Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ

 
Vui thay, tôi đã có thể chế ngự nỗi hoảng loạn của mình và hoàn thành ba môn phối hợp. Đã lâu rồi tôi không tham gia cuộc thi này, đã không có thời gian để tập đạp xe, vậy nên tổng thời gian của tôi thì không có gì nhiều để nói. Nhưng tôi đã có thể đạt được mục tiêu của mình: quét sạch nỗi xấu hổ bị loại. Như thường lệ, cảm giác chính của tôi là cảm giác nhẹ nhõm.
Tôi luôn tự ình là kiểu người chai lì, nhưng chuyện hít thở mạnh này khiến tôi nhận ra là một phần trong tôi, thật không ngờ được, quá căng thẳng. Tôi không biết mình trở nên căng thẳng ra sao vào lúc bắt đầu cuộc đua. Nhưng hóa ra là tôi thực sự căng thẳng, cũng y như mọi người. Dù tôi có già đi bao nhiêu đi nữa, nhưng chừng nào tôi vẫn còn sống thì tôi vẫn còn luôn khám phá ra cái gì đó mới mẻ ở bản thân. Dù ta có đứng đó trước gương mà săm soi mình bao lâu chăng nữa, ta cũng sẽ không bao giờ thấy được phản chiếu cái bên trong.
Và một lần nữa tôi lại ở đây, lúc chín giờ ba mươi phút sáng ngày 1 tháng Mười năm 2006, một chủ nhật mùa thu đầy nắng, một lần nữa đứng bên bờ biển thành phố Murakami ở quận Niigata, chờ cho cuộc thi ba môn phối hợp bắt đầu. Một chút hồi hộp, nhưng bảo đảm là không thở mạnh. Tôi kiểm lại trong đầu danh sách những việc cần làm một lần nữa, chỉ để chắc chắn là mình không quên gì. Vòng điện tử đeo cổ chân – rồi. Tôi đã thoa Vaseline khắp người để khi bơi xong tôi có thể dễ dàng cởi bỏ bộ đồ bơi ra. Tôi đã cẩn thận duỗi người. Tôi đã uống đủ nước. Và đã đi vệ sinh. Chẳng còn gì để làm nữa. Tôi hy vọng thế.
Tôi đã tham gia cuộc đua này vài lần, vậy nên tôi nhận ra vài người tham gia khác. Trong khi chờ cuộc đua bắt đầu, chúng tôi bắt tay nhau và trò chuyện. Tôi không phải kiểu người dễ hòa đồng với người khác, nhưng không hiểu sao tôi không gặp khó khăn gì với các vân động viên khác cùng tham gia ba môn phối hợp. Những ai tham gia ba môn phối hợp như chúng tôi đều là người không bình thường. Thử nghĩ một lát xem. Hầu hết những người tham gia đều có việc làm, có gia đình,thế mà ngoài lo toan những thứ này, họ còn bơi, đạp xe và chạy bộ, tập luyện miệt mài, như một phần công việc hàng ngày của họ vậy. Lẽ dĩ nhiên điều đó đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực. Mọi người, với quan điểm thường tình, cho lối sống của họ là kỳ cục. Và sẽ khó mà tranh luận với bất cứ ai đã dán nhãn họ là những người quái gỡ và lập dị. Nhưng chúng tôi cùng có chung cái gì đó, không phải một cái gì to tát kiểu như tình đoàn kết, chẳng hạn thế, nhưng ít nhất cũng là một kiểu cảm xúc nồng ấm, như một màn sương muối mơ hồ, sắc màu thoảng nhạt trên đỉnh núi cuối xuân. Tất nhiên, tranh đua là một phần của nhóm này – suy cho cùng, đó là cuộc đua- nhưng đối với phần lớn những người tham gia ba môn phối hợp giống như một kiểu nghi thức mà nhờ đó chúng tôi có thể khẳng định mối liên kết chung này.
Trong nghĩa này thì Ba môn phối hợp Murakami là một cuộc đua thích hợp. Không có nhiều người thi đấu lắm (khoảng chừng ba đến bốn trăm người),và cuộc đua được tổ chức theo kiểu rất chừng mực. Đó là một kiểu ba môn phối hợp cây nhà lá vườn nhỏ, địa phương. Dân thành phố cổ vũ chúng tôi nồng nhiệt. Cuộc đua không có gì cầu kỳ hay thái quá,và cái kiểu không khí yên tĩnh đó cuốn hút tôi. Ngoài chính cuộc đua ra thì còn có những suối nước nóng tuyệt vời gần đó,thức ăn ngon tuyệt,và rượu sake địa phương (nhất là Shimehari Tsuru) thì thật xuất sắc. Qua nhiều năm tham gia cuộc thi này, tôi đã có một số người quen biết trong vùng. Thậm chí còn có những người đi cả một chặng đường từ Tokyo đến để cổ vũ tôi nữa.
Vào lúc 9 giờ 56 phút, tiếng còi xuất phát nổi lên, ai nấy đều lập tức bắt đầu bơi trườn. Chính là nó đây – thời khắc căng thẳng nhất trong tất cả.

Tôi lao mình xuống nước rồi bắt đầu đạp và đưa hai cánh tay quạt nước. Tôi có làm cho đầu óc mình trống rỗng, sạch mọi thứ vô nghĩa, và tập trung không chỉ vào việc hít vào mà cả thở ra. Tim tôi đập thình thịch, và tôi không thể giữ cho nhịp đều. Cơ thể tôi có hơi cứng. Và bạn cũng đoán được rồi đó, ai đó lại đạp vào vai tôi. Ai đó khác thì chồm lên tôi, chồng lên lưng tôi, như một con rùa bò lên một con rùa khác vậy. Tôi uống phải ít nước, nhưng không nhiều lắm. Chẳng có gì phải lo cả, tôi tự nhủ. Đừng hoảng. Tôi hít vào và thở ra theo nhịp đều đặn, và đó là điều then chốt nhất ngay lúc này. Khi tôi làm thế, căng thẳng tiêu tan. Tất cả sẽ ổn thôi. Cứ tiếp tục bơi như vậy đi. Khi đã đưa nhịp thở xuống được rồi, tất cả những gì tôi phải làm là duy trì nó.
Nhưng rồi – và trong ba môn phối hợp thì ta gần như phải thấy trước chuyện đó – một rắc rối nào đó không lường trước được giáng xuống đầu tôi. Khi đang bơi trườn tôi ngóc đầu lên để kiểm tra phương hướng và nghĩ Cái gì….? thì kính bơi của tôi mờ cả, tôi không nhìn thấy được gì… Cứ như thể toàn thể vạn vật mờ và đục đi. Tôi ngừng bơi, đạp nước, và đưa ngón tay chùi mắt kính cố làm cho sạch. Ấy vậy mà tôi vẫn không thấy được gì. Chuyện gì xảy ra đây? Cặp kính này là cái tôi vẫn luôn dùng,khi tập tôi vẫn dùng nó luôn, để còn thấy mình đang bơi đi đâu. Vậy thì chuyện quái gì đang xảy ra vậy chứ? Rồi tôi chợt vỡ lẽ. Sau khi thoa Vaseline lên da tôi đã không rửa tay, vậy nên tôi đã chùi kình bằng mấy ngón tay dính dầu. Thật đúng ngu như lừa! Tại vạch xuất phát tôi luôn lau kính bằng nước bọt, làm cho bên trong kính không bị mờ. Thế nhưng lần này tôi phải đi vội và quên làm việc đó.
Trong suốt chặng bơi 1.500 mét cặp kính mờ mịt của tôi đã hại tôi,tôi liên tục trệch khỏi lộ trình,bơi sai hướng, và mất rất nhiều thời gian. Thỉnh thoảng tôi phải dừng lại, gỡ kính ra, đạp nước, và hình dung xem mình phải đi đâu. Cứ tưởng tượng một đứa trẻ bịt mắt đang cố đánh trúng một cái pinata[1] thì bạn sẽ hiểu.
Nếu nghĩ ra, đáng lẽ tôi đã có thể bơi không cần kính. Tôi lẽ ra chỉ cần gỡ kính ra. Thế nhưng, khi đang bơi, tôi gần như lúng ta lúng túng và không nhanh trí nghĩ ra chuyện đó. Vì chuyện này, phần bơi trong cuộc đua khá là chệch choạc, thời gian tôi đạt được không khá như là tôi mong muốn. Với khả năng của mình – xin nhớ cho là tôi đã tập luyện nhiều thế nào cho cuộc đua này – tôi lẽ ra đã có thể bơi nhanh hơn nhiều. Tôi an ủi mình với ý nghĩ là ít ra mình cũng không bị loại, không bị bỏ lại xa lắm, và có thể hoàn tất phần bơi. Và một khi đã bơi được theo đường thẳng thì tức là tôi không làm tồi, tôi nghĩ vậy.
Tôi lên bờ và đi thẳng đến nơi để xe đạp (có vẻ như đơn giản nhưng thực tế thì không phải), cởi bỏ bộ đồ bơi bó sát, xỏ chân vào đôi giày đạp xe rồi đội mũ bảo hiểm và kính gọng ôm, nốc ít nước, và, cuối cùng, hướng ra đường. Tôi có thể làm tất cả việc ấy tự động đến nỗi đến khi suy nghĩ lại rồi tôi mới nhận ra rằng mới một phút trước đây thôi mình còn đập nước tung tóe dưới biển mà giờ đã phóng vù vù hai mưới dặm một giờ trên xe đạp. Dù tôi có trải qua chuyện này bao nhiêu lần đi nữa, sự chuyển tiếp đột ngột vẫn có cảm giác kỳ quặc. Đó là một cảm giác khác đi về trọng lượng, tốc độ, và các phản xạ vận động khác, và ta dùng các cơ hoàn toàn khác. Ta cảm thấy mình như con kỳ nhông trong chốc lát biến hóa thành đà điểu. Não tôi không thể biến trở thật nhanh, và cơ thể tôi cũng vậy. Tôi không tăng tốc được, và bảy tay đua khác đã vượt qua tôi lúc nào không hay. Chuyện này thật không hay, tôi nghĩ, và mãi đến khúc cua tôi vẫn không qua mặt được ai cả.
Chặng xe đạp men theo một khúc bờ biển nổi tiếng mang tên Sasagawa Nagare. Đó là một thắng cảnh ngoạn mục,có những khối đá dị thường nhô lên khỏi nước, dù dĩ nhiên tôi không có thời gian mà thưởng ngoạn phong cảnh. Chúng tôi đua từ thành phố Murakami dọc theo bờ biển phía Bắc, chỗ cua gần giáp ranh quận Yamagata sẽ đưa chúng tôi trở lại cùng một con đường. Có dốc ở một vài nơi, nhưng không hề dốc đến nỗi làm tôi lú lẫn. Trước khi đến được khúc quanh, tôi không bận tâm vượt qua người khác hay bị người khác vượt qua, mà thay vì vậy tập trung nhấn xuống bàn đạp với tốc độ đều đặn, sang số nhẹ. Cứ cách khoảng đều đặn tôi lại cúi xuống lấy bình nước và tợp nhanh một cái. Trong khi làm những việc này tôi lại dần dần cảm thấy dễ chịu trên xe đạp. Vì cảm thấy giờ đây mình có thể lo liệu được rồi nên khi cả đoàn đến được chỗ rẽ thì tôi lùi lại, tăng tốc, và trong chặng hai của cuộc đua thì vượt qua được bảy người. Gió thổi không mạnh lắm nên tôi có thể đạp hết sức mình. Khi gió mạnh, mấy tay đua xe nghiệp dư như tôi trở nên khá là ngán ngẩm. Làm sao cho gió trở thành có lợi cho ta đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm và rất nhiều kỹ năng. Song nếu không có gió thì tất cả chung quy chỉ là vấn đề sức mạnh đôi chân. Kết cục là tôi đã hoàn tất 24,8 dặm nhanh hơn tôi tưởng, rồi xỏ chân vào đôi giày chạy cũ cho chặng cuối của cuộc đua.

Thế nhưng, khi tôi chuyển qua chạy bộ, mọi chuyện trở nên khá gay go. Bình thường thì tôi đã ghìm mình lại một chút ở phần đạp xe để dành sức chạy, nhưng lần này, không hiểu vì sao tôi không mảy may nghĩ đến chuyện đó. Tôi cứ đạp hết tốc độ, rồi lao ngay vào chạy bộ. Như bạn cũng có thể thấy trước, hai chân tôi không cử động được đàng hoàng. Đầu óc tôi ra lệnh cho chúng, “Chạy đi!”,nhưng các cơ chân của tôi đình công. Tôi thấy mình đang chạy nhưng lại không có cảm giác chạy gì cả.
Mỗi cuộc đua có khác nhau một chút, nhưng trong mọi cuộc thi ba môn phối hợp đều có cùng một thứ cơ bản. Các cơ bắp mà tôi đã thúc ép nhiều trong hơn một giờ khi đạp xe,các cơ mà tôi vẫn muốn tiếp tục vận động khi tôi bắt đầu chạy, chúng không chịu cử động nhịp nhàng. Cần có thời gian để các cơ chuyển từ một đường ray này sang một đường ray khác. Trong hai dặm đầu cả hai chân tôi bao giờ cũng có vẻ như bất động, chỉ sau đó thì tôi mới có thể chạy. Thế mà lần này, phải mất nhiều thời gian hơn mới đến được thời điểm này. Trong ba phần của cuộc thi ba môn phối hợp, chạy bộ rõ ràng là sở trường của tôi, thường thì tôi có thể dễ dàng vượt qua ít nhất ba mươi người chạy đua khác. Nhưng lần này tôi chỉ có thể vượt qua mươi mười lăm người. Vậy nhưng, tôi mừng là mình đã có thể san bằng thành tích của mình đôi chút. Trong cuộc đua ba môn phối hợp vừa rồi tôi bị rất nhiều người qua mặt trong phần đạp xe, nhưng lần này thì chính thời gian chạy của tôi mới không khá lắm. Dù vậy, sự chê lệch giữa các môn tôi vốn khá và các môn tôi không khá cũng đã thu hẹp lại, nghĩa là, có lẽ tôi đã học được cách làm một vận động viên ba môn phối hợp thực thụ. Đây nhất định là điều gì đó đáng cho tôi phấn khởi.
Khi tôi chạy qua khu phố cổ xinh đẹp của thành phố Murakami, tiếng reo hò của người xem – những cư dân bình thường, chắc thế – thúc tôi nhanh hơn, và tôi gom hết chút sức lực sau rốt của mình chạy về đích. Đó là một khoảnh khắc hân hoan. Đó là một cuộc đua gay cấn, dĩ nhiên, nào là gặp rắc rối vì vụ Vaseline rồi còn những gì gì nữa, nhưng một khi tôi đã đến được đích rồi thì tất cả không còn nữa. Sau khi lấy lại hơi được rồi, tôi mỉm cười lại và bắt tay với người đàn ông mang số 329. “Làm khá lắm”, chúng tôi bảo nhau. Ông ta và tôi đã so kè trong phần đua xe đạp, ông qua mặt tôi nhiều lần. Ngay khi chúng tôi bắt đầu chạy, dây giày tôi sút ra và hai lần tôi phải dừng để thắt lại. Giá mà chuyện đó không xảy ra, tôi biết mình đã có thể vượt qua ông ta – hay giả định lạc quan của tôi nói thế. Khi tăng tốc vào chặng cuối cuộc chạy, tôi suýt vượt được ông ta, nhưng rốt cuộc lại thua ba mét. Dĩ nhiên việc không kiểm tra dây giày trước cuộc đua hoàn toàn là trách nhiệm của tôi rồi.
Dù sao đi nữa, tôi đã vui vẻ về được đích dựng sẵn trước Tòa thị chính thành phố Murakami. Cuộc đua đã kết thúc. Tôi không bị chết đuối, không bị xì lốp xe, không bị một đàn sứa độc chích. Không có con gấu hung dữ xổ vào tôi, và tôi không bị ong bắp cày chích, hay bị sét đánh. Và vợ tôi, chờ ở đích, không phát hiên ra sự thật khó chịu nào đó về tôi. Trái lại, nàng còn mỉm cười chào đón tôi. Cám ơn Trời.
Điều hạnh phúc nhất đối với tôi về cuộc đua ngày hôm ấy là tôi có thể, trên bình diện cá nhân, thực sự thưởng thức môn thi này. Tổng thời gian tôi đạt được không phải là cái gì để khoe khoang, và tôi đã mắc phải rất nhiều sơ suất vặt vãnh dọc đường. Nhưng tôi đã dốc hết sức mình, và tôi đã cảm thấy một cảm giác mãn nguyện hữu hình, đẹp đẽ. Tôi cũng cho rằng mình đã khá hơn trong rất nhiều lĩnh vực từ sau cuộc đua lần trước, đấy là một điều quan trọng phải xem xét. Trong ba môn phối hợp thì việc chuyển từ một môn này sang một môn khác là khó khăn, tất cả nhờ kinh nghiệm. Qua kinh nghiệm ta học được cách bù lại những thiếu sót thể chất của mình. Nói cách khác, học hỏi từ kinh nghiệm là điều làm cho ba môn phối hợp rất vui.
Dĩ nhiên là nó rất đau đớn, và có những lúc mà, về mặt cảm xúc, tôi chỉ muốn dẹp quách mọi thứ. Nhưng cái đau dường như là một điều kiện tiên quyết cho kiểu thể thao này. Nếu không có cái đau, ai lại nhọc công dấn thân vào các môn thể thao như ba môn phối hợp hay marathon, thứ đòi hỏi sự đầu tư thời gian và sức lực như thế chứ? Chính là vì cái đau, chính là vì ta muốn vượt qua cái đau ấy mà ta có thể có được cái cảm giác, qua quá trình ấy, rằng mình thực sự sống – hay ít nhất cũng cảm thấy phần nào điều đó. Phẩm chất kinh nghiệm của ta không dựa trên các tiêu chuẩn như thời gian hay thứ hạng, mà là cuối cùng ta nhận ra được tính trôi chảy ở chính hành động. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì là thế đấy.

Từ Niigata về lại Tokyo, tôi thấy khá nhiều ô tô có cột xe đạp trên mui trên đường từ cuộc đua trở về. Người trong xe ai nấy đều rám nắng và trông khỏe mạnh – thể trạng điển hình của ba môn phối hợp. Sau cuộc đua khiêm nhường của mình vào ngày thu Chủ nhật, tất cả chúng tôi đang trên đường trở về nhà mình, về với đời sống thường nhật của mình. Và với cuộc đua kế tiếp trong đầu, mỗi người chúng tôi, ở vị trí của mình, sẽ rất có thể lặng lẽ bắt tay vào việc tập luyện thường lệ. Ngay cả là, nếu nhìn từ ngoài, hay theo một góc nhìn cao hơn nào đó, lối sống này trông có vẻ vô bổ hay phù phiếm, hay thậm chí là hết sức vô tích sự, tôi cũng không bận tâm. Có thể nó là một hành động vô ích nào đó,như tôi đã nói trước đây, đổ nước vào một cái chảo cũ có lỗ thủng dưới đáy, nhưng ít nhất công sức ta đổ ra cho nó vẫn còn lại. Dù nó có ích lợi cho cái gì hay không, tuyệt vời hay hoàn toàn không, nghĩ đến tận cùng là điều quan trọng nhất là cái ta không thể nhìn thấy mà có thể cảm thấy trong tim mình. Để hiểu được cái gì giá trị, đôi khi ta phải có những hành động có vẻ như chẳng tới đâu. Nhưng ngay cả những hoạt động xem ra vô nghĩa cũng không phải đương nhiên là kết cục như thế. Đó là điều tôi cảm nhận được, với tư cách một người đã cảm thấy điều này, một người đã chứng nghiệm nó.
Tôi không biết liệu mình có thực sự duy trì chu trình hoạt động vô tích sự này mãi không. Nhưng tôi đã làm điều đó kiên trì qua một thời gian dài mà không trở nên chán khủng khiếp, đến nỗi tôi cho rằng tôi sẽ cứ tiếp tục chằng nào còn có thể. Chạy cự ly dài (dù ít hay nhiều, dù tốt hay xấu) đã rèn đúc tôi thành con người như tôi ngày hôm nay, và tôi hy vọng nó vẫn sẽ là một phần của đời tôi càng lâu càng tốt. Tôi sẽ rất vui nếu chạy bộ và tôi có thể cùng nhau già đi. Có vẻ như không logic lắm,nhưng đó là cuộc sống của tôi đã chọn ình. Chẳng phải là, muộn thế này rồi,tôi có những chọn lựa khác.
Những ý nghĩ này đi qua đầu tôi khi tôi chạy xe suốt dọc đường sau môn ba môn phối hợp, một mạch về nhà.
Tôi mong là mùa đông này tôi sẽ tham gia một cuộc marathon khác đâu đó trên thế giới. Và tôi tin chắc đến mùa hè năm sau tôi sẽ xuất hiện trong một cuộc thi ba môn phối hợp khác ở đâu đó, cố hết sức mình. Thế là bốn mùa đến rồi đi, và nhiều năm trôi qua. Tôi sẽ già thêm một tuổi, và có lẽ viết xong một cuốn tiểu thuyết khác. Từng cái một, tôi đối mặt những nhiệm vụ trước mắt và hoàn thành chúng hết sức mình. Tập trung vào từng bước về phía trước, nhưng đồng thời có một cái nhìn xa, xem xét kỹ quang cảnh phía trước xa hết mức có thể. Suy cho cùng thì tôi là người chạy đường trường.
Thời gian chạy của tôi, thứ hạng tôi đạt được, vẻ ngoài của tôi – tất cả những thứ đó đều là thứ yếu. Đối với một người chạy như tôi, điều thực sự quan trọng là đạt được mục đích chính mình đặt ra, trong khả năng của mình. Tôi dốc hết sức mình, chịu đựng cái cần chịu đựng, và tôi có thể, theo cách riêng của mình, mãn nguyện. Từ thất bại và niềm vui, tôi luôn cố gắng bước ra sau khi đã hiểu thấu một bài học cụ thể. (Nó phải là cụ thể, dù có nhỏ nhoi như thế nào chăng nữa). Và tôi hy vọng rằng theo thời gian, khi cuộc đua này tiếp cuộc đua khác, cuối cùng tôi sẽ đến được một nơi mà tôi hài lòng. Mà cũng có thể chỉ thoáng thấy nó. (Đúng thế, đó là một cách diễn đạt phù hợp hơn).
Một ngày nào đó, nếu tôi có một bia mộ và tôi có thể chọn cái để khắc trên ấy, tôi muốn nó đề thế này:
HARUKI MURAKAMI

1949-20**
Nhà văn (kiêm Người chạy bộ)
Ít ra ông ấy không bao giờ cuốc bộ
Tại thời điểm này, đó là điều tôi muốn được ghi.
Chú thích
[1] Pinata là một đồ đựng bằng giấy màu sáng đầy kẹo và/hoặc đồ chơi,thường được treo trên dây hay cành cây vào các dịp lễ. Trẻ con bịt mắt cố đánh thủng pixnata để nhặt kẹo, đồ chơi bên trong
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui