Ngoại truyện 1: Nhật ký thành tinh của Nhị Hóa
Trước cửa hàng tạp hóa đầu thôn Hạnh Phúc làng Tam Táo, một ông lão tóc hoa râm đón ánh mặt trời lâu không ló dạng, mắt nheo lại, ngay sau đó cúi đầu xuống, cẩn thận đặt những sợi thuốc lá vào tấm giấy cuốn thuốc trải bằng, rồi từ từ cuộn lại, thuận thế đẩy lên trên. Một lát sau, tờ giấy cuốn thuốc đặt trên đùi biến thành một điếu thuốc cuốn tự chế.
Động tác này lặp lại không biết bao nhiêu lần, có vẻ vô cùng thuần thục, nhưng ông cụ vẫn tự đắc mỉm cười, ngón tay vuốt phẳng điếu thuốc, những đầu ngón tay thô to nhúng vào keo sau đó miết lên mặt giấy.
Châm thuốc và hít một hơi thật sâu, hương vị vừa cay vừa đắng của nó tấn công phổi, ông cụ tặc lưỡi liếm đôi môi khô ráp, vẻ mặt rất thoải mái, đến những nếp nhăn quanh miệng cũng như chứng minh cho tên của thôn này.
Lúc nông nhàn, lực lượng lao động trong thôn gần như đều đến mỏ than bên cạnh. Sau bữa trưa của một ngày mùa đông, trong thôn Hạnh Phúc chỉ còn nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng trẻ con léo nhéo.
Bỗng nhiên, một tiếng phanh gấp cắt đứt dòng suy nghĩ của ông lão.
Ông lão nheo mắt, ngay sau đó đôi mắt mờ đục hiện ra những tia nhìn lấp lánh kinh ngạc, run rẩy đứng lên, mở cổ họng nói: "Ngưu Độc Tử? Tiểu tử này... áo gấm về làng rồi?".
Ngưu Độc Tử của thôn Hạnh Phúc từ nhỏ đã là mầm họa của thôn. Dùng cỏ khô chặn ống khói, ném pháo vào chuồng lợn, những việc này không nói, có điều mười tuổi bắt đầu hiểu chuyện đứa trẻ mới lớn dẫn đầu đám trẻ nhỏ hơn nó trong thôn lén nấp sau cửa sổ nhìn cô dâu mới nhà Phú Quý cuối thôn tắm rửa.
Đã ba năm rồi, một đêm vợ Phú Quý bị con trai trưởng thôn làm nhục. Con trai trưởng thôn chân trước vừa bước ra khỏi cửa, cô vợ nhà Phú Quý đã xé ga giường làm dây treo cổ, may được cứu sống. Phú Quý đúng là tên chẳng ra gì, chỉ biết trốn vào góc tường hút thuốc. Đàn ông không dám ra mặt, vợ Phú Quý tự tử chẳng thành, khóc không lên tiếng.
Không lâu sau, con trai trưởng thôn ra cầu tiêu bên cạnh ao cá của nhà mình giải quyết, trượt chân ngã xuống hố. Khi người ta phát hiện kéo lên, thì người đầy phân, mặt xanh tím tái, chỉ còn thoi thóp hơi tàn.
Những cầu tiêu đơn giản trong thôn đều là hai thanh gỗ bắc ngang, phân thải ra còn dùng để bón cây. Sau khi sự việc xảy ra, hiện trường giống như tuyết lở, hai bên tường của cầu tiêu là dốc nghiêng, thì ra đất dưới hai tấm gỗ đó đã bị nới lỏng.
Công an đến điều tra, người trong thôn ai cũng nói không biết và không nhìn thấy ai lảng vảng gần đây khi chuyện xảy ra. Tháng thứ hai mọi chuyện lắng dần, Ngưu Độc Tử cõng theo bao xi măng, bên trong có một bộ quần áo để thay, và một ít màn thầu do mẹ làm cho, ngồi trên xe hàng nhỏ hỉ hả rời làng.
Tiệm tạp hóa này của ông cụ đã mở được hơn hai mươi năm, tuổi cũng đã cao, nhưng lại rất nhớ những chuyện xảy ra trước đây. Năm đó, vừa ra khỏi thôn, Ngưu Độc Tử bị chặn lại. Nơi chiếc xe hàng kia dừng cũng chính là vị trí chiếc xe đen bóng sáng loáng này dừng. Hồi ấy, Phú Quý tay run rẩy nhét một trăm tệ vào tay tên tiểu tử ấy, vợ Phú Quý nước mắt lưng tròng đưa cho hắn một túi đồ ăn, những người khác cho gì đại khái không còn nhớ rõ nữa, ông cụ chỉ còn nhớ khi đó mình đã chạy vào lấy một điếu thuốc loại đắt nhất trong quầy hàng, nhét vào cái bao xi măng bẩn thỉu kia.
Khuôn mặt nhỏ đắc ý đứng ở thùng xe không ngừng vẫy tay chào giờ đang hiện ra trước mắt, ông cụ nhìn kỹ, mặc dù đã trưởng thành rồi, nhưng vẫn đường nét ấy, vẫn khuôn mặt ấy, và vẫn đôi mắt mờ đục ươn ướt ấy.
"Đồ lòng lang dạ sói, cậu quên thôn Hạnh Phúc rồi sao?"
"Cậu Bảy, chẳng phải cháu về rồi đây à?" Lưu Đại Lỗi mở cốp xe, ôm hai thùng rượu cùng thuốc, bước tới cạnh ông cụ đặt xuống. "Hiếu kính cậu, đều là hàng tốt cả đấy."
Cậu ta gõ gõ vào thùng giấy, chau mày nháy mắt. Niềm vui mừng lúc này chợt biến mất, ông cụ hừ lạnh một tiếng, ngồi xuống, hít một hơi thuốc, lên giọng dạy dỗ: "Ở bên ngoài bao nhiêu năm như thế, tưởng tiểu tử cậu thành người thế nào, vẫn là kẻ vô lại!".
Lưu Đại Lỗi bỏ qua lời giáo huấn của người già nhiều tuổi nhất thôn, kéo chiếc quần tây thẳng thớm ngồi xuống cạnh cửa, cười gian xảo. Nhân lúc ông cụ không đề phòng, cậu ta giật lấy điếu thuốc tự chế, rít một hơi, ậm ờ nói: "Phải mười năm rồi cháu mới hút...".
Hơn mười năm không cướp hàng của cậu Bảy, thứ khói cay nồng của thuốc tự chế đặc sản địa phương xộc thẳng vào phổi, khiến Lưu Đại Lỗi ho tới ngồi không vững. Vừa bình tĩnh lại, mở đôi mắt đầy nước mắt bởi sặc khói ra, cậu ta đã nhìn thấy ông cụ đang cười bộ dạng vờ vịt của mình.
"Mới bao lâu chứ, học người thành phố rồi phải không? Thật chẳng ra gì!" Ông cụ nói rồi không cười nữa, đập vào ngực Lưu Đại Lỗi một cái, "Tiểu tử mất gốc! Hơn mười năm chẳng quay về, không biết lại tưởng cậu đã chết ở đâu rồi! Mẹ cậu khóc không biết bao lần? Khi cha cậu chết cũng không thấy mặt cậu đâu. Mẹ cậu phải vào bệnh viện thôn cũng chẳng thấy cậu về. Anh em cậu lấy vợ sinh con cũng không có mặt cậu! Sao, kiếm được vài đồng thì thành ông này ông nọ rồi? Trong mắt cậu Bảy, cậu có bay lên trời vẫn là tên xấu xa đấy thôi".
Mỗi lần mắng một câu, tay ông cụ lại đấm một cái. Lưu Đại Lỗi lấy tay chặn ngực, gào lên oan ức, "Cháu không phải không muốn về, mà là không thể về. Cậu Bảy, cậu nhẹ thôi, bằng này tuổi rồi mà gãy xương là không đùa được đâu".
Đợi ông cụ thu tay về, Lưu Đại Lỗi mới ngồi xuống, nghiêm mặt nói: "Điếu thuốc vừa rồi đâu, cho cháu thêm điếu nữa?".
Ông cụ hừ một tiếng, rổi lại lấy giấy và lá thuốc ra cuốn, vừa cuốn xong liền bị Lưu Đại Lỗi cướp mất.
Lần này đã có chuẩn bị, cậu ta chầm chậm thưởng thức thứ khói lan tỏa trong ngực, rồi hạnh phúc thở ra. Cậu Bảy cũng im lặng ngồi cạnh đứa cháu hút thuốc. Một buổi chiều tĩnh lặng thế này, ánh nắng mong manh, một già một trẻ, cùng nheo mắt lại giống như đang nhìn lên trời qua làn khói xanh do chính mình nhả ra.
"Về nhà đi." Ông cụ định vỗ vào đầu người ngồi bên cạnh một cái, đột nhiên nhớ ra cậu ta không còn là trẻ con nữa, tay bèn trượt xuống, đập vào lưng Lưu Đại Lỗi.
Lưu Đại Lỗi lấy chân dập thuốc, rồi đứng trước mặt ông cụ cung kính cúi đầu, "Cậu Bảy, mấy năm nay nhờ cậu chăm sóc cho gia đình cháu, cháu xin cảm ơn".
Ông cụ khẽ nhăn mặt, "Nói cái này làm gì? Nhớ khi nào ta chết quay về khiêng quan tài là được".
Nói rồi ông cụ hất tay, quay đầu bước vào cửa hàng tạp hóa.
Lưu Đại Lỗi bất mãn, từ năm mười bốn tuổi cậu ta đã lưu lạc giang hồ, việc gì cũng đã làm qua, ngay cả kẻ trộm trên đường, ăn mày... cũng từng làm rồi. Năm đó, Đại Lỗi ăn trộm đồ bị người ta bắt được đánh cho một trận, đành phải kéo lê đôi chân gần như bị hỏng đi khắp Vấn Sơn xin ăn. Bỗng nhìn thấy một kẻ say rượu nằm ngủ bên thùng rác, cậu ta không những không lén lút lấy xấp tiền giấy của người kia, mà còn lặng lẽ ngồi cạnh đợi người ấy tỉnh lại.
Người ấy tỉnh lại nhìn cậu ta hồi lâu, rồi đưa sang quán cơm bên đường cho ăn no, sau đó hỏi Lưu Đại Lỗi có hận kẻ đã đánh gãy chân mình không. Lưu Đại Lỗi do dự, cuối cùng vẫn nói thật rằng không hận, ai bảo mình đi ăn trộm trước chứ? Người kia cười mắng Đại Lỗi vô dụng. Cậu ta tức tối bảo mình cũng không sai, vì đói, không tìm được việc làm, cậu ta chỉ muốn sống tiếp để sau này về gặp mẹ.
Nghe rồi, người kia không cười nữa, hút thuốc và nhấp một ngụm rượu, gật đầu nói không sai, sai là ở ông trời.
Người ấy chính là sư phụ của Lưu Đại Lỗi.
Hồi đó, sư phụ của Lưu Đại Lỗi đã ốm tới không thành hình dạng, tửu sắc tài khí không kiêng thứ gì, vậy mà vẫn cầm cự được vài năm. Sau khi sư phụ mất, cậu ta lại đơn độc một mình.
Khi cuộc sống khá hơn, Đại Lỗi bắt đầu gửi tiền về nhà. Nghe em trai nói chuyện ngày trước không ai nhắc tới nữa, cậu ta định làm thêm vài năm, tích lũy đủ tiền về quê xây nhà cưới vợ.
Ai ngờ lại bị vào Dã Gia Sơn.
Một bước đi sai, lỡ cả đám tang của cha, lỡ cả việc không thể về thăm lúc mẹ ốm, và lỡ cả đám cưới của em trai.
Khi về, Lưu Đại Lỗi lái chiếc xe việt dã của lão đại. Trên xe chất đầy hàng Tết, vừa rồi dừng lại đã thu hút sự tò mò của một đám trẻ con. Cậu ta mặc bộple mua ở trung tâm thương mại Nguyên Châu, dù không được như Khương Thượng Nghiên nhưng nhìn cũng rất oai phong, lúc gặp chị dâu cũng phải buột miệng khen "Đẹp trai".
Trong mắt người ngoài, thế này có thể gọi là áo gấm về làng, song đứng ở cuối thôn, nhìn mấy nhà bên cạnh đèn điện sáng trưng, khẽ sờ vào những viên gạch đỏ, Lưu Đại Lỗi lòng buồn đìu hiu.
Đám trẻ con chạy theo sau Đại Lỗi không xa. Thấy cậu ta dừng bước, chúng cũng dừng lại, vẻ mặt vừa náo nhiệt vừa hiếu kỳ, rì rà rì rầm, không biết đang bàn tán điều gì. Lưu Đại Lỗi hơi xấu hổ, thầm nghĩ khi ông mày xưng bá xưng vương ở thôn Hạnh Phúc, đám trứng nước chúng mày còn chưa ra đời.
Đang băn khoăn, không biết nên đẩy cửa vào hay đứng ngoài đợi, thì cổng bỗng mở. Một người phụ nữ trẻ nhìn anh với vẻ khó hiểu, sau đó chống nạnh quay sang quát đám nhóc đằng sau: "Nhìn gì mà nhìn, đi chỗ khác chơi đi!".
Đám trẻ con ồn ào rồi giải tán, chỉ còn hai, ba đứa to gan đứng từ xa ngó lại. Người phụ nữ trẻ quay đầu, tiếp tục chống nạnh, nhìn Lưu Đại Lỗi từ trên xuống dưới một lượt, sắc mặt dịu dần, nhưng khẩu khí vẫn chẳng khách sáo chút nào, hỏi: "Tìm ai?".
Lưu Đại Lỗi khép miệng, đồng thời nuốt câu trả lời "Tìm mẹ" vào trong, dùng ánh mắt thăm dò quan sát người phụ nữ có lẽ là em dâu mình một lượt, rồi dừng lại nơi bàn tay to thô đang chống vào cái hông khá nở nang, lòng thầm tán thưởng mẹ mình quả có con mắt tinh tường, em dâu chắc mắn lắm, sau đó mở miệng hỏi: "Lưu Đại Lâm ở đây?".
Người phụ nữ kia như đọc được suy nghĩ của kẻ lạ mặt, ánh mắt sắc như dao, còn chưa trả lời, thì bà mẹ từ trong nhà ngang đi ra, qua sân, hỏi: "Thu Chi, ai ở cổng thế?".
Chính là bóng dáng ấy, bóng dáng thân quen đã hiện lên trong mơ của Lưu Đại Lỗi không biết bao lần, mẹ cậu ta sững lại, lùi mấy bước, nhìn kỹ cho rõ đứa con trai lớn.
Nhìn xong, hai hàng nước mắt ròng ròng.
Con trai cả của bà lấy danh nghĩa đi làm ăn bên ngoài mà sang thôn bên cạnh tránh sóng gió, lúc ấy mới chỉ là một đứa trẻ mười ba, mười bốn tuổi. Đi một cái là đi liền mấy năm, tin tức đầu tiên gửi về lại là phải vào tù Dã Gia Sơn.
Khó khăn lắm mới ra được, lại sợ mất mặt, cậu ta không dám bước chân vào cửa nhà, cũng chẳng biết đi đâu.
Mẹ Lưu Đại Lỗi đếm từng ngày, đây là lần đầu tiên bữa cơm gia đình đầy đủ các thành viên. Nhìn hai đứa con trai cắm cúi và cơm, lại nhớ đến ông chồng đã đi xa, những ngón tay to thô của bà bất giác đưa lên lau nước mắt.
Ngày trước người trong thôn vẫn nói con trai cả nhà họ Lưu lanh lợi, sau này nhất định sẽ có tiền đồ. Cả Lưu Đại Lỗi cũng không ngờ, tới nay người lo lắng cho cái nhà này lại là người em trai ít nói của mình.
Món tiền cậu ta gửi về trước khi vào tù, là em trai đứng ra quyết định dùng danh nghĩa nhà vợ mua hai chiếc xe, sau lại trả hết tiền bẩn, dùng hai cái xe này cùng cậu em vợ làm phương tiện làm ăn, cũng phải nhờ vào tiền em trai kiếm được lo hậu sự cho cha, còn xây nhà ba tầng.
Em dâu không một tiếng phản đối.
Vì việc này, Lưu Đại Lỗi chẳng màng tới quy tắc, kiên quyết yêu cầu em trai và em dâu ngồi yên, còn mình thành tâm thành ý kính rượu. Em dâu Lưu Đại Lỗi tên là Quế Chi, hôm nay em gái Quế Chi đến nhà giúp đỡ, chính là người cậu ta gặp ở cửa, Thu Chi
Ngồi cùng một bàn, lại được kính rượu, Thu Chi mừng thay cho chị, cảm thấy người anh trai không ra gì trong lời đồn đại của anh rể thực ra cũng không tồi, ít nhất còn biết tôn trọng người khác, thậm chí còn cóple, cà vạt, rất ra dáng, ăn nói cũng không giống người trong thôn, khiến cô càng nhìn càng ưng mắt.
Mẹ Lưu Đại Lỗi bình tĩnh lại, nỗi thương tâm dần được thay thế bởi niềm vui. Ánh mắt bà chuyển từ đứa bé trong lòng Quế Chi sang Thu Chi đang ngồi ngượng ngập bên cạnh, rồi lại thuận theo ánh mắt của Thu Chi nhìn sang Lưu Đại Lỗi, lòng vui mừng, cười tươi như hoa.
Đây là năm đầu tiên Lưu Đại Lỗi theo anh Khương làm mỏ. Năm đó, mỏ than lộ thiên ở thôn Nam bắt đầu khai thác, giếng than ở thôn Châu đã thông. Năm đó, cậu ta lẻn vào mấy cơ sở làm ăn đêm của Nhiếp Nhị, một mình khoắng sạch két tiền. Năm đó cậu ta đã đưa hết lợi tức mình có ở mỏ than cho mẹ, thẳng thắn nói đây là tiền sạch, sang năm có lẽ còn nhiều hơn.
Ai ngờ Tết năm sau về nhà, mẹ cậu ta không dễ tính như thế nữa. Bà cầm chổi chặn ngay cửa không cho con trai bước vào, "Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột sinh ra thứ biết trèo tường khoét vách. Giống hệt ông bố đã chết của mày, cầm được vài đồng là không còn biết nhà ở đâu nữa!". Như thế vẫn chưa hả, bà còn xách tai Lưu Đại Lỗi, kéo cậu ta vào trong.
Lưu Đại Lỗi khóc không nổi, cười cũng chẳng xong "Con chẳng phải do mẹ sinh sao?".
Mẹ Lưu Đại Lỗi nghe con trai nói vậy thì nhảy dựng lên, đang chuẩn bị ra tay, thấy con than đau mới chịu buông tay xuống. Bà đã cố gắng nén giận cả nửa năm nay, không phải vì việc gì khác, chuyện con trai cả nửa năm không thèm bước chân về nhà bà cũng chẳng trách, chỉ giận ngay cả một cô gái tốt như Thu Chi mà con trai bà cũng nhất quyết không chịu.
Lưu Đại Lỗi theo sư phụ vài năm, cũng không phải chưa từng có đàn bà. Cậu ta dám đứng giữa cổng thôn mà vỗ ngực nói rằng khắp thôn này người "chơi gái" sớm nhất không phải ta thì ai. Nhưng những ngày sống trong Dã Gia Sơn, đọc trộm một hai lá thư khó khăn lắm mới lấy được từ chỗ anh Khương, tưởng tượng ra giọng con gái dịu dàng đang thổ lộ những lời chân thành từ trái tim, cậu ta mới biết, phụ nữ không chỉ là cái chăn ấm cho mùa đông giá lạnh.
Sau này được tận mắt nhìn thấy chị dâu, lại rào trước đón sau để được chăm sóc... Lưu Đại Lỗi sao có thể vừa mắt một người đanh đá chua ngoa như Thu Chi?
"Chẳng mấy chốc mà cháu mày đã đi học, mày cũng không còn nhỏ nữa, mày không lo nhưng mẹ lo! Nói cho mẹ nghe, ở thành phố mày có ai chưa? Độc Tử, những lời khó nghe mẹ nói trước, mày dám rước về một con yêu tinh, không biết làm việc không biết nấu ăn, mẹ không bao giờ cho nó bước chân vào cửa nhà họ Lưu."
Lưu Đại Lỗi thầm nghĩ, nếu theo tiêu chuẩn của mẹ, thì người như chị dâu e rằng chỉ có thể dùng làm cái sào phơi quần áo. Cậu ta gãi đầu gãi tai nói, "Con phải tìm được người mình có tình cảm!".
"Vớ vẩn! Tình cảm có thể ăn, có thể sinh con không?" Mẹ cậu ta gạt phắt, "Thu Chi nhìn thế nào cũng thấy ưng mắt, nhanh nhẹn, giỏi giang, huống hồ hông nó giống hệt chị gái, không chừng cũng giống chị nó, cưới về khoảng hai tháng đã có thai rồi!".
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...