Trường Kiếm Tương Tư

Tần Châu là một trấn lớn thuộc tỉnh Cam Túc, dân cư đông đúc, buôn bán trù phú, phong cảnh hữu tình, có nhiều chùa chiền đình miếu.

Có câu rằng:

“Muốn phát tài thì đến Cam Kinh, muốn hưởng thụ thì tới Tần Châu”, đủ thấy đây là nơi phong lưu, hào hoa đến đâu.

Nơi đây có những trại ngựa lớn nhất vùng, cũng là nơi tổ chức đua ngựa hàng năm quy tụ hầu hết anh tài từ bốn phương tám hướng về đây.

Có thể coi hội đua ngựa ở Tần Châu là Trại mã hội lớn nhất toàn quốc.

Vào những ngày đó, cả trấn vô cùng náo nhiệt giống như ngày lễ lớn.

Hôm đó còn hai ngày nữa mới chính thức bước vào cuộc đua nhưng người từ các nơi đã đổ về đông như hội.

Chẳng những các khách điếm, phòng trọ lớn nhỏ không còn một chỗ trống mà hàng chục ngôi lều dựng tạm để đón khách viễn phương trong dịp này, người cũng chật ních.

Đương nhiên thời gian đó việc buôn bán phát tài, nhất là nghề buôn ngựa, đôi khi gặp con ngựa tốt, chỉ cần sang tay, thương lái đã kiếm được mấy ngàn lạng, bằng bỏ công làm quần quật cả năm.

Trại ngựa nhiều, hội đua lớn, đương nhiên ở Tần Châu có nhiều người rất sành sỏi về ngựa.

Trong số này, nổi bật là Chu Giang, hiệu xưng “Hỏa Nhãn”.

Được mệnh danh như vậy là vì suốt mấy mươi năm trong nghề buôn bán ngựa, Chu Giang có nhãn quang hết sức tinh tường.

Vẻ ngoài hắn không có gì đặc biệt, thậm chí diện mạo rất khó coi với bộ mặt dài thượt như mặt ngựa, đôi mắt tam giác thỉnh thoảng ánh lên những tia gian giảo và nụ cười xu nịnh hầu như thường trực trên môi.

Ba mươi năm theo nghề, từ một tên tiểu kỵ, nay có thể coi “Hỏa Nhãn” Chu Giang là tay cự phú.

Đặc biệt hắn nhìn ngựa không bao giờ nhầm lẫn.

Năm lần đua ngựa gần đây nhất, trong số năm con đoạt vương miện về nhất cuộc đua thì đã có ba con được Chu Giang nhìn ra và tìm mua rồi bán lại cho người đua, hoặc số tiền quá lớn thì làm nhiệm vụ môi giới.

Người ta nói rằng:

nếu ai muốn về nhất cuộc đua thì hãy tìm đến “Hỏa Nhãn”.

Chu Giang, nhờ hắn tìm giúp!

Một khi được Chu Giang đánh giá là ngựa tốt, tự nhiên giá trị của nó tăng gấp nhiều lần.

Trong hội đua này ngoài những người ứng thí, phần đông là khán giả, nhưng cũng có một số người đến đây tìm mua ngựa tốt, và không ít người tìm đến Chu Giang.

Nhờ thế mà trong thời gian mấy ngày hội đua, tiền chảy vào túi tên lái ngựa này như nước.

Lần này Chu Giang cũng đã nhìn ra một con bảo mã.

Đó là con tuấn mã lông đen tuyền, trên cổ có một khoang trắng nhỏ.

Gọi nó là “tuấn mã” thì không thỏa đáng, vì trông nó không đẹp.

Do vừa vượt qua quãng đường trường, có lẽ nhiều ngàn dặm nên dáng vẻ mệt mỏi, toàn thân nó dính đầy bụi đất, nhìn qua không biết là màu đen hay màu hồng nữa.

“Hỏa Nhãn” dùng tới năm chậu nước cọ rửa sạch sẽ, nó mới khôi phục lại nguyên dạng.

Đúng là tuấn mã.

Không, nên gọi “Thần câu” thì đúng hơn.

“Hỏa Nhãn” Chu Giang tỏ ý hài lòng.

Suốt thời gian chừng một tuần trà, hắn nhìn con ngựa không rời mắt.

Trong tàu chỉ có một con ngựa nhưng có tới hai người xem.

Ngoài “Hỏa Nhãn” Chu Giang ra còn có tên tiểu kỵ trong “Trường Hưng Khách Điếm” là Cái Tam.

Vì chủ nhân của con hắc mã trọ lại trong “Trường Hưng Khách Điếm” nên phải nhờ Cái Tam mới được.

Cái Tam dắt ngựa ra khỏi tàu, đương nhiên là phải giấu chủ nhân. Với niệm con ngựa đáng giá bạc vạn, cần phải kiểm tra thật cẩn thận mới xác định đầy đủ giá trị của nó.

Xem một lúc, Cái Tam nói:

– Thế nào? Chu gia, hãy nói câu gì đi chứ?

Chu Giang chỉ ậm ừ không đáp, đôi mắt đã đỏ của hắn càng đỏ hơn, không rời khỏi con ngựa, nhíu mày, chừng như đang toan tính điều gì.

Cái Tam giục:

– Chu gia! Nói đi một lời chứ? Vị khách quan này rất khó tính, nếu biết tôi dắt trộm ngựa ra khỏi tàu thế này chỉ e ngay cả chỗ đội nón cũng không giữ nổi đâu!

Hiển nhiên đó là luận điệu vòi tiền.

Chu Giang lờ đi, nói:

– Đúng là ngựa quý!

Cái Tam hỏi:

– Như vậy là Chu gia vừa ý rồi ư?

Nếu việc mua bán hoàn tất, đương nhiên giá cả rất lớn, khi đó Chu Giang bỏ túi cả ngàn lạng, chí ít hắn cũng thí cho mươi lạng, đó là chưa nói tiền thưởng từ phía chủ nhân, làm sao hắn không cao hứng?

Thấy tên lái ngựa không trả lời, hắn lại hỏi:

– Chu gia! Ngài định trả giá bao nhiêu?

“Hỏa Nhãn” Chu Giang đáp:

– Còn phải xem chủ nhân ra giá trước mới biết được.

Cái Tam tỏ vẻ sốt ruột:

– Nhưng có thể áng chừng bao nhiêu là mua được chứ? Đến một ngàn lạng bạc không?

Chu Giang không trả lời mà lại hỏi:

– Chủ ngựa làm nghề gì?

Cái Tam lắc đầu:

– Cái đó... tôi không hỏi.

– Người đó mang họ gì?

– Họ Khấu... ở đây rất ít gặp người có họ như thế.

– Già hay trẻ?

– Còn trẻ. Chỉ mới hăm ba hăm bốn tuổi thôi!

“Hỏa Nhãn” Chu Giang sửng sốt hỏi:

– Còn trẻ vậy thôi sao?

Hắn nghĩ thầm:

– Mới trẻ tuổi như thế mà là chủ nhân của con thần câu đáng giá hàng vạn lạng này, quả là diễm phúc. Nhưng kể cũng thường tình. Những bậc vương tôn quý tử thì muốn gì mà chẳng có?


Trẻ tuổi thì càng tốt chứ sao? Việc mặc cả, ngã giá sẽ dễ dàng hơn. Người lớn tuổi thường keo kiệt, hơn nữa họ hiểu rõ giá trị con ngựa của mình, khó mà lừa được!

Cái Tam bổ sung thêm:

– Đó là một vị tang khách.

Chu Giang nhíu mày hỏi:

– Nghĩa là sao?

Cái Tam giải thích:

– Nghĩa là có tang ấy mà! Hắn chở theo một cỗ quan tài, nghe nói đến Cao Lan. Vì sợ thi thể bị hỏng nên vừa đi tìm hòa thượng ở Phất Tháp Tự để xử lý.

Chu Giang nói:

– Thì ra là vậy... Nguyên hắn là người có hiếu...

Cái Tam lại nói:

– Nhưng hắn rất khó tính. Từ Phất Tháp Tự trở về xong, hắn cứ đóng chặt cửa phòng như một vị cô nương vậy! Muốn ăn uống gì cũng sai mang vào phòng...

Chu Giang khoát tay bảo:

– Đi! Dẫn ta đến gặp hắn!

Cái Tam sợ sệt nói:

– Trong phòng còn có một cỗ quan tài đựng người chết đen sì, hãi lắm!

Chu Giang cười nói:

– Người ta nói “gặp đám ma thì phất, gặp đám cưới thì xui”. Thấy quan là phát tài, việc gì phải sợ?

Thực ra Cái Tam nói thế để vòi vĩnh thêm, chứ thực ra hắn đâu có sợ? Nghe nói vậy liền cười “hích hích” hỏi:

– Chu gia, vậy là xem như việc mua bán thành công được tám phần rồi?

Chu Giang đi guốc trong bụng hắn, lầm bầm:

– Bớt miệng đi! Xong việc ta nhớ còn ngươi là được!

Nói xong phóng vào mông đít Cái Tam một cước.

Tên tiểu kỵ ngoác miệng cười, lập tức dẫn tên lái ngựa xuyên qua một dãy hành lang tới hậu viện.

Khu vực này phòng ốc chật hẹp, biệt viện tối tăm.

Cũng không thể trách được điếm gia, đã mang theo một cỗ quan tài thì mấy khi được hoan nghênh? Người ta dành cho một phòng là đã tốt lắm rồi!

Cửa phòng đóng chặt, trên cài một băng giấy mấy chữ:

“Có tang không tiếp khách”.

Nét bút còn chưa khô, chắc mới được dán lên.

Cái Tam đi trước, quay lại hỏi:

– Chu gia xem thế nào? Có nên vào không?

“Hỏa Nhãn” Chu Giang không đáp, cất tiếng ho khan rồi bước tới gõ vào cửa “bịch bịch” hai tiếng, hỏi:

– Khấu gia có nhà không?

Không có tiếng trả lời.

Chu Giang nhíu mày, định gõ tiếp thì chợt thấy cửa phòng mở ra.

Một người mặc áo tang, bịt khăn chế đứng ngay trước cửa.

Cái Tam nói không sai, đó là một thiếu niên chỉ mới hai ba hăm bốn tuổi, diện mạo rất tuấn tú.

Chu Giang chắp tay hỏi:

– Ngài có phải là Khấu gia không?

Thiếu niên đáp:

– Chính phải. Các hạ là ai?

Tên lái ngựa đáp cười vồn vã đáp:

– Tại hạ là Chu Giang, có việc này muốn đến thương lượng với Khấu gia. Có thể vào phòng được không?

Thiếu niên hơi nghi ngại, nhưng vẫn gật đầu đáp:

– Nếu Chu huynh không kiêng kỵ thì xin mời.

Nói xong chỉ tay mời khách.

Chu Giang quay lại khẽ bảo tiên điếm tiểu kỵ:

–Ngươi đi đi! Nhớ chăm sóc con ngựa cho cẩn thận!

Cái Tam “Dạ” một tiếng chạy đi.

Chu Giang bước theo thiếu niên vào phòng.

Đối diện với cửa phòng ở sát tường có một cỗ quan tài lớn sơn đen để trên giá gỗ, giữa bàn cúng khói hương nghi ngút đặt linh vị với hàng chữ:

“Tiên sư Quách công chi linh vị”.

Hai bên thắp hai ngọn nến, nhựa chảy xuống thành vệt dài như ngấn nước mắt.

Thiếu niên chỉ tay vào bộ bàn nhỏ kê ở góc phòng nói:

– Mời ngồi!

Hai người ngồi đối diện nhau.

Chu Giang chăm chú quan sát thiếu niên một lúc mới mở lời:

– Khấu gia có thể cho biết đại danh không?

Thiếu niên đáp:

– Tại hạ là Khấu Anh Kiệt.

Phải, thiếu niên chính là Khấu Anh Kiệt, trong quan tài tất là thi thể của sư phụ Quách Bạch Vân.

Chàng cũng nhìn Chu Giang dò xét, xem có phải đối phương là người của “Vũ Nội Thập Nhị Lệnh” bám theo mình không. Nhưng qua ánh mắt và dáng điệu thì đoán rằng người này võ công không cao, vì thế cảm thấy yên tâm.

– Các hạ đến đây có việc gì thì hãy nói đi. Tại hạ đang phục hiếu nên không tiện nói nhiều.

– Dạ dạ!


Chu Giang lại ho khan một tiếng rồi cười nói:

– Ngày kia là chính thức bước vào hội đua ngựa rồi, chắc Khấu gia cũng có nghe nói tới?

Khấu Anh Kiệt lắc đầu đáp:

– Tại hạ không nghe nói.

Chu Giang ngạc nhiên nghĩ thầm:

– Lễ hội trọng đại như thế, làm sao có người ở ngay Tần Châu mà không quan tâm như vậy chứ?

Hắn liền giảng giải:

– Ở Tần Châu hàng năm đến kỳ này đều tổ chức thịnh hội đua ngựa, những anh tài trên toàn quốc đều kéo về đây tham gia, có tới hàng trăm kỵ sĩ cả nam lẫn nữ. Khấu gia tiện thể qua đây, có tham dự không?

Khấu Anh Kiệt lắc đầu đáp:

– Lúc này thì tại hạ còn lòng đâu mà nghĩ đến vui chơi hội hè nữa?

Rồi nhìn khách hỏi:

– Chu huynh vì việc đó mà đến gặp tại hạ để báo tin thôi sao?

Chu Giang vội đáp:

– Không không!

Hắn xua tay lia lịa nói:

– Khấu gia hiểu sai ý huynh đệ rồi!

– Vậy các hạ có việc gì?

Chu Giang thao thao bất tuyệt:

– Chuyện là thế này:

huynh đệ làm nghề buôn ngựa ở Tần Châu này. Khấu gia hãy biết rằng nghề của chúng tôi chỉ dựa vào nhãn quang tinh tường, cũng giống như lái lợn nhìn qua là biết con nào thịt nhiều, con nào ít thịt. Ngựa cũng thế, phải biết nhận ra con nào là ngựa hay, thế mới ăn tiền!

Khấu Anh Kiệt nhìn hắn tỏ vẻ sốt ruột.

Chừng như tên lái ngựa cũng nhận ra, lão kết luận:

– Tóm lại, phải tinh tường mới có cơm ăn!

Khấu Anh Kiệt nhíu mày nói:

– Các hạ vào chính đề đi!

Chu Giang rối rít nói:

– Được được! Xin vâng! Xin vâng! Việc là... huynh đệ được người ta ủy thác mua một con ngựa tốt để tranh giải trong cuộc đua. Khấu gia cũng biết rằng thời buổi này muốn kiếm một con ngựa tốt không phải dễ...

Khấu Anh Kiệt cười hỏi:

– Rốt cuộc là các hạ thấy con “Hắc Thủy Tiên” của tôi vừa ý chứ gì?

– “Hắc Thủy Tiên”?

Chu Giang mở tròn xoe đôi mắt, nói tiếp:

– Khấu gia định nói con hắc mã của ngài tên là “Hắc Thủy Tiên” mà ở Trương Gia Khẩu người ta treo giá một vạn lạng để mua nó phải không?

Khấu Anh Kiệt gật đầu:

– Không sai! Chính là nó!

Chu Giang thốt lên:

– Ui chao! Lạy trời lạy Phật! Không ngờ nó lại...

Hắn định nói “lại rơi vào tay ta” nhưng ghìm lại được, nhưng không giấu nổi vui sướng muốn nhảy cẫng lên, rối rít nói:

– Đúng là nó! Huynh đệ đã trông không lầm, quả là thiên hạ đệ nhất thiên lý mã! Nào! Khấu gia hãy ra giá đi! Huynh đệ trả một vạn hai, chỉ cần người nhường lại...

Nào ngờ Khấu Anh Kiệt làm tên lái ngựa cụt hứng:

– Tại hạ chưa nói là cần bán nó.

Chu Giang ngơ ngác nhìn đối phương, nhưng bình tâm lại, nghĩ thầm:

– Thì ai mà chả thế? Cứ phải làm cao cái đã!

Liền cười hỏi:

– Khấu gia chê ít chứ gì? Cái đó không sao!

Khấu Anh Kiệt đứng lên nói:

– Lão huynh hiểu sai ý tại hạ rồi! Nếu Chu huynh đến đây chỉ vì việc đó thì tại hạ đã nói rõ. Vì có tang sự nên không tiện giữ khách, xin Chu huynh cứ tùy tiện!

Chu Giang cũng đứng lên, ngây người nhìn Khấu Anh Kiệt một lúc rồi chợt hỏi:

– Khấu gia có biết người nhờ huynh đệ mua ngựa là ai không?

Khấu Anh Kiệt lắc đầu đáp:

– Là ai cũng thế cả! Tại hạ đã nói không bán. Cảm phiền Chu huynh đến đây không đạt được mục đích. Thứ lỗi vì tại hạ không tiễn.

Thấy thuyết phục không được, Chu Giang buông lời dọa dẫm:

– Khấu gia! Theo huynh đệ thì nên bán con ngựa đó đi! Nếu không bán thì phiền phức đấy!

Khấu Anh Kiệt lạnh lùng đáp:

– Tại hạ lại thấy rằng bán nó đi mới phiền phức!

Chu Giang cố thêm một câu:

– Khấu gia nên biết, người nhờ mua là phú hộ đệ nhất vùng tây bắc, cũng rất có thế lực...

Khấu Anh Kiệt ngắt lời:

– Tại hạ đã nói là không bán! Chu huynh hãy về đi, đừng nói nhiều vô ích!

Chu Giang mặt sầm xuống, thở dài nói:

– Thật đáng tiếc!


Rồi quay ra cửa.

Khấu Anh Kiệt bước lên trước, mở rộng cửa nói:

– Xin lỗi Chu huynh, tại hạ không tiễn!

“Hỏa Nhãn” Chu Giang chắp tay chào rồi bước ra khỏi phòng.

Trong đời hành nghiệp mấy chục năm, hắn chưa bao giờ gặp phải một người chủ ngựa cố chấp đến thế.

Nhưng điều làm hắn khó xử là việc mua bán thất bại, biết ăn nói thế nào với thân chủ nhờ mua đây?

Nói là nhờ, nhưng đó cũng là mệnh lệnh.

Rời khỏi “Trường Hưng Khách Điếm” với bước chân nặng trịch, hắn rầu rĩ nghĩ thầm:

– Thật là một tiểu tử ngoan cố! Lần này “Ngọc Quan Âm” Ngọc tiểu thư không cho mình một trận mới kỳ!

o O o Ở vùng Cam Túc này nói đến “Kim Đại Vương” Quách Bạch Vân lão tiên sinh có thể một số người không biết, nhưng suốt cả vùng tây bắc, nói đến vị thiên kim ái nữ của ông “Ngọc Quan Âm” Quách Thái Linh thì chẳng ai không biết.

Thực ra cái tên Quách Thái Linh không nổi tiếng như trác hiệu “Ngọc Quan Âm”.

Ba tiếng “Ngọc Quan Âm” nổi tiếng khắp vùng tây bắc, nhưng thái độ của mỗi người một khác nhau.

Có người yêu vị thiên kim ái nữ của “Kim Đại Vương” giàu có, lại có người sợ, cũng có người nể trọng.

Thậm chí có người còn nguyền rủa “Ngọc Quan Âm”.

Vì sao lại có thái độ khác hẳn nhau đối với cùng một người như thế?

Yêu, vì cô ta rất đẹp.

Sợ, vì nữ nhân đó hận độc, ra tay không khoan nhượng.

Nguyền rủa, vì cô ta không hiểu lý.

Còn nể trọng, vì “Ngọc Quan Âm” là nhân vật hành hiệp trượng nghĩa.

Tóm lại, Quách Thái Linh là một thiếu nữ rất đẹp, tài hoa nhưng bướng bỉnh, kiêu ngạo.

Những đặc tính đó gắn với một giai nhân thì cũng không có gì khó hiểu.

Đặc biệt, “Ngọc Quan Âm” có võ công cao cường, ở vùng tây bắc này khó tìm được địch thủ.

Về tài sản, là nhi nữ của “Kim Đại Vương” nên vàng bạc như núi.

Không có anh chị em, cũng không có mẫu thân, được cha cưng chiều và ông thường đi xa, Quách Thái Linh thành ương bướng, trái tính trái nết, thích gì được nấy là điều không tránh khỏi.

Nói đi thì phải nói lại, vị đại tiểu thư đó tuy ương bướng nhưng bản tính nhân từ, thiện lương, lại rất hảo tâm, thường hành hiệp trượng nghĩa, luôn giúp đỡ những người nghèo khổ hoạn nạn.

Nói không quá rằng nhờ có “Ngọc Quan Âm” mà những năm qua vùng Cam Ninh được yên ổn, bọn đạo tặc không dám lộng hành.

Những nhân vật trong cả hắc bạch lưỡng đạo hoặc nể sợ, hoặc thù ghét nhưng không ai dám đụng đến cô ta.

Ngươi cương thì cô ta còn cương hơn, người hận độc thì cô ta còn hận độc hơn, ngươi hào phóng thì cô ta còn hào phóng hơn.

“Ngọc Quan Âm” là người như thế.

Nữ hài tử đã lớn đặc biệt với một nữ hiệp võ công cao cường thì không mấy người chịu ràng buộc bởi hai chữ “gia đình”.

Kể ra lúc “Kim Đại Vương” Quách Bạch Vân ở nhà, Quách Thái Linh ngoan ngoãn được mấy hôm.

Nhưng khi ông vừa bước chân đi là “Ngọc Quan Âm” bắt đầu gây náo đến khuynh thiên đảo địa!

Tuy trên cô ta còn có hai vị sư huynh nhưng hai người này không hợp tính cô ta. Hơn nữa sau khi họ mở cơ sở làm ăn lớn ở những nơi khác nhau thì hầu như không còn quan tâm đến sư môn nữa. Chỉ khi nào có “Kim Đại Vương” ở nhà họ mới về vấn an, thọ giáo một ít võ công, sau khi ông rời bước là ai vào việc nấy, chẳng thời gian đâu mà quan tâm đến sư muội.

Vả chăng cô ta cũng chẳng cần đến sự quan tâm của hai vị sư huynh đó.

Không biết từ lúc nào, “Ngọc Quan Âm” chợt hứng thú với thuật cưỡi ngựa, và rất thành công trong lĩnh vực này.

Cụ thể liên tiếp hai kỳ đua ngựa gần đây ở Tần Châu, “Ngọc Quan Âm” đều giành giải nhất.

Càng thành công, sự hứng thú càng cao.

Đương nhiên lần này “Ngọc Quan Âm” cũng tham dự, từ Cao Lan đến Tần Châu trước bảy tám ngày để chuẩn bị thi đấu.

Ở Tần Châu, Quách gia có hẳn một biệt thự riêng rất u tịch và tráng lệ gọi là “Mai Viên”. Tên hầu Mao Thất đã chuẩn bị sẵn hành lý cho nữ chủ nhân.

Với nhân vật nổi tiếng như “Ngọc Quan Âm” thì bao giờ cũng trở thành trung tâm chú ý của mọi người.

Từ khi “Ngọc Quan Âm” đến “Mai Viên”, không khí của cuộc đua bắt đầu sôi động hẳn lên.

Từ ban tổ chức giải, những tin tức làm chấn động, ít nhất là cả tỉnh Cam Túc, được truyền đi.

Đương nhiên tin đầu tiên là sự tham gia của Quách Thái Linh “Ngọc Quan Âm” với mục tiêu không giấu giếm là đoạt chức vô địch lần thứ ba liên tiếp.

Tin tức thứ hai là vị công tử rất nổi tiếng của một trại ngựa lớn bậc nhất vùng đông bắc “Trác Tiểu Thái Tuế” Trác Quân Minh cũng đã có mặt!

Những người chơi ngựa không lạ gì cái danh “Trác Tiểu Thái Tuế”.

Khu vực này có mười ba mã trường thì đã có tới mười hai nơi là cơ sở của Trác gia. Như thế đủ biết tài sản họ Trác lớn tới mức nào.

Người ta đồn rằng thuật cưỡi ngựa của Trác Quân Minh rất cao. Lần này y đến Tần Châu với con “Tử Mao Thanh”, giống ngựa nòi Thanh Mai, được xưng là “Bát hoang đệ nhất thần câu”.

Đương nhiên người ta đều biết rằng mục đích của Trác Quân Minh không có gì khác hơn là dùng “Tử Mao Thanh” để tranh chấp với con “Hỏa Lôi Hồng” của “Ngọc Quan Âm” Quách Thái Linh.

Nhân vật cũng lừng danh không kém là Đan Lỗ Tư, ái nữ của Quân Vương Cáp Xích ở Mông Cổ, cưỡi con ngựa “Nhất Đóa Vân” rất nổi tiếng.

Một người khác cũng rất đáng chú ý là Cù Cửu, kỵ sĩ kiệt xuất ở Thiểm Bắc.

“Cù Cửu” chỉ là trác hiệu, còn vị này họ Miêu, tuổi còn trẻ nhưng chừa một bộ râu kiểu râu rồng, trong số huynh đệ kết nghĩa kim lan, “Đại Cửu Nghĩa” hắn liệt vào thứ chín nên được mệnh danh là “Cù Cửu”.

“Cù Cửu” cũng có một con danh mã tên là “Khoái Tai Phong”.

Thông thường ở hội đua Tần Châu hàng năm có trên trăm kỵ sĩ khắp nơi về đây thi đấu, nhưng chỉ lần này mới có nhiều nhân vật lừng danh như vậy. Chỉ cần có một người thôi, những kẻ hiếu kỳ đã bàn tán râm ran rồi, huống chi một lúc nhiều người như vậy?

Không những kỵ sĩ ứng thí mà người xem từ xa cũng đến đây từ rất sớm, trước bốn năm ngày nên không khí ở Tần Châu sôi sục hẳn lên.

Đi đâu cũng gặp từng tốp người tụ tập bàn tán râm ran.

o O o Lại nói người nhờ “Hỏa Nhãn” Chu Giang tìm mua ngựa tốt chính là “Ngọc Quan Âm” Quách Thái Linh.

Bị Khấu Anh Kiệt từ chối, hắn lập tức đến báo tin.

Đứng tần ngần trước cổng “Mai Viên” hồi lâu, Chu Giang mới xuống ngựa, buộc vào cổng rồi rụt rè hé cửa bước vào.

Vừa lúc đó thì tên gia nhân Mao Thất từ trong biệt thự đi ra.

Thấy Chu Giang, hắn cười tít mắt nói:

– Chu gia vừa tới ư? Tôi đang định đi tìm ông đây! Mời vào, mời vào đi!

Vừa nói vừa kéo tay khách lôi vào.

Chu Giang kêu lên:

– Đừng kéo! Đừng kéo! Đại tiểu thư có nhà không?

– Có có! Tiểu thư đang làm vườn.

Chu Giang phủi bụi bám vào quần áo, sửa sang lại y phục đầu tóc chỉnh tề rồi mới theo Mao Thất đi vào nội viện.

“Ngọc Quan Âm” tay cầm một chiếc kéo lớn, đang xén tỉa những luống hoa bằng động tác rất thành thạo.

Cô ta thích công việc này, chỉ những khi lâu ngày cô không tới, Mao Thất mới phải cắt tỉa hoa.

Quả là Quách Thái Linh rất xinh đẹp với đôi mắt trong như hồ thu dưới làn mi cong như rặng liễu, đôi môi tươi thắm, làn da trắng ngần, vóc người thon thả, dáng đi uyển chuyển, tóm lại xứng là một trang quốc sắc thiên hương.

Thôi Hộ trong bài “Đề đô thành Nam trang” có câu:

“nhân diện đào hoa tương ánh hồng” để làm tôn vẻ đẹp mỹ nhân.

Nhưng ở đây Quách Thái Linh không cần đến hoa để tôn vẻ đẹp cho mình, thậm chí những bông hoa có sắc đẹp của cô càng thêm rực rỡ!

o O o Người ta ai cũng có tâm sự sâu kín của mình, đặc biệt là những cô nương đang độ tuổi trưởng thành.

Đương nhiên “Ngọc Quan Âm” Quách Thái Linh cũng không ngoại lệ.


Thiếu nữ lớn lên, ai mà chẳng nghĩ đến tương lai hạnh phúc của mình?

Có không ít công tử con nhà thế gia đến “Bạch Mã Sơn Trang” cầu thân, nhưng đều bị Quách Bạch Vân từ chối.

Quả tình những vị công tử đó đều không làm Quách Thái Linh vừa ý.

Người ta nói rằng lão Trang chủ nhãn giới quá cao, họa chăng chỉ những vị vương tôn công tử may ra mới xứng với vị thiên kim ái nữ đẹp như thiên tiên và có tài sản kếch sù của ông ta.

Chỉ có Quách Thái Linh mới biết rằng không phải thế!

Tuy cô thừa nhận phụ thân yêu cầu cao về chàng rể tương lai của mình, nhưng không phải về tiền tài và địa vị.

Cô hiểu ông là người thế nào, có một người cha như vậy đứng ra đảm đương lo việc tương lai cho mình, cô không cần nghĩ đến nữa.

Trước đây cô đã quyết định rằng dù người cha chọn là thế nào chăng nữa thì cũng phải được chính cô ta xem vừa mắt, nếu không thà suốt đời ở vậy không lấy chồng còn hơn phải sống với một người mà mình vô cảm.

Quyết định đó đến bây giờ vẫn không thay đổi.

Quách Thái Linh đã qua hai mươi tuổi, chỉ còn một tháng nữa là tới sinh nhật lần thứ hăm mốt.

Trước khi đi, Quách Bạch Vân đã nói với ái nữ rằng chuyến này ngoài việc thường lệ là thu tiền ở các mỏ vàng, ông còn giải quyết hai việc lớn, trong đó có việc tìm cho cô một vị hôn phu hợp ý, còn việc thứ hai thì không nói rõ là gì.

Ông còn dặn bảo ái nữ một số việc, hẹn sẽ về trước ngày sinh nhật của cô rồi lên đường.

Chưa lần nào Quách Thái Linh mong ngóng cha về như vậy, và cũng chưa lần nào ông đi lâu đến thế.

Vừa xén tỉa cây vừa nghĩ ngợi thì Mao Thất dẫn “Hỏa Nhãn” Chu Giang vào.

Từ xa, Mao Thất đã cung kính cúi chào:

– Đại tiểu thư!

Quách Thái Linh ngừng tay hỏi:

– Thế nào? Mua được chưa?

Chu Giang lắc đầu.

Quách Thái Linh ngạc nhiên hỏi:

– Sao thế? Không gặp được chủ nhân ư?

Chu Giang đáp:

– Gặp thì gặp được, nhưng người đó không bán!

Quách Thái Linh nhíu cong đôi mày liễu hỏi:

– Chuyện thế nào ngươi kể cho rõ xem!

Chu Giang nói:

– Chủ ngựa họ Khấu, không phải người bổn địa. Hạ nhân đã thuyết phục hết lời nhưng hắn cứ trơ ra, một mực không bán!

Quách Thái Linh hỏi:

– Ngươi xem kỹ con ngựa rồi chứ? Có đúng là cực hay như ngươi đã nói không?

Chu Giang vội đáp:

– Ui chao! Còn phải nói! Không giấu gì Đại tiểu thư, hạ nhân sống đến từng này tuổi, làm nghề lái ngựa gần ba chục năm, đã qua tay hàng vạn con nhưng chưa từng thấy con ngựa nào như nó, kể cả con “Hỏa Lôi Hồng” của Đại tiểu thư cũng không bằng!

Quách Thái Linh bị cuốn hút vào câu chuyện, hỏi:

– Thật vậy sao?

– Đương nhiên là thật! Chắc Đại tiểu thư đã từng nghe nói đến con ngựa ở Trương Gia Khẩu người ta treo giá mua tới một vạn lạng rồi chứ?

Quách Thái Linh mở to mắt nhìn tên lái ngựa hỏi:

– “Hắc Thủy Tiên” có phải không?

Chu Giang gật đầu liền mấy cái:

– Không sai!

Quách Bạch Vân đã từng nhiều lần kể về con ngựa này và hứa chuyến này cố mua cho được nó để tặng ái nữ.

Quách Thái Linh hỏi dồn:

– Đúng là con ngựa đó chứ? Làm sao mà ngươi biết được?

Chu Giang đáp:

– Hạ nhân nghe người ta mô tả con thần mã này rất chi tiết, nay thấy đúng như thế mà! Hơn nữa với đôi mắt nhà nghề, hạ nhân dám cam đoan nó đứng đầu loài ngựa, là thượng đẳng mã vương! Ngoài ra chính chủ nhân con ngựa cũng khẳng định điều này.

Quách Thái Linh nói:

– Nếu đúng là “Hắc Thủy Tiên” thì ta phải đi thôi!

Chu Giang ngập ngừng nói:

– Chỉ e rằng...

Quách Thái Linh ngắt lời:

– Ta sẽ trả nhiều tiền hơn. Ngươi hãy đến nói với chủ ngựa rằng người ta trả một vạn thì ta trả vạn hai, nếu chưa bán thì trả hai vạn, ba vạn... bao nhiêu cũng phải mua cho bằng được nó.

Chu Giang thở dài nói:

– Vấn đề ở đây không phải là tiền. Tiểu tử đó nói nhất khoát một câu là không bán!

Quách Thái Linh ngạc nhiên hỏi:

– Thế nào? Chủ ngựa còn trẻ ư?

– Chỉ là một tiểu hài tử hăm ba hăm bốn tuổi.

– Hắn làm nghề gì?

Chu Giang lắc đầu đáp:

– Cái đó thì hạ nhân không hỏi. Nhưng hiện hắn đang có tang, mang theo một cỗ quan tài. Xem phong thái và cách ăn mặc của hắn thì chừng như không phải là người có nhiều tiền.

Quách Thái Linh hỏi:

– Ngươi có nói với hắn là ta mua không?

Chu Giang cười khổ đáp:

– Hắn không để hạ nhân nói, bảo rằng ai mua cũng như nhau cả, đã không bán là không bán!

Quách Thái Linh nhíu mày hỏi:

– Hắn tên gì?

– Nghe hắn xưng là Khấu Anh Kiệt.

– Hiện trú ở đâu?

– Một phòng nhỏ ở hậu viện “Trường Hưng Khách Điếm”.

Quách Thái Linh nhìn Mao Thất ra lệnh:

– Dắt ngựa ra đây! Cả ngươi cũng theo ta đi một chuyến!

“Hỏa Nhãn” Chu Giang sửng sốt kêu lên:

– Đại tiểu thư...

Quách Thái Linh ngắt lời:

– Cả ngươi cũng đi! Phải mua cho bằng được con ngựa đó!

Nói xong ném cây kéo xuống đất đi về phòng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui