“Ông Bách! Thằng Thiện… thằng Thiện là ‘Nó’!”
Nghe tiếng hét của người đó, tôi giật nảy người lên suýt thì làm vỡ cái tô cháo ông Bách vừa ăn xong.
Tôi nhìn ông Bách, thấy ông ấy đã ngủ li bì thì nhìn Khánh và Tùng
“Ông Bách, ông Bách!” Người đó tiếp tục gọi.
Tôi vội đem cái tô ra bếp rồi chạy lên nhà trước.
Lúc người đó định gọi tiếp thì tôi suỵt một tiếng rồi nói với người đó: “Chú im lặng chút, ông Bách vừa mới chợp mắt thôi.”
Tôi không biết tên chú ấy, khi nghe tôi nói xong thì chú chậc lưỡi nói: “Ngủ cái gì mà ngủ, gọi ông ấy ra đây.”
Nghe lời lẽ vô lý của chú ấy khiến tôi phát bực, tôi dậm chân rồi lớn giọng: “Ông Bách hôm nay bị ốm, khó khăn lắm mới chợp mắt được!”
Chú ấy nghe tôi lớn tiếng thì vung tay doạ đánh tôi, may mà có Tùng chặn tay chú ấy lại.
Chú ấy giật tay về, lại lớn tiếng: “Ốm khi nào không ốm, lại vào lúc này mới chịu!”
Khánh từ nhà trong đi ra, đi lại cạnh tôi rồi hất mặt hỏi người kia: “Chú Quân, có chuyện gì vậy?”
Hoá là tên Quân, chú ấy nghe Khánh hỏi thì trả lời: “Thằng Thiện là ‘Nó’ là kẻ đã giết người suốt thời gian qua đấy!”
Ba đứa tôi giật mình vì câu nói đó, anh Thiện là ‘Nó’? Làm sao có thể? Dường như thấy gương mặt không tin của bọn tôi, chú Quân hất mặt nói: “Bọn mày không tin thì đi theo tao, nó đang bị treo ở ngoài bãi sỏi kia kìa.”
“Đi.” Tôi nói với Khánh và Tùng sau đó đi theo chú Quân.
Khi bọn tôi chạy xuống đến nơi thì tôi thấy mọi người đang bu quanh cái cột treo anh Thiện bị lột sạch đồ chỉ chừa lại quần thì nhăn mặt.
Rõ ràng trời lạnh như thế, lại không cho người khác mặc áo thì đúng là muốn giết người.
“A mấy đứa.” Chú Hữu thấy bọn tôi thì gọi, xong lại hỏi: “Không chăm ông Bách à?”
Tùng lắc đầu, trả lời: “Ông Bách ngủ rồi, có chuyện gì vậy bố?”
Chú Hữu nhìn lên cái cột, xong thở hắt ra nói: “Người ta nói cái cậu đó là ‘Nó’”
“Này đã gọi ông Bách xuống chưa?”
“Gọi ông Bách xuống nhanh lên.”
“Chưa! Ông ấy ốm rồi.” Chú Quân trả lời.
Tôi nhìn vào đám đông, loáng thoáng thấy dì Chúc đang khóc tức tưởi nhìn anh Thiện thì giật mình.
Dì ấy gào lên: “Thằng chó! Mày giết con gái tao, con bé làm gì mày hả?” Xong tôi thấy dì ấy lôi từ đâu ra cục đá, dường như định ném anh Thiện.
Tôi hốt hoảng, vội chen vào rồi đứng chắn giữa hai người họ.
Dì Chúc thấy tôi thì khựng lại, cục đá cũng vì vậy mà rơi xuống.
Tôi lắp bắp: “Mọi… mọi người bình tĩnh chút, chuyện gì cũng cần có trưởng thôn giải quyết mà.”
Khi này chú Hữu, Khánh và Tùng cũng đi vào rồi đứng gần tôi.
Chú Hữu nhìn mọi người, cười nói: “Lỡ đây là hiểu lầm thì sao? Mọi người muốn giết người vô tội sao?”
“Đúng thế! Tôi vô tội, tôi không phải là ‘Nó’!” Anh Thiện gào lên biện minh, giọng nói của anh ấy đã lạc đi.
“Vô tội cái gì! Đôi mắt của mày, đôi mắt của mày nói rõ điều đó!” Một người trong đám đông gào lên.
“Cái… cái này tôi cũng không biết!” Anh Thiện ấp úng.
Đôi mắt? Mắt? Tôi nhìn lên anh Thiện, sững người khi thấy đôi mắt của anh ấy không còn là màu đen mà thay vào đó là một màu đỏ như máu.
Nhìn biểu hiện của ba người đứng cạnh tôi thì tôi thấy họ cũng giống như tôi, nhưng chú Hữu lại có vẻ gì đó bình tĩnh hơn.
“Cái gì thế này…” Tôi nói nhỏ, giọng nói run lên.
Khánh và Tùng lắc đầu không biết.
Lúc này, anh Thiện nhìn tôi rồi khẳng định: “An, em tin anh đi, anh không phải ‘Nó’, anh cũng không thể nào ra tay tàn bạo như thế được, em tin anh đi mà An…”
Tôi lúng túng không biết làm như thế nào, chỉ nhìn chằm chằm anh Thiện bằng đôi mắt kinh hãi.
Dường như cảm nhận được nỗi sợ của tôi, anh Thiện tái mặt rồi thất vọng nhìn tôi, nước mắt rơi lã chã như mưa.
“‘Nó’ là người của thôn, chị đừng quá tin tưởng vào kẻ đó cũng đừng nghi ngờ người vô tội… Hãy cẩn thận.”
Câu nói của Liên xoẹt qua đầu làm tôi bừng tỉnh.
Đừng quá tin tưởng và đừng nghi ngờ người vô tội… Chẳng lẽ em ấy biết trước tương lai? Biết sẽ xảy ra chuyện này và cảnh báo tôi trước sao? Nhưng… vấn đề của tôi hiện tại là tôi không biết là vế trước hay vế sau.
Là “Đừng tin tưởng.” hay là “Đừng nghi ngờ người vô tội.”
Trong lúc tôi đang suy nghĩ thì tự dưng anh Thiện cười khanh khách, thoạt nghe sẽ tưởng là vì vui sướng nhưng khi nghe kĩ thì nó mang âm điệu thất vọng và tuyệt vọng đến cùng cực.
Nhưng tôi đã có câu trả lời rồi.
“Hahahaha… cái thôn chết dẫm này cũng có hiền lành gì đâu… rặc một lũ ác-”
“Im lặng!” Tôi gào lên làm mọi người giật mình, anh Thiện cũng vì vậy mà bỏ lửng câu nói.
Tôi lườm những người đang có ác ý với anh Thiện rồi gào lên: “Tôi tin anh không phải ‘Nó’ nên hãy im lặng giùm cái đi!”
Ba người kia ngơ ra nhìn tôi, tôi nói xong thì ho mấy cái vì rát cổ.
Trong lúc mọi người vẫn còn im lặng thì có tiếng vỗ tay bộp bộp vang lên.
Tôi nhìn sang thì nhận ra chú Hữu, chú ấy vỗ tay, mắt nhìn tôi còn miệng thì cười thích thú lắm.
Chú nói:
“Thôn mình vô phép tắc đến mức nào đây? Không có lệnh của trưởng thôn mà muốn tự ý quyết định sao?”
“Cái… chuyện này không đến một người mới đến như anh lên tiếng!”
“Ồ?” Chú Hữu nhướn này, xong lôi từ trong túi áo cái gì đó màu xanh xanh rồi nói: “Ông Bách đưa tôi cái này, nói là nhờ tôi trông thôn cho đến khi ông ấy khỏi bệnh, giờ sao?”
“…”
Mọi người không nói được gì nữa nên chỉ biết im lặng, chú Hữu xua tay: “Giải tán đi, khoan hãy nghi ngờ cậu trai này, mọi người nên giữ cái đầu lạnh kẻo giết phải người vô tội thì tội nghiệp người ta, lại còn mang nghiệp vào người nữa.”
Khi nghe chú Hữu nói vậy thì mọi người dường như cũng đã trở nên bình tĩnh lại, gương mặt không còn nét tức giận và căng thẳng nữa.
Tôi lè lưỡi nhìn mấy người kia rồi lêu lêu họ làm họ lại tức điên lên nhưng không làm được gì.
Sau đó chú Hữu nhờ mấy người còn chưa rời đi giúp gỡ anh Thiện xuống.
Cả người anh ấy giờ trắng bệch vì lạnh, tôi định an ủi nên định chạm vào mà phải vội rụt tay lại vì cả người của anh ấy quá lạnh.
Chú Hữu cởi áo khoác của mình rồi ném lên người anh Thiện, nói: “Khoác vào, cẩn thận chết cóng.”
“Cảm… cảm ơn chú.” Anh Thiện ngập ngừng, xong lại nhìn qua ba đứa tôi nói tiếp: “Cảm ơn mấy đứa…”
Tôi lắc đầu tỏ ý không có gì.
Đang vui thì Khánh và Tùng, người cốc đầu, kẻ véo má tôi và họ nói cùng một câu: “Oai ghê nhỉ?”
“Đau!”
Và… tôi cứ tưởng chuyện của anh Thiện dừng lại ở đó, mọi người sẽ đợi cho đến khi ông Bách khỏi bệnh rồi giải quyết.
Nhưng không… trong ngày hôm đó, căn nhà của anh Thiện bị ai đó rắp tâm phóng hoả.
Anh Thiện… mất mạng.
Một vài người trong thôn nghe tin anh ấy chết thì bày tỏ nỗi thương xót, có kẻ lại thở phào vì nghĩ ‘Nó’ đã chết.
Họ vẫn nghĩ anh Thiện là ‘Nó’ nên cái chết của anh ấy khiến đại đa số mọi người đều hả dạ.
“Anh Thiện… Thiện ơi…?”
Giọng nói của người đó vô hồn và có vẻ gì đó đau lòng lắm.
Tôi nhận ra đó là chị Uyên, gương mặt chị ấy trắng bệch, liên tục lắc đầu và hai hàng nước mắt thì chảy dài trên gương mặt và rơi lã chã xuống tuyết.
Hai người đàn ông khiêng cái cáng bên trên có một cái xác đen nhẻm khô quắp ra ngoài, chị Uyên thấy vậy thì xông lên, chị làm hai người kia giật mình mà buông cái cáng xuống.
Chị Uyên nhìn cái xác, xong lắc đầu nguầy nguậy như không muốn tin, rồi chị gào lên một tiếng đau lòng rồi ôm cái xác khóc nức nở.
Nghe tiếng gào khóc bất lực của chị ấy làm tôi cũng sụt sịt mà khóc theo.
Rõ ràng, rõ ràng chúng tôi đã có thể tìm cách chứng minh anh Thiện không phải ‘Nó’ vậy mà…
Nhưng chắc đây là báo ứng của họ.
Đầu tiên là anh Cường, cướp vợ sắp cưới của bạn rồi lâm vào cảnh chết, đến cả thi thể của mình cũng bị người cắt xẻ.
Tiếp theo là anh Thiện, tuy chỉ là vô ý giết người nhưng anh lại có ý trốn tránh và rồi bị người ta hiểu lầm dẫn đến phóng hoả rồi cuối cùng lâm vào con đường chết.
Cuối cùng là chị Uyên, báo ứng của chị chính là việc cặp kè với nhiều người, để rồi cuối cùng bản thân phải chịu cảnh mất đi người mình yêu thật lòng.
oOo
Ngày qua ngày, kể từ lúc anh Thiện chết cũng đã là bốn ngày trôi qua trong yên bình.
Ông Bách sau khi khỏi bệnh đã trách phạt mọi người rất nhiều.
Và người trong thôn với niềm tin ‘Nó’ đã chết nên đã phá luật và đi vào rừng, và… thật sự bọn họ đều an toàn.
Mọi sinh hoạt trong thôn đều trở nên dễ dàng và vui vẻ hơn trước rất nhiều.
Điều đó khiến tôi lấy làm lạ, suy nghĩ của tôi cũng bắt đầu lung lay.
Nhưng hôm nay, ngày thứ năm kể từ ngày anh Thiện chết, hôm nay tuyết rơi dày, rơi đến tận bốn giờ chiều mới dừng.
Tôi và Tùng nhìn lớp tuyết dày trước sân thì ngao ngán nhưng vẫn phải cầm đồ cào tuyết lên để dọn tuyết để có đường đi.
Lúc đang dọn thì tôi thấy một đám trẻ chạy từ rừng về, mặt tái xanh, khi thấy người lớn, bọn nó gào lên:
“Trong rừng có người chết!”
Từ một góc trong khu rừng, có một kẻ đang nhìn vẻ mặt hoang mang của những người trong thôn, trên môi là một nụ cười quỷ quyệt và chết chóc.
Vậy là… mọi chuyện vẫn chưa kết thúc!
Hết chương 11..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...