P3 - Chương 13
- Thế nào? – Nhu hỏi Bác sĩ Trần Kim Tuyến trước khi bước lên lưng voi. Luân đã ngồi trên bành một con voi khác.
- Thưa, nơi gặp là một buôn không xa quốc lộ 14. – Tuyến trả lời.
- Đã nettoyer(1) kĩ chưa?
(1) Càn quét
- Thưa bộ tự lệnh quân đoàn 2 dùng ba tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn thiết kị, có máy bay trinh sát, lùng sục hơn tuần lễ nay. Quanh buôn, từng lùm cây đều được thám sát.
- Được, ta khởi hành.
Đoàn voi theo con đường rừng đã phát quang tiến vào một vùng đồi núi thuộc huyện Buôn Hồ. Đi trước đoàn voi là mấy chiếc Land Rover mui trần đầy ắp lính, súng lên đạn, trong tư thế sẵn sàng đánh nhau. Đoạn hậu là cả nửa tá GMC, cũng nhung nhúc lính. Bụi cuốn mù mịt. Chen lẫn với tiếng xe là tiếng các sĩ quan truyền tin rống qua bộ đàm.
Ngồi trên bành voi, khẩu súng săn hai nòng gác ngang, Luân giống một người nhàn tản, nhìn toàn cảnh với vẻ châm biếm.
“Gặp một thủ lĩnh chưa phải là đầu sỏ của Fulro, người ta đã huy động chừng nầy binh mã. Trên thực tế, Ngô Đình Nhu nơp nớp sợ hãi. Có lẽ điều có ý nghĩa là anh ta dám hành động ngay khi chưa nắm trọn vẹn phần thắng trong tay.”
Nhu cho voi lên ngang Luân. Trong bộ quần áo thủ lĩnh thanh niên cộng hòa, bê rê đính phù hiệu đội lệch, Nhu như ngang tàng hơn ngày thường.
- Tôi đọc khá nhiều sách phiêu lưu, song đây là lần thứ nhất trong đời, tôi phiêu lưu thật sự! – Nhu nói to.
- Không phiêu lưu nhiều lắm đâu! – Luân cuời. Nhu nhún vai, ra vẻ không tán thành nhận xét của Luân.
- James Casey đón chúng ta, mọi sự nhất định yên ổn! - Luân nói.
Trên đường, thỉnh thoảng họ gặp những tốp người Thượng đi bộ về Buôn Mê Thuột, họ mang đi đổi những gùi nặng trĩu để lấy một ít mắm muối. Những người Thượng đó nép tránh đoàn, vẻ mặt rất xa lạ.
Nhìn khẩu súng của Luân gác ngang bành, Nhu hỏi vọng sang:
- Anh không sẵn sàng bắn thú sao?
Luân cười:
- Chưa chắc ta có thể gặp một con cheo!
Nhu cười theo:
- Thôi, hôm sau, tôi với anh sẽ đi săn đúng với nghĩa của nó.
- Nhưng hôm nay, như anh nói, anh cũng đi săn. Chỉ có điều anh không săn thú rừng và không dùng súng. Bẫy rập cũng có thể bắt được con mồi! - Luân nhận xét hóm hỉnh.
- Nói cho cũng, đó cũng là một loại thú rừng! – Nhu gằn giọng. Lời lẽ của Nhu khiến Luân nhớ đến ván cờ hôm nào. Trong khi chơi cờ với Luân, Nhu đã hàm ý đánh giá tất cả mọi người như một loại tốt. Và bây giờ tất cả như là thú rừng. Luân thầm nghĩ: có lẽ quyển sách mà Nhu say mê nhất là quyển Mein Kampt(2) của Hitler. Hitler cổ vũ cho thuyết “không gian sinh tồn” và cực lực tô vẽ cho dòng máu Aryen. Còn Nhu phạm vi hẹp hơn, gã muốn thần thánh hóa họ Ngô Đình. Với gã, biện pháp nào cũng tốt, miễn đạt mục đích.
(2) Cuộc chiến đấu của tôi.
James Casey đón đoàn quân bên ngoài cổng buôn. Hắn đi ngựa, cùng với ba người Thượng cũng đi ngựa.
Mọi người trong đoàn xuống voi. James Casey, xuống ngựa đến bắt tay Nhu và đoàn tùy tùng.
- Tôi hi vọng ông cố vấn vui vẻ trong chuyến đi nầy.
Nhu không trả lời James Casey, hỏi lại:
- Tới nơi rồi chứ?
- Vâng, non trăm bước nữa thôi.
Theo yêu cầu của chủ, xe cộ và voi phải để bên ngoài. Khách vào buôn không mang vũ khí. Đó là những điều đã thỏa thuận. Tuy nhiên, trước khi bước qua cổng, Nhu hỏi khẽ Luân:
- Anh có nhớ thủ súng ngắn không?
Luân cười. Cái cười bình thản của Luân đã trấn an được Nhu. Đi theo Nhu có nhiều sĩ quan, thậm chí có cả đại tá tổng giám đốc cảnh sát. Nhưng, Nhu thừa hiểu những kẻ như Phạm Xuân Chiểu chưa chắc đã bắn trúng con voi khi cách nó chỉ mươi thước.
James Casey sóng đôi với Luân, đi đầu. Luân hỏi:
- Ông lên đây bằng ngựa?
James Casey gật đầu:
- Tôi là người Texas, quen chăn thú trên lưng ngựa.
Nói xong, hắn cười khanh khách.
Buôn Krong Đê, như mọi buôn của người Rhađê, nằm trên một quả đồi đã biến thành nương. Mùa ngô đã qua, những mảnh nương nghiêng nghiêng thân ngô vàng úa. Rất ít màu xanh. Những túp nhà lụp xụp, che kín mít, chông chênh trên những cột xiêu vẹo, dấu hiệu của nếp sinh hoạt du cư. Qua hết những dãy nhà xác xơ, đoàn khách lọt vào trung tâm buôn, cạnh một dòng sông nhỏ đang cạn nước, rợp bóng tre. Ngôi nhà rông, tuy lợp lá, được chạm trổ khá tỉ mỉ. Nó sừng sững như một giáo đường.
Hai hàng lính Fulrô, vận trây-di, bê rê đỏ, súng trường Saint Étienne mới toanh, đứng nghiêm. Một thanh niên – Luân đoán chắc là người Chàm – cũng trong bộ trây-di, đi giày da, súng ngắn trên lưng, tiến ra sân, chào Nhu.
- Tôi là đại tá Đoàn Chí Khoa, tổng tham mưu phó, hân hạnh đón ông cố vấn của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và các vị cùng đi.
Đoàn Chí Khoa còn quá trẻ so với cấp đại tá và chức tổng tham mưu phó, có lẽ anh ta không hơn hai mươi lăm tuổi. Trần Kim Tuyến nói vào tai Luân:
- Y là thầy giáo trường trung học Phan Rang, tư tình với vợ tỉnh trưởng, dẫn cô đó trốn lên đây.
Đoàn Chí Khoa hướng dẫn khách lên cầu thang vào nhà “rông.”
“Tay Eban tự ra giá khá cao. Hắn không thèm ra chân cầu thang đón Nhu!” – Luân nhận xét trong bụng.
Eban chẳng những không xuống chân cầu thang mà cũng chẳng đứng ngay cửa nhà rông. Anh ta ngồi trên một chiếc ghế tựa lót da hổ đặt giữa nhà. Chỉ khi đoàn khách đã lọt hẳn vào nhà, anh ta mới nhỏm dậy. Sau lưng anh ta sáu cận vệ cắp Thompson, nhìn đoàn khách bằng cặp mắt ác cảm.
- Chào Ngài Eban! - Nhu nghiêng người.
- Chào ông cố vấn! – Eban chìa tay kiểu kẻ bề trên cho Nhu.
Eban mời khách ngồi trên những tấm thảm Kênap sặc sỡ. Trong nhà duy nhất có mỗi chiếc ghế dành cho chủ. Phải cần vài phút đoàn khách mới cởi xong giày. Tất nhiên có những người khách khó nhọc lắm mới có thể ngồi xếp bằng… Máy ảnh lóe lên. Eban sẽ có được vài tấm ảnh thú vị. Anh ta ngất ngưởng trên ghế còn các quan chức của Chính phủ thì ngồi bệt trên sàn.
Chừng đó việc đã báo cho Luân biết anh chạm trán với một tay không vừa. Buôn Krong Đê hẻo lánh vẫn thông thương với thế giới bên ngoài và đó là vấn đề buộc Ngô Đình Nhu phải đích thân lên đây.
Eban trạc trên ba mươi tuổi, người cao, có sức khỏe. Anh ta mặc một bộ quan phục kiểu Liên hiệp Pháp bằng gabardin, đi ủng dành cho kị sĩ. Đôi mắt sâu, cằm bạnh, tóc xoăn, Eban đúng là mẫu người Rhađê tiểu biểu: háo thắng, kiên quyết, thông minh.
Luân đã được Bác sĩ Trần Kim Tuyến thông báo về lí lịch Eban: con trai cả một tù trưởng thế lực nhất vùng Buôn Hồ, cai quản trên mấy nghìn hộ, học tiểu học ở Buôn Mê Thuột, trung học ở Licée Sisewath Nam Vang, đại học Y Sài Gòn, chưa tốt nghiệp, song thích xưng là bác sĩ, từng đóng lon đại úy, có vợ, một người Rhađê, một người Hoa lai Khơ-me và một Việt – chính là vợ tỉnh trưởng Ninh Thuận mà Đoàn Chí Khoa đưa lên đây và Khoa đổi cô gái đó cho Eban để lấy chức đại tá Tổng tham mưu phó.
- Tôi xin giới thiệu với Ngài Eban những người cùng đi với tôi: Đại tá Phạm Xuân Chiểu, tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, chắc ông đã nghe tiếng. – Nhu mở đầu cuộc đối thoại.
- Hơn cả nghe tiếng! Tôi từng mạn phép giữ có lẽ đến vào chục người của ông đại tá từ Sài Gòn lên Buôn Hồ dòm ngó. – Eban cười rộ - Song, ông đại tá yên tâm, họ được cư xử đúng với lề luật văn minh!
Nhu hơi cau mày, nhưng vẫn nói tiếp:
- Còn đây, Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị, Bác sĩ Trần Kim Tuyến.
- Tôi quá quen bác sĩ. Lần này chúng ta gặp nhau là lần thứ sáu phải không bác sĩ?
- Lần thứ bảy! - Tuyến mau miệng.
- À! - Eban đỏ mặt – Lần chúng ta bị các cô gái bao vây ở Đà Lạt không tính, bởi vì lần đó chúng ta không nói chuyện chính trị.
- Và, đây là Thiếu tá Nguyễn Thành Luân, sĩ quan trong tham mưu biệt bộ của Tổng thống.
Eban ngưng cười, nhìn Luân khá lâu, rồi rời ghế đến trước Luân, chìa tay ra bắt..
- Tôi nghe tiếng ông kĩ sư… Enchanté!(3)
(3) Hân hạnh!
Khi Eban trở lại ghế, Nhu nói đĩnh đạc:
- Thưa Ngài Eban!
Eban đưa tay ngăn Nhu:
- Tôi là Ymơ Eban… Eban là họ. Người Rhađê chúng tôi theo mẫu hệ. Eban là họ mẹ tôi.
Eban nói tiếng Kinh rất trôi chảy, hoàn toàn không vướng chút âm sắc Rhađê nào. “Tay nầy chắc nói tiếng Pháp giỏi.” – Luân nghĩ.
- Xin lỗi! – Nhu vẫn trịnh trọng – Thưa Ngài Ymơ Eban, thay mặt nhóm người Thượng li khai…
Eban lại khoát tay ra hiệu cho Nhu ngưng nói:
- Cest inexact(4)! Tôi là thiếu tướng, ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận thống nhất giải phóng các sắc tộc bị áp bức - Front Unite de Liberation des Races Opprimees – gọi tắt là Fulro. Chức vụ của tôi hiện nay là Tổng tham mưu trưởng. Các ông có một lầm lẫn đáng tiếc khi đánh giá cả một lực lượng của chúng tôi ngang một nhóm li khai. Li khai cái gì? Chúng tôi có theo các ông đâu mà gọi là li khai?
(4) Không chính xác!
Giọng Eban càng về sau càng gay gắt.
- Tôi hiểu! - Luân cười nhẹ, đỡ lời cho Nhu - Fulro là con thừa kế của Ủy ban tự trị xứ Tây Kỳ!
