Tiểu Sát Tinh 1

***
Mùng một tháng hai là ngày đại lễ năm năm một lần của phái Võ Đang nên trên đường đi Võ Đang người đi lại rất đông, nhộn nhịp vô cùng.
Đạo quán của Võ Đang chia làm thượng, hạ viện. Thượng viện là Tam Nguyên Quán, chỗ ở của người chưởng môn với trưởng lão trong phái và cũng là chỗ luyện võ căn bản của đệ tử. Nơi đây chỉ có những bạn thâm giao mới được lui tới thôi. Hạ viện là Trấn Võ Miếu và cũng là cửa ngõ vào Tam Nguyên Quán cùng Thiên Trụ Phong. Đây là nơi dành cho thiện nam tín nữ đến lễ bái và du nhân mạc khách đến ngoại cảnh.
Cứ năm năm một lần, phái Võ Đang, tổ chức một buổi tế lễ rất lớn. Cứ đến ngày lễ này, các danh nhân chí sĩ cùng các đại môn phái đều được mời đến dự lễ, ngoài ra còn đa số những người không được mời cũng muốn nhân ngày đại lễ đến xem võ nghệ của các tay cao thủ.
Trận đấu trong ngày đại lễ cấm chém giết lẫn nhau, chỉ chú trọng vào việc biểu diễn tài nghệ mà thôi, và có những tay cao thủ danh tiếng làm trọng tài. Người nào đắc thắng trong trận đấu, tên tuổi sẽ lừng lẫy khắp võ lâm, được mọi người tôn kính, những người võ công còn kém cũng nhân lúc này học hỏi thêm. Từ chân núi lên tới Thiên Trụ Phong người thường phải đi một ngày đêm mới tới nơi, người trong võ lâm cũng mất nửa ngày mới lên được.
Buổi đại tế của Võ Đang thường thường cử hành vào buổi sáng, cho nên những người đến dự đa số là được mời và vị tình mà tới, chứ ít khi có người tự động đến xem và người nào lên tới đó cũng tiến thẳng về phía Võ đấu trường. Trong bọn người tự động đến xem có nhiều thiếu niên anh tuấn: một là Thẩm Nguyên Thông, còn một người nữa là ai chưa rõ. Hai người vừa gặp nhau đã có vẻ muốn làm quen với nhau. Sau khi hỏi tên họ xong, họ trở nên thân thiết ngay. Người ấy họ Tăng tên Bật chừng 23 hay 24 tuổi, hai bên thái dương huyệt gồ lên rất cao, khí phách trông còn oai vệ hơn Nguyên Thông nhiều.
Tăng Bật thấy Nguyên Thông người trắng trẻo đẹp trai, trông có vẻ quí phái lắm liền nghĩ thầm:
“Chú em này yếu ớt trong tội nghiệp thật, y đã là bạn cùng đường với ta thì từ giờ trở đi ta phải đỡ đần cho y, như vậy mới phải đạo làm bạn.”
Nghĩ đoạn, y liền hỏi Nguyên Thông:
- Thẩm huynh, chúng ta đi lâu thế này, chẳng hay có nên nghỉ ngơi chốc lát không?
Nguyên Thông lắc đầu mỉm cười đáp:
- Khỏi cần nghỉ, đằng trước đã là Giải Kiếm Trì, sắp đến chỗ nghỉ rồi.
- Thẩm huynh định lên núi Võ Đang đấy à?
- Vâng, đệ lên đấy để nhờ một lão gia chỉ điểm cho đấy thôi.
- Thế ra Thẩm huynh thừa lệnh trên tới đây đấy. Vì việc gì thế?
Tăng Bật là người rất trực tính nghĩ gì là lên tiếng hỏi luôn.
Nguyên Thông nghe Tăng Bật hỏi hơi cau mày lại rồi chàng cũng không phủ nhận, thủng thẳng đáp:
- Đệ định lên núi Võ Đang yết kiến Tỷ Hư đạo trưởng để hỏi thăm một việc.
Tăng Bật có vẻ lo âu vội hỏi tiếp:
- Chẳng hay đã có người nào nhận dẫn Thẩm huynh lên yết kiến Tỷ Hư đạo trưởng chưa?
- Tiểu đệ tới đây một mình, chưa có ai tiến dẫn hết, nhưng tiểu đệ chắc ông ta thể nào cũng tiếp kiến tiểu đệ.
