Tôi chẳng nói chẳng rằng trở về trường.
Tôi cũng không
đi chứng thực bất kỳ chuyện gì, vì tôi không muốn gợi lại vết thương cũ thêm nữa, chỉ mong sao mọi chuyện đã đi vào dĩ vãng.
Dường như tôi đang trải qua một mùa lê thê nhất trong cuộc đời. Mỗi
độ hoa mai nở, cả trường lại huyên náo khác thường. Tôi vùi
mình giữa bầu không khí nô nức như một sinh viên bình thường.
Thực ra, tôi mong mỏi ngày này từ lâu lắm rồi, không cần bận
tâm tiếng chuông điện thoại, không phải giấu giấu giếm giếm. Tôi nỗ lực ghi nhớ mọi lời giảng của thầy cô, chuyên tâm làm thí
nghiệm, chăm chỉ viết báo cáo. Tôi so sánh tất cả các trường
đại học ở nước ngoài dù nổi tiếng hay không nổi tiếng, tìm
hiểu điều kiện phù hợp với chuyên ngành của mình để xin học
bổng du học.
Suốt mùa xuân, thời gian đối với tôi dường
như đã ngưng đọng tại đó, từ thứ Hai đến thứ Sáu, tôi lên lớp
liên miên, mọi thứ trùng lặp mà đơn giản. Hai ngày nghỉ cuối
tuần, ký túc xá vắng tanh, không một bóng người, tôi bèn lên
thư viện ngồi, phòng tự học lúc nào cũng xếp kín những quyển sách giữ chỗ, tôi chọn một chỗ sát cửa sổ.
Tôi thích
ngắm những cây hòe gai xanh tươi, um tùm ngoài cửa sổ. Cuối mùa xuân, nơi đây sẽ bung nở những chuỗi hoa trắng ngần, hương thơm
phiêu dật nồng nàn từng chùm, rủ mình như vô vàn cánh bồ câu
trắng muốt. Có lúc ôn bài mệt nhoài, tôi ngẩng đầu nhìn màu
xanh biếc rọi xiên bên cửa sổ, phóng tầm mắt ra xa, thấp thoáng thấy dãy núi mờ mờ nơi ngoại ô thành phố.
Khi hoàng
hôn buông xuống, ráng chiều lãng đãng, núi non hóa tím ngắt mà bầu trời hiện ra vẫn xanh thẳm lạ lẫm, nhuộm màu mây rực rỡ
sáng ngời, đẹp đến nỗi khiến người ta phải ngây ngất. Lúc đó, bụng tôi đến giờ sôi ùng ục, tôi khoác cặp, xuống căng tin. Tôi băng qua một sân cỏ lúc nào cũng đông nghịt người đá bóng.
Mùa xuân là mùa lý tưởng của thành phố này, mà ở trường tôi, mùa xuân cũng là mùa gợi nhiều tâm trạng u sầu, ly biệt nhất, con đường râm mát không ngớt những tốp người tụm năm tụm ba,
bá vai, bá cổ hát vang, họ là sinh viên năm thứ tư sắp tốt
nghiệp đang trên đường ra cổng Tây ăn liên hoan chia tay.
Tối thứ Sáu trong căng tin có món khoai lang tím, đồ ăn ở căng tin
lúc nào cũng nhếch nhác, cẩu thả, khoai bỏ vào lò, hấp qua
loa đại khái rồi đổ ra một cái chậu inox to để bán. Tôi mua
một suất ăn kèm cháo, bẻ miếng khoai làm đôi, thấy đường vân
mịn màng tím biếc, nhìn còn đẹp hơn cả củ dền[1]. Tôi cắn
một miếng, sực nhớ ra trước đây, Đáng Yêu rất thích món này,
cứ cách mấy ngày, Hương Tú lại mua khoai cho nó ăn. Tôi luôn
thấy lạ là tại sao Đáng Yêu chỉ thích ăn khoai lang mà không
động tới đồ ăn cho chó? Tôi vốn không thích con chó đó, nó
cũng chẳng ưa gì tôi. Nhưng nó từng cứu mạng tôi, chính là lần tôi rạch tay đó. Nếu nó không sủa váng lên, chắc tôi đã chết
lâu rồi.
[1] Củ dền: có tên khác là củ cải đường, được trồng nhiều ở vùng Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Anh Quốc.
Tôi cũng không hỏi ông quản gia Đáng Yêu chết thế nào.
Phòng tự học đông hơn so với ban ngày, từ tán cây rậm rạp ngoài cửa sổ có một loài côn trùng bay vọt vào, đậu lại trên trang
sách, ánh đèn tuýt đổ xuống đôi cánh trong suốt, lờ mờ một
màu xanh lá. Lúc lật sách, nếu không để ý, nó sẽ kẹp lại
ngay tại trang đó, tạo thành một tiêu bản bỏ túi nho nhỏ. Tôi
thổi phù phù, đuổi nó bay đi, rồi dùng bút gạch chân tiếp
phần trọng điểm.
Từ khu ký túc xá đằng xa vẳng lại
tiếng hát của mấy sinh viên năm tư đang quá khích. Sắp xa trường nên họ cứ vừa cười vừa khóc, tiếng hát chen lẫn tiếng đùa
vui. Tôi có cảm tưởng trái tim mình đã trơ cứng như đá và hoàn toàn miễn dịch. Đến lúc tôi rời xa nơi này, chắc cũng chẳng
có bất kỳ cảm xúc gì đâu nhỉ? Bởi bây giờ tôi đã muốn bỏ đi
lắm rồi.
Tháng Tư, kết quả thi IELTS lần này khá hơn so với lần trước, Duyệt Oánh nói:
- Cậu điên đến nơi rồi Đồng Tuyết, thi từng ấy điểm làm cái gì hả?
Tôi cười nói:
- Cậu mà thi thì điểm còn cao hơn tớ.
Duyệt Oánh không thi IELTS vì Triệu Cao Hưng không định đi du học. Dạo
này, cô ấy còn sầu đời hơn cả tôi, bố cô ấy phản đối việc yêu đương với Triệu Cao Hưng, vì Triệu Cao Hưng là sinh viên thể dục thể thao và cậu ấy không hề có hứng thú với kinh doanh, vấn
đề mấu chốt vẫn là bác ấy muốn sau này Triệu Cao Hưng đến ở
rể.
- Tư tưởng của bố tớ rõ là phong kiến hủ bại. Tớ
tức nói bố đi mà đẻ thêm con riêng ấy, thế là bố tớ nổi sung
lên, mắng tớ bất hiếu.
- Thế cậu định sao? – Tôi hỏi.
Duyệt Oánh hằm hằm nói:
- Đấu đến cùng chứ. Tớ biết thừa ông ấy có con thế nào được
nữa, kể cả bây giờ có con thì cũng muộn rồi, thế nào chẳng
có ngày chịu thua, cho phép tớ yêu Cao Hưng.
Cuộc chiến
giữa hai bố con Duyệt Oánh vô cùng ác liệt, bố cô ấy cắt tất
cả các thể loại thẻ tín dụng, thậm chí số điện thoại của cô ấy đăng ký theo tài khoản dịch vụ toàn cầu của bố cũng bị
cắt.
Duyệt Oánh tức tốc đi mua sim mới, sau đó nhắn tin
thông báo đổi số cho tất cả bạn bè. Cô ấy vừa nhắn tin vừa
hờn dỗi nói với tôi:
- Đừng hòng tớ báo số mới cho ông ấy, xem ông ấy có tìm nổi tớ không.
Tôi biết có khuyên giải cũng vô ích nên chỉ cảm thán vài câu:
- Bố cậu còn sống để mà giận dỗi, còn tớ, muốn hờn dỗi bố cũng không được nữa.
Duyệt Oánh ngẩn ra rồi rầu rĩ nói:
- Đừng thế mà, chúng mình đi làm thêm kiếm tiền đi. Tiền tiêu vặt của tớ sắp hết rồi.
Với danh tiếng trường tôi, tìm việc làm thêm không khó. Chỉ cần lên mạng, vào mấy trang chuyên đăng tin tuyển gia sư, điền thông tin
cơ bản là chẳng mấy sẽ nắm chắc cơ hội trong lòng bàn tay.
Đối thủ cạnh tranh duy nhất phải kể đến là sinh viên ngành Sư
phạm, Duyệt Oánh căm hờn nói:
- Ai khiến họ học nghề gõ đầu trẻ ấy chứ, trong khi bọn mình toàn học phân tử với điều chế…
Nghề gia sư là nỗi ám ảnh cả đời của tôi nên từ bấy đến giờ, tôi
thôi hẳn những công việc dạy dỗ kiểu này, chỉ chú tâm tìm
những việc khác.
Tôi và Duyệt Oánh tìm được việc làm
tạm thời tại một triển lãm, công việc chủ yếu là cung cấp tư
liệu cho triển lãm, rất đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ năng.
Chúng tôi chạy qua chạy lại giữa kho và khán đài, lúc cần thì hỗ trợ phát tờ rơi, điền bảng điều tra, sắp xếp hồ sơ của
khách hàng… Mới làm được nửa ngày, hai bên hông đã tê rần, bận tối mắt tối mũi, đến cơm trưa cũng ăn vội vàng. Duyệt Oánh
bền bỉ hơn tôi nghĩ nhiều, thậm chí cô ấy còn chẳng phàn nàn
lấy nửa câu, bấy lâu này, tôi cứ nghĩ cô ấy là tiểu thư con
nhà giàu, không quen khổ sở, giờ đây cô ấy khiến tôi phải nhìn
bằng con mắt khác.
Triệu Cao Hưng hoàn toàn không hay biết việc chúng tôi đi làm thêm, Duyệt Oánh nói:
- Kể ra thì thể nào anh ấy cũng xót ruột mà ngăn cản cho mà xem, tớ sao nỡ tiêu tiền của anh ấy chứ.
Tôi thấy mừng thay cho Duyệt Oánh, cô ấy gặp được người mình yêu
mà người ta cũng yêu cô ấy, cô ấy hạnh phúc hơn tôi biết nhường nào, hai người họ có thể kiên trì phấn đấu bên nhau.
Triển lãm có quy mô lớn, nhiều công ty đặt gian hàng đại diện, thu
hút nườm nượp khách đến tham quan. Bận nhất là chiều thứ Bảy, cổ họng tôi khàn đặc vì nói nhiều. Gian hàng bên trái là một công ty kinh doanh máy lọc nước, nhân viên bên đó đang bận bê
cốc, chào mời khách hàng thưởng thức đồ uống. Lúc thưa người, gian bên đó qua chỗ chúng tôi, chào hỏi:
- Em ơi, qua uống cốc nước không?
Duyệt Oánh chạy qua, mang hai cốc nước về. Vừa uống, cô ấy vừa thì thầm:
- Ước gì gian hàng bên cạnh bán bánh mì nướng, tớ đói lắm rồi.
Giữa lúc vất vả thế này, chỉ có mình cô ấy mới có thể lạc quan
đến vậy, khiến người khác phải phá lên cười.
Buổi tối, dọn dẹp lúc tan, Duyệt Oánh gần như dán mình vào ghế, không gượng dậy nổi:
- Trời đất ạ! Chưa bao giờ đi giày cao gót mà phải chạy tới chạy lui nhiều như ngày hôm nay.
Chị giám đốc phụ trách gian hàng, cũng chính là người tuyển
chúng tôi vào làm, nhìn xuống chân Duyệt Oánh cười cười, rồi
bất thình lình cúi thấp hơn, buột miệng hỏi:
- Em đi giày Chanel two-tone[2] đấy à?
[2] Two-tone: hai tông màu.
Duyệt Oánh tỏ vẻ thản nhiên, nhấc chân cao hơn cho chị ấy nhìn:
- Hàng fake loại một, mua trên Taobao đấy ạ, nhái giống quá chị nhỉ?
Tôi phục sát đất tài nói dối của Duyệt Oánh, nói thế mà mặt cô ấy vẫn dửng dưng như không.
Trưa hôm sau, gian hàng của tôi và gian kế bên cùng gọi cơm hộp. Hôm
nay, Duyệt Oánh dẹp luôn màn chào hỏi, chạy luôn sang bên đó bê
về mấy cốc nước. Tôi thấy cô ấy đứng bên đó to nhỏ khá lâu,
liền tò mò hỏi:
- Chuyện trò gì với người ta mà lâu thế?
Duyệt Oánh đá lông nheo với tôi:
- Trai lạ hỏi số điện thoại của cậu đấy.
- Vớ vẩn!
- Ơ này, thật đấy! – Duyệt Oánh thì thầm, chỉ cho tôi xem. – Trai lạ kia kìa, mặt mũi sáng sủa nhìn cũng hợp mắt đấy!
- Cậu đừng có cho số điện thoại của tớ lung tung.
Duyệt Oánh vừa và cơm vừa nói:
- Đương nhiên, cậu chưa đồng ý sao tớ dám? Nhưng cậu cũng thử cho biết đi, yêu rất có lợi cho sức khỏe. Mà tên Tiêu Sơn kia cũng
thật là, dạo này lại biệt tăm biệt tích, phí công cậu nhớ
nhung hắn mấy năm trời.
Tay tôi run lên, bao lâu nay, cứ
nghe nhắc đến Tiêu Sơn là tôi lại nhói lòng, nỗi đau ăn sâu vào
xương tủy, nhiễm vào mạch máu, nay đã trở thành một căn bệnh
nan y, không thuốc chữa.
Phải chăng trái tim mình đã nguội lạnh, cả đời chẳng thể yêu ai khác?
Làm thêm mấy ngày nữa, hai đứa tôi kiếm được khoảng vài trăm tệ,
đối với Duyệt Oánh, số tiền đó chỉ như muối bỏ bể. Trước
kia, chẳng bao giờ thấy cô ấy buồn phiền vì thiếu tiền, còn
nay, cô ấy ghi sổ hằng ngày, mua gì cũng phải dè sẻn. “Ông bố
đại gia xối” nhà cô ấy từng gọi điện đến ký túc xá nhưng
Duyệt Oánh nhất quyết không chịu nghe, tôi đành nhận mấy hộ
rồi lấp liếm nói:
- Cháu chào bác! Duyệt Oánh đến lớp tự học rồi ạ!
Đầu dây bên kia truyền đến một giọng dửng dưng đều đều:
- Vậy à? Cháu nói với nó, tuần này nếu nó không về nhà thì sau này khỏi cần về nữa.
Sao đại gia nào cũng có tác phong hao hao nhau thế nhỉ? Tôi đang
cảm khái thì đầu dây bên kia đã cúp máy. Tôi thuật lại nguyên
văn với Duyệt Oánh, Duyệt Oánh tỏ vẻ chống đối ra mặt:
- Không về thì sao nào? Tại ông ấy mà mẹ tớ qua đời, tớ còn chưa tính sổ đâu.
Lúc Duyệt Oánh gặp chuyện, tôi cứ đinh ninh cô ấy đi chơi với Triệu Cao Hưng. Mãi đến khi Cao Hưng gọi điện, tôi mới biết thì ra
“Ông bố đại gia xối” đợi quá nửa tháng chưa thấy Duyệt Oánh
về, liền sai người đến bắt cô ấy, bọn chúng nghênh ngang bỏ đi, lúc chúng tôi phát hiện ra thì họ cũng sắp về tới nhà rồi.
Triệu Cao Hưng bực bội, tức tốc mua vé máy bay đuổi theo tới tận
nhà Duyệt Oánh. Tôi nóng ruột, đoán chắc di động của Duyệt
Oánh bị bố cô ấy tịch thu rồi, gọi mãi mà không liên lạc
được. Bố cô ấy còn sai người đến bệnh viện làm giấy chứng
thực rồi viết đơn xin nghỉ phép cho Duyệt Oánh tạm nghỉ vài
tháng với lý do tình hình sức khỏe của cô ấy không ổn định.
Trường tất nhiên là đồng ý, giờ chúng tôi có báo cảnh sát
cũng vô ích.
Tôi lo cho Triệu Cao Hưng, chốc chốc lại
nhắn tin hỏi cậu ấy đã gặp Duyệt Oánh chưa nhưng cậu ấy vẫn
bặt vô âm tín. Đến hôm sau, tôi mới nhận được điện thoại của
cậu ấy gọi về từ sân bay.
- Tớ về rồi đây.
- Gặp được Duyệt Oánh chưa?
- Gặp rồi.
Tôi thở phào, nhưng nghe giọng Triệu Cao Hưng có vẻ không được thoải mái:
- Về trường rồi tớ kể cho mà nghe.
Chuyện là, Triệu Cao Hưng đến nhà Duyệt Oánh, “Ông bố đại gia xối”
của cô ấy tuy không ngăn cản, thậm chí còn cho phép họ gặp
mặt, nhưng vẫn ra điều kiện cuối cùng.
- Muốn ở bên con gái tôi, cậu cần chứng minh bản thân mình trước đã.
- Cậu làm thế nào để chứng minh?
Triệu Cao Hưng cười khổ:
- Ông ấy đưa tớ ba bản hợp đồng, chỉ cần tớ giao dịch thành công một trong ba, coi như tớ đạt tiêu chuẩn.
Tôi vừa nghe đã biết chuyện này không hề dễ dàng. Lúc xem ba bản
hợp đồng ấy, tôi càng thấu hiểu bố Duyệt Oánh đúng là hoạch
họe hão huyền. Trong ba bản hợp đồng ấy, một bản là chuyển
nhượng mỏ than, một bản là sáp nhập công xưởng gang thép, bản
còn lại là xây dựng xưởng hóa chất công nghiệp.
- Thời
đại nào rồi, làm gì còn ai chuyển nhượng mở than nữa? Than
quặng bây giờ chính là mỏ vàng, mà kể cả có chăng nữa thì
tớ biết bàn bạc gì với người ta? Chả nhẽ cứ chìa hợp đồng
ra cho người ta ký à? Tớ chả hiểu gì cả… Còn bản hợp đồng
sáp nhập xưởng gang thép này, lúc ở sân bay tớ đã lên mạng
tìm hiểu, trong trường hợp này, trước tiên phải tìm luật sư,
sau đó phải liên hệ với Ủy ban giám sát quản lý tài sản quốc hữu. Bản hợp đồng xây dựng xưởng hóa chất kia mới khó, đề
làm được, tớ phải đàm phán với chính quyền địa phương, thậm
chí còn liên quan đến quy hoạch thành phố…
Tôi cũng hiểu thế là hết hy vọng rồi. Dù Triệu Cao Hưng có chọn bản nào đi chăng nữa thì cậu ấy cũng không đủ khả năng để đàm phán, ký
kết. Chúng tôi chỉ là những sinh viên quèn, trong khi mấy vụ
này không những dính dáng đến thương mại mà còn đòi hỏi mối
quan hệ rộng nữa.
- Bố cô ấy bảo, muốn làm rể ông ấy
cần phải có thực lực, mỗi cái hợp đồng cỏn con cũng không
làm xong thì đừng hòng mơ tới Duyệt Oánh.
- Duyệt Oánh nói sao?
- Cô ấy nói bố mình quá vô lý, tự dưng lôi những điều kiện phi
lý này ra lừa tớ. Nghe thế, bố cô ấy liền sa sầm mặt mày rồi nói chấp nhận chuyện chúng tớ mới là điều phi lý. Tớ sợ
Duyệt Oánh khó xử nên sau cùng vẫn chấp nhận. Dù chỉ là một
phần trăm hy vọng, tớ cũng sẽ nỗ lực hết mình.
Chưa bao giờ tôi thấy Triệu Cao Hưng ủ rũ như lúc này. Triệu Cao Hưng
kể cậu ấy đã gọi điện sang Hồng Kông, tham khảo ý kiến của
Mộ Chấn Phi, tôi hỏi Triệu Cao Hưng:
- Mộ Chấn Phi nói gì?
- Anh ấy cũng khó xử, về mặt kinh tế, anh ấy không thể quyết
định thay bố mình được, suy cho cùng những việc này đâu phải
chỉ chục vạn, trăm vạn là xong.
Gia cảnh Triệu Cao Hưng
cũng chỉ ở mức trung bình, bố mẹ không đủ sức giúp cậu ấy
giải quyết việc này. Nghĩ mãi không ra, Triệu Cao Hưng bèn ôn
đầu khổ sở:
- Giá mà họ hàng nhà tớ có ai giàu có thì đỡ quá. Chí ít cũng giới thiệu được cho tớ vài mối…
Tôi im bặt, bởi lẽ tôi sực nhớ, thực ra mình có quen một gã rất giàu.
Nhưng cả đời này, tôi không muốn gặp lại hắn nữa.
Buổi tối, tôi nằm trên giường, nhìn sang chiếc giường trống trơn đối diện. Duyệt Oánh là người không thích khoe mẽ, nhiều lúc trông cô ấy chẳng khác gì những sinh viên bình thường. Ban đầu, bố
Duyệt Oánh mua riêng cho cô ấy một căn hộ gần trường, nhưng về
sau cô nàng hoạnh họe, bắt bố mình phải treo biển cho thuê.
Duyệt Oánh từng nói:
- Chẳng đâu bằng ký túc, sống ký túc mới là sinh viên đại học!
Sở dĩ tôi thích ở ký túc là vì có Duyệt Oánh. Đợt tập quân sự năm nhất, hai đứa tôi đã trở nên thân thiết. Lúc đó, cô ấy hào phóng cho tôi dùng chung lọ kem chống nắng, lọ kem chống nắng
đắt tiền đã hết ngay trong đợt tập quân sự ấy, nhưng chúng tôi
vẫn đen nhẻm như hai cục than. Chúng tôi cùng đi mua cơm, đi lấy
nước, lên lớp làm thí nghiệm, còn dắt díu nhau ra cổng Tây ăn
cánh gà nướng, uống trà sữa uyên ương. Màu đông thì thay nhau
canh quản lý ký túc xá để cắm lò sưởi, hè về liền quay sang
dùng máy xua muỗi. Tôi đi học ôn, luôn giữ chỗ hộ cô ấy, lên
lớp cô ấy cũng giữ ghế cho tôi. Chúng tôi đều là con một nhưng
thực lòng, tôi luôn coi Duyệt Oánh như chị em ruột thịt của
mình.
Từ trước tới nay, Duyệt Oánh chưa hề coi thường
tôi. Kể cả khi tôi nói dối cô ấy, dù cái chết của mẹ khiến cô ấy vô cùng đau đớn, nhưng cô ấy vẫn tin và lên mạng giúp tôi
phân trần.
Người bạn như thế, tôi chỉ có một mà thôi.
Tôi luôn cảm thấy may mắn bởi nếu so sánh, cô ấy hạnh phúc hơn tôi
rất nhiều. Cô ấy gặp được người mình yêu mà cả hai cùng chung
nhịp đập con tim. Tôi luôn quan niệm hạnh phúc của Duyệt Oánh
chính là hạnh phúc của mình, cuộc đời tôi đã bi đát lắm rồi, may sao bạn tôi lại được hạnh phúc hơn tôi.
Tôi tràn
trọc suốt một đêm, sáng sớm hôm sau, tôi bật dậy, vã nước lạnh lên mặt, nhìn vào gương, chợt nhận ra mặt mũi mình xám xịt,
chẳng thấy nét thanh xuân phơi phới đâu nữa. Mới ba năm mà nhìn
tôi còn già hơn người ngoài ba mươi. Tôi hai mươi mốt tuổi, mang
trong mình một trái tim già cỗi của bà lão bảy mươi, tám mươi. Trước đây, tôi luôn có dự cảm, một ngày nào đó, mình sẽ tỉnh dậy với mái đầu bạc phơ, thế là cuộc đời đã trôi qua…
Tôi ngồi xuống cạnh bàn, sau một hồi suy nghĩ miên man mới cầm máy, bấm số.
Đây là lần thứ hai tôi gọi vào số máy này, lần trước, hắn không bắt máy và lần này cũng vậy.
Tôi thu dọn sách vở để lên lớp, buổi sáng có bốn tiết mà tiết nào cũng là môn bắt buộc.
Sau tiết thứ ba, điện thoại trong cặp tôi rung lên bần bật. Màn
hình hiển thị một dãy số vô cùng quen thuộc, tuy trước nay tôi
không lưu trong danh bạ nhưng vẫn biết đó là ai.
Tôi liếc
nhìn thầy giáo đang chăm chú viết công thức trên bục giảng, rồi đi ra ngoài từ lối cửa sau, chạy ra cuối hành lang mới dám
nhận điện thoại. Chạy nhanh nên hở hổn hển, tôi thoáng nét
sửng sốt khi nghe giọng Mạc Thiệu Khiêm, tưởng như mình vừa sa
chân vào cõi mộng.
Cứ tưởng hắn không bao giờ nghe điện thoại, không ngờ hắn còn gọi lại.
Hắn nói thẳng vào đề:
- Chuyện gì thế?
Tôi sượng sùng đáp:
- Anh rảnh chứ? Tôi có chuyện muốn gặp anh.
Đầu dây bên kia chìm vào im lặng trong thoáng chốc. Tôi nghĩ bụng,
có lẽ hắn dập máy rồi cũng nên, dù sao mối quan hệ giữa
chúng tôi từ xưa đến nay cũng chẳng vui vẻ gì, hơn nữa, hôm đó
ở bệnh viện, tôi còn chửi rủa hắn một cách thậm tệ.
Một lúc sau, tôi mới để ý thấy hắn đang hỏi thư ký, hình như đang
sắp xếp lịch trình. Giờ này chắc hắn đang ở văn phòng, xung
quanh vô cùng yên tĩnh, thậm chí tôi còn nghe loáng thoáng thấy
tiếng thư ký.
- Chiều mai, nếu có chuyện quan trọng, em có thể đến sân bay gặp tôi.
Tôi cuống cuồng hỏi:
- Anh bay lúc mấy giờ?
- Tầm ba, bốn giờ.
Nói xong, hắn cúp máy ngay. Chiều mai trống tiết, tôi có thể đến
sân bay. Mà tầm ba giờ là chuyến bay đi hay chuyến bay đến nhỉ?
Tôi cũng không chắc lắm, đành quyết định ăn xong bữa trưa sẽ đi
ngay đến sân bay, ôm cây đợi thỏ vậy.
Tôi mượn ba bản
photo hợp đồng của Triệu Cao Hưng, lấy cớ có người quen làm
kinh doanh, định đưa anh ấy xem rồi nghĩ cách giúp. Xem ra Triệu
Cao Hưng cũng nôn nóng đến nỗi có bệnh thì vái tứ phương, cậu
ấy không hỏi han nhiều, liền đi photo hợp đồng đưa tôi.
Một giờ trưa ngày hôm sau, tôi đã có mặt tại sân bay, chờ đến tận
sẩm tối mà vẫn không thấy bóng dáng Mạc Thiệu Khiêm. Chẳng
biết hắn ra từ cửa nào, tôi bèn đến quầy bán vé hỏi, nhưng
biết hỏi gì trong khi thông tin về chuyến bay lẫn hãng bay đều
không có. Tôi gọi vào máy hắn thì tổng đài báo số máy đã
chuyển sang kết nối toàn cầu.
Trời đã tối hẳn, tôi đi
xe bus của sân bay về. Hắn cho tôi leo cây cũng đúng thôi, chung
quy lại, tôi với hắn chẳng là gì của nhau, hơn nữa