Trăng nhô ra khỏi đám mây, chiếu sáng một vùng vằng vặc. Đâu đó có tiếng còi tàu vẳng lại trừ ngoài kia, khoảng không đen tối. Tôi nằm trên tảng đá, tự phơi mình dưới trăng, còn cô em gái của tôi thì thơ thẩn ngồi nghịch cát biển. Sóng đánh vào ồn ào vội vã. Sóng của hiện tại và sóng ở trong lòng, đều vội vàng như vậy, chỉ có điều sóng ở trong lòng không hiện hiển ra trước mắt, mà nó vỗ vào tấm lòng một cách liên tục, càng ngày càng mạnh.
Đâu đấy, vang lên một tiếng hát du dương, một tiếng hát có nội lực, thanh, cao vút. Y như tiếng hát của những cô tiên cá trong truyện cổ tích đang hợp âm với biển tấu lên bản tình ca. Tôi và Bông Xù đều lắng tai nghe.
- Ai hát hay quá vậy? - Bông Xù quay sang hỏi tôi.
Tôi nhắm mắt khẽ tận hưởng, tiếng hát vang lên từ trại, nó như vang lên từ tận cùng đáy lòng tôi vậy.
“Hát hay thật!”! - Trong lòng tôi cũng phải công nhận với Bông Xù.
Hai anh em tôi như bị giọng hát mê hoặc trở nên thẫn thờ, khi giọng hát ấy vừa tắt, vẫn chưa ai thoát ra khỏi tình trạng nhập tâm quá sức. Bông Xù ngồi bệt xuống nền cát khô, thở dài nhìn xa xăm vô chủ đích, còn ông anh thì nằm ngắm bầu trời đêm, cũng vô chủ đích nốt.
Thương và Phong chắc không thấy sự hiện diện nên đi tìm kiếm, phát hiện Bông Xù đang thẩn thờ ở bãi biễn.
- Vi, Tín đâu?
Tôi nằm trên vách đá, giơ tay báo hiệu sự tồn tại của mình.
Phong ngồi với Bông Xù, Thương lại gần tảng đá, leo lên một bậc, nhưng đành chịu thua trước cái tảng đá cao, cô nàng chìa tay cho tôi.
- Nè, kéo Thương lên!
Tôi đưa tay, nắm cái cổ tay không có băng đô, cẩn thận kéo cô bạn lên. Thương lấy tay lau mồ hôi trán, thở dài như vừa vượt qua một cái gì khó khăn to lớn lắm vậy:
- Gì mà trông mệt vậy? - Tôi lại áp lưng vào tảng đá mát rượi.
- Mới vừa trải qua cơn kinh hãi xong!
Thương chống hai tay ra đằng sau, căng mình đón những đợt gió biển mát rượi ùa vào. Mái tóc bình thường vấn cao nay thả dài, phấp phới bay trong gió. Màn đêm và ánh trăng tạo nên khuôn mặt nửa sáng nửa tối, ngay cả đến một thằng mù về nghệ thuật như tôi cũng phải công nhận là đẹp. Nhưng có lẽ là đôi mắt trong veo là điều đẹp nhất. Chẳng hiểu một người đeo kính như Thương, làm sao có thể giữ đôi mắt mình như vậy.
- Mát quá! - Thương chụm tay hét lớn.
Tôi phì cười trước thái độ con nít của cô bạn.
- Này, cậu cười cái gì thế?
- Không có gì! - Tôi phẩy tay cho qua, không muốn cô bạn biết rằng, từ nãy tới giờ tôi đang chơi trò tìm điểm khác lạ giữa Thương lúc đầu gặp và bây giờ.
- Có, còn chối nữa sao!
- Tớ nói không có là không có mà! - Tôi khẽ cười thật nhẹ, đủ để bóng đêm che đi, không cho ai phát hiện.
Bông Xù và Phong nghe tiếng ồn ào cũng lại góp vui. Lần này tôi chẳng phải kéo ai lên cả, Phong lên trước, đỡ tay kéo cô em gái tôi lên.
Bốn người bạn, ba ngồi, một mình tôi nằm ngửa trên tảng đá, xung quanh là những cơn sóng đang vây hãm. Tôi đung đưa chân ngoài mặt đá.
- Này, nãy Thương hát hay lắm đấy!
- Thật hả? - Thương khẽ đỏ mặt trước lời khen ngợi của thằng Phong.
- Vậy hoá ra, lúc nãy là Thương hát hả?
- À...ừ..! - Thương ấp úng, hai tay đan vào nhau. Có lẽ cô nàng không quen nhận những lời khen ngợi.
Bông Xù quay qua lắc người tôi:
- Anh, nãy anh em mình nghe là Thương hát đó!
- Tàm tạm! - Tôi gác tay ra sau, kê đầu lên.
- Vậy mà tàm tạm, anh hát em nghe thử coi! - Cô em tôi lại mè nheo.
- Bữa khác đi, hôm nay không có hứng.
- Xí, anh làm gì biết về nghệ thuật.
- ...!
- Đến kể chuyện còn chán ngắt.
Hai từ kể chuyện lọt vào tai Thương và Phong, hai đứa bạn trố mắt nhìn Bông Xù đồng thanh:
- Kể chuyện!
- Nãy đó..!
- Chuyện gì vậy?
Chắc là từ trước tới giờ, tôi chưa bao giờ kể chuyện về mình, những gì mà ba người bạn ở đây biết chỉ đơn giản là quê tôi ở đâu, và chỉ biết rằng tôi là thằng nghịch ngợm thời còn mang áo trắng học sinh qua tụi bạn cấp ba không hơn không kém. Bởi thế nghe từ tôi kể chuyện, chắc lại tưởng tượng ra tôi đang bộc bạch quá khứ bí ẩn của mình vậy.
- Chuyện công chúa với hoàng tử,cơ mà có cả siêu nhân gao nữa! - Bông Xù quay sang quắc mắt nhìn tôi.
- Sao lại có siêu nhân gao ở đây? - Thằng Phong gãi đầu, chắc là chưa bao giờ nó được nghe câu chuyện tổng hợp nhiều thần tượng trẻ thơ đến vậy.
- Ừ, vậy đó, còn có gì mà hai người không đến với nhau, cô đơn cả đời nữa!
- Vậy là Vi bị lừa rồi! - Thương nheo mắt nhìn tôi.
Thế đấy, ai cũng tin đó chỉ là một câu chuyện vớ vẩn bông đùa không hơn không kém, một câu chuyện để tôi tránh khỏi tính khí nhõng nhẽo của cô em kết nghĩa. Ừ, thì ngay cả bản thân tôi cũng không tin cái kết thúc như thế, thì làm sao người khác có thể tin được chứ. Sau khi trải qua bao nhiêu kỉ niệm, cái kết đến nhanh và ngỡ ngàng, khiến cho người thưởng thức hoặc vô tình chứng kiến cảm thấy hụt hẫng.
- Thương kể chuyện Thương cho Vi nghe đi!
Bông Xù quay sang lấy Thương làm mục tiêu, đã thế còn đưa mắt thầm thì vào tai, nhìn tôi. Chắc là cô em gái không muốn nghe một câu chuyện vô vị như tôi vừa kể.
- Biết kể gì bây giờ?
- Gì cũng được, có liên quan chú txíu đến Thương càng tốt! - Thằng Phong đấm tay vào nhau tán đồng.
- Hì, vậy không có đâu, để Thương kể câu chuyện của người khác vậy!
Bông Xù và Phong xuôi xị đồng ý, tôi không có ý kiến, nên không được tính tới, mà dù cho có phản đối, thì tôi vẫn là thiểu số. Nguyên tắc đám đông, thiểu số phục tùng đa số.
- Cô gái này sinh ra trong một gia đình khá giả, từ nhỏ sống trong sung sướng. Cô được sự bảo bọc quá mức của gia đình, cái mà người ngoài gọi là sự hoàn hảo, đến nỗi cô ấy rất cô đơn!
Tôi dõng tai nghe.
- Cô ấy không hề có bạn, một người bạn thân đúng nghĩa, một người có thể nghe cô ấy nói chuyện, nghe cô ấy hàng giờ đồng hồ, chỉ để kể về một sở thích. - Thương chậm giọng lại, nhìn ba người còn lại bất động. Hắng giọng, cô bạn kể tiếp.
- Và cho đến một ngày, cô ấy quyết định sang Mỹ định cư, ra đi cũng không có ai đưa tiễn, một người bạn đưa tiễn.
- Sau đó rồi sao?
- Và cô ấy sống trong xứ người xa lạ, cũng không có ai bên cạnh như thế, có lẽ bây giờ và cho đến suốt cuộc đời.
Bông Xù đưa mắt nhìn Thương rồi quay sang tôi, bỗng nhiên bật thành tiếng:
- Hai cái người này, kể chuyện thật giống nhau, chẳng đầu chẳng cuối, chẳng có gì vui cả, thôi vào trại đi Phong!
Bông Xù nhõng nhẹo nhảy xuống, đi thẳng vào trại. Phong chỉ có nước cười với hai đứa tôi và nhảy xuống theo, để lại tôi với Thương ngồi vắt vẻo trên tảng đá.
- Chuyện dở lắm hả Tín!
- Không, hay nhưng buồn!
- Ừ...! - Thương cúi mặt xuống, hai bàn tay phản chủ đan vào nhau tố giác sự bối rối.
Tôi gượng người dậy, thở dài nhìn ánh trăng đang phản chiếu dưới mặt biển.
- Có Thương trong đó hả?
- Không...!
- Thấy có chút gì đó giống giống!
- Là...là chị Thương!
- Vậy à? - Tôi thốt ra một câu vô tình.
Thương có vẻ xúc động quá mức, khi tôi nghe sự nức nở trong từng từ thốt ra khỏi miệng cô bạn. Cũng đúng thôi, ai mà muốn sống trong cô độc chứ, sống giữa thế giới mà mọi dây thần kinh cảm xúc đều bị đứt sạch, một cái xác vô hồn, một cỗ máy bằng xương bằng thịt.
- Tín có một người chị gái và một người anh trai!
- Vậy hả, giờ mới được biết! - Thương cứ cúi mặt xuống trầm ngâm.
Tôi quyết định chọn ông anh tôi làm mục tiêu đem ra kể chuyện, vì giữa hai thằng con trai bao giờ cũng có những kỉ niệm vui hơn so với giữa em trai và chị gái. Vừa có thể giúp cô bạn thôi buồn, vừa có thể trả thù ông anh tôi, dù ổng chẳng bao giờ biết đến mà tức giận.
- Anh trai Tín hơn hai tuổi, là một người Tín cực ghét!
- Ghét ư, sao lại ghét anh ấy?
- Còn gì nữa, rõ ràng lão ta là một người như thế, cực ghét!
Thương tròn mắt ngạc nhiên, nhìn một thằng em ghét người anh đến nỗi gọi bằng lão.
- Hồi nhỏ, lúc mới tập xe, lão chẳng chịu giữ xe cho Tín!
- Rồi sao...?
- Lão bảo là mày cứ cầm xe, đứng ở đầu dốc trong xóm rồi ngồi lên. Hai ba lần là biết đi xe ngay. Kết cục là cả mười lần thì xe đâm mạnh vào hàng rào và để lại di chứng.
Tôi vừa nói, vừa vén tay áo lên, một vết sẹo khi tôi tập xe lên minh chứng.
- Chỉ thế thôi hả?
- Còn nữa, như thế đã ăn thua gì?
Tôi hắng giọng, kể vanh vách những tội ác mà ông anh tôi đã làm với thằng em trai tội nghiệp.
- Lão ấy có lần chở Tín xuống xóm chơi, chẳng hiểu thế nào lão ấy lại bảo Tín quẹt pháo ném vào cổng nhà hàng xóm. Tín nghe theo, và kết quả là cả hai con béc giê to ơi là to xông ra, đớp một phát vào mông. Còn lão ấy thì bình an vô sự.
Tôi cố tình đưa hai tay thành một vòng cung để miêu tả kích cỡ của hai con béc giê nhà ông Vinh trong xóm. Có lẽ hơi cường điệu quá, vì với kích cỡ đó, nó mà đớp thì phải trọn cả hai mông một thằng con nít lớp ba chứ chẳng chơi. Thương phì cười, không biết là vì con chó quá to hay là vì tôi bị đớp vào mông khi nghe ông anh xúi dại.
“Thực chất con chó ấy bé có chút xíu à”. - Tôi nghĩ thầm trong bụng.
Cứ thế, bao nhiêu tật xấu của ông anh tôi, tôi kể ra vanh vác, nào là đá bể kính hàng xóm, còn vào xin lại trái banh. Nào là hái trộm trái cây còn trêu cả chủ nhà...Nói chung là muôn vàn thể loại tuổi thơ mà lứa tuổi con nít nào cũng trải qua, và thực tế là ông anh tôi nào có làm một mình, vì bên cạnh luôn có tôi đi theo hưởng ứng như một cánh tay phải hỗ trở đắc lực hoặc bị xúi dại.
Thương phì cười, khuôn mặt tươi tắn lạ thường, và rồi ánh đèn pin loang loáng chiếu lên.
Tôi kéo tay Thương nép vào mép đá, tiếng xì xào nói chuyện vang lên:
- Không có ai đâu, về đi mày, giờ này trong trại hết rồi!
- Kiểm tra xem có ai không chứ?
- Làm gì có, như này tao ớn ớn!
Ánh đèn pin soi liên tục vào mọi hướng cho có lệ, rồi hai người giữ an ninh khu trại cũng đi vào. Cũng may, chúng tôi ở trên cao, có chỗ khuất, và cũng phải cảm ơn tiếng sóng biển rì rào, át tiếng nói chuyện, không thì tôi và cô bạn đang ở đây sẽ bị áp giải về trại mất.
Hình như những ngón tay của cô bạn chạm vào lòng bàn tay của tôi, nhỏ nhắn và ấm áp. Tôi chỉ cho cảm giác ấy tồn tại không lâu, trước khi đứng dậy vươn vai:
- Đi về trại đi Thương!
- Không, chán lắm! - Thương một mực dựa lưng ra đằng sau, ngắm biển.
Gió biển ùa vào lạnh lẽo. Tôi nhìn vào chiếc điện thoại. Cũng đã mười hai giờ hơn rồi.
- Không về thật à?
- Không...! - Thương lắc đầu đáp lại.
Tôi cởi chiếc áo khoác, đặt bên cạnh Thương,nháy mắt cười:
- Lần thứ ba!
- Ừ, lần thứ ba! - Thương khẽ cười đáp lại, cầm chiếc áo khoác của tôi đắp vào người.
Tôi nhảy thẳng xuống bãi cát, đi lững thững dọc bãi biễn. Ba năm sau, tôi lại một lần đứng trước biển. Biển vẫn ngọt ngào như vậy, ngọt ngào hát tình ca, ngọt ngào sóng vỗ bờ.
Ngọt ngào biển hát tình ca.
Chúng ta giờ đã cách xa đôi đường
Chỉ còn tồn tại nhớ thương.
Ta lắng nghe biển buồn vương gieo sầu.
Tôi đi về trại, cố gắng mở cửa lều bằng tấm vải cứng một cách cẩn thận, cố dùng mắt tránh đạp phải mấy thằng đang duỗi chân duỗi tay ngủ mê mệt. Ráng tìm đúng cái balo của mình nhờ ánh sáng yếu ớt từ điện thoại, tôi lôi ra cái hộp bánh mua từ lúc nào, đến bây giờ mới sực nhớ.
Cửa hàng gần trại sáng trưng, tôi rón rén chạy ra mua thêm một ly cà phê, và một chai nước ngọt, sau đó dáo dác nhìn xem có ai theo dõi mình không, trước khi chạy ra phía biển.
- “Quái, chẳng thấy Bông Xù với Phong đâu cả?”.
Tôi cũng chẳng bận tâm lắm, vì bây giờ Thương mới là người cần phải động viên. Tự nhiên khi nghe thấy Thương kể như thế, tôi hình dung, Thương cũng sẽ như thế. Không hiểu vì lí do gì, cũng chẳng phải là sự thương tâm dành cho cô bạn. Có lẽ là sự đồng cảm giữa hai người kể chuyện “vô duyên” như Bông Xù nhận xét.
Tôi tiến lại gần tảng đá, một sự im lặng đáng sợ. Hầu như không có dấu hiệu nào của ai tồn tại.
- Thương ơi! - Tôi đưa tay lên miệng gọi nhỏ!
Chỉ có tiếng sóng trả lời, mọi thứ đều im bặt.
Tôi vội leo lên tảng đá, bất ngờ thay khi cô bạn mắt đã lim dim ngủ từ lúc nào. Đúng là cứng đầu không thể chịu nỗi, đã nói là vào trại rồi cơ mà. Tôi đặt hộp bánh và nước uống xuống, ngồi ra gần mỏm đá,ngắm trăng, trong khi cô bạn đang nằm ngon giấc, không chút sợ hãi với bóng đêm, không chút bất an nào cả.
Phải chăng lại có người thích bóng đêm như tôi.
Tôi ngồi im đưa ly cà phê lên miệng thưởng thức. Cái hương vị tuy không bao giờ thơm và ngon như ở nhà, nhưng nó phần nào cũng trở nên đặc biệt trong đêm tối lạnh. Nếu mà có thằng Trung ở đây, có lẽ tôi và nó sẽ đàm đạo mọi chuyện, nó hút thuốc, còn tôi uống cà phê, chắc sẽ phần nào vơi bớt tâm sự.
Tôi cứ ngồi thế ngắm trời, ngắm biển, thỉnh thoảng quay lại xem cô bạn như thế nào rồi. Ly cà phê vơi dần, vơi dần cho đến khi cạn đáy, tôi vẫn là người lính canh cho giấc ngủ của cô bạn, hoặc chính bản thân tôi cảm như thế là thoải mái, chứ không phải vì tinh thần trách nhiệm.
- Này! - Tiếng gọi đằng sau làm tôi giật mình.
Tôi đang chênh vênh, chân đung đưa, nghe tiếng gọi đằng sau, làm mất căn bằng rớt cái uỳnh xuống cát. Do gấp gáp nên vừa tiếp đất không vững, tôi té nhúi nhủi, cát chui vào người khó chịu. Ngẩng đầu lên thì thấy Thương đang cười hí hứng, tóc xoã dài bay trong làn gió, nom quỷ dị thật chứ chẳng đùa.
- Giật mình! - Tôi nhảy lên mặt tảng đá, rũ những hạt cát bướng bỉnh dính lúc nãy vì trò đùa của cô bạn.
- Vậy mà cũng sợ!
- Vậy Thương soi gương xem Thương có đáng sợ hay không? - Tôi phủi cát ở cánh tay ngại ngùng.
Cô bạn tự nhiên đang ngồi ăn bánh, rót nước đưa lên miệng nháy mắt:
- Có nghĩa khí ghê ha!
- Người tốt thường không được đáp lại mà! - Tôi ngồi phịch xuống bên cạnh, lấy bánh ra ăn.
Hai chúng tôi cũng chẳng biết vì sao, cứ im lặng mãi, im lặng mãi, cứ như cả hai đều bị sóng biển đánh cho tan ra thành vô hình ấy. Cho đến khi cả hai chẳng ai nói ai câu nào, lững thững đi vào trại.
Gần ba năm sau, biển đêm lại chứng kiến tôi đi bên cạnh một cô gái, và cũng tình cờ như có sự sắp đặt của bàn tay tạo hoá, tôi đi bên cạnh một cô bạn cùng lớp. Có lẽ vì thế, trong đầu tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ bắt đầu một thứ tình cảm mới. Có lẽ vì nó quá thân quen, cứ như kiểu bạn đang sống trong một vòng lặp mà mọi thứ cứ quay đi quay lại không lối thoát vậy. Nhưng tình cảm vốn nó không có quy luật, đã vượt qua quy luật ấy, chỉ có điều, tình cảm của tôi đang bị lý trí kìm nén mà thôi.
“ Đơn giản, Thương chỉ là bạn, trong một sự ngẫu nhiên tình cờ mà thôi!”. Tôi thầm nghĩ trong bụng.
Hai người đi mãi đi mãi trên bờ biển dài, tối đen. Cứ như thế khi tảng đá không còn nhìn thấy hai người bạn ấy đâu nữa, nó cứ như sự kết thúc đầu tiên mà tôi kể cho Bông Xù nghe.
- Nè anh Tín! - Bông Xù khẽ gọi khi tôi đang định quăng mình vào trại đánh một giấc.
Tôi theo cô em gái ra bên đống lửa trại lúc nãy, cả đám đông lớp tôi đang chầu chực một thứ gì đó, đứa thì chu miệng thổi phà phà, đứa thì dùng cái que khều thứ gì đó trong đống than hồng ra.
- Khoai lang nướng đó!
Thương và tôi ngồi xuống, cũng nhập chung với lũ lén lút. Tôi giành cái cây của thằng Hùng khều củ khoai lang ra. Kéo lê nó trên cát, cúi người thổi phù phù. Cát bay lên dính hết lên cả trán, đâm cả vô mắt.
- Thằng ngu này! - Thằng Hùng cười sằng sặc.
- Kệ tao!
Tôi đưa tay nhấc củ khoai lang nướng đã nguội bớt lên bẻ làm đôi, chìa ra cho Thương.
- Ngồi im! - Thương nghiêm mặt nhìn tôi, tôi ngu ngơ ngồi theo yêu cầu của bạn.
Bàn tay Thương khẽ đưa lên trán tôi, cái băng đô trên cổ tay làm cho những hạt cát rớt xuống. Tôi rùng cả mình, cứ như ai đó đang kề dao vào cổ tôi vậy. Không hiểu vì sao tôi lại có cảm giác này. Tôi đứng dậy, mang nửa của khoai lang ra cái xích đu gần đó, ngồi nhấm nháp. Hình ảnh khuôn mặt Thương ở gần, rất gần cứ mãi ám ảnh tôi.
Sáng dậy, chương trình tập thể dục trên biển, và tắm biển diễn ra rất nhanh. Đây là thời gian mọi người được tự do nên hầu như ai cũng đi kiếm một khung cảnh đẹp để chụp hình. Tôi cũng bị Bông Xù và cả lớp lôi đi, chắc có lẽ trong khung hình, ai cũng cười rạng rỡ, chỉ có tôi là mặt trầm ngâm ưu tư.
Một giờ chiều, thu dọn mọi thứ, vệ sinh xung quanh khu trại, chúng tôi tạm biệt biển để trở về với cuộc sống đời sinh viên với tài liệu và giảng đường. Ai nấy cũng mệt phờ nên xe vừa lăn bánh là đã thiếp đi. Vẫn như cũ, Thương ngồi ngoài, tôi ngồi trong, cô bạn ấy lại gục đầu lên vai tôi yên bình giấc ngủ.
Tôi ngồi im, đưa mắt nhìn cảnh vật đang lướt đi rất nhanh. Tiếng nhạc vàng nhẹ nhàng trên xe của bác tài xế mở vang lên du dương.
- Không ngủ à, cậu thanh niên?
- Dạ không! - Tôi nhìn vào cái gương chiếu trên xe, khuôn mặt bác tài xế đang cười tươi vui vẻ.
- Người yêu à? - Bác vẫn chăm chú nhìn đường đi, hỏi tôi.
- Không, bạn thôi ạ!
- Đúng là thanh niên! - Bác ấy lại cười.
- Bài bác mở là bài gì thế ạ?
- Riêng một góc trời ấy mà, được không?
Bác tài xế đầy tự hào về bản nhạc mà chính tay mình mở, còn lắc lư người, khe khẽ hát theo nữa chứ. Nhưng tôi cũng phải đồng tình với bác tài về bản nhạc ấy, nó rất hay, rất tâm trạng, hợp với tôi.
“Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên dòng suối mơ
Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa
Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ
Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu tình tôi..”.
Trong khi ấy, tiếng sóng biển nhỏ dần nhỏ dần, rồi biến mất. Tất cả những gì với biển đều ở lại, hãy để nó mãi là những kỉ niệm ngọt ngào nhất.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...