Do cũng đã muộn nên Bác tôi cũng chẳng nói chuyện lâu, xua mấy đứa đi ngủ trước. Ba đứa tôi vâng dạ gật đầu lia lịa đi lên tầng. Thương vào phòng của chị Thuỷ vẫy tay chúc ngủ ngon rồi đóng chặt cửa, tôi với thằng nhóc mới lóc cóc mò về phòng của nó.
- Anh chưa ngủ à?
- Chưa, mà mày làm gì không ngủ đi!
- Em đá nốt trận FiFa rồi ngủ, có hứng không chiến vài ván.
Tôi nhìn cái màn hình máy tính to tổ chảng lắc đầu, gì chứ đá với thằng nhóc này chỉ tổ mang nhục vào mình. Mặc cho nó khiêu khích tôi vẫn nhất quyết không động đến cái trò tôi cũng mê mẩn.
- Mệt!
Nó chẳng nói gì nữa, hì hục cầm tay cầm điện tử nhấp liên tục, thỉnh thoảng có pha nào xử lý không thoả đáng là vỗ đùi cái đét làu bàu, cay cú lắm.
- Này, cái chậu hoa xương rồng còn không!
- Còn, trên sân thượng ấy!
- Có chăm cho nó không thế!
- Có..! - Nó vẫn dán mắt chẳng chịu rời màn hình.
Tôi bò ra khỏi giường, leo lên cầu thang và mở cửa ra sân thượng. Cảm giác đầu tiên là một màn đêm yên tĩnh, không có tiếng ồn ào của xe cộ. Đưa mắt nhìn ra xa, vài ánh đèn ở con đường xa lộ lung linh kéo dài thành một dãi.
Cái sân thượng, hay nói đúng hơn là không gian mà Bác ruột tôi tâm đắc nhất là một dàn dây leo theo khung sẵn, phủ mát bộ bàn ghế đá ở dưới. Trên mặt bàn ghế đá bao giờ cũng để sẵn một bộ cờ tướng bằng gỗ, trò chơi mà Bác thích nhất. Góc bên kia là chiếc xích đu và chiếc võng xếp để buổi tối có thể ngắm cảnh. Sau này Bác gái cải tiến thêm bằng việc để thêm vô số chậu hoa. Chậu xương rồng của tôi và thằng nhóc em họ mua cũng là một trong số đấy, chậu xương rồng cô đơn duy nhất, sản phẩm một phút bốc đồng của hai thằng con trai khô khan.
Cảm giác thư thái, gió lùa qua mát rượi, cái không khí oi bức bị cơn mưa lúc nãy xua sạch. Tôi lau khô chiếc xích đu, ngồi đong đưa hưởng thụ cái không khí tuyệt vời này. Bỗng tin nhắn điện thoại rung lên.
“Ngủ chưa?”
“Chưa? Sao vậy”
“Không ngủ được ấy mà, chưa quen lắm thì phải”.
“Vậy lên tầng thượng đi, đang ở trên này”.
Chắc có lẽ do Thương lạ nhà, nên cô bạn chưa thể chợp mắt được. Ít phút sau, Thương cũng lên tới tầng thượng. Cái vẻ mặt đầy ngạc nhiên và thích thú là việc được chiêm ngưỡng cái sân thượng đẹp đẽ, rồi đi lại mọc góc, xem kĩ từng thứ một.
- Oa, đẹp vậy!
- Ờ, thì cũng phải xứng với dân xây dựng chứ!
Tôi học theo cách nói của Bác tôi, mỗi khi ông tự hào khoe cái tài sản tinh thần đáng tự hào này, khi bất kì ai đặt chân tới. Thương gật đầu đồng ý, đưa tay vuốt những bông hoa còn ướt, hoặc cố gắng ngửi mùi thơm hoa quỳnh bay trong gió.
- A, có bộ cờ tướng này!
- Ờ, của Bác đó!
- Tín biết đánh không?
- Có chứ! - Tôi đương nhiên gật đầu chắc chắn.
- Vậy đánh với Thương đi!
- Đánh cờ, không đùa chứ?
Nhưng Thương chẳng có vẻ gì là đùa cả, cô nàng ngồi xuống băng ghế đá, mở bộ cờ gỗ ra và xếp quân. Tôi bất đắc dĩ cũng phải tiến lại gần, vạn phần không muốn điều này diễn ra. Khi bạn muốn từ chối cái gì đó, thường là từ chối thẳng thừng, hoặc là cố gắng làm ra vẻ gì đó cho đối thủ tâm lý mà chịu hàng. Tôi chọn cách thứ hai:
- Này, đánh thua đừng có khóc đấy! - Tôi gằn giọng, ra bộ ghê gớm lắm.
- Dĩ nhiên, thua càng thích! - Thương kéo con Pháo vào giữa, coi bộ chẳng đếm xỉa gì đến việc nắn gân tinh thần.
Trước giờ, trình độ cờ Tướng của tôi chỉ xếp vào loại biết đánh. Tức là đủ để biết con nào nằm ở vị trí nào, đi ra sao, nước cản con mã như thế nào. Tuyệt chiêu duy nhất mà tôi biết trong thể loại cờ này là pháo lồng, nhưng căn bản là lúc linh lúc không. Tức là hên xui, vô tình hai con pháo lồng nhau là hết.
- Đừng có thả đấy! - Thương ăn con xe của tôi, giọng không vừa lòng.
- Không có gì, coi như chấp! - Tôi toát mồ hôi mà vẫn cứng giọng.
- Không cần, đừng tưởng nam nhi mà tỏ ra mạnh mẽ!
Kết cục, ba ván liên tục, hầu như Thương còn nguyên binh hùng tướng mạnh, còn tôi trơ trọi tướng với hai con sĩ chống qua chống lại. Hết chịu nổi, tôi xua bàn cờ chịu thua.
- Thua, gặp ngay cao thủ!
- Chà, nãy ai nói cứng lắm mà! - Thương nheo mắt cười khoái chí.
- Doạ cho vui chứ, không giỏi món này!
Tôi lôi cái võng ra gần cái xích đu, tính leo lên võng nằm, vì con gái vốn thích xích đu. Nhưng Thương thì nhất quyết phải ngược lại.
- Mà con gái lại chơi cờ hay vậy?
- À, giết thời gian thôi! - Thương hít một hơi dài, vẻ tươi tỉnh căng tràn.
- Giết thời gian, bộ không chơi được trò khác à?
Tôi nghĩ đến cái thời của bà chị gái tôi, những trò nhảy dây, chơi ô quan, thảy banh, lớn hơn một chút thì đọc truyện, vẽ vời hoặc đại loại theo mô típ phải có chút gì đó nữ tính, chứ chưa bao giờ nghĩ là sẽ khoái cờ tướng như cô bạn. Cứ như tôi với thằng em họ này cũng vậy, đứa ở nông thôn, đứa ở thành phố, nhưng hầu như những cái trò đá bóng, tạt hình, hoặc ăn trộm trái cây, chơi điện tử tay cầm ...đều trải qua hết. Nói chung nó có phải có chút gì đó giống nhau chứ.
- À, tại vì chỉ có cờ tướng là có người chơi chung thôi!
- Ồ, vậy à!
- Ừ, Thương ít bạn lắm! - Đôi mắt trong veo thắm đượm gì đó buồn man mác.
Tôi cũng tuyệt nhiên không hỏi thêm gì nữa, nhưng Thương lại chậm chậm lấy lại bình tĩnh, rồi tâm sự.
- Trước giờ, cứ mỗi lần đi đâu đó chơi là thể nào tớ cũng bị cấm đoán!
- ...!
- Thế nên hầu như tớ chỉ biết đọc truyện, đọc sách, và cờ tướng này thì chơi với anh họ. Ban đầu thì cũng không thích lắm, nhưng sau rồi không có gì làm nên lôi ra chơi.
- Vậy à?
- Nghe cứ như tự kỷ lắm ấy nhỉ?
Tôi chẳng nói gì, ngồi im và đồng tình có lẽ là cách tốt nhất. Nếu như tôi mà ở vị trí như Thương, thì có lẽ tôi thà chấp nhận ăn roi vọt còn hơn là sống theo kiểu bảo bọc hoàn hảo như vậy. Có điều, cô bạn tôi là phận nữ nhi, không thể làm theo cách như tôi được.
Tôi ngước lên trời, nghĩ về mọi thứ miên man trong đầu. Nghĩ về những lần nghịch ngợm phá phách, tôi cứ nghĩ mông mình nát nhừ chứ chẳng chơi, thế mà ngoài những tiếng khuyên răn tôi chẳng bị hình phạt gì thêm. Và tuyệt nhiên những lần sau, tôi chẳng bao giờ tái phạm một lần nữa.
- Này, cậu có chị thật không đấy?
- .........! - Không ai trả lời tôi cả.
Thương ngủ say từ lúc nào, thật kì lạ. Dáng vẻ cô bạn đang ngủ một giấc ngủ yên bình, khiến tôi không nỡ đánh thức.
“Thật kì lạ”.
Tôi nhìn cô bạn và nhận định, một người con gái vẻ ngoài có chút gì đó lãnh cảm, thì lại nhiều tâm sự chồng chất, ăn kem liên tục không biết chán. Tâm lý, kĩ càng nhưng nhiều lúc đểnh đoảng không ngờ. Nói chung tính cách của Thương, nửa có gì đó ảo, nửa có gì đó thật, khiến cho bạn luôn tò mò và tự đặt những câu hỏi xung quanh.
Tôi xuống phòng chị Thuỷ, lấy cái chăn lên cho cô bạn. Xong đâu đấy, tôi ngả lưng ra chiếc xích đu, chẳng biết ngủ thiếp đi từ lúc nào.
- Này, nói đi, đừng chọc nữa! - Tôi phát cáu khi hông tôi đau nhói.
- Dạy anh, có phòng không ngủ, chui lên đây làm gì? - Thằng em tôi lay người.
- Ơ, ngủ quên! - Tôi dụi mắt bật dậy, cái chăn đắp ngang người tôi rớt xuống đất.
- Xuống nhà ăn sáng đi kìa, Mẹ gọi rồi!
- Mày không đi học à? - Tôi lượm cái chăn, vắt ngang vai đi theo nó.
- Mơ ngủ à ông tướng, hôm nay chủ nhật.
Tôi ném cái chăn, hất hàm sai thằng em cất dùm, đánh răng rửa mặt xong, phóng thẳng xuống nhà dưới. Thương và Bác tôi đang cười vui vẻ nói chuyện với nhau, tôi cố tình đi mạnh, gây ra tiếng động cầu thang báo hiệu sự có mặt.
- À, xuống đây Bác hỏi tội!
- Dạ? - Tôi ngơ ngác.
- Bạn đến nhà, lại rủ rê lên sân thượng phơi sương!
- Đâu có ...! - Tôi gãi đầu chối quanh.
- Lần sau như thế thì anh liệu hồn tôi!
Tôi gật đầu dạ vâng, còn Thương thì đứng sau lè lưỡi chọc quê. Tính Bác gái tôi là như thế, vô cùng dễ tính, nhưng có ba cái không - theo thằng em tôi - kể lại không được vi phạm dù vô tình hay cố ý là : lừa dối, mất vệ sinh, và mất thể diện. Việc khách đến nhà mà cả tối phải phơi sương cũng là một trọng tội càn được xử lý.
- Bác làm gì thế ạ? - Tôi giở giọng đánh trống lảng.
- Nấu đồ ăn sáng, lâu rồi thằng Nguyên đi học liên tục, Bác cũng bận đi sớm nên không nấu nướng gì được.
- Dạ!
Tôi nhìn Thương đang nêm gia vị vào cái nồi vừa tắt lửa trên bếp ga thì tròn mắt ngạc nhiên.
- Làm gì thế, đừng nói là ...?
- Bạn nấu cho ăn không biết cảm ơn, mắt tròn mắt dẹt làm gì, ra lau cái bàn dùm Bác đi.
Tôi không dám ý kiến, đi thẳng ra cái bàn cạnh đó, lau sạch mặt bàn, không hiểu cô bạn tôi bằng cách nào mà mua chuộc được Bác gái tôi đến vậy, chưa kể cả thằng Nguyên nữa chứ. Suốt bữa ăn ba người cứ nhè tôi mà công kích.
- Nhờ cháu nó mới lên nhà Bác chơi đấy!
- Đâu có cháu bận mà! - Tôi gắp miến gà vào bát, ra vẻ phản đối.
- Bận gì, Mẹ cháu nói thứ bảy, chủ nhật không học cơ mà!
- Dạ, thì phải học bài nữa chứ!
- Thì anh mang sách vở lên đây cũng được mà, gần chứ có sao đâu? - Thằng Nguyên húp sột soạt, khen ngon liên tục.
- Ờ ờ..!
Thực ra không phải tôi lười gì cho cam, bởi vì mỗi lần lên chơi, nhà Bác tôi vốn quý cháu nên thể nào cũng chuẩn bị như kiểu mở tiệc. Chưa kể Bác tôi cứ bảo sinh viên ăn uống kham khổ nên thỉnh thoảng lại cho tôi tiền, mỗi lần tôi từ chối là thể nào cũng có câu:
- Tao cho tiền mày đi xe bus!
- Xe bus có ba ngàn thôi, đây tận mấy trăm lận! - Tôi không nhận.
- Bác cho thì cầm lấy, khỏi lôi thôi! - Bác tôi khoát tay, ra vẻ cực kì cứng rắn.
Cứ như thế, lâu lâu tôi mới dám ghé một lần, dù cho thỉnh thoảng Bác tôi vẫn gọi lên chơi thường xuyên, còn bàn bạc với Ba tôi là cuối tuần bắt tôi lên chơi.
- Chị sau này lên chơi với nhà em nha!
- ..! - Thương vui vẻ gật đầu đồng ý, không hề nhận biết nụ cười gian xảo của thằng Nguyên dành cho tôi. Dĩ nhiên, tôi mà không lên đây chơi thì Thương cũng không lên, nhưng ngược lại Thương muốn lên nhà Bác tôi chơi, phải có mặt tôi.
Tôi đạp vào mấy ngón chân của thằng em họ, khiến nó rú lên như ăn trúng ớt cay, suýt nữa thì phun hết miến ra ngoài. Thằng này cũng chả vừa:
- Chị Thương nấu ăn ngon thật, ai mà lấy được thì sướng!
Nói xong, nó tự cười ra vẻ khiêu khích, Bác tôi cũng gật gù đồng ý, còn tôi và cô bạn thì đồng loạt đỏ mặt. Hai đứa tôi chỉ còn nước mà cắm cúi ăn để chữa thẹn.
Ấy vậy mà sau cái bữa ăn sáng ấy, tôi phải dẫn theo thằng nhóc láu cá đi uống cà phê chung. Bác tôi tâm lý nên đẩy cả ba đứa đi đâu chơi, và dĩ nhiên đi uống cà phê ở một quán nào đó yên tĩnh là ý kiến không tồi.
- Anh, con bé Trang như nào rồi?
- Con bé Trang nào?
- Cái con bé sát nhà anh đấy!
- À, nó hơn mày một tuổi cơ mà, sao hỗn gọi bằng con bé, chị mới đúng! - Tôi khoanh tay trước ngực mãn nguyện vì trả thù được vụ đâm sau lưng, bán đứng anh em.
Con bé Trang vốn ở sát nhà tôi, thua tôi một tuổi, và hơn thằng láu cá đang nhăn nhó uống pepsi kia một tuổi. Nhà nó có cây xoài cực ngon, phải nói là danh vang khắp xóm. Mà thường tiếng lành đồn xa, nên nó cũng là mục tiêu của cả đám con nít lóc nhóc thời đó, trong đó phải kể tới hai anh em họ, tôi và thằng Nguyên từ thành phố về chơi.
- Xuống thôi, đủ rồi! - Nó mặt tái mét khoát tay.
- Xuống gì, ăn trộm phải có tư cách! - Tôi khoát tay lôi bịch muối được lận vào đai quần đùi ra. Mặc kệ thằng em họ mắt tròn mắt dẹt, lấy xoài chấm ăn ngon lành, buộc thằng Nguyên cũng phải ở trên cây ăn theo.
- Này, hai cái anh kia! - Giọng một đứa con gái vang lên dưới gốc cây.
- Chết mồ, chủ kìa anh ơi! - Thằng Nguyên nắm tay tôi, run như cầy sấy.
Tôi cũng sợ, nhưng sĩ diện, cứng giọng:
- Gì?
- Ai cho trộm xoài nhà tôi?
- Xoài của Ba mày chứ không phải xoài của mày đâu! - Tôi lươn lẹo đáp lại.
- Anh có xuống không?
- Có phải của mày đâu mà mày đuổi! - Tôi tiếp tục ăn nốt quả xoài to bự, đưa mặt khiêu khích.
Con bé ấy cũng chẳng phải vừa, nó kiếm đâu được cục đá chọi lên, đã thế nhè tôi mà chọi. Không hiểu ném thế nào lại trúng bóc giữa trán thằng Nguyên khiến đầu nó rướm máu. Đấy, duyên là thế, sau này lớn hơn một chút, thằng Nguyên vẫn thỉnh thoảng lên nhà tôi chơi, thấy con bé Trang thì cũng ợm ờ chào cho qua chuyện.
Hai anh em tôi say mê chọc nhau mà quên mất Thương từ nãy tới giờ đang lắng nghe chăm chú, ánh mắt có điều gì đó ghen tị và tủi thân. Tôi khoát tay với thằng Nguyên:
- Dẹp, nói chuyện khác mày!
- Đang vu ...i! - Nó chưa kịp mở hết lời thì nhận ngay một chú đá vào chân của tôi, ít nhất nó cũng tinh ranh để nhận biết có điều uẩn khúc nên đổi chủ đề.
Bữa chiều, mặc cho Bác Gái tôi giữ lại dùng cơm tối, tôi với Thương đều nhất quyết cáo lui. Hứa hẹn qua loa cuối tuần lên chơi như một thói quen, tôi và Thương lái xe ra Xa Lộ lại.
- Nhà Bác Tín vui ghê!
- Vui không?
- Ừ! - Thương ngồi sau gật đầu nhỏ nhẹ.
- Vậy bữa nào Tín chở lên chơi..! - Tôi chợt nhớ lại cái dáng vẻ yên bình của cô bạn lúc ngủ, và đôi mắt trong veo đầy vẻ tủi thân.
- Ừ ...!
- Nhưng phải chọn ngày ...?
- Ngày gì..?
- Ngày Bác ruột Tín không có ở nhà ấy, Bác khó tính lắm!
- Vậy hả..?
- Ừm, nhưng Thương biết đánh cờ như vậy thì được đấy, gì chứ Bác Tín đánh cờ siêu lắm.
- Nói chung không tệ như Tín là được rồi! - Thương ngồi sau nhún vai.
Hai đứa tôi đều cười vui vẻ, chẳng hiểu cái chuyện lủng lốp xe hôm qua là xui hay là hên nữa. Dù sao, đôi khi chỉ cần làm bạn bè bớt đi muộn phiền, thì coi như đó là một niềm vui cho riêng bản thân mình vậy.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...