Gục mặt xuống tấm ga trải giường đang phủ kín khuôn mặt người đàn ông tên Quang mà Chi Nga đã yêu suốt bảy năm qua. Anh là tất cả những gì mà cô có. Vậy mà anh lại bỏ cô một mình đơn độc trên cõi đời này sao? Bảy năm trước, vận mệnh để cô tình cờ gặp anh trên chuyến xe bus số 21, để hai người xa lạ biết nhau, rồi yêu nhau. Bảy năm sau, ông trời dường như ghen tỵ với cuộc sống hạnh phúc của cô nên để chính cô tận mắt chứng kiến cảnh người đàn ông ấy rời bỏ cô như thế nào.
Ngồi chờ Quang ở một quán café G7 mới khai trương, nhìn qua khung cửa kính Chi Nga thấy anh xuống xe, xoay người đi vào quán. Còn chưa kịp đưa tay vẫy gọi anh thì chùm chìa khóa có móc quả bóng rất to của anh rơi xuống và lăn ra khỏi vỉa hè, anh cúi xuống nhặt. Chiếc xe bus từ đằng sau lao tới, khi tiếng va đập chói tai vang lên mới nghe thấy tiếng phanh xe. Nếu là trong một tình huống khác, trong một khoảng thời gian khác, hẳn Chi Nga đã chửi um cái lũ lái xe bus cẩu thả, nhưng bây giờ cô không thể thốt lên lời. Bởi lẽ người bị tông xe hất văng ra xa kia là người đàn ông cô yêu.
Buồn cười ở chỗ, chiếc xe bus số 21 đem họ đến với nhau cũng chính số hiệu xe bus ấy đem người cô yêu rời khỏi cô.
Những người xung quanh nhìn Chi Nga đều khẽ lắc đầu. Cô phản ứng như một người bình thường khi mất người thân là hét lên và gào khóc, nhưng tất cả đều nhìn cô bằng ánh mắt kỳ dị như thể cô là một người điên. Bởi lẽ thay vì hét và gào khóc bên người đàn ông đanh bê bết máu trên đường thì cô lại cầm chiếc ghế sắt gần đó đập liên tiếp vào số hiệu 21 của xe bus.
Sáu năm học trường y với mấy năm làm việc ở khoa cấp cứu khiến cô có vô số kinh nghiệm đối diện với cái chết, và điều đó cũng khiến cô chỉ mất có chưa tới một phút để xác định được người đàn ông cô yêu đã không còn nữa. Con số 21 như muốn đâm vào mắt cô, khiêu khích sự nhẫn lại của một bác sỹ đã đối diện với bao nhiêu cái chết như cô.
Tấm ga trải giường đã ướt đẫm một mảng vì nước mắt Chi Nga. Cô vuốt ve nhẹ nhàng bàn tay thò ra khỏi ra giường.
Số mệnh thật sao? Cô mất anh thật sao?
Cuốn sách cũ nát với cái tên Định Mệnh trượt từ trong túi sách mà cảnh sát mới đem trả lại cho cô rơi xuống ga giường. Còn nhớ sáng nay khi lục lọi trong nhà kho cũ của bà ngoại, Chi Nga tìm thấy cuốn sách này và vì tò mò cô đã muốn thử đọc nó. Khi nhìn bìa sách Chi Nga tủm tỉm cười mà nhắn cho Quang:
“Anh có tin vào định mệnh?”
Và câu trả lời của anh cứ như đang thì thầm bên tai cô:
“Mình gặp nhau là định mệnh!”
Chi Nga bật khóc nức nở, nếu là định mệnh, chẳng phải định mệnh của cô là phải sống cô độc từ nay đến cuối đời sao?
Trả lại người đàn ông tốt nhất trên đời này cho cô đi, cái định mệnh cứt chó ấy, cô không cần.
…
Một tháng nặng nề trôi qua.
Cả tháng nay Chi Nga vẫn sống trong căn hộ mà cô và Quang hùn tiền mua chung khi quyết định chuyển tới sống cùng nhau. Cô chỉ ăn và ngủ, cả căn hộ đã biến thành bãi rác. Vài ngày trước đã không còn cái gì để ăn, thậm chí nước cô cũng chẳng thèm đun, trực tiếp vục nước bồn rửa mặt mà uống. Khi cô lê xác từ nhà vệ sinh đi ra mở cửa, người đứng trước cửa phòng là bà ngoại cô.
Bà đã về, Chi Nga đợi bà mãi.
Tròng mắt bà đỏ, khuôn mặt nhiều nếp nhăn của bà càng trở nên nhăn nhúm khi bà nhìn chằm chằm vào Chi Nga. Cô có thể cảm nhận được cơn giận dữ đang lớn dần của bà. Bà ngoại lôi cô vào phòng ngủ, mở cánh tủ ra rồi đẩy cô đứng trước tấm gương đằng sau cánh tủ. Trước mắt Chi Nga bây giờ là một người phụ nữ bẩn thỉu, quần áo cáu bẩn, tóc bết dính. Mặt nhọ nhem, răng vàng bẩn. Đôi mắt trũng sâu, làn da khô ráp sạm màu. Người trong gương kia là cô sao? Là hoa khôi nhiều năm nay của phòng cấp cứu chứ không phải là một bệnh nhân tâm thần vừa trốn trại sao?
“Nhìn đi xem cháu đã thành cái dạng gì?” Bà ngoại vừa nói vừa bật khóc.
Chi Nga im lặng. Dường như chỉ một tháng qua đi mà cô đã quên mất cách nói chuyện.
Bà ngoại lau mặt, lau người cho cô, dọn đống rác trên giường cho cô nằm xuống. Bên ngoài phòng vang lên tiếng dọn dẹp, chẳng biết bao lâu sau bà ngoại bê vào một bát cháo nóng. Nhưng nói thế nào Chi Nga cũng không chịu ngồi dậy ăn, cô vẫn nằm im, trầm mặc trên giường. Từng giọt, từng giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt già nua của bà ngoại. Ga giường ướt một mảng giống như cái hôm cô gục mặt khóc bên cạnh Quang. Chi Nga không muốn nghe tiếng khóc của bà. Bà làm gì cũng được, nhưng đừng khóc.
“Bà ơi, đọc cái gì đó cho cháu nghe đi!”
Chi Nga với đại một cuốn sách trên đầu giường đưa cho bà, cô nhấc đầu ghé vào đùi bà, muốn có lại cảm giác ngày xưa khi bà đọc truyện cho cô nghe. Dường như toàn thân bà ngoại hơi cứng lại khi nhìn thấy nhan đề quyển sách. Nhưng rồi bà vẫn lật trang, chậm rãi đọc.
“Định mệnh của mỗi con người có biểu tượng cụ thể, biểu tượng này sẽ lặp lại và nó gắn kết với những sự kiện quan trọng trong đời người đó.”
“Nếu có thể nhận ra biểu tượng định mệnh của mình có thể sáng tạo ra định mệnh của chính bản thân.”
“Định mệnh đem lại cơ hội cho bản thân.”
“Sáng tạo ra định mệnh có thể đem lại một cơ hội khác cho bản thân.”
Nước mắt một tháng nay đã khô lại chảy. Khốn nạn thay hai chữ: Định mệnh.
“Bà ơi, bà có tin vào định mệnh không?”
“Có, nhưng chỉ khi nào cháu tìm được biểu tượng định mệnh của mình.”
Ngập ngừng một chút bà nói:
“Bà không thể nói không tin khi mà cuốn sách này là do bà viết.”
Ra vậy, thảo nào cuốn sách này lại có trong nhà kho của bà. Chi Nga suýt nữa quên rằng bà ngoại cô là một vị thầy phong thủy và xem tướng có tiếng. Bà không ở nhà khi cô cần bà nhất vì khi đó bà đang ở nước ngoài, giúp một khách hàng xem xét phong thủy cho khu điều dưỡng chuẩn bị khởi công. Cô khẽ nhếc môi lảm nhảm nói:
“Biểu tượng định mệnh của cháu là số 21.”
Bà ngoại chăm chú nhìn Chi Nga. Ánh mắt rất nghiêm túc, không có vẻ như bà đang nghe đứa cháu gái khốn khổ vì tình nói nhảm.
“Cháu quen anh ấy trên chuyến xe số 21, chính chuyến xe số 21 ấy cướp anh ấy khỏi tay cháu.”
Chi Nga vẫn tiếp tục nói mà không nhận ra nét chấn động trong mắt bà ngoại.
“Cháu tìm được biểu tượng định mệnh rồi, liệu cháu có cơ hội khác nữa không?”
Chi Nga bỗng kích động gào lên:
“Nếu có cháu nhất định sẽ ngăn anh ấy chạy về phía cái xe bus chết tiệt kia.”
“Không thì…” giọng cô run run, nhỏ dần.
“Không thì cháu nhất định sẽ ngăn cản bản thân quen anh ấy bảy năm trước.”
Cô lại gục vào lòng bà ngoại.
“Cháu không muốn sống nữa, bà ngoại, một tháng nay cháu chưa chết vì cháu đợi bà về.”
Động lực duy nhất khiến Chi Nga muốn sống là đợi bà ngoại về, để nói với bà, người luôn chăm sóc yêu thương cô, một câu: “Bà ngoại, cháu xin lỗi!” trước khi cô buông xuôi mọi chuyện.
Toàn thân bà ngoại chấn động, tay bà run run vỗ nhẹ lên đôi vai gầy của cháu gái. Đứa cháu gái này, bà biết, nó đang nói thật.
Bà cố gắng khuyên nhủ cũng có, mắng chửi cũng có, khóc lóc cũng có. Nhưng hai ngày kể từ lúc bà trở về, cô cháu gái của bà, một giọt nước cũng không uống. Đồng nghiệp của cô đến thăm, cắm cho cô hai chai truyền dịch. Chi Nga một cái liếc mắt nhìn đồng nghiệp cũng không có. Người đồng nghiệp đó giúp bà ngoại tìm một bác sỹ tâm lý và mời người đó tới nhà. Nhưng dù bác sỹ tâm lý có nói gì Chi Nga cũng không có chút phản ứng. Năm ngày rồi, con bé không ăn gì cả, dù được duy trì bằng dịch truyền nhưng bà vẫn thấy sự sống của đứa cháu gái này đang mất dần.
Nhìn cháu gái tiều tụy trên giường, nước mắt lại thấm ướt khuôn mặt già nua. Thằng nhóc Quang đó, đúng là sinh mệnh của con bé. Từ ngày đầu nhìn nó xuất hiện, xem tướng nó, bà đã dấy lên lo lắng. Nhưng lại tự an ủi bản thân, nếu tụi nhỏ lấy nhau, có một đứa con, có sợi dây ràng buộc thì sự phụ thuộc của con bé sẽ giảm đi. Nhưng hai đứa trẻ này đã yêu nhau bảy năm, sống chung gần năm năm rồi vẫn chưa có con. Khi biết tin thằng nhóc mất, quả nhiên điều bà lo lắng trước đây đã thành sự thực. Cháu gái bà không nên quen thằng nhóc này bởi sinh mạng nó không dài, mà khi yêu thằng nhóc này thì sinh mệnh con bé sẽ gắn cùng sinh mệnh nó. Bà thở dài, đặt cuốn sách trước mặt cháu gái. Bà không còn lựa chọn nào nữa, bà không muốn nhìn đứa cháu gái duy nhất của mình ra đi như thế.
“Bà có thể giúp cháu có một cơ hội khác, nhưng bà không biết vận mệnh sẽ đưa cháu trở về thời điểm nào.”
Chi Nga ngơ ngác nhìn bà ngoại, cô không biết bà ngoại đang nói gì.
“Nếu biểu tượng vận mệnh của cháu đúng là số 21, vậy chúng ta thử xem.”
Chi Nga được dẫn tới phòng kho, sâu trong phòng có một quả cầu nhỏ màu xám bạc cỡ quả địa cầu và nó được đặt trên một chiếc bàn vuông nhỏ. Quả cầu này chính là quả cầu được chụp làm hình ảnh minh họa cuốn sách Định Mệnh. Bà ngoại đặt hai bàn tay Chi Nga lên trên quả cầu nhỏ. Cuốn sách cũ được mở tới trang cuối cùng. Chi Nga liếc thấy ba chữ: Phép trọng sinh. Miệng bà ngoại lẩm bẩm đọc cái gì đó, máu đầu ngón tay cô và bà ngoại được chích ra. Bà ngoại dùng máu viết lên bề mặt quả địa cầu số 21. Sau đó đầu Chi Nga chợt đau dữ dội, khuôn mặt và nụ cười hiền lành của bà ngoại mờ dần trong mắt cô. Cuốn sách trên tay bà ngoại vẫn mở rộng. Chi Nga cố gắng nhưng chỉ đọc được một hàng chữ bên dưới câu thần chú cho phép trọng sinh, hàng chữ đó là: Cái giá phải trả cho việc thực hiện phép trọng sinh.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...