Mã Quân Vũ tuy thấy chuyện hơi khác thường nhưng không dám hỏi, cúi chào Huyền Thanh đạo sư rồi lui gót ra phòng đơn.
Ngô Không hòa thượng đang ở ngoài đại điện, chỉ dạy Thanh Loan luyện môn huyền công, bỗng thấy Mã Quân Vũ bước ra chuyển lời mời của Huyền Thanh đạo sư, ông vội vã bảo Thanh Loan cũng ra ngoài luyện kiếm với Quân Vũ, rồi cất bước vào đại sảnh.
Vừa bước vào đã thấy đạo sư đang trải bức họa bằng vải lên bàn, một bên có thắp cây nến sáng rực.
Nhìn vào bức họa đó Ngô Không hòa thượng giật mình, vì thoáng thấy trên góc tấm vải có viết ba chữ lớn, đã bạc màu :
“Tạng Chánh đồ”. Bên dưới lại có ghi hai câu thơ, mà lại không phải thơ :
“Vạn công giai nguyên mật, nhất kiếm thần châu hàn.
Già tùng sư minh nguyệt, thạch thượng lưu thanh toàn”.
Bức họa chỉ vẽ sơ ba cụm núi và mấy cây tùng già, đặt biệt là trên có
một dòng suối chảy ngoằn ngoèo biến mất vào một cái hố sâu. Trong cái hố sâu ấy không thấy đáy chẳng biết có gì bí hiểm bên trong.
Huyền Thanh đạo sư đưa mắt nhìn Ngô Không hòa thượng rồi mỉm cười nói :
- Tấm “Tạng Chánh đồ” này là một đệ nhất bảo vật trong võ lâm. Đã hơn
một trăm năm nay, vì việc đi tìm kiếm bản tạng đồ này mà không biết bao
nhiêu giang hồ cao thủ đã bỏ mạng. Nay tôi không có công gì mà lại
được...
Ngô Không hòa thượng hỏi :
- Tôi được nghe trong giới võ lâm thường nói “Tạng Chánh đồ” về việc
“Quy Nguyên mật tập”, nhưng tôi chỉ biết qua loa, không rõ nguyên ủy thế nào. Đạo trưởng là người trong “Côn Luân tam tử” danh tiếng mấy mươi
năm trên giới giang hồ, kiến thức lại rộng, chắc có lẽ đạo trưởng hiểu
nhiều về việc ấy.
Huyền Thanh đạo sư đôi mắt đăm chiêu, thở dài một tiếng, rồi thong thả đáp :
- “Nói đến “Quy Nguyên mật tập” phải nhắc lại câu chuyện ba trăm năm về trước.
Lúc đó, vào thời võ lâm cực thịnh, trên giang hồ chia ra làm chín phái
võ danh tiếng, trong đó có hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang là mạnh nhất,
thu dụng đệ tử rất nhiều. Còn các phái như Hoa Sơn, Côn Luân, Điểm
Thương, Không Động, Thanh Thành, Thiên Long, Nga My đều thuộc vào bậc
nhì cả. Ngoài chín phái võ có tên tuổi ấy còn có nhiều môn phái khác tuy võ công cũng đặc dị, nhung không thể nào bì lại chín phái trên. Bấy
giờ, trong các phái võ đều nổi lên những kỳ tài độc đáo, mỗi môn chiếm
một ưu thế võ công, tranh tài liên miên không lúc nào dứt. Các vị Chưởng giáo trong chín phái lại hẹn nhau tổ chức một cuộc đấu kiếm trên Thiếu
Thất sơn để chọn lấy một đệ nhất võ công, và xếp hạng cho các phái.
Hôm đó là một ngày xôn xao nhất trong giới giang hồ, số người đến dự
đông không thể tả. Các tay có võ công đến để tranh đấu đã đành, những
người chuộng võ thuật cũng đến đó xem, thật là một cuộc họp mặt vô tiền
khoáng hậu.
Trước ngày tỉ thí, họ mở những bữa tiệc rất linh đình tại Thiếu Thất sơn, ăn uống vui chơi tại đó”.
Ngô Không hòa thượng chắc lưỡi xen vào :
- Ồ, như thế ngày ấy chắc vui lắm nhỉ!
Huyền Thanh đạo sư gật đầu kể tiếp :
- “Ngày tỷ võ, mỗi phái lựa ra ba tay cao thủ nhất, và lần lượt đấu với
nhau để phân định thắng bại. Chín phái đánh với nhau trong bảy ngày đêm, kẻ bị chết người bị thương cũng nhiều.
Phái Hoa Sơn, Điểm Thương, Không Động và Thiên Long bị thua trước nhất.
Còn lại năm phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Côn Luân, Thanh Thành và Nga My
phải quyết đấu trở lại. Những người được tuyển vào dự đấu là những tay
tinh anh đặc dị của mỗi môn phái, cho nên mỗi người bị thương hoặc chết
là không biết bao nhiêu tuyệt kỹ trong phái ấy bị thất truyền...”
Ngừng một lúc, đạo sư buông một tiếng thở dài.
Ngô Không hòa thượng nóng lòng hỏi :
- Kết quả trận đấu đó phái nào thắng?
Huyền Thanh đạo sư mỉm cười, nói :
- “Nếu cuộc đấu ấy mà phân định được thắng bại, phân định được ngôi thứ, thì tuy có một số anh hùng võ lâm thiệt mạng, nhưng cũng có thể tạo
được mối ôn hòa cho các phái võ sau này rồi. Khổ thay, trong lúc năm
phái kia đang tranh hùng thì bỗng nhiên dưới núi xuất hiện một kỳ nhân.
Kỳ nhân đó có tên là Ngọc Long chân nhân. Thấy ngũ đại tông phái chém
giết nhau quá ác. Ngọc Long chân nhân tỏ lời khuyến dụ họ thôi đấu, và
nên giữ hòa khí với nhau.
Nhưng đã hơn một trăm năm trước đó, các môn phái đều lục đục với nhau về tài năng danh dự, đâu chịu nghe lời Ngọc Long chân nhân, họ vẫn tiếp
tục giao đấu như thường.
Ngọc Long chân nhân thấy khuyên giải không được, liền đứng ra thách các
phái giao đấu với ông ta. Năm phái võ đang tranh hùng thắng phụ, bị Ngọc Long chân nhân đến thách thức như thế, họ cho rằng Ngọc Long chân nhân
đã khinh rẻ môn phái họ, nên họ họp nhau đánh với Ngọc Long chân nhân.
Ôi! Vì danh dự mà cuộc trận đấu vô cùng ác liệt. Ngọc Long chân nhân chỉ dùng hai bàn tay không mà địch cả các tay cao thủ trong năm phái.
Qua năm trăm hiệp, chân nhân đã đánh bại cả năm phái, và được mọi người tôn là “Thiên hạ võ công đệ nhất”.
Các phái bị thảm bại, không ai còn nghĩ đến việc tranh giành ngôi thứ
nữa, vì vậy cuộc hội kiến nơi Thiếu Thất sơn nửa chừng bỏ dở”.
Ngô Không hòa thượng gật đầu nói :
- Như vậy Ngọc Long chân nhân đã làm một việc có ích trong đời. Chính
nhờ ông mà các phái võ không còn tranh tài chém giết lẫn nhau.
Huyền Thanh đạo sư lắc đầu nói :
- “Cuộc đấu kiếm tuy tạm ngưng, nhưng các môn phái không vì vậy mà bỏ ý
định tranh giành ngôi thứ. Họ nghiên cứu, tập luyện ráo riết về đặc môn
của mỗi phái, thậm chí họ còn bí mật phái đồ đệ từ môn phái này qua nhập môn phái kia để khai thác những đặc dị võ công của phái đối thủ, tìm
cách khắc phục, hy vọng cuộc hội kiếm lần thứ hai họ sẽ tranh hùng.
Do đó, việc thu nhận đồ đệ của các phái trở nên thận trọng vô cùng, họ
đề phòng đồ đệ các môn phái khác xen vào học lén võ công. Việc tranh đấu ngấm ngầm này cứ âm ỉ mãi không chấm dứt, khổ cho các vị Chưởng giáo
của các phái không ai dám truyền dạy những tuyệt kỹ của môn phái mình
cho đồ đệ cả. Nếu có truyền thì họ chỉ lựa một hai người nào được gọi là trung thành tín nhiệm nhất của phái họ mà thôi”.
Ngô Không hòa thượng thở dài, than :
- Như thế thì các đệ tử sau này bị thất truyền, và ngành võ học đi đến chỗ lụn bại rồi.
Huyền Thanh đạo sư nói :
- Qua mấy mươi năm gần đây, vì sự truyền dạy thêm thận trọng như thế nên ngành võ học bị thu hẹp phần nào. Nhưng không phải vì thế mà năng lực
võ công các phái kém sút đâu. Mỗi phái có một nhóm nhân tài, và họ gia
tâm nghiên cứa võ học, bản lãnh của họ còn uyên thâm gấp mấy lần tiền
nhân. Bằng chứng là sau cuộc đấu kiếm ở Thiếu Thất sơn, những đặc nhân
các phái xuất hiện rất nhiều. Có điều là công phu đặc dị chỉ gồm trong
một số ít người, không phổ biến như thời xưa.
Ngô Không hòa thượng nghe đến đấy chắp tay niệm Phật và nói :
- Ôi! Loài người chỉ vì óc tranh địa vị mà phải bỏ phí bao nhiêu sức
lực, đắm mình trong mưu này chước nọ để chém giết nhau! Khổ thay!
Huyền Thanh đạo sư mỉm cười nói :
- Việc tranh đấu chém giết nhau là điều hại, nhưng chính nó cũng có cái
hay. Cứ lấy phái Côn Luân của tôi ra mà nói thì sau trận đấu kiếm tại
Thiếu Thất sơn, các vị trưởng lão tiền nhân trong phái mới khổ tâm
nghiên cứu, đem hết tâm lực ra luyện được hai môn “Phân Quang kiếm pháp” và “Thiên Cang chưởng”. Nhưng về phần “Truy Vân thập nhị kiếm” mới là
cái tinh hoa của bộ “Phân Quang kiếm pháp” thì lại cấm tuyệt không cho
phép truyền dạy lại các đệ tử.
Ngô Không hòa thượng nói :
- Như thế thì “Truy Vân thập nhị kiếm” bị thất truyền rồi sao?
Huyền Thanh đạo sư nói :
- Trong phái Côn Luân chỉ có tôi và hai vị sư đệ sư muội tôi biết phần
tinh hoa ấy. Nhưng việc truyền thụ lại cho đệ tử thì đồ đệ ấy phải được
sự đồng ý của cả ba chúng tôi mới truyền dạy. Nhưng hôm nay tôi đã phá
bỏ lời ước đó rồi. Tôi đã quyết định dạy “Truy Vân thập nhị kiếm” cho Mã Quân Vũ. Thằng bé này tư chất thông minh, tuy cơ mưu lanh lẹ, nhưhg lại rất trung thành. Trong mười hai năm qua, tôi đã truyền dạy cho nó hết
các võ công căn bản của phái Côn Luân rồi, nay truyền thêm bí quyết
“Truy Vân thập nhị kiếm” nữa là hết.
Ngô Không hòa thượng ngạc nhiên hỏi :
- Tuy đạo trưởng có lòng ái mộ Mã Quân Vũ, muốn truyền bí quyết ấy, song Côn Luân tam tử của đạo trưởng đã có lời giao hẹn rồi, nếu đạo trưởng
phá ước ngày sau phải trả lời sao với hai vị kia?
Huyền Thanh đạo sư cười lớn, tiếng cười làm rung chuyển cả căn phòng. Ánh nến chập chờn xao động trước gió.
Ngô Không hòa thượng thấy nét mặt Huyền Thanh đạo sư hớn hở tươi vui như thế, chưa hiểu ý gì, toan hỏi, thì Đạo sư đã tiếp lời :
- Tôi sở dĩ phá ước của phái Côn Luân cũng vì tấm “Tạng Chánh đồ” này. Nó có một lai lịch lạ lùng.
Huyền Thanh đạo sư ngừng một chút rồi nói tiếp :
- Sau khi các cao thủ trong ngũ phái tạm đình chỉ việc đấu kiếm so tài ở Thiếu Thất sơn thì Ngọc Long chân nhân có răn dạy một lời: “Không có ai là anh hùng thiên hạ, mà cũng chẳng có môn phái nào đệ nhất giang hồ.
Nếu các ngươi còn tranh giành địa vị, ta quyết không tha”. Câu nói ấy
tuy Ngọc Long chân nhân muốn thiên hạ thôi chém giết, nhưng kỳ thực lại
là một cái khổ di lưu cho hậu thế. Bởi vì chính tài năng và địa vị Ngọc
Long chân nhân lúc đó ai cũng mơ ước.
Ngô Không hòa thượng hỏi :
- Câu nói ấy có ý gì mà lại để khổ cho hậu thế?
Huyền Thanh đạo sư cười hà hà :
- Ý chân nhân muốn nói: “Thiên hạ chi đại vô kỳ bất hữu”. Trong đời
người giỏi còn có người giỏi nữa, thế thì có ai giỏi đâu mà tranh. Như
vậy cái giỏi của ông ta chưa phải là đã giỏi.
Ngô Không suy nghĩ một lúc rồi hỏi vội :
- Ngọc Long chân nhân lai lịch thế nào, và theo võ thuật của môn phái nào?
Huyền Thanh nói :
- Không ai hiểu rõ tông tích của chân nhân cả. Chính trước ngày đấu kiếm ở Thiếu Thất sơn cũng chẳng một ai trong giới võ lâm nghe đến cái tên
Ngọc Long bao giờ. Tuy nhiên, sau này được người đời truyền tụng rằng
chân nhân đã may mắn tìm được một quyển dị thư về võ công của tiền nhân, và tự luyện lấy. Do đó, võ công chân nhân đã đến bực siêu phàm nhập
hóa. Về võ thuật trong các phái võ lâm đối với chân nhân chỉ là một hạt
cát trong bãi sa mạc, có nghĩ lý gì?
Ngô Không hỏi :
- Đã có một võ công cao như thế mà còn tự nhiên quả là một vị thánh.
Nhưng tại sao chân nhân đã nói là “trong thiên hạ không có ai là đệ nhất anh hùng”, mà còn nhận lấy chức ấy.
Huyền Thanh nói :
- Thì trong giới võ lâm gắn cho chân nhân chức vị ấy, rồi cứ gọi nhau
thế biết làm sao? Mà cũng vì cái địa vị gắn cho ấy mới xảy đến một tai
hại cho chân nhân sau này.
Ngô Không hòa thượng ngơ ngác hỏi :
- Tai hại gì vậy?
Huyền Thanh đạo sư nhíu mày nói :
- “Ngọc Long chân nhân chinh phục các phái được ba năm, tiếng tăm đệ
nhất võ công chấn động khắp giang hồ, thì một hôm có một vị sư nữ trong
hàng sa môn đệ tử, pháp hiệu là Tam Âm, từ xứ A Nhì Thái Sơn vượt ngàn
dặm đi về hướng Đông, tìm đến Thanh Vân Nghiêm nơi Quát Thương sơn,
thách Ngọc Long chân nhân đọ tài.
Thế là tại Thanh Vân Nghiêm xảy ra một cuộc ác đấu khinh thiên động địa. Võ công hai người thật đã đến mức xuất thần nhập hóa. Họ đánh nhau suốt ba ngày đêm, trải hàng năm ngàn hiệp vẫn chưa phân thắng bại.
Đến ngày thứ tư, mỗi người đều dùng thượng thặng nội công đánh nhau. Cho đến phút chót thì cả hai đều bị nội thương rất nặng. Họ không đánh nhau nữa, đôi mặt ngồi nhìn nhau để vận công điều dưỡng.
Họ ngồi như thế suốt ngày, và biết mình không còn sống được bao lâu, nên họ hối hận, từ chỗ thù khích chuyển thành bạn thân.
Cả hai đều không có đồ đệ, nên họ hợp nhau đem hết những tuyệt thế võ
công ra viết thành ba tập sách giấu nơi Quát Thương sơn lấy tên là “Quy
Nguyên mật tập” có nghĩa là ngành võ thuật trong các môn phái chỉ do một nguồn gốc mà ra.
Sau khi hoàn thành tập sách ấy rồi. Hai vị ấy lại vẽ một “Tạng Chánh đồ” chỉ chỗ chôn giấu sách ấy. Trước đây tôi được nghe thiên hạ đồn rằng
tấm “Tạng Chánh đồ” được đựng vào một chiếc hộp ngọc, chôn cất trên
Thanh Vân Nghiêm, chỗ hai vị đã đánh nhau. Sau đó, hai vị cái thế kỳ
nhân này đều chết một lượt trên Quát Thương sơn cả.
Câu chuyện này lưu truyền trên một trăm năm nay, các môn phái trong võ
lâm đều bỏ công tìm kiếm “Tạng Chánh đồ”. Và “Tạng Chánh đồ” cũng đã lọt được vào tay các phái võ lâm rồi. Nhưng khổ thay, chưa nói đến “Quy
Nguyên mật tập” cứ cái “Tạng Chánh đồ” ấy mà họ đã cướp giật chém giết
lẫn nhau. Người này giật được vào tay chưa kịp đi lấy “mật tập” thì kẻ
khác đoạt mất rồi. Và cứ thế luân chuyển mãi, không ai đủ thì giờ đi lấy quyển sách quý ấy, chi nghe người ta chết vì “Tạng Chánh đồ” mà thôi.
Nay Trầm Xương chẳng biết nó moi đâu ra tấm “Tạng Chánh đồ” ấy.
Bọn Giang Nam song quái cũng vì muốn giật tấm “Tạng Chánh đồ” này mới đuổi theo cố sát Trầm Xương”.
Ngô Không hòa thượng hỏi :
- Nay “Tạng Chánh đồ” đã vào tay đạo huynh, vậy đạo huynh tính sao? Đạo huynh có tính việc đi tìm “Quy Nguyên mật tập” chăng?
Huyền Thanh đạo sư gật đầu đáp :
- Tôi đem môn “Truy Vân thập nhị kiếm” dạy cho Mã Quân Vũ chính là để
chuẩn bị đem thây chôn vào núi Quát Thương đó. Sở dĩ hơn một trăm năm
nay, các phái tạm thời hòa hoãn với nhau là để tập trung toàn lực vào
việc tìm kiếm cuốn “mật tập” này, bất cứ phái nào tìm được đều có thể
gây sóng gió trong giới võ lâm cả.
Ngô Không đại sư hỏi :
- Về lực lượng các phái thì hiện nay trong giang hồ phái nào mạnh, và phái nào nhiều cao thủ?
Huyền Thanh đạo sư nói :
- Gần ba mươi năm nay, phái Hoa Sơn chỉnh đốn nội bộ rất nhiều. Từ khi
“Bát Cánh Thần Ôn” tiếp nhận chức Chưởng môn, các tay cao thủ xuất hiện
rất nhiều trong phái ấy. Họ cố rửa cái nhục trong ngày đấu kiếm Thiếu
thất sơn thưở xưa. Tuy nhiên, về lực lượng lại không bằng phái Thiên
Long. Phái này có năm tên bộ hạ là “ngũ kỳ” Hồng, Huỳnh, Lam, Bạch, Hắc
là những kỳ nhân trước kia ẩn cư tu luyện hơn mười mấy năm trời nay kéo
ra nhập vào phái Thiên Long hết. Hiện nay tuy bề ngoài như không thấy
gì, kỳ thực bên trong cuộc phong ba sắp nổi lên giữa các phái. Tôi nghĩ
ngày so kiếm tranh hùng lần thứ hai cũng chẳng bao lâu nữa.
Nói đến đây, Huyền Thanh đạo sư nhìn về phía chân trời xa, như đang dự tính một cuộc mạo hiểm nào ghê gớm lắm.
Qua một lúc, ông ta quay lại nói với Ngô Không đại sư :
- Kể từ nay “Quy Nguyên mật tập” có quan hệ đến vận mạng của võ lâm. Nếu sách ấy mà lọt vào tay một đảng dữ thì tai hại trong võ lâm không biết
đâu lường được. Do đó, bản “Tạng Chánh đồ” đã về tay, tôi không thể
không lên Quát Thương sơn tìm sách. Nhưng việc này một mình tôi không
làm nên việc. Tôi muốn rủ đại sư cùng đi, chẳng biết đại sư có vui lòng
mạo hiểm chăng?
Ngô Không hòa thượng hỏi :
- Bao giờ thì đạo trưởng khởi hành?
Huyền Thanh đạo sư nói :
- Chỉ trong thời gian ngắn! Tôi dạy xong “Truy Vân kiếm pháp” cho Quân Vũ rồi thì khởi sự. Xin đại sư cho tôi biết ý kiến.
Ngô Không đại sư cúi đầu ngẫm nghĩ hồi lâu mới đáp :
- Việc này khá quan hệ, đạo trưởng đã có ý ấy lẽ đâu tôi từ chối. Tôi đã sống ngoài sáu mươi tuổi dẫu có chết cũng chẳng sao, ngặt Thanh Loan
còn nhỏ, lại mồ côi cha mẹ, nó lại có một mối thù huyết hải mà chính tôi có nhiệm vụ phải giúp cho nó trả mối thù ấy...
Huyền Thanh đạo sư nghe đến đây ngắt lời, nói :
- Việc của Loan nhi tôi đã lo giùm đại sư rồi. Nếu đại sư bằng lòng cho
nó nhập vào phái Côn Luân thì tôi sẽ viết một bức thư đưa nó nhập vào
môn hạ của sư muội tôi. Tôi phải giải quyết gấp việc này, vì Giang Nam
song quái bị thương bỏ chạy, việc “Tạng Chánh đồ” đã bị lộ rồi. Tam
Thanh quan không còn ở được nữa. Chẳng bao lâu, các tay cao thủ giang hồ sẽ tìm đến đây. Trước khi chúng ta khởi hành phải để cho hai đồ nhi đi
nơi khác.
Ngô Không đại sư vuốt râu, cười khà khà :
- Đạo trưởng cho phép Loan nhi được gia nhập vào phái Côn Luân thật là
chuyện đáng mừng cho cháu, lão già này dù bỏ xác ở Quát Thương sơn cũng
chẳng dám tiếc. Có điều là thân thế của Thanh Loan có ảnh hưởng đến một
huyết thù. Mẹ nó, trước khi chết có để lại một huyết thư, muốn nó sau
này tự tay trả mối thù ấy. Việc này tôi không thể giấu với nó mãi được,
tôi cần phải nói cho nó biết, và mối thù ấy khi đã trả thì hẳn là gây
phiền phức đến môn phái đạo trưởng, nếu đạo trưởng định cho nó nhập môn. Tôi phải nói trước cho đạo trưởng biết như thế.
Huyền Thanh đạo sư nghiêm mặt hỏi :
- Loan nhi có phải họ Lý chăng? Và có phải hắn là cho gái của Lý Quế Sơ chăng?
Vẻ mặt Hòa thượng hơi biến sắc :
- Sao... đạo trưởng... cũng biết chuyện đó?
Huyền Thanh đạo sư cất tiếng than :
- Mười năm về trước, vợ chồng Lý Quế Sơ bị hại ở Tiềm Sơn, trên giang hồ có nhiều kẻ biết chuyện đó. Nhưng tôi khuyên đại sư tốt hơn là đừng cho nó biết chuyện đó sớm. Nếu đại sư cho nó biết sớm chẳng khác nào đại sư hại mạng nó. Kẻ thù của nó là Bách Bức Phi Kim Hồ Nam Bình đã gia nhập
vào phái Thiên Long, hiện giữ nhiệm vụ Hồng Kỳ phân cuộc, một trong “Ngũ kỳ” lợi hại phi thường. Muốn trả thù phải chờ cơ hội mới được.
Ngô Không hòa thượng đôi mày cau lại, hai mắt chói hào quang, nói :
- Nếu vậy bần tăng phải ra tay giúp Loan nhi mới có thể đánh với Hồ Nam Bình được.
Huyền Thanh đạo sư nhếch mép, nói :
- Nếu đại sư đấu với Hồ Nam Bình thì tôi tin chắc đại sư không đến nỗi
thất bại, nhưng điều khó khăn ở chỗ phái Thiên Long mạnh và đông. Người
Chưởng giáo của phái ấy là Tô Bằng Hải, một tay tuyệt xuất quái tài
trong võ lâm hiện thời. Chắc đại sư có nghe việc hắn dùng một cây gậy
thu phục “Tứ xú” chứ?
Ngô Không đại sư gật đầu nói :
- Tôi có nghe cách đây ba năm, thiên hạ ca tụng hắn về chuyện đó.
Huyền Thanh đạo sư nói tiếp :
- Xuyên Trung tứ xú là một bọn lục lâm khét tiếng ở trên đường giáp giới miền Ác và Thúc. Bọn người này có thể liệt vào những tay bản lĩnh nhất
trong giang hồ. Các đệ tử của ba phái Võ Đang, Nga My, Thanh Thành đã
nhiều lần vây đánh chúng, nhưng lần nào cũng thảm bại, các cao thủ của
ba phái ấy bị chúng đánh bị thương mang đầu trở về, không dám bén mảng
đến nữa. Thế mà Tô Bằng Hải một hôm đi qua Ác Tây vô tình chạm phải “Tứ
xú”, trong một đêm hắn đã thu phục được Tứ xú, nhận vào môn phái Thiên
Long. Đại sư xem đó thì thấy tên Chưởng giáo của phái ấy lợi hại đến bực nào. Cứ theo cái đà gôm thâu bọn lục lâm vào môn phái như vậy thì mười
năm nay, có thể nói là phái Thiên Long hùng mạnh nhất. Theo ý tôi, việc
báo thù cho Lý Thanh Loan chưa nên vội. Cứ để cho nó tập luyện võ thuật
đã. Sau này nó là môn đồ của phái Côn Luân, chẳng lẽ nó có bề nào chúng
tôi “Côn Luân tam tử” chịu khoanh tay ngồi nhìn sao?
Ngô Không hòa thượng nói :
- Gần hai mươi năm nay, tôi muốn làm người ngoại thế, xa lánh việc đời,
chẳng ngờ bị một nguyện ước ràng buộc với Loan nhi, chưa thể rảnh tay
được. Vậy thì trước khi cùng theo đạo trưởng lên Quát Thương sơn, tôi
xin phép trở về chùa Huệ Lâm thu xếp công việc đã. Nếu chẳng may bỏ
xương trên đó, mà chùa Huệ Lâm không kẻ nhang khói thì hỏng việc. Ba
ngày sau tôi sẽ trở lại đây để dạy nốt cho đệ tử của đạo trưởng mấy hồi
chót trong “Thập bát La Hán chưởng”.
Dứt lời, Ngô Không hòa thượng đứng dậy bái biệt.
Quả nhiên đúng ba ngày sau, Ngô Không hòa thượng trở lại Tam Thanh quan, trong tay đại sư có cầm thêm một cây đàn trượng.
Rồi trong nửa tháng trời, một sư tăng và một đạo sĩ đã ra công truyền
dạy hai môn “Truy Vân kiếm pháp” và “La Hán chưởng” cho Mã Quân Vũ.
Vì “Truy Vân thập nhị kiếm” là môn kiếm pháp tinh anh nhất trong phái
Côn Luân, Lý Thanh Loan chưa bái biệt vào môn hạ của phái ấy, nên Huyền
Thanh đạo sư chưa thể truyền dạy. Còn “Thập bát La Hán chưởng” thì Thanh Loan đã học hết từ lâu rồi.
Vì vậy, trong nửa tháng ấy gấp nhất là Mã Quân Vũ, ban ngày tập chưởng, ban đêm thì tập kiếm.
Kiếm pháp tuy chỉ có mười hai thế, nhưng phức tạp, mỗi thế đánh ra lại
có cả mười hai chiêu biến hóa. Mã Quân Vũ phải cố gắng lắm trong nửa
tháng mới thuộc sơ qua.
Huyền Thanh đạo sư vì gấp lên núi Quát Thương, không đủ thì giờ chờ cho Mã Quân Vũ luyện thuần thục.
Một hôm, ông cho đòi Mã Quân Vũ và Lý Thanh Loan vào phòng đơn, trao cho Mã Quân Vũ hai bức thư, và dặn :
- Con theo học với sư phụ đã được mười hai năm rồi, nay cũng nên về thăm cha mẹ con một lần. Sau đó, con khỏi cần trở lại Tam Thanh quan tìm sư
phụ nữa, con đến núi Côn Luân vào Tam Nguyên cung trao hai bức thư này
cho hai vị sư thúc của con.
Mã Quân Vũ nhận thư xong, quỳ gối trước phòng đơn, bồi hồi ôn lại mối
tình sư đồ trong mười hai năm qua, nay phải xa cách, chàng thấy bùi ngùi đau đớn.
Huyền Thanh đạo sư nói :
- Thế gian này không có cái gì vĩnh viễn. Các cuộc tan họp chỉ như bèo
mây. Đấng trượng phu không nên buồn bã trước những cái nhỏ nhen của thế
sự.
Mã Quân Vũ bị khiển trách vội đứng dậy bước sang một bên, vòng tay không dám nói tiếng nào.
Ngô Không đưa tay vuốt làn tóc xanh của Lý Thanh Loan, âu yếm :
- Đạo trưởng thương con côi cút, không chỗ nương thân, nên đã cho con
gia nhập vào môn phái. Bây giờ con phải đến núi Côn Luân bái sư, rồi ở
đó tập luyện võ công...
Nói đến đây, mặt đại sư đượm vẻ buồn, không còn thốt ra tiếng.
Lý Thanh Loan hoảng hốt, đôi mắt đen lay láy từ từ rướm lệ, liếc nhìn Ngô Không hòa thượng hỏi :
- Sư phụ! Sư phụ không muốn nuôi con và dạy dỗ con nữa sao?
Ngô Không hòa thượng ôn tồn nói :
- Con được gia nhập vào Côn Luân phái là một vinh hạnh của con sau này. Nay con đã lớn tuổi rồi, tại sao con chưa biết điều ấy.
Lý Thanh Loan thấy chưa bao giờ nét mặt của sư phụ nàng nghiêm trọng đến thế, nên không dám nhỏng nhẻo, thỏ thẻ nói :
- Con phải đi một mình lên núi Côn Luân sao? Xin sư phụ dẫn con đến đó.
Huyền Thanh đạo sư mỉm cười nói :
- Sẽ có Mã sư huynh của cháu dẫn cháu đi.
Lý Thanh Loan nghe nói lòng hớn hở, giấu một nụ cười trong đôi dòng lệ, đứng sang một bên không nói gì nữa.
Huyền Thanh đạo sư tiếp lấy cái gói nhỏ, bọc vải trắng, trong tay Ngô Không đại sư, trao cho Mã Quân Vũ, và nói :
- Vật này phải cất kỹ, và con phải tận tay trao cho vị đệ tam sư thúc của con.
Mã Quân Vũ tiếp lấy cất vào bọc.
Huyền Thanh đạo sư lại dặn :
- Con có thể ở trong nhà một tháng rồi mới đến Côn Luân sơn. Trên đường đi phải để ý săn sóc Lý sư muội của con.
Mã Quân Vũ cúi đầu lãnh giáo. Huyền Thanh đạo sư lại thúc hai đồ đệ lên đường tức khắc.
Sáng hôm ấy, Mã Quân Vũ và Lý Thanh Loan vừa rời khỏi Tam Thanh quan thì Huyền Thanh đạo sư đã gọi mấy tên đạo sĩ trong viện đến phòng đơn dặn
dò, giao việc hương đèn trong viện lại, rồi cùng với Ngô Không nhắm phía Nam núi Quát Thương thẳng tiến.
Còn Mã Quân Vũ và Lý Thanh Loan, sau khi bái biệt sư phụ, dắt nhau ra bờ sông lấy một chiếc ghe nhỏ, xuôi theo dòng Nguyên Giang mà đi.
Khúc sông đó hẹp, nước chảy rất mạnh chiếc thuyền con chở hai người phóng đi như tên bắn.
Mã Quân Vũ ngồi ở sau cầm chèo, Lý Thanh Loan đứng trước mũi, đưa mắt
nhìn lại cảnh cũ, thấy rừng mai từ từ nhỏ lại, lòng nàng cảm thấy như
phải xa rời một người thân. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc nàng lại nhoẻn một nụ cười, nét vui lẫn với nét buồn, thật khó phân biệt.
Cho đến lúc rừng mai khuất dạng, nàng mới bước đến ngồi đối diện với Mã Quân Vũ, hỏi :
- Mã sư huynh, anh đã có lần nào đến núi Côn Luân chưa?
Mã Quân Vũ lắc đầu, đáp :
- Mười hai năm nay, ngoài việc tuân lời sư phụ về thăm song thân hai lần, thì tôi chưa hề rời khỏi Tam Thanh quan.
Thanh Loan thở dài nói :
- Tôi từ lúc nhỏ đã được sư phụ đem về Huệ Lâm tự nuôi dạy. Mười mấy năm nay trừ Huệ Lâm tự và Tam Thanh quan ra chưa từng đặt gót đến nơi nào
cả. Sư phụ tôi cũng không cho tôi biết cha mẹ tôi là ai. Tôi nghĩ chắc
cha mẹ tôi không thương tôi là phải, nếu không sao đã mười mấy năm trời, cha mẹ chẳng có một lần nào tìm đến thăm viếng?
Dứt lời, đôi mắt nàng lắng đọng u buồn, nhìn trời mây, bùi ngùi rơi lệ.
Từng làn gió hiu hiu thổi, tóc nàng phe phẩy, một mùi thơm phảng phất
trong không gian, Mã Quân Vũ ngồi đối diện với mỹ nhân, lòng lâng lâng
cảm khoái.
Thấy nàng buồn bã, Quân Vũ muốn tìm lời an ủi, nhưng chàng lựa mãi không tìm ra một câu nói nào cho phải. Trong lúc đó, chàng vẫn lặng lờ nhìn
xuống dòng sông.
Thanh Loan bỗng nhiên quay đầy lại, thấy thế hỏi :
- Mã sư huynh! Tôi đã nói lời nào vụng về, làm cho sư huynh không vừa ý chăng?
Mã Quân Vũ nhoẻn một nụ cười, lắc đầu đáp :
- Không, không!
Thanh Loan hỏi :
- Sao sư huynh lại sững sờ như vậy?
Mã Quân Vũ đáp :
- Tôi muốn nói vài lời an ủi sư muội, nhưng không biết lời nào để nói cả.
Thanh Loan vụt cười lên một tiếng. Bao nhiêu nỗi buồn bực trong lòng
nàng như trôi theo dòng nước. Nàng đưa tay lau sạch nước mắt rồi cầm lấy con chèo, bảo :
- Sư huynh nghỉ tay một lúc, để tôi chèo thế cho.
Mã Quân Vũ không nỡ từ chối lòng sốt sắng của nàng, liền trao lại tay chèo.
Lúc trời gần tối, thuyền đã đến Động Đình hồ. Nơi đây quang cảnh rất
nhộp nhịp. Hàng trăm hàng ngàn cánh buồm nhấp nhô tỏa khói lên cao,
những chiếc ghe đánh cá nối liền nhau, qua lại như mắc cửi. Nhiều cô gái ngồi trước mũi thuyền vừa vá lưới vừa ca hát véo von, trông rất đẹp
mắt, vui tai.
Thanh Loan từ thưở bé đến giờ chưa từng ra khỏi ngôi chùa, nên trông
cảnh ấy rất thú vị. Nàng ghìm tay lái cho chiếc thuyền chạy quanh qua
các ghe đánh cá, rẽ sóng lướt tới như tên, mắt không ngớt nhìn từ người
này đến người khác.
Thực ra, nàng đâu có biết, lúc đó có hàng trăm con mắt cũng đang chú ý
nhìn nàng. Họ thấy làm lạ, chẳng biết cô gái từ đâu đến, mặt đẹp như
tiên nga, thân hình kiều diễm mà lại có một sức mạnh phi thường, chèo
ghe xoáy nước như vậy.
Đột nhiên, trước mặt nàng có hai chiếc thuyền con rẽ sóng lướt đến rất nhanh.
Khi gần đến nơi thì hai chiếc thuyền đó rẽ ra, một chiếc lách về phía
trái, một chiếc lách về bên mặt, mũi đâm thẳng vào chiếc thuyền của
nàng.
Thanh Loan đang vui đùa, đâu có để ý. Lúc trông thấy thì không còn cách nào xoay trở để tránh né kịp nữa.
Mã Quân Vũ thất kinh, đưa bàn tay ra, vận hết sức mình, nắm lấy đầu mũi
thuyền kia xô mạnh một cái. Chiếc thuyền kia bị dạt ra, nhưng con thuyền của chàng cũng bị sức đẩy lui lại hơn ba thước, nghiêng sang một bên,
một làn nước xoáy tròn.
May nhờ Thanh Loan vững tay chèo mới giữ được con thuyền khỏi chìm.
Hai chiếc thuyền bấy giờ lại lướt tới trước, cặp kè nhau, rồi vút nhanh như gió.
Thanh Loan nghe một trong hai chiếc thuyền ấy còn vọng lại một tràng
cười hăn hắt. Nàng tức giận, quay mũi thuyền toan đuổi theo, nhưng Mã
Quân Vũ đã cản lại, nói :
- Thôi! Hay bỏ qua sư muội ạ! Thuyền họ chạy nhanh như thế chúng ta đuổi theo không kịp đâu!
Thanh Loan cau mày nói :
- Mình không chọc ghẹo gì họ, sao họ lại uy hiếp mình?
Quân Vũ cũng không biết phải trả lời với nàng làm sao, chàng trố mắt
nhìn hai chiếc thuyền kia mỗi lúc một xa dần, rồi thở dài nói :
- Tôi thường nghe sư phụ nói trên giang hồ lắm chuyện trái ngang! Việc
này không đáng kể, chúng mình mau tiếp tục cuộc hành trình là hơn.
Thanh Loan mỉm cười, quạt mạnh tay chèo, nhìn Quân Vũ hỏi :
- Vũ ca! Bây giờ chúng ta đi ngả nào?
Mã Quân Vũ thấy nàng mỗi lúc mỗi xưng hô thân mật hơn, làm cho chàng ái ngại, nghĩ thầm :
- Nàng đối với mình như có một tình cảm sâu xa. Còn sư phụ mình lại dặn
mình phải chiếu cố nàng. Câu nói sư phụ và tình cảm của nàng có liên
quan chăng? Nếu quả lời nói của sư phụ có một ý nghĩa sâu xa, và lòng
nàng đã cảm mến mình thì thật là chuyện rắc rối! Mình làm sao có thể
chiều ý nàng được, vì mình đã có người yêu rồi.
Chàng trầm ngâm suy nghĩ một lúc, bỗng ngẩng đầu lên thấy đôi mắt đen
lay láy của nàng đang chăm chú nhìn chàng, với khuôn mặt chứa đầy tình
ý. Chàng thất kinh nói lớn :
- A! chúng ta đi về phía Đông. Nếu đêm nay thuận gió thì trưa mai có thể đến nhà rồi.
Thanh Loan quay chèo, hướng mũi thuyền về phía Đông. Nàng vui vẻ hỏi Mã Quân Vũ :
- Vũ ca! Nhà anh có mấy người? Chẳng biết bá mẫu có thích tôi không? Tôi từ nhỏ đã không có mẹ răn dạy, chắc tôi bị vụng về, dại dột lắm.
Quân Vũ ngơ ngẩn nhìn dòng nước chảy xuôi :
- Thân mẫu tôi hiền lắm, chắc là thích cô!
Thanh Loan cười lớn, nói :
- Thật thế sao anh? Nếu vậy tôi phải luôn luôn ngoan ngoãn, không làm cho bá mẫu giận!
Dứt lời nàng lại cười dòn, thò tay ra ngoài thuyền hốt từng bụm nước ve vẩy như một đứa con nít.
Động Đình hồ dài hơn năm mươi dặm, nước trong như gương, bọt sóng tung
vào bờ trắng xóa. Thuyền càng đi nhanh, Thanh Loan càng thích thú, nàng
đưa mắt nhìn khắp nơi trong cảnh chiều tà.
Đêm tối lần lần lắng xuống như một tấm mành mành thong thả buông.
Đó đây vài chiếc ghe chài thắp đèn, nhấp nhô ánh sáng rọi xuống mặt nước như những bầy đom đóm nhảy múa trong không gian.
Mã Quân Vũ không say ngắm phong cảnh như Thanh Loan, chàng dựa lưng vào
khoang, mặt trầm tư ôn lại những niềm tâm sự đang nổi dậy trong lòng
chàng lúc thơ ấu!
Bỗng từ xa, một chiếc ghe lớn giương hai buồm chạy tới rất mau. Bên cạnh chiếc ghe lớn lại có kèm theo bốn chiếc ghe nhỏ như để hộ tống.
Lý Thanh Loan thấy vậy thò tay vào trong khoang rút hai thanh bảo kiếm, một cầm tay, một trao cho Quân Vũ và nói :
- Vũ ca, bọn chúng lại đến nữa rồi! Lần này chúng ta không thể nhịn nhục để cho chúng uy hiếp mình nữa.
Câu nói của nàng vừa dứt, thì bốn chiếc thuyền con đã rẽ sóng lướt tới
như tên, đón đầu chiếc thuyền của Quân Vũ và Thanh Loan. Bốn thuyền ấy
dàn thành hàng ngang, mỗi đầu thuyền xuất hiện một đại hán lực lưỡng,
mặc áo quần cụt ngủn, tướng mạo oai hùng.
Mã Quân Vũ không còn giữ được trầm tĩnh nữa, rút trường kiếm cầm tay, cười khanh khách hỏi lớn :
- Mã tiểu nhân này với quý vị không hề quen biết, cũng chẳng có thù oán
gì. Vả lại chúng tôi cũng không phải là khách thương lữ, lắm tiền nhiều
vàng, quý vị uy hiếp chúng tôi để làm gì?
Một đại hán đứng ở mũi thuyền thứ hai trạc bốn mươi tuổi, cất tiếng cười ha hả, đáp :
- Nếu là phú thương hành lữ, chúng tôi đón lại để làm chi? Tôi hỏi quý
hữu, quý hữu là người thế nào đối với Huyền Thanh đạo sư Tam Thanh quan
viện chủ?
Mã Quân Vũ giận đỏ mặt, nạt lớn :
- Tam Thanh quan viện chủ là ân sư của ta. Các người hỏi đến với dụng ý gì?
Đại hán đó ngửa mặt lên trời cười hô hố, với thái độ thật khó hiểu :
- Huyền Thanh đạo sư là bậc tiền bối, lừng danh trên giang hồ, đối với
đệ tử của đạo sư chúng tôi đâu dám vô lễ. Vị Tổng biên đầu của chúng tôi chỉ muốn làm thân với quý hữu để được quý hữu chỉ giáo vài chiêu “Phân
Quang kiếm pháp” mà thôi.
Lời nói nửa nhã nhặn, nửa khiêu khích ấy khiến cho Mã Quân Vũ muốn làm mặt giận cũng không được nữa. Chàng đáp :
- Kẻ tiểu nhân này mới rời sư môn, quy luật trên giang hồ chưa hiểu rõ.
Qúy Tổng biên đầu muốn hạ giao với tôi, lẽ nào tôi dám không bái kiến.
Đại hán nhìn thẳng vào mặt khen :
- Qúy hữu đáng là một hiệp sĩ trẻ tuổi. Kìa, Tổng biên đầu của chúng tôi đã đến để hội kiến với quý hữu đó.
Dứt lời đại hán trỏ tay về phía trái. Mã Quân Vũ đưa mắt nhìn theo, thấy chiếc nghe lớn hai buồm đã đến gần. Cửa ghe mở rộng ra, bên trong ánh
đèn chói sáng rực, bên ngoài hơn sáu tên thủy thủ cao lớn, mặt quần áo
xanh, đang ve vẩy tay chèo.
Chiếc ghe đó vừa đến trước mũi thuyền Quân Vũ thì bên trong, một ông già râu dài, tóc bạc, ung dung bước ra, chấp tay xá Quân Vũ một cái, và nói :
- Vô cớ, chúng tôi đón thuyền làm mất hứng của khách, thật có lỗi. Vậy
xin mời quý khách sang ghe lớn chúng tôi, đối ẩm vài chung rượu, để
chúng tôi đền lại tội thất lễ này.
Lời nói vừa nhã nhặn, vừa cung kính của ông lão làm cho Quân Vũ ngạc
nhiên! Một người như chàng chưa hề quen biết bao giờ, tại sao đối xử với chàng như thế?
Chàng không thể lạnh nhạt trước tấm thịnh tình của ông lão, nên quay lại nói nhỏ với Thanh Loan :
- Hãy đeo bảo kiếm vào mình. Chúng ta cùng sang bên ghe đó xem sao.
Tiếp đó, chàng tung chân nhảy sang chiếc ghe lớn của ông lão. Thanh Loan cũng nhảy theo không chút chậm trễ.
Lão già râu dài quay sang bảo mấy đại hán trên bốn chiếc thuyền con :
- Chúng bay coi chừng thuyền của quý khách. Nếu có điều gì thất thoát, chúng bay phải đền tội, nghe chưa?
Bốn đại hán dạ lên một lượt, đưa tay ra trước ngực, gục đầu xá lão già
một cái, rồi những chiếc thuyền con kia lanh lẹ tản mát ra bốn nơi.
Lão già quay lại lễ mễ nói với Quân Vũ :
- Bộ hạ tôi toàn là những đứa cộc cằn, khiếm nhã, nếu chúng có lời gì vô lễ xúc phạm đến quý khách, xin quý khách bỏ qua cho.
Mã Quân Vũ đáp :
- Vãn bối mới rời khỏi sư môn, quy luật giang hồ chưa am tường, được lão tiền bối đối đãi thế này thì hân hạnh biết bao. Vậy xin lão tiền bối
cho biết cao danh quý tánh, để tiểu nhân tiện việc xưng hô.
Lão già vuốt râu cười ha hả, nói :
- Lão phu trước đây có một lần gặp mặt sư phụ của quý hữu là Huyền Thanh đạo sư. Ngày đó đến nay đã hơn hai mươi năm rồi. Tuy nhiên lão phu vẫn
chẳng bao giờ quên, vì chính kẻ bất tài này được mang ơn lệnh sư cứu
sống, mới còn trên thế gian. Nhưng thôi, chuyện đó dài dòng, xin mời hai vị ngồi đây uống vài chung rượu cho ấm đã.
Mã Quân Vũ và Lý Thanh Loan lúc vừa bước vào ghe, trông thấy lối bày biện rất lạ mắt.
Giữa khoang có bày một chiếc bàn bát tiên bằng gỗ tử đàn, trên mặt bàn
để dủ thứ hương trà, hoa quả. Hai bên có mấy đứa đồng tử mặc áo xanh
đứng hầu.
Ông già đưa tay mời hai người an tọa, và mỉm cười hỏi Lý Thanh Loan :
- Cô nương đây cũng là đệ tử của Côn Luân phái ư?
Thanh Loan trố mắt đáp :
- Sao lại không phải? Tôi và Vũ ca tôi không biết uống rượu. Ông có chuyện gì cần xin nói mau, chúng tôi có việc cần đi gấp.
Quân Vũ thấy Thanh Loan nói năng thiếu nhã nhặn, lòng không vui. Nhưng ông lão vẫn tươi cười đáp :
- Tốt lắm! Cô nương là người lanh lợi, ăn nói mau mắn, thật đúng là
trang cân quắc nữ hiệp. Hai vị định đến nơi nào, chúng tôi xin theo hộ
tống một quãng. Như thế không mất thì giờ của hai vị, mà chúng ta có
được một cuộc tâm tình trong lúc đêm thanh.
Mã Quân Vũ ngắt lời đáp :
- Vãn bối đến Nhạc Dương, nhưng quyết chẳng dám phiền lão tiền bối đưa đón.
ông già lắc đầu nói :
- Gió thuận buồm xuôi, có mất công gì đâu?
Vừa dứt lời, ông lão quay đầu ra lệnh cho sáu tay chèo, kéo buồm chạy thẳng về hướng Nhạc Dương.
Quân Vũ và Thanh Loan cả hai chưa biết uống rượu, nhưng hai tên đồng tử đã rót mấy chén đưa mời tận tay.
Quân Vũ nói :
- Chúng tôi chưa từng lưu gót trên giang hồ, nên rượu chè chưa biết dùng, vậy xin thất lễ với lão tiền bối.
Ông già cũng chẳng gượng ép, ngồi xuống nâng chén một mình. Lão uống một lúc đến mười mấy chung mới dừng tay. Trong lúc nói chuyện ông già cứ
mải mê trong câu chuyện kỳ lạ giang hồ, không đề cập đến câu chuyện
chính.
Mã Quân Vũ nóng lòng, không chờ đợi được nữa, cất tiếng hỏi :
- Trước khi lão tiền bối cho gọi chúng tôi sang đây có bảo là chuyện cần thiết. Vậy xin lão tiền bối dạy cho chúng tôi biết. Chúng tôi xin rửa
tai mà nghe.
Ông lão thở dài một hơi, chậm rãi nói :
- “Lão phu đối với lệnh sư đã thọ ơn cứu mạng, nhưng hai mươi năm qua
lão phu vẫn chưa gặp cơ hội báo đền. Hôm nay, lão phu có nghe đến lệnh
sư mới được bức “Tạng Chánh đồ”. Tin đó đồn ra khắp miền Tương Bắc, và
hiện nay các giới võ lâm kéo đến đây rất đông. Lão phu đoán biết chẳng
mấy hôm nữa, trên dòng Nguyên Giang se có những cuộc ác đấu rợn người để tranh đoạt tấm “Tạng Chánh đồ” ấy.
Đã mấy mươi năm, tấm “Tạng Chánh đồ” đã là một hiểm họa trên thế gian
này. Các tay võ lâm cao thủ bỏ mình không biết bao nhiêu cũng vì nó. Hai vị là đệ tử của phái Côn Luân thì không thể nào tránh nổi tai vạ! Về
việc này, thực hư thế nào lão phu cũng chẳng dám quyết đoán, nhưng thực
ra, cũng vì tấm “Tạng Chánh đồ” ấy mà lão phu phải lặn lội đến đây. Vậy
xin hai vị mau mau rời khỏi chốn này là thượng sách. Còn lệnh sư là một
bậc hiệp nghĩa lừng danh, tất có đủ mưu chước để giữ mình.
Hai vị còn non trẻ, đường đời chưa lão luyện, mà trong giang hồ cơ xảo
không biết đâu lường, tốt hơn hai vị đừng bao giờ trổ tài năng của môn
phái, để tránh ra con mắt dòm ngó của mọi người. Khi muốn đạt tới mục
đích, người ta không từ bỏ một thủ đoạn tàn ác nào đâu! Những điều tôi
cần nói với hai vị chỉ có thế thôi, còn việc gặp gỡ lần sau giữa chúng
ta chưa biết sẽ là thù hay là bạn nữa”.
Nói đến đây, ông lão bưng ly rượu uống một hơn cạn chén, rồi thong thả tiếp :
- Tôi đưa hai vị một đoạn đường chỉ là để tỏ chút lòng thành chứ không
dám nói đến chuyện đền ơn cứu mạng của lệnh sư thưở trước. Thật ra, hôm
nay không may mà hai vị không gặp được tôi, mà gặp kẻ khác thì rất phiền phức cho hai vị đó!
Nghe ông già nói một hồi, Quân Vũ và Thanh Loan vừa sợ, vừa lo.
Quân Vũ nhớ lại thái độ của sư phụ chàng từ nửa tháng nay có vẻ khác thường.
Chàng đoán chừng việc đó có liện hệ đến chiếc hộp ngọc tìm thấy trong
thi thể của vị sư huynh Trầm Xương. Chàng lại nhớ tới vẻ mặt vội vàng
nóng nảy của sư phụ chàng khi chàng và Thanh Loan rời khỏi Tam Thanh
quan. Bao nhiêu diễn biến ấy, chàng cũng có thể đoán lời nói ông lão
đúng đến tám phần mười rồi.
Chàng trầm tư một lúc, đôi mày hơi xếch lên, nét mặt cau lại, tỏ vẻ cương quyết mỉm cười nói :
- Cám ơn lão tiền bối có lòng muốn che chở cho vãn sinh, nhưng việc sư
phụ của vãn sinh có bức “Tạng Chánh đồ” hay không vãn sinh thực không
được rõ nên không dám trả lời. Còn việc cao thủ các phái họp tại Tương
Bắc để đối phó với gia sư tôi, thiết tưởng đó là ý muốn của họ. Vãn sinh từ nhỏ đã được từ huấn của gia sư, không bao giờ dám ác tâm hại người.
Tuy nhiên, đồ đệ của phái Côn Luân không phải là kẻ tham sống sợ chết.
Nếu bất đắc dĩ phải lao đầu vào việc, thì dù có rừng đao núi kiếm, vãn
sinh cũng không sợ. Lão tiền bối vì bản “Tạng Chánh đồ” mới đến đây, lại lưu vãn sinh trong thuyền này để tâm sự e có điều bất tiện, vậy xin cho chúng tôi cáo từ.
Dứt lời, Quân Vũ đứng dậy, cúi đầu xá một lễ rồi dắt tay Thanh Loan ra trước mũi thuyền.
Ông lão cười ha hả nói :
- Mã hiền hữu quả là bậc hào khí trong đời, thực đã được ung đúc trong
phong độ của lệnh sư vậy! Chẳng mấy khi cùng nhau tương ngộ, sao hiền
hữu nỡ cự tuyệt? Nếu không có gì trở ngại thì trưa mai thuyền đã đến
Nhạc Dương rồi! Đêm nay, chúng ta tâm tình, biết đâu sau này sẽ là thù
địch. Lão phu ước mong có cơ hội làm bạn với hiền hữu để hiền hữu chỉ
giáo cho môn “Phân Quang kiếm pháp” môn kiếm đặc dị nhất trên cõi đời
này. Dẫu có xem lão phu là bạn hay thù xin hiền hữu cũng chớ vội, để cho lão phu được hả lòng đưa hiền hữu một thủy trình cho thỏa mãn lòng già
đêm nay...
Nói đến đây, mặt lão già ủ rũ như mang một nỗi buồn thảm sâu xa.
Mã Quân Vũ cảm thông được lòng lão, biết rằng lòng lão lúc này khó xử.
Lão vừa muốn báo ơn cứu mạng ngày trước, lại vừa muốn không trái mệnh
giao phó của vị Chưởng giáo phái Thiên Long. Nhìn vẻ mặt băn khoăn đau
khổ của lão, chàng cũng không nỡ bỏ đi, nên quay vào thuyền, ngồi xuống
nói :
- Lão tiền bối đã ân cần lưu khách, chẳng lẽ vãn bối dám thất lễ, vì vậy vãn bối phải ở lại hầu tiền bối một đêm. Còn việc gia sư vãn bối ngẫu
nhiên cứu tiền bối, đó chẳng qua là chuyện thường trong võ lâm, xin chớ
cho là một ân huệ mà phải lúng túng khó xử. Vả lại nếu tiền bối có vì ân huệ riêng, không nỡ tra vấn vãn bối bức “Tạng Chánh đồ” thì kẻ khác
cũng chẳng buông tha vãn bối mà. Có điều bức “Tạng Chánh đồ” có lọt vào
tay gia sư hay không thì thực tình vãn bối không được biết.
Ông lão thở dài nói :
- Mã hiền hữu là người thẳng thắn, lời nói rất chí khí. Lão phu không
ngờ hôm nay lại may mắn được gặp một bậc trượng phu trong đương thế.
Ngừng một lúc, ông già lại nói tiếp :
- Dù thế nào lão phu đối với lệnh sư vẫn lấy làm hổ thẹn. Quy luật Thiên Long bang rất nghiêm mà những người được sai đi không chỉ một mình lão
phu. Vậy xin hai vị nên thận trọng lấy mình.
Dứt lời, ông lão lại nâng chén uống tiếp một hồi. Từ đó, lão không nhắc
đến việc “Tạng Chánh đồ” nữa, mà chỉ nói toàn chuyện kỳ lạ trong giang
hồ hiệp khách.
Thanh Loan ngồi một bên, lắng tai nghe hai người nói chuyện, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn Quân Vũ ngoẻn cười.
Tuy là sơ ngộ, song cuộc nói chuyện không kém thân mật.
Hai buồm giương thẳng, thuyền lướt tới như bay. Chẳng mấy chốc trời rạng đông thì thuyền cũng đã đến Nhạc Dương.
Ông già tiễn Quân Vũ và Thanh Loan lên bờ rồi quay lại nhìn thì đã thấy
bốn chiếc thuyền con rẽ nước chạy đến như bốn con thoi. Phía sau, một
trong bốn chiếc thuyền, lại có buộc chiếc thuyền nhỏ của Quân Vũ kéo
theo.
Đợi cho chiếc thuyền đó áp vào bờ trao trả cho hai người, ông già mới cáo biệt, và ân cần dặn :
- Hai vị nên khá thận trọng.
Quân Vũ và Thanh Loan chưa kịp nói câu cảm tạ thì ông lão đã nhảy vụt
lên thuyền giương buồm đi mất. Bốn chiếc thuyền con cũng nối tiếp đi
theo đàng sau.
Trong khoảnh khoắc, đoàn thuyền ấy đã khuất dạng trong mây mờ.
Quân Vũ và Thanh Loan kiểm điểm lại những vật dụng dưới thuyền thấy vẫn
nguyên vẹn, không thiếu món nào. Hai người cột thuyền nơi bến, rồi mang
hành trang lên bộ.
Lúc đó, vừa tảng sáng, trên đường quê chưa có bóng bộ hành qua lại. Hai
người dùng thuật khinh công đi rất nhanh. Chỉ chốc lát họ đã vượt qua
hơn hai mươi dặm đường.
Trước mặt họ là một thôn trang nhỏ, núi xây ba mặt, phía trước có một
dòng suối nước trong veo chảy róc rách. Bên mặt, gần suối có một bức
tường đỏ.
Quân Vũ đưa tay chỉ vào bức tường đỏ nói :
- Hàng xá ở nơi chân tường đó. Gia phụ sau khi về ẩn cư đã chọn nơi này làm chốn an phận, gọi là Đông Mao Lãnh.
Thanh Loan mỉm cười, đáp :
- Nơi đây quang cảnh đẹp quá! Những lúc nhàn rỗi chúng ta ra bờ suối kia ngồi câu cá thì thú vị biết bao.
Nghe Thanh Loan nhắc đến việc câu cá, Quân Vũ chợt nhớ đến thời thơ ấu,
chàng đã cùng biểu tỉ Tiểu Quyên ra ngồi nơi đó đùa nghịch và câu cá.
Tiểu Quyên với Quân Vũ là chị em cô cậu, nàng lớn hơn Quân Vũ ba tuổi,
từ nhỏ bị mồ côi cha mẹ, nên mẹ Quân Vũ đem nàng về nuôi, cho ở chung
một nhà.
Hai người từ nhỏ đến lớn gần gũi nhau, cùng ăn, cùng chơi, cùng vui với
tuổi thơ đầy thương mến. Quân Vũ lúc nào cũng chiều chuộng Tiểu Quyên,
và Tiểu Quyên cũng yêu quý chàng lắm.
Lúc Tiểu Quyên lên tám, sắc đẹp tuyệt vời, mi từ mỹ lệ, chẳng khác một đóa hoa xuất quần trong vườn xuân trước gió.
Người đã đẹp, tính nết lại nhu mì, do đó, mối tình thơ đối với Quân Vũ chẳng lúc nào quên được.
Cặp trai gái ấy đang sống trong cuộc sống thanh bình thì năm Quân Vũ lên tám được Huyền Thanh đạo sư đem về Tam Thanh quan để rèn luyện võ nghệ. Từ đó đến nay đã mười hai năm.
Trong thời gian cách biệt đó, Quân Vũ có về thăm nhà hai lần. Lần trước
chàng cùng đi với sư phụ, chỉ lưu lại có hai ngày nên không có cơ hội
trò chuyện nhiều với Tiểu Quyên. Lần thứ hai cách đây ba năm, lúc chàng
đã mười bảy tuổi, mà Tiểu Quyên thì đã hai mươi tuổi.
Tiểu Quyên càng lớn càng đẹp đến nỗi Quân Vũ không thể ngờ. Chàng nhớ
ngày nào nàng còn để chỏm quả đào, mà bây giờ nàng nghiễm nhiên trở
thành một vị tiểu thư khuê các.
Hôm đó, nàng nhân lúc Quân Vũ mới về, và Huyền Thanh đạo sư mắc trò
chuyện với dượng nàng ở phòng khách, nên nàng sai tiểu tỳ đến mời Quân
Vũ vào phòng nàng gặp mặt.
Hai người lúc nhỏ chơi thân với nhau thế, mà nay lớn lên, cả hai gặp
nhau đều có vẻ thẹn thùng. Họ ngồi đối diện nhau một lúc lâu vẫn không
ai mở miệng nói câu nào.
Cuối cùng Quân Vũ đánh bạo kể lại mối tình nhớ nhung của chàng đối với Tiểu Quyên trong lúc xa cách.
Tiểu Quyên không bạo dạn như Quân Vũ nên không dám tỏ mối tình nàng đối với Quân Vũ, nàng chỉ khuyên :
- Huyền Thanh đạo sư là bậc thế ngoại cao nhân, được đạo sư chỉ giáo
thật là may mắn nhất đời, xin chớ vì nhớ nhung đến tôi mà xao lãng việc
học hành.
Lời tâm tình mỗi lúc một đậm đà thêm, và Tiểu Quyên nói một câu cuối cùng :
- Bất luận lúc nào Quân Vũ thành tài trở về, dù một năm, hai năm hoặc hai mươi năm nữa tôi vẫn chờ.
Câu khuyên giải của nàng chẳng khác nào một lời thề non hẹn biển, ngụ ý
trao thân gởi phận cho Quân Vũ. Mã Quân Vũ lại là kẻ thông minh lý đâu
lại không hiểu ý ấy.
Sáng hôm sau vừa thức dậy, hai thầy trò Huyền Thanh đạo sư đã vội khởi hành trở lại Tam Thanh quan viện.
Lần này Quân Vũ về thăm nhà mang theo cả một tình nhớ nhung Tiểu Quyên.
Chàng đoán chừng Tiểu Quyên trông thấy chàng về sẽ mừng vui không sao tả nổi.
Nhưng khổ thay, lần này chàng lại về cùng với Thanh Loan, chẳng biết Tiểu Quyên có hiểu lầm chàng chăng?
Nghĩ như vậy, Quân Vũ áy náy trong lòng, dừng chân đứng lại không đi nữa.
Thanh Loan ngạc nhiên, nhìn vào mắt Quân Vũ hỏi :
- Vũ ca! Anh nghĩ gì mà ngẩn người ra thế?
Quân Vũ thấy Thanh Loan quá lo lắng đến chàng, nên tim đập thình thịch. Chàng gượng cười đáp :
- Tôi đương nhớ tới sư phụ...
Không đợi Quân Vũ nói dứt lời, Thanh Loan đã hỏi :
- A! Còn sư phụ của tôi! Sau này tôi nhập vào phái Côn Luân không còn được gọi sư phụ nữa, vậy tôi phải gọi bằng gì hả anh?
Mã Quân Vũ đáp :
- Thì gọi bằng sư bá.
Thanh Loan nhoẻn miệng cười, gật đầu. Hai người lại cất bước tiến về phía bức tường đỏ.
Họ đi qua dòng suối nhỏ, xuyên qua bãi cỏ thì tới trang viện, xung quanh có cây cối xanh tươi, khóm trúc đứng trước cổng cúi đầu tiễn gió. Trên
một khung cửa lớn có treo tấm biển đề bốn chữ lớn :
“Thủy Nguyệt sơn trang”.
Quân Vũ dắt tay Thanh Loan rẽ vào cổng, vừa đến đại môn đã thấy một lão bộc đang lui cui quét dọn trước sân.
Thấy Quân Vũ, lão bộc mừng quá, vứt chổi chạy đến đón, và nói :
- Ôi chao! Thiếu gia đã về. Hôm qua lão gia vừa nhắc đến thiếu gia đấy.
Ngày mai là ngày cúng tuần giáp năm cho Tiểu Quyên cô nương! Tội nghiệp
Tiểu Quyên, cô nương lúc nào cũng nhớ đến thiếu gia.
Người lão bộc đó tên A Lục, tuổi ngoài năm mươi, nhưng tính nết rất vui
vẻ, nhanh lẹ, đã chung sống trong gia đình Quân Vũ trên ba mươi năm rồi, nên tình cảm rất thâm hậu.
Mã Quân Vũ nghe lão nói, giật mình, toàn thân run lẩy bẩy, hỏi lại :
- A Lục! Ông nói sao? Biểu tỉ của tôi chết?
A Lục lắc đầu than :
- Trời không có mắt! Một người trẻ tuổi, đẹp như ngọc, tươi như hoa lại chết trước lão già lam lũ này!
Mã Quân Vũ chệnh choạng bước tới nắm chặt cánh tay người lão bộc hét lớn :
- Tại sao nàng lại chết?
Công lực của Quân Vũ rất mạnh, trong lúc nghe tin dữ, lòng chàng nóng
như đốt, chàng nắm cánh tay của người lão bộc kia, thì người lão bộc còn chịu sao nổi! Lão “Á” lên một tiếng, toàn thân run lập cập, nước mắt,
nước mũi chảy ra một lúc.
Thanh Loan đứng một bên, thấy vậy cũng không hiểu được nguyên do làm
sao, nàng cũng không biết phải dùng lời nào để khuyên can được.
Chợt bên trong, một ông lão râu tóc bạc phơ, dáng mạo có vẻ tiên phong đạo cốt, bước ra hét lớn :
- Vũ nhi! Làm sao thế? Hãy bỏ tay A Lục ra! Con điên rồi sao?
Tiếng hét đó làm cho Quân Vũ tỉnh lại, chàng quay đầu chắp tay, hướng về phía đại môn, quỳ gối thưa :
- Vũ nhi xin vấn an thân phụ.
ông lão trố mắt nhìn người lão bộc hỏi :
- Có bị thương tích gì không?
Người lão bộc đưa tay áo lau nước mắt, và thưa :
- Không sao! Tôi bị đau một chút nhưng còn chịu được.
ông lão nói :
- Thôi hãy vào nhà trong nghỉ một chút đã.
Người lão bộc “dạ” một tiếng rồi lủi thủi đi vào trong.
Thấy Mã Quân Vũ còn quỳ dưới đất, ông lão cất lời khiển trách :
- Con đã hai mươi tuổi đầu rồi, sao còn dại dột thế. Nếu cha ra trễ thì cánh tay của A Lục còn gì?
Quân Vũ cúi đầu nói :
- Con vừa nghe tin biểu tỷ chết nên tâm trí rối loạn, xin phụ thân dung thứ.
Ông lão thở dài, than :
- Quyên nhi đang tuổi xuân thì chết đi thật là đáng tiếc, ta và mẹ con
đã tận tâm cứu chữa, nhưng số trời đã định, sức người không chống nổi
mệnh trời. Thôi con hãy đứng lên, vào nhà an nghỉ.
Dứt lời, ông lão bước đến bên Thanh Loan, hỏi :
- Cô nương này là ai?
Quân Vũ đứng dậy thưa :
- Nàng là Lý Thanh Loan, sư muội của con. Con phụng mệnh sư phụ đưa nàng đến núi Côn Luân yết kiến sư thúc.
Đoạn chàng nói nhỏ vào tai Thanh Loan :
- Đây là thân phụ của tôi.
Thanh Loan liền đặt gối quỳ xuống, gọi lớn :
- Thưa bá phụ.
Ông lão mỉm cười gật đầu nói :
- Ly cô nương mau đứng dậy! Sao cô nương lại dùng trọng lễ với tôi như vậy.
Thanh Loan nhoẻn miệng cười, đứng ra sau lưng Quân Vũ, không biết lời nào để nói nữa.
Thân phụ của Mã Quân Vũ tên Mã Long, giữ chức Ngự sử tại triều đình năm
Minh Tống. Sau này vì Lưu Cẩn lạm quyền, nên ông ta bất mãn từ chức quy
điền, ẩn tại Đông Mao Lãnh đóng cửa đọc sách trồng hoa uống rượu.
Khi Mã Quân Vũ lên bốn tuổi, thường cùng với Tiểu Quyên ra suối câu cá
chơi. Hôm ấy, Huyền Thanh đạo sư đi ngang qua thấy Quân Vũ khôi ngô tuấn tú, tánh nết ôn hòa, đem lòng mến, lấy cớ là đi quyên tiền chữa viện,
lần vào Thủy Nguyệt sơn trang để chuyện trò với Mã Long.
Mã Long thấy Huyền Thanh đạo sư có vẻ tiên phong đạo cốt, biết không phải người tầm thường, liền mời vào phòng khách uống trà.
Hai người càng nói chuyện càng hợp ý nhau, nên kết nghĩ tâm giao.
Tiếp đó, năm nào Huyền Thanh đạo sư cũng đến thăm chơi một lần. Qua
nhiều lần gặp gỡ, Mã Long biết được Huyền Thanh đạo sư là người bát
thông lục nghệ, văn võ tinh thông nên càng đem lòng cảm phục.
Lúc Quân Vũ lên tám tuổi, Huyền Thanh đạo sư tỏ lời nói với Mã Long :
- Quân Vũ có cốt kỳ thanh tú, khí khái hơn người, chẳng phải kẻ bôn ba trong bể loạn, chiếm lấy địa vị quan chức đâu.
Mã Long cũng cười, nói :
- Tôi đã chán cuộc đời quan chức, mới về ẩn cư nơi đây, đâu còn mong con cái lập thân trên đường thành danh ấy. Nếu đạo trưởng không chê bai nó
là đứa ngu muội, tôi sẽ cho nó bái đạo trưởng làm thầy, và nhờ đạo
trưởng đem về chỉ dạy giúp.
Câu nói ấy hợp ý muốn của Huyền Thanh đạo sư, nên ông ta không hề từ chối.
Cách hai ngày sau, Huyền Thanh đạo sư dắt Mã Quân Vũ về Tam Thanh quan.
Bao nhiêu võ công đặc dị của phái Côn Luân, Huyền Thanh đạo sư trong
mười hai năm trời đã dốc túi truyền cho Mã Quân Vũ.
Hôm nay Mã Quân Vũ rời khỏi sư môn, tuy với lớp tuổi còn non nớt nhưng bản lãnh đã có hạng trong giới võ lâm rồi.
Bây giờ Mã Long dắt Quân Vũ và Thanh Loan vào đại sảnh, rồi ân cần hỏi :
- Lần này sư phụ con không đến chơi sao? Con định ngày nào trở lại Tam Thanh quan?
Mã Quân Vũ thưa :
- Sư phụ con dạy con về đây hầu hạ cha mẹ! Qua một tháng sẽ đưa sư muội
con đến núi Côn Luân bái sư, không trở về Tam Thanh quan nữa.
Mã Long đôi mắt đăm chiêu, nhìn con, vuốt râu, nói :
- “Con là đệ tử của phái Côn Luân, phải nghe theo lời đạo trưởng chỉ
dạy, lo làm tròn bổn phận một người trai. Còn cha mẹ con đã già rồi, qua những chuỗi ngày thừa đâu còn thiết gì nữa mà hầu hạ. Từ ngày Tiểu
Quyên chết đi, mẹ con luôn luôn ở trong “Dưỡng Tâm đường” sớm tối đọc
kinh nhiệm Phật, không muốn gặp mặt ai. Đến như cha đây mà mẹ con cũng
chẳng cho vào đó, sợ làm bận lòng.
Mẹ con đã thế, thì cha đây cũng tìm đường tu niệm cho xong, để tâm hồn được an ổn trong lúc tuổi già.
Mẹ con tuy là xuất thân nơi đại gia thế phiệt, song người rất thông minh và hiền đức. Chính mẹ con đã khuyên cha bỏ con đường bể loạn, về ẩn
thân nơi này, nên mới được chút an nhàn hôm nay. Trước đây, mẹ con
thường nói với cha rằng :
“Tiểu Quyên dung nhan mỹ lệ, nhưng mệnh bạc, ắt không thể sống quá hai mươi lăm tuổi”.
Quả nhiên, Tiểu Quyên chết không quá hai mươi hai tuổi, nàng chết vì
nàng lá một đóa thiên hoa, tạo hóa ghen hờn. Vả lại, thân phụ của nàng
trước kia làm tri huyện Nhiệm Châu có nhiều hành vi thiếu đức, có lẽ vì
thế mà lưu lại quả báo cho Tiểu Quyên chăng? Thôi con hãy vào “Dưỡng Tâm đường” bái yết mẹ con đã, rồi ngày mai sẽ đem chút lễ vật đi điệu bái
linh mộ của biểu tỷ con. Còn về tương lai của con, cha cũng không muốn
bận tâm đến. Huyền Thanh đạo sư là người thế ngoại huyền cơ, con cứ nghe theo lời đạo trưởng mà minh định bước đường tương lai của con”.
Dứt lời, Mã lão gục đầu chào Lý Thanh Loan, rồi từ từ bước ra khỏi phòng.
Quân Vũ đứng ngơ ngác, đôi mắt trao tráo như một con gà gỗ, chẳng hiểu
vì đâu cha chàng lại lạnh nhạt với cuộc sống như thế? Chàng có hiểu đâu
rằng qua một thời gian trầm luân trong bể loạn, cha mẹ chàng đều đã chán ngán sự đời, xem cuộc sống như giấc mộng phù du.
Thấy bóng thân phụ đã khuất ngoài phòng, Quân Vũ từ từ rơi hai giọt lệ,
Lý Thanh Loan rút chiếc khăn tay trao cho Quân Vũ chẳng nói lời nào.
Quân Vũ lấy khăn lau nước mắt, và gượng gạo nói :
- Chúng ta đến bái yết mẫu nghi.
Thủy Nguyệt sơn trang chỉ là một trang viện cũ kỹ, không có gì đẹp đẽ.
Sở dĩ Mã lão chọn nơi đây, và đặt tên ấy là vì ông cảm thán nhân tình,
lấy cảnh thanh nhàn phôi phai cuộc đời quan chức, coi công danh phú quý
như đám mây trôi.
“Dưỡng Tâm đường” được kiến trúc trong đám thùy dương, bên trong vọng ra từng hồi chuông u tịch. Mã Quân Vũ dắt Thanh Loan đi vòng quanh một lúc thì đến ba căn nhà lá sơ sài, nhưng quét dọn rất sạch sẽ. Bên trong có
đặt chiếc bàn trúc, trước bàn có bày một tượng Phật, khói hương nghi
ngút. Một thiếu phụ tuổi trung niên, đôi mắt lim dim, đang chấp tay tụng niệm.
Mã Quân Vũ bước nhanh tới, quỳ gối nói lớn :
- Mẹ! Vũ nhi đã về đến!
Mã phu nhân từ từ mở mắt ra, trên nét mặt trang nghiêm lộ một nụ cười phúc hậu.
Bà bước đến vò đầu Quân Vũ, nói :
- Con về rất đúng lúc! Quyên biểu tỷ của con đã chết rồi! Mai là ngày
cúng tuần chu niên của nó! Tội nghiệp, trước giờ chết nó vẫn nhớ đến
con. Mai con bảo lão A Lục dắt con đến mộ nó cúng tế để cho linh hồn nó
dưới suối vàng được an tâm. Mồ nó mẹ chôn nơi chân núi tây, chỗ mà con
và nó thường vui đùa chơi với nhau thưở nhỏ.
Mã Quân Vũ rơi lệ, nói :
- Tội nghiệp! Lúc biểu tỷ chết con không được thấy mặt nhau lần cuối cùng.
Mã phu nhân đỡ Quân Vũ dậy, trong khuôn mặt trang nghiêm của bà chứa đầy bi thương, nói :
- Tiểu Quyên sắc nước hương trời, thông minh có một. Tạo hóa cướp mất
mạng nó tức là không muốn để nó phải chịu cảnh quả báo sau này! Con cũng đừng thấy thế mà đau lòng. Còn cô nương đây là ai vậy?
Mã Quân Vũ chưa kịp đáp lời thì Thanh Loan đã quỳ gối xuống đất, nói :
- Thưa bá mẫu, cháu tên Lý Thanh Loan, cùng Mã sư huynh đều là môn hạ của phái Côn Luân.
Mã phu nhân bước tới đỡ nàng dậy, kéo nàng đến bên mình, hỏi :
- Cháu là sư muội của Quân Vũ hả! Năm nay cháu được bao nhiêu tuổi?
Lý Thanh Loan gục đầu thưa :
- Cháu mười bảy tuổi.
Mã phu nhân thấy nàng dễ thương, ôm nhẹ vào lòng, hỏi tiếp :
- Nhà cháu ở đâu? Mẹ cháu có mạnh giỏi không?
Câu hỏi ấy làm cho lòng Thanh Loan đau nhói lên. Nàng dựa vào lòng Mã phu nhân khóc sướt mướt.
Từ nhỏ, nàng đã mồ côi cha mẹ, chỉ nhờ Ngô Không đại sư nuôi dưỡng cho
đến tuổi trưởng thành. Tuy Ngô Không đại sư rất nuông chiều nàng nhưng
cũng không sao đầm ấm như tình mẹ con được.
Nay trước cảnh gia đình đầm ấm của Quân Vũ, mà Mã phu nhân lại hỏi đến thân thế của nàng, bảo sao nàng không đau lòng được.
Nàng sụt sùi đáp :
- Cháu gặp phải số kiếp đau thương. Từ nhỏ đến lớn không biết mặt mẹ
cha, chỉ được sư phụ đem về nuôi dạy, và cho biết tên cháu là Lý Thanh
Loan.
Mã phu nhân nghe nói rất thương tình, đưa tay vuốt tóc nàng an ủi :
- Cháu ạ! Đừng khóc nữa! Trong đời có ai khỏi chết? Có bà mẹ nào sống mãi với con được đâu?
Thanh Loan nhìn vào vẻ mặt hiền từ của Mã phu nhân, đột nhiên hỏi :
- Bá mẫu! Bá mẫu xem cháu có số bạc mệnh chăng? Cháu có giống như Quyên biểu tỷ của Mã sư huynh mà chết sớm chăng?
Thanh Loan vốn tính trẻ con, nghĩ sao nói vậy. Nhưng Mã Quân Vũ nghe nàng hỏi như thế toàn thân lạnh toát.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...