Điều hạnh phúc nhất khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp là tôi có thể ngủ sớm dậy sớm. Hồi trông coi quán rượu, thường là mãi đến khi gần hửng sáng tôimới được đi ngủ. Quán đóng cửa lúc mười hai giờ đêm, nhưng rồi tôi phải lau dọn, kiểm tra hóa đơn, ngồi trò chuyện, làm một ly để thư giãn. Làm tất cả những việc ấy xong thì đã ba giờ sáng và mặt trời sắp lên lúc nào không hay. Thường tôi ngồi tại bàn bếp nhà mình, viết, khi trời hửng sáng ngoài kia. Dĩ nhiên là, cuối cùng khi tôi thức giấc thì mặt trời đã lên cao trên bầu trời.
Sau khi đóng cửa quán rượu và bắt đầu cuộc đời tiểu thuyết gia, điều đầu tiên chúng tôi – chúng tôi đây là vợ tôi và tôi – làm là chỉnh đốn lại toàn bộ lối sống của mình. Chúng tôi quyết định sẽ đi ngủ sớm sau khi trời tối, và dậy sớm. Theo chúng tôi nghĩ thì điều này là bình thường thôi, kiểu đời sống mà những người đàng hoàng vẫn sống. Chúng tôi đã đóng cửa câu lạc bộ, vậy nên chúng tôi quyết định là từ nay trở đi sẽ chỉ gặp gỡ những người chúng tôi muốn gặp và, được chừng nào hay chừng đó, thu xếp cách nào đó để không gặp những người mình không muốn gặp. Chúng tôi cảm thấy, ít nhất là trong một thời gian, rằng có thể cho phép mình có được cái niềm vui giản dị xa xỉ này.
Đó là một thay đổi đường hướng lớn lao – từ kiểu sống khoáng đạt chúng tôi đã sống trong bảy năm, đến một cuộc sống khép kín hơn. Tôi nghĩ có được lối sống phóng khoáng ấy trong một thời gian là một điều hay. Tôi đã học được rất nhiều bài học quan trọng trong thời gian đó. Đó là trường đời của tôi. Nhưng ta không thể duy trì kiểu sống đó mãi. Cũng như với tôi trường học, ta đến trường, học được điều gì đó, rồi thì đến lúc phải ra đi.
Vậy là cuộc sống mới, giản dị và điều hòa của tôi bắt đầu. Tôi dậy trước năm giờ sáng và đi ngủ trước mười giờ tối. Người ta sung sức nhất vào những thời gian khác nhau trong ngày, nhưng tôi thì dứt khoát là người của buổi sáng. Đó là khi tôi có thể tập trung và hoàn tất công việc quan trọng tôi phải làm. Sau đó tôi tập luyện hay làm mấy việc lặt vặt khác không cần tập trung nhiều. Cuối ngày tôi thư giãn và không làm việc gì nữa cả. Tôi đọc sách, nghe nhạc, thư thả, và cố đi ngủ sớm. Đây là khuôn mẫu chủ yếu tôi đã theo cho đến ngày hôm nay. Nhờ thế, tôi đã có thể làm việc hiệu quả suốt hai mươi bốn năm qua. Tuy nhiên, đó là một lối sống không có chỗ cho cuộc sống về đêm, nên đôi khi mối quan hệ của ta và người khác trở nên có vấn đề. Một số người bạn thậm chí còn bực ta nữa, vì họ mời ta đi đâu đó hay làm gì đó cùng họ mà ta thì cứ từ chối mãi.
Tôi cho rằng trừ khi ta còn trẻ, nếu không ta thực sự cần phải biết cái gì là ưu tiên trong đời, xem xem nên phân chia thời gian và sức lực của mình theo thứ tự nào. Nếu đến một độ tuổi nào đó ta không đặt ra được kiểu tính trật tự ấy, ta sẽ thiếu trọng tâm và cuộc sống của ta sẽ mất cân bằng. Tôi dành ưu tiên cao nhất cho kiểu sống cho phép tôi tập trung vào viết lách, không giao du với tất cả những người xung quanh. Tôi cảm thấy rằng mối quan hệ không thể thiếu mà tôi cần tạo dựng trong đời không phải là với một cá nhân cụ thể, mà với một số lượng độc giả không xác định. Miễn sao tôi thu xếp được đời sống thường nhật của mình sao ỗi tác phẩm sau hoàn thiện hơn tác phẩm trước, thì nhiều độc giả của tôi sẽ còn hoan nghênh bất luận lối sống tôi chọn ình là gì. Chẳng phải điều đó nên là phận sự của tôi với tư cách một tiểu thuyết gia, và là ưu tiên hàng đầu của tôi sao? Ý kiến của tôi vẫn không thay đổi qua nhiều năm. Tôi không thấy mặt độc giả của mình, vậy nên theo nghĩa nào đó thì đó là một kiểu quan hệ con người chỉ trên ý niệm, nhưng tôi trước sau như một, vẫn xem mối quan hệ vô hình, mang tính ý niệm này là điều quan trọng nhất trong đời mình.
Nói cách khác, ta không thể làm vừa lòng tất cả mọi người.
Ngay cả trông coi quán rượu tôi cũng theo đuổi cùng một chính sách ấy. Có rất nhiều khách đến quán. Nếu như một mười người thích quán và nói y sẽ trở lại, vậy là đủ. Nếu một trong mười người khách là khách quen th́ quán sẽ tồn tại. Nói cách khác, nếu như hết chín trong mười khách không thích quán rượu của tôi thì cũng không quan trọng. Nhận ra điều này, tôi cất được một gánh nặng trên vai. Dù vậy, tôi phải chắc chắn là cái người nhận là mình thích đó, họ thích thực sự. Để chắc chắn là họ thích thực sự, tôi phải có thái độ sống và quan điểm rõ ràng, và kiên quyết giữ vững quan điểm đó trong mọi tình huống. Đây là cái tôi đã học được trong quá trình kinh doanh.
Sau Cuộc săn cừu hoang, tôi tiếp tục viết với cùng thái độ đã phát huy trong vai trò chủ doanh nghiệp. Và với mỗi tác phẩm, số độc giả của tôi lại tăng lên. Điều làm tôi hạnh phúc nhất là tôi có rất nhiều độc giả trung thành, những độc giả quen một-trong-mười đó, đa phần họ là những người trẻ tuổi. Họ thường kiên nhẫn chờ cuốn sách kế tiếp của tôi xuất hiện và mua lấy đọc ngay khi nó vừa có mặt ở nhà sách. Kiểu mô hình hình thành dần dần này, với tôi, là một tình huống lý tưởng, hay ít nhất thì cũng rất dễ chịu. Không cần phải là người về nhất trong văn chương. Tôi tiếp tục viết những thứ tôi muốn viết, đúng như cách tôi muốn viết, và nếu điều đó cho phép tôi sống bình thường thì tôi không thể đòi hỏi gì hơn. Khi cuốn Rừng Na Uy bán chạy vượt xa dự kiến, cái vị trí dễ chịu tôi có buộc phải thay đổi chút ít, nhưng chuyện ấy thì rất lâu về sau.
Hồi đầu mới chạy, tôi không chạy đường dài được. Tôi chỉ có thể chạy chừng hai mươi phút, hay ba mươi. Chừng đó thôi mà đã khiến tôi thở dốc, tim đập thình thịch, chân run. Dù vậy, chuyện đó là bình thường, vì tôi đã không thực sự tập luyện trong một thời gian dài rồi. Ban đầu tôi cũng có chút ngượng nghịu khi người quanh hàng xóm thấy tôi chạy – cũng chính cái cảm giác tôi cảm thấy khi lần đầu tiên nhìn thấy cái danh xưng tiểu thuyết gia đặt trong ngoặc đơn đi sau tên mình. Nhưng khi tôi tiếp tục chạy, cơ thể tôi bắt đầu chấp nhận thực tế là nó đang chạy, và tôi có thể dần dà tăng cự ly lên. Tôi bắt đầu có được thể trạng của người chạy bộ, nhịp hít thở trở nên điều hòa hơn, mạch dần ổn định. Cái chính không phải là tốc độ hay cự ly mà là chạy mỗi ngày, không nghỉ.
Vậy là, như ba bữa ăn mỗi ngày – cùng với ngủ nghỉ, việc nhà, công việc – chạy bộ đã là một phần trong sinh hoạt hàng ngày của tôi. Khi nó đã trở thành một thói quen tự nhiên, tôi cảm thấy bớt ngượng ngùng hơn về chuyện đó. Tôi đến cửa hiệu đồ thể thao mua trang phục chạy bộ và vài đôi giày kha khá phù hợp với mục đích của mình. Tôi còn mua một cái đồng hồ bấm giờ, và đọc một cuốn sách về chạy bộ dành cho người mới bắt đầu. Tôi trở thành người chạy bộ như vậy đấy.
Giờ đây hồi tưởng lại, tôi nghĩ điều may mắn nhất là tôi được sinh ra với một cơ thể tráng kiện, khỏe mạnh. Điều này giúp tôi có thể chạy bộ hàng ngày trong gần một phần tư thế kỷ, lại còn thi thố trong một số cuộc đua. Chưa có lần nào chân tôi đau đến độ tôi không chạy được. Tôi không thực sự duỗi người gì mấy trước khi chạy, nhưng tôi chưa từng bị chấn thương, chưa từng bị đau, và chưa một lần ốm. Tôi không phải là tay chạy bộ cừ, nhưng tôi dứt khoát là một người chạy khỏe. Đó là một trong số ít khả năng tự nhiên của tôi mà tôi có thể tự hào.
Năm 1983 đến, và lần đầu tiên trong đời mình tôi tham gia một cuộc chạy đua. Chặng đua không dài lắm – năm kilomet – nhưng lần đầu tiên tôi có một con số ghim trên người, cùng với một nhóm nhiều người chạy đua khác, và nghe trọng tài hô, “Vào vạch xuất phát, chuẩn bị, chạy!”. Sau đó tôi nghĩ, À, không tệ lắm đâu! Tháng Năm, tôi có mặt trong cuộc chạy đua 15 kilomet quanh hồ Yamanaka, và tháng Sáu, vì muốn thử xem mình có thể chạy bao xa, tôi chạy nhiều vòng quanh Hoàng Cung ở Tokyo. Tôi chạy quanh bảy lần, tổng cộng 22,4 dặm, với tốc độ kha khá, và không cảm thấy nặng nề gì mấy. Hai chân tôi không đau gì cả. Chắc mình có thể chạy trong một cuộc marathon thật rồi đấy, tôi kết luận. Chỉ về sau tôi mới biết được qua kinh nghiệm xương máu rằng phần cam go nhất trong cuộc chạy marathon chỉ xuất hiện sau hai mươi hai dặm.
Xem lại mấy tấm hình chụp hồi đó, có thể thấy rõ là dạo ấy tôi vẫn chưa có được cái thể trạng của một người chạy bộ. Tôi chưa chạy đủ, chưa hình thành các cơ bắp cần thiết, còn hai cánh tay tôi thì quá gầy, hai chân tôi quá khẳng khiu. Tôi thấy ấn tượng là ḿnh có thể chạy marathon với một cơ thể như thế. Nếu bạn so sánh tôi trong mấy tấm hình này với tôi bây giờ thì sẽ thấy như tôi là một người khác hoàn toàn. Sau nhiều năm chạy, hệ thống cơ bắp của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Nhưng ngay cả hồi đó tôi cũng đã có thể cảm thấy những thay đổi thể chất diễn ra mỗi ngày, điều này làm tôi thật sự vui mừng. Tôi cảm thấy như dù đã quá ba mươi nhưng tôi và cơ thể tôi vẫn còn có triển vọng. Tôi càng chạy thì tiềm năng thể chất của tôi càng được bộc lộ.
Tôi thường dễ tăng cân, nhưng khoảng thời gian đó cân nặng của tôi ổn định ở mức cần có. Nhờ luyện tập mỗi ngày, một cách tự nhiên tôi đạt đến cân nặng lý tưởng của mình, và tôi nhận ra rằng điều này giúp ích cho thành tích của mình. Song song đó, chế độ ăn uống của tôi cũng bắt đầu thay đổi dần. Tôi bắt đầu ăn chủ yếu là rau, với cá là nguồn đạm chính. Dù sao thì tôi cũng chưa từng thích ăn thịt mấy, và cảm giác không thèm này trở nên còn rõ rệt hơn. Tôi cắt giảm cơm và rượu, bắt đầu dùng tất cả các thành phần tự nhiên. Đồ ngọt không phải là vấn đề vì tôi chẳng mấy khi ngó ngàng đến chúng.
Như tôi đã nói, nếu không làm gì cả thì tôi dễ bị tăng cân. Vợ tôi thì ngược lại, vì nàng có thể ăn bao nhiêu tùy thích (nàng không ăn nhiều, nhưng chưa khi nào có thể khước từ bất cứ thứ gì ngọt), không bao giờ tập luyện, vậy mà vẫn không tăng cân được chút nào. Nàng không có lấy chút mỡ thừa. Đời thật chẳng công bằng, là điều tôi vẫn nghĩ. Một số người phải làm đủ mọi cách mà không bao giờ đạt được cái mình mong muốn, trong khi những người khác thì lại có được nó mà chẳng tốn tí hơi sức nào.
Nhưng nghĩ kỹ tôi thấy, mình thuộc tạng người dễ tăng cân có khi lại là chuyện rủi hóa may. Nói cách khác, nếu không muốn tăng cân thì tôi phải tập luyện vất vả mỗi ngày, để ý cái mình ăn, và cắt giảm những thứ khoái khẩu. Cuộc đời có thể chẳng dễ dàng, nhưng chừng nào ta còn không ngừng cố gắng thì sự trao đổi chất của ta sẽ cải thiện đáng kể cùng với các thói quen này, và cuối cùng ta sẽ mạnh khỏe hơn nhiều chưa kể là mạnh mẽ hơn. Trong chừng mực nào đó, ta thậm chí còn có thể làm chậm lại các tác động của quá trình lão hóa. Nhưng những người vốn dĩ tự nhiên dù thế nào cũng không bị tăng cân thì không cần tập luyện hay theo dõi chế độ ăn uống của mình mà vẫn được thon thả. Chẳng mấy ai trong số họ khi không lại đi áp dụng những biện pháp phiền toái này khi họ chẳng cần phải thế. Đấy là lý do tại sao, trong nhiều trường hợp, thể lực của họ suy sút khi họ già đi. Nếu ta không tập luyện, cơ bắp của ta tự nhiên sẽ yếu đi, cũng như xương của ta vậy. Một số bạn đọc của tôi có thể là kiểu người dễ tăng cân, nhưng cách duy nhất để hiểu cái gì thực sự công bằng là biết nhìn xa về mọi sự. Vì những lý do tôi nói ở trên, tôi nghĩ cái phiền toái thể chất này nên được nhìn nhận một cách tích cực, như một điều may. Chúng ta nên thấy mình may mắn khi “đèn đỏ” lại rành rành như thế. Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng dễ mà nhìn nhận mọi chuyện theo cách ấy.
Tôi nghĩ quan niệm này cũng đúng với công việc của tiểu thuyết gia. Những nhà văn may mắn có tài năng thiên bẩm có thể viết tiểu thuyết dễ dàng bất luận họ làm gì – hay không làm gì. Như nước từ một suối nguồn thiên nhiên, câu cú cứ lai láng, và với chút ít hoặc không có nỗ lực nào, những nhà văn này vẫn hoàn thành được một tác phẩm. Thỉnh thoảng ta sẽ gặp ai đó như thế, nhưng, thật không may, số này không bao gồm tôi. Tôi không phát hiện được một con suối nào gần kề cả. Tôi phải dùng đục mà đập đá và đào một cái hố sâu rồi mới định vị được nguồn sáng tạo. Để viết một cuốn tiểu thuyết tôi phải ép mình làm việc quá sức về mặt thể chất và bỏ ra rất nhiều thời gian công sức. Mỗi khi bắt đầu một cuốn tiểu thuyết mới, tôi phải khơi một cái hố sâu khác. Nhưng nhờ duy trì kiểu sống này qua nhiều năm, tôi đã trở nên rất có năng lực, cả về kỹ thuật lẫn về thể chất, trong việc đào một cái hố trong đá cứng và định vị một mạch nước mới. Vậy nên ngay khi tôi nhận ra là một nguồn nước đang khô cạn, tôi có thể chuyển ngay sang một nguồn nước khác. Nếu những người dựa trên suối nguồn tài năng thiên nhiên bỗng thấy là mình đã cạn kiệt cái nguồn duy nhất của mình rồi, họ sẽ gặp rắc rối.
Nói cách khác, hãy cùng nhìn thẳng: đời cơ bản là không công bằng. Nhưng ngay cả trong một tình huống bất công, tôi nghĩ vẫn có thể tìm thấy một kiểu công bằng nào đó. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi thời gian và công sức. Và có lẽ xem ra cũng không đáng vậy. Tùy mỗi người quyết định xem nó có đáng hay không.
Khi tôi nói với mọi người là mình chạy mỗi ngày, một số người thấy rất ấn tượng. “Anh chắc phải là người có ý chí mạnh mẽ lắm,” đôi khi họ bảo tôi vậy. Dĩ nhiên, thật hay khi được khen ngợi như thế. Hay hơn nhiều so với bị chê bai, điều đó dĩ nhiên rồi. Nhưng tôi không nghĩ chỉ mỗi mình sức mạnh ý chí giúp ta làm được điều gì. Cuộc đời không đơn giản đến vậy. Phải nói thật, tôi thậm chí còn không cho là có tương quan gì mấy giữa việc tôi chạy bộ mỗi ngày và tôi có ý chí mạnh mẽ hay không. Tôi cho rằng mình đã có thể chạy trong hơn hai mươi năm là bởi một lý do đơn giản: nó hợp với tôi. Hay ít ra là vì tôi không thấy khó nhọc gì lắm. Con người lẽ tự nhiên sẽ tiếp tục làm những gì mình thích, và thôi không làm những thứ mình không thích. Phải thú nhận rằng, cái gì đó gần với ý chí quả cũng đóng một vai trò nhỏ trong đó. Nhưng một người dù có ý chí mạnh thế nào chăng nữa, dù y có ghét thất bại bao nhiêu chăng nữa, song nếu đó là một hoạt động y không thật sự để tâm, y sẽ không duy trì nó được lâu. Cho dù y có làm, điều đó cũng sẽ không có lợi cho y.
Chính vì vậy mà tôi chưa hề khuyên ai chạy bộ. Tôi đã cố hết sức để không bao giờ nói điều gì như, Chạy bộ rất tốt. Ai cũng nên thế. Nếu một số người thích chạy cự ly dài, cứ để họ thích, tự họ sẽ bắt đầu chạy. Nếu họ không có hứng thú thì thuyết phục nhiều hay ít cũng vậy thôi. Chạy marathon không phải là môn thể thao dành cho tất cả mọi người, cũng như làm tiểu thuyết gia không phải là nghề của tất cả mọi người. Chưa hề có ai khuyên hay thậm chí mong muốn tôi trở thành tiểu thuyết gia – thật ra, một số người còn cố ngăn tôi nữa. Tôi có ý trở thành tiểu thuyết gia, và tôi đã làm thế. Cũng vậy, một người không trở thành người chạy bộ vì có ai đó khuyên. Cơ bản là người ta chạy bộ vì họ đã được đặt định như thế.
Dẫu vậy, có lẽ một số người đọc cuốn sách này xong sẽ nói, “Này, tôi sẽ thử chạy bộ xem sao,” và rồi nhận ra là mình thích. Và dĩ nhiên đó sẽ là một điều tốt đẹp. Với tư cách tác giả cuốn sách này, tôi sẽ rất vui nếu chuyện đó xảy ra. Nhưng con người có những sở thích và không thích riêng của mình. Một số người hợp với chạy marathon hơn, số khác thì hợp với gôn, nhưng kẻ khác lại hợp với bài bạc. Mỗi khi thấy các em học sinh trong giờ thể dục tất cả đều phải chạy một cự ly dài, tôi cảm thấy ái ngại cho chúng. Ép buộc những người không muốn chạy, hay những người không đủ phù hợp về thể chất, là một kiểu tra tấn vô nghĩa. Tôi luôn muốn khuyên thầy cô đừng ép tất cả học sinh trung học chạy cùng một đường chạy, nhưng tôi không tin có ai sẽ nghe tôi. Trường học là như thế đấy. Điều quan trọng nhất ta học được ở trường là cái sự thật rằng những điều quan trọng nhất ta lại không học hỏi được ở trường.
Dù chạy cự ly dài có phù hợp với tôi thế nào chăng nữa thì tất nhiên cũng có ngày tôi cảm thấy gần như uể oải và không muốn chạy. Thực ra, chuyện đó xảy ra nhiều. Những ngày như thế, tôi có nghĩ ra đủ thứ cớ có vẻ hợp lý để dẹp phứt chạy bộ đi. Có lần, tôi hỏi vận động viên chạy đua Olympic là Toshihiko Seko, ngay sau khi ông thôi chạy và trở thành huấn luyện viên đội tuyển của công ty S&B. Tôi hỏi ông, “Một vận động viên tầm cỡ anh có khi nào cảm thấy kiểu như hôm nay anh thích nghỉ chạy hơn, kiểu như anh không muốn chạy mà chỉ thích ngủ nướng hơn không?” Ông ta trố mắt nhìn tôi và rồi, bằng một giọng chứng tỏ rõ ràng là ông thấy câu hỏi mới ngớ ngẩn làm sao, đáp, “Dĩ nhiên. Bao giờ cũng vậy!”
Giờ đây nhớ lại chuyện đó tôi cũng thấy được câu hỏi thật ngớ ngẩn làm sao. Tôi nghĩ ngay cả hồi đó tôi cũng biết nó ngớ ngẩn thế nào, nhưng hẳn là vì tôi muốn nghe câu trả lời từ chình miệng một người tầm cỡ Seko. Tôi muốn biết rằng liệu, dù khác nhau một trời một vực về sức mạnh, khối lượng tập luyện và động cơ, nhưng sáng sớm khi ta buộc dây giày chạy bộ thì ta có cảm thấy như nhau hay không. Câu trả lời của Seko lúc đó làm tôi nhẹ cả người. Suy cho cùng tất cả chúng ta đều làm như nhau cả thôi, tôi nghĩ.
Mỗi khi cảm thấy không muốn chạy, tôi luôn tự hỏi mình cũng một câu: Mình có thể kiếm sống bằng nghề tiểu thuyết gia, làm việc tại nhà, sắp xếp giờ giấc ình, vậy nên mình không phải đi lại trên một toa tàu điện chật như nêm hay ngồi chịu trận những cuộc họp chán ngắt. Chẳng lẽ mình không thấy là mình may mắn thế sao? (Tin tôi đi, tôi có nhận thấy). So với chuyện đó, chạy một giờ quanh khu hàng xóm thì đâu có là gì, đúng không? Mỗi khi tôi hình dung mấy con tàu đông nghịt và những cuộc họp hành liên miên bất tận, nó giúp tôi có động cơ rõ rệt trở lại, thế là tôi thắt chặt dây giày chạy và lên đường mà không còn băn khoăn gì nữa. Nếu mi không kham được chuyện này, tôi nghĩ , thì đáng đời mi lắm. Tôi nói điều này khi biết rất rõ rằng có rất nhiều người sẽ sẵn sàng chọn lên một chuyến tàu chật kín người và dự những cuộc họp bất kể ngày giờ hơn là chạy bộ một giờ mỗi ngày.
o O o
Dù sao đi nữa, tôi đã bắt đầu chạy như vậy đó. Ba mươi ba là tuổi hồi ấy. Vẫn còn khá trẻ, dù không còn là một chàng trai trẻ nữa. Cái tuổi mà Jesus Christ chết. Cái tuổi mà Scott Fizgarald bắt đầu xuống dốc. Cái tuổi khi tôi bắt đầu cuộc đời chạy bộ của mình, và đó là điểm xuất phát muộn màng nhưng chân thực của tôi, làm tiểu thuyết gia.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...