Tăng Bật không hiểu lời nói của Nguyên Thông, ngạc nhiên hỏi tiếp:
- Tại sao ông ta lại phải tiếp kiến Thẩm huynh, xin huynh cho biết rõ nguyên nhân?
Nguyên Thông mỉm cười đáp:
- Đệ chỉ cần ở trên đại hội đấu võ chỉ danh thỉnh giáo, Tăng huynh thử nghĩ xem, chẳng lẽ ông ta không tiếp đệ hay sao?
Tăng Bật thấy Nguyên Thông nói có lý, cười khanh khách:
- Phương pháp của huynh rất hay, nhưng…
Chàng ta ngẫu nhiên quay lại, trông thấy một đại hán mặc thường phục, tuổi chừng ba mươi theo sau liền sinh nghi khẽ bảo Nguyên Thông:
- Có người theo dõi chúng ta đấy.

Nói xong, chàng rảo bước tiến tới dưới gốc cây cổ thụ lớn tiếng hỏi:
- Này bạn, đệ đi một quãng đường như vậy, đã thấy mỏi mệt lắm rồi, chúng ta ở lại đây nghỉ chân đi.
Nguyên Thông theo tới quay mình ngồi xuống, mặt hướng về phía lối đi.
Lúc ấy đại hán trung niên kia chưa biết hành tung của mình đã tiết lộ vẫn kiếm một chỗ gần đó rồi giả bộ mệt mỏi cũng ngồi nghỉ, mắt y cứ luôn luôn nhìn về phía hai người.
Nguyên Thông nghiêm nét mặt lại, nói:
- Không ngờ phái Võ Đang coi trọng Thẩm Nguyên Thông tôi đến thế!
Tăng Bật quả là có tư cách một thiếu niên hiệp sĩ. Y thấy Nguyên Thông nói vậy, nghĩ ngay ra được một kế liền đứng lên đi thẳng lại chỗ đại hán kia, chưa tới gần mồm đã lớn tiếng hỏi:
- Xin hỏi nhân huynh, từ đây đến Giải Kiếm Trì còn bao xa?
Đại hán trung niên vội đứng dậy, y chỉ thấy Tăng Bật động chân một cái rất khẽ đã tới trước mặt và hai tay đã để lên hai vai y rồi. Tăng Bật lại nói tiếp:
- Bạn cứ ngồi xuống, việc gì phải lễ phép đứng lên như thế!
Đại hán trung niên đành ngồi xuống, nhưng y cảm thấy yếu huyệt ở trên vai hơi tê và mồm không nói lên tiếng được nữa.
Tăng Bật điểm huyệt bắt y ngồi lên đó mà không ai hay, Nguyên Thông liền chạy lại rỉ tai Tăng Bật khẽ nói:
- Từ khi vào đất Hồ Bắc đến giờ tiểu đệ đã bị phái Võ Đang theo dõi ngay, cũng may chúng không làm gì đệ, thôi huynh tha cho y đi!
Tăng Bật thấy Nguyên Thông là người quang minh lỗi lạc, trong lòng kính phục liền trả lời bằng một cái mỉm cười, rồi giải huyệt cho đại hán kia.
Nguyên Thông nói với đại hán:
- Bạn mau trở về thưa với Tỷ Hư đạo trưởng bảo người bạn ở Vọng Nguyệt Bình đã tới đấy!
Nguyên Thông nói xong không riêng gì đại hán kinh hãi, mà Tăng Bật lại càng kinh hãi hơn, y chờ đại hán đi khỏi liền nắm chặt lấy hai tay Nguyên Thông và nói:
- Thẩm huynh thật là chân nhân không lộ diện, tiểu đệ nãy giờ thất kính với huynh hoài.
Nguyên Thông ngượng nghịu đáp:
- Tiểu đệ tuổi trẻ vô tri, việc ngày nọ bây giờ nghĩ lại rất hối hận.
Tăng Bật thấy Nguyên Thông khiêm tốn cười nói:
- Ngay như tiểu đệ đây cũng không chịu để cho người ta bắt nạt như thế.
Y có biết đâu, câu chuyện ở Vọng Nguyệt Bình hoàn toàn do Nguyên Thông gây ra hết.
Lúc ấy Tăng Bật lại càng muốn kết giao với Nguyên Thông, mấy lần muốn hỏi Nguyên Thông sư môn và lai lịch ra sao, nhưng y định hỏi rồi lại thôi.
Sau cùng y mới lên tiếng tự giới thiệu thân phận của mình trước:
- Tiểu đệ hồi nhỏ cả nhà lớn bé năm mươi lăm người, đều bị một tên ma đầu có võ công rất cao siêu đánh lén vào một đêm khuya, y giết chết năm mươi bốn người, rồi lại còn phóng hỏa đốt nhà đến nỗi không còn một cái xác nào toàn vẹn hết. Tiểu đệ may mắn rơi xuống rạch mới thoát chết, sau được ân sư là Ngô Thiền đại sư thâu nhận làm đồ đệ, truyền thụ võ công và nuôi nấng 19 năm nay.
Mãi tới nửa năm gần đây ân sư mới cho phép tiểu đệ hạ sơn tầm thù. Nhưng trời đất bao la như thế nầy biết đâu mà tìm kiếm kẻ thù ấy?
Nói tới đó, y ứa nước mắt ra suýt khóc.
Nguyên Thông thấy cha mình bị kẻ thù giết chết tự cho là kẻ không may nhất thiên hạ. Bây giờ chàng nghe thấy Tăng Bật nói mới hay thân thế của chàng lại còn bi đát gấp trăm mình, chàng mới hối hận mình đã quá hẹp lượng muốn trả thù không nên tự dày vò thân thể của mình mà phải tự khích lệ mới phải, như vậy mới mong có ngày trả được thù lớn.

Nguyên Thông rất thông cảm với Tăng Bật có ý muốn kết giao với y liền gọi:
- Tăng huynh…
Mới nói hai tiếng chàng chợt nghĩ ra ngôi thứ của Tăng Bật với mình và biết rằng gọi như thế hơi quá đáng một chút nên đổi giọng lại:
- Tiền bối!!
Ngờ đâu, chàng vừa dứt, Tăng Bật đã biến sắc mặt, dậm chân xuống đất mấy cái, và cướp lời ngay:
- Nếu Thẩm huyh cho tiểu đệ không đáng là bạn thì thôi, tiểu đệ đành từ biệt ngay từ đây.
Nguyên Thông vừa cười vừa kéo tay Tăng Bật:
- Lệnh sư Ngô Thiền đại sư là bạn tri giao với tổ phụ tôi cho nên tiểu bối phải gọi ngài là tiền bối.
Tăng Bật cười lớn đáp:
- Gia sư là người tu hành, xưa nay không hề để ý đến vấn đề môn phái và ngôi thứ, còn đệ với huynh tuổi không hơn kém nhau mấy, nếu Thẩm huynh không chê thì chúng ta coi như anh em là phải. Bằng không tiểu đệ phải cáo lui ngay.
Nghe lời nói của y rất cương quyết, Nguyên Thông vội đáp:
- Nguyên Thông xin tuân lệnh, đa tạ đại ca đã có lòng hạ giao như vậy.
Thấy Nguyên Thông gọi mình là đại ca, Bật mừng rỡ nhảy lên:
- Thế mới là người anh em tốt của Tăng Bật chứ. Từ nay trở đi, chúng ta sống chết có nhau, xin thứ lỗi gọi bạn là chú em nhé!
Nguyên Thông thấy Tăng Bật vui tính như vậy, liền gật đầu nhưng Tăng Bật đã tỏ vẻ nghi ngờ hỏi tiếp:
- Lệnh tổ Thẩm lão tiền bối chơi thân với Tỷ Hư đạo trưởng của phái Võ Đang, sao Nguyên đệ…
Nguyên Thông vẻ mặt rầu rĩ đem chuyện không may của mình mà kể hết cho Tăng Bật nghe.
Tăng Bật nghe xong nói lớn:
- Được, ngu huynh sẽ cùng hiền đệ đi gặp cao nhân của phái Võ Đang.
Bỗng có tiếng nói vẳng lên:
- Xin mời hai vị hãy cởi khí giới ra gởi ở đây, lấy một cái thẻ để làm bằng.
Có lẽ người nói câu đó đã nghe thấy lời Tăng Bật vừa nói với Nguyên Thông nên tiếng nói có vẻ gay gắt.
Nguyên Thông nhìn Tăng Bật ngượng nghịu nói:
- Chúng ta đã đến Giải Kiếm Trì rồi đấy.
Thì ra dưới hai cây thông, có một cái ao nước cạn xây bằng đá trắng rộng chừng một trượng, cái ao đó tức là Giải Kiếm Trì vang tiếng võ lâm của phái Võ Đang.
Theo luật lệ của phái Võ Đang, hễ ai lên núi đến Giải Kiếm Trì cũng phải gửi khí giới ở đó, vì người gửi nhiều sợ lộn xộn và nhầm lẫn, nên người nào cũng được trao một cái thẻ làm bằng.
Hôm đó người lên núi rất nhiều, khí giới chồng chất như một trái núi nhỏ. Từ Giải Kiếm Trì lên tới Hồi Đầu Nhai, phải đi qua một con đường núi quanh co khúc khuỷu dài chừng 2 dặm.
Người phái Võ Đang lợi dụng địa thế đặc biệt chia các đệ tử đời thứ ba thành sáu tổ để chuyển dần những khí giới của các người lên dự đã giải giới ở Giải Kiếm Trì, vì lên tới Hồi Đầu Nhai lại phải trả khí giới cho người ta. Cho nên thủ tục giải giới của phái Võ Đang chỉ là một hình thức thôi, chứ không phải sợ người ta mang theo khí giới lên núi.

Nguyên Thông cởi cây sáo ngọc đeo ngang lưng ra đưa cho đệ tử phái Võ Đang lấy một cái thẻ đồng còn thanh đoản kiếm bằng sừng rồng giấu trong áo, chàng nghĩ thầm:
“Lối giải giới này chỉ là một hình thức, ta gửi cây sáo cho họ là tuân theo quy củ của họ rồi, hà tất phải gửi luôn thanh đoản kiếm nữa làm chi”.
Nghĩ đoạn, chàng không lấy đoản kiếm ra gửi nữa.
Khí giới của Tăng Bật là một thanh đoản kiếm bằng gang thường. Hai người gửi xong khí giới xong tiếp tục lên núi.
Nguyên Thông đi lên đến mỏm núi đá đã trông thấy những đệ tử phái Võ Đang truyền tay võ khí cho nhau, ánh sáng lóe mắt.
Hai người vừa đi vừa trò chuyện. Rời khỏi Giải Kiếm Trì không đầy trăm trượng đã trông thấy những cây thông kỳ lạ, những táng đá muôn hình la liệt trước mắt. Hai người mải ngắm nhìn phong cảnh bỗng nghe tiếng rú từ đằng xa vọng tới, tiếp theo đó lại có tiếng quát tháo vọng tới nữa. Vì không trông thấy gì nên hai người cũng không để ý. Khi hai người lên tới chỗ lấy lại khí giới thấy người nào người nấy lần lượt tiến lên lãnh khí giới của mình không hỗn độn tí nào.
Nguyên Thông liền lấy thẻ đồng ra, đệ tử phái Võ Đang đỡ lấy thẻ đồng, xem lại số thẻ, rồi có vẻ ngượng nghịu nói:
- Xin thiếu hiệp hãy đợi chờ một chút.
Y nói xong, hình như muốn nói gì lại thôi chỉ lắc đầu mấy cái và đứng sang bên.
Nguyên Thông ngạc nhiên vội hỏi:
- Việc gì thế?
Một người đem chuyện vừa xảy ra nói cho chàng và Tăng Bật nghe. Thì ra vừa rồi có một cái túi vải chuyển tới trạm thứ tư. Bỗng nhiên có một bóng người xám nhạt ở đâu nhảy tới giơ tay ra cướp mất bao ấy. Chỉ nghe thấy một tiếng rú thật dài và một cái bóng thoáng vượt qua đầu chạy thẳng vào trong núi mất dạng.
Nguyên Thông cả kinh hỏi:
- Có phải họ đã lấy mất khí giới của tôi không?
Người đệ tử phái Võ Đang mặt đỏ bừng đáp:
- Vừa rồi chúng tôi điều tra rõ vật bị mất đó chính là của thiếu hiệp đấy.
Nguyên Thông nghe nói, trợn ngược đôi lông mày lên rồi thở dài một tiếng. Chàng biết có nói thêm cũng vô ích nên im lặng luôn. Tăng Bật thấy mất khí giới của bạn tức giận vô cùng, lạnh lùng nói:
- Cứ bắt người ta giải giới mà lại không có cách bảo vệ khí giới của người ta, buồn cười thật!
Các đệ tử phái Võ Đang nghe thấy chàng ta nói như vậy lòng đau như cắt. Đang lúc ấy, trên núi bỗng có mấy người phi thân xuống, người đi đầu là Hà Trạch Long, một trong Võ Đang Thất Kiếm. Vừa xuống tới nơi đã trông thấy Nguyên Thông, y hổ thẹn vô cùng, nhưng dầu sao y vẫn không để mất phong độ của một danh môn chính phái, vội tiến lên chào Nguyên Thông rồi mới hỏi môn hạ rằng:
- Việc gì thế?
Tiểu đạo sĩ đem đầu đuôi câu chuyện kể cho Hà Trạch Long hay và nói:
- Khí giới bị người ta cướp mất là của thiếu hiệp này.
Trạch Long nghe nói mặt biến sắc, nhưng y vẫn phải gượng nói với Nguyên Thông:
- Mời thiếu hiệp hãy lên núi trước, khí giới của thiếu hiệp mất cướp đó để bần đạo thưa lại người chưởng môn, rồi thế nào cũng hoàn lại thiếu hiệp.
Nguyên Thông nghĩ đến câu chuyện Vọng Nguyệt Bình trong lòng cũng hơi hổ thẹn, nên chàng không muốn làm khó dễ đối phương quá, mới nói với Tăng Bật rằng:
- Tăng đại ca, chúng ta đi thôi.
Nhưng Tăng Bật vẫn không chịu để yên, lên tiếng hỏi chàng:
- Hiền đệ, trong túi vải đó đựng khí giới gì thế? Có thể nói rõ cho các bạn phái Võ Đang biết trước, bằng không sau này họ lại chối không chịu bồi thường món khí giới đó cho hiền đệ thì sao?
Trách Long sầm nét mặt xuống hậm hực lườm Tăng Bật một cái.
Nguyên Thông mỉm cười đáp:
- Đó chỉ là một ống tiêu bằng ngọc xanh thôi, chứ không phải là vật quí báu gì cả.
Trạch Long từng nghe nói đến cái ống tiêu bằng ngọc xanh đã lâu nay nghe thấy Nguyên Thông nói, liền kinh hãi hỏi:
- Có phải cố vật của Hoa lão tiền bối đấy không?

Nguyên Thông gật đầu, rồi kéo tay Tăng Bật đi luôn.
Sự thật, Nguyên Thông mất cây sáo ngọc đó trong lòng có muốn để yên đâu, chàng vừa đi vừa lẳng lặng suy nghĩ. Ngờ đâu mới đi được một quãng đường đã nghe thấy có tiếng kêu:
- Coi ám khí của ta.
Ở trong rừng bên cạnh đường, bỗng có một vật đen nhánh bay ra nhắm thẳng mặt Nguyên Thông phi tới.
Nguyên Thông rất ung dung, khẽ giơ tay lên bắt ám khí đó. Nhưng chàng bỗng biến sắc mặt, tung mình nhảy lên nhanh như điện chớp phi thân vào bụi cây, đuổi theo kẻ địch.
Tăng Bật tuy đi sát cánh với Nguyên Thông nhưng hành động bắt ám khí và nhảy vào trong rừng của Nguyên Thông quá nhanh, y chưa kịp nhìn rõ và đang ngơ ngác đã thấy Nguyên Thông ở trong bụi cây nhảy ra, vẻ mặt nghiêm trang, tay cầm túi vải khí giới lững thững bước ra không nói nửa lời.
Tăng Bật thấy khinh công của Nguyên Thông nhanh nhẹn bội phần, tự cảm thấy mình còn kém xa. Bây giờ lại thấy chàng lấy lại khí giới y càng ngạc nhiên thêm, vội hỏi:
- Túi khí giới đó có phải của hiền đệ không?
- Chỉ vì cái túi này đệ mới đuổi theo vào trong rừng, tên ấy cũng giảo hoạt lắm, thấy đệ đuổi riết quá, ném lại cái túi này để thoát thân.
- Hiền đệ, cây sáo ngọc xanh này lai lịch như thế nào, hình như hiền đệ quí nó lắm thì phải.
Nguyên Thông cởi cái túi vải ra đưa cho Tăng Bật xem:
- Mời Tăng huynh hãy xem cái sáo này trước rồi đệ xin kể lai lịch của nó cho đại huynh nghe.
Tăng Bật cầm sáo lên xem, khen ngợi luôn mồm:
- Sáo này quí thật, sau này thế nào hiền đệ cũng sẽ làm rạng rỡ…
Y vừa nói tới đó, bỗng thấy Nguyên Thông có vẻ ngơ ngác, liền hỏi:
- Thẩm hiền đệ có việc gì thế?
- Sáo này không phải sáo của tiểu đệ.
Tăng Bật càng kinh ngạc thêm vội hỏi tiếp:
- Sáo này chả là sáo ngọc…
Nói tới đó, y mới nhớ ra cái sáo ngọc mà y đang cầm xem màu trắng chớ không phải màu xanh, nên y không hỏi tiếp nữa.
Một lát sau, Nguyên Thông mới bình tĩnh thủng thẳng đáp:
- Cây sáo bạch ngọc này, với cây sáo bích ngọc của tiểu đệ đều do một danh thủ làm ra, cho nên hình thức dài, ngắn, nặng đều như nhau mà chất ngọc của cây sáo này còn quí hơn cái sáo của tiểu đệ nữa, sáo này đứng đầu ba cây sáo ngọc đương thời.
- Nếu sáo này đứng đầu ba cây sáo thì lẽ ra hiền đệ phải mãn ý lắm mới phải chứ. Hiền đệ hà tất phải lo nghĩ làm chi, còn tại sao họ lại thay đổi thế này chắc rồi ra thế nào hiền đệ cũng sẽ rõ nguyên nhân.
- Bây giờ đành chỉ tìm hiểu dần thôi, nhưng cây sáo này đã xuất hiện khiến đệ không yên tâm được.
- Nhất cử nhất động của hiền đệ đều bí ẩn lắm, khiến ngu huynh không hiểu ra sao cả.
- Câu chuyện dài lắm, đại ca muốn biết rõ để đệ vừa đi vừa kể cho đại ca nghe vậy.
Nguyên Thông bỏ sáo vào túi đeo ngang lưng, rồi hai người lại tiếp tục leo núi, vừa đi Nguyên Thông vừa kể lai lịch của ba cây sáo trắng, xanh và tía cho Tăng Bật nghe.
Chàng nói: theo lời truyền lại của các vị tiền bối thì hồi u Dã Tử luyện bảo kiếm lúc ấy có một thợ điêu khắc ngọc rất có tiếng là Trần Sảo, ông này tốn không biết bao nhiêu thì giờ và khó nhọc mới tìm ra được ba hòn ngọc rất quí. Ba hòn ấy có thể nói là tinh linh của ngọc, mỗi hòn một màu chia ra làm ba màu trắng, xanh, tía. Nhưng ngọc trắng quí nhất, nhì đến ngọc xanh, ba là ngọc tía. Trần Sảo đem ba hòn ngọc ấy chế thành ba cái sáo dài, ngắn, to, nhỏ như nhau, hoa bên ngoài cũng giống nhau như hệt, nếu không vì màu sắc khác nhau thì người ta không sao phân biệt được.
Ba chiếc sáo ngọc ấy quí lắm, trải hơn nghìn năm kinh lịch qua bao nhiêu sự tai biến, bao nhiêu tay người mà chất ngọc của ba cây sáo không thay đổi chút nào. Gần trăm năm nay, ba cây sáo ngọc này lại tái xuất hiện giang hồ, cây sáo ngọc trắng thì lọt vào tay của Ngọc Tiêu Tiên Tử, cây sáo ngọc xanh thì lọt vào tay Hoa thúc tổ của đệ, còn cây sáo tía thì vào tay Tín Diễm Thần Ma. Ba vị ấy dùng ba cây sáo diệt trừ rất nhiều tên tà quái hung ác.
Huynh thử nghĩ xem cây sáo ngọc trắng này đã là vật sở hữu của Ngọc Tiêu Tiên Tử, lần này đột nhiên xuất hiện mà lại trao đổi cây sáo ngọc xanh, cho nên đệ mới bảo chuyện này không phải tầm thường đâu. Hơn nữa, cây sáo của tiểu đệ mất tự trong tay đệ tử phái Võ Đang, bây giờ đệ cướp lại được túi vải của tiểu đệ, tuy cái sáo ở bên trong không phải là sáo ngọc xanh nữa nhưng huynh thử nghĩ xem, đệ biết phân trần làm sao với thiên hạ đây, thực là khó nói quá.
- Việc gì hiền đệ phải quan tâm, chúng ta có sợ đã không tới đây, bây giờ câu chuyện xảy ra một cách đột ngột như thế này hiền đệ cứ để xem nó sẽ biến chuyển ra sao.
–—


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui