Chiều hôm đó chàng lại ra ghềnh ngắm đàn cá nhảy, cho đến lúc trời sập tối mà vẫn chưa về động, ngồi suy nghĩ vẩn vơ.
Vầng trăng treo cao dần trên nền trời không một gợn mây.
Bất ngờ chàng chứng kiến một quái sự.
Từ thượng du xuất hiện một nhân ảnh cao lớn, cứ dọc theo tả ngạn mà xuôi xuống, đạp bừa lên những bãi đá ngầm sắc lởm chởm như ngàn mũi kiếm.
Nhân ảnh kia lại gần rất nhanh.
Khấu Anh Kiệt căng mắt nhìn.
Đó là một người rất cao lớn, mình trần trùng trục, chỉ một chiếc khố ngắn cũn cỡn tóc lòa xòa phủ xuống vai che gần hết khuôn mặt.
Cách ghềnh đá chừng ba trượng, người kia không đi dọc theo bờ nữa mà nhảy theo những tảng đá nhô lên mặt nước hướng ra giữa vịnh.
Nhưng tới sát ghềnh đá thì chẳng còn tảng đá nào nhô lên mặt nước nữa, như vậy buộc người kia phải quay trở lại hoặc bị dòng thác nhấn chìm.
Nhưng chỉ có vài tảng đá nhô lên, cách nhau tới năm bảy thước, không đều và sắc nhọn, muốn quay lại cũng không dễ chút nào.
Hơn nữa người kia không hề có ý quay lại mà cứ đi thẳng đến chỗ nước xiết.
Chẳng lẽ người đó muốn trầm mình tự tận?
Khấu Anh Kiệt la thầm :
− 'Nguy rồi!'
Nhưng quái sự phát sinh!
Người kia vừa vung vẩy hai tay, lướt đi trên mặt nước với động tác hết sức uyển chuyển như vũ công đang múa vậy!
Khấu Anh Kiệt há hốc mồm miệng nhìn theo.
Từ trên độ cao gần một trượng, người kia bị dòng thác tống xuống vịnh với tốc độ kinh người.
Bất cứ ai rơi và cảnh huống đó cũng sẽ bị nhấn chìm ngay và bị nước cuốn trôi hàng dặm, không còn hy vọng nào sống sót nữa.
Nhưng người này bị đẩy xuống giữa ghềnh chợt quay mình, đập tay xuống nước rướn người nhảy lên cao vài thước, sau đó từ từ xuôi xuống vịnh.
Tới vịnh người kia lặp lại động tác đó một lần nữa mới bị dòng nước cuốn xuôi, nhưng không chìm mà cứ nổi hẳn nửa người giống như một con rái cá.
Khấu Anh Kiệt trố mắt nhìn không chớp.
Chàng quan sát rất kỹ động tác của người kia, lúc đầu thấy có gì đó quen quen, nhưng khi lần thứ hai người đó lặp lại thì chàng liền nhận ra đó chính là động tác của đàn Lý Ngư Vượt Long Môn có vẽ lại trong Kim Lý Hành Ba Đồ.
Người kia ngụp lặn mấy hơi rồi không thấy đâu nữa.
Khấu Anh Kiệt sững sờ thốt lên :
− Trời đất! Đó là người hay thủy quái?
Chàng từng nghe kể về khinh công Đạp Bình Độ Thủy nhưng dù có giỏi khinh công đó bao nhiêu, khi rơi vào dòng thác này cũng không sao thi triển được mà tất sẽ bị nhấn chìm.
Hơn nữa thuật Đạp Bình Độ Thủy cũng phải lợi dụng một vật nào đó mới lướt đi được mà cũng ở trong điều kiện mặt nước phẳng lặng.
Với thân pháp tuyệt diệu của người kia, chàng tin rằng những cao nhân mà chàng được biết như sư phụ, Thiết Hải Đường, Thẩm Tố Sương, Thành Ngọc Sương... không sao có được khinh công như vậy được!
Có lẽ trong võ lâm xưa nay, ngoại trừ Kim Long lão nhân thì chàng chưa biết ra sao, nhưng chưa từng có sách vở nào chép về trường hợp kỳ quái như vậy.
Khấu Anh Kiệt đang bần thần suy nghĩ thậm chí không ngờ rằng mình hoa mắt trông nhầm thì chợt thấy cách đó chừng hai trượng có một cột nước nhô lên, tiếp đó là quái nhân vừa rồi vọt lên cả nửa người trần trùng trục trên mặt nước.
Chỉ lát sau người đó lại ngụp xuống, nhưng ngay sau đó lại trồi lên gần bờ hơn, lần này thì nhô hẳn toàn thân, nhảy lên bờ cát.
Trong tay người kia cầm bốn con cá chép vàng rất lớn ném lên bờ cát, cách chỗ Khấu Anh Kiệt chừng hai trượng.
Người kia lấy từ thắt lưng một sợ mây nhỏ cúi xuống xâu bốn con cá xách đi, nhưng khi ngang qua trước mặt Khấu Anh Kiệt thì dừng lại nhìn chàng.
Khấu Anh Kiệt không tự giác bước lùi một bước.
Tuy biết rằng người kia không có ý làm hại mình nhưng chàng vẫn cứ vận công đề phòng bất trắc.
Người kia đứng nhìn chàng rất lâu!
Bấy giờ Khấu Anh Kiệt mới thấy rõ bản lai diện mục đối phương.
Hiển nhiên đó là người chứ không phải là thủy quái.
Người đó cao tới bảy thước, hơn hẳn Khấu Anh Kiệt một cái đầu, mắt beo đầu hổ, miệng rộng mũi to, tướng mạo mười phần uy vũ nhưng rất khó đoán được tuổi tác.
Quái nhân chỉ mặc độc một chiếc khố nhô ra những bắp thịt rắn chắc như thép và nước da màu đồng hun.
Tóc hắn dính bết lại thành từng vệt như những con rắn chảy dài xuống vai và thái dương.
Song phương nhìn nhau một lúc, sau đó quái nhân bỏ đi dọc theo bờ đá ngược lên thượng nguồn.
Khấu Anh Kiệt vội bước theo gọi :
− Tráng sĩ xin dừng bước!
Quái nhân dừng chân nhưng không quay lại.
Khấu Anh Kiệt bước đến trước mặt Quái nhân chắp tay nói :
− Được gặp tráng sĩ ở bờ sông hoang vắng này thật là tam sinh hữu hạnh. Xin được hỏi đôi lời, nếu được tráng sĩ giải đáp làm sáng tỏ đầu óc u tối của tại hạ thì hay lắm!
Quái nhân nhíu mày nhìn chàng miệng hừ một tiếng, nhưng vẫn không nói gì, tiếp tục bước đi.
Khấu Anh Kiệt không chịu bỏ, chạy theo nói :
− Tráng sĩ khoan đi đã!
Quái nhân tựa hồ không nghe thấy, vẫn cắm cúi bước đi.
Bờ sông, sát với vách đá dựng đứng là một bãi đá tai mèo sắc lởm chởm, lại mấp mô khúc khuỷu và bám đầy rêu trơn nhẵn rất khó đi!
Người kia không giày dép, chỉ với đôi chân trần nhưng vẫn đi bình ổn như đi trên đất bằng.
Khấu Anh Kiệt vừa cố sức bám theo vừa chăm chú quan sát bộ pháp và dáng đi của Quái nhân này.
Chỉ thấy hai vai hắn giữ rất thẳng, chỉ có uốn lưng theo từng nhịp bước.
May rằng Quái nhân đi tương đối thong thả nên Khấu Anh Kiệt còn theo kịp.
Tuy thế cho dù đã vận khí đan điền, thi triển khinh công thặng thừa mà phải rất vất vả mới theo kịp Quái nhân.
Đó là chưa kể ngoài việc chú ý quan sát bộ pháp dáng đi của đối phương, chàng còn phải nhìn xuống chân vì những phiến đá nhọn phân bổ không đều nhau, chỉ cần lỡ chân trượt đi là sẽ rất nguy hiểm.
Mới đi như thế được chừng mười trượng Khấu Anh Kiệt đã mướt mồ hôi, tim nhảy thình thịch.
Thoạt tiên, thấy Quái nhân đi chậm chàng nghĩ rằng chẳng bao lâu sẽ đuổi kịp không ngờ càng đi càng bị bỏ xa.
Trong lúc đó thì Quái nhân vẫn bước thong thả, không có vẻ gì là có ý thoát khỏi sự bám đuổi của chàng. Đi chừng mười lăm trượng Khấu Anh Kiệt biết rằng mình không sao đuổi kịp đành dừng lại.
Quái nhân cũng dừng bước quay lại nhìn.
Khấu Anh Kiệt bước tới gần nhưng khi song phương cách chừng một trượng, chàng định lên tiếng thì người kia đã quay người đi tiếp.
Nghĩ rằng đối phương chờ mình, Khấu Anh Kiệt phấn khởi bám theo.
Người trước người sau đi như vậy một lúc, Khấu Anh Kiệt lại bị bỏ xa dần.
Nhưng khi chàng đã cảm thấy kiệt lực không theo kịp nữa dừng lại thì cũng vừa hết bãi đá tai mèo.
Quái nhân tay vẫn xách xâu cá, đứng cuối bãi đá có ý chờ.
Khấu Anh Kiệt cố hết sức bước lại gần khi qua khỏi bãi đá mới thấy cả bộ y phục mình ướt đẫm mồ hôi, hai bàn chân đau buốt, cúi xuống nhấc chân lên thì nhìn thấy đế giầy thủng lỗ chỗ thấm máu đỏ ngầu.
Quái nhân vẫn đứng thản nhiên nhìn chàng.
Khấu Anh Kiệt nén đau bước đến gần chắp tay nói :
− Hạnh ngộ!
Nhưng người kia bất ngờ tung mình nhảy lên vách đá.
Khấu Anh Kiệt ngơ ngác nhìn theo.
Thật chẳng hiểu Quái nhân muốn gì nữa!
Nhưng đã chịu khổ tới đây, sao có thể bỏ dở mà quay lại?
Hơn nữa thái độ của Quái nhân không tỏ ra có ác ý gì mà chỉ gợi lên lòng hiếu kỳ nên Khấu Anh Kiệt không bỏ cuộc.
Nhưng nhảy lên vách đá cao tới bốn năm trượng đâu phải chuyện dễ dàng?
Khấu Anh Kiệt nghĩ thầm :
− 'Hiện còn chưa biết ý đồ của Quái nhân là gì, nhưng rõ ràng là y có ý chờ mình. Kết quả thế nào chưa nói nhưng rõ ràng đây là một trường luyện khinh công lý tưởng, phải cố sức theo cho tới đầu tới đũa!'
Nghĩ đoạn chàng thu hết thân pháp nhảy lên.
Tới đây, chàng mới nhận ra vách đá ngược lên tới đỉnh cao tới trăm trượng và chia thành nhiều bậc cao thấp khác nhau.
Khi Khấu Anh Kiệt nhảy lên bậc đầu tiên thì quái nhân lại nhảy lên bậc thứ hai nhìn xuống.
Khấu Anh Kiệt không do dự nữa, lại đề khí nhảy lên.
Quái nhân lại nhẹ nhàng tung mình nhảy lên bậc thứ ba nhảy xuống, hơn nữa trên môi còn thoáng nét cười.
Cứ như vậy, chàng cứ tiếp tục nhảy lên không nhớ là bao nhiêu bậc nhưng khi nhìn xuống thấy dòng sông chỉ như một con suối nhỏ xa tít dưới chân, mới biết mình vừa nhảy lên đỉnh núi cao vài trăm trượng.
Bên tai gió thổi vù vù, nhìn xuống non xanh nước biếc thu hết vào tầm mắt, quả là cảnh tượng rất thơ mộng.
Nhưng Khấu Anh Kiệt lúc đó hầu như đã sức cùng lực tận, còn lòng dạ đâu mà thưởng thức cảnh thiên nhiên nữa?
Quái nhân vẫn chưa dừng lại, tụt xuống bên kia dốc tới một thung lũng khá rộng, bên này dốc thoai thoải, nhưng bên kia thung lũng là vách đá dựng đứng có rất nhiều thạch... thiếu hai trang.
... nhỏ hơn dùng làm ghế.
Trong đó có hai vật là Khấu Anh Kiệt chú ý là thanh trường kiếm và một bộ y phục treo trên vách đá.
Thanh trường kiếm trông rất to, còn bộ y phục có thể gọi là chiến bào được dệt bằng kim ngân tuyến hợp thành, cả hai vật được treo lên giá dựng giữa vách đá một cách thận trọng nâng niu.
Căn cứ vào kích thước thì chắc rằng bộ chiến bào đó là của Quái nhân cao lớn này.
Chẳng mấy chốc mùi cá rán thơm phức bốc lên.
Quái nhân nhìn ra cửa động vẫy tay ra hiệu cho Khấu Anh Kiệt bước vào, chỉ lên ghế đá phẳng ý mời chàng ngồi.
Khấu Anh Kiệt chắp tay nói :
− Cảm ơn!
Quái nhân tới góc phòng mang tới một bình rượu, hai bộ bát đũa và một chiếc mâm gỗ đặt lên bàn đá rồi ngồi lên ghế đối diện.
Lát sau mùi rượu đã bốc lên thơm phức.
Quái nhân rót một bát trao cho khách.
Khấu Anh Kiệt gật đầu cảm tạ rồi đưa hai tay đón lấy bát rượu.
Thoạt tiên chàng không để ý lắm, nhưng khi đón chén rượu thấy nặng trĩu mới giật mình cúi xuống nhìn, lòng muôn phần kinh ngạc.
Nguyên chén rượu làm bằng vàng ròng, đáy khảm một viên ngọc mắt mèo xanh biếc.
Chẳng những thế, đũa cũng làm bằng ngà voi thứ thiệt.
Khấu Anh Kiệt nhìn quái nhân đầy vẻ hiếu kỳ.
Những bộ đồ ăn sang trọng này cùng với bộ chiến bào bằng kim ngân tuyến, chứng tỏ người này lai lịch không phải tầm thường, chí ít cũng con nhà gia thế.
Hơn nữa người đã có khinh công thặng thừa như vậy, hiển nhiên không phải hạng vô danh!
Tại sao lại đến sống một mình ở đây?
Quái nhân vẫn không nói gì, chỉ gật đầu ra ý mời chàng uống rượu!
Khấu Anh Kiệt nhấp vào một ngụm thấy mùi thơm phức, ngọt mà rất nồng.
Chàng đặt chén rượu xuống lễ phép hỏi :
− Tiểu đệ xin được thỉnh giáo quý tính đại danh huynh đài!
Quái nhân lấy một thỏi than vạch xuống bàn đá thành một chữ Chu.
Có lẽ người này bị câm!
Khấu Anh Kiệt đứng lên chắp tay nói :
− Nguyên là Chu huynh, tại hạ thất kính!
Quái nhân dùng chân xóa chữ vừa viết đi.
Khấu Anh Kiệt nhìn kỹ lại chủ nhân, thấy vị họ Chu này đã không còn trẻ nữa, bởi vì tóc đã bắt đầu nhuốm bạc, nước da hồng hào, nét mặt hơi thô nhưng uy vũ và trông rất chính khí.
Quái nhân lại viết lên bàn đá hai chữ :
− Quý tính?
Khấu Anh Kiệt kinh dị nghĩ thầm :
− 'Chẳng lẽ người này câm thật? Làm sao không chịu nói?'
Tuy vậy chàng vẫn chắp tay đáp :
− Tại hạ là Khấu Anh Kiệt!
Quái nhân gật đầu, tỏ ý đã hiểu :
Khấu Anh Kiệt hỏi :
− Chu huynh làm sao một mình tới đây ở tận chỗ heo hút này? Ở đây còn có người nào thân thích nữa không?
Quái nhân lắc đầu sắc mặt rất bình thản.
Khấu Anh Kiệt lộ vẻ thất vọng.
Chàng đến đây với hy vọng sẽ tìm biết nhiều điều về nhân vật bí ẩn này, nhất là về khinh công thượng thặng mà y đã biểu lộ!
Nhưng đối phương không nói được chàng biết hỏi thế nào?
Quái nhân lại viết :
− Khu vực hoang vắng này, ngoài ta ra không còn ai khác. Có phải người cũng có ý ở đây lâu dài?
Khấu Anh Kiệt gật đầu đáp :
− Chính thế! Tiểu đệ có ý ở đây lâu!
Mặt khác chàng dấy lên tia hy vọng nghĩ thầm :
− 'Người này viết được nhiều như thế, nét chữ lại rất đẹp. Nếu đúng là không nói được thì cũng không phải câm từ thủa nhỏ, chắc có thể trao đổi được nhiều...'
Chàng thử thăm dò :
− Chu huynh thấy không tiện nói hay sao?
Sắc mặt Quái nhân chợt u ám hẳn đi.
Khấu Anh Kiệt chột dạ nghĩ thầm :
− 'Hỏng rồi! Lẽ ra mình không nên đả động đến chuyện đó mới phải! Người ta không ai thích kẻ khác nhắc đến dị tật của mình...'
Chàng rụt rè nói :
− Chu huynh, xin thứ lỗi!
Chợt Quái nhân há to miệng ra để đối phương nhìn rõ bên trong.
Khấu Anh Kiệt thất kinh khi thấy lưỡi Quái nhân chỉ có một mẩu ngắn ngủn.
Hơn thế nữa, chàng còn xác định được rằng đó không phải là dị tật mà bị một thứ đao kiếm gì đó cắt bằng phẳng.
Quái nhân ngậm miệng lại, vẻ mặt khôi phục lại sự bình thản như lúc trước.
Khấu Anh Kiệt rất xúc động, trong lòng trào lên sự thương cảm, nhưng không biết nói câu gì để an ủi.
Quái nhân lại dùng than viết :
− Người tới đây chắc có mục đích gì?
Khấu Anh Kiệt tự nhủ :
− 'Người này đã tín nhiệm mình như thế, nếu giấu giếm anh ta là có tội. Hơn nữa không việc gì phải giấu diếm...'
Nghĩ thế chàng thành thật trả lời :
− Tiểu đệ đến để luyện võ công!
Quái nhân lại viết tiếp :
− Theo ta thấy thì có liên quan đến chuyện cá nhảy, đúng không?
Khấu Anh Kiệt kinh hãi nghĩ thầm :
− 'Người này rất tinh tế, cũng rất lão luyện giang hồ!'
Chàng gật đầu thừa nhận!
Quái nhân nở nụ cười tựa hồ như câu trả lời của Khấu Anh Kiệt là sự an ủi đối với mình.
Ông ta lại dùng than viết :
− Ta rất mừng khi thấy có người trong võ lâm quan tâm nghiên cứu thân pháp thặng thừa này. Nhất định người sẽ thu được thành tựu mỹ mãn!
Khấu Anh Kiệt gật đầu tỏ ý cảm ơn.
Quái nhân chợt đứng lên bước đến chạn bếp bưng tới một nồi cơm và một niêu cá kho đặt lên mâm, ngồi xuống chỗ cũ chỉ vào bát đũa.
Khấu Anh Kiệt không cần khách khí, cầm bát xúc cơm gắp cá ăn một cách tự nhiên.
Vừa rồi uống rượu nhắm với cá rán rất ngon, nay ăn cơm với cá chép vàng kho khô lại càng khoái khẩu!
Ăn xong, Quái nhân dọn mâm bát mang ra ngoài rửa.
Khấu Anh Kiệt tranh thủ thời gian quan sát gian thạch động, nhận thấy ở ngách động có một cánh cửa gỗ chỉ đủ một người chui lọt không biết thông về đâu hay trong đó là một gian phòng nữa.
Cánh cửa khá sơ sài bị gió làm lung lay như sắp đổ xuống bất cứ lúc nào.
Khấu Anh Kiệt định mở ra xem nhưng nghĩ rằng mình là khách lần đầu tới đây, làm thế không phải đạo nên thôi!
Quái nhân rửa xong bát đũa quay vào, thấy chàng nhìn vào cánh cửa, ông ta nhoẻn miệng cười phô hai hàm răng trắng bóng.
Quái nhân cất mâm bát đi, lại còn thu tấm nệm và chăn da gấu cuộn lại cất vào một ngách động, sau đó bước đến bên cánh cửa rút ra hai cái chốt bằng sắt.
Cánh cửa lập tức mở bung ra.
Lập tức một luồng gió cực mạnh thổi xộc vào làm mái tóc Quái nhân bay phần phật.
Khấu Anh Kiệt ngồi cách cửa tới hai trượng, lại được phiến đá to đùng làm bàn chắn đi một phần sức gió, thế mà phải chống tay xuống đất để khỏi bị cuốn đi.
Không những mạnh mà gió còn mang theo hàn khí như ngàn mũi kim châm vào người đau buốt.
Khấu Anh Kiệt không chịu nổi vội nhảy lùi ra phía cửa động.
Chợt nhìn lên thấy bộ chiến bào không hề lay động, chàng lần về phía đó.
Quả nhiên dưới bộ chiến bào và thanh kiếm không có một chút gió nào.
Đến lúc đó chàng mới hoàn hồn, nhìn lại phía cánh cửa, thấy Quái nhân vẫn đứng trơ trở ở đó, vững như bàn thạch.
Với sức gió này, Khấu Anh Kiệt tự biết mình nếu đứng chắn ở cửa thì dù có vận công Thiên cân trụy cũng bị thổi bay đi như chiếc lá khô, đủ biết thần lực của Quái nhân tới mức độ nào!
Trong thạch động cuồng phong nổi lên dữ dội, cát bay đá chạy ào ào, bếp lửa bị thổi bung đi, tàn lửa cùng những que củi lớn bằng bắp chân bay ra tận ngoài cửa động, ngay cả hai tảng đá dùng làm ghế nặng tới vài trăm cân cũng bị lật nghiêng đi!
Thật là một cảnh tượng kinh tâm động phách.
Khấu Anh Kiệt vẫn chăm chú nhìn Quái nhân, thấy màu da đồng hun của ông ta đổi sang màu trắng, trước tiên là mặt, cổ, dần dần xuống ngực, bụng rồi đến đôi chân trần, giống như bỗng chốc biến thành một người khác.
Sau đó từ màu trắng lại biến thành màu đỏ rực như lửa rồi cuối cùng trở lại màu đồng hun như lúc ban đầu.
Chừng như chu trình luyện công đặc biệt đó đã hoàn thành, Quái nhân vận công vào hai cánh tay làm gồ lên những tảng thịt, khép cửa vào chốt lại như cũ.
Khấu Anh Kiệt kinh hãi nghĩ thầm :
− 'Chỉ sợ mười người như mình gộp sức cũng không sao đóng nổi một cánh cửa trước lực gió đáng sợ như thế! Người này đã luyện thành Kim cương bất hoại rồi chăng?'
Chỉ từ hồi tối đến giờ, tất cả những gì liên quan đến tráng sĩ họ Chu này đều là phi thường, trước nay chàng chưa từng biết có người nào có năng lực kinh nhân như thế, giá như được nghe kể lại thì khó mà tin nổi!
Nhưng việc đó hoàn toàn có thật, vì chàng đã tận mắt chứng kiến!
Hơn nữa, trong lòng chàng trào dâng quyết tâm sắt đá là phải luyện cho được như Quái nhân này!
Chính vị họ Chu đã hình thành trong đầu chàng quyết tâm đó.
Hán tử họ Chu bước đến bàn, lật hai chiếc ghế lên rồi vẫy tay ra hiệu cho Khấu Anh Kiệt đến gần.
Hai người lại ngồi đối diện.
Khấu Anh Kiệt không nén nổi tò mò lên tiếng hỏi :
− Chu huynh chuyển đến đây ở mấy năm rồi?
Hán tử họ Chu nghĩ ngợi giây lát rồi đưa hai ngón tay lên :
Khấu Anh Kiệt hỏi :
− Hai năm?
Người kia lắc đầu.
Khấu Anh Kiệt lại hỏi :
− Chu huynh muốn nói là hai tháng hay sao?
Hán tử họ Chu vẫn lắc đầu.
Khấu Anh Kiệt ngơ ngác nhìn đối phương tự hỏi :
− Chẳng lẽ có sự nhầm lẫn gì?
Tuy không tin vào điều mình hỏi nhưng chàng vẫn thốt ra :
− Chẳng lẽ là hai mươi năm?
Bấy giờ người đó mới gật đầu.
Khấu Anh Kiệt nhìn lại quái nhân một lúc rồi hỏi :
− Vậy năm nay Chu huynh bao nhiêu tuổi?
Hán tử họ Chu đứng lên bước đến góc động mang tới một bộ văn phòng tứ bảo đầy đủ giấy, bút lông và nghiên mực, trong đó mực đã được mài sẵn vẫn chưa khô, ngồi xuống chấm mực viết lên giấy rõ ràng :
− Sáu mươi tám!
Khấu Anh Kiệt ngây người nhìn đối phương.
Câu trả lời thật khó mà tin được!
Thực ra chàng đã mấy lần quan sát kỹ người này.
Xét về nét mặt, màu da và thể trạng thì chỉ mới tứ tuần là cùng, còn mái tóc điểm sương thì có thể nhiều tuổi hơn một chút.
Nhưng nói ông ta đã sáu mươi tám thì chuyện đó quá hoang đường.
Nhưng chàng tin rằng đối phương không nói dối mình, liền quỳ xuống hành một lễ nói :
− Xin thứ lỗi, vãn bối phải gọi lão nhân gia là tiền bối...
Người họ Chu đưa tay phát ra một luồng lực đạo đỡ chàng đứng lên lại chấm mực viết :
− Ta rất ghét tục lễ. Chúng ta cứ xưng huynh gọi đệ như trước là được!
Khấu Anh Kiệt nhìn đối phương thấy ánh mắt lão nhân nhìn mình một cách chân thành và tin cậy, trong đó ngầm chứa uy lực không thể phản kháng, đành gật đầu chắp tay đáp :
− Tiểu đệ xin tuân mệnh!
Người kia viết tiếp :
− Chỗ này là nơi tiếp giáp của hai sơn mạch, lại rất nhiều mãnh thú nên ít người thâm nhập vào đây!
Khấu Anh Kiệt gật đầu.
Người kia lại viết :
− Ta là Chu Không Dực, tước hiệu Ninh vương, là thế tử của tiên triều!
Khấu Anh Kiệt thất kinh vội vàng đứng lên nhưng bị Chu Không Dực giữ lại đành ngồi yên.
Chu Không Dực viết tiếp :
− Phú quý công danh chỉ là một đóa phù vân, tất cả đã qua rồi. Chỉ vì mang nặng huyết hải thâm cừu chưa báo nên mới phải sống thừa tới tận hôm nay, xin nhớ kỹ không được để lộ chuyện này cho bất cứ ai biết!
Ông ta còn cẩn thận khuyên mấy chữ không được để lộ chuyện này cho bất cứ ai biết lại.
Khấu Anh Kiệt gật đầu nói :
− Tiểu đệ xin nhớ kỹ lời dặn của Chu huynh!
Vị kỳ nhân dòng dõi hoàng tộc đó lại viết :
− Đã năm chục năm qua miệt mài theo nghề võ, đặc biệt suốt hai chục năm không rời khỏi Tích thạch sơn này, đã ngộ ra nhiều điều ảo diệu trong võ học!
Khấu Anh Kiệt nói :
− Chu thái tử thân hoài tuyệt học quảng cổ tuyệt kim, xứng đáng được coi là đương kim võ lâm đệ nhất kỳ nhân, tiểu đệ vô cùng khâm phục!
Chu Không Dực viết tiếp :
− Người muốn luyện thành công phu thượng thừa cốt ở tự giác và kiên trì, vừa biết sáng tạo ra chiêu thức của mình, không câu nệ và tự ti trước tiền nhân. Tuy nhiên phải biết coi trọng và kế thừa kinh nghiệm cũng như tinh hoa võ học của những bậc tiền bối. Ta thấy võ công của người đang ở vào giai đoạn thứ hai là ngưỡng cửa võ hộc vô cùng trọng yếu. Nếu không kiên trì sáng tạo và khổ luyện thì dù đến già cũng chỉ thuộc hàng nhị lưu mà thôi!
Những lời nói của Chu Không Dực mang ý nghĩa sâu xa mà Khấu Anh Kiệt chưa hiểu ngay được liền hỏi :
− Giai đoạn hai là thế nào?
Chu Không Dực giải thích đương nhiên cũng bằng chữ viết :
− Quá trình luyện võ có thể phân làm bốn giai đoạn. Tuy nhiên một người muốn luyện đến trình độ võ học thặng thừa thì phải có thiên chất, căn cốt, sự kiên trì và có cả cơ duyên, được danh sư chỉ dạy nữa, không thể thiếu một yếu tố nào!
Khấu Anh Kiệt say mê nhìn vào đầu bút.
Tuy viết theo lối thảo tự rất nhanh nhưng nét bút hữu thần, đọc rất rõ, có thể hiểu rằng trước đây vị dòng dõi đế vương này là một bậc học giả uyên thâm.
Chu Không Dực dừng bút một lúc lại viết tiếp :
− Có đủ bốn yếu tố đó mới bắt đầu giai đoạn thứ nhất, đó là đặt nền tảng cơ sở, luyện thể chất và võ học căn bản.
− Giai đoạn hai là truyền thụ chiêu thức nhưng phải kiên trì, đúng phương pháp không được quá gấp mà bỏ qua giai đoạn!
− Xưa kia có một người tên là Dương Dốc Tử thiên bẩm, căn cơ, trí huệ không kém người nào, xứng là nhất đại kỳ nhân. Chỉ tiếc rằng vì nóng vội, không đúng phương pháp mà bị tẩu hỏa nhập ma, trở thành tàn phế mang mối hận chung thân!
Khấu Anh Kiệt bị những lời giáo huấn này hấp dẫn, chăm chú nhìn vào ngọn bút không rời như bị thôi miên.
Chu Không Dực viết tiếp :
− Giai đoạn ba chỉ là sự kế tiếp cho giai đoạn hai để trở thành nhất lưu cao thủ võ lâm!
− Còn giai đoạn cuối cùng lại phụ thuộc vào hai yếu tố ý chí và cơ duyên. Bởi vì khi đã trở thành nhất lưu cao thủ, tất ai cũng muốn luyện võ học thượng thừa để trở thành vô địch thiên hạ, nhưng chỉ một vài người đạt tới tham vọng này, chỉ có ý chí sắt đá và sự may mắn có được võ học tuyệt thế mới đạt được nó!
Viết tới đây, Chu Không Dực ngẩng lên.
Khấu Anh Kiệt vội vàng bái tạ nói :
− Lời giáo huấn của tiền bối...
Chu Không Dực nhíu mày tỏ ý không hài lòng.
Khấu Anh Kiệt liền cải lời :
− Lời giáo huấn của Chu huynh làm tiểu đệ như vừa được vén mây mù mà trông thấy trời xanh!
Chu Không Dực lại viết :
− Chúng ta gặp nhau ở đây là do duyên phận. Sau này hàng ngày người cứ đến đây, ta sẽ truyền thụ cho người một thứ công phu sẽ giúp ích rất nhiều cho sự vận dụng và phát triển võ thuật.
Khấu Anh Kiệt vội vàng quỳ xuống bái tạ.
Chu Không Dực phất nhẹ tay đỡ chàng lên lại viết :
− Tính ta không thích câu nệm tục lễ. Người chỉ cám ơn duyên phận mà thôi.
Bây giờ có thể về, ngày mai nhớ đến đây vào giờ này!
Trong lòng đầy cảm kích, nhưng Khấu Anh Kiệt không dám tham bái nữa, chỉ chắp tay từ biệt.
Trên đường về Khấu Anh Kiệt nhớ lại cuộc gặp gỡ vừa rồi mà vẫn còn bàng hoàng tưởng như mình đang nằm mộng.
Khi về tới ghềnh đá thì trời vừa hửng sáng.
Chàng không về thạch động ngay mà ngồi xoài ra bãi cát bên ghềnh đá.
Toàn thân mỏi dừ, chàng cởi đôi giày thủng nát xoa đôi bàn chân đầy thương tích, bấy giờ mới thấy cơn đau thấm vào tận tâm can.
May mà có được bữa ăn rất ngon với Chu Không Dực, nếu không có lẽ chàng không đủ sức tụt xuống ngọn đồi dốc đứng gần hai trăm trượng và bãi đá ngầm lởm chởm đá tai mèo để về đây.
Ánh nắng mai chiếu xuống ghềnh tạo thành muôn tia sáng nhảy múa trông vô cùng đẹp mắt.
Lúc này đã sắp tới giờ đàn cá vượt ghềnh, chàng không muốn bỏ lỡ cơ hội nào để quan sát chúng.
Chàng mở bức họa được cuốn cẩn thận ở đầu gối ra, vừa xem vừa chiêm nghiệm lại những gì mấy hôm qua mình đã quan sát được, chợt thấy bức họa hết sức sinh động giống như mình đang chứng kiến đàn cá thật đang đua nhau vượt ghềnh.
Sau một lúc, tâm trí chàng bị hút chặt vào bức họa, không còn biết gì về hiện thực xung quanh nữa.
Đó là trạng thái nhập thần, vong ngã.
Không biết qua bao lâu, Khấu Anh Kiệt quên mất rằng mình ngồi đây để quan sát đàn cá mà chỉ đăm đăm nhìn vào bức họa, rồi cuối cùng buông nó xuống cát, cứ theo từng động tác của mỗi con cá mà chàng đã nhập tâm tung người lên, hết tư thế này đến tư thế khác như một kẻ phát cuồng.
Cả hôm đó chàng quên ăn quên uống, quên cả đôi chân đầy thương tích đau buốt mà múa máy quay cuồng trên bãi cát cho đến khi kiệt sức mới thu bức họa cuốn vào đầu gối như cũ, trở về thạch động.
Bụng đói meo, người nhếch nhác, toàn thân nhức mỏi gần như không còn chút sức lực nào nhưng tâm hồn chàng vui phơi phới.
Như vậy là chàng đã tham ngộ được sự tinh diệu trong võ học của Kim long lão nhân.
Bây giờ thì chàng không cần mở bức họa ra nữa cũng có thể nhớ như in từng tư thế của cả trăm con cá.
Nhưng điều cốt yêu nhất là chàng đã học được cách nhảy của chúng.
Ăn uống qua loa xong thì trời đã sắp tối.
Ngủ chừng hai canh giờ, sang đầu canh chàng thức dậy, lại theo con đường gian nan đó để sang thạch động của Chu Không Dực.
Dọc đường chàng băn khoăn tự hỏi :
− Chu huynh là một vị hoàng thân quốc thích, vậy thì ai dám cắt lưỡi ông ta?
Chu Không Dực bị hại, buộc phải tránh đến nơi hoang dã này, tất cừu nhân phải là người trong hoàng tộc và có thế lực rất lớn.
Đó hẳn là một sự việc hết sức đáng sợ và nếu vạch trần được việc này ắt sẽ làm chấn động cả hoàng cung.
Chu Không Dực không dạy chàng chiêu thức hoặc khinh công gì cả mà chỉ luyện các động tác ngồi và đứng.
Mới nghe thì rất đơn giả nhưng đi vào luyện tập mới biết rất phức tạp, mỗi động tác đều rất kỳ quái và tốn nhiều thời gian luyện tập.
Ngày lại ngày cứ thế trôi qua.
Khấu Anh Kiệt thấu hiểu được sự quán triệt của Chu Không Dực về quá trình luyện võ nên không hề nôn nóng, cũng không nhàn chán, ngày ngày bền bỉ luyện rèn.
Cứ nửa đêm sang luyện các tư thế ngồi đứng với Chu Không Dực, gần sáng mới trở về, đôi chân đau buốt và toàn thân tê mỏi.
Buổi sáng chàng tiếp tục tham ngộ khinh công trong Kim Lý Hành Ba Đồ hoặc luyện nội công theo mười một chữ khẩu quyết của sư phụ truyền thụ cho.
Trong tháng đầu, vượt qua bãi đá ngầm và mấy chục bậc để sang thạch động của Chu Không Dực là một thử thách lớn đối với Khấu Anh Kiệt nhưng từ tháng thứ hai, khi đôi chân trở nên chai sạn, khinh công của chàng cũng tăng tiến vượt bậc nên vượt quãng đường đó không còn là việc khó khăn nữa.
Cứ như thế hai tháng thấm thoắt trôi qua!
Trong lòng Khấu Anh Kiệt mang một bí ẩn lớn về lai lịch của vị thế tử Ninh Vương này!
Là thế tử tiên triều, người kế vị ngôi hoàng đế, lẽ ra bây giờ nên ngồi ở ngai vàng mới phải, sao lại bị người cắt lưỡi trở thành tàn phế, đến sống một mình nơi thâm sơn cùng cốc này?
Ông cũng không kể một lời về cừu nhân của mình hay vì sao bị cắt lưỡi.
Biết rằng đó là việc cực kỳ nghiêm trọng nên Khấu Anh Kiệt cũng không dám hé môi hỏi.
Tuy trao đổi với nhau rất ít nhưng sau hai tháng cần mẫn luyện tập, qua thái độ chàng biết Chu Không Dực rất hài lòng về mình.
Hôm đó sau giờ tập, Chu Không Dực gọi chàng đến bên bàn lấy bút viết :
− Người đã luyện xong bước một, thành tích như vậy là rất tốt, so với dự tính của ta nhanh được một tháng. Từ ngày mai, chúng ta sẽ tập sang bước thứ hai.
Nhưng người không cần đến đây nữa, vào giờ tý ta sẽ đến tìm người!
Bước thứ hai là Thủy Thụ Công.
Nhờ Khấu Anh Kiệt khá giỏi thủy tính nên việc luyện thủy công tiến hành khá thuận lời.
Thoạt tiên chàng thả mình từ trên ghềnh xuống vịnh với độ cao hai ba thước, sau đó tăng dần.
Mỗi ngày ước tới mấy trăm lần như thế!
Sau mười ngày thì chàng thả mình từ đỉnh cao nhất của ngọn thác cao hơn một trượng, bị nhấn chìm đây đi xa tới giữa vịnh, phải cố sức nổi lên thật nhanh mới khỏi chết ngạt.
Quả là một phương pháp luyện công kỳ diệu và rất hứng thú.
Thực ra phương pháp luyện Thủy Thụ Công này giúp cơ thể phát triển một cách toàn diện, khả năng chịu đựng rất cao.
Lúc đầu bị thác nước nhấn chìm làm cho đấu váng mắt hoa, chỉ cố sức làm sao cho nổi nhanh lên được, ngoài ra không nghĩ gì thêm.
Nhưng sau một thời gian thì dần dần quen đi, Khấu Anh Kiệt rất hứng khởi, cứ mỗi lần bị thác đẩy, chàng cố sức gượng lại, chiếu theo những hình vẽ Cá chép vượt long môn trong Kim Lý Hành Ba Đồ mà chàng nhớ kỹ trong đầu học theo.
Sau hai tháng luyện Thủy Thụ Công, chàng đã có thể bơi ngược dòng thác, tuy chỉ vượt được những chỗ thấp ba bốn thước mà thôi!
Nhưng như thế đã là một thành tựu lớn rồi.
Bởi vì mỗi ngày việc luyện công và tham ngộ Kim Lý Hành Ba Đồ thấm dần một ít nên khi đạt tới thành tựu đó, Khấu Anh Kiệt không quá bất ngờ, tựa hồ như đó là điều tất yếu sẽ đạt được.
Như vậy là đã bốn tháng trôi qua kể từ lúc chàng rời khỏi Bạch Mã sơn trang.
Cùng với việc luyện công rất tiến triển, quan hệ giữa Chu Không Dực và Khấu Anh Kiệt ngày càng trở nên gắn bó.
Chu Không Dực không còn tư lự ưu sầu như trước nữa mà trở nên rất vui, dường như tươi tắn và trẻ trung hơn trước.
Tuy vậy ông vẫn không thổ lộ với Khấu Anh Kiệt về điều bí mật của mình.
Bấy giờ đã sang giữa tiết đông hàn. Mặt sông đã đóng một lớp băng mỏng.
Đêm đó không như thường lệ, Chu Không Dực đến sớm hơn tới thẳng thạch động của Khấu Anh Kiệt.
Nhìn ông, khác hẳn thường ngày mặc bộ chiến bào mà Khấu Anh Kiệt đã nhìn thấy lần đầu trong thạch động, chân đi giày theo kiển kinh thành, lưng đeo trường kiếm, tay còn cắp thêm một tấm da gấu.
Như vậy là ông muốn ngủ lại đêm cùng chàng.
Khấu Anh Kiệt đốt lên một đống lửa, chàng khấp khởi vì đoán rằng hôm nay mình sẽ biết được điều bí mật mà mấy tháng qua mình nóng lòng muốn biết.
Hai người ngồi đối diện qua bộ bàn đá, Chu Không Dực đưa tấm da gấu cho Khấu Anh Kiệt quấn vào xong, nhặt lấy một viên đá nhỏ viết lên bàn đá :
− Ta có việc cần đi khoảng bốn năm ngày, đến đây từ biệt người!
Khấu Anh Kiệt buột miệng hỏi :
− Chu huynh đi đâu vậy?
Chu Không Dực viết gọn hai chữ :
− Kinh thành!
Khấu Anh Kiệt định hỏi nữa thì Chu Không Dực đã viết tiếp :
− Cang khí người luyện còn chưa đủ hỏa hầu. Nay đã sang tiết đông, không được luyện thủy công nữa. Sau khi về ta sẽ truyền thụ cho người kiếm pháp.
Khấu Anh Kiệt ngạc nhiên hỏi :
− Cang khí nào?
Chu Không Dực trả lời :
− Hai tháng đầu chính là người đã luyện một thứ cang khí thặng thừa, sau này luyện thêm Thủy Thụ Công còn được củng cố thêm. Bây giờ người còn chưa nhận ra nhưng sau này sẽ biết nó diệu dụng vô cùng. Bốn tháng khổ luyện của người đã không uổng phí!
Khấu Anh Kiệt cảm động nói :
− Ân tình của Chu huynh đối với tiểu đệ sâu nặng như thế, thật không biết lấy gì để đền đáp. Nếu có việc cần xin Chu huynh sai bảo một tiếng, dù gan óc lầy đất, tiểu đệ cũng không từ!
Chu Không Dực khẽ gật đầu, môi thoảng nụ cười.
Lát sau ông xóa chữ đi viết tiếp :
− Xưa nay ta chưa có lần nào hỏi về thân thế của lão đệ người cả. Người đã thành hôn chưa?
Khấu Anh Kiệt đỏ mặt lắc đầu đáp :
− Chưa!
Chàng trấn tĩnh lại thừa cơ hỏi :
− Còn Chu huynh?
Chu Không Dực do dự một lát rồi gật đầu :
Khấu Anh Kiệt hỏi tiếp :
− Chắc đại tẩu vẫn còn khỏe chứ?
Ánh mắt Chu Không Dực chợt hiện lên tia oán hận.
Khấu Anh Kiệt thất kinh vì từ khi tiếp xúc với Chu Không Dực đến nay, cha chưa bao giờ thấy ông lộ ra vẻ tức giận như thế.
Chàng biết rằng đã chạm vào nỗi đau thầm kín trong lòng ông, thầm hối hận vì mình đã hỏi câu đó.
Nhưng lát sau Chu Không Dực buông tiếng thở dài rồi khẽ gật đầu.
Khấu Anh Kiệt không dám hỏi thêm gì nữa.
Ông ta lại viết ra bàn :
− Như vậy là người vẫn còn đồng thân?
Khấu Anh Kiệt đáp :
− Dạ!
− Chẳng trách nào người tiến bộ nhanh như thế. Hiện giờ người đã có căn cơ rất tốt, sau này nhất định sẽ đạt được thành tựu lớn. Nhưng trong vòng trăm ngày tới phải hết sức cẩn thận, không được để ngoại lực phân tâm.
Viết tới đó ông vứt mẩu than đi, nhìn Khấu Anh Kiệt chào từ biệt rồi bước ra khỏi thạch động.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...