Những gì xảy ra sau cái đêm định mệnh đó, anh đã biết rõ như em. Nhưng điều anh không thể ngờ được, đó là sự đau khổ của em kể từ ngày xa cách.
Em không biết được cha anh đã dẫn anh đi. Nhưng em không tin rằng anh có thể sống lâu ngày xa em. Và ngày gặp lại anh, tại Xăng Êlidê, em đã xúc động, nhưng không ngạc nhiên.
Thế là bắt đầu chuỗi ngày mà mỗi ngày em nhận được sự nguyền rủa của anh. Em đã tiếp nhận gần như với sự vui vẻ. Bởi vì ngoài cái bằng chứng anh luôn luôn yêu em, hình như anh càng công kích em thì em càng được tăng giá trị trước mắt anh trong cái ngày mà anh sẽ biết được sự thật.
Anh không nên ngạc nhiên trước kẻ tử vì đạo sung sướng đó. Anh Acmân, tình yêu mà anh đem lại cho em đã làm cho trái tim em mở ra để đón nhận những tình cảm cao cả.
Tuy nhiên, không phải em đã tạo ra được sức mạnh liền sau đó.
Từ khi em thực hiện sự hy sinh vì anh đến ngày anh trở về, một thời gian khá dài đã trôi qua. Trong thời gian đó, em phải tìm đến những phương tiện cụ thể để khỏi trở nên điên và để khuây khoả trước nỗi sầu muộn trước cuộc sống phù phiếm mà em lại rơi vào lần nữa. Hẳn Pruđăng đã nói với anh, em đã dự tất cả những cuộc vui, những buổi khiêu vũ, những cuộc ăn chơi sa đoạ.
Em hy vọng sẽ tự giết mình nhanh chóng vì cuộc sống thác loạn và tin rằng điều đó sẽ sớm trở thành sự thật. Sức khoẻ của em ngày càng hao mòn, và cái ngày nhờ chị Pruđăng đến cầu xin anh buông tha, em đã kiệt sức, cả thể xác lẫn tâm hồn.
Em sẽ không nhắc lại cho anh, anh Acmân, anh đã đền đáp cái bằng chứng cuối cùng của tình yêu mà em đã đem lại cho anh như thế nào, và bằng sự nhục mạ nào, anh đã đuổi ra khỏi Paris người đàn bà dở sống dở chết đã không thể cưỡng lại lời anh, khi anh yêu cầu một đêm ân ái. Như một con mất trí, trong giây phút đó, người ta đã tin có thể hàn gắn lại quá khứ với hiện tại! Anh có quyền làm điều anh đã làm, anh Acmân. Người ta không phải lúc nào cũng trả những đêm tình ái của em đắt đến thế!
Em đã để lại tất cả! Ôlêem đã thay thế em bên ông N. . . và người ta nói, nàng đảm nhận việc cho ông ta biết nguyên nhân sự ra đi của em. Ông bá tước G. . . lúc ấy có mặt ở Luân Đôn. Đó là một trong những người đàn ông chỉ xem tình yêu đối với những người con gái như em vừa đúng mức quan trọng như một trò chơi dễ chịu, vẫn luôn là bạn của những người đàn bà mà họ đã biết, và không bao giờ oán thù, vì chẳng bao giờ ghen tuông. Cuối cùng, đó là một trong những lãnh chúa sang cả, chỉ mở cho chúng em một nửa trái tim, nhưng sẵn sàng trao cho chúng em hai mặt của túi tiền. Em nghĩ đến ông ta ngay tức khắc và đã đi gặp ông ta. Ông ta tiếp em rất vui vẻ. Nhưng ở đó ông ta có một người đàn bà. Và sợ sẽ thiệt hại cho ông, nếu tỏ ra qúa quen biết với em, ông giới thiệu em với những người bạn hữu. Những người này mời em dự bữa ăn tôi, và sau đó em cùng đi với một người trong bọn họ. Em còn biết làm thế nào nữa hở anh?
Tự vẫn? Điều đó sẽ làm nặng nề cho cuộc đời anh. Đời anh phải sung sướng, chứ không phải để bị ám ảnh bởi một sự hối hận vô bổ. Hơn nữa, tự vẫn có ích gì, khi người ta đã đến gần cái chết.
Em đã là trạng thái của cái xác không hồn, của sự vật không tư tưởng. Một thời gian em đã sống như một cái máy. Rồi em trở về Paris. Em hỏi thăm anh, mới biết anh đã tìm một chuyến đi dài ngày. Không còn gì có thể nâng đỡ em nữa. Cuộc sống của em trở lại như hai năm trước khi quen biết anh. Em cố gắng để bám víu lại ông quận công. Nhưng em đã làm mất lòng người đàn ông đó quá nhiều, và những người già cả thì không kiên nhẫn. Chắc chắn, bởi vì họ thấy họ không thể sống mãi.
Bệnh tình mỗi ngày một trầm trọng hơn. Em xanh xao, buồn bã, ngày càng gầy yếu. Những người đàn ông bỏ tiền ra tìm tình yêu, phải quan sát kỹ món hàng trước khi mua. Ở Paris, có những người đàn bà khoẻ, trẻ, gọn chắc hơn em. Người ta dần dần quên em. Dĩ vãng của em cho đến ngày hôm qua là như thế.
Giờ đây, em hoàn toàn bênh hoạn. Em đã viết thư cho ông quận công để hỏi xin tiền. Vì em không có tiền, và những chủ nợ đã trở lại, đưa giấy đòi nợ một cách gay gắt không thương hại. Ông quận công sẽ trả lời cho em chăng? Ước gì anh ở Paris, anh Acmân. Anh sẽ đến thăm em và em sẽ được an ủi rất nhiều.
20 tháng mười Hai.
Thời tiết thật đáng sợ. Ngoài trời tuyết rơi. Em chỉ có một mình ở nhà. Từ ba ngày nay, em bị một cơn sốt dữ dội đến nỗi em không thể viết được một chữ nào cả. Không có gì mới, anh yêu dấu. Mỗi ngày, em thầm hy vọng nhận được thư anh. Nhưng thư anh không đến, và chắc chắn chẳng bao giờ đến. Chỉ những người đàn ông mới có đủ sức mạnh để không tha thứ. Ông quận công không trả lời thư em. Pruđăng lại bắt đầu những chuyến đi đến tiệm cầm đồ.
Em không ngừng khạc ra máu. Ôi! Em sẽ làm phiền anh, nếu anh gặp em. Anh sung sướng biết bao dưới một bầu trời ấm áp, không phải như em một mùa đông giá lạnh đang đè nặng lên ngực. Hôm nay, em đi lại một ít, và sau những bức màn cửa sổ, em nhìn vào cuộc sống ở Paris - cuộc sống mà em tin rằng em đã dứt khoát cắt đứt. Một vài khuôn mặt quen biết đi trên đường phố, nhanh nhẹn, vui vẻ, vô tư. Không một người nào đưa mắt nhìn lên cửa sổ nhà em. Tuy nhiên, vài ba thanh niên đã đến nhà ghi tên. Đã một lần em bị bệnh, và anh, lúc ấy chưa biết em, chưa nhận được gì trừ sự hỗn láo nơi em thế nhưng lần đầu tiên gặp em, anh đã đến mỗi sáng để biết tin tức về em. Thế rồi, em lại ốm. Chúng ta đã sống sáu tháng với nhau. Em đã yêu anh bằng tất cả tình yêu mà trái tim người đàn bà có thể chứa đựng và ban phát. Nay anh ở xa, anh nguyền rủa em. Và em không nhận được một lời an ủi nào từ anh cả. Định mệnh đã tạo nên sự chia lìa giữa chúng ta. Em tin chắc thế. Bởi vì, nếu anh có ở Paris, anh sẽ không rời khỏi giường em và căn phòng của em.
25 tháng mười Hai.
Thầy thuốc cấm em không được ngày nào cũng viết. Quả vậy, những kỷ niệm chỉ làm tăng cơn sốt. Nhưng ngày hôm qua, em có nhận một lá thư. Lá thư đã làm cho em khỏe lên, vì tình cảm nó biểu lộ hơn là vì sự giúp đỡ vật chất nó đem lại. Hôm nay, như vậy em có thể viết cho anh. Thư đó là của cha anh, dưới đây là nội dung:
«Thưa bà.
Tôi vừa được biết bà đang ốm. Nếu tôi ở Paris, tôi đã đích thân đến thăm bà rồi. Nếu con trai tôi có ở đây, tôi sẽ bảo nó đến, nhưng tôi không thể rời khỏi C. . . và Acmân hiện ở cách đây sau bảy trăm dặm. Vậy cho phép tôi được viết thư cho bà. Tôi đau buồn về bệnh tình của bà và thành thật mong muốn bà được mau chóng bình phục.
Một trong những người bạn tốt của tôi, ông H. . . sẽ đến thăm bà. Xin bà vui lòng đón tiếp ông. Tôi có nhờ ông một việc và tôi nóng lòng chờ kết quả.
Xin bà chấp nhận nơi đây những tình cảm đặc biệt nhất của tôi».
Đó là bức thư em đã nhận được. Cha anh là một người cao thượng. Anh hãy yêu quý cha. Trên đời này, rất ít người đáng được yêu quý như thế. Bưc thư này, ký tên ông, đã đem lại cho em nhiều sức khoẻ hơn tất cả những đơn thuốc của người thầy thuốc danh tiếng.
Sáng hôm nay, ông H. . . đã đến. Ông có vẻ rất lúng túng vì cái việc tế nhị mà cha anh đã uỷ thác cho ông. Ông đến để đem cho em một ngàn đồng bạc cha anh gửi cho. Lúc đầu, em muốn từ chối. Nhưng ông H. . . bảo em, sự từ chối đó sẽ làm xúc phạm ông Đuyvan. Chính ông Đuyvan đã nhờ ông ta đưa đến cho em số tiền ấy trước, và hứa sẽ đưa cho em thêm nữa nếu em cần đến. Em chấp nhận món tiền của cha anh, có lẽ không nên xem nó như tiền được bố thí. Nếu em chết, khi anh trở về, anh hãy đưa cho cha anh xem trang giấy này, và nói cho ông biết, người con gái khốn khổ mà cha anh đã không ngần ngại viết thư an ủi đã nhỏ lệ biết ơn và đã cầu nguyện Chúa cho cha anh.
4 tháng Giêng.
Em vừa trải qua một chuỗi ngày rất đau đớn. Em không nghĩ thể xác lại có thể hành hạ con người đến mức đó. Ôi! Cuộc đời quá khứ của em! Hôm nay em phải trả giá đắt gấp đôi.
Đêm nào cũng phải có người thức để canh chừng em. Em không thể thở được nữa. Trạng thái hôm mê và những cơn ho đang chia xẻ phần còn lại của quãng đời khốn đốn của em.
Trong phòng chất đầy quà đủ loại mà các bạn thân của em gửi biếu. Chắc hẳn, trong số những người đó, vẫn còn kẻ nghĩ rằng sau này em sẽ là tình nhân của họ. Nếu họ thấy được bệnh hoạn đã làm em suy sụp như thế nào, họ sẽ kinh hoàng bỏ chạy.
Pruđăng dùng những món quà em được nhận được tặng lại những người quen biết của chị ấy.
Trời giá lạnh. Bác sĩ bảo, trong vài ngày nữa, nếu thời tiết tốt, em có thể đi dạo được.
8 tháng Giêng.
Hôm qua, em đã lên xe đi dạo chơi. Thời tiết thật huy hoàng. Quảng trường Xăng Êlidê đông chật cả người. Tưởng như đó là nụ cười đầu xuân. Quanh em, mọi vật tưng bừng như ngày hội. Em không bao giờ có thể ngờ, tất cả những gì vui tươi, dịu dàng, an ủi đều hiện ra trong một tia sáng của mặt trời như em được nhìn thất ngày hôm qua. Em gặp lại hầu hết những người em quen biết. Họ luôn luôn vui vẻ, luôn luôn bận rộn, với những thú vui của họ. Biết bao kẻ đang sung sướng! Ôlêem lướt qua trên chiếc xe lộng lẫy mà bá tước N đã mua. . . cho cô ta, và đang cố tình đưa mắt nguyền rủa em. Cô ta không biết em đã xa những thói kiêu ngạo hào nhoáng ấy tới mức nào rồi. Một thanh niên chững chạc quen biết em từ lâu, đến hỏi em có đồng ý đi ăn tối với anh ta không, và cho biết một người bạn của anh ta rất muốn được làm quen với em.
Em chỉ mỉm cười buồn bã, đưa cho anh ta bàn tay nóng sốt của em.
Chưa bao giờ em nhìn thấy một khuôn mặt ngạc nhiên đến thế!
Em trở về nhà lúc bốn giờ và đã ăn chiều khá bình thường.
Cuộc đi dạo này làm cho em cảm thấy dễ chịu.
Nếu em lành bênh được!
Hình ảnh cuộc đời và hạnh phúc của những kẻ khác làm cho những con người hôm trước đây, giữa nỗi cô đơn của tâm hồn và trong bóng tối của phòng bệnh, trông mong được chết gấp đi, thì bây giờ lại muốn sống.
10 tháng Giêng.
Hy vọng lấy lại được sức khỏe chỉ là một giấc mơ. Giờ đây, em lại nằm trên giường bệnh, trên người đầy những thuốc cao, làm em nóng bức, bực bội. Hãy đem hiến dâng thể xác này, mà ngày trước người ta đã trả rất đắt giá, để xem hôm nay người ta sẽ cho em được cái gì? Chắc hẳn em đã phạm nhiều tội ác trước khi sinh hoặc em sẽ được hưởng một hạnh phúc lớn lao sau khi chết, nên Thượng Đế mới bắt cuộc đời này nhận tất cả những hình phạt để đền tội và tất cả những đau khổ để thử thách.
12 tháng Giêng.
Em luôn luôn đau đớn.
Ông bá tước N. . . ngày qua đã gửi tiền cho em. Em không nhận. Em không muốn nhận cái gì từ con người đó cả. Chính ông ta là nguyên nhân làm cho anh phải xa em.
Ôi! Những ngày vui của chúng ta ở Bugival! Những ngày ấy đâu rồi?
Nếu em ra khỏi phòng này mà còn sống, em sẽ làm một cuộc hành hương về lại ngôi nhà của chúng ta đã cùng ở với nhau. Nhưng em chỉ ra khỏi phòng khi em đã chết rồi!
Ai biết được ngày mai em sẽ còn viết cho anh được nữa không?
25 tháng Giêng.
Đã 11 giờ đêm. Em không ngủ được. Em ngột thở. Em tin bất cứ lúc nào em cũng có thể chết được. Thầy thuốc đã ra lệnh đừng để em cầm bút viết nữa. Juyli Đupơra chăm sóc em, còn cho phép em viết vài dòng này. Không biết anh có trở về kịp trước khi em chết không? Hay chúng ta đã vĩnh viễn cách biệt nhau rồi? Hình như nếu anh trở về em sẽ lành bệnh. Nhưng lành bệnh có ích gì nữa?
28 tháng Giêng.
Sáng nay, em bị đánh thức bởi một tiếng động lớn, Juyli ngủ trong phòng em, chạy vội vào phòng ăn. Em nghe những tiếng nói đàn ông và giọng Juyli đối chọi lại một cách vô ích. Cô ta trở vào và khóc.
Người ta đến tịch thu đồ đạc. Em bảo Juyli hãy để cho họ làm điều họ gọi là công lý. Người thừa phát lại đi vào phòng em, vẫn để cái mũ trên đầu. Ông ấy mở tất cả những ngăn kéo ra ghi lại những gì ông ta nhìn thấy, và có vẻ như không nhìn thấy một người đàn bà sắp chết nằm đó, trên một cái giường. Thật sung sướng, pháp luật nhân từ đã để cho em được nằm yên!
Khi ra về, ông ta nói với em, rằng em có thể khiếu nại trong vòng chín ngày. Nhưng ông ta để lại một người canh giữ. Chúa ơi! Em sẽ ra sao! Cảnh tượng ấy đã làm em đau thêm. Pruđăng muốn xin tiền nơi người bạn của cha anh. Nhưng em không đồng ý.
Em nhận được thư anh sáng nay. Em rất cần đến nó. Thư trả lời của em không biết đến có kịp không? Anh sẽ còn gặp em không? Hôm nay là một ngày sung sướng, nó làm em quên đi tất cả những ngày em đã trải qua suốt sáu tuần nay. Hình như em hơi khỏe hơn, mặc dù em đã trả lời anh với một linh cảm buồn bã.
Nói cho cùng không phải lúc nào người ta cũng luôn luôn khốn khổ. Khi em nghĩ, có thể em sẽ không chết, anh sẽ trở về, em lại được nhìn thấy mùa xuân, anh vẫn yêu em, và chúng ta lại bắt đầu cuộc sống của chúng ta như năm trước.
Em điên mất rồi! Em đang chỉ còn đủ sức để cầm bút viết cho anh cái giấc mơ không nghĩa lý đo của tâm hồn em.
Dù sao đi nữa, em vẫn yêu anh rất nhiều, anh Acmân ơi. Em đã chết từ lâu, nếu không được cứu vớt bởi kỷ niệm của tình yêu đó và bởi một kỷ niệm mơ hồ được gặp lại anh bên cạnh em.
4 tháng Hai.
Ông bá tước G. . . đã trở về. Người tình của ông đã lừa gạt ông. Ông rất buồn bã, vì ông yêu người đó lắm. Ông ta đến kể cho em nghe tất cả. Người thanh niên đáng thương này bị thất bại trong những công việc làm ăn. Nhưng điều đó không cấm ông trả tiền công cho người thừa phát lại của em và cho người canh giữ ra về.
Em nói chuyện với ông ta. Ông ta hứa với em, sẽ nói lại với anh về em. Trong những lúc đó, em đã quên trước đây em đã là tình nhân của ông. Và ông ta cũng gắng làm cho em quên điều đó! Thật là một người tốt bụng.
Hôm qua, ông quận công đã cho người đến hỏi tin tức của em và sáng nay ông ta đến. Em không thể hiểu cái gì đã làm cho ông già ấy vẫn còn sống. Ông ngồi cạnh em suốt ba tiếng đồng hồ, và không nói với em được hai mươi tiếng. Hai giọt lệ lớn rơi từ mắt ông xuống, khi ông thấy em xanh xao đến thế. Chắc hẳn kỷ niệm về cái chết của đứa con gái làm cho ông phải khóc.
Ông như đã thấy con gái ông chết đến hai lần. Lưng ông đã còng, đầu ông nghiêng xuống đất, môi ông trễ ra, cái nhìn của ông đã mất ánh sáng. Tuổi tác và sự đau buồn giống như hai gánh nặng đè bẹp cái thân thể suy kiệt đó. Ông không trách móc em lời nào cả. Có thể nói, ông như ngấm ngầm cảm thấy thoả mãn về sự tàn phá mà bênh tật đã đem lại cho em. Ông có vẻ kiêu ngạo về vẫn còn đứng thẳng được trong khi em, còn trẻ, bị bệnh tật giày vò, đã phải nằm liệt giường.
Thời tiết trở nên xấu lạ. Không người nào đến thăm em cả, Juyli, người chăm sóc em nhiều nhất, vẫn ở bên cạnh em. Pruđăng, vì em không còn có thể, vẫn cấp tiền như trước, bắt đầu kiếm cớ bận công kia việc nọ để xa lánh dần.
Giờ đây, em đã chết rồi, mặc dù các thầy thuốc có nói gì đi nữa. Và em có rất nhiều thầy thuốc. Điều đó chứng tỏ bệnh em ngày càng thêm nặng. Em gần như tiếc nuối đã nghe lời cha anh. Nếu em biết em chỉ chiếm lấy một năm trong tương lai của anh, em đã không thể cưỡng lại cái ý muốn sống năm ấy với anh. Và ít ra, em sẽ chết trong lúc được cầm tay một người bạn. Đúng vậy, nếu chúng ta sống với nhau năm nay, em sẽ không chết gấp như thế này.
Cầu mong ý muốn của Chúa được thực hiện.
5 tháng Hai.
Ôi! Hãy về, hãy về với em, anh Acmân ơi! Em đau đớn dữ dội quá. Con sẽ chết, Chúa ơi! Ngày hôm qua, em rất buồn. Em muốn đi đâu đó, hơn là ở nhà suốt buổi tối, vì nó có thể kéo dài lê thê như tối hôm qua. Ông quận công sáng nay lại đến. Hình như cứ nhìn thấy ông già bị thần chết bỏ quên đó, em như muốn chết gấp hơn.
Mặc dầu cơn sốt dữ đã làm em nóng rực cả người, em vẫn nhờ người trang điểm cho và dẫn em đi đến rạp Vôđơvin, Juyli tô son cho em. Nếu không, em có thể giống như một cái xác chết. Em đã ngồi vào cái lô, nơi em đã hẹn với anh buổi gặp gỡ đầu tiên. Suốt giờ, em cứ dán mắt vào cái ghế mà ngày xưa anh đã ngồi, và chiều hôm qua lại là một con người thô bỉ đang ngồi đó, hắn cười ồn ào trước những lời lẽ ngớ ngẩn của các diễn viên. Người ta đã đưa em về nhà, nửa sống nửa chết. Em đã ho và khạc ra máu suốt đêm. Hôm nay, em không nói được nưa. Em chỉ vừa đủ sức để cử động một cánh tay. Chúa ơi! Chúa ơi! Con sẽ chết. Em chờ đợi, nhưng em không thể nghĩ, em có thể đau đớn hơn là hiện nay em đang đau đớn và nếu. . . "
Kể từ những chữ đó, những nét chữ Macgơrit cố viết không thể đọc được nữa, và chính Juyli Đupơra đã viết tiếp theo.
18 tháng Hai.
Ông Acmân,
Từ ngày Macgơrit muốn đến rạp hát ; bệnh tình của cô ấy càng trầm trọng hơn. Cô ấy đã hoàn toàn mất giọng nói. Rồi tiếp đến, sự cử động chân tay. Nỗi đau đớn của người bạn gái đáng thương của chúng ta không thể nào nói hết được. Tôi không quen với những xúc động như thế, và tôi hoảng sợ triền miên.
Tôi mong có ông bên cạnh chúng tôi xiết bao! Macgơrit gần như luôn luôn mê sảng, nhưng dù hôn mê hay tỉnh táo, cô ấy luôn luôn gọi tên ông mỗi khi cô ấy cố gắng thốt ra được một tiếng.
Thầy thuốc cho biết Macgơrit không còn sống được bao lâu nữa. Từ khi cô đau nặng như thế, ông quận công già không thấy trở lại.
Ông ta nói với bác sĩ, cảnh tượng này làm ông khó chịu quá.
Bà Đuvecnoa xử sự không tốt. Người đàn bà đó nhờ bòn rút tiền của Macgơrit mà sống đầy đủ, đã hứa hẹn rất nhiều nhưng không giữ lời. Và khi thấy người láng giềng không còn có ích gì cho mình, bà ta không đến nữa. Tất cả mọi người đều ruồng bỏ Macgơrit. Ông G. . . bị nợ nần bức bách, bắt buộc phải trở lại Luân Đôn. Lúc ra đi, ông có gửi cho chúng tôi một ít tiền. Ông đã làm những gì ông có thể làm được. Nhưng người ta đã trở lại để tịch thu tài sản. Những chủ nợ chỉ chờ cô ấy chết để bán đấu giá đồ đạc.
Tôi muốn dùng số của cải còn lại của tôi để ngăn sự tịch thu đó. Nhưng nhân viên thừa phát lại bảo tôi rằng vô ích. Ông ta còn có những phán quyết khác để thi hành. Bởi vì cô ta sắp chết, thà bỏ mặc tất cả đi còn hơn là giữ lại cho gia đình cô mà cô không muốn về thăm, và cũng chẳng bao giờ yêu thương cô. Ông không thể tưởng tượng người con gái đáng thươnh đó đang chết giữa một cảnh khốn khổ vàng son như thế nào. Ngày hôm qua, chúng tôi không còn một đồng tiền nào nữa cả. Chén dĩa, nữ trang, áo casơmia, tất cả đều đã đem đi cầm. Nhưng gì còn lại, đều được bán hay đã bị tịch thu. Macgơrit còn ý thức được về những gì xảy ra chung quanh mình. Những giọt lệ lớn chảy dài trên hai gò má gầy ốm, xanh xao. Ông không thể nhận ra được nữa khuôn mặt người đàn bà ông đã yêu quý ngần ấy, nếu ông có thể trở về. Cô ấy bắt tôi hứa sẽ viết thư cho ông, khi cô không viết được nữa. Cô ấy đưa mắt nhìn về phía tôi. Nhưng cô không còn thấy gì nữa rồi. Cái nhìn của cô đã mờ hẳn bên cái chết gần kề. Tuy nhiên, cô mỉm cười. Tất cả tâm hồn cô đều hướng về ông, tôi tin chắc thế.
Mỗi khi người ta mở cửa, đôi mắt cô lại sáng lên. Cô ấy luôn luôn tin rằng ông sắp về. Rồi khi biết không phải ông, gương mặt cô lại đau đớn, thấm ướt mồ hôi lạnh, hai gò má đỏ lên.
19 tháng Hai, nửa đêm.
Hôm nay là một ngày buồn bã, ông Acmân đáng thương của tôi! Sáng nay, Macgơrit ngột thở Thầy thuốc đã trích máu cho nàng, nàng đã hơi nói được một chút ít. Thầy thuốc khuyên nàng hãy mời một linh mục. Nàng bảo nàng bằng lòng. Và ông đích thân tìm một linh mục ở Xanh Roôc.
Trong thời gian đó, Macgơrit gọi tôi đến bên cạnh giường, yêu cầu tôi mở tủ ra. Rồi nàng chỉ cho tôi một cái mũ trùm đầu, một chiếc áo dài đầy đăngten, và nói với tôi giọng yếu ớt.
- Tôi sẽ chết, sau khi xưng tội. Chị hãy mặc những đồ này vào cho tôi, đó là sự làm giáng của một người gần chết.
Nàng hôm tôi và khóc. Rồi nàng nói tiếp:
- Tôi có thể nói, nhưng tôi mệt quá khi nói. Khó thở quá! Không khí!
Tôi khóc nấc lên và chạy đi mở cửa sổ. Sau đó ít phút, linh mục bước vào.
Tôi ra đón ông.
Khi biết mình đang ở nhà ai, ông có vẻ ngại sẽ bị bạc đãi.
- Xin cha cứ vào một cách mạnh dạn – tôi nói với ông.
Ông vào trong phòng một lát rồi trở ra và nói với tôi :
- Cô ấy đã sống như một người tội lỗi. Nhưng cô ấy sẽ chết như một con chiên của Chúa.
Một lúc sau, ông trở lại với một lễ sính đem theo một cây thánh giá, và một người phụ lễ vừa đi vừa rung chuông, như để báo có Chúa đến nhà một người đàn bà sắp chết.
Cả ba đều đi vào căn phòng ngủ, nơi ngày trước đã vang dội biết bao những lời lẽ tội lỗi, và giờ đây lại là một nơi trang nghiêm thánh thiện.
Tôi quỳ xuống. Tôi không biết ấn tượng mà cảnh tượng đó đem lại cho tôi kéo dài bao lâu. Nhưng tôi tin rằng từ trước đến nay, chưa bao giờ có một sự việc nào trên đời làm cho tôi xúc động đến thế.
Vị linh mục lấy đầu thánh chấm vào hai bàn chân, hai bàn tay và trán của người hấp hối, đọc một bài kinh ngắn, và Macgơrit gần như sẵn sàng để đi về thiên đường, nơi chắc chắn nàng sẽ đến, nếu Chúa đã chứng kiến những thử thách đau thương trong cuộc đời nàng, và sự thánh thiện trong cái chết của nàng.
Từ lúc đó, nàng không nói tiếng nào nữa, không cử động nữa. Bao nhiêu lần tôi tưởng nàng đã chết rồi, nếu tôi không còn nghe thấy hơi thở nặng nhọc khó khăn của nàng.
20 tháng Hai, năm giờ chiều.
Tất cả đều chấm dứt.
Macgơrit đêm nay đã hấp hối vào lúc hai giờ. Không có một kẻ tử đạo nào có thể đau đớn đến mức độ đó, qua những tiếng rên là của nàng. Hai hay ba lần, nàng đứng dựng lên trên giường. Hình như nàng muốn bắt giữ lại sự sống đang dần dần thoát khỏi tay nàng để trở về với Chúa.
Hai hay ba lần như thế, nàng gọi tên ông, rồi tất cả lại lặng lẽ. Nàng ngã xuống, kiết sức trên giường. Những giọt lệ lặng lẽ chảy dài từ khoé mắt, và nàng đã chết.
Thế rồi tôi đến bên nàng, gọi tên nàng. Nàng không trả lời. Tôi đưa tay vuốt mắt và hôn lên trán nàng.
Macgơrit đáng thương! Tôi muốn tôi là một người đàn bà thánh thiện để cái hôn đó có thể đưa nàng về với Chúa.
Rồi tôi thay y phục cho nàng, như nàng đã yêu cầu. Tôi đi tìm một vị linh mục ở Xanh Roôc. Tôi đốt hai cây đèn sáp lên cho nàng, và tôi cầu nguyện ở nhà thờ trong suốt một giờ.
Tôi phân phát cho những người nghèo số tiền nàng còn để lại.
Tôi không hiểu gì về tôn giáo, nhưng tôi nghĩ Chúa rất khoan hồng, sẽ thấy những giọt lệ của tôi là chân thành, lời cầu nguyện của tôi là tha thiết, của bố thí của tôi là thành thật. Chúa sẽ thương xót nàng đã chết trẻ trung, kiều diễm và chỉ có tôi là người độc nhất vuốt mắt cho nàng, đưa nàng đến nơi an nghỉ cuối cùng.
22 tháng Hai.
Hôm nay là ngày đưa đám. Nhiều bạn gái cũ của Macgơrit đã đến nhà thờ. Một vài người đã khóc rất thành thật. Khi xe tang đến đường Môngmat, chỉ cho
hai người đàn ông đi theo sau là : ông bá tước G. . . từ Luân Đôn về, và ông quận công già có hai gia nhân đi dìu.
Tôi viết những chi tiết này cho ông tại nhà nàng, giữa những giọt lệ của tôi, trước cây đèn sáng lên buồn bã, và bên cạnh bữa ăn tối mà tôi không động đến. Ông có thể hiểu tại sao. Nhưng Nanin vẫn cứ dọn ra, vì hai mươi giờ rồi tôi không ăn gì cả.
Đời tôi không thể giữ lại lâu dài những ấn tượng buồn bã này: vì đời tôi không thuộc về tôi, cũng như đời Macgơrit không thuộc về Macgơrit. Chính vì vậy tôi cho ông biết nhưng chi tiết ngay tại chỗ đã xảy ra, sợ nếu thời gian từ đây tới ngày ông về quá xa, tôi không thể kể lại cho ông những chi tiết đó với tất cả sự đau buồn của nó!
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...