Đối diện cửa hiệu buôn treo đầy đèn màu, nam nữ trong y phục mùa đông đi giữa làn khói trắng phả ra từ hơi lạnh, trên nét mặt người thành thị cuối năm vừa lo âu vừa vui sướng; tiệm vải cũng trưng ra bảng hiệu đèn quảng cáo thật to, một năm mới lại đến.
Phương Đăng tiễn vị khách cuối cùng, nói với nhân viên đang kiểm hàng trước quầy: “Hôm nay cô về sớm chút đi, năm nào đến lúc này cũng bắt cô trực, ai không biết còn nghĩ tôi quá hà khắc”.
“Dù sao về cũng không có gì làm” – Cô gái vẫn chúi đầu vào sổ kế toán.
“Cháu gái cô đâu, không ở với cô sao?”
“Ở trường học có hoạt động cắm trại công viên nhân Nguyên đán, trẻ con đều thích náo nhiệt mà”
“Cô cũng không nên để cuộc sống trở nên lạnh lẽo” – Phương Đăng thở dài, đưa tay lấy đồ từ tay của người kia: “Xong việc rồi! Ngày mai cửa hiệu cũng nghỉ một ngày, cô muốn làm gì thì làm. Thanh xuân nếu không đáng giá bao nhiêu, cũng đừng nên lãng phí những nơi thú vị”
Cô gái tuổi cỡ bằng Phương Đăng cười một tiếng, lơ đãng mở bộ đồng phục trên người xuống. Phương Đăng nhớ tới sáu năm trước, mới vừa mở tiệm vải không bao lâu, có một người xin vào làm, tuổi còn trẻ, lời nói thẳng thắn, kỹ thuật may vá lại tương đối đẹp. Thời điểm đó trong tiệm rất cần người, Phương Đăng hỏi cô ta muốn bao nhiêu tiền lương để ở lại làm, nhưng đối phương lại không đưa ra con số nào, chỉ yên lặng một lúc rồi nói: “Tôi đã từng ngồi tù, là người có tiền án, nếu như chị thật sự muốn thuê tôi, chỉ cần đủ sống, bao nhiêu tiền cũng được”.
Phương Đăng lúc ấy có đôi chút ngạc nhiên, thật không ngờ, cô gái trẻ tuổi mong manh kia lại có cùng số phận như các tù nhân. Nếu đối phương đã nói ra những lời này, có lẽ trước đây cũng đụng chạm không ít với quan chức địa phương. Chuyện này cũng bình thường, nhưng phàm là người mở cửa làm ăn quang minh chính đại, có ai lại không muốn dùng những nhân viên có thân thế trong sạch chứ?
Nhưng sau phút do dự ngắn ngủi, Phương Đăng giữ cô gái lại. Có lẽ đơn giản vì sau khi hỏi thăm, cô nhìn thấy trong mắt của cô gái này một cảm giác quen thuộc. Tuổi thanh xuân của cô cũng không giống với mọi người, cũng không khác thời thanh xuân bi thảm và điên loạn của đối phương, sai đúng trắng đen đều do bản thân phán đoán, hơn nữa cô tin vào cặp mắt nhìn người của mình.
Cứ như vậy, Phương Đăng để cô gái tên Tạ Cát Niên này ở lại trong tiệm vải của mình, thoáng một cái đã qua sáu năm. Có lúc Phương Đăng còn cảm thấy so với chủ nhân của cửa tiệm là mình, Cát Niên cô ấy làm việc còn tận tâm tận lực hơn nhiều. Lúc trước khi mở cửa tiệm này, chẳng qua là muốn có nơi để ký thác, nếu như không có Cát Niên mỗi năm tận lực, chưa chắc đã buôn bán tốt như hôm nay. Mỗi năm tới ngày lễ tết, các nhân viên khác đều nghỉ, chỉ có Cát Niên cùng cô ở lại canh giữ tiệm.
Đóng cửa tiệm, Phương Đăng trở lại nơi ở thì đã gần chín giờ. Bây giờ cô cũng có một căn gác nho nhỏ, mặc dù so với chỗ ở trên đảo trước đây rất khác nhau, nhưng cô cố tình chọn nơi này để nương thân vì một lý do trọng yếu – ở đây có cánh cửa sổ nhìn ra biển, đứng chỗ này, cô có thể nhìn thấy Qua Âm Châu ở đằng xa. Nhất là vào ban đêm, cô cơ hồ tưởng tượng mình phân biệt được nơi nào là bến phà, chỗ nào là Đại giáo đường, nơi nào là Cô Nhi viện, chỗ nào là Phó gia Hoa viên… Ba ánh đèn đầu tiên có thể là thật sự tồn tại, duy chỉ có Phó gia Hoa viên là dừng lại trong tưởng tượng, bởi nơi đó đã rất nhiều năm không sáng đèn.
Phương Đăng để chìa khóa xuống, bước lên phòng ngủ chính trên lầu, đến giữa cầu thang cô đã nhìn thấy được một luồng ánh sáng phát ra ngoài. Quả nhiên, chậu hoa mỹ nhân trước cửa sổ ướt đẫm, vừa mới được tưới nước, cô dùng ngón tay hứng lấy giọt nước còn đọng trên phiến lá, quay đầu lại, nhìn thấy Phó Kính Thù đứng trước cửa phòng vệ sinh, trong tay cầm bình tưới hoa.
“Em đúng là không có tư chất trồng vườn, anh còn nghĩ bản thân hoa mỹ nhân tiêu vốn dễ nuôi rồi đó”. Anh đứng cạnh bên Phương Đăng, hướng về phía lá cây phun nước, sau đó hái xuống hai cái lá bị sâu. “Em xem nè, mấy đường sọc vàng ở đây là dấu hiệu sâu bệnh, nếu không hái bỏ thì cả chậu hoa sẽ chết.”
Anh cúi đầu xuống nói nhỏ với cô, lời nói vô cùng tự nhiên, dường như họ với vừa chia tay ở cửa nhà sáng nay, kết thúc một ngày làm việc, lại cùng nhau chăm sóc chậu hoa ở nhà.
Phương Đăng nói: “Anh quên loại hoa này lúc nào cũng có chút bệnh sao, như vậy mới có thể khiến anh lưu ý”
Cô không biết chậu hoa này có nhớ chủ nhân của nó thật không. Ngày mốt là Nguyên đán, hay nói đúng hơn, hoa và người đã hơn một năm không gặp.
Lúc Phó Thất đi, cam kết duy nhất của anh chính là hàng năm sẽ trở về bên cô dịp Năm mới. Họ đều không quên được cái giao thừa chìm trong bóng tối vô biên ở Qua Âm Châu mười ba năm trước, cả hai chạy thục mạng chạy trốn khỏi căn nhà xác bỏ hoang mà anh bị nhốt suốt một ngày một đêm, trở lại phố thị náo nhiệt, vội vã muốn thu cả hơi ấm tươi sáng đó vào lòng. Cũng trong ngày năm mới đó, có người chết đi, cũng có người như tái sinh lần nữa, nhưng điều kiên cố duy nhất chính là họ đã ở bên nhau.
Mỗi một năm, ít nhất vào khoảng thời gian này, họ đều ở cạnh nhau. Đây cũng là điều sau nhiều năm như vậy, anh vẫn có thể vì cô mà làm được.
Thời điểm Phó Kính Thù vừa sang Tây Á cũng không quá tốt như vậy. Tuy trên danh nghĩa là trở lại bên trưởng bối Tam phòng, nhưng bà chủ Trịnh tuyệt đối không phải một bà nội hiền từ. Bà tiếp nhận “cháu nội” này, chính là sự lựa chọn từ lý trí, trên thực tế giữa họ là khoảng cách mười bảy năm làm người xa lạ, trở thành người thân chung sống một nhà có thể dễ dàng đến vậy sao.
Phó Kính Thù hiểu rất rõ điều này, chuyện anh có thể làm, chính là hết sức cố gắng làm tốt mọi thứ, không ngừng rèn luyện bản thân trở nên ưu tú hơn, cố gắng chứng minh với bà chủ Trịnh, nghĩ đủ cách để làm bà vui vẻ. Nhưng dù anh có cố gắng tốt đến mức nào, bà chủ Trịnh càng phiền não, bà lại nghĩ đến đứa con trai đã mất Phó Duy Tín, người thay thế nó bây giờ lại chính là “cháu nội” không hề chung huyết thống, dĩ nhiên cũng sẽ nghĩ đến chuyện “cháu nội” này là hậu nhân của chồng mình cùng với Tiểu Xuân cô nương. Hành vi của anh nếu nhất thời không thuận lòng bà cũng chẳng phải chuyện không bình thường, dù sao anh cũng không phải do mình nuôi lớn, hơn nữa huyết thống lại có ba bốn phần khác biệt, như vậy mọi thứ đều có thể giải thích được.
Bà chủ Trịnh là người xem trọng thể diện, có rất nhiều thứ bà tự nhiên sẽ không bới móc ngay trước mặt, cho dù trong lòng không thích, trên mặt cũng tỏ ra nhàn nhạt, nhưng ánh mắt của những người khác thì sắc bén. Trong nhà lớn của Phó gia bên sườn núi Cát Long, trừ bà chủ Trịnh cùng với gia đình con gái con rể, còn có gia đình hai cậu em trai cùng mẹ và bảy tám nhân công. Đối với người ngoài, bọn họ đều tỏ ra lãnh đạm không khác biệt.
“Cô cô” của Phó Kính Thù – Phó Duy Mẫn là người bộc trực, tâm tư đều biểu hiện rõ ràng trên mặt, ngay từ đầu cô đã không tán thành chuyện mẹ mình nhận lại đứa trẻ lớn lên bên ngoài này về nhà, nên cũng không thích Phó Kính Thù cho lắm, chuyện này ai cũng hiểu, coi như là quang minh chính đại. Chồng của cô ta lại khéo léo hơn nhiều, ngoài mặt hỉ hả vui cười, sau lưng thì ngầm tìm biện pháp, nếu nhất thời vô ý sẽ dễ cho người ta cơ hội cản trở. Hai người gọi là “ông cậu”, một người thì do trước kia làm ăn thất bại, buộc lòng phải bám theo chị mình mà sống, làm việc toàn nhìn sắc mặt bà chủ Trịnh, vì vậy đối với Phó Kính Thù không thương không ghét; một người khác chưa có gia đình, cả ngày rong chơi cờ bạc, là tay côn đồ, ai cho ông ta tiền thì kẻ đó là đại gia, nếu không có khả năng để ông ta lợi dụng thì chẳng thèm để mắt. Những nhân công kia hơn một nửa là người địa phương, mặt mũi tuy không hung dữ, nhưng sau lưng thích bới móc, không ai thật lòng coi anh như một người chủ chính thức.
Phó Kính Thù rơi vào hoàn cảnh này, mới cảm nhận sâu sắc hết mộng ước nhận tổ quy tông mà cả đời cha mình đeo mang vì sau khi thành hiện thực rồi lại càng thêm đau khổ hơn là vui vẻ, kết quả cũng vì quá đau buồn đến nỗi qua đời. Nếu nói bị lạnh nhạt ở Phó gia Hoa viên là đi lại ở nơi đồng không mông quạnh, thì việc trở về với những “người thân” bên cạnh cũng như đi vào một lãnh thổ xa lạ, nơi mà mỗi thời mỗi khắc đều có người nhắc nhở, “mày chính là người ngoài, không thuộc về chỗ này”.
Nhưng Phó Kính Thù rốt cuộc không giống như cha anh Phó Duy Nhẫn. Tận tâm với bà chủ Trịnh, nếu bà lạnh lùng, anh chỉ cười một tiếng, từ đầu đến cuối không hề phản kháng, tiến thối chừng mực, đối với bất kỳ ai đều rất lễ phép, quan trọng là không để cho người khác có cơ hội hại mình. Thời gian dài, bọn họ thấy cũng chẳng moi móc gì được ở anh, cũng chẳng có biện pháp đối phó, cũng từ từ chẳng để tâm, cho dù không thể nào thân như người một nhà, nhưng ít nhất cũng sống chung bình yên vô sự.
Sức khỏe bà chủ Trịnh không được như xưa, nhưng trong lòng lại sáng hơn bất kỳ ai, đứng trong tối quan sát từng lời nói hành động của anh, mặc dù cảm thấy vẫn chưa thật hài lòng, nhưng cũng không thể không thừa nhận quyết định của mình là sang suốt, thích hay không thích “cháu nội” này là một chuyện, nhưng phải nói đây là đứa bé thông minh, so với cha mẹ thì cũng đáng mặt là hậu nhân của ông nội.
Hai năm sau khi sang Tây Á, theo an bài từ bà chủ Trịnh, Phó Kính Thù sang Anh Quốc du học tại trường cũ của Phó Duy Tín. Hai mươi ba tuổi, anh đạt được bằng cấp như bà nội muốn, nhưng không lập tức trở về Mã Đại, mà đi Hương Cảng, ở lại làm việc hai năm, đến năm hai mươi lăm tuổi mới một lần nữa được gọi về bên cạnh bà chủ Trịnh, chính thức tham gia vào việc làm ăn của gia tộc.
Lúc bắt đầu thử thách xử lý chuyện trong nhà, Phó Kính Thù mới hiểu sâu xa hơn tình trạng của Phó gia hôm nay. Từ lúc di dân sang Tây Á, Phó gia đến giờ luôn là một trong những Hoa thương rất có danh tiếng ở địa phương, nhưng tất cả mọi thứ đều là hào quang quá khứ – họ ở đây nhiều năm, căn cơ thâm hậu, rất có danh vọng, nhưng bàn về tài sản lại khó có thể so với bọn hào phú mới nổi sau này. Bây giờ chủ yếu sản nghiệp Phó gia tập trung ở vật nghiệp và bất động sản, ngoài ra còn có “tập đoàn Phú Niên” với một số nhà máy và vườn trồng trọt, ngoài ra còn một số công ty cổ phần lớn rải rác ở địa phương, nói là nhà đại phú cũng không quá đáng, nhưng cảnh vinh quang hiển hách một thời đã một đi không trở lại.
Sau khi chồng qua đời một mình bà chủ Trịnh chống đỡ, bà đã cao tuổi, bên cạnh lại không ai giúp đỡ, sức lực của bà có hạn, cách đầu tư cũng có phần bảo thủ, giữ vững sự nghiệp đã là chuyện không dễ, làm sao tính đến chuyện gầy dựng to hơn. Trước đây có người em trai lớn và con rể phụ cho bà, sau khi Phó Kính Thù trưởng thành, bà tiếp thu vài ý kiến của anh, nhưng cũng chỉ tiến hành tham khảo. Cho đến khi Phó Kính Thù chính thức trở lại bên bà, lúc này mọi thứ mới có sự thay đổi rõ ràng.
Mới vừa tiếp quản không lâu, Phó Kính Thù đã có một vài động thái lớn, anh nói lên chủ kiến của mình, cô cô, dượng cùng với ông chú không khỏi tỏ ra nghi ngờ, mọi hành động của anh đều đối mặt với áp lực to lớn. Bà chủ Trịnh để bọn họ tranh chấp không ngừng, cho đến khi cuộc tranh cãi diễn ra một thời gian ngắn mới lên tiếng: “Để cho thanh niên thử một lần, thất bại thì coi như mua được bài học lớn”. Thật ra thì trong lòng Phó Kính Thù hiểu rõ, nếu như lúc đó anh thật sự thất bại, cũng không chỉ đơn giản là “mua bài học lớn”, Phó gia có khi còn không có chỗ để anh đặt chân vào.
May mà sau đó anh đã chứng minh quyết định của mình là đúng, vì việc này đem lại cho Phó gia không ít lợi nhuận, sau đó anh lại thuyết phục bà chủ Trịnh thử sửa đổi hình thức đầu tư, hợp tác với một số tài phiệt danh tiếng khác ở Mã Đại thu mua lại tập đoàn dược phẩm E.G nổi tiếng ở Los Angeles, ngay sau đó lại nhắm vào thị trường quốc nội Trung Quốc, chạy thí điểm dự án đưa E.G trở thành công ty phân phối lý tưởng tại Trung Quốc, sau khi đứng vững, anh mới từ từ mở rộng lĩnh vực đầu tư đến tài chính và địa sản, trong vài năm một lần nữa đưa tập đoàn Phú Niên già cỗi tái sinh lần nữa.
Cũng nhờ anh giải được bài toán hóc búa này, sau hai ba năm bà chủ Trịnh mới bắt đầu nể trọng anh, từ thái độ thận trọng ban đầu không còn nữa, chính thức đem phần lớn sự vụ giao cho anh lo liệu, mỗi khi gặp phải khó khăn cũng đều lên tiếng nhờ anh giúp đỡ. Các nhân viên cao cấp trong công ty nhà họ Phó cũng dần dần công nhận người thanh niên này còn có tham vọng của một quản lý cấp cao, hai ông cậu cũng bắt đầu gió chiều nào xuôi chiều ấy, cô cô và dượng tuy vẫn thường ra mặt phản đối, nhưng sự quấy nhiễu đó đã sớm vô tác dụng. Trên thực tế những năm gần đây, anh đã là người chủ trì của Phó gia, bước qua thuở thiếu thời đau khổ thối chí, trở thành người thành công vô hạn.
Cũng chính vì vậy, thời gian riêng tư của Phó Kính Thù dành cho bản thân mình càng lúc càng ít. Trước đây trừ mấy năm sống ở Anh quốc, mỗi khi rảnh rỗi anh đều nắm lấy cơ hội quay lại thăm Phương Đăng. Hai năm qua cũng đành phải bó tay, nhưng bất luận thế nào, mỗi khi đến năm mới cũng là lúc anh nhất định trở về bên cô, năm nay cũng không ngoại lệ. Trong lòng Phó Kính Thù, Phương Đăng mới thật sự là người nhà của anh, anh luôn cảm thấy những lúc ở bên cô anh mới thật sự chính là mình, điều khiến anh không thể nào dứt bỏ chính là anh biết rõ mình đã nợ Phương Đăng nhiều quá.
Anh không có cách nào mang Phương Đăng đi, đây chính là điều ăn năn lớn nhất của Phó Kính Thù trong nhiều năm qua. Bà chủ Trịnh rất ghét nhà mẹ của Phó Kính Thù, coi sự ràng buộc huyết thống này là vết nhơ trên cơ thể anh, hễ anh để xảy ra lỗi lầm nhỏ bé gì, hoặc làm chuyện gì không thuận ý bà, bà chỉ biết đem việc này ra làm nguyên nhân đổ lỗi. Cho nên, sau khi Phó Kính Thù tốt nghiệp có thể đem theo lão Thôi theo mình, nhưng hoàn toàn không có cách ở trước mặt bà chủ Trịnh mà nhắc đến Phương Đăng. Dĩ nhiên Phương Đăng cũng chưa bao giờ nói muốn cùng anh tới đó.
Sau khi Lục Ninh Hải chết, giấy tờ con nuôi của Phương Đăng với Lục gia cũng chẳng giải quyết được gì, cô quay lại cô nhi viện Thánh Ân, ở đó sống hai năm. Lúc ấy Phó Thất đã dặn dò lão Thôi chiếu cố cô, bên cô lại có A Chiếu làm bạn, cuộc sống cũng không khó khăn nhiều như trước. Mười tám tuổi, cô thi vào trường học trong thành phố, học hộ lý ba năm. Vì đây là ngôi trường do Trung Quốc cùng đồng minh ba nước hợp tác, khi vào kỳ thực tập cô danh chính ngôn thuận được an bài đến làm việc trong một bệnh viện lớn ở Tây Á, sau khi tốt nghiệp nửa năm, cô trở thành hộ lý tư nhân ột gia đinh Hoa thương danh tiếng ở địa phương trong suốt ba năm.
Đó là ba năm mà Phương Đăng và Phó Kính Thù đều rất ít khi liên lạc. Ngược lại thì Phó Duy Mẫn không biết nghe tin đồn ở đâu, lúc ăn cơm trước mặt cả nhà cười nói: “Thì ra không biết xấu hổ cũng có di truyền, có những thứ trong người chảy sẵn dòng máu hạ tiện, cô cô đã là gái điếm thì cháu gái cũng học theo thôi”
Phó Duy Mẫn không biết Phương Đăng, đích thị lời nói móc khóe là có ý hướng về người còn lại của Phó gia. Phó Kính Thù lúc đó cúi đầu uống canh, không phản ứng, kín đáo nắm chặt chiếc đũa trong tay suýt gãy làm đôi, anh nghĩ bản thân chuyện gì cũng có thể nhẫn nhịn, nhưng trong chuyện này, suýt chút nữa là không kềm chế được mà phản ứng mạnh. Đây cũng là nguyên nhân anh cố gắng cúi đầu xuống dùng cơm, anh sợ mình không thể nhịn được đến khi bà chủ Trịnh trăm tuổi như dự tính.
Cuối cùng anh vẫn kềm chế, sự nhẫn nhịn đã là chiếc giáp sắt mạnh mẽ tồn tại trong bản thân anh, mặc dù chiếc giáp sắt kia cũng đã chịu không ít lần bị đâm thủng, mỗi một vết đâm đều để lại không ít máu rơi.
Ba năm sau, người chủ nơi Phương Đăng làm việc cùng với người kế nghiệp mới lên của Phó gia hợp tác, đánh một cú lớn thu mua E.G, kế hoạch song phương đều tiến hành thuận lợi, sau đó không ngừng hợp tác, khiến bà chủ Trịnh cũng thay đổi cái nhìn. Có thể nói đây là giai đoạn Phó Kính Thù chính thức làm chủ Phó gia. Phương Đăng cũng ở lại đó không bao lâu rồi quay về nước, sau này cũng không quay về Tây Á nữa.
Sau đó, Phó Kính Thù hỏi Phương Đăng muốn gì, anh bảo từ bây giờ về sau cho dù cô muốn thế nào, anh đều vì cô mà làm được. Phương Đăng chỉ nói anh hãy tìm cho cô thêm một chậu hoa mỹ nhân, chậu hoa trước kia sau khi anh đi đã héo tả rơi rồi chết.
Cô đem chậu hoa mỹ nhân đặt ở cửa sổ nơi ở mới, mở tiệm bán vải, sống cuộc đời chưa bao giờ bình thản hơn. So với trước kia cuộc sống của cô hiện giờ trơn nhẵn như nhung, mau chóng lướt qua đầu ngón tay, rất nhanh đã tròn sáu năm rồi.
Trên tường trong phòng của Phương Đăng có treo một bức tranh, đó là món quà sinh nhật năm mười tám tuổi Phó Kính Thù định dâng lên cho bà chủ Trịnh. Bức tranh vẽ Quan Âm tay cầm bình dương liễu, ánh mắt vô tận từ bi. Anh không am hiểu tranh truyền thần, nhưng bà chủ Trịnh lại là một họa sĩ cừ khôi, lúc còn ở khuê phòng đã từng là môn đệ danh sư nổi tiếng, đến cuối đời chỉ yêu thích tranh Quan Âm của họa sĩ Nhâm Bá Niên thời nhà Thanh. Để vẽ được bức họa tốt nhất, Phó Kính Thù tốn không ít công sức, ngày đại thọ của bà nội, anh dâng lên tác phẩm của mình, bà chủ Trịnh liếc một cái rồi lạnh lùng để sang bên.
Ngày hôm sau, Phó Kính Thù phát hiện bức họa của mình được treo trên bức tường trong nhà, song song với tác phẩm gốc của Nhâm Bá Niên. Bà chủ Trịnh khi nhìn thấy cũng tỏ ra kinh ngạc, vợ chồng Phó Duy Mẫn và hai ông cậu lúc đó nhìn nhau cười, Phó Kính Thù thừa biết bọn họ cố ý làm ình khó chịu. Bà chủ Trịnh dừng chân, nhìn hai bức họa quan sát một lúc rồi thờ ơ nói: “Không giống lắm!”
Phó Duy Mẫn đứng tại chỗ cười lớn: “Vẽ hổ không xong lại thành chó”
Ngay cả người làm lúc đó đang lau bàn nghe cũng hiểu, che miệng cười, trong ánh mắt của mọi người đều tràn đầy giễu cợt.
Phó Kính Thù không cười, cũng không giận. Anh lặng lẽ gở bức họa trên tường xuống, tự mình cất giữ cẩn thận. Một năm kia nhân nguyên đán, anh đem theo bức tranh về nước. Phương Đăng hỏi thân nhân bên kia đối với anh có tốt hay không, anh chỉ cười không nói, đem bức tranh Quan Âm ra sửa đổi lại một chút, trên gương mặt Quan Âm đó biến thành mắt xanh môi đỏ, cầm trên tay lưỡi dao nhỏ máu.
Anh nói với Phương Đăng đây chính là La Sát trong Kinh sách, một ác thần hung dữ, gương mặt ma quái, ăn thịt uống máu người.
Sau khi vẽ xong Phó Kính Thù định xé bỏ đi nhưng Phương Đăng cản lại, nhất định đem bức họa treo trong phòng không gở xuống. Lúc anh không có ở đây, cô thường xuyên một mình nhìn vào gương mặt nửa Phật nửa ma đó, có phải trong lòng mỗi người đều cất giấu hai gương mặt thế này không? Cô và Phó Thất đã trải qua nhiều năm như vậy, anh hoan hỉ vinh quang còn thứ cô có chỉ là hạt cát, nhưng những tâm tình riêng tư của anh cất giấu trong lòng không ai biết chỉ hiện ra khi đối diện với cô. Phương Đăng cảm thấy, cô chính là một gương mặt khác cất giấu trong lòng Phó Thất.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...