Trâu thiến

Chúng tôi dắt ba con trâu đi qua đi lại trên con ngõ nhà chú Mặt Rỗ, người và trâu đều mệt đến độ chân cứ líu ríu muốn khuỵu xuống bất cứ lúc nào. Cứ mỗi lần đi ngang qua nhà chú Mặt Rỗ, đôi chân của tôi lẫn ông Đỗ không hẹn mà cùng chậm lại, đôi tai dỏng lên nghe ngóng động tĩnh từ bên trong. Đôi mắt ông Đỗ lấp lánh trong đêm tối, khịt khịt mũi lẩm bẩm : Mẹ nó chứ, sao mà thơm thế! 
Chính tôi cũng ngửi thấy mùi thơm, nhưng có phải đó là mùi thơm của dái trâu xào hẹ hay không, tôi không thể đoán chắc. Liệu bên trong nhà, ngoài dái trâu xào hẹ ra còn có món ngon gì khác? 
Tôi nhét dây buộc trâu vào tay ông Đỗ rồi nhanh chóng vọt vào nhà chú Mặt Rỗ. Tôi có thể quên mọi thứ trên đời nhưng không bao giờ quên lời thím Quản đã hứa là để dành cho tôi một bát xào dái trâu. Không chỉ thím đã hứa để dành cho tôi mà còn bảo trời tối là thím sẽ gọi, nhưng lúc này trời đã tối lâu lắm rồi, thím vẫn chưa gọi. Việc gì mà phải chờ thím gọi nhỉ? Muốn ăn mà phải chờ có người mời sao? Làm gì tôi có được cái diễm phúc được mời mọc như thế? Bây giờ mà tôi không xuất kỳ bất ý xông vào, e rằng món ăn mà tôi mong ngóng lâu nay sẽ tuồn vào miệng một ai đó mà thôi! 
Không những không cầm lấy dây thừng tôi giao à ông Đỗ còn vất cả những dây thừng mà ông ta đang cầm trong tay xuống đất, chụp lấy cánh tay tôi, giận dữ nói : 
- Mày định đi đâu? 
- Tôi lẻn vào nhà xem thím Quản đang làm món quái quỷ gì - Tôi nói. 
- Không đến lượt mày vào xem đâu! - ông Đỗ nói - Nếu vào xem phải là tao! 
- Dựa vào cái gì mà ông được giành cái quyền ấy? - Tôi thu toàn bộ sức lực để vùng ra khỏi tay ông ta, gào lên. 
- Tuổi tao lớn hơn mày! - ông Đỗ nói - Tao còn có việc muốn hỏi ý kiến của đội trưởng! 
Ông Đỗ đẩy tôi đến trước đầu ba con trâu, nói : 
- Mày phải để ý đấy nhé, chớ cho bọn chúng nằm xuống! 
Không chờ tôi nói thêm, ông ta đã hùng hùng hổ hổ xông vào nhà chú Mặt Rỗ. 
Máu nóng bốc lên đầu tôi. Tôi thấy ngay trước mắt mình cảnh tượng ông ta đang bê bát xào vốn là của tôi lùa một cách vội vã vào cái mồm xấu xí của ông ta và nuốt vội nuốt vàng xuống dạ dày. Lỗ Tây lớn, Lỗ Tây nhỏ, Song Tích! Bọn trâu mất dái chúng mày muốn nằm thì cứ nằm đi nhé! Chúng mày không sợ làm cho vết thương mở miệng thì chúng mày cứ nằm xuống vậy! Kể ra chúng mày sống như thế cũng đã đủ lắm rồi. Tao vốn là một thằng bé nổi danh ngỗ nghịch và quái ác lâu nay ở trong thôn, không đời nào tao để cái vốn thuộc về tao cho ông Đỗ giật khỏi miệng đâu! Tôi để bọn chúng đứng ở ngoài đường, lặng lẽ đi vào sân nhưng không dám tiến thẳng vào nhà vì rất sợ chú Mặt Rỗ. Tôi quan sát thật kỹ động tĩnh rồi nhẹ nhàng tiến đến cánh cửa được dán bằng một lớp giấy mỏng trên khung cửa nhà bếp. Bắt chước những câu chuyện xưa tôi thè lưỡi liếm cho ướt giấy rồi đưa ngón tay khoét một lỗ tròn. Ghé mắt qua chiếc lỗ bằng đồng xu, tôi nhìn vào trong. Vật đầu tiên đập vào mắt tôi đương nhiên là một chiếc mâm với ba chiếc bát đặt trên thiếc bàn gỗ sơn đỏ, chiếc thứ nhất chỉ còn sót lại mấy cọng rau hẹ, chiếc thứ hai cũng chỉ còn sót lại mấy cọng rau hẹ dính quanh, chiếc thứ ba vẫn còn thừa lại một ít thịt dái trâu lẫn lộn với rau hẹ. Ngoài ba chiếc bát trên, trong mâm còn có hai chiếc cốc uống rượu, hai đôi đũa màu đỏ. Trên bàn còn có một thai thuốc trừ sâu màu lục, đương nhiên lúc này nó không đựng thuốc trừ sâu nữa mà chú Mặt Rỗ dùng nó để đựng rượu. Thời ấy, người ở quê tôi thường rất thích dùng chai đựng thuốc trừ sâu để đựng rượu. Sau khi dùng hết thuốc, chúng tôi thường vứt vỏ chai xuống sông ngâm bốn năm ngày, sau đó vớt lên và dùng đựng rượu. Chú Mặt Rỗ bảo rằng, dùng chai thuốc trừ sâu đựng rượu thì mùi rất thơm. Trên giường, lão Đổng và chú Mặt Rỗ ngồi đối diện nhau, giữa hai người là chiếc bàn thấp bằng gỗ sơn đỏ, sáng lóa như vỏ quả cà. Đây là của hồi môn mà thím Quản mang về nhà chồng trong ngày cưới, là bảo vật đáng giá nhất trong nhà thú Mặt Rỗ lúc này, nếu không phải là khách quý, chẳng đời nào chú chịu đem ra dùng. Tôi nghĩ thầm : Lão đồng chí Đổng ơi! Đúng là cái mặt của lão cũng đáng giá lắm đấy! Thím Quản đang ngồi nghiêng nghiêng trên mép giường bên cạnh chú Mặt Rỗ, gương mặt đỏ bừng, xem ra thím cũng đã uống một ít rượu rồi. Cuối cùng, tôi không thể không nhìn lướt qua gương mặt đáng ghét của ông Đỗ, ông ta đang ngồi trên một chiếc ghế đẩu cạnh đầu giường. Tôi chửi thầm : Lão Đỗ Ngọc Dân chết đâm kia! Rõ ràng lão đã hứa là sẽ gả Đỗ Ngũ Hoa cho tôi nhưng lại lén lút gả cho thằng thợ mộc làng bên! Đỗ Ngọc Dân là tên thật, nhưng chúng tôi vẫn thường gọi ông ta là Đỗ Lỗ Môn. Lão Đỗ Lỗ Môn ấy đang ngồi trên chiếc ghế đẩu hai tay đặt lên đầu gối, lưng thẳng ngực ưỡn, trông chẳng khác nào đứa học sinh lớp một ngồi trước mặt cô giáo. Dưới cằm ông ta có một nhúm râu trông như râu sơn dương, khuôn mặt dài ngoẵng, môi trên ngắn, môi dưới dài; không những môi dưới rất dài mà còn rất to. Đôi mắt của ông ta mới kỳ lạ hơn nữa, bên to bên nhỏ. Sở dĩ có một mắt to là vì lúc nhỏ, trên mí mắt có mọc một cái nhọt to tướng. Lúc này thì con ngươi trong con mắt to ấy lại đứng im trong khi con ngươi trong con mắt nhỏ cứ đảo qua đảo lại. Ông ta đang mặc một chiếc áo bông to sụ màu đen có một hàng cúc bằng đồng, nghe đâu ông ta đã khoe với mọi người rằng, đây là những hạt cúc áo từ đời ông nội truyền lại. Hàng cúc áo đang lấp lóa, đầu ông ta cũng đang lấp lóa. Tôi nghe lão lắp bắp nói : 

- Thưa đồng chí Đổng, thưa đội trưởng! Tôi xin báo cáo. Hai con Lỗ Tây không còn chảy máu nữa, đến lúc ăn tối thì nơi dái của con Song Tích cũng không còn chảy máu nữa! 
- Tốt quá, tốt quá! - Lão Đổng nói - Chỉ cần không chảy máu là không có chuyện gì xảy ra nữa! 
Gương mặt vẫn xám ngoét của đồng chí Đổng lúc này đã khá hồng hào, xem ra lão uống đã khá nhiều. Lão là người thành phố, là cán bộ nhà nước nên không thể ngồi xếp bằng tròn trên giường lâu như như chú Mặt Rỗ nên thi thoảng phải duỗi đôi chân ra cho đỡ mỏi rồi lại xếp vào. 
- Đồng chí Đổng này - Chú Mặt Rỗ nói - Nếu ông cần thoải mái hơn một tí thì hãy ngồi lên mấy chiếc gối trên đầu giường đi! 
- Không tiện, không tiện đâu! - Lão Đổng nói - Làm thế coi sao được! 
- Ông đừng khách sáo nữa - Chú Mặt Rỗ nói xong cầm một chiếc gối lên kê xuống dưới mông lão Đổng. 
- Thế này thì dễ chịu hơn rồi! - Lão Đổng nói. 
Chú Mặt Rỗ cầm chai rượu lên rót đầy vào cốc lão Đổng, nói : 
- Uống đi! Bữa nay tôi đãi ông một bữa rượu thịt no say! 
Lão Đổng cầm cốc rượu lên, chép miệng một cái rồi dốc ngược vào mồm. 
Đỗ Lỗ Môn liếm mép, nói : 
- Đội trưởng, tôi có một đề nghị nhỏ! 

- Đề nghị gì? - Chú Mặt Rỗ hỏi, có vẻ phiền lòng. 
- Thiến trâu là một cuộc đại phẫu thuật, tôi đề nghị xuất kho một ít bánh đậu trộn vào thức ăn, bồi bổ cho chúng một ít dinh dưỡng để chúng chóng bình phục... 
- Ông nói mà không nghĩ à? Ông cho là bánh đậu từ trên trời rơi xuống hay sao? Đội chúng ta nghèo đến độ không có chút dầu để mà đốt ngọn đền cơ mà! - Chú Mặt Rỗ nói. 
- Đồng chí Đổng, ông thử nói xem trâu sau khi bị thiến thì nên tẩm bổ một tí không? - ông Đỗ hỏi. 
Lão Đổng đưa mắt nhìn chú Mặt Rỗ nói : 
- Nếu có điều kiện thì đương nhiên tẩm bổ một tí, không có điều kiện thì thôi cũng được. Suy cho cùng, trâu cũng chỉ là loài súc sinh thôi! 
- Ông còn việc gì nữa không? - Chú Mặt Rỗ hỏi. - Không còn việc gì thì ra ngoài mà dắt trâu đi, thằng La Hán là khỉ thành tinh, không tin được. 
- Tôi đi ngay đây - Đỗ Lỗ Môn đứng dậy rồi dường như sực nhớ ra điều gì, nói - Chỉ lo nói chuyện, suýt tí nữa thì quên một chuyện quan trọng. 
Chú Mặt Rỗ đưa mắt nhìn ông ta, hình như cái nhìn của chú đã thấy hết tâm can của Đỗ Lỗ Môn. 
- Thằng rể lớn nhà tôi nghe nói đội chúng ta đang thiến trâu nên đã vội vã về nhà - ông ta đưa mắt nhìn vào mâm, nói tiếp - Nó bảo, bí thư đảng ủy công xã Trần rất thích món dái trâu nên bảo nó về đây mang lên cho bí thư. Tôi bảo, mày về đến đây thì đã muộn, đừng nói là sáu hòn dái mà sáu mươi hòn dái cũng đã chui tọt vào trong bụng của đội trưởng Quản! Thằng rể tôi sợ là quay về sẽ bị quở trách, tôi bèn bày cho nó nói rằng, đội trưởng Quản đã đem mấy hòn dái trâu ấy biếu cho ông Trương gia đình liệt sĩ ăn rồi, ông Trần có không vui cũng chẳng nói được gì đâu. Thằng rể tôi bảo, bố thật là nhanh trí, kế của bố tuyệt hay. Nó còn dặn tôi là hãy bày cách chế biến dái trâu lại ọi người. Trước tiên là cho vào một ít dấm, một chút rượu mạnh, một ít tỏi, nếu có hoa hồi thì cũng nên cho vào một vài cánh rồi đem hầm, như thế cho dù không lọc gân cũng chẳng dai, lại không tanh chút nào. Nếu không cho những gia vị ấy vào, có làm gì đi chăng nữa thì cũng không hết mùi tanh - ông ta cầm một chiếc đũa của lão Đổng lên, khoắng vào bát thịt, đưa lên miệng nhấm rồi nhận xét : Các vị chỉ xào với rau hẹ thôi sao? Rồi lại cầm thêm một chiếc đũa nữa gắp một miếng đưa lên mũi hít hít, nói tiếp : Đồ ngon thế này mà các vị chế biến không đúng cách, quá phí, đáng tiếc, đáng tiếc! Nếu gọi thằng rể tôi đến chế biến cho, mùi vị của nó so với bây giờ còn ngon hơn cả trăm lần! Nói xong ông ta liếm miếng thịt, nói : Tanh, tanh lắm, tiếc quá, tiếc quá đi mất! 
- Ông anh cứ ăn thử vài miếng, có thể là ăn vào mồm, nó không còn tanh nữa? - Thím Quản nói. 
Chú Mặt Rỗ tức giận chửi thím Quản : 

- Cái thứ tanh và nhớp như thế này, bà lại cố nài anh Đỗ đây thưởng thức sao? Trong nhà của ông ấy cá thịt để cho hôi thiu, đâu thèm đụng đến những thứ này! 
Ông Đỗ bỏ miếng thịt vào lại trong bát, đặt đôi đũa xuống trước mặt lão Đổng, nói : 
- Nói rằng nhà tôi để cho thịt cá thiu thối là hơi cường điệu, là nói bậy. Nhưng nói rằng nhà tôi cá thịt không bao giờ dứt trong bữa ăn là chuyện đúng. Nếu không như thế thì tôi chẳng dám tự hào là bố vợ của một tổ trưởng tổ giết mổ huyện! 
- Ông Đỗ! - Lão Đổng lúc này mới lên tiếng - ông là người có phước nhất mà tôi gặp đầu tiên trong đời. Bố của bí thư công xã chưa chắc đã được hưởng phúc như ông! 
- Chẳng dám nhận lời tán tụng của ông đâu! - Ông Đỗ vừa nói vừa bỏ ra ngoài. Ra đến cửa còn ngoái đầu lại, nói : - Đội trưởng, tôi già rồi, không đủ sức để thức trắng đêm với mấy con trâu đâu. Từ giờ đến nửa đêm tôi lo, sau nửa đêm tôi không chịu trách nhiệm nữa! 
- Ông không chịu trách nhiệm thì ai chịu? Ông là người phụ trách bọn chúng kia mà? 
- Tôi phụ trách việc nuôi dưỡng chứ không phụ trách việc dắt chúng đi suốt đêm trên đường - ông Đỗ nói. 
- Tôi không quan tâm đến chuyện ấy, dù sao thì chúng có xảy ra sự cố gì, tôi sẽ thanh toán với ông! - Chú Mặt Rỗ xẵng giọng. 
- Ông đúng là loại người coi thường người khác, coi thường người già cả! - ông Đỗ uất ức nói. 
Ông ta còn lẩm bẩm chửi trong miệng câu gì đó nữa rồi rời khỏi cửa. Tôi sợ bị ông ta phát hiện, vội vàng ngồi thụp xuống chân tường bên cạnh cửa. Nhưng từ trong ánh sáng bước ra, mắt ông ta chưa quen được với màn đêm nên không thể trông thấy tôi. Ông ta bước những bước rất nặng nề, đầu nặng chân nhẹ. Thừa cơ hội này, tôi lẩn vào nhà bếp, mở vung chiếc nồi trên bếp, thò tay vào trong mò mẫm, quả nhiên tay tôi đụng phải một chiếc bát. Lại mò tiếp, trong bát quả nhiên có chứa cái gì đó, ngay lập tức mũi tôi phát hiện đó là dái trâu xào hẹ. Thím Quản đúng là người biết giữ lời hứa! Tôi bê chiếc bát lên, lẻn ra sân. Đúng lúc ấy, tôi nghe tiếng ông Đỗ kêu lên thất thanh từ ngoài đường : 
- Không xong rồi, đội trưởng, đội trưởng! Trâu nằm xuống cả rồi! 
Tôi chẳng thèm quan tâm đến tiếng kêu ấy, đứng nấp trong bóng tối của đống cỏ trong góc sân, dùng tay bốc thức ăn bỏ vào miệng nhai nhồm nhoàm. Trước mắt tôi, trong bóng đêm mờ mờ, chú Mặt Rỗ và lão Đổng chạy vọt từ trong nhà ra rồi tiếng chú Mặt Rỗ gào lên : 
- La Hán! Thằng trời đánh, mày chạy đi đằng nào rồi? 
Tôi vội vàng nhét tất cả vào mồm những gì còn lại trong bát rồi cố gắng nuốt qua cổ họng, tất nhiên là không kịp nhai, đương nhiên cũng chẳng kịp nhận ra là chúng có tanh hay không. Khi trong bát không còn miếng nào, tôi vất chiếc bát xuống đất, ợ một cái, từ sau đống cỏ len lén trở ra. Mọi người đang quát tháo ầm ĩ, còn trong tôi thì đắc ý ngấm ngầm - Đồ lão già thối! Bữa nay lão đã là bại tướng dưới tay La Hán này rồi! 

Tôi vừa ló mặt ra khỏi cổng đã bị chú Mặt Rỗ thộp cổ quát : 
- Đồ oắt con! Mày đi đẻ trứng ở đâu hả? 
Rất đường hoàng đĩnh đạc, tôi thản nhiên trả lời : 
- Tôi không đi đẻ trứng, mà tôi đi ăn trứng trâu! 
- Thế nào? Mày cũng được ăn dái trâu à? - ông Đỗ kinh ngạc hỏi. 
- Đương nhiên là tôi đi ăn dái trâu - Tôi nói - Tôi ăn cả một bát đầy dái trâu xào hẹ! 
- Xem đó, đội trưởng - ông Đỗ nói - Các người là người một nhà, đều là họ Quản, tôi bảo nó coi chừng trâu, nó lại bỏ đi ăn dái trâu khiến mấy con trâu này đều nằm hết xuống đất. Trâu mà không chết thì không sao, trâu chết tôi chẳng có tí trách nhiệm nào đâu nhé. Đồng chí Đổng, ông phải làm chứng cho tôi đấy nhé! 
Lão Đồng vội vàng nói : 
Đừng nói nữa, mau mau lôi chúng đứng dậy! 
Tôi đứng yên nhìn họ lôi trâu. Lôi được con Lỗ Tây nhỏ đứng lên thì con Song Tích nằm xuống; lôi được Song Tích đứng dậy thì Lỗ Tây lớn nằm xuống... Lâu lắm, họ mới lôi được cả ba con đứng dậy. 
Lão Đổng bật lửa xem xét vết thương của ba con trâu. Máu đen đang vón lại thành từng giọt to tướng như quả nho đùn ra khỏi vết thương đang sưng tấy lên của con Song Tích. Lão Đổng cúi khom lưng, ợ lên một tiếng vừa khó nghe vừa khó ngửi, lúc lắc thân hình nói : 
- Ơn trời, chỉ là máu ứ chảy ra, không chừng lại là điều may. Máu ứ đùn ra là rất tốt, còn cứ đọng trong ấy là rất phiền phức. Nhưng tôi cũng phải trịnh trọng nói ọi người hay rằng, đừng bao giờ để cho nó nằm xuống nữa. Nó chỉ còn nằm xuống một lần nữa thôi là nhất định sẽ có chuyện đấy. Lão Quản, ông là đội trưởng, phải trực tiếp để mắt tới chuyện này! Làm cán bộ là phải như thế, nắm mà không chắc chẳng bằng không... 
- Ông yên tâm, tôi sẽ tự tay làm. Tôi sẽ nắm chắc chúng lại, không thả ra nữa đâu... - Chú Mặt Rỗ nói.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui