Ván bài lật ngửa

Luân lắc đầu:
- Không có lợi gì cả... Đánh tiếng về việc của chúng tôi chỉ gây rắc rối. Tôi yêu cầu cô đừng đưa tin, bất kể dưới hình thức nào. Chúng tôi không “đi đêm” nhưng giữa hai Chính phủ - Việt Nam Cộng hòa và Cambốt - thỏa thuận giữ cuộc tiếp xúc trong im lặng hoàn toàn. Cô thấy đây, ngay Thùy Dung còn không tiễn tôi kia mà!
Fanfani nhún vai:
- Nếu hãng A.P hay Reuter mà đưa tin “hớt” tay trên tôi thì ông sẽ khó ăn nói với tôi sau này...
- Tôi hứa sẽ cung cấp cho cô một reportageinédit(3) về Cambốt hiện nay, nếu cô thích... Chẳng hạn, điện Chamcar Môn, Hoàng cung, các bà vợ đẹp của Thái tử Sihanouk... - Luân cười.
(3) Phóng sự chưa hề công bố.
- Cám ơn! Những cái đó tôi thừa... Tôi chỉ muốn giành ưu tiên loan tin về phái đoàn các ông. - Fanfani làm mặt giận.
- Phái đoàn Quốc hội Việt Nam Cộng hòa lại có một cố vấn như tôi... Tin của cô độc đáo lắm, song sẽ rất nguy hiểm cho sứ mạng của chúng tôi.
- Sứ mạng gì? - Fanfani nháy mắt.
Luân không trả lời, chìa tay, Fanfani bắt tay Luân, siết chặt. Đám cảnh sát dã chiến lỡ bộ, đứng trân.
- Các anh không biết mối quan hệ giữa đại tá và tôi hay sao? - Fanfani vụt đùa với đám cảnh sát - Tôi và đại tá có thể hôn nhau...
Luân bảo Fanfani:
- Thôi, cô về... Hẹn gặp lại...
Anh bước vào phòng khách, vì biết rằng nếu chậm trễ, Fanfani dám dở trò trước mặt thiên hạ - cô ta chẳng coi chuyện thân mật với Luân là điều cấm kị...
Sau nửa giờ bay, máy bay đáp xuống sân bay Pochentong. Sân bay được mở rộng, nhiều đường băng với một nhà ga trang nhã và hiện đại. Luân thấy trên sân nhiều máy bay thuộc nhiều hãng hạ cánh: Aeroflot của Liên Xô, Air France của Pháp, Pan American của Mỹ, CSA của Tiệp, Japan Airline của Nhật, India Air của Ấn, China’s của Trung Cộng... Chiếc DC.10 chở phái đoàn không mang cờ nước nào, hạ cánh. Ngoài nhân viên sân bay, không ai đón. Đoàn đi thẳng vào nhà ga và lên luôn một ô tô Tiệp Khắc nhiều chỗ ngồi về trung tâm thành phố. Nhìn mặt cả đoàn, Luân buồn cười: tất cả - luôn hai nhà sư, một Việt tên Thích Vân Tự nói giọng miền Trung, một gốc Miên tên Thạch Chrei mà Luân biết là sản phẩm của Trần Kim Tuyến - mặt tái nhợt. Có vẻ như họ đi ra pháp trường! Quang cảnh sân bay trung lập khiến họ không yên tâm... Xe theo một đại lộ và đại lộ tên là Liên Xô! Đến ngã rẽ, xe chuyển hướng, bây giờ theo một đại lộ khác, mang tên Mao Trạch Đông. Xe qua một bệnh viện lớn bảng đề: Hopital de I’amitié Kampuchéenne – Soviétique(4). Trước khi lên đường, Luân đã nghiên cứu bản đồ Nam Vang; anh thấy lạ: đường Mao Trạch Đông chạy rìa thành phố và bệnh viện Miên - Xô nằm tận Toul Kok, ngoại ô. Chẳng lẽ Chính phủ ông Sihanouk nhét phái đoàn tận ngoại ô? Nhưng xe lại rẽ về hướng trái, ngay chân cầu được gọi là cầu Sài Gòn vắt ngang sông Bassac và theo trục lộ lớn quay vào nội thành. Xe theo con đường mang tên Monivong rồi chuyển sang con đường rất sầm uất tên Charles de Gaulle, vòng qua một loạt tên đường Tito, Tiệp Khắc, Nerhu... chạy qua khu sứ quán. Cả đoàn gần như bị điện giật khi xe bỗng chạy chậm hẳn trước ngôi nhà treo ngọn cờ đỏ sao vàng!
Luân nhìn ngọn cờ rồi nhắm nghiền mắt. Anh xúc động và cố che giấu xúc động. Ngọn cờ lay nhẹ trong gió sớm, hiên ngang làm sao! Đã khá lâu, Luân mới nhìn rõ lá cờ, nhìn lá cờ trong tư thế uy nghi, đại diện cho đất nước. Giá mà... Luân không dám buông lỏng ham muốn.
(4) Bệnh viện hữu nghị Miên - Xô.
Xe chỉ chạy chậm thôi. Sau cùng, xe dừng trước một khách sạn bốn tầng, tên Sukhakhan nằm trên đường Kampuchéa Krom. Không ai trong đoàn biết ý nghĩa con đường này, trừ Luân.
“Ông Hoàng Sihanouk chơi xỏ thật!” - Luân nghĩ – “Ông ta thị uy rõ rệt bằng cách đánh đòn cân não vào đoàn, phô trương chính sách trung lập của ông ta và sau cùng đặt trước đoàn một yêu sách: Kampuchéa Krom, có nghĩa là Miên miền hạ, tên còn đường ghi nhận tham vọng bành trướng của ông ta.”
Một nghị sĩ Miên đón đoàn tại phòng khách của khách sạn. Ông tự giới thiệu: Hing Hing, nguyên tỉnh trưởng Takeo. Tóm lại, một người không giữ vị trí chính trị gì đáng kể, gần như vô danh.
Hà Như Chi bất mãn. Ông ta tự vẽ ình vai vế khi cầm đầu một đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, bây giờ, chỉ được cho trú ngụ tại một khách sạn loại 3 sao, được một nghị sĩ hạng bét tiếp. Ở sân bay thì ông thông cảm được: tránh sự dòm ngó; còn ở đây là thủ đô, tại sao không đưa đoàn vào nhà quốc khách hoặc một khách sạn loại sang - nghe nói không hiếm gì ở Nam Vang.
Luân phải bảo nhỏ Hà Như Chi:
- Họ chịu tiếp và ột nghị sĩ tiếp là đã quý rồi... Ông nên chú ý, nếu ông tỏ vẻ đối địch, họ tung tin sự có mặt của chúng ta ở Nam Vang thì lập tức báo La Dépêche tiếng Pháp, báo Trung Lập tiếng Việt và các báo khác sẽ mở ngay chiến dịch đánh ta và suốt ngày, hết đoàn biểu tình này đến đoàn biểu tình khác, ném đá tan cái khách sạn này...
Bữa cơm “tẩy trần” dù sao cũng thịnh soạn. Hing Hing nâng cốc chúc sức khỏe toàn đoàn Nam Việt. Ông báo là đoàn nghỉ suốt ngày hôm nay, ngày mai sẽ bắt đầu chương trình. Bắt đầu chương trình như thế nào thì ông không nói, nhưng dặn mọi người trong đoàn chớ ra khỏi khách sạn, e không được an toàn.
- Dân chúng thủ đô chúng tôi đang giận Chính phủ các Ngài, nếu họ biết các Ngài từ Sài Gòn tới thì có thể họ hành hung.

Hà Như Chi muốn gặp “người có trách nhiệm” của Quốc hội, Hoàng gia và Bộ trưởng ngoại giao. Thích Vân Tự và Thạch Chrei xin yết kiến các vua sãi. Hing Hing ghi chú và hứa sẽ trả lời sau. Ông ta xem danh sách cả đoàn...
-Thằng cha cù lần này còn đi trình báo! - Hà Như Chi nhận xét và yên chí sẽ rảnh rang suốt buổi chiều và cả đêm: sử dụng thời gian sao cho đáng với chuyến công du.
Ông ta gọi người phục vụ. Lát sau, bóng phụ nữ thấp thoáng trong phòng ông ta - và một số phòng nữa.
Vào hai giờ chiều, Hing Hing trở lại khách sạn. Hà Như Chi không thể tiếp mà nhờ Luân thay.
- Hai vua sãi muốn gặp hai vị sư trong đoàn ngay... Nhờ ông gọi giúp. Tôi cùng đi với họ. - Hing Hing bảo Luân.
Luân gõ cửa phòng Thích Vân Tự. Gõ mấy lượt và chờ. Cửa mở hé. Không có ai trong phòng trừ nhà sư, nhưng toa let thì đóng chặt, và nhà sư ăn vận quá vội, ngay trên gường ngủ vẫn chưa kịp giấu các đồ lót của phụ nữ.
Luân gõ cửa phòng Thạch Chrei. Cửa không cài. Và so với Thích Vân Tự, nhà sư cũng không có gì che trên thân cùng một cô gái giống như vậy.
Luân khép cửa nói vọng vào ý kiến của Hing Hing.
Mười lăm phút sau, hai “đại diện” Phật giáo nghiêm trang rời khách sạn.
Luân ra ban công, nhìn bao quát khu vực. Nam Vang xây dựng khá nhanh và phải nói là đẹp. Nhà không cao lắm, năm tầng trở lại, ngăn nắp theo một quy hoạch tổng thể. Tuy nhiên, có vẻ các nhà sang trọng nhất thuộc về người Hoa - kiểu kiến trúc đặc sệt Trung Quốc.
Ông Hoàng Sihanouk chơi trò xiếc đi dây. Những thành công bước đầu khuyến khích ông: ông giữ được thăng bằng giữa một khu vực đang xáo trộn dữ dội. Đó là nói về đối ngoại. Còn đối nội, tình hình không thuận lợi lắm. Sau vụ Đáp Chuôn, các phần tử trí thức lại rục rịch chống ông. Quân đội, ngoài mặt trung thành với ông, nhưng nhiều phe nhóm chen vào chi phối, đáng kể hơn hết là Lon Nol, người mang huyết thống Trung Quốc, đang là tướng lĩnh nắm nhiều thực quyền với cương vị Tổng tham mưu trưởng. Phòng nhì Pháp, vào lúc này, ủng hộ Sihanouk - là chỗ dựa quan trọng của ông Hoàng. Chỗ dựa ấy còn vững đến bao giờ thì lại tùy thuộc vào tác động của Mỹ - Sihanouk nhận viện trợ kinh tế Mỹ, không nhiều, trên 10 triệu dollar năm, nhưng chính là phần ngoại tệ quan trọng thứ nhì sau Pháp. Sihanouk tìm thêm chỗ dựa mới: Trung Quốc xây dựng cho ông một số xí nghiệp công nghiệp. Liên Xô giúp ông các công trình phúc lợi xã hội. Điều nguy hiểm là Sihanouk lạm dụng mối tác động qua lại giữa các nước lớn, nay đề cao quá trớn nước này, mai đả kích cũng quá trớn nước khác. Ông sống trong ảo tưởng là ông và chế độ của ông - là một báu vật mà các nước buộc phải nuông chiều...
Một xe Mercésdès dừng trước khách sạn. Luân không để ý lắm. Vài phút sau, Giám đốc khách sạn khúm núm đưa lên một người và người đó bước ra ban công, nghiêng mình:
- Thưa đại tá, tôi là Phuissara được lệnh của Samđech(5), mời đại tá vào Hoàng cung gặp Người.
(5) Hoàng thân
Luân không ngờ cuộc gặp mặt quá nhanh như vậy với Sihanouk. Anh xin lỗi Phuissara, vào phòng thay quần áo. Anh định báo cho Hà Như Chi biết, nhưng cửa phòng của ông ta đóng chặt. Luân đành ghi mấy dòng, bảo người thư kí của đoàn trao lại khi Hà Như Chi thức dậy.
Trên xe, Phuissara tự giới thiệu người có họ hàng với Sihanouk, phụ trách lễ tân thay cho vị hoàng thân xấu số Vakrivan chết vì quả bom nổ năm trước - tác phẩm của Ngô Trọng Hiếu - Ly Kai.
Sihanouk đón Luân ở phòng khách riêng, đặt trong điện Chamcar Môn, trên bờ sông Cửu Long. Luân vừa lên khỏi tam cấp thì Sihanouk đã vồn vã ôm ghì anh:
- Tao cứ ngỡ không bao giờ gặp mày! - Sihanouk nói tiếng Pháp và xưng hô như lúc hai người còn học chung.
- Tôi cũng vậy, tôi đâu tưởng có thể gặp thái tử, nhất là gặp ở Phnôm Pênh... - Luân giữ khoảng cách cần thiết.
- Đọc bảng danh sách đoàn Quốc hội Sài Gòn, thấy tên mày, tao mừng quá, bảo gọi ngay...
Sihanouk lôi Luân vào phòng.
Cuộc nói chuyện bắt đầu bằng sự nhắc nhở các kỉ niệm cũ. Sihanouk nói rất say sưa, gần như một mình ông ta nói, với giọng “mái.” Quá khứ của những năm trung học được xốc dậy, Sihanouk quả có tài nhớ mọi chi tiết, kể cả chi tiết leo rào đi chơi đêm và nhờ Luân trùm mền lên gối đánh lừa giám thị.
- Tôi muốn trao đổi với thái tử vài vấn đề liên quan đến hai nước chúng ta... - Luân lựa lúc thuận lợi, lái câu chuyện vào hướng chính.
Sihanouk gạt phắt:
- Ồ! Hôm khác đã... Vả lại, mày đâu phải trưởng đoàn... Hôm nay chúng ta sống lại thời trẻ, chỉ làm việc đó thôi.

Hai người dùng cơm tối và Sihanouk không ngớt thao thao.
- Đáng lẽ tao phải gọi vợ con ra chào mày, song - Sihanouk cười ha hả - Tao nhiều vợ như phong tục nước ta cho phép và do đó, nhiều con, gọi cả thì quá đông, gọi một người thì không tiện. Monique gần gũi tao nhất nhưng còn nhiều bà khác... Hơn nữa, họ chẳng chia sẻ được tí gì ngôi trường của chúng ta.
Mãi gần mười giờ đêm, Luân mới chia tay Sihanouk.
- Quốc hội Campuchia cử Hing Hing làm việc với đoàn của Nam Việt. Có thể tao sẽ gặp mày lần nữa, lần đó, tha hồ ày nói chính trị!
Sihanouk bảo như vậy khi tiễn Luân xuống tận xe.
Hà Như Chi chờ Luân. Ông ta thất vọng vì cuộc tiếp xúc của Luân với Sihanouk chỉ đơn thuần bè bạn.
Thích Vân Tự và Thạch Chrei mang về kết quả không phấn khởi. Hai vua sãi trách cứ nặng lời chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với Phật giáo và còn dọa, nếu chính sách ấy mà lan đến người Khmer, thì hai vị sẽ có biện pháp phản đối kiên quyết.
Hai vua sãi hỏi Thích Vân Tự và Thạch Chrei có biết hòa thượng Thích Quảng Đức, người tự thiêu vừa rồi gây chấn động khắp thế giới đã từng học đạo ba năm ở Nam Vang hay không? Cả Thích Vân Tự lẫn Thạch Chrei đều không để ý đến chi tiết này.
- Ngài là người Khmer Krom(6) lại tu hành, đừng nên theo vết chân của ông Diệm.
(6) Miên miền hạ
Vua sãi phái Tiểu thừa bảo Thạch Chrei.
- Chúng tôi sẽ xin Giáo hội Phật giáo Nam Việt một xá lợi của hòa thượng Thích Quảng Đức để vào nơi tôn kính của chùa chúng tôi.
Vua sãi phái Đại thừa bảo như vậy.
Hôm sau, Hing Hing mời đoàn đến trụ sở Quốc hội làm việc. Đoàn Cambốt, ngoài trưởng đoàn Hing Hing, có thêm hai nhân viên Bộ Ngoại giao, cấp thấp. Chương trình nghị sự do Hing Hing đưa ra gồm ba vấn đề lớn:
1. Xác định lại đường biên giới “không minh định” chạy dọc theo các tỉnh Kongpong Chàm - Kratiê của Cambốt với các tỉnh Tây Ninh và Bình Long của Nam Việt.
2. Xác định lại đường phân chia hải phận trên vịnh Thái Lan.
3. Quy chế người Khmer sống ở Nam Việt.
Chương trình của Hing Hing dồn đoàn Việt Nam vào chỗ lúng túng. Hà Như Chi không được chỉ thị bàn các vấn đề đó, dù chỉ bàn về các thể thức sẽ trao đổi. Tất cả đều quá lớn và nhất định ảnh hưởng đến lãnh thổ Nam Việt kể cả đảo Phú Quốc.
Luân không nói gì. Anh biết Sihanouk thỏa thuận cho đoàn đại biểu Quốc hội Nam Việt đến Nam Vang không phải để bàn các vấn đề trên. Chẳng qua ông “xả xú páp” mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước và các vấn đề nêu lên để ném ra một đầu cầu mà hai bên hứa sẽ tiếp tục trao đổi. Chỉ như vậy thôi.
Hà Như Chi đưa ra “phản đề nghị”:
- Cambốt cam kết giữ trung lập triệt để trong các quan hệ nội bộ Nam Việt, kể cả vấn đề Phật giáo.
Cuộc họp ngừng. Chiều hôm đó, Hing Hing mở tiệc chiêu đãi. Đêm, đoàn Nam Việt được mời xem bộ phim màu “Nữ đại sứ,” kịch bản của Sihanouk, do ông đạo diễn, ông và vợ ông, bà Monique đóng vai chính. Chuyện phim là bản án về cuộc tạo phản của Đáp Chuôn ở Xiêm Rệp, có bàn tay của tình báo Việt Nam nhúng vào. Toàn bộ bộ phim toát tinh thần kì thị chủng tộc, tỉ như nữ tình báo Nam Việt làm tình với Đáp Chuôn tên là “Cô nước mắm.”
Luân xem nửa chừng, bỏ ra về. Anh tính toán kĩ và thấy cần phản ứng, mặc dù nội dung của bộ phim không phải không chứa ít nhiều sự thật.

Về đến khách sạn, Giám đốc khách sạn rối rít báo với Luân là hoàng cung gọi điện đến cho anh.
- Alô! - Luân nói vào máy - Kính chào thái tử... Vâng, tôi không xem hết bộ phim. Tôi không nói về đạo diễn, diễn viên và các mặt kĩ thuật. Tôi chỉ phàn nàn tác giả nhìn dân tộc tôi một cách phiến diện...
- Tôi chỉ nói những người Việt nào như tôi mô tả. - Sihanouk giải thích - Anh không phải người Việt loại đó... Anh quên rằng chính tôi suýt chết vì gói quà của Ngô Trọng Hiếu?
- Tôi không quên. Và, gói quà không riêng của Ngô Trọng Hiếu. Nó được gởi từ Hồng Kông.
- Tôi biết... Thôi, nếu có điều gì tao làm phật lòng mày thì tao xin lỗi. Ngày mai, chúng ta gặp nhau.
Hà Như Chi trách Luân thiếu tế nhị ngoại giao, nhưng khi nghe Sihanouk gọi điện xin lỗi Luân thì ông ta đổi thái độ, bắt đầu chống chế dài dòng về việc ông ta không thể rời buổi chiếu phim được do cương vị trưởng đoàn bắt buộc. Ông ta rất ngại Ngô Đình Nhu biết chuyện này.
- Anh biết tin tức mới nhất ở Sài Gòn chưa? - Sihanouk hỏi Luân ngay khi hai người ngồi vào ghế, bắt đầu trao đổi.
- Chưa... Tin gì? - Luân hỏi.
- Ba tin: Một, Hội đồng các tướng lãnh ra thông báo kêu gọi đoàn kết, bình tĩnh, mong các vấn đề được giải quyết trong tình huynh đệ. Hội đồng các tướng lãnh - anh nhớ cho, chỉ ngày 11-11-1960 mới có danh xưng này. Và, Hội đồng các tướng lãnh lại không đứng trong tư thế quân nhân chấp hành ý kiến của Tổng thống, mà trèo lên cả trên đầu Tổng thống, ra lời khuyên kiểu trọng tài thổi còi! Nguy hiểm lắm! Tin thứ hai: Nhiều sư và ni cô biểu tình trước sứ quán Mỹ, yêu cầu Mỹ can thiệp ngăn chặn ông Diệm giết tín đồ đạo Phật. Cuộc biểu tình bị đàn áp trước mũi Mỹ... Đài truyền hình Mỹ tha hồ mà chiếu hằng giờ về những cái Chính phủ Mỹ cần cho công chúng Mỹ biết. Tin thứ ba: Một cuộc biểu tình lớn xảy ra ở một ngôi chùa để dự lễ tang ông hòa thượng tự thiêu, đông đến cả vạn người. Xung đột dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát. Đến hàng nghìn người bị bắt...
Luân trầm ngâm. Đúng là anh chưa biết ba tin này, chắc sự việc xảy ra lúc anh rời Sài Gòn.
- Chính phủ do tôi cầm đầu tới nay chưa tỏ thái độ. Tôi không muốn bị Nam Việt kết tội chen vào việc nội bộ của Nam Việt. Nhưng, nếu Cambốt không phải là nước đầu tiên lên án Chính phủ Sài Gòn thì Cambốt lại không thể im lặng nếu một nước nào đó ở Đông Nam Á mở đầu lên án, nhất là nếu nạn nhân của chính sách đàn áp gồm luôn người Khmer Krom. Tôi rất lạ về ông Diệm. Anh không thể ảnh hưởng đến ông ta hay sao? Ông ta có loạn thần kinh không? Ông ta hô hào chống Cộng bằng cách tạo đủ các điều kiện phì nhiêu nhất để cho Cộng sản nảy nở... Ông ta chắc không để ý rằng chống Cộng không thể không tính đến những đổi thay của thế giới... Còn một tin nữa, hôm nay, nữ phi hành gia đầu tiên của loài người, một người Nga, một người Cộng sản bay lên vũ trụ. Bà ta tên là Valentina Têrêxkhôva...
- Tôi biết ông Nhu phái anh lên gặp tôi, do chúng ta là bạn học. Tôi thích gặp bạn học, nhất là bạn thân. Nhưng, đó là việc khác. Tôi có thể cam đoan rằng Sihanouk là người ít thích ông Diệm đổ nhất trong số những kẻ ghét ông Diệm bởi vì ông Diệm đổ - hiện nay, không do Cộng sản - thì an ninh của Cambốt cũng bị đe dọa, trong khi đồng thời tôi cũng không bao giờ cho phép ông Diệm mạnh. Ông Diệm mạnh, rảnh tay có nghĩa nạn nhân sẽ là nước Cambốt trung lập chúng tôi, ít về dân số, kém về khả năng tự vệ. Tôi không giấu giếm anh. Tôi muốn ông Diệm suy nghĩ đến chính sách trung lập ở Nam Việt, mặc dù tôi biết rằng, quá trễ và thật sự chính sách trung lập không hợp khẩu vị ông Diệm. Những gì có thể hứa với anh, tôi đã hứa!
Luân hiểu rằng Sihanouk, trong trường hợp này, nói thật. Ông ta tỏ ra một nhà chính trị khá cứng. Như vậy, ông ta sẽ tiếp tục ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng trong chừng mực có thể kiềm chế Chính phủ Sài Gòn.
Công việc của đoàn đại biểu coi như xong. Trước hôm lên máy bay về Sài Gòn, một nhà báo Pháp tên Georges Chaplas, đột ngột đến gặp Hà Như Chi với một lô phỏng vấn. Hà Như Chi đẩy sang Luân. Luân từ chối.
- Tôi không có điều gì để nói với nhà báo bởi tôi lên Nam Vang với tư cách cá nhân...
- Ông đi du lịch? - Georges Chaplas hỏi móc.
- Đúng, tôi đi du lịch - Luân bình thản.
- Ông gặp những ai?
- Tôi gặp các cô hướng dẫn và các ngôi đền.
- Ông có gặp Thái tử Sihanouk?
- Không!
- Có, ông có gặp. Gặp những hai lần!
- Không!
- Ông có gặp đại diện của Bắc Việt hoặc của Mặt trận Dân tộc Giải phóng?
- Nếu ông thích tin giật gân thì ông cứ nêu lên báo rằng tôi có gặp...
- Tôi muốn đưa tin trung thực, khách quan...
- Đó không phải là nhiệm vụ của tôi...
- Tôi vừa gặp ông Trần Bửu Kiếm... Ông biết ông ấy?
- Biết... Rất biết. Ông Kiếm đang phụ trách đối ngoại của Việt Cộng...

- Tôi muốn lưu ý ông rằng tôi gặp ông Kiếm ở đây, Phnôm Pênh...
- Rất tiếc tôi không phải là Thống đốc Phnôm Pênh để đánh giá tin của ông và có thái độ...
- Ông có tham gia Hội đồng tướng lĩnh Sài Gòn?
- Tôi là đại tá... Và, xin lỗi ông, tôi đang bận.
- Trưởng đoàn của ông ủy quyền cho ông tiếp tôi.
- Tôi đi du lịch, làm gì có trưởng đoàn! Tốt nhất ông đến với ông nào tự nhận là trưởng đoàn...
Luân trục Georges Chaplas ra khỏi phòng.
Sát giờ ra sân bay, Phuissara mang đến một gói quà của Sihanouk gửi tặng vợ Luân với danh thiếp:
“Bạn Nguyễn Thành Luân! Bạn và vợ bạn cứ yên tâm mở gói quà, vài món kỉ niệm của cá nhân tôi không thể gây ra tiếng nổ... Tôi cũng muốn gửi ông Diệm một món quà, song tiếc rằng ông ấy không phải là bạn tôi...”
NORODOM SIHANOUK.
Luân cùng đoàn bước ra cửa khách sạn, sắp lên xe thì một nhà sư trẻ - áo choàng nửa vai vàng rực - cầm bình bát đến xin khất thực. Ở thủ đô Phnôm Pênh, sư hóa trai nhiều vô kể, chẳng ai lạ gì việc xuất hiện của nhà sư trẻ này, mặc dù, da của nhà sư hơi trắng so với các nhà sư Khmer khác.
Thoạt đầu, Luân cũng không để ý, nhưng trông qua một lần, anh giật mình. Nhà sư khá đẹp trai, đầu cạo nhẵn, liếc nhìn anh.
Luân kềm chế, giữ vẻ thật bình thản, ra hiệu mời nhà sư trẻ vào chờ anh, anh gọi một tô cơm và thức ăn. Khi người phục vụ mang cơm và thức ăn đến, đoàn đã lên xe.
Hà Như Chi bảo:
- Đại tá Luân làm động tác ngoại giao cuối cùng đấy...
Luân tiến sát nhà sư trẻ, cuối chào lễ phép rồi trút cơm, thức ăn vào bình bát. Không ai thấy tay Luân và tay nhà sư trẻ chạm nhau - Luân nhận một vật thật nhỏ, như cây tăm - và mọi người ngỡ Luân chúc tụng nhà sư và nhà sư cám ơn Luân. Sự thật, mấy câu ngắn như thế này:
- Có chỉ thị của A.07 cho anh Bảy!
- Cảm ơn... Mong gặp Sa quá...
- Sẽ nối lại liên lạc ở Sài Gòn... Theo dõi mục rao vặt trên báo Cách mạng quốc gia...
- Tôi về hôm nay...
- Anh chị có cháu chưa?
- Sắp...
Cái mà Luân day dứt mãi, bây giờ mới được giải quyết...
*
Báo cáo của Phân cục tình báo Mỹ
Nơi gởi: Phnôm Pênh
Nơi nhận: Sài Gòn
Đoàn đại biểu bán chính thức của Quốc hội Sài Gòn không thu được kết quả gì trong chuyến đi đến Phnôm Pênh. Chính phủ Hoàng gia tiếp hờ hững. Nguyễn Thành Luân gặp Sihanouk nhưng chỉ nhắc tìn cảm bạn bè cũ. Không có dấu hiệu Luân tiếp xúc với một nhân vật Cộng sản nào.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui