Luân và Ngọc nằm chung trên đi-văng, trao đổi đến tận sáng.
Ngọc – một công chức cỡ chủ sự của Pháp, ra khu vào năm 1947, khi Ủy viên Nội vụ Ung Văn Khiêm thay mặt Chính phủ kháng chiến Nam bộ kí chỉ thị số 4/NV lệnh cho tất cả các công chức chấm dứt sự hợp tác vơi Pháp. Anh phục vụ ở Sở Tài chính Nam Bộ, là một cán bộ có cương vị cao, liền sau Ủy viên Tài chính Nguyễn Thành Vĩnh. Anh được kết nạp vào Đảng.
Hòa bình lập lại, Ngọc tình nguyện chiến đấu tại chỗ và Xứ ủy điều anh về Sài Gòn, giao cho nhiệm vụ tình báo kinh tế. Ngọc là người Sa Đéc, mối quan hệ cũ của anh khá rộng. Em trai anh đang là trung tá quân đội Cao Đài, phụ trách hậu cần. Anh vốn là bạn học với Đinh Quang Chiêu, bây giờ được Ngô Đình Diệm chỉ định làm chủ tịch cơ quan ngoại hối, hàm tổng trưởng. Hơn nữa, anh với anh em Lại Văn Sang, Lại Hữu Tài – những yếu nhân của Bình Xuyên – là đồng hương. Ngọc về thành trước Luân vài tháng. Công việc của anh trót lọt. Nhờ Đinh Quang Chiêu giúp, anh góp cổ phần với một tư sản di cư mở xưởng dệt vải – xưởng bắt đầu khá phát đạt.
Theo phân công của tổ chức, Ngọc nhận chỉ thị ở Luân.
*
- Bọn nào?
Luân và Ngọc phân tích sự việc vừa rồi, lật tới lật lui các mặt. Không phải Lại Văn Sang – Ít nhất Sang chưa có lợi khi hại Luân lúc này. Không phải Cao Đài hay Hòa Hảo, với họ, Luân chưa là cái gì buộc họ bận tâm. Bác sĩ Tuyến càng không hành động kiểu đó. Phòng nhì Pháp? Có thể. Song, Phòng nhì đang chúi mũi vào hàng tá công việc gấp rút, nhằm sửa soạn cho bọn thân Pháp cự lại bọn thân Mỹ. Tình báo Mỹ? Chưa thể. Tình báo Mỹ còn ở vào thời kì gây dựng cơ sở, chưa hành động. Trung tâm tình báo? Sự bàn giao giữa hai giám đốc chưa xong, lực lượng xáo trộn, chưa thể hành động. Thế thì, ai? Phương pháp loại trừ ấy làm nổi lên Nha An ninh quân đội. Đến 90% là Mai Hữu Xuân nhúng tay vào. Mười phần trăm nghi vấn bị xóa bỏ khi Luân nhớ lại một hung thủ nhắc đến trong nghĩa địa, một thiếu tá nào đó.
- Tôi nghĩ như vầy, anh tính coi được không? – Ngọc chồm dậy – Vài hôm nữa, Lại Văn Sang đãi cơm tôi. Và muốn tạo thanh thế, nên mời đủ tai to, mặt lớn. Anh đến để tụi nó biết anh đang đàng hoàng sống ở Sài Gòn, có thể hạn chế ít nhiều các trò làm ẩu của tụi nó. Mai Hữu Xuân dầu thâm độc đến đâu cũng phải dè dặt. Thằng đó rất nguy hiểm, không đề phòng là mất mạng với nó. Thomas Bocal – tên thì Tây nhưng thiệt là Việt, hình như có lúc liên lạc với anh ở Phòng Mật vụ - chỉ sơ hở một chút khi chuyển thơ vô khám cho anh em mình liền bị nó khử… Theo tôi biết, Ngô Đình Nhu cũng ớn nó.
*
Nhà riêng của đại tá Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia Lại Văn Sang nằm sâu trong một vườn um tùm, trên đường Garcerie, đằng sau nhà thờ Đức Bà. Buổi dạ tiệc tưng bừng và kéo dài. Dàn nhạc Công an Xung phong liên tiếp chơi những bài hành khúc làm nền cho dạ tiệc. Dạ tiệc còn đón cặp tài tử Hongkong lừng lẫy Mã Sư Tăng và Hồng Tuyến Nữ - đển trình bày một số nhạc phẩm chọn lọc. Lại Văn Sang mời luôn đoàn nghệ sĩ bắn súng Texas – họ được thù lao trọng hậu đến nỗi bỏ hẳn buổi biểu diễn ở Nhà hát Tây đã bán vé rồi, hoàn lại tiền cho khán giả.
Luân và Ngọc được Sang đón ngoài cổng. Cả hai là “cây đinh” của dạ hội.
- Hân hạnh làm quen với ông kĩ sư!
Lại Văn Sang trong bộ quần áo chỉ huy – ông ta rất thích bộ quần áo gabardine cấp tướng mặc dù ông ta mới là đại tá – nắm tay Luân thật chặt. Dong dỏng cao, gân guốc, Lại Văn Sang quả không hổ với danh tiếng thủ lĩnh Bình Xuyên của mình, qua đôi mắt lầm lì, giọng nói rổn rảng. Ông ta sóng đôi với Luân bước vào khu vườn đã trang trí thành nơi tiếp tân ngoài trời – thanh lịch và sang trọng.
Ngô Đình Nhu và vợ đứng lên chào Luân. Đây là lần đầu tiên Luân chạm mặt Trần Lệ Xuân, một phụ nữ bắt đầu được dư luận Sài Gòn nói tới trong dạng hư hư thực thực, y như chuyện Liêu Trai của Bồ Tùng Linh.
- Tôi nghe nhà tôi nói về ông kĩ sư… Thật sung sướng được làm quen – Trần Lệ Xuân đặt bàn tay dịu dàng trong tay Luân, nói rất duyên dáng.
- Chắc là ông Nhu thêm thắt về tôi. Mong bà đừng tin… - Luân tươi cười đáp lại.
Lại Văn Sang mời Luân và Ngọc ngồi cùng bàn với vợ chồng Nhu.
Liếc qua quan khách, Luân biết đúng như Ngọc nói, cả “Sài Gòn thượng lưu” có mặt. Đám quân nhân khá đông chiếm mấy bàn bên cạnh, hai sĩ quan cấp tướng tựa lưng vào ghế, khẽ gật đầu chào Luân. Luân đoán đó là thiếu tướng Lê Văn Tỵ và thiếu tướng Nguyễn Văn Vĩ. Cũng không ít người ngoại quốc – hẳn là người của các sứ quán và phái đoàn.
- Ông lên Sài Gòn mấy hôm rồi? - Nhu hỏi.
- Tôi chờ ông mãi. Sao ông không đến?
Nhu nói khẽ. Luân chỉ cười mỉm như xin lỗi.
- Ông đến nhé, ta có nhiều việc để bàn!
Trong cách nói, Nhu vừa xem Luân như người nhà vừa như người đương nhiên dưới quyền của anh ta.
Lại Văn Sang bước lại sàn gỗ, nơi đặt micro:
- Thưa các thân hữu! Hôm nay, tại tư thất, tôi mời các thân hữu đến chia vui với tôi. Tôi có một người bạn học, lại là đồng hương, hai chúng tôi cùng làng, cùng học một trường hồi nhỏ. Người bạn của tôi đi kháng chiến và nay trở về. Trong kháng chiến, người bạn của tôi giữ một địa vị cao cấp ở Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Người bạn đó là anh Cò mi(1) Nguyễn Văn Ngọc.
Ngọc đứng lên giữa tiếng vỗ tay rào rào, anh cúi mái đầu đốm bạc đáp lễ bốn phía. Dàn nhạc Công an Xung phong đánh một bản giật gân. Tràng pháo cực dài, buông thõng từ một cành đa nổ giòn.
Đợi tiếng pháo dứt, Sang nói tiếp:
- Một người thứ hai, tuy không phải đồng hương, đồng học với tôi song tôi mến mộ đã lâu, mà tôi tin là không xa lạ với các thân hữu. Tôi xin giới thiệu Kĩ sư Robert Nguyễn Thành Luân, Trung đoàn phó quân đội kháng chiến!
Luân đứng lên. Anh lợi dụng lúc đáp lễ quan khách mà tìm kiếm. Một người to lớn vừa chạm mắt Luân đã lẩn tránh. Y là Trịnh Khánh Vàng. Luân buồn cười nhớ tới Khu bộ phó dốt đặc nghề binh nhưng sành sỏi nhảy đầm và gái. Y biết mắc cỡ, cũng còn một chút tự trọng. Nghe đâu y với Trần Văn Ân, Hồ Hữu Tường đầu quân dưới trướng Bảy Viễn. Với lũ tham mưu này, Bình Xuyên không táng gia bại sản thì thật kì.
- Không có hắn ở đây!
Ngọc nói khẽ vào tai Luân. Họ muốn tìm Mai Hữu Xuân.
- Đáng lẽ thiếu tướng Lê Văn Viễn cũng đến chia vui với tôi, song Ngài bận công vụ ở dưới Long Xuyên, nên có lời cáo lỗi – Sang nói tiếp. Rõ ràng, Sang muốn phô trương với Nhu, Tỵ rằng Bình Xuyên đang thắt chặt liên minh với các giáo phái, lại bắt bồ với những người kháng chiến cỡ bự, chớ mà đùa với Bình Xuyên.
Môi của Trần Lệ Xuân cong lên. Nhu thì một mực thản nhiên.
- Vậy, tôi xin mời thân hữu nâng li chúc mừng sức khỏe hai bạn kháng chiến của tôi, chúc mừng buổi hội ngộ hôm nay!
Qua tuần khai vị, Hồng Tuyến Nữ và Mã Sư Tăng hát một lúc ba bài: “Tô Châu dạ khúc,” “Hà nhật quân tái lai” và “Kim thiên bất hồi gia.” Không khí buổi dạ tiệc lắng xuống khi Hồng Tuyến Nữ cất giọng. Quả đúng là danh ca.
Lại Văn Sang đưa Luân và Ngọc đi từng bàn. Luân thầm cảm ơn Ngọc đã có một sáng kiến lớn. Không phải chỉ với ý nghĩa giới thiệu sự có mặt của Luân – mà đấy là dịp rất hiếm giúp Luân đo lường các loại thế lực tuy đang thơn thớt nói cười, song đều thủ những ngọn dao cực bén trong tay, rình rập nhau và sẵn sàng nhảy bổ vào nhau.
Lê Văn Tỵ bắt tay Luân và ông ta nói một câu có vẻ như không chủ động:
- Tôi cũng có đi kháng chiến!
Luân biết mặt biết tên được khá nhiều người: Lâm Văn Phát, Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Trần Văn Đôn… những sĩ quan cấp tá.
Trong số khách nước ngoài, Luân chào James Casey, thiếu tá tùy viên của tướng Mỹ O’Daniel; và De Chauvine, cũng thiếu tá, tùy viên của tướng Pháp Paul Éli.
Sau cùng, Trịnh Khánh Vàng không trốn được đã phải đứng lên:
- Anh Bảy mạnh giỏi?
Y lúng túng chào Luân.
- Cám ơn… – Luân đáp lại, không vồn vã song cũng không lạnh lùng.
Trước khi trả Luân và Ngọc về chỗ, Lại Văn Sang bảo nhỏ Luân:
- Ông kĩ sư đề phòng con mụ Lệ Xuân hớp hồn. Nó làm cho quốc trưởng sạt nghiệp, tướng Hinh thân bại danh liệt. Nó là con quỷ cái!
Luân mỉm cười.
- Tôi nói thiệt, ông đừng coi thường nó!
Luân không cười nữa, tỏ vẻ hiểu ý Sang. Trong bụng, Luân cười thật sự: Ngang tàng như Sang lại sợ một người đàn bà – rất đẹp song đã quá tuổi con gái từ lâu.
Luân vừa ngồi trở lại bàn thì cũng chính Lại Văn Sang đưa đến một cô gái.
Cô chắc không quá trẻ như thoạt nhìn – son phấn và ánh đèn đánh lừa mọi ước đoán về tuổi tác của cô. Trong chiếc áo đen hở cổ tận vai, chiếc váy thật cao; những gì cần che giấu trên thân thể một cô gái được cô cố ý phơi bày và phải công nhận cô có một sức hút mãnh liệt.
- Tôi muốn mời hai anh thưởng thức “cây nhà lá vườn.” Đây là cô Tiểu Phụng, nữ trợ tá của quân đội Bình Xuyên, tặng hai anh và các bạn hữu một bài hát… - Sang nói.
Cô gái tên là Tiểu Phụng nghiêng người bắt tay Ngọc và Luân.
- Cám ơn… - Luân lúng búng. Anh cau mày và vừa nhận thấy Nhu mỉm cười.
Tiểu Phụng uyển chuyển lên sàn gỗ. Chân cô đeo hai vòng kiềng bạc và bước đi của cô thành mục tiêu nhìn theo thèm thuồng của hầu hết buổi dạ tiệc.
Không giới thiệu, Tiểu Phụng cất tiếng hát liền. Cô hát bài “Trung Hoa dạ khúc.” Vừa hát, Tiểu Phụng vừa ngó Luân.
Cô có giọng trầm rất hay:
- Shina no yoru…
Luân ngoảnh lại phía sau. Người ta hau háu, không rõ vì giọng hát hay vì những cái khác.
- Cô ấy đẹp quá phải không ông kĩ sư – Lệ Xuân nói.
- Tôi không quen với cách cố tình quảng cáo cái đẹp và do đó, tôi chưa thấy cô ấy đẹp. Nhưng cô ấy hát hay…
Chắc chắn là Lệ Xuân phật ý về câu trả lời của Luân: Bản thân Lệ Xuân cũng mặc áo hở cổ…
Tiểu Phụng phải hát ba lần. Hát xong, cô trở lại ngồi cạnh Luân, có vẻ kênh kiệu. Luân bắt tay cô:
- Tại sao cô hát một bài tiếng Nhật mạt sát dân tộc cô, dân tộc Trung Hoa? Cô có hiểu bài hát nói cái gì không?
Tiểu Phụng ngó Luân trân trối, vẻ kênh kiệu biến mất.
*
Mai Hữu Xuân vò nát tấm thiếp của Lại Văn Sang mời Xuân dự dạ tiệc. Tấm thiệp ghi rõ lí do dạ tiệc: mừng Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Thành Luân.
Thiếu tá Vọng đứng như trời trồng:
- Đã vầy, còn rê chiếc motobécane về! Đồ ngu!
Xuân đay nghiến:
- Nếu mất dấu nó thì đáng lẽ phải giả như chuyện đuổi bắt chỉ là sự hiểu lầm… Sau này, ta tính cách khác… Đồ ngu! Ông cố vấn thế nào cũng biết.
- Nó không thể biết mình ra tay đâu! – Thiếu tá Vọng tìm cách an ủi cấp trên mà cũng nhằm gỡ nhẹ thiếu sót của ông ta.
- Sao lại không biết? – Xuân rít qua kẽ răng – Làm một analise(2) nhỏ thì biết liền. Thiếu tá chưa hiểu gã Luân nầy đâu…
(2) Phân tích
- Trung tá cho tôi vài hôm. Từ bữa đó, nó lặn mất tiêu. Nhưng mà thế nào tôi cũng mò ra. Lần sau, nó độn thổ cũng không thoát!
- Trời đất! – Xuân tru tréo – Ngu đến mức anh thì tôi chịu thua. Từ giờ, anh chỉ được theo dõi nó, thu thập tin tức của nó cho tôi, cấm tuyệt đối không được đụng nó. Giả tỉ nó gặp mặt tụi rượt bắt nó hôm nọ thì phải chạy trốn cho lẹ, đừng để nó nắm đầu… Hiểu chưa?
- Dạ!
- Còn chiếc motobécane… Thiệt là đồ ngu!
Xuân ngừng một lúc:
- Bí mật đem lại nhà kĩ sư Gustave, dựng ngoài cửa… Trả cho họ.
Thiếu tá Vọng ngơ ngác. Xuân gắt:
- Cứ làm như vậy. Cho nó hiểu: Ta sòng phẳng, ta và nó tạm thời hưu chiến. Hiểu chưa?
Thiếu tá Vọng đi khá lâu rồi, Mai Hữu Xuân vẫn ngồi yên tại chỗ.
*
Đoàn nghệ sĩ Texas biểu diễn nhiều kiểu bắn súng độc đáo: bắn nằm, bắn ngồi, bắn ngược, bắn liên thanh, bắn đâu trúng đó.
Bữa dạ tiệc ồn ào. Đã uống đến tuần rượu thứ sáu, thứ bảy. Các cô mặc áo dài Thượng Hải, tới tấp mang thức ăn cho các bàn.
James Casey mặt đỏ bừng, lên sàn gỗ nói cái gì đó với người trưởng đoàn. Cả hai cười. James gắn vào cột một khẩu Remington đã lên đạn, đặt qua cò một thanh gỗ. Hắn ta đo đạc tầm cao của nòng súng, điều chỉnh cho nòng súng chĩa thẳng vào chiếc nón rộng vành của hắn. Lùi khỏi nòng súng chừng mười bước, James Casey ra hiều cho dàn nhạc ngừng, khẽ cúi chào quan khách.
Lại Văn Sang nói vào micro:
- Thiếu tá James Casey muốn góp vui với chúng ta. Xin giới thiệu!
James Casey rút khẩu Vesson ngắn nòng trong bao đính ở thắt lưng, từ từ đưa lên. Hắn bắn vào thanh gỗ, thanh gỗ đập vào có khẩu súng Remington. Hai tiếng nổ nối nhau, chiếc mũ rộng vành của hắn trúng đạn, bay xuống đất.
Quan khách khoái trá, vỗ tay vang động. James Casey rời sàn gỗ.
Đoàn nghệ thuật toan tiếp các tiết mục mới thì De Chauvine đưa tay ngăn lại, sau khi nói khẽ với Lại Văn Sang.
- Thưa các thân hữu, thiếu tá Mỹ James Casey vừa cho ta thấy tài năng của ông. Thiếu tá Pháp De Chauvine lại sẵn sàng giúp vui… Xin thân hữu chờ đôi phút.
Một người giúp việc mang ra cho De Chauvine một hộp banh tennis. De Chauvine lên sàn gỗ, không xã giao gì cả tung từng quả banh lên trời và bắn một loáng sáu phát, trúng cả sáu quả bằng khẩu Saint Etienne.
De Chauvine được chào đón cuồng nhiệt – cuồng nhiệt hơn cả James Casey nhiều.
- Công bằng mà đánh giá, thiếu tá James Casey dày công luyện tập hơn… - Luân nói với Nhu.
- Ông nói đúng. Song, ông thấy đấy, một thiên lệch!
Nhu đáp lại.
- Biểu diễn nghệ thuật cũng bị thời tiết chính trị chi phối – Luân nhận xét hóm hỉnh.
Xôn sao trong các bàn nhiều quân nhân người Việt. Một người nào đó – một sĩ quan cấp tá – nói nhỏ với tướng Vĩ rồi tướng Tỵ. Cả hai lắc đầu. Số còn lại giả vờ không thấy cuộc vận động nầy, cắm cúi vào li rượu.
- Chẳng lẽ chỉ sĩ quan Mỹ, sĩ quan Pháp có tài? Còn sĩ quan Việt? Ai lên gỡ sĩ diện cho tụi mình nào?
Người nói là thiếu tá Lâm – đang làm việc ở bộ tổng tham mưu
- Vậy thì xin mời thiếu tá Lâm! – Một đại úy đã chếnh choáng hét to.
- Tôi bất tài… Nếu tôi có tài, khỏi cần mời!
Lâm trả lời ảo não.
- Tôi nghĩ là ông kĩ sư đủ sức gỡ sĩ diện, phải vậy không?
Trần Lệ Xuân nói nhẹ vào tai Luân. Luân mỉm cười:
- Không nên đùa với súng!
- Nhưng mà sĩ diện? – Lệ Xuân cau mày.
- Chắc bà đồng ý sĩ diện, nếu có, không phải là chuyện của tôi! – Luân nghiêm mặt.
- Không phải là sĩ diện riêng của sĩ quan. Tôi hiểu đó là sĩ diện của tất cả người Việt Nam – Lệ Xuân vẫn ngoan cố.
- Thế bà quên rằng người Việt Nam đã làm cái gì ở Điện Biên Phủ? – Luân vẫn lạnh lùng.
- Chỉ huy với xạ thủ, đôi khi không thể là một người – Ngô Đình Nhu dàn hòa nhưng vẫn có ngụ ý – Ông kĩ sư là chỉ huy!
Luân bỗng tươi cười:
- Tôi chiều bà Nhu vậy… Tiếc là tôi không có súng.
Lệ Xuân mở chiếc xắc tay, lấy ra khẩu Walter mạ kền cỡ 6,35 đưa cho Luân.
- Ông kĩ sư có thể dùng…
Mụ đổi giọng:
- Người ta gọi súng này là súng bắn ghen. Với anh Nhu, nó thất nghiệp. Với ông kĩ sư nó có thể hữu ích.
- Tôi không thích bắn súng trong hòa bình – Luân tháo một viên đạn ra khỏi băng, dùng dao bàn nạy đầu viên đạn – nhưng sẽ cố gắng, mong tôi không làm trò cười giữa đây…
Luân vo tròn ruột bánh mì, lắp thay đầu đạn.
Ngọc trước sau chỉ cười tủm tỉm. Còn Tiểu Phụng thì lặng lẽ.
- Bây giờ tới lượt một chiến hữu Việt Nam trổ tài! – Lại Văn Sang gào to – Xin mời Kĩ sư Nguyễn Thành Luân.
Tất cả những người có mặt im phăng phắc theo bước khoan thai lên sàn gỗ của Luân. Trong bộ tropical xám tro, Luân nho nhã như một học trò. Đến sàn gỗ, Luân nghiêng người chào quan khách, đám sĩ quan lập tức vỗ tay nhiệt liệt. Luân chờ đợi mãi, mấy lần ra hiệu xin lỗi. Khi tiếng vỗ tay ngưng, Luân nói từ tốn:
- Thưa quý vị, bất đắc dĩ, dân tộc Việt Nam mới phải dùng súng. Như quý vị thấy tại đây, tiếng ca hát bao giờ cũng dễ thương hơn tiếng súng. Song, trong không khí thân hữu, vì bè bạn muốn, tôi đành đùa với súng đạn một lần. Đùa trong dạng tuyệt đối không gây nguy hiểm… Tôi mời thiếu tá De Chauvine và thiếu tá James Casey lên đây, cùng dự trò vui với tôi.
Chỉ có một người vỗ tay hoan hô Luân: Tiểu Phụng.
De Chauvine đặt vội điếu thuốc hút dở lên bàn, bước lên sàn gỗ.
- Xin thiếu tá De Chauvine cầm cho điếu thuốc của thiếu tá! - Luân nhắc.
Khi De Chauvine và James Casey có mặt trên sàn gỗ, Luân mời James Casey một điếu thuốc.
- Xin thiếu tá De Chauvine châm lửa cho thiếu tá James Casey bằng chính điếu thuốc của mình! – Luân nói, tiếng Pháp.
De Chauvine chìa điếu thuốc cho James Casey. Viên thiếu tá Mỹ đặt đầu điếu thuốc của mình vào điếu thuốc của De Chauvine. Hít mấy hơi, Luân nâng khẩu Walter và bóp cò. Đóm lửa ở hai đầu điếu thuốc bị hất, xòe ra những chấm đỏ rồi tắt ngấm.
Trong tiếng hoan hô như điên của quan khách, nhất là của đám quân nhân, Luân bắt tay De Chauvine và James Casey. Anh trả khẩu súng cho Lệ Xuân. Mắt và môi ướt rượt, Lệ Xuân thì thào vào tai Luân:
- Ông bắn giỏi quá!
Tiểu Phụng cũng chúc mừng Luân. Song với câu:
- Ông nói giỏi quá!
Nhu chúc mừng Luân:
- Ông là một xạ thủ có hạng. Dụng ý của ông còn cao hơn: dập tắt ngọn lửa do người Pháp chuyền cho người Mỹ.
Luân, qua nhận xét đó, hiểu thêm anh đang chơi với một con người có cái đầu như thế nào…
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...