- Không! Ông sai rồi! - Eban sôi nổi - Chúng tôi chẳng dính dáng gì tới cái ủy ban đó.
- Có thể như vậy. - Luân vẫn điềm đạm – Capitaine(5) Ymơ Eban ngày nay không còn do đại tá Le Pulloch, tư lệnh Pháp vùng Nam Tây Nguyên trả tiền. Không sao! Thiếu tá James Casey đâu rồi? - Luân nhìn quanh như tìm nhân chứng, nhưng James Casey không lên nhà rông với họ.
(5) Đại úy
Nhu thỏa mãn về đòn phản công của Luân.
- Ta không đi vào các chi tiết đó. Ngài Ymơ Eban đã rõ, đến nay các thế lực chống lại chế độ cộng hòa và Tổng thống đều bị quét sạch…
Ymơ Eban cười chế nhạo:
- Bị quét bằng phương pháp không sạch lắm!
- Ngài đã bị những nguồn thông tin thiếu trung thực đánh lạc hướng. — Nhu cố cãi.
Eban tiếp cái đà suy nghĩ của anh ta:
- Và, các ông định một lẫn nữa triển lãm cái đầu của Ymơ Eban sau khi triển lãm cái đầu của tướng Lê Quang Vinh.
- Chúng tôi đến đây với thiện chí! - Nhu kiên trì.
Eban đứng lên lấy chiếc ống nhòm treo trên cột, nhìn qua cửa sổ nhà rông:
- Thiện chí?! Ông Nhu xem đi. Mang thiện chí đi với cả một đoàn quân và nối tiếp những cuộc hành quân trước đó. Ymơ Eban không phải là trẻ con!
Trên trời vẳng tiếng máy bay.
- Đủ cả! Bộ binh, pháo binh, thiết giáp, không quân, gọi là thương lượng hòa bình mà như vậy. Nhưng các ông đừng hòng hù dọa tôi. Tôi thiết tha đàm phán. Tôi không muốn đổ máu. Cho nên tôi ra lệnh quân của tôi tránh tất cả các cuộc đụng độ mặc dù quân của ông đều nằm trong tầm súng quân của tôi. Ông tưởng rằng chúng tôi không có đại bác, không có súng chống chiến xa sao?
Trừ Nhu và Luân, những người khác đều bối rối.
Luân từ từ đứng lên, đến cánh cửa sổ. Dưới nhà rông, James Casey đang đùa với những phụ nữ Rhađê. Thạch và số cận vệ đang hau háu nhìn lên nhà rông. Cuộc chiến tranh cân não không cần phải kéo dài hơn.
- Tất nhiên, chúng ta chưa hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. - Luân nói - Tuy vậy, ông cố vấn, bào đệ của Tổng thống, dám đường hoàng vào tận hành dinh của ông, ông Ymơ Eban, ít nhất cũng biểu thị được thiện chí. Về phần ông, ông chịu đón chúng tôi. Tôi ghi nhận đó như là mong muốn đàm phán.
Eban treo ống nhòm lên cột, trở lại ghế:
- Nếu tại đây, giờ này, ông Ngô Đình Nhu hiểu được rằng Ymơ Eban không phải là tướng Nguyễn Thành Phương, tướng Trịnh Minh Thế, càng không phải tướng Lê Quang Vinh thì ông còn đủ thì giờ rút lui. Tôi lấy danh dự cam đoan các ông được an toàn rời nơi đây. Và, chúng ta không còn gì để nói với nhau nữa.
Giọng Eban vẫn căng nhưng đôi mắt thì dịu đi rất nhiều. Anh ta ung dung châm thuốc lá – hiệu Pall Mall.
Luân đi thẳng lại nơi đặt ché rượu.
- Xin phép ông Ymơ Eban!
Luân kéo một hơi cần rượu, sau đó, chìa tay mời Eban. Eban cười lớn, đến ché rượu, cũng kéo một hơi dài. Anh ta nhăn mặt.
- Giá trong ché là Whisky hay Cognac thì hay quá!
Mặt trời đứng bóng nhưng không khí trong nhà rông bỗng trở nên thoáng mát! Người thở phào mà ai cũng nghe rõ là đại tá Phạm Xuân Chiểu. Từ nãy, ông ta rờn rợn nghĩ đến những cực hình mà Eban sẽ dành cho bọn ông, nhất là cho ông – người đứng đầu ngành công an.
- Ngài Ymơ Eban, - Nhu nói - ngoài yêu sách giữ chức quận trưởng Buôn Hồ, Ngài còn yêu sách nào nữa?
- Tôi không tranh đấu cho riêng tôi và cho riêng người Rhađê mà cho Tây Nguyên, cho các sắc tộc Bana, Giarai, Sedang, M’nông v.v...
Có vẻ cuộc đàm phán đang đi thẳng vào thực chất.
- Ngài có thể nói rõ hẳn không? - Nhu hỏi.
- Ông cố vấn hẳn đã nghiên cứu kĩ các văn bản của Fulro. Tôi cho rằng sự khôn ngoan của Chính phủ trong hoàn cảnh này là tôn trọng những quyền lợi chính đáng của các dân tộc Tây Nguyên. Dĩ nhiên, hội đồng lãnh đạo tối cao Fulro sẵn sàng xem xét các phản đề nghị của phía Chính phủ.
- Coi như là chiếc cầu nối liền giữa Chính phủ và các Ngài, tôi có thể báo với Ngài Ymơ Eban rằng, Tổng thống vui lòng bổ nhiệm Ngài làm quận trưởng Buôn Hồ, hợp thức hóa toàn bộ lực lượng dưới quyền của Ngài vào quân đội, lực lượng an ninh và lực lượng phòng thủ địa phương. Các vấn đề còn lại, chúng ta sẽ trao đổi tiếp. Riêng trong phạm vi tỉnh Darlac, Tổng thống ủy quyền cho Ngài, với tư cách quan trọng, tiến hành thương lượng với các nhóm Fulro khác. Chúng ta không nên mất thì giờ cho những nguyên tắc chung. Sự ổn định và phồn vinh của Tổ quốc chúng ta đặt lên vai mỗi công dân trách nhiệm phải nhanh chóng hòa hợp. Là một trí thức, một quân nhân, hẳn Ngài Ymơ Eban nhận thức sâu sắc hơn ai hết điều đó...
Luân nghe Nhu nói mà ngỡ anh ta đang giảng đạo, mặc dù Nhu chưa bao giờ tỏ ra là một người sùng đạo. Cái bẫy rập của Nhu mang lại hiệu quả cấp kì. Nói cho cùng, Eban thèm muốn chức quận trưởng. Và đây là một đòn xé lẻ mà Nhu đánh vào Fulro.
- Tôi sẽ trả lời trong vài hôm. – Eban phấn khởi ra mặt.
- Thế ông quên thiếu tá Kossem rồi sao?
Eban như bị ong chích khi nghe câu hỏi này của Luân. Ngay Nhu, anh ta cũng cau mày…
- Thiếu tá Kossem, trưởng phòng tình báo Chính phủ hoàng gia Cambodie dành cho các ông một sự yểm trợ dồi dào: súng đạn, quân trang, lương thực, thuốc men, đô la và một vùng biên giới bỏ ngỏ mà các ông có thể từ Camp Roland thọc vào Tây Nguyên. Ông Kossem không vô tư đứng sau các ông. Ông ta mơ một vương quốc Islam vươn tận miền Ninh Thuận, Bình Thuận của Việt Nam mà ông ta đứng đầu, không là hoàng đế cũng là một cái gì na ná.
Sự phanh phui của Luân như phủ lên mặt Ngô Đình Nhu một lớp băng giá. Người bị kích động hơn hết là đại tá Đoàn Chí Khoa, đang buồn rầu đứng tựa lưng vào cột nhà rông.
Eban lắp bắp:
- Nhưng, tôt không theo đạo Islam…
- Ông Kossem và các ông nữa, các ông theo đuổi những cái bóng. Chỉ có điều cái bóng của ông Kossem trùm lên đầu ông Eban. Ông theo đạo Tin Lành, tôi biết. – Luân vẫn tiếp giọng đều đều.
- Còn ông, ông Diệm, ông Nhu theo đạo Thiên Chúa La Mã. Các ông đưa người di cư Thiên Chúa lập các dinh điền ở Tây nguyên. Chính các ông cũng theo đuổi cái bóng của mình. – Eban lấy lại đôi chút bình tĩnh.
- Vấn đề không có gì bí hiểm cả. Rốt lại, tôi chỉ muốn nhắc ông: hậu thuẫn của ông mong manh lắm.
Tới đây, chừng như Ngô Đình Nhu hiểu dụng ý của Luân, những đường thớ nghiêm khắc của anh ta dãn ra. Đúng, với tên Rhađê này phải lột trần nó để kềm giảm tính tự cao tự đại của nó. Yêu sách quận trưởng Buôn Hồ là quá lắm rồi!
- Ông là một người chống Cộng khét tiếng…
Eban cướp lời Luân:
- Tôi sẽ chống Cộng tới cùng!
- Tôi tin điều đó. Tuy nhiên, tôi không tin ở biện pháp của ông. – Luân vừa nói vừa mỉm cười – Hình như mối quan hệ giữa ông và người Tây Nguyên, ngoài họng súng và các khẩu hiệu chính trị vừa mơ hồ vừa lộn xộn, chủ yếu cột chặt bằng sự kích động chống người Việt, không có gì được coi là nghiêm túc. Tham vọng của ông Kossem rất lớn, đúng vậy, song hiện thời ông ra chỉ là một thiếu tá. Trên ông ta còn trung tá Umsvouth, trên nữa còn tướng Nhiek Tioulong. Và cao nhất còn ông Sihanouk. Liệu rằng trước khi trở thành quốc vương, ông Kossem có thể xóa sổ hết từng ấy bề trên? Tôi không muốn can thiệp vào sùng tín của ông, nhưng ông là người có văn hóa chắc nhớ câu phương ngôn la-tinh: Abyssum abyssum invocat(6)…
(6) Vực thẳm gọi vực thẳm
Eban ngồi lặng yên. Anh ta chới với vì ngỡ đã chụp hụt chiếc ghế quận trưởng. Chính vào lúc đó, Nhu lên tiếng:
- Đối thoại bằng bạo lực là chuyện không khó. Tôi để ra hai, ba, thậm chí bốn, năm năm bao vây, truy quét ông, bít ngả thông sang Cao Miên, tất cả sẽ ngã ngũ. Ông tin là tôi đủ sức và đủ kiên trì làm như vậy, nhưng tôi không muốn. Chúng ta hãy dành thời gian cho việc khác. Tôi hi vọng lễ nhận chức quận trưởng của ông sẽ là một trong những lễ trọng thể nhất ở Tây Nguyên.
Ngô Đình Nhu biết lúc nào cần đưa bàn tay cứu rỗi. Eban nhìn Nhu với vẻ biết ơn và quên hẳn sự thay đồi cách xưng hô của Nhu: không còn gọi y là “Ngài Ymơ Eban” nữa.
… Trên đường về, Nhu và Luân ngồi chung trên một lưng voi. Như tư lự:
- Người ta bày trò domino, cả bàn xao động khi một quân cờ di chuyển…
- Cái quyết định là những chủ bài! - Luân nói.
- Đúng vậy, song đâu là chủ bài?
- Anh có chiến thuật đúng với Eban, mà chưa chú ý chiến thuật với Đoàn Chí Khoa. Tại sao một thiếu tướng, tổng tham mưu trưởng người Rhađê được đồng hóa ngang quận trưởng mà một đại tá tổng tham mưu phó người Chàm không được đặc cách phong làm quận trưởng?
Nhu vỗ đùi:
- Hay! Đoàn Chí Khoa sẽ là quận trưởng M’drak hoặc Krong Pach!
- Những chiến thuật của anh mang lại hiệu quả trông thấy. Song, vấn đề Tây Nguyên chưa ổn chừng nào giữa Việt Nam Cộng hòa và vương quốc Cambốt còn chưa có sự thỏa thuận. Camp Rolland còn đó. Kossem còn đó. – Luân nói như tâm sự bạn bè.
- Anh có thấy người Mỹ không? James Casey nắm Eban chặt lắm. – Nhu thở dài – James Casey bắt tôi nhớ tới Lansdale trong vụ Trịnh Minh Thế. Người Mỹ đặt mìn ngay trong ruột chúng ta!
- Eban là người lắp ghép. Thân thể của ông ta có phần của Phòng nhì Pháp, có phần của CIA, có phần của Kossem. Và không riêng gì ông ta, các thủ lãnh Fulro đều như vậy cả…
- Hiện nay, có lẽ cái đầu và cái dạ dày của họ là Kossem. – Nhu chép miệng – Kossem lại làm theo lệnh của Sihanouk. Tạm thời, Kossem và Sihanouk thống nhất trong vấn đề Fulro. Do đó, Tây Nguyên chỉ yên ổn khi nào không còn Sihanouk.
Giọng của Nhu bỗng trở lên hung hãn.
Cuộc hồi quân vẫn rầm rộ như khi xuất phát. Trần Kim Tuyến phấn khởi hơn hết. Ông ta cho là ông ta đã thắng.
Hai người trầm tư: Nhu và Luân. Nhu biết là tình hình sẽ đẻ số: tính chất phức tạp không giảm mà tăng. Chặng đường trước mắt của gia đình họ Ngô không phải mọi việc đều trơn tru. Buổi gặp gỡ Eban cho Nhu một kết luận: Nam Việt nam lần hồi bị quốc tế hóa, nếu không khéo, sẽ vượt khỏi tầm chi phối của anh em ông.
Luân nghĩ mãi về lời hăm dọa Sihanouk của Nhu. Thái tử Sihanouk tuy thoái vị, song vẫn là linh hồn của nhà nước Cambodie. Ông đang thực hiện chánh sách trung lập. Trong điều kiện của bán đảo Đông Dương hiện thời, chánh sách đó có một số mặt tích cực. Mỹ và chư hầu – cả Thái Lan và Nam Việt – chĩa mũi nhọn vào Shihanouk, như họ chĩa mũi nhọn vào Phouma ở Lào.
“Khi nào Sihanouk không còn!” - Nhu muốn ám chỉ cái gì?
Một cuộc đảo chánh? Rất ít, nều không nói là không có cơ sở. Ai đảo chánh? Phải là những người thân Mỹ. Ở Cambodie, lực lượng thân Mỹ đang nảy nở, theo đà viện trợ của Mỹ. Song, lực lượng đó chưa đủ sức làm đảo chánh. Tướng Đáp Chuôn – na ná như Bảy Viễn – trấn vùng Battambang, xa kinh đô quá. Vả lại, thế lực Pháp còn lớn ở đây.
Loại trừ đảo chánh, còn lại khả năng xâm lược trực tiếp từ Sài Gòn và Bangkok. Khối SEATO vừa thành lập, muốn giương oai, song chắc chắn họ không dại gì chọn một nước trung lập để làm lễ tế cờ. Khả năng đó coi như không có thật.
Ám sát? Khả năng này đáng phân tích hơn hết. Vừa sức của chế độ Sài Gòn, không quá ồn ào. Mỹ nhất định bật đèn xanh ột hành động như vậy.
Ngô Trọng Hiếu, còn người tin cẩn của anh em Diệm – Nhu, đang đại diện của Sài Gòn trên Nam Vang. Gã dám làm lắm. Song, Nhu không bao giờ mạo hiểm cử mật vụ lên hành động tại thủ đô Cambodie. Canh giữ an toàn cho Sihanouk là Phòng nhì Pháp. Khó mà lọt qua màn lưới trinh sát dày đặc đó.
Ám sát – chắc chắn rồi. Mà ám sát bằng cách nào?
Luân trằn trọc gần thâu đêm với lập luận, phải lập luận. Sau cùng, anh ngủ thiếp đi khi trời hửng sáng, với bài toán chưa tìm ra đáp số.
Đó là đêm mà cả đoàn dừng chân lại huyện lị Buôn Hồ. Nhu gặp gỡ các quan chức địa phương, giải thích chủ trương của chính quyền về “đoàn kết Kinh – Thượng.”
Hôm sau, Nhu quyết định mở một cuộc săn bắn. Săn bắn thật sự. Nhưng, cả Nhu và Luân chưa kịp nổ phát súng nào thì phải lập tức dẹp cuộc vui, hối hả về Buôn Mê Thuột. Tin điện khẩn cấp: Tổng thống bị mưu sát ngay tại lễ khai mạc hội chợ...
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...