Năm 1983, Jeff mô tả những hiểu biết của mình về bầy cá heo ở công viên Thế giới Đại dương trong một bài viết gửi cho tập san của Tổ chức Sinh vật biển có vú Hoa Kỳ. Nhưng Jeff đã không thể lường trước hậu quả. Bực mình vì có một chú bé tự do chơi đùa với bầy cá heo, bất chấp luật lệ như thế mà ban quản lý công viên không hề hay biết, Ban Giám đốc công viên Thế giới Đại dương quyết định cấm cửa Jeff. Thế là Jeff đành lủi thủi quay gót về nhà trong nỗi thất vọng não nề.
Nhưng cha mẹ Jeff thì nhẹ cả người vì họ cho rằng chẳng ích lợi gì khi chơi với lũ cá heo kia, cho đến một ngày tháng 6 năm 1984, khi gia đình họ bất ngờ nhận được một cú điện thoại đường dài. Buổi chiều hôm đó, mẹ Jeff hỏi con trai: “Gần đây con có tham dự cuộc thi nào không?”
Rụt rè, Jeff thổ lộ rằng mình đã viết một bài luận để xin tổ chức Earthwatch một học bổng trị giá hơn 2.000 đôla mà cậu hằng ao ước. Người giành được học bổng sẽ được đi Hawaii một tháng cùng với những chuyên gia về cá heo. Khi nói ra những điều này với mẹ, Jeff tưởng sẽ bị mắng một trận. Nhưng không, trái lại, mẹ Jeff chỉ nói nhẹ nhàng: “Thế thì, con đã trúng giải rồi.”
Jeff há hốc mồm vì ngạc nhiên. Trước hết, đó là lần đầu tiên trong đời, cha mẹ Jeff đã nhận ra rằng con họ cũng có thể đạt đến ước mơ dành trọn tình yêu của mình cho cá heo.
Jeff đi Hawaii một tháng, dạy cho cá heo một loạt những mệnh lệnh để thử khả năng ghi nhớ của chúng. Vào mùa thu, Jeff đã đáp ứng được thêm được một điều kiện khác của học bổng, bằng một bài diễn thuyết về động vật biển có vú trước các bạn học cùng trường Trung học Torrance. Báo cáo của Jeff thể hiện một tình yêu mãnh liệt với đại dương, đến nỗi khán giả phải ghìm nỗi ghen tức mà nể phục diễn giả trẻ tuổi.
Sau khi tốt nghiệp, Jeff cố gắng tìm một việc làm trong ngành nghiên cứu đại dương, và kiếm thêm thu nhập bằng cách làm ngoài giờ ca đêm với mức lương thấp nhất. Cùng lúc đó, anh cũng đã nhận được bằng hội viên sinh vật học.
Tháng 2 năm 1992, anh xuất hiện tại văn phòng của cô Suzanne Fortier, quản lý chương trình huấn luyện động vật-đại dương ở công viên Diệu Sơn. Mặc dù đang làm hai công việc, anh vẫn tình nguyện chăm sóc những con cá heo ở Diệu Sơn vào những ngày nghỉ. Fortier đã cho Jeff một cơ hội và ngay lập tức Jeff khiến họ vô cùng ngạc nhiên. Trong số 200 tình nguyện viên mà Fortier đã huấn luyện trong vòng 10 năm qua, cô chưa từng thấy một ai c khả năng giao cảm đặc biệt với cá heo như Jeff.
Chẳng hạn như sự việc sau đây. Những nhân viên của Fortier muốn chuyển con cá heo Thunder nặng gần 300 kí đến một công viên khác. Con cá phải được chuyển đi trong một cái bể chứa dài gần hai thước, rộng hơn một thước. Trong suốt chuyến đi, Jeff luôn nài nỉ được ở trong thùng xe tải có cái bể chứa cá heo để cố gắng trấn an con cá đang hoảng loạn. Sau đó, khi Fortier gọi cho anh để hỏi thăm về tình hình con cá, từ trong buồng lái xe tải, Jeff trả lời: “Nó rất ổn. Tôi đang ru cho nó ngủ đây.” Thật ra Jeff đang ở trong bể chứa với Thunder! Fortier đã nhận biết điều đó. Trong vòng bốn tiếng đồng hồ, Jeff bềnh bồng trong cái bể chứa lạnh ngắt để ôm con cá trong vòng tay của mình.
Các cộng sự của Jeff càng ngạc nhiên hơn khi thấy anh rất thân thiết với những con cá này. Tại công viên Diệu Sơn, Jeff thích nhất nàng cá heo Katie, nặng khoảng 160 kí, tám tuổi; nó đã chào anh nồng nhiệt và bơi với anh hàng giờ liền. Còn ở công viên Thế giới Đại dương, Jeff có thể trò chuyện hàng giờ với những cô nàng cá heo và được chúng âu yếm đáp trả. Anh chẳng cần phải quan tâm đến việc bị người ta thử thách như thế nào.
Khi Jeff cố gắng chạy đến công viên Diệu Sơn vào buổi sáng xảy ra động đất, tất cả các xa lộ đều hư hỏng nặng, và những con đường với vô số rãnh sâu đã khiến anh phải quay ngược trở lại. Nhưng Jeff vẫn kiên quyết. Không gì có thể ngăn được ta. Cuối cùng khi đến được công viên Diệu Sơn, Jeff thấy mực nước sâu gần 4m trong hồ cá heo chỉ còn lại một nửa, và nước vẫn đang tiếp tục chảy ra ngoài từ vết nứt bên thành hồ. Cả ba con cá – Wally, Teri và Katie – đều đang rất hoảng loạn vì các cơn chấn động. Jeff phải nằm choài xuống một cái gờ cách mặt hồ khoảng hơn một mét để trấn an bọn chúng.
Để làm cho mấy con cá bớt căng thẳng trước những cơn chấn động liên tục, Jeff chơi đùa với chúng, nhưng cũng không thể xoa dịu được sự hốt hoảng. Tệ hơn thế, anh còn buộc lòng phải giảm khẩu phần ăn của chúng, vì hệ thống lọc nước của hồ đã bị hỏng, nguy cơ ô nhiễm hồ nước do chất thải của chúng rất cao.
Jeff vẫn ở lại với bọn cá suốt đêm đó khi ngoài trời lạnh dưới 00C. Anh vẫn ở lại đó vào ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, và thêm ngày nữa
Đến ngày thứ tư, một con đường được khai thông, các nhân viên của công viên Diệu Sơn tìm được một chiếc xe tải để chuyển Wally, Teri và Katie sang cái hồ ở nông trại Berry. Nhưng trước hết, cần phải có ai đó đặt chúng vào những cái bồn chứa. Di chuyển một con cá heo là một việc làm đơn giản, chỉ cần hướng dẫn nó chui vào một đường hầm và sau đó dùng một cái quang bằng vải bạt lớn vớt nó lên. Nhưng hiện giờ mực nước trong đường hầm quá cạn, không đủ cho cá bơi qua, vì thế buộc lòng phải bắt những con cá này khi chúng đang bơi ngoài hồ, rồi chuyển sang những cái quang.
Jeff và một nhân viên tên Bob tình nguyện làm việc này. Vì hiểu rõ những con cá nên Jeff biết rằng nếu bắt chúng ngoài hồ như thế này, thế nào cũng bị chúng quật đau hoặc gây thương tích.
Wally thì dễ dàng cho bắt, nhưng Teri và Katie lại dở chứng. Mỗi khi Jeff và Bob tiến lại gần Katie, con cá to khỏe này lại thủ thế bằng chiếc mõm cứng và mạnh mẽ của nó.
Gần bốn mươi phút trôi qua, hai người phải vất vả đánh vật với những cú húc đầu và quật đuôi tự vệ của Katie. Cuối cùng, trước khi được vớt lên cái quang vải bạt, Katie còn cắm những cái răng sắc nhọn như kim vào tay Jeff. Mặc cho vết thương đang rỉ máu, Jeff vẫn tiếp tục bắt nốt Teri bỏ vào bồn chứa.
Khi đến nông trại Berry, con Katie kiệt sức nhưng vẫn còn tỉnh táo. Sau đó, cô Fortier nói cho các đồng nghiệp biết, nhờ có sự can đảm và tài điều khiển của Jeff mà các cô nàng cá mới đến được nơi ở mới một cách an toàn.
Hiện nay, Jeff là một huấn luyện viên cá heo chuyên nghiệp tại công ty Nuôi dạy động vật biển ở Gulfport, bang Mississippi, nơi anh tổ chức các chương trình giúp các trường huấn luyện khác.
Một hôm, trước khi chuẩn bị đi Mississippi, anh tổ chức một buổi thuyết trình cho 60 học sinh ở trung tâm Swit tại một trong những công viên có bể nuôi cá mà anh đã giảng dạy. Anh để ý thấy có một cậu học sinh tên là Larry đã lẻn ra ngoài. Nhận thấy Larry là một trường hợp đặc biệt như mình trước đây, anh gọi cậu bé lại đứng kế bên mình. Sau đó Jeff cho cả hai tay vào một bể cá gần đó và vớt lên một con cá mập gai dài khoảng hơn một mét. Mặc dù con cá này không nguy hiểm, nhưng trông nó có vẻ khá dữ dằn. Anh cho phép Larry bế con vật ướt sũng ấy đi khắp phòng một cách hãnh diện trước sự sửng sốt của bọn nhóc.
Sau buổi huấn luyện đó, Jeff nhận được một lá thư cảm ơn. Trong thư viết rằng: “Cảm ơn anh vì những công việc đầy ý nghĩa mà anh đã làm cho học sinh chúng tôi. Trở về nhà, các em rất hớn hở vì đã học được nhiều kinh nghiệm. Nhiều em kể cho chúng tôi nghe chuyện Larry đã được bế một chú cá mập. Đây quả là thời khắc sung sướng nhất và hãnh diện nhất trong đời em ấy. Hơn nữa, việc anh đã từng là một cựu học sinh ở đây góp thêm nhiều ý nghĩa. Anh chính là tấm gương để bọn trẻ noi theo với thông điệp thế nào các em cũng sẽ ‘làm được’ như thế trong đời.” Tác giả lá thư đó chính là Janet Switzer, người sáng lập trung tâm này.
Vào buổi chiều tuyệt vời ấy, Jeff rất hài lòng về những gì đã làm được. Khi đang diễn thuyết, Jeff thấy cha mẹ ngồi trong hàng ghế khán giả và chăm chú nhìn anh. Nhìn nét mặt hai người, Jeff có thể nói rằng, cuối cùng cha mẹ cũng cảm thấy hãnh diện về con trai mình.
Trong đời, Jeff chưa bao giờ kiếm được số tiền nhiều hơn 14.800 đôla một năm, song anh vẫn tự cho mình là người giàu có và là một người may mắn hiếm thấy. Jeff nói: “Tôi đã hoàn toàn được đền đáp, những con cá heo đã cho tôi rất nhiều khi tôi còn là một cậu bé. Chúng đã mang lại cho tôi một tình yêu vô điều kiện. Khi nghĩ về những điều mình còn nợ chúng…”, trong khoảnh khắc giọng anh chùng xuống, và anh lại mỉm cười: “Chúng đã mang lại cho tôi cuộc sống. Tôi nợ chúng mọi thứ.”
PAULA MCDONALD
Đối mặt với sự thật
Với bất cứ những gì mà bạn đang làm, hãy yêu chính bản thân bạn vì điều đó.
Với bất cứ những gì mà bạn đang nghĩ, hãy yêu chính bản thân bạn vì điều đó.
Thadeus Golas
Khi sắp bước qua tuổi 16, bạn thường đứng trước gương và ngắm nghía khuôn mặt mình không sót một chỗ nào. Có thể bạn sẽ đau khổ vì cái mũi mình to quá, còn trên cái mũi ấy là một cái trán đầy mụn, và trên cùng là khuyết điểm khiến bạn thất vọng hết chỗ nói: tóc bạn không có màu vàng óng, nên anh chàng học cùng lớp Anh văn vẫn chưa thèm để ý đến bạn.
Hai năm trước đây, Alison chưa bao giờ bận tâm về vấn đề nan giải này. Vốn là một nữ sinh lớp mười một, yêu kiều, thông minh và được nhiều người biết đến, Alison còn là một thủ môn trong đội tuyển bóng gậy của trường và là một tình nguyện viên của chương trình Bảo vệ sự sống đại dương. Với mái tóc vàng và dày, đôi mắt xanh lơ, thân hình cao và mảnh khảnh, Alison trông giống như một người mẫu áo tắm hơn là một học sinh trung học. Nhưng mùa hè năm ấy, một biến cố đã thay đổi cuộc đời Alison.
Sau một ngày hoạt động cho chương trình Bảo vệ sự sống đại dương, Alison lập tức quay về nhà, gội đầu cho trôi ngay thứ nước biển đầy muối và chải mái tóc rối bời cho mượt. Alison phủ mái tóc bị nắng táp về phía trước trán. Mẹ cô thốt lên: “Ali! Con đã làm gì thế này?” Bà đã phát hiện một mảng tóc sói trên đỉnh đầu con gái. “Con đã nhổ tóc hay sao thế? Hay là khi con đang ngủ có ai đó đã cạo đầu con chăng?” Sau khi tìm đủ nguyên nhân, hai mẹ con cho rằng Alison đã cột tóc quá chặt đến nỗi rụng tóc, rồi nhanh chóng quên đi sự cố đó.
Ba tháng sau, một mảng da đầu trụi tóc khác lại lộ ra, và lại một mảng khác nữa. Chẳng mấy chốc, mái tóc của Alison rụng lỗ chỗ gần hết. Chẩn đoán Alison quá căng thẳng thần kinh và sau những lần điều trị bằng cách xức dầu dưỡng tóc vào những chỗ tóc rụng, chuyên gia tóc bắt đầu sử dụng đến thuốc tiêm cortisone. Cứ hai tuần một lần, Alison được tiêm 50 mũi cho mỗi chỗ rụng tóc. Để che phần da đầu đỏ bóng đó, Alison được phép đội mũ bóng chày khi đi học. Chỉ trong vòng hai tuần sau khi điều trị, từng chùm tóc nhỏ lại tiếp tục rụng khỏi da đầu của Alison. Cô đã mắc chứng rụng tóc (alopecia), một chứng bệnh về tóc không thể chữa khỏi.
Với bản tính vui vẻ và được nhiều bạn bè yêu mến, Alison vẫn tiếp tục mọi sinh hoạt với nỗi buồn giấu kín bên trong. Một lần, em gái của Alison đi vào phòng ngủ của cô với chiếc khăn tắm trùm lên đầu. Khi gỡ chiếc khăn ra, Alison thấy những lọn tóc dày và rối bời rủ trên đôi vai em gái. Nâng mái tóc mềm mại của em trong tay, Alison bật khóc. Đó là lần đầu tiên Alison khóc kể từ khi chuyện không may đó xảy ra với cô.
Dần dần, Alison đã thay chiếc nón kia bằng một chiếc khăn trùm, không cần giấu giếm bệnh của mình nữa. Vì mái tóc chỉ còn lơ thơ vài nhúm, Alison phải mang tóc giả. Thay vì cố gắng hồi phục mái tóc vàng óng mượt thuở nào, Alison lại giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Cô đã chọn cho mình một mái tóc giả màu vàng nâu chấm ngang vai. Sao lại không nào? Người ta vẫn luôn cắt và nhuộm tóc đấy thôi. Với diện mạo mới này, Alison đã lấy lại sự tự tin ban đầu. Ngay cả khi mái tóc giả bị gió thổi bật khỏi đầu khi Alison ngồi bên cửa sổ xe hơi, mấy đứa bạn cũng vui vẻ cười thông cảm.
Nhưng khi mùa hè trở lại, Alison bắt đầu lo lắng. Nếu không thể mang tóc giả trong nước, thì làm sao cô có thể tiếp tục hoạt động cho chương trình Bảo vệ sự sống đại dương được nữa? Ba cô hỏi: “Sao thế con, con đã quên cách bơi rồi ư?” Câu hỏi đó đã mang lại cho Alison một gợi ý.
Mang cái mũ bơi suốt cả ngày thật là khó chịu nên Alison đã lấy hết can đảm quyết định để đầu trần, mặc kệ những ánh mắt soi mói và những lời bình phẩm của một số người trên biển: “Tại sao lại điên khùng cạo hết tóc của mình như những tay cuồng nhạc rock như thế?
Alison trở lại trường vào mùa thu năm ấy với cái đầu trọc lóc, không chân mày, không lông mi. Như đã dự định từ lâu, Alison sẽ vận động tranh cử chức chủ tịch hội học sinh, chỉ cần thay đổi bài phát biểu của mình chút ít thôi. Kèm theo bài phát biểu, Alison chiếu phim giới thiệu các nhà lãnh đạo có cái đầu hói, từ Gandhi cho tới Mr. Clean, khiến toàn thể học sinh và các thầy cô nhiệt liệt hoan nghênh.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi trúng cử, Alison đã đề cập đến hoàn cảnh của mình, trả lời những câu hỏi một cách hoàn toàn thoải mái. Alison chỉ vào chiếc áo sơ mi đang mặc có dòng chữ in trước ngực “Ngày Chơi Tóc Bụi”, và nói: “Một ngày nào đó khi tất cả quý vị thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy không hài lòng về diện mạo của mình, quý vị có thể mặc chiếc áo này vào.” Bên ngoài, Alison mặc thêm một chiếc áo sơ mi khác có dòng chữ “Ngày Không Tóc” và nói tiếp: “Buổi sáng khi thức dậy, tôi mặc chiếc áo này vào.” Tất cả mọi người vỗ tay hoan hô. Và Alison với đôi mắt xanh lơ, xinh đẹp, duyên dáng, nổi tiếng thông minh – chưa kể cô còn là một thủ môn đội tuyển bóng gậy của trường, một tình nguyện viên chương trình Bảo vệ sự sống đại dương và giờ đây, chủ tịch hội học sinh – đang mỉm cười từ sau bục diễn thuyết.
JENNIFER ROSENFELD và ALISON LAMBERT
Tôi đã được tự do!
Nhiệm vụ phía trước chúng ta không bao giờ nặng nề như nghị lực trong lòng chúng ta.
Một kẻ nghiện rượu vô danh
Tháng 5 năm 1989
Chỉ còn một tháng nữa là tốt nghiệp phổ thông, hơn bao giờ hết tôi quyết tâm phải lăn cho được lên sân khấu tốt nghiệp bằng chính chiếc xe lăn tay của mình. Như các bạn biết đấy, tôi bị bệnh bại não bẩm sinh nên không thể nào bước đi được. Để luyện tập cho ngày tốt nghiệp, tôi tập ngồi xe lăn hàng ngày ở trường.
Thật khó khi phải tự mình đẩy xe đi vòng quanh sân trường, trong khi phải mang theo bốn năm quyển sách, nhưng tôi vẫn cố làm được điều đó. Trong vài ngày đầu mới ngồi xe lăn ở trường, ai cũng muốn đẩy xe giúp tôi đi từ lớp này qua lớp khác, nhưng sau vài lần tôi nửa đùa nửa thật nói với tụi bạn: “Mình không cần sự giúp đỡ hay thương hại của các cậu đâu nhé”. Thế là tụi bạn tôi hiểu ý và để tôi tự mình thở hổn hển lăn xe đi khắp trường.
Lúc nào tôi cũng cảm thấy hết sức hài lòng khi ngồi trên chiếc xe lăn của mình, nhưng khi bắt đầu lăn xe đi vòng vòng trong sân trường, tôi nhận thấy phần thưởng mình được hưởng còn lớn hơn nhiều so với những gì tưởng tượng. Không những tự thấy mình thật khác biệt, mà dường như tôi cũng được các bạn nhìn ở một đẳng cấp khác. Các bạn cùng lớp đã biết rõ sự kiên trì và quyết tâm của tôi, và nói thật là cũng có phần nào nể trọng tôi vì điều đó. Tôi hoàn toàn thoải mái về tinh thần và thể xác như thể được hồi sinh khi kiên trì sử dụng chiếc xe lăn tay.
Khi lớn hơn chút nữa, được sử dụng chiếc xe lăn điện tử, tôi càng cảm thấy được tự do hơn rất nhiều. Tôi có thể đi lại bất cứ nơi nào một cách thoải mái và tự do mà không phải tốn nhiều sức lực. Tuy nhiên, càng lớn, tôi càng nhận ra rằng, chiếc xe lăn điện tử từng mang lại cho tôi nhiều sự tự do ấy đã nhanh chóng trở thành chướng ngại vật. Tôi nhận thấy nếu còn phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe lăn điện tử đó, tôi không còn là một người tự do nữa. Sự thôi thúc được tự do về mọi mặt trong cuộc sống đã làm tôi hết sức bực mình.
Đối với tôi, tốt nghiệp phổ thông trên một chiếc xe lăn là khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời. Tôi muốn vào đời bằng hình ảnh một thanh n hoàn toàn tự do, độc lập – tôi sẽ không cho phép mình trình diện trên sân khấu tốt nghiệp trong một chiếc xe lăn điện tử. Không cần biết là phải mất 20 phút mới đi hết sân khấu, tôi quyết sẽ đi bằng xe lăn tay.
Ngày 14 tháng 6 năm 1989
Ngày tốt nghiệp. Buổi chiều hôm ấy toàn thể học sinh tốt nghiệp diễu hành quanh sảnh đường với mão và áo thụng, rồi đi về phía chỗ ngồi ở sân khấu. Tôi ngồi một cách tự hào trên chiếc xe lăn tay thông thường ở hàng ghế đầu lớp tốt nghiệp của tôi.
Khi người dẫn chương trình xướng tên tôi, tôi nhận thấy rằng tất cả những gì mình phấn đấu khi còn là một đứa trẻ nay đã trở thành hiện thực. Cuộc sống độc lập mà tôi đã cố gắng cật lực để đạt cho bằng được nay đang nằm trong tầm tay của tôi.
Tôi đẩy xe từ từ về phía sân khấu. Trong lúc cố gắng tập trung đẩy mình về phía trước, nhìn lên, tôi thấy mọi người trong sảnh đường đều dành cho tôi sự hoan nghênh nhiệt liệt. Tôi nhận tấm bằng tốt nghiệp mà lòng cảm thấy rất tự hào. Quay lại nhìn các bạn, tôi giơ cao tấm bằng qua khỏi đầu, và la lên thật lớn: “Tôi đã làm được rồi… Tôi đã làm được rồi!”
MARK E. SMITH
Cho những khởi đầu mới
Tháng 6, 1996
Chào con yêu của mẹ,
Thật là tốt đẹp vì con đã tốt nghiệp rồi! Sau lễ tốt nghiệp, con đã sẵn sàng bước vào cuộc hành trình mới trong cuộc đời. Mẹ biết rằng con đang rất phân vân, bối rối. Kỳ lạ là trong hầu hết những khoảnh khắc quan trọng nhất của cuộc đời, tâm trạng của chúng ta thường lẫn lộn nhiều cảm xúc. Nhưng điều đó cũng tốt. Nó làm cho những thời điểm thuận lợi trở nên quý giá hơn và vào những thời điểm-không-thuận-lợi-lắm, chúng ta cũng có thể chịu đựng được.
Mẹ đã suy nghĩ rất nhiều để cố tìm ra những lời khuyên khôn ngoan dành cho con. Đó là một trong những trách nhiệm khó khăn nhất của người làm cha mẹ – phải cân nhắc những gì nên nói ra và những gì phải để lại cho con khám phá. Cuối cùng mẹ đã quyết định chỉ gợi ý cho con một chút để trả lời được những câu hỏi của cuộc đời mà thôi. Một số người sống hết cả cuộc đời mà vẫn không hề có một chút băn khoăn về điều đó. Như thế thật là quá tệ. Khi con tìm kiếm những câu trả lời, con sẽ có những khám phá thật tuyệt vời. Có khi con sẽ bực mình vì ngay khi con nghĩ mình đã tìm được câu trả lời, con sẽ lại thấy mình cần hỏi thêm những câu khác. (Đó là lý do tại sao ngay cả khi đến tuổi trưởng thành, mẹ vẫn chưa thể tìm ra được những câu trả lời!) Ở mức độ nào đó, mẹ mong rằng sự chia sẻ nho nhỏ về cuộc đời và tâm hồn của mẹ sẽ ít nhiều giúp con trả lời được các câu hỏi mà con gặp phải.
Ai? Đó là một câu hỏi quan trọng mà mẹ đã mất không ít thời gian để tìm ra câu trả lời. Con hãy dành thời gian để tìm hiểu xem con là ai và hãy sống thật với chính mình. Hãy cố gắng sống chân thật, đáng kính và vui vẻ. Khi con sống trong yên bình, mọi việc sẽ ổn định. Hãy cẩn thận đừng để vật chất làm lu mờ nhân phẩm của con. Hãy làm sao để con được trưởng thành và đổi mới. Và con hãy luôn nhớ rằng con không phải chỉ có một mình – con còn có gia đình, bạn bè, được các thánh thần và Thiên Chúa phù hộ (không cần thiết phải đúng theo thứ tự này đâu!)
Cái gì? Đây cũng là một câu hỏi đòi hỏi sự khéo léo, và lúc đầu mẹ cũng đã muốn phát khùng lên với câu hỏi này. Mẹ nghĩ câu hỏi sẽ là: “Hôm nay mình sẽ làm gì?” Tuy nhiên, sau đó mẹ lại thấy mọi việc trở nên thú vị hơn khi mẹ hỏi: “Mình đam mê điều gì?” Hãy khám phá xem điều gì đang thôi thúc khiến con phải tiến lên, lúc đó hãy nuôi dưỡng, ấp ủ nó. Hãy phân tích rồi tổng hợp lại, hãy làm điều con cảm thấy yêu thích. Niềm vui mà công việc mang lại sẽ giúp con tiếp tục vượt qua một số nỗi buồn trong cuộc sống.
Khi nào? Đây lại là một câu hỏi kín đáo. Đừng coi thường nó. Nó sẽ giúp con đứng vững. Có một số việc tốt nhất là con nên làm từ bây giờ. Chớ để ngày mai. Nhưng con cũng nên nhớ rằng làm điều gì cũng phải có thời điểm phù hợp, cho nên có một số chuyện không nên dính dáng vào lúc này. Cũng có thể con sẽ gặp khó khăn, nên con cần phải dành thời gian để ngơi nghỉ và thưởng thức sự kỳ diệu của mỗi một ngày mới. Bằng sự tập luyện, con sẽ được hài lòng về những việc đã làm và biết vui sướng khi chờ đợi để lập kế hoạch cho những chuyện khác.
Ở đâu? Thật ngạc nhiên, đây lại là một câu hỏi dễ trả lời nhất, đó là khi gia đình luôn ở trong trái tim con và trái tim con ở bất cứ nơi đâu mà con gọi là gia đình. Hãy trở thành một thành viên năng động trong cộng đồng của con và con sẽ khám phá ra sự nồng ấm đặc biệt mà cộng đồng dành cho con. Con hãy luôn nhớ rằng thái độ tử tế và khiêm tốn nhất sẽ mang lại một sự khác biệt to lớn, và từ đó con có thể thay đổi cả thế giới.
Tại sao? Đừng bao giờ ngừng hỏi câu hỏi này vì nó làm cho con trưởng thành. Hãy để nó thách thức mỗi khi con trở nên quá tự mãn. Hãy để nó hét vang khi con thực hiện những quyết định. Hãy để nó thỏ thẻ vào tai khi con không nhận ra mình là ai hoặc mình muốn ở đâu. Nhưng con cũng cần phải cẩn thận với câu hỏi này. Đôi khi, phải mất đến nhiều năm con mới tìm ra được câu trả lời hoặc không. Khi nhận biết được điều căn bản này, con sẽ trở nên thanh thản và có thể tiếp tục tiến lên.
Thế nào? À, đây chính là câu hỏi mà mẹ không thể khuyên con được gì cả! Chính con phải tìm ra câu trả lời theo cách rất riêng của con. Nhưng hình như con đã tìm ra được câu trả lời trong mấy năm qua rồi mà, cho nên mẹ biết rằng con sẽ ổn thôi. Hãy tin tưởng vào chính mình và vào những điều kỳ diệu. Con hãy nhớ rằng những khám phá lớn lao nhất luôn xuất hiện sau khi con đã trả lời sai. Và con hãy luôn luôn nhớ rằng mẹ rất yêu con.
Chúc mừng con với một sự khởi đầu mới.
Yêu con,
Mẹ
PAULA (BACHLEDA) KOSKEY
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...