Con người Hoắc Chân, tuy không phải là một người đại tài, nhưng nói ông là người có tầm nhìn và khả năng tính toán thì cũng không có gì quá lời, lần này người Khương xâm lược, toàn bộ từ chiến lược bài binh bố trận cho đến việc nắm bắt thời cơ hoàn toàn đều xuất phát từ ngòi bút của ông.
Bất luận là ở thời đại nào đi chăng nữa, chỉ cần xã hội loài người vẫn còn tồn tại sự phân chia giai cấp, thì kỳ thực chiến tranh và chính trị sẽ mãi mãi chỉ là một ván cờ của một số ít người mà thôi.
Hoắc Chân và tân đế tiếp xúc với nhau không nhiều, mối quan hệ cá nhân không có, khi vương triều của người Khương bắt đầu có động tĩnh, cả hai có bí mật gửi thư qua lại với nhau đôi lần, vì thế việc bài bố từ chính trị đến cục diện cuộc chiến đều được triển khai dưới sự ngầm hiểu giữa hai người.
Người Khương là một dân tộc hung hãn, nhưng bọn họ lại không có bề dày văn hóa, hoàn cảnh sinh tồn của bọn họ rất khắc nghiệt, cuộc sống của người dân cực khổ, vì thế Hoắc Chân cho bọn họ thời gian bốn tháng để tha hồ chém giết cướp bóc, vào lúc bọn họ đang một nghèo hai đói, đương nhiên sát khí sẽ bừng bừng, Hoắc Chân căn bản không hề có ý định đánh nhau với bọn họ vào lúc này, sát khí hùng hổ của bọn họ như đánh vào không khí, không có điểm tì, chẳng chóng thì chầy sẽ tiêu tan, tiếp sau đó lại được chứng kiến một cuộc sống phồn hoa giàu có sung túc mà cả đời họ cũng chưa được thấy bao giờ, sự phồn hoa mê hoặc đôi mắt của họ, vẻ dịu dàng chốn làng quê làm say đắm lòng họ, sự giàu có bất tận được cướp đưa về cố thổ của chính mình, con người một khi đã thỏa mãn rồi thì còn mấy kẻ nghĩ đến chuyện chém giết nữa, tuy rằng tầng lớp quyền quý trên cao vẫn luôn muốn tấn công sang bờ bên kia, xâm nhập sâu vào Trung Nguyên, nhưng chủ ý này khó lòng được thông qua, chỉ trong khoảng thời gian bốn tháng không sớm hơn cũng không muộn hơn, vừa đủ để bào mòn ý chí của phần đông lính Khương, đồng thời lại không đủ để vương triều người Khương đứng vững chân ở bờ Bắc sông Vị, đây là cũng là thời cơ tuyệt vời nhất để Hoắc Chân phản công.
Đứng trên góc độ chiến lược toàn diện mà nói, không thể không khen ngợi việc rút quân của Hoắc Chân là một nước cờ vô cùng cao minh, ông rút lui, nhường lại đất đai rộng lớn của ba châu, kéo dài chiến tuyến của người Khương, đồng thời cũng kéo dài tuyến phòng ngự của bọn họ, khiến cho binh lực bị phân tán, khoảng thời gian đó cũng giúp ông tập trung binh lực từ khắp mọi miền trên cả nước về dưới trướng, sau đó ông dẫn theo toàn bộ số binh lính ấy từng bước đánh tan quân địch, biến bị động thành chủ động, xét về mặt chiến lược đã hình thành lên ưu thế mang tính áp đảo tuyệt đối.
Trong trận chiến vượt sông này, Hoắc Chân chọn cách đánh bất ngờ, hơn thế cách dùng binh đầy dũng mãnh, khí thế cho dù là tử thương, thậm chí đến mức chưa chết thì chưa ngừng, đánh khiến cho người Khương không kịp trở tay, vả lại bọn họ cũng không giỏi trong những trận chiến giữ thành có quy mô lớn, toàn bộ việc bố phòng đều lộ ra hàng trăm chỗ sơ hở, cuối cùng không thể không rút lui vứt lại tòa thành phía Bắc.
Tuyến bố phòng của người Khương ở Sung Châu gồm tám vạn người ngựa, trong trận chiến ở phủ Du Châu, rốt cuộc phải dựa vào kỵ binh xung phong, mới xông ra được ba vạn người ngựa, Hoắc Chân cũng không phái binh lính đuổi theo, mà nghiêm túc chỉnh đốn lại quân đội phe mình, sau đó hùng dũng xua quân tiến về phía Bắc.
Ký Châu là khu vực gần với trung tâm của Trung Nguyên, địa thế rộng rãi mà bằng phẳng, rất có lợi cho kỵ binh tác chiến, phần lớn quân đội của người Khương đều đã co cụm về đây, Hoắc Chân cũng không phải hồ đồ khi xua quân tiến về phía Bắc, mà đặc biệt ngầm hẹn trước lựa chọn đây làm nơi quyết chiến.
Ngày hai mươi tháng Giêng, cuộc đại chiến trên mảnh đất Ký Châu bùng nổ toàn diện, người Khương đã bố trí trọng binh ở cả ba chiến tuyến, ở Sung Châu là tám vạn người ngựa, Ký Châu là bảy vạn người ngựa, Lương Châu là năm vạn người ngựa. Sau khi người Khương để mất vùng đất quan trọng Sung Châu, xông ra được ba vạn người, đã hợp quân với phe mình ở Ký Châu nâng tổng số lính lên mười vạn, đồng thời năm vạn lính ở Lương Châu cũng nhanh chóng tới chi viện, hiện giờ người Khương đã tập hợp đầy đủ ở Ký Châu, tổng số lính là mười lăm vạn người.
Cũng vào ngày hai mươi tháng Giêng, Hoắc Chân dẫn quân thẳng tiến đến Ký Châu, người Khương phái đại quân đi ngăn chặn, hai trận đại chiến diễn ra ở Lộc Dã và thung lũng Hoài Hư, bên nào cũng đều có thắng có thua, nhưng xét đến đại cục thì Hoắc Chân vẫn tiếp tục áp đảo vững bước tiến lên.
Ngày hai mươi tám tháng Giêng, đại quân của triều đình Đại Yến bắt đầu đặt chân đến phủ Dĩnh Xương, người Khương co lại toàn diện, rút lui về phủ Dĩnh Xương, Ngư Dương, và hai tòa thành ở Tử Châu.
Ngày ba mươi tháng Giêng, trận quyết chiến cuối cùng đã bắt đầu. Hôm đó, quân đội người Hán chia làm ba ngả, xuất kích từ ba nơi là phủ Dĩnh Xương, Ngư Dương và Tử Châu, đại quân bao vây phủ Dĩnh Xương, trận quyết chiến thật sự chính thức nổ ra.
Người Khương vốn tưởng rằng Hoắc Chân sẽ lấy phủ Dĩnh Xương làm chiến trường chính, vì thế đã để trọng binh ở lại Ngư Dương và Tử Châu, dùng trong trường hợp bao vây chi viện, không ngờ Hoắc Chân vốn dĩ không suy nghĩ theo lối thông thường, trong tay vẫn còn hơn ba mươi vạn, bèn chia quân làm ba ngả, tổng tấn công, cả ba mặt trận đều là chiến trường chính, không để lại đường lui, tiến hành khai chiến toàn diện mang tính áp đảo tuyệt đối.
Hiện giờ người Khương còn mười ba vạn quân chủ lực, chia cho Ngư Dương, Tử Châu mỗi nơi ba vạn, phủ Dĩnh Xương giữ lại bảy vạn.
Bầu trời phủ Dĩnh Xương xanh ngắt một màu lam, mười vạn đại quân bao vây dưới chân thành, phía sau chiến trường đắp một cái gò cao, Hoắc Chân ngồi trên đó giám sát, giờ Thìn vừa qua, một lá cờ hiệu cực lớn tung bay phần phật trên đỉnh gò, mệnh lệnh lần lượt được truyền đạt xuống, tiếng trống trận ầm ầm như sấm dậy, bắt đầu một cuộc tổng tiến công.
Tiếng trống chấn động cả trời xanh rung chuyển cả mặt đất, cậu lính liên lạc lao lên trên đỉnh gò bẩm báo: “Bẩm Nguyên soái, đã khai hỏa ở cửa Đông!”.
Ngay lập tức, lính liên lạc từ khắp bốn phía chạy tới báo: “Bẩm Nguyên soái, cửa Tây đã khai hỏa.”
“Cửa Nam, đã khai hỏa!”.
“Cửa Bắc, đã khai hỏa!”.
Hoắc Chân ngồi oai phong lẫm liệt trên ghế thái sư, Đường Thế Chương ở bên cạnh đang tiết trời đại hàn mà tay vẫn phe phẩy chiếc quạt lông, phiêu dật xuất trần ngồi im một chỗ.
Nơi Hoắc Chân ngồi đợi là một con dốc đặc biệt được đắp cao lên, vừa hay đối diện với cửa lớn phía Đông của phủ Dĩnh Xương, cao ước chừng khoảng hơn mười trượng, có thể quan sát được toàn cục rất tốt, ông đứng trên gò cao quan sát hồi lâu, chiến trường được xếp thành hình chữ khai phía trước bố trí hơn một trăm xe bắn đá, những tảng đá cực đại bay khắp trời nện thẳng về phía phủ Dĩnh Xương, cảnh tượng vô cùng ngoạn mục, thật ra những binh sĩ đích thực trong cuộc chiến công thành vẫn chưa hề xuất đầu lộ diện. Ông quan sát hồi lâu, quay sang hung hăng hạ lệnh: “Truyền lệnh cho Nhan Lương, Mã Đằng, hạn đến trước giờ Thìn ngày mai nếu không lấy được Ngư Dương và Tử Châu, thì xách đầu tới gặp ta!”.
Lính liên lạc leo lên ngựa lao vụt đi, Đường Thế Chương cười híp mắt nhìn ông trêu: “Bình tĩnh đừng nóng, ngài ấy, mãi vẫn không sửa được cái tính hay gây gổ của đám lưu manh đầu đường xó chợ.”
Hoắc Chân quay đầu lại từ trên cao liếc nhìn Đường Thế Chương ở dưới, đột nhiên cười khẩy một cái, rồi ngồi lại xuống ghế.
Đường Thế Chương nheo mắt quan sát chiến trường phía dưới, nhàn nhã nói: “Bốn cửa là nghi binh, chỉ cần đợi Nhan Lương, Mã Đằng xong chuyện bên đó, thì bọn họ sẽ tự mình xuất hiện, ngài cứ chậm rãi ngồi đây chờ đi, hơn hai mươi mấy năm còn chờ được, thì một chốc một lát này có sá gì?’.
Hoắc Chân lườm Đường Thế Chương một cái, trong giọng nói mang theo vẻ bực dọc nóng nảy: “Vùng Ký Châu này, đất nhiều núi thiếu, nên đá rất khó tìm, xe bắn đá lại nhanh hỏng, sợ là không kiên trì được lâu, tường thành của phủ Dĩnh Xương cũng không hề thua kém thành Du Châu, ngươi thật sự trông chờ vào mấy cái xe bắn đá kia có thể đập vỡ được tường thành cho ngươi ư?”.
Đường Thế Chương dùng quạt che nửa gương mặt, cúi mắt xuống nhìn chân hờ hững nói: “Xe bắn đá không được, vậy thì dùng người húc thôi.”
Hoắc Chân lại lườm ông thêm cái nữa, cũng cúi mắt xuống, trên mặt vẫn là cái biểu cảm lạnh lùng và dửng dưng ấy.
Quá trưa, quân Hán bắt đầu chính thức tiến công, trận chiến ồn ào lúc ban sáng xuất hiện một khoảng yên tĩnh ngắn ngủi, ngay sau đó, tiếng trống rần rần khiến hồn phách người ta run rẩy từ từ vang lên, từng toàn từng đoàn đại quân ngay hàng thẳng lối chậm rãi di chuyển về bốn cửa Đông Tây Nam Bắc, đồng thời một đoàn quân khổng lồ dày đặc xếp thành hàng xuất hiện, trái phải trước sau đều được che chắn bằng những tấm khiên cực lớn, ngay cả trên đầu cũng được bảo vệ rất cẩn thận, hơn vạn người cùng lúc giẫm xuống, phát ra những âm thanh to rõ ràng và đều tăm tắp, khiến người nghe phải bủn rủn chân tay. Binh lính người Khương ở trên thành nhìn thấy cảnh tượng ấy sợ đến rụng rời.
Người Khương đúng là ngu xuẩn, từ cái ngày bọn họ lỗ mãng chui đầu tiến sâu vào Trung Nguyên, thì xét về mặt chiến lược bọn họ đã đánh mất đi ưu thế của mình rồi, vì nơi đây không phải thảo nguyên bao la rộng lớn của họ, nơi đây là Trung Nguyên, là Trung Nguyên có hàng ngàn năm văn minh lịch sử, tuy rằng người Hán không thích xâm lược kẻ khác, nhưng từ cổ chí kim những trận nội chiến đánh không phải ít, trải qua biết bao nhiêu hưng thịnh suy bại, những nét tinh túy trong quân sự không biết đã lưu lại nhiều đến mức nào.
Sau khi tạm thời kinh qua một thoáng chấn động, lính Khương trên tường thành bắt đầu dặn dò phía sau: “Cung thủ, chuẩn bị bắn!” Mệnh lệnh đưa ra đã bớt đi mấy phần khí thế, trong lòng bọn họ thừa hiểu ngắm bắn với diện tích rộng như vậy đối với đám quân Hán phía dưới là hoàn toàn vô dụng.
Mũi tên lông vũ dày đặc bay vun vút như châu chấu che cả bầu trời phủ kín mặt đất, cắm phầm phập xuống tấm khiên gỗ, lực sát thương tuy không mạnh, nhưng sau hai đợt tên vị tướng quân người Khương quả quyết hạ lệnh: “Dừng bắn tên!” Bọn họ chỉ có thể giương mắt nhìn quân Hán phía dưới như những con thú khổng lồ chậm chạp bá đạo di chuyển, càng lúc càng gần.
Phía sau quân Hán là một đoàn quân kỵ binh đen đặc bao vây chiến trường như hổ rình mồi, lúc này kỵ binh của người Khương mà xuất kích là lập tức sẽ có hỗn chiến, nên bọn họ không dám mạo hiểm lao ra, hiện giờ chiến trường ở Ngư Dương, Tử Châu trở thành điểm mấu chốt của trận chiến, bất luận là bên nào giành chiến thắng thì cũng đều trở thành thế bao vây cho bên còn lại, giờ không phải là thời cơ tốt nhất để người Khương tổ chức tấn công, nên bọn họ không thể hành động khinh suất.
Lính Khương ở trên tường thành trơ mắt nhìn đoàn quân của người Hán ở dưới tường thành từ từ tiếp cận, càng lúc càng sát, lúc gần đến con sông hộ thành, thì đột nhiên tiếng trống thay đổi, đang từ chậm rãi nặng nề bỗng như được kích thích trở nên mạnh mẽ dồn dập, tiết tấu như thể mưa giật gió gào, trong một thoáng bất ngờ chỉ thấy những tấm khiên của đoàn quân phía trước đồng loạt được hạ xuống rào rào, toàn bộ binh lính khiêng thang xếp tay cầm trường đao gào thét xông ra, tiếng gầm rú đầy phẫn nộ bay vượt qua con sông hộ thành chém thẳng đến dưới chân thành.
Cứ một chiếc thang xếp được gác lên tường, là sẽ có vô số những binh sĩ dũng cảm xung phong trèo lên đầu tiên, một loạt những âm thanh ồn ào cực lớn vang lên trên tường thành, rồi đột nhiên vô số những đá tảng cành cây được ném xuống, theo sau đó là những tiếng thét thảm thiết và thân người rơi từ nửa chừng thang xuống đất, tiếng hô hào chém giết chấn động cả trời xanh, lại càng có nhiều người tiếp tục xông lên, nghênh đón bọn họ lại là dầu nóng hắt từ trên cao xuống, lại càng có nhiều người rú lên thê thảm rồi rơi rụng xuống dưới, bốn phía trên tường thành bắt đầu đốt lửa, những luồng khói đen cuồn cuộn ăn sống nuốt tươi không biết bao nhiêu mạng người.
Khu vực phía dưới tường thành nhỏ hẹp, thi thể quân Hán nằm lẫn lộn trong đá và cành cây, thân thể méo mó biến dạng, cái chết thảm khốc không còn lời nào để diễn tả, những tiếng gào chém giết và tiếng kêu thê thiết bao phủ tất cả mọi thứ, toàn bộ tường thành đều đang đốt lửa, khói đen tràn ngập khắp nơi, con sông hộ thành dần chuyển sang màu đỏ thẫm.
Phía sau tường thành, binh lính người Khương áp giải một đám đàn bà con gái và trẻ em, kề lưỡi dao lên gáy bọn họ, trên tường thành có vô số những người đàn ông xem cách ăn mặc thì giống như là dân thường, mắt ngân ngấn lệ ném cành cây, đá tảng, đổ từng thùng từng thùng dầu sôi xuống phía dưới.
Quân Hán hung hăng dũng mãnh chém giết trên tường thành, lúc nhấc đao chém về phía kẻ địch thì lại ngây người khi phát hiện đối diện một người đàn ông tay cầm thanh trường mâu, chỉ trong một thoáng ngắn ngủi, thanh trường mâu trong tay người đàn ông đã xuyên qua ngực, chàng binh sĩ người Hán sững sờ nhìn thanh trường mâu trước ngực mình, ngã khỏi tường thành, người đàn ông kia nước mắt lăn dài, yếu đuối sụp đổ cuộn người lại trốn trong góc tường bật khóc.
Ngày hôm ấy, ban ngày như kéo dài hơn hẳn thường lệ, đến chiều quân Hán đã tổn thất một vạn người, cửa thành vẫn không hề lung lay, xác người lấp đầy con sông hộ thành ở bên ngoài, bầu không khí bao phủ quanh người Hoắc Chân lạnh buốt, hai người đàn ông vẫn duy trì tư thế cứng nhắc, nhìn về cửa thành phía trước mặt không nói một lời.
Hoắc Chân đau lòng lắm, thực ra đây là kế bỏ trống thành của ông, ba mươi vạn đại quân, mười hai vạn binh chủ lực của Lương Châu đều chia cho hai vị đại tướng thuộc hạ là Mã Đằng và Nhan Lương đi đánh Ngư Dương và Tử Châu, mười vạn người trong tay ông đều là người ngựa từ các châu khác của triều đình, sức chiến đấu rất đáng lo ngại, đoàn kỵ binh gây áp lực cho bộ binh ở phía sau đều là cho người mặc quần áo đóng giả, đối phương chỉ cần mở công thành xông ra là lập tức xong đời ngay. Tuy rằng ông vẫn còn giữ lại một “đường lui”, nhưng “đường lui” này là vốn tích lũy của triều đình Đại Yến, giờ dùng hết, thì từ nay cho đến ít nhất mười năm sau, đừng hòng nghĩ đến chuyện động binh nữa.
Đến nửa đêm, trên tường thành phủ Dĩnh Xương vẫn là những tiếng la hét chém giết vang vọng đến tận trời xanh, vô số những ngọn lửa thắp sáng cả vùng, quân Hán đã chôn vùi vô ích hai vạn binh sĩ ở phủ Dĩnh Xương, sắc mặt Hoắc Chân càng lúc càng đen, nhưng ông không thể nào hô dừng, giờ nếu dừng, người Khương sẽ nhân cơ hội này mở cửa thành xông ra tấn công, khi ấy tất cả bài bố của ông đều hóa thành công cốc.
Trước bình minh là lúc bầu trời u tối nhất, chiếc ghế thái sư Hoắc Chân đang ngồi đã lún xuống thành mấy cái hố dưới đất bùn, Đường Thế Chương nhẹ nhàng phe phẩy quạt nhìn về hướng chân trời phía xa không nhanh không chậm nói: “Trời, sắp sáng rồi.”
Đúng như lời ông nói, trên bầu trời sao Mai đã bắt đầu biến mất, chút ánh sáng rạng đông lấp ló phía chân trời, chiến trường phía trước mặt vẫn vang lên tiếng gào rú chém giết vang vọng, nhưng rồi đột nhiên phía sau chiến trường có một thét như sét đánh: “Báo……!”.
Một cậu lính liên lạc người bê bết máu phi ngựa lao tới, cả Hoắc Chân, Đường Thế Chương đều quay phắt người lại, cậu lính bò lên con dốc, ngã dúi dụi xuống dưới chân Hoắc Chân: “Bẩm Nguyên soái, Nhan tướng quân đã công phá được thành Ngư Dương rồi.”
Tinh thần Hoắc Chân hưng phấn hẳn lên, quay đầu lại quát: “Người đâu! Truyền lệnh cho Nhan Lương, chỉ cần hắn còn có thể thở được, thì lập tức lăn đến chi viện cho Mã Đằng.”
Cậu lính liên lạc leo lên ngựa lao đi, Hoắc Chân không thể đè nén nổi sự phấn khởi trong lòng, quay người lại trầm giọng tiếp tục hạ lệnh: “Truyền lệnh cho Lâm Thanh, bảo ông ấy có thể hành động rồi.”
Binh sĩ liên lạc nhận lệnh chạy đi, nửa khắc sau, cửa Nam của phủ Dĩnh Xương truyền đến những tiếng “uỳnh uỳnh” cực lớn như phá trời, Hoắc Chân nheo mắt ngồi trở lại ghế, ngón tay gõ thành nhịp lên tay vịn, khuôn mặt tràn đầy vẻ thỏa thuê mãn nguyện, Đường Thế Chương liếc nhìn ông khẽ tủm tỉm cười, sau đó ngẩng đầu nhìn về phía thiên không, khẽ thở dài, thần sắc thoáng lộ ra đôi phần tịch mịch, như thể một khoảng lặng sau khi chợt nhìn thấy cảnh tượng phồn hoa khép lại vậy.
Vầng thái dương dần dần nhô lên khỏi đường chân trời, thiên không trong vắt không một gợn mây, thời tiết hôm đó vô cùng dễ chịu.
Giờ Mão vừa qua những tin tức tốt lành nối đuôi nhau bay đến, Mã Đằng, Nhan Lương mỗi người dẫn sáu vạn kỵ binh Lương Châu chia làm hai ngả đồng thời khai chiến, người Khương ra khỏi thành nghênh chiến, mười hai vạn người ngựa Lương Châu dưới tay Mã Đằng và Nhan Lương có thể nói là đội quân tinh nhuệ nhất của triều đình Đại Yến, tử chiến suốt một ngày một đêm, về cơ bản là toàn thắng, Nhãn Lương tiêu diệt toàn bộ bốn vạn quân địch, Mã Đằng khách khí hơn một chút, bắt làm tù binh hơn một vạn người. Hai người dẫn quân quay ngược trở lại, hình thành thế gọng kìm bao vây phủ Dĩnh Xương.
Giờ Mão, mấy trăm cây nỏ thép vạn tên cỡ lớn xuất phát tiến về phía cửa Nam của phủ Dĩnh Xương, yểm hộ cho quân Hán chém giết ở tường thành, trên tường thành đích thực là đang huyết chiến, những chiếc xe phá tường thành cực đại húc cửa thành lõm một vết rất to, chiến trường cửa phía Nam cuối cùng cũng xuất hiện lung lay.
Hoắc Chân ngồi trên gò cao tràn đầy tự mãn, ngón tay gõ nhịp càng lúc càng nhanh, ánh mắt càng lúc càng thâm sâu, đúng vào lúc này, phía sau lưng bọn họ loáng thoáng truyền đến một trận xáo động, tiếng người nói xôn xao, Hoắc Chân và Đường Thế Chương đồng thời quay đầu lại nhìn, sau đó cả hai đều không tự chủ được đứng bật dậy, nhìn về phía sau lưng, sau đó ánh mắt chứa đầy vẻ kinh ngạc sững sờ của cả hai người đàn ông quay ra nhìn nhau.
Mấy chiếc xe ngựa che ô đen thoạt nhìn trông khá khiêm tốn chậm rãi đi tới, bảo vệ cho mấy chiếc xe là mười mấy hộ vệ mặc áo vải, thắt lưng đeo bội đao, người nào người nấy ánh mắt sáng ngời, vừa nhìn đã biết không phải người bình thường, không một ai dám ngăn họ lại, vì trên tay người lãnh trách nhiệm đi đầu của bọn họ đang cầm một tấm thẻ ngọc khắc hình con rồng.
Khi chiếc xe chính giữa từ từ đi tới chân dốc, một người đàn ông trung niên mặt mày nhẵn nhụi chầm chậm bước xuống xe sau đó quay người lại vén rèm xe lên cao, sau đó vươn một tay ra, một lúc sau, mới thấy một cánh tay khác khớp xương rõ ràng, trắng trẻo mà mạnh mẽ thò ra bám vào khuỷu tay của người đàn ông trung niên, tiếp đó một đôi giày bằng gấm màu vàng tươi duỗi ra.
Hoắc Chân nghe thấy Đường Thế Chương buông một câu thô thiển: “Chết tiệt, chuẩn bị tiếp giá đi!”.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...