VÀ CẬU BƯỚC ĐẾN

Edit: Sa Suốt kỳ nghỉ hè, cuộc sống của Thi Âm rất có quy luật. Sáu giờ sáng ngủ dậy, đúng tám giờ sáng có mặt tại bệnh viện để đưa đồ ăn sáng cho mẹ, sau đó đứng ngoài hành lang học từ vựng, đến khi y tá làm thuốc xong, cô vào phòng bệnh ngoan ngoãn ngồi giải đề thi cả ngày.

Ông nội Thi Âm từng là trưởng khoa của bệnh viện thành phố, tuy đã về hưu nhưng mạng lưới quan hệ vẫn còn đó, vì vậy rất dễ dàng sắp xếp một phòng bệnh đơn cho mẹ Thi. Gia đình mời hộ lý chuyên nghiệp 24/24, có trách nhiệm cao, chuyên nghiệp và cẩn thận hơn cả người thân của bệnh nhân, vì vậy Thi Âm không cần phải bận tâm điều gì. Cô ở bệnh viện chẳng cần làm gì cả, việc duy nhất mỗi ngày là học tập. Nhưng bất kể mẹ Thi khuyên nhủ ra sao, hằng ngày cô vẫn bướng bỉnh đeo cặp sách đến bệnh viện, biến phòng bệnh thành phòng tự học của mình.

Thỉnh thoảng Thi Ngạn cũng vào thăm.

Mùa hè này cậu phải tham gia cuộc thi Olympic Toán học và huấn luyện trong đội bơi nên không có nhiều thời gian rảnh. Tính tình cậu hướng nội, ít nói, mỗi lần đến chỉ an tĩnh xem ti vi với mẹ, gọt trái cây cho mẹ ăn, khoảng tầm một tiếng thì lại lẳng lặng về trường.

Về phần Uy Uy, vì cậu bé còn nhỏ, người lớn sợ cậu ở bệnh viện không tốt nên đã đưa về nhà ông bà nội nhờ trông giùm, chỉ thường xuyên video call, luôn miệng gọi mẹ ơi mẹ ơi nhưng rất ít khi được vào bệnh viện thăm mẹ.

Dượng Hà phải đi làm nên ban ngày không ở bệnh viện được, tan làm mới đến. Sau đó, Thi Âm đeo cặp sách bắt xe buýt về nhà, chừa lại không gian cho người lớn với nhau.

Cô không kể chuyện gia đình cho bất cứ người bạn nào, thậm chí trong suốt mùa hè này, cô rất ít khi nói chuyện cùng bạn bè. Cô không đi học thêm, từ chối mọi lời rủ rê vui chơi, gần hai tháng qua, cô chỉ đi đi về về giữa nhà và bệnh viện.

Bù lại, cô giải được rất nhiều đề thi, học thuộc quyển từ vựng Tiếng Anh cấp sáu, đọc xong một lần cuốn Từ điển Tiếng Hán hiện đại, cuộc sống tuy đơn điệu nhưng không buồn chán.

Mẹ Thi luôn nói với cô đầy bất đắc dĩ: “Con không cần suốt ngày ở với mẹ đâu, người qua kẻ lại, làm sao con tập trung được, mau về nhà đi.”

Cô bé lắc đầu: “Ở nhà con toàn chơi điện thoại thôi, ở đây có mẹ giám sát, hiệu suất học tập sẽ cao hơn.”

Mẹ Thi thở dài, tuy muốn khuyên tiếp nhưng biết rõ sẽ không thuyết phục được con gái. Trên thực tế, nỗi lo của bà không phải là không có lý do.

Kể từ khi mẹ Thi bị bệnh, chưa bao giờ thiếu người thăm hỏi. Hôm nay là cô dì chú bác, ngày mai là bạn bè đồng nghiệp, mỗi lần tới là tặng tiền tặng hoa tặng giỏ trái cây, sau đó bắt đầu nói không ngừng. Nói đi nói lại cùng chỉ mấy câu:

“Phải kiên cường vì con cái, nhất định sẽ vượt qua khó khăn.”

“Tớ tìm hiểu giúp cậu rồi, tỷ lệ khỏi bệnh ở giai đoạn hai là từ bảy mươi đến tám mươi phần trăm. Cậu cứ an tâm, thả lỏng tinh thần.”

“Quan trọng nhất là lạc quan, chắc chắn có hy vọng.”



Thi Âm thấy cứ hết người này tới người khác nói thế thì cho dù mẹ đang rất lạc quan cũng sẽ bị họ ép cho thành bi quan. Vì vậy về sau, bạn bè hay họ hàng không quá thân thiết đến thăm thì đều mới chỉ chào hỏi một lát là sẽ bị Thi Âm mời ra ngoài để tiếp đãi.

Cô bé nói năng hòa nhã, lúc nào cũng cười, cực kỳ lễ phép nhưng câu nào câu nấy vô cùng cứng rắn. Có một giáo viên Tiếng Anh là tổ trưởng bộ môn của mẹ Thi, vốn dĩ rất thích Thi Âm, thậm chí còn định làm mai cháu họ của mình với Thi Âm, nhưng kể từ sau lần tới thăm bệnh, bà hoàn toàn thay đổi suy nghĩ.

“Con bé này ghê gớm quá, mới tí tuổi đầu mà miệng mồm thế rồi, e là lớn lên sẽ khó đối phó, con trai bình thường sao đấu nổi với nó, không hợp không hợp.”

Đồng nghiệp đi cùng cũng hùa theo: “Phải đó, đẹp nhưng miệng lưỡi sắc sảo quá, trông không phải dạng hiền lành gì. Con gái mưu mô quá cũng không tốt, yêu đương thì được chứ nói cưới hỏi thì thôi! Nhìn bọn nhà giàu xem, ai cũng chọn con dâu trong sạch, đàng hoàng hết đó.”

Nhưng vừa qua khúc cua thì thấy Thi Âm đứng trước thang máy chơi điện thoại. Hai người sững sờ, gương mặt thoáng bối rối.

Nữ sinh ngẩng đầu, mỉm cười nhìn hai người, lễ phép chào hỏi: “Cháu chào hai cô.”

“Đinh.” Cửa thang máy mở ra.

Cô đứng qua một bên, nhường hai người lớn vào trước, gương mặt luôn hòa nhã, thái độ cực kỳ lễ phép, tựa như chưa từng nghe những lời bàn tán của họ. Vì vậy, khi đã cách xa bệnh viện, cô giáo Tiếng Anh lại lắc đầu cảm thán: “Cô con gái này của Tử Khanh thật sự là quá ghê gớm, mới tí tuổi đầu thôi mà, chậc chậc chậc…”

Nhà Thi Âm ngược hướng với họ nên không nghe được những đánh giá sau đó mà họ dành cho cô. Có điều dẫu có nghe thấy thì cô cũng chẳng mấy để tâm.

Trước kia, cô cực kỳ quan tâm tới ánh mắt của người khác về mình, nhưng không hiểu vì sao, kể từ khi mẹ bị bệnh, cô bỗng cảm thấy rất nhiều thứ thoáng chốc không còn quan trọng nữa.

Nguyện vọng lớn nhất hiện nay là mẹ được sống. Không cần mẹ yêu thương cô, không cần lo nghĩ cho lợi ích của Tiểu Ngạn, thậm chí chỉ một lòng yêu thương Uy Uy cũng không sao. Chỉ cần mẹ được sống.

***

Trưa nay, về phòng bệnh sau khi làm xong hóa trị liệu, mẹ nằm ngủ trong chốc lát. Có lẽ vì quá đau đớn nên giấc ngủ không hề an ổn, đôi mày luôn nhíu chặt, thỉnh thoảng giật mình rồi lẩm nhẩm gì đó.


Thi Âm đi tới, bà liền nắm chặt tay con gái, siết mạnh, móng tay đâm vào lòng bàn tay Thi Âm, ánh mắt nửa tỉnh nửa mơ của bà yếu đuối đến lạ.

Bà nói, Giác Trí, em hận anh lắm.



Chờ đến khi mẹ tỉnh táo, tựa vào giường ngẩn ngơ, Thi Âm mới không kiềm được mà nói khẽ: “Mẹ, ban nãy mẹ mơ thấy bố ạ?”

Toàn thân đối phương thoáng run lên.

“Mẹ còn nói mẹ có lỗi với Tiểu Ngạn… Mẹ, mẹ không thương Tiểu Ngạn là vì mẹ hận bố ư?”

Mẹ Thi im lặng rất lâu, sau cùng mới khô khốc nói: “Không phải mẹ không thương Tiểu Ngạn, chỉ là mỗi lần nhìn nó, tim mẹ đau như sắp chết. Thi Âm, con không biết đâu, nó với bố con là từ một khuôn đúc ra.”

Có lẽ vì mới làm hóa trị liệu xong, nỗi đau đớn thể xác khiến lòng người trở nên yếu đuối, hoặc chăng vì mơ thấy chồng cũ, bà muốn nói hết những đè nén trong lòng bấy lâu.

Chiều nay, bà nói rất nhiều rất nhiều với con gái.

Bà nói, bố con tốt lắm, là người tốt nhất trên đời, tốt đến mức khiến mẹ ngay cả hận cũng không dám hận quá sâu.

Bà nói, Thi Âm, con biết không, nửa năm đầu sau khi bố con ra đi, mẹ không dám bước vào phòng ngủ, hằng đêm mẹ đều mở mắt nhìn trần nhà, phải uống thuốc an thần mới ngủ được. Có đôi khi mẹ muốn uống một lúc mấy chai thuốc ngủ để xuống đất tìm ông ấy, nhưng nghĩ đến con, nghĩ đến con và Tiểu Ngạn còn nhỏ, nếu mồ côi cả cha lẫn mẹ thì tội nghiệp lắm. Cho nên mẹ không làm được.

Bà nói, Thi Âm, không phải mẹ muốn tái giá mà là mẹ không sống nổi nữa, hằng ngày nhìn căn phòng ngủ trống trải là lại nghĩ tới chuyện trước kia, tối nào nước mắt cũng chảy đến mức cạn khô, thế nhưng ngày hôm sau nước mắt vẫn cứ rơi tiếp.

Bà nói, Thi Âm, mẹ không có cách nào để đối xử tốt với Tiểu Ngạn là bởi vì chỉ cần nhìn nó, mẹ sẽ bất giác nhớ đến bố con. Mẹ đem nỗi oán hận bố con trút lên đầu Tiểu Ngạn, lại đem tình yêu dành cho ông ấy trao đến con và Uy Uy. Thi Âm, mẹ có lỗi với nó, mẹ không xứng làm mẹ, nhưng mẹ không kiềm được, thực sự không kiềm được.

Bà vừa khóc vừa nói, hệt như đang bộc phát tất cả. Những đau đớn bị đè nén suốt mười năm từ mọi ngách thân thể đều trào lên hốc mắt, không sao ngăn được.

Sau đó, bà lại nói, nói đến khi rã rời mới dựa vào thành giường ngủ thiếp đi, gò má vẫn còn đẫm nước mắt, đôi mày vẫn nhíu chặt.

Thi Âm vuốt nếp nhăn trên trán mẹ rồi khẽ khàng lau khô nước mắt cho mẹ, sau đó ngồi thừ người ở bên giường, thẫn thờ ngắm mẹ.

Hận một người là vì quá yêu người ấy.

Mẹ hận bố bởi vì mẹ quá yêu bố, họ đã từng rất hạnh phúc nhưng cuối cùng lại chỉ còn mình bà khổ sở sống ở thế gian, niềm tin yêu đong đầy dần biến thành nỗi hận qua những đêm cô tịch.

Cô hận mẹ cũng bởi vì cô yêu mẹ. Mẹ thiên vị, mẹ vô trách nhiệm với Tiểu Ngạn, mẹ cuồng công việc mà vứt bỏ hai chị em cô… Có thể kể ra rất nhiều lý do khiến cô ghét mẹ. Nhưng mẹ sẽ thắt tóc cho cô để cô xinh đẹp cô, sẽ thức trắng đêm sửa váy cho cô vì cô khóc thảm thiết, sẽ nhớ mua quần áo mới cho cô vì cô đã cao hơn, sẽ nấu canh bổ cho cô uống khi cô đến kỳ sinh lý, hoặc vì cô không thích bánh ngoài tiệm mà cùng làm đủ loại bánh với dì út dẫu công việc bận rộn, chưa từng quên món ăn yêu thích bốn mùa của cô, mỗi kỳ thi tháng đều tỉ mỉ phân tích điểm yếu của cô, thường xuyên trò chuyện về vấn đề học tập với cô, ngồi xe mười mấy tiếng về quê chỉ để mua trứng ngỗng đảm bảo chất lượng cho cô bồi bổ. Giang Diệu không chỉ một lần nói trong hâm mộ, Âm Âm à, cậu đầu thai bằng cách nào mà có người mẹ tâm lý nhường ấy thế?



Mẹ cũng là một người mẹ tốt.

Gia đình gán ghép rất khó khăn, để giữ gìn gia đình êm ấm, Thi Âm luôn cố rộng lượng, hiền lành, dễ chịu, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến bản thân rất mệt mỏi.

Vậy mẹ thì sao? Mẹ cũng làm những việc như cô, lại còn phải chăm sóc ba đứa con, quan tâm chuyện nhà chồng, chịu đựng những lời xỉa xói của họ hàng phía chồng cũ.

Thật ra mẹ cũng rất mệt mỏi.

Mày hy sinh vì mẹ, mẹ cũng đã hồi trả lại cho mày. Cho dù mẹ thực sự thiên vị Uy Uy, mày cũng không có tư cách để trách móc.

Không thể, không thể vì bạn yêu người đó nhất thì có quyền đòi hỏi người đó cũng phải yêu bạn nhất.

***

Cô gái ngồi trên xe buýt, nhìn bên ngoài bỗng đổ mưa to, cô cố gắng trợn mắt. Điện thoại trong túi áo rung lên, cô ép nước mắt chảy ngược vào trong, mở ra xem. Quả nhiên, người gửi tin nhắn cho cô trong những thời khắc quan trọng luôn là Bùi Thời Khởi.

Bùi Thập Thất: Tiểu Thi Âm, cậu có ở nhà không?


Thi Âm hít mũi, chầm chậm gõ chữ: Sao thế?

Bùi Thập Thất: Tiểu gia muốn hỏi bài tập hè.

Bài tập hè? Chỉ còn hai ngày nữa là khai giảng rồi, sao có người tới hôm nay mới hỏi bài tập hè?

Thi Âm: Đừng nói với tớ là cậu vẫn chưa làm bài tập hè nhá?

Bùi Thập Thất: Ừm hứm.

Thi Âm: …

Thi Âm: Bây giờ cậu mới bắt đầu làm

Thi Âm: Thì không kịp đâu

Bùi Thập Thất: Kịp

Bùi Thập Thất: Tiểu gia làm bừa là được

Thi Âm: Nếu bị kiểm tra thì cậu chết chắc

Bùi Thập Thất: Hớ, cậu nghĩ có ai ngu đi kiểm tra tỉ mỉ bài tập hè không?

… Đúng là vậy, nếu là người khác thì hên xui, nhưng nếu là Bùi Thời Khởi thì khó nói lắm.

Nữ sinh thở dài.

Thi Âm: Hồi đi học lại sau kỳ nghỉ tết, giáo viên môn nào cũng lấy bài của cậu là bài tham khảo, cuối cùng ai cũng bị làm tức gần chết, sau đó tóm cậu lên văn phòng giáo viên để làm lại, cậu quên rồi à?

Bùi Thập Thất: Hơ?

Thi Âm: Tới bây giờ tớ vẫn nhớ cậu làm phần đọc hiểu bài “Trăng sáng đầm sen”(1) là:

Thi Âm: “Di chuyển” nói về sự lưu luyến bịn rịn của chàng trai dành cho thức ăn, thể hiện tài nghệ miêu tả tài tình của Dư Hoa(2).

Thi Âm: Cậu chép sách giả thì thôi đi

Thi Âm: Đằng này còn lấy râu ông này cắm cằm bà kia. Cậu có tiền án tiền sự nghiêm trọng như thế

Thi Âm: Bây giờ thầy cô tha cho cậu mới lạ

Bên kia yên tĩnh vài phút.

Bùi Thập Thất: Hơ

Bùi Thập Thất: Kệ chứ

Bùi Thập Thất: Tớ học cho tớ

Bùi Thập Thất: Chứ có phải học cho thầy cô đâu




Những lời này còn có thể được dùng như vậy ư? Thi Âm lại được mở mang đầu óc rồi.

(1) “Trăng sáng đầm sen” là áng văn xuôi cực kỳ nổi tiếng của nhà văn Chu Tự Thanh.

(2) Dư Hoa là một nhà văn nổi tiếng Trung Quốc.

Cô bất đắc dĩ xoa ấn đường, bắt đầu dựa theo trí nhớ nhắn bài tập hè cho cậu.

Thi Âm: Ngữ văn là chọn một trong mười câu ở đề mẫu thứ 24.

Thi Âm: Tổ hợp Khoa học tự nhiên thì giải đề trong sách luyện đề, cộng thêm sách bài tập.

Thi Âm: Tiếng Anh là…

Xe buýt bỗng ngừng lại, Thi Âm còn chưa nhắn tin xong thì chú tài xế đã nói to: “Cháu gái, tới trạm rồi.”

Thi Âm nhìn ra cửa sổ, không phải là cảnh vật quen thuộc, trên xe buýt trống trải, chỉ còn mỗi mình cô là hành khách.

“… Chú ơi, trạm này là trạm nào ạ?”

“Tây Viên, còn một trạm nữa, nhưng phải vào bến đó.”

… Á, qua trạm rồi. Nữ sinh ôm cặp sách ủ rũ xuống xe, đứng dưới trạm xe buýt lạ lẫm trú mưa.

Vì đồng nghiệp của mẹ nán lại lâu quá, lại còn nhất quyết dẫn Thi Âm đi ăn cơm nên hôm nay cô về khá trễ. Đây là chuyến xe buýt cuối cùng rồi. Cô bèn lấy điện thoại ra gọi cho dượng Hà để nhờ dượng Hà đến rước về, nhưng gọi hồi lâu vẫn không có ai nghe máy.

Wechat rung lên không ngừng.

Bùi Thập Thất:?

Bùi Thập Thất: Tiểu Thi Âm

Bùi Thập Thất: Cậu còn sống không

Bùi Thập Thất: Cậu đang ở nhà hay ở bên ngoài?

Bùi Thập Thất: Tiểu Thi Âm, nếu cậu gặp nguy hiểm thì nhắn số 1 cho ông

Cô chuẩn bị nhắn tin trả lời. Nhưng trên đời này có thứ gọi là “đã nghèo còn mắc cái eo”, không biết từ bao giờ ống tay áo bị mắc vào cặp sách, Thi Âm giơ tay lên thì cặp sách cũng bị kéo lên làm cô bị vướng, điện thoại tuột khỏi tay, rơi vào vũng nước. Cô hoảng hốt, vội vàng ngồi xuống nhặt nhưng đã muộn, không ngờ cái điện thoại này lại kém chất lượng vô cùng, mới dính nước một tí thôi mà đã đen ngòm. Thi Âm lau khô nước, nhấn nút mở nguồn mấy lần rồi lại lắc mạnh điện thoại nhưng đều vô dụng.

Phía sau là Tây Viên, tuy có chữ “viên” nhưng thực ra nó là khu rừng núi ở Hề Thành, không có khu dân cư, không có cửa hàng tiện lợi hai mươi bốn giờ, thậm chí đến cả điện thoại công cộng cũng không có.

Trước mặt mưa rơi không ngớt, sau lưng gió thổi vù vù, xung quanh không một bóng người, mà ở nơi này gặp được ai đó cũng không biết là tốt hay xấu.

Thi Âm ôm đầu gối ngồi trên ghế, không biết phải làm gì, hoàn cảnh bết bát cùng tâm trạng tồi tệ khiến nỗi cô độc và sợ hãi cuốn trôi cô. Cô không biết mình ngồi bao lâu vì điện thoại không mở lên được, đồng hồ đeo tay bị bỏ quên ở nhà, toàn thân run cầm cập vì lạnh, đầu óc mờ mịt, hoàn toàn không có khái niệm thời gian, chỉ thấy mỗi giây trôi qua dài như một thế kỷ, nhưng bốn phía vẫn tối đen như mực, không hề có dấu hiệu bình minh, thậm chí cô còn nghĩ có thể mình sẽ chết ở đây.

Bỗng nhiên, điện thoại được đặt trên ghế rung lên. Cô mừng rỡ cầm lên, quét dấu vân tay, màn hình vẫn đen ngòm. Điện thoại có thể nhận cuộc gọi nhưng không có cách nào để nghe máy. Cô nhấn tất cả các nút ngoài của điện thoại và liên tục chạm vào màn hình, vẫn không có tác dụng. Cô muốn khóc quá.

Trong cơn giận dữ, cô ném điện thoại xuống đất.

Hức… Tại sao chứ, tại sao cô lại xui xẻo thế này? Tại sao tất cả mọi chuyện không may đều xảy đến với cô? Rốt cuộc cô đã làm sai điều gì? Nếu ông trời không muốn cô sống yên ổn, vậy thì hãy chuyển dời căn bệnh ung thu vú của mẹ sang cho cô đi, chắc chắn cô sẽ làm nó hài lòng, từ bỏ điều trị, bán nhà, đi du lịch, sống chết tùy theo ý trời, cần gì phải giày xéo cô như thế này…

“Thi Âm?” Trên mặt đất bỗng truyền đến giọng nam thân thuộc, trong trẻo như ánh nắng lại mang theo sầu não: “Mẹ nó, rốt cuộc con bé Pobaby này đang làm gì vậy?”

Ớ?

“Bé Khăn Đỏ? Cậu mau nói cho tớ biết cậu đang ở đâu, có phải không nói chuyện được hay không? Tớ chờ cậu ba giây, ba giây sau nếu cậu vẫn không nói thì tớ báo công an đó…”

“Hức…”

Điện thoại bỗng truyền đến tiếng khóc cực kỳ bi thương.

Bùi Thời Khởi sửng sốt: “Thi Âm?”

“Tớ, tớ đây…”

“Cậu sao thế?”


“Tớ… Là tại cậu hết đó, tại cậu… Nếu không phải tại cậu, tớ sẽ không, sẽ không lỡ trạm, sao cậu đáng ghét thế chứ…”

Thiếu niên nắm chặt điện thoại, im lặng vài giây mới nói: “Cậu đang ở đâu?”

“Tớ ở, Tây, Tây, Tây…”

“Tây Viên đúng không? Cậu ở yên đó, đó đến đón cậu, cậu đừng cúp máy.”

“Tớ không cúp được… Hu hu hu điện thoại của tớ bị hư rồi, Bùi Thập Thất, sao cậu đáng ghét thế chứ…”

“Cậu tạm ngừng khóc đã, ở chỗ đó, con gái con đứa ngồi một mình khóc lóc nguy hiểm lắm, cố nhịn, nghe chưa?”

“…”

Vì hoàn cảnh xung quanh quá đáng sợ, Thi Âm được khuyên nhủ thành công, dùng hết ý chí mới ngăn được tiếng nức nở.

“Vậy bao, bao giờ cậu đến?”

“Tớ ở gần trường, khoảng tám phút nữa là tới chỗ cậu.”

“… Ờ.”

Một phút sau.

“Bùi Thập Thất cậu sắp tới chưa?”

“Tiểu gia tới Tử Vi Uyển rồi, cậu đợi thêm bảy phút nữa.”

“Ừ.”

Ba mươi giây sau.

“Cậu tới đâu rồi?”

Thiếu niên bất đắc dĩ xoa ấn đường: “Bé Khăn Đỏ, cậu yên tĩnh một chút được không, tớ đang đạp xe đó.”

“Sao cậu không bắt xe đi?”

“Cậu nghĩ giờ này còn bắt xe được ư? Chiếc xe đạp này là ông trộm đó.”

“… Vậy cậu tới đâu rồi?”

“Thi Âm cậu mà hỏi nữa tiểu gia xảy ra tai nạn giao thông xem có ai tới cứu cậu không!”

“Ờ.” Nữ sinh ngoan ngoãn đáp lời.

Nhưng vì không xem được điện thoại cũng không có đồng hồ đeo tay nên không có vật để tham chiếu thời gian. Do đó, mấy phút tiếp theo, cô vẫn duy trì tần suất ba mươi giây hỏi lại một lần, om sòm như đứa bé ba tuổi.

“Bùi Thập Thất cậu tới đâu rồi?” Ở lần hỏi thứ mười hai, không có ai trả lời, thậm chí còn truyền tới tiếng “tút tút”, điện thoại bị ngắt kết nối. Cô gái sững sờ, thoáng chốc trở nên hoảng loạn, ôm chặt đầu gối.

“Bùi Thập Thất? Cậu có ở đó không?”

“Cậu sao thế, sao lại cúp máy?”

“Là do điện thoại của tớ hết pin hay vì cậu… Hức, cậu đừng đùa tớ mà, tớ sợ lắm…”

“Bùi Thập Thất…”

“Đừng gọi nữa.” Đằng trước bỗng vang lên giọng nói cà lơ phất phơ của con trai, gần trong gang tấc, vô cùng rõ ràng, không giống như truyền qua điện thoại. Thi Âm thảng thốt ngẩng đầu.

Cách nửa mét ở trước mặt, thiếu niên ngồi trên chiếc xe đạp màu hồng, một chân chống đất, biếng nhác nhìn cô. Vì không có áo mưa nên cả người cậu ướt sũng, chiếc áo sơ mi dính sát người để lộ xương quai xanh và đường cong cơ thể, tóc mái ướt nhẹp che khuất trán khiến cậu trông lếch thếch lạ thường. Nhưng có thể là vì đẹp trai sẵn nên tuy dáng vẻ vô cùng nhếch nhác, dưới ánh đèn mờ, cậu vẫn đẹp trai vô hạn. Không giống như bị mắc mưa mà giống chụp họa báo hơn.

Nhìn ánh mắt thảm thương của cô gái, thiếu niên nhướn mày, đôi mắt sáng lấp lánh hệt pháo hoa giữa đêm mưa. Cậu lắc đầu, ngữ điệu hời hợt biếng nhác:

“Chậc, con nhóc đáng thương, nếu không có bản đại gia, e là cậu không sống nổi mất.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui