Đời là giấc mơ và cái chết làm ta tỉnh lại.
Ngạn ngữ Ba Tư.
5 giờ, New York thức giấc 1.
Trong bóng đêm tang tảng sáng, đèn trong các căn hộ thi nhau được bật lên như những bóng điện nhấp nháy trên tràng dây đèn hoa khổng lồ chạy suốt từ khu Brooklyn đến tận khu Bronx.
Sau thời gian tạm nghỉ ngắn ngủi, những chiếc đồng hồ điện, đồng hồ nước lại chạy như điên, trong khi hàng nghìn bóng người ngái ngủ đi vật vờ từ phòng ngủ sang bếp rồi đảo nhanh qua phòng tắm, dưới vòi sen lúc nào cũng quá lạnh.
Ngáp một cái, nhấp tách cà phê, nuốt vội vàng bát ngũ cốc, ấn nút bật đài:
... Chào mừng quý vị đến với kênh Manhattan 101.4. Đã sắp 6 giờ. Giờ này còn ai lười biếng nằm ườn trên giường không? Tôi không thể tin được! Nhanh lên, các bạn ơi, mặt trời sắp lên rồi. Chương trình hôm nay gồm có: diễu hành Halloween, nếm món bánh kẹp và dạo chơi trong Công viên Trung tâm trang hoàng những sắc màu mùa thu. Trời nắng đẹp suốt ngày, nhưng cẩn thận dông và gió mạnh vào buổi tối. Sau bản tin sẽ là phần âm nhạc với Otis Redding và bản Try a Little Tenderness. Các bạn đang nghe Manhattan 101.4, kênh phát thanh của những người dậy sớm. Manhattan 101.4. Các bạn cho chúng tôi mười phút, chúng tôi tặng các bạn cả thế giới...
Trung tâm thành phố, 6h 30. Các phòng tập thể dục đã chật kín người. Những working girls hào nhoáng, mặc áo hai dây hàng hiệu và quần chẽn ngắn loại mốt nhất, duyên dáng toát mồ hôi trên những chiếc xe đạp tập và máy đi bộ.
7 giờ.
Người đi lại trên đường bắt đầu đông đúc, đã thấy xô đảy nhau trên vỉa hè, những mạch đập, hơi thở của thành phố.
Đối với một phần trong số 11 000 lính cứu hỏa và 37 000 nhân viên cảnh sát, ca trực đêm đã kết thúc và một ngày mới bắt đầu. Một ngày mà trong đó sẽ có ba vụ giết người, năm vụ hãm hiếp, hai trăm chín mươi lăm vụ trộm và một trăm bốn mươi ba vụ hỏa hoạn.
Trong vòng chưa đến hai mươi tư giờ, có tới hơn một nghìn bốn trăm cuộc gọi tới cấp cứu và cảnh sát.
Tàu điện ngầm sẽ chuyên chở hơn ba triệu hành khách.
Ba mươi sáu người sẽ bị tắc trong thang máy.
Một số cặp tình nhân sẽ ôm hôn nhau, nhưng không có số liệu thống kê về họ.
Đám phụ nữ sẽ nói chuyện về đàn ông trong khi khoác lên người hết bộ này đến bộ khác trong phòng thử đồ của các cửa hàng Macy's, Bloomingdales và Canal Jean.
Đám đàn ông sẽ đàm đạo chuyện quốc gia đại sự trong khi nhâm nhi vài ly bia và than phiền về những cô gái mà chẳng bao giờ họ hiểu được.
Cuối cùng, bốn nghìn người bán hàng rong chuẩn bị hàng nghìn chiếc bánh kẹp xúc xích, bánh vặn thừng và bánh mì thịt.
Cuộc đời vậy thôi...
Sắp 8 giờ. Trên bến cảng nhỏ ở Công viên Battery, đối diện bức tường kính mênh mông bên vịnh Hudson, một con tàu sang trọng đang đợi chủ nhân thức giấc.
o O o
Manhattan
Hôm nay
7h 59'58"
7h 59'59"
8h
Ethan quờ tay sờ soạng vài giây mới tắt được tiếng chuông báo thức lanh lảnh...
Đầu nặng trĩu, mí mắt dính chặt lại, thở hổn hển, anh khó nhọc nhỏm dậy. Con tàu tràn ngập thứ ánh sáng dìu dịu.
Anh kiểm tra ngày tháng trên đồng hồ: thứ Bảy 31 tháng Mười.
Anh quay đầu lại: Người phụ nữ trẻ tóc hung vẫn nằm cạnh anh, người quấn chặt trong ga trải giường.
Anh đã sống lại. Mọi thứ bắt đầu lại từ đầu. Nhưng lần này, Ethan thậm chí còn chẳng ngạc nhiên. Anh chỉ cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng, ngay sau đó là cảm giác nóng bỏng đau nhói ở ngực.
Anh phải khó khăn lắm mới ra được khỏi giường. Người sốt nóng hầm hập, đầu đau như búa bổ, các bắp thịt đờ ra, anh lê bước lảo đảo vào phòng tắm. Lồng ngực anh như bị xé rách, tim đập đau đớn trong ngực, và bỗng có cơn buồn nôn dữ dội cuộn lên trong họng, buộc anh phải ngồi xổm trước bồn cầu và ọe vào đó hỗn hợp không rõ là thứ gì, gồm cả mật xanh mật vàng và dịch lầy nhầy lẫn máu.
Anh đứng dậy và lau mồ hôi trên mặt. Như anh đã nhận ra trong lần sống lại trước, cái giá của việc quay lại là sức la lại yếu thêm đi.
Mình chắc là cái ngày này sẽ chẳng lặp lại đến lần thứ tư đâu, anh thầm nghĩ trong lúc mở hộp thuốc. Anh nuốt ba viên thuốc chống viêm nhiễm rồi rũ người xuống dưới vòi tắm. Tựa người vào thành bồn tắm, anh dùng hai ngón tay cái xoa xoa gáy. Một thứ chất lỏng vàng vàng như mủ chảy từ mí mắt anh sưng phồng và đau nhức, anh phải dụi mắt để lôi ra mấy sợi dinh dính đó. Cơn buồn nôn lại cuộn lên trong dạ dày anh. Dù hơi nước nóng bỏng, anh vẫn run rẩy, răng va vào nhau lập cập. Ra khỏi vòi hoa sen, anh quấn mình trong chiếc áo choàng mặc trong nhà rồi run rẩy rỏ mấy giọt thuốc mắt để tách hai mí mắt ra.
Quay lại phòng ngủ, anh lo ngại liếc nhìn đồng hồ báo thức. Không được để mất thời gian. Phải tìm ra sức lực mà sống ngày hôm nay như nó là ngày cuối trong đời. Sẵn sàng xung trận.
Anh mặc thật ấm: quần vảo tuýt dày màu xám, áo chui đầu cổ lọ đan sọc nổi, áo khoác đi mô tô Belstaff.
Dù người run rẩy, chốc chốc lại rùng mình ớn lạnh, anh vẫn hít thở không khí mát lạnh. Anh vớ lấy cái ví, lôi ra 2 000 đô dành cho cô gái gọi rồi vội vàng đi ra cầu tàu.
Đứng đó, anh hít thở căng phổi trong vài phút, thích thú tin vào tác dụng hồi phục sức khỏe của nắng và gió biển. Anh thấy cơn đau đầu giảm đi đôi chút và cơn sốt hạ dần. Cuối cùng, khi cảm thấy đã sung sức, anh ra bãi đỗ xe nhỏ.
- Xin chào ô Whitaker, người gác cảng chào anh.
- Chào ông, Felipe.
- Xe ông bị sao vậy? Nó...
- Ừ, tôi biết, trông nó tệ lắm.
Nhìn chiếc Maserati và những vết xước giờ đã thành quen thuộc - vẫn cái cửa xe trầy xước, nắp bộ tản nhiệt lõm vào, vành xe bị hỏng - Ethan thấy oải vô cùng: cái sự khởi đầu này lại liên miên, phi lý và làm bối rối này cũng thật khủng khiếp.
- Tôi làm xe anh hư hại đôi chút. Hy vọng là anh không bực tôi...
Anh quay lại phía giọng nói mơn trớn và nhận ra người phụ nữ tóc hung đã theo anh từ tàu ra. Xinh đẹp và dong dỏng, cô quấn mình từ ngực đến đầu gối trong tấm ga phủ giường có hình ghép kiểu xứ Byzance 2. Mái tóc màu han gỉ gợn sóng nhấp nhô như những ngọn lửa và mang lại cảm giác mê hoặc là cô vừa chui ra khỏi một bức tranh của Klimt 3.
Ethan lưỡng lự nhìn cô.
- Anh không nhận ra tôi à? cô hỏi anh, gần như là thấy vui.
- Không, anh thú nhận.
Cô đang đeo kính đen, làm anh không nhìn ra được mắt cô.
- Hai nghìn đô la một đêm! cô vừa nhận xét vừa đưa trả tiền cho anh. Người khác chắc sẽ bực mình trong hoàn cảnh này, nhưng tôi thì coi đó như lời khen...
Ethan hơi bối rối nhét lại tiền vào ví, lòng vẫn tự hỏi người đang trò chuyện với mình là ai.
Cuối cùng, cô tháo kính ra và anh nhìn chằm chằm vào mắt cô. Nếu Ethan chỉ có một tài năng duy nhất thì đó chính là nhìn thấu tâm can, đoán ra tính cách thực sự của những người anh gặp.
Cô có đôi mắt nâu rất sẫm, linh lợi, thông minh. Nụ cười khêu gợi, sự tự tin, nhưng đâu đó cũng có điểm yếu đã được bồi đắp, chút rạn nứt làm cho vẻ đẹp không màu mè của cô càng chân thực.
- Anh thử hình dung ra tôi nặng thêm ba mươi kí lô nữa xem sao, cô nói như thách thức anh.
Người đàn bà bí ẩn khoái chí thấy anh bối rối, rồi quyết định cho anh thêm chỉ dẫn:
- Bác sĩ ạ, chính anh đã giúp tôi tìm lại được bản thân mình, anh đã giúp tôi tìm lại được tự do.
Ethan nheo mắt. Cô gọi anh là bác sĩ, vậy cô từng là bệnh nhân của anh.
- Maureen!
Maureen O'Neill: một trong những bệnh nhân đầu tiên của anh hồi còn ở phòng khám khu Harlem. Anh nhớ đó là một phụ nữ gốc Ai Len luôn thấy không thoải mái, béo phì và buồn chán. Cô là thợ sửa móng tay tại một trong vô số tiệm làm móng tay ở khu đó. Một cô gái hấp dẫn nhưng đầy mặc cảm. Cô nghiện oxy-codone 4 và ngày càng ẩn mình trong cuộc sống nội tâm đen tối và day dứt. Anh đã giúp cô chống lại sự nghiện ngập và ủng hộ chuyện cô xin đi học. Nhưng rồi một ngày, cô không đến gặp theo hẹn mà chẳng báo cho anh và anh cảm thấy mình thất bại.
- Tôi đi du lịch, cô giải thích. Sang châu Á rồi xuống Nam Mỹ. Anh đã nói đúng: ta có thể bắt đầu lại cuộc đời, có thể tìm thấy những sức mạnh không ngờ có trong bản thân.
- Tôi nhớ thời đó cô có vẽ.
- Vâng, và tôi tiếp tục theo hướng đó. Sau khi tôi đi Pêru về, Tiffany&Co tỏ ra quan tâm đến các sáng tạo của tôi: các đồ trang sức lấy cảm hứng từ nghệ thuật của người Inca.
Anh dịu dàng nhìn cô, ngạc nhiên về sự thay đổi của cô. Thật khó tin là cô gái mắc bệnh trầm cảm không coi trọng bản thân mình mà anh từng biết đã trở thành người phụ nữ trẻ rạng rỡ đang đứng trước mặt anh.
- Tôi được như thế này là nhờ có anh. Anh đã rất kiên nhẫn, anh không xét nét tôi, anh đã truyền cho tôi sức mạnh khi tôi đang yếu ớt.
- Tôi có làm gì nhiều nhặn đâu, anh chối.
- Anh đã làm điều cơ bản nhất: anh là người đầu tiên nhìn ra cái gì đó tích cực trong tôi. Mỗi khi ở phòng khám của anh ra về, tôi lại mang theo chút thân thiện từ anh mà tôi gieo trong tim mình như những hạt mầm. Anh đã thuyết phục tôi dửng dưng với lũ ngốc, rằng tôi mang trong mình sức mạnh chỉ chờ được nảy nở sinh sôi.
- Nhưng rồi một hôm, cô không đến nữa.
Cô nhìn anh rất tình cảm.
- Tôi nghĩ anh biết rõ vì sao tôi không đến nữa. Trong phân tích tâm lý, người ta gọi đó là cái gì nhỉ? Sự chuyển biến yêu đương chăng?
Anh để mặc câu hỏi lửng lư đó cho đến khi gió cuốn nó đi.
- Anh đã dạy tôi biết tôn trọng bản thân, Ethan ạ...
Cô hơi lưỡng lự một chút rồi nói tiếp.
-... nhưng trong tình trạng như anh tối qua, tôi nghĩ là anh chẳng hề tôn trọng bản thân. Điều đó làm tôi thấy đau lòng.
Hơi bất ngờ, Ethan buộc phải thú nhận:
- Tôi chẳng còn nhớ việc gì đã diễn ra tối qua nữa.
- Chẳng có gì đáng ngạc nhiên: tôi bắt gặp anh say như chết trong phòng vệ sinh Club 13.
Club 13 là một trong những câu lạc bộ ban đêm xịn nhất ở quận Meatpacking. Ethan thường hay lui tới câu lạc bộ này, nhưng anh không nhớ là đã đến đó vào cái buổi tối thứ Sáu ấy.
- Tôi đi cùng anh ra phố, Maureen giải thích. Tôi cố gọi cho anh taxi, nhưng anh cứ khăng khăng đòi đi xe mình. Vì không thể để mặc anh được nên tôi đành lái xe để đưa anh về nhà.
- Chúng ta gặp tai nạn à?
- Lúc ở trong xe, anh có chịu ngồi yên cho đâu. Anh tháo thắt lưng an toàn ra và cứ kêu lên là muốn nhảy ra ngoài. Trong lúc tìm cách cản anh, tôi không làm chủ được tay lái, cái xe lao lên vỉa hè rồi đâm vào một tấm biển chỉ dẫn. May mà tôi chạy chậm và không làm ai bị thương.
Ethan gật đầu. Cuối cùng thì những miếng ghép của trò xếp hình cũng chịu vào chỗ, dù vẫn còn thiếu rất nhiều.
- Tôi cởi đồ cho anh và đặt anh vào giường, Maureen nói rõ thêm, nhưng vì không muốn bỏ anh lại một mình nên tôi quyết định ngủ lại cùng anh.
Ngủ lại...
- Cô và tôi, chúng ta không...
- Trong tình trạng của anh lúc đó thì anh còn làm được gì chứ! Maureen đùa.
Ethan không ghìm được nụ cười và trong giây lát, hai người nhìn nhau đầy vẻ thông đồng.
- Tôi có giúp gì được cho anh không? người phụ nữ trẻ hỏi.
Rõ ràng cô lo cho anh.
Và có lẽ cô chưa kể hết cho anh.
- Rồi sẽ ổn thôi, anh cam đoan. Cô đã làm cho tôi rất nhiều, cảm ơn cô.
Nhưng Maureen không hài lòng với câu trả lời đó.
- Nhưng rõ ràng tôi thấy là có chuyện không ổn mà.
Có tia sáng trong như pha lê lóe lên trong mắt cô. Ethan khoát tay và cười cho cô yên lòng.
- Tôi đưa cô về nhé?
- Tôi sẽ gọi taxi, Maureen nói.
- Hôm nay cánh taxi đình công mà!
- Tôi sẽ gọi được xe thôi, cô hứa và quay lại mặc quần áo.
Ethan làm như không nghe thấy.
- Tôi chờ cô ở đây, anh vừa nói vừa nhìn cô đi lại phía tàu.
o O o
Còn lại một mình, Ethan nhận thấy mình đã phần nào lại sức. Cơn đau đầu đã dịu đi, thật kỳ diệu, cơn sốt thì giảm đi vài độ. Đôi khi, sự hiện diện ấm áp của phụ nữ là liều thuốc bổ tốt nhất trên đời.
Anh dành thời gian để suy nghĩ. Nếu không muốn hôm nay ngày cuối cùng trong đời thì anh không được phép mắc sai lầm. Lần này anh sẽ làm thất bại mọi cái bẫy mà số phận đặt ra trên đường anh.
Để bắt đầu, anh sẽ không đi ô tô, cái xe cứ như bị lập trình để hôm nào cũng hỏng vào những hoàn cảnh trớ trêu nhất. Anh sẽ dùng mô tô, như lẽ ra anh đã làm nếu không bị vụ tấn công của băng nhóm nhà Giardino làm sao nhãng. Anh lục trong túi áo khoác tìm cái điều khiển từ xa mở cửa một trong mấy nhà để xe nằm sâu trong góc bãi xe. Trong nhà xe có chiếc mô tô làm nhái kiểu BMW R51/3, mẫu xe nổi tiếng những năm 50, có yên thấp và đèn pha tròn bóng nhoáng trong bộ khung đen mạ crôm màu bạc.
Ethan leo lên mô tô, vặn tay ga và rời khỏi nhà xe đúng lúc chiếc taxi của Curtis tiến vào bãi đỗ xe. Cùng lúc đó, Maureen sập cửa ra vào trên tàu.
- Tôi xuống ngay! cô vừa kêu lên với người tài xế vừa lao về phía cái xe.
Người da đen cao lớn ra khỏi chiếc Checker và dựa lưng vào mui xe chờ khách.
- Xe đẹp đấy, anh ta vừa nói vừa chỉ cái mô tô.
Ethan lờ đi như không nghe thấy. Anh đội mũ và đeo kính vào.
Trước khi leo lên xe, Maureen lại gần và hôn lên má anh.
- Cảm ơn anh đã tìm taxi cho tôi.
- Tự anh ta đến tìm tôi đấy chứ.
- Nếu cần anh cứ gọi tôi nhé, đừng ngại, cô vừa nói vừa rút bút trong túi ra.
Bằng cử chỉ trẻ trung, cô viết số điện thoại vào gan bàn tay anh, rồi biến vào ghế sau xe.
Curtis nhìn Ethan cười buồn.
- Anh biết không, tôi rất quý anh, anh Whitaker ạ, người lái xe thổ lộ khi leo lên xe. Nhưng anh phải hiểu là chưa ai thắng trong cuộc chiến mà anh đang lao vào.
Chú thích
1. Câu này dựa theo tựa đề và cũng là điệp khúc một bài hát nổi tiếng của Jacques Dutronc, ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên Pháp: "5 giờ, Paris thức giấc".
2. Xứ Byzance: Kế thừa của đế chế La Mã, tồn tại từ năm 330 năm 1453. Phong cách trang trí nghệ thuật kiểu xứ Byzance thường có hình chúa Jesus, các thánh tông đồ và Đức mẹ Đồng trinh.
3. Gustav Klimt (1862-1963), danh họa Áo, một trong những thành viên nổi tiếng nhất của phong trào nghệ thuật mới ở Vienne. 4Thuốc giảm đau có tác dụng rất mạnh, chiết xuất từ thuốc phiện, khiến người dùng có cảm giác lâng lâng sảng khoái, rất dễ gây nghiện (chú thích của tác giả).
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...