Ván bài lật ngửa

- Tôi có biết, tuy không gặp... - Luân nói.
- Krulak cho rằng nếu ủng hộ ông Diệm mạnh hơn nữa thì có thể chiến thắng Cộng sản, Mendenhall cho rằng nếu Chính phủ ông Diệm sụp đổ thì sẽ xảy ra chiến tranh tôn giáo – giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo – cho nên “Nhu phải rút lui hoặc bị loại” và ông Diệm “không phải là một hoàng đế mà là một Tổng thống dân chủ.”
- Ý của Jones Stepp thế nào?
Saroyan nhún vai:
- Một người thừa hành, không hơn không kém. Tùy những người quan trọng hơn.
Luân trầm ngâm.
- Trận bóng vừa rồi do sáng kiến của Cabot Lodge. Theo em, Cabot Lodge chỉ chịu làm đại sứ một thời gian ngắn... Sau đó, chính Taylor, tác giả của một kế hoạch bình định Nam Việt do ông ta và tiến sĩ Staley thảo. Taylor rất lạc quan, ông ta phát biểu với Jones rằng nếu nội tình Nam Việt được thu xếp ổn thì chậm nhất mùa thu năm 1965 ở Nam Việt không còn bóng dáng của một cuộc nổi dậy nào nữa mà chỉ là “bọn cướp có tổ chức.” Chiều hôm qua, tại đại sứ quán Mỹ, Cabot Lodge họp với Jones, Taylor, Casey và John Hing... Sau cuộc họp, họ ăn tối. Em không dự. Giá mà em dự, cũng có thể nắm đôi điều ngoài những cái mà Jones thuật lại. Em không thể dự!
Luân hiểu: Saroyan không chịu chạm mặt John Hing, kẻ mà cô đã tát vào mặt trước đây, khi Fishell toan dùng cô làm vật đổi chác trong nghề tình báo của hắn.
- Họ thống nhất hoạch định những bước đi sắp tới, như Jones hé với em.
- Gây sức ép mạnh hơn?
- Đúng... Tiếp tục đình viện trợ mọi mặt cho lực lượng đặc biệt, trì hoãn các chuyến vận chuyển gạo, thuốc lá, sữa và các hàng hóa khác cho cả dân sự lẫn quân sự, cốt gây tâm lí hoảng loạn...
- Thâm độc thật! – Dung kêu lên.
- Theo em, – Saroyan vẫn nói như thầm thì với Luân – Sớm muộn gì ông Diệm cũng phải rời ghế Tổng thống... Đó là chuyện của ông ta. Còn chuyện của anh, của Dung và bé Lý... thật sự bận tâm em. Cho đến bây giờ, Jones rất coi trọng anh. Em chưa hề nói một lời về quan hệ riêng tư giữa chúng ta và, Dung đồng ý chứ? – quan hệ riêng tư giữa tôi và anh Luân bình thường thôi.
- Bình thường! – Dung siết cánh tay Saroyan.

- Nhưng Fishell không phải không thích thêu dệt. – Luân cười nhẹ - Tuy vậy, chắc chắn tướng Stepp chẳng đặt việc cá nhân của Saroyan vào thời cuộc... Mỹ sẽ dùng bàn tay sắt hay bàn tay nhung ở Sài Gòn tùy thuộc các yếu tố khác, lớn hơn nhiều.
- Anh để em nói... - Saroyan cướp lời. – Em muốn anh lánh xa ông Diệm. Tại sao anh không nhận một chân đại sứ ở một nước nào đó, chờ thời cuộc. Ông Tuyến đã làm như vậy.
Luân lắc đầu:
- Saroyan ngây thơ quá! Ông Tuyến không chọn mà người ta gán cho ông chức Tổng lãnh sự. Tôi xin đi làm đại sứ có nghĩa là tôi xin vào tù!
- Tại sao? Em đảm bảo Jones Stepp sẽ ủng hộ anh!
- Trước khi người Mỹ hạ bệ ông Diệm – nếu quả họ định – thì chớ có chọc tức ông ta. Jones Stepp, cả Cabot Lodge, Harkins..., đều không bịt được họng súng của ông ta... Vả lại, tôi không cần đi đâu cả. Là quân nhân, tôi phải đứng tại nơi quân nhân phải đứng...
Saroyan thở dài, cáo từ.
- Thỉnh thoảng, Saroyan đến chơi. – Dung bảo.
- Jones sẽ mời anh Luân và Dung đến chỗ chúng tôi... Nhớ mang bé Lý theo!
Saroyan ra khỏi phòng.
- Có một điều tôi dặn Saroyan. Không nên hỏi Jones Stepp nhiều quá, đừng đọc các giấy tờ mà ông ta giữ mật... - Luân choàng vai Saroyan, đưa ra xe.
- Anh không cần?
- Không phải... Song tôi cần hơn sự an toàn của Saroyan.

- Cám ơn anh... Em không đến nỗi quá ngốc đâu!
- Saroyan rất tốt, – Luân nói với Dung khi xe của Saroyan ra khỏi cổng nhà – Nhưng chưa có kinh nghiệm. CIA sẽ dùng Saroyan hoặc dọ dẫm anh, hoặc đánh lạc hướng anh, kể luôn những tài liệu và tin ngụy tạo...
- Anh lo xa là phải, song theo Saroyan, tướng Stepp say đắm Saroyan đến điên dại...
- CIA là những diễn viên mà chưa diễn viên chuyên nghiệp danh tiếng nào so nổi. – Luân cắt lời vợ.
*
Bài của Helen Fanfani: Bước ngoặt trong chính sách Mỹ ở Nam Việt?
Không có một sự kiện tầm cỡ đòi Tổng thống Kennedy xét duyệt lại chính sách Đông Nam Á của Mỹ, tỉ như cơn khủng hoảng vùng Caraibe hoặc viên phi công Power của chiếc U2. Thế nhưng, chính sách Mỹ vẫn đang được những người chóp bu của Nhà Trắng đánh giá một cách tổng quát trên một bình diện mà chính CIA thiết lập và nay đã hình thành như ý muốn của kẻ chủ xướng. Nam Việt dấn vào cuộc chiến tranh không tuyên chiến đã ba năm và thật sự nước Mỹ cũng chỉ ném một lực lượng yểm trợ chưa đến hai vạn người vào vùng núi non, nóng bức nam vĩ tuyến 17. Khí tài chiến tranh chủ yếu là những loại lỗi thời. Đương nhiên, Hội đồng An ninh Quốc gia quan trọng hóa sự thể ở Nam Việt, dựa vào câu nói của J. Kennedy bấy giờ còn là thượng nghị sĩ: Việt Nam là nền tảng của thế giới tự do tại Đông Nam Á như viên đá đỉnh vòm cung, như nút chặn lỗ rò... Việt Nam là tác phẩm của chúng ta, chúng ta không thể bỏ rơi nó và chúng ta không thể lờ đi các nhu cầu của nó... (Phát biểu ngày 1-8-1956 tại Hiệp hội Những người Mỹ, bạn của Việt Nam). Cái “viên đá đỉnh vòm cung,” cái “nút chặn lỗ rò,” cái “tác phẩm của chúng ta” ấy từ chỗ Chính phủ Mỹ tưởng tượng bây giờ đã trộn lẫn sự tồn vong với uy tín của nước Mỹ. Năm 1956, hai năm sau chiến tranh Đông Dương kết thúc, bảy năm sau Trung Cộng thôn tính toàn bộ Hoa Lục, năm năm sau chiến tranh Triều Tiên. Sự lên gân kì quặc của Thượng nghị sĩ Kennedy liên quan đến chiến lược ngừa Trung Cộng tràn xuống Đông Nam Á và Bắc Việt thu hồi nốt phần Nam Việt còn lại, giữa cuộc chiến tranh lạnh lên độ băng giá nhất. Và, về thực chất, Kennedy lấy sự ủng hộ hay ruồng bỏ ông Ngô Đình Diệm làm chuẩn cho cái gọi là “chúng ta không thể bỏ rơi nó và chúng ta không thể lờ đi các nhu cầu của nó.”
Việc Diệm thay Bảo Đại là sản phẩm của F. Dulles, Spellman, Lansdale, có cả bàn tay mụ đỡ của Mansfield và Kennedy. Công bằng mà nói, Harriman sáng suốt hơn; ông ta (Ông Diệm)... hoài bão một triều đình, trầm tư sống với nội tâm, không có sức hấp dẫn quần chúng, không hiểu cái gì xảy ra trong vòng mười tám năm đảo lộn trên nước Việt Nam. Mẫu người lùn, béo tròn, đi đứng lạch bạch, luôn trang phục màu trắng như trong tháp ngà. Ham nói, chuyện nhỏ cũng thuyết hàng giờ, ít nghe nên ít biết phản ứng... Ý kiến của Harriman bị chế nhạo là chỉ “chú ý ngoại hình.” Tháng 8-1954, đại sứ Mỹ, tướng Collins, bảo tướng Pháp Ely rằng chớ ủng hộ tướng Hinh trong một mưu toan đảo chính, nếu ông Diệm bị lật thì Mỹ rút, Pháp phải tự mình đối phó với Cộng sản – nghĩa là đón một trận Điện Biên Phủ thứ hai tồi tệ hơn nhiều lần. Tháng 11-1954, một lần nữa, Lansdale bóp chết một âm mưu đảo chính, lần này do các tướng Hinh, Vỹ, liên minh với tướng Viễn. Số sĩ quan định đảo chính được Lansdale giải quyết theo kiểu lập dị của ông ta: mỗi người được sang Manila chơi một tháng với các cô gái. Rồi, ngày 7-4-1955, tới phiên Collins đề xuất: Diệm không có khả năng đạt sự thống nhất cần thiết giữa ý chí và hành động... để làm cho Nam Việt khỏi rơi vào tay Cộng sản. Lowton Collins muốn thay Diệm, Tổng thống Eisenhower đồng ý, mọi sự đã sẵn sàng. Nhưng, Pháp đã cứu Diệm! Pháp bật đèn xanh cho Bình Xuyên nổ súng và trong khói đạn mịt mù, Diệm tỏ rõ đủ bản lĩnh dẹp tan nhón “Mafia” Bảy Viễn chẳng mấy khó khăn. F. Dulles đã nói: Không thể để Diệm thành một Kérensky! Mỹ thử nghiệm. Năm 1956, tướng 3 sao Samuel Williams điều khiển vỏn vẹn có sáu trăm hai mươi chín chuyên viên quân sự Mỹ, Williams từng đánh ở Triều Tiên, ông ta bị kiểu tấn công ồ ạt của Bắc Triều Tiên ám ảnh cho nên chỉ chú trọng xây dựng lực lượng dòm ngó Bắc Việt Nam – sau này, khi Nam Việt diễn ra tình trạng nổi dậy của du kích tại chỗ, ông ta bất lực. Không riêng gì ông ta, mà cả bộ tham mưu và học viện quân sự Mỹ đều “hố.” Chương trình huấn luyện sĩ quan Việt Nam của Mỹ nặng nề chiến dịch tấn công trung và sư đoàn, kể cả sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật. Từ khi du kích mở rộng phạm vi hoạt động giữa ông Diệm và Chính phủ Mỹ phát sinh nhiều bất đồng. Ông Diệm thăng tướng tá cho những mà ông nhìn suốt trong ruột họ sự trung thành mù quáng với cá nhân ông. Mỹ đòi các sĩ quan phải đánh giặc. Tuy nhiên, Lansdale và phái bộ Mac Garr vẫn ủng hộ Diệm – họ dồn sức chăm sóc Bảo an, Dân vệ và chủ trương Bảo an, Dân vệ phải được trang bị cả trực thăng, chiến xa. Phái đoàn Michigan chủ trương ngược lại: trang bị Bảo an, Dân vệ nhẹ, chăm sóc quân chính quy và các binh quân chủng khác. Lầu Năm Góc nghiêng về quan điểm của phái đoàn Michigan. Cuối năm 1960, Cộng sản kiểm soát bộ phận lớn nông thôn Nam Việt, đại sứ Mỹ Durbrow và phái bộ của tướng Mac Garr lại cãi vã. Mac Garr cho yêu cầu số một của Nam Việt là xây dựng lực lượng vũ trang chống Cộng! Durbrow cho phải thực hiện dân chủ - do đó, ép Diệm cải tổ Chính phủ.
Chính phủ Mỹ chưa kết luận – Nam Việt lùi hàng thứ yếu trước điểm nóng Berlin, hội nghị cấp cao Paris thất bại và Fidel Castro lên cầm quyền ở Cuba. Eisenhower bàn giao chính quyền cho Kennedy. Mỹ thậm chí coi Lào mới là nơi nguy ngập nhất Đông Dương. Giữa lúc Mỹ lừng chừng, vụ vịnh Con Heo đánh một đòn nặng vào uy tín của Kennedy và Kennedy hoài nghi các dự án của Bộ tham mưu liên quân cùng các luận cứ của CIA: không có việc Mỹ gửi quân đến Lào đúng như lời khuyên của đại sứ Galbraith. Năm sau, Taylor đề nghị đưa tám nghìn quân đặc nhiệm vào Việt Nam. Harriman bác thẳng thừng. Khi MACV thay MAAG, Paul Harkins, tướng 4 sao thay Mac Garr, quân Mỹ lên chín nghìn người. Bom napalm đã được sử dụng. Cái rủi cho Harkins là đầu 1963, chiến thuật trực thăng vận bị Việt Cộng đánh bại, Nolting gợi ý với Diệm tăng thêm một ít lính Mỹ. Diệm nói thẳng: Tôi không thích chế độ bảo hộ! Từ non bảy trăm, nay Mỹ đã lên ngót hai vạn – chẳng lẽ con số đó còn thấp? Chúng tôi cần vũ khí và phương tiện kĩ thuật tốt, người Mỹ các ông chỉ cho những thứ phế thải. Sự chênh lệch trình độ trang bị giữa lính Mỹ tại Việt Nam với quân đội chúng tôi xa cách đến mức ai trông cũng ngượng. Không trang bị, cắt giảm viện trợ đồng thời một số người Mỹ hô hoán: chúng tôi bất lực. Chúng ta là đồng minh nếu Tổng thống Mỹ hiểu chữ “đồng minh” hoàn toàn không mang hơi hướng của lối quan hệ bất bình đẳng của thời thực dân cũ thì phải giúp chúng tôi mạnh. Tự chúng tôi biết mình phải thắng Cộng sản như thế nào. Nhiều lần tôi trình bày rõ ý kiến của cá nhân tôi: Việt Nam Cộng hòa cần Mỹ giúp trong mức mà Mỹ không đổ bộ lên đất nước tôi một đội quân như người Pháp đã làm và thất bại. Việt Nam Cộng hòa sẵn sàng nghe mọi lời khuyên xây dựng song tôi sẽ phẫn nộ nếu đó không phải là lời khuyên mà mệnh lệnh. Lời khuyên thì tốt, mệnh lệnh thì sẽ chẳng bao giờ được xét tới vì Việt Nam Cộng hòa không có nghĩa vụ phải chấp hành mệnh lệnh của một nước khác, dù cho đó là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ!... Có thể trưng vô số trường hợp Diệm phát biểu ý kiến nhất quán như vậy.
Nolting báo cáo tận chi tiết nhỏ quan điểm của Diệm. Và Nolting đã giã từ Sài Gòn, giữa lúc Chính phủ Việt Nam và Phật giáo từ đấu khẩu chuyển sang đấu lưỡi lê, bom cay, gạch, đá, với hàng tá nhà sư tự thiêu. Cái đáng ngạc nhiên là tại hội nghị Honolulu, tháng tư năm nay, tướng Paul Harkins vượt qua tất cả những vai lạc quan nhất về tình hình Nam Việt – ông long trọng thông báo với Bộ Quốc phòng Mỹ rằng một bộ phận lớn, nếu không nói là tất cả nhân viên quân sự Mỹ đang có mặt ở Nam Việt sẽ ăn lễ Noel 1963 nơi quê nhà vì chiến tranh đã kết thúc! Thói thường các tướng hay nói lố, Leclerc từng tiên đoán sai sự thật đến những chín năm ở Việt Nam, Ridgway cũng lấy ý muốn riêng làm thước đo thời gian chiến tranh ở Triều Tiên... Chẳng lẽ tướng Paul Harkins không học bài học lịch sử chưa xa xôi lắm ấy? Toàn bộ thông báo của tướng Harkins chưa được đưa ra công khai, song hình như luận điểm của ông dựa vào mức độ hoạt động không dồn dập của đối phương cuối năm 1962 và lòng tin tuyệt đối của ông vào chính sách Ấp chiến lược. Sau hội nghị Honululu chẳng bao lâu, vụ Phật giáo nổ bùng. Báo chí chưa có dịp nghe tướng Harkins luận giải – bây giờ thì ông được một trạng sư biện hộ lỗi lạc, ấy là sự rối loạn nội bộ Việt Nam Cộng hòa khiến lính Mỹ không thể về Mỹ dự lễ Noel được! Những chuyên gia vấn đề Nam Việt đều nhất trí về khả năng nước Mỹ rẽ bước trong chính sách đối với Nam Việt, chắc chắn sẽ được công bố nay mai. Các phái đoàn gồm các nhân vật sừng sỏ, đặc biệt, tướng Maxwell Taylor – dư luận xưng tụng ông là ngôi sao sáng chói nhất trong các nhà quân sự chuyên nghiệp Mỹ hiện nay – đi lại như con thoi giữa Washington và Sài Gòn báo hiệu kế hoạch đã được âm thầm sửa soạn và đang ở vào thời kì thêm vài dấu chấm trước khi Tổng thống Kennedy kí. Bước rẽ ấy là gì? Có ba khả năng: Một là ông Diệm làm lành với Phật giáo đồng thời làm lành với các lực lượng bấy lâu thù địch ông, tỉ như nhóm Tinh Thần thân Pháp; ông bà Nhu rời hẳn Việt Nam, không can dự vào chính trị, giải tán Đảng Cần lao, mật vụ và thủ tiêu quyền binh của ông Cẩn ở Trung phần. Hai là người Mỹ tự mình cầm quyền cả quân sự lẫn dân sự và tiến hành cuộc chiến tranh theo kiểu Mỹ, với người Mỹ - để hay hạ bệ ông Diệm sẽ không mang ý nghĩa bao nhiêu. Ba là ông Diệm liên minh với Việt Cộng và trạng thái đấu tranh ở Nam Việt thay đổi từ căn gốc.
Khả năng thứ ba – có vẻ quái đản, song không phải là sản phẩm của sự tưởng tượng. Tất nhiên, nếu anh em ông Diệm quyết tâm tạo mối liên minh này thì họ phải từ bỏ nhiều thứ: Dinh Gia Long, quang cảnh ngày ngày quan lại đến rạp mình hầu hạ, quyền lực, tài sản... thậm chí, chấp nhận bộ áo quần du kích. Ông Diệm, ông Nhu hẳn từng tính đến lối ra ấy – xét theo thứ tự, lối ra cuối cùng – nhưng cũng hẳn họ chưa hình dung từ vấn đề bao quát dẫn đến mỗi tình tiết dính liền với chiếc ghế bành, chiếc giường nhún nhẩy, cái búng tay... Trước kia, ông Diệm, ông Nhu thỉnh thoảng núp bóng Việt Cộng để eo sách Mỹ, bây giờ, có thể họ coi đó là một giải pháp. Nhưng, những người cách mạng Việt Nam có lí do hoài nghi chính đáng trước một “lời rao vặt” kiểu đó.
Ông Diệm chống Cộng – và đang chống Cộng – lại nhờ vả kẻ ông bắn giết một cách không ân hận chìa bàn tay với ông giữa lúc ông đang đắm thuyền. Chiến thuật dù mềm dẻo đến đâu cũng không dành chỗ ột nhượng bộ như vậy ở người Cộng sản, nhất là chưa bao giờ có dấu hiệu họ sẽ thua trận. Rốt lại, ông Diệm, ông Nhu định lợi dụng Mặt trận Giải phóng. Thế nhưng, Đảng Cộng sản Việt Nam rất ít giống Elas ở Hy Lạp, càng khác hẳn Đảng Cộng sản Indonésia, Malaysia, Philippine. Người Mỹ chỉ có lợi khi công bố các tài liệu liên quan đến sự “đi đêm” này của ông Diệm.
Khả năng một khó xảy ra không kém. Ông Diệm mà không có vợ chồng ông Nhu, Đảng Cần lao, mật vụ, mà không có lực lượng Thiên Chúa giáo di cư hưởng đặc quyền thì không còn là ông Diệm nữa. Chính thể Sài Gòn mà gồm cả nhóm Phật giáo, Đại Việt, trí thức do Pháp đào tạo, quân đội Sài Gòn do các tướng chẳng chịu ân sủng của ông Diệm, chẳng đồng hương, đồng đạo chỉ huy sẽ không còn là chế độ Sài Gòn nữa. Chịu danh xưng “Tổng thống,” chịu tổ chức bầu cử mỗi nhiệm kì mà không là hoàng đế và “Tổng thống suốt đời,” đó là nấc lùi tận cùng của ông Diệm. Lùi hơn nữa, ông không tưởng tượng được. Cho nên, khả năng thứ ba cũng không có nốt. Phật giáo không đánh trốc ông Diệm thì ông Diệm sẽ đánh trốc Phật giáo. Canh bạc chỉ còn hai cửa “sấp và ngửa.”

Loại hai khả năng đầu và chót, còn khả năng giữa. Khả năng của người Mỹ. Giữa người Mỹ với nhau, không phải không còn vấn đề tranh luận – chắc chắn giới chức cao cấp Mỹ tốn khá nhiều giấy, nước bọt và Tổng thống chắc chắn đang nhức đầu... Dầu gì, quả bóng vẫn đang ở trong chân Mỹ. Sút thẳng, giao bóng thêm vài lượt... bài toán đặt ra như vậy, trừ phi Chính phủ Mỹ lại sút bóng vào chính lưới của mình...
*
Luân nóng lòng chờ chỉ thị của A.07. Anh viết một báo cáo thật dài – dài nhất so với tất cả các báo cáo mà anh đã gửi về cấp trên từ khi anh nhận nhiệm vụ. Anh phản ánh nhiều mặt tình hình và cũng đề xuất nhiều phương án, trong đó, anh xin phép được trực tiếp gặp một đồng chí lãnh đạo ở nơi nào do cấp trên chọn và cũng xin phép được quan hệ thẳng với Lê Khánh Nghĩa, bây giờ là chỉ huy trung đoàn thuộc sư đoàn 5 bộ binh, đóng ở Bầu Trài, cách Sài Gòn không quá xa. Những đầu mối mà Trần Kim Tuyến giao cho anh, anh kiểm tra chặt chẽ rồi, độ tin cậy không cao – tất nhiên, tin cậy theo nghĩa họ hành động đơn thuần vì bất mãn Diệm và là bộ hạ chịu ơn hoặc ăn chịu với Trần Kim Tuyến. Một trong những đầu mối đó là Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Sư trưởng Sư 5 – cấp trên của Lê Khánh Nghĩa – và Thiếu tá Nguyễn Bá Liên, chỉ huy phó thủy quân lục chiến. Trong bản danh sách khá dài, Luân chọn lựa mãi, anh tra cứu hồ sơ, nhờ Dung sưu tra thêm và anh đi đến kết luận: Tuyến nắm người nào thì tình báo Mỹ cũng nắm người đó. Vả lại, Tuyến không thể biết, có người do John Hing, có người do Mai Hữu Xuân chi phối. Làm một cuộc đảo chính vào thời điểm bấy giờ có lẽ không có gì dễ hơn, song, đối với Luân, mục đích và kết quả thực tế của đảo chính quan trọng hơn bản thân cuộc đảo chính. Luân thức thâu đêm với các phương án. Lật đổ Diệm, giải tán cơ cấu chính quyền hiện thời, thành lập một chính quyền có xu hướng ít nhiều dân tộc, chấp nhận thương lượng chấm dứt chiến tranh... Đó là phương án cao nhất. Muốn đạt một phương án như vậy, đảo chính phải chủ yếu gồm các lực lượng thật sự có ý thức chính trị, muốn tránh iền Nam đất nước cảnh chết chóc, tàn phá. Phải thanh toán chính quyền Ngô Đình Diệm thật nhanh và một Chính phủ mới – đã được sửa soạn – công bố liền đường lối mới, kêu gọi Mặt trận Giải phóng ngồi vào bàn đàm phán. Như vậy, Chính phủ mới phải có lực lượng nòng cốt bởi khả năng đảo chính liền sau đó – do các thế lực chống Cộng và do Mỹ điều khiển – nhất thiết xảy ra. Chính phủ mới sẽ ban bố các quyền dân chủ và Luân hi vọng quần chúng đứng lên chung quanh Chính phủ mới. Có thể Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Huỳnh Văn Cao, Tôn Thất Đính, đặc biệt Mai Hữu Xuân sẽ phản ứng mạnh, kể cả Lê Quang Tung, Hồ Tấn Quyền, Nguyễn Cao Kỳ... nhưng nếu quần chúng tham gia đông đảo, những sĩ quan kia không dám liều lĩnh, chỉ cần Lê Khánh Nghĩa thọc nhanh trung đoàn 7 vào ruột Sài Gòn! Phương án “trung sách” là Diệm đổ, một Chính phủ thân Pháp cầm quyền, tuyên bố theo đuổi trương đối ngoại trung lập, tuy vẫn chống Cộng nhưng loại dần ảnh hưởng Mỹ và đến một lúc nào đó sẽ đàm phán với Mặt trận Giải phóng. Phương án này dễ nhận diện hơn cả, bởi các tướng tiêu biểu hiện nay đều xuất thân từ “lò” Pháp. Nhưng đó lại là một phương án khá cơ động – Mỹ đủ sức nắm các sĩ quan dù thân Pháp trong máu. Phương án cuối cùng, chưa thể đo lường giá trị ngay là Diệm chống cự, trận đánh kéo dài, gây xáo trộn dữ dội...
Dung dự vào công việc vạch phương án của Luân. Cô cân nhắc từng chi tiết và gợi ra nhiều khía cạnh để Luân suy nghĩ. Dung có một điểm khác Luân – rất khác: không tán thành liên hệ với Lê Khánh Nghĩa. Lập luận của cô rõ ràng; đảo chính mở đầu chứ chưa kết thúc, Luân không có quyền bộc lộ thân phận.
Cuối tháng chín, Luân nhận được chỉ thị - sở dĩ chỉ thị chậm là vì anh Sáu Đăng phải đích thân ra Hà Nội trình bày với A.07.
“Kị sĩ và Mimosa không cần gặp bất cứ đồng chí lãnh đạo nào. Việc đó, để cấp trên quyết định khi thấy thích hợp. Trong ba phương án, phương án một nó quá “lí tưởng.” Hai phương án sau khả dĩ gần thực tế, song điều quan trọng nhất là phải tùy cơ ứng biến. Bất cứ tình huống nào, Kị sĩ và Mimosa phải giữ thân phận là người Quốc gia. Tuyệt đối không được liên hệ với LKN. Hết sức đề phòng các diễn tiến nghịch thường, bọn tình báo bấy lâu “ngửi” thực chất của Kị sĩ và Mimosa, nhân dịp này gây khó khăn, thậm chí hãm hại. Cố mà tạo ra các điều kiện để quần chúng nổi dậy càng rộng càng tốt. Mỹ còn rất cay cú, chúng thất bại với con bài Diệm không có nghĩa là chúng chịu thua. Tóm lại, tình hình còn phức tạp, lực lượng so sánh chưa cho phép chúng ta “dứt điểm.” ... Không nên coi thường việc hóa thân vào các nhóm của Tuyến, tức là của một thế lực của Mỹ. Không từ chối cương vị mà Mỹ giao. Nên phân tích thái độ của Taylor sau trận ‘giao hữu’.”
Chỉ thị ngắn mà rõ. Luân cầm tay Dung:
- Em giỏi lắm...
Dung nép vào Luân và sau đó ghì chặt bé Lý rồi đưa con đi ngủ, để Luân tập trung, chắc là thâu đêm. Vạch ra, xóa đi, lại vạch ra chương trình hành động. Bây giờ, đã phải tính từng ngày...
*
Tờ Cách mạng quốc gia đăng một lời rao chen lẫn giữa vô số lời rao: Bán vườn cây ăn quả: xoài riêng, măng cụt, chôm chôm tại Lái Thiêu, hoa lợi lớn. Hỏi ông Hoãn ở 26/10 đường Phan Đình Phùng.
Đến ba nơi đồng thời đặt lời rao vặt ấy dưới kiếng “lúp.”
- Họ chưa chấp nhận ngày 26-10! – Tướng Trần Thiện Khiêm uể oải trao đổi với Mai Hữu Xuân.
- Trở ngại chắc chắn là vì tướng Đính... Bao giờ? – Xuân hỏi. Khiêm nhún vai. Cả hai tiếp tục buổi câu cá trên bờ sông như họ vẫn thường ngồi chung như vậy.
- Nhóm đảo chính chọn ngày Quốc khánh 26-10 nhưng chưa được Mỹ cho phép... - Luân bảo Dung. - Hoãn có nghĩa là sẽ xảy ra và xảy ra không xa ngày 26-10 bao nhiêu...
- Ta ra tay liền sau 26-10. – Nhu bảo Luân khi Luân được gọi vào Dinh Gia Long – Tôi bàn với Tôn Thất Đính thực hiện một cuộc đảo chính gọi là kế hoạch Bravo. Giải tán toàn bộ Chính phủ, tống giam một số tướng tá khả nghi, thiết lập tòa án binh xét xử ngay... Tổng thống sẽ tuyên bố trao quyền cho tôi. Đây, anh xem bài tôi sẽ phát biểu trên vô tuyến.

Luân nhận tờ giấy và đọc dòng mở đầu:
“Nhân danh Chủ tịch Ủy ban cứu nước, tôi tuyên bố từ nay cho đến khi tình hình trở lại bình thường, Tổng thống Ngô Đình Diệm không đảm đương công việc nước. Chủ tịch Ủy ban cứu quốc sẽ kiêm nhiệm quyền Quốc trưởng, chủ tọa nội các và Tổng tư lệnh tối cao...”
Nhu và Luân không hề biết, vào lúc đó, một “giáo sư” đoán điềm giải mộng và chiết tự nổi tiếng tên là Minh Tân gặp Thiếu tướng Tư lệnh quân đoàn 3 và vùng 3 chiến thuật, kiêm Tổng trấn Sài Gòn Tôn Thất Đính ở nhà riêng của thiếu tướng, theo môi giới của Ly Kai.
- Tôi ghét dị đoan! – Đính bảo – Như Huỳnh Văn Cao, bất cứ điều gì xảy ra ông ta cũng nhờ Đức Mẹ báo mộng...
- Thiếu tướng yên trí... Tôi là một nhà khoa học. Tôi chỉ phân tích trên cơ sở khoa học. Thiếu tướng, xin lỗi, tên Đính. Tôi chưa rõ cụ thân sinh đặt tên thiếu tướng theo chữ nào? Có nhiều chữ Đính...
Tôn Thất Đính cười:
- Răng mà tôi biết!
- Cũng được... Đính bộ “Thạch” có nghĩa là hòn đá cột vào neo để giữ thuyền khỏi lắc lư mà cũng có nghĩa là cây cột gỗ để cột thuyền. Đính bộ “Kim” là đóng, như đinh đóng vào cột ấy. Đính bộ “Ngôn” nghĩa là ước hẹn và giữ lời, còn có nghĩa là nơi cao nhất, ví dụ hình tam giác thì nơi chóp bu là đính. Đính thiên lập địa: đội trời đạp đất... Đính nha, cái mầm non trên chóp cây – bourgeon terminal... Đính với chừng ấy nghĩa...
Lúc đầu, Tôn Thất Đính nghe lơ đãng, nhưng càng về sau càng chú ý.
- Lạ thật! – Đính nói thầm – Quả là điềm lành... Tên ta không có một nghĩa nào xấu cả? Nhất là cái nghĩa sommet của một triangle(5)... Tam đầu chế!
(5) Đỉnh của tam giác.
Đính thưởng cho “giáo sư” Minh Tân thật hậu.
Hôm sau, Đính vui miệng khoe với Luân về những kì ảo quanh cái tên của mình.
Luân chia vui với Đính. Luân biết gã thầy bói còn giấu ba cái nghĩa xấu của chữ “đính.” Một là “say rượu” hai là “cúi đầu sát đất,” ba là “mạo tên người khác.” ... Có vẻ ba cái nghĩa sau thích hợp với viên tướng hoàng tộc này hơn. Và, Luân tư lự:
- “Bravo” sẽ tiếp sau như thế nào?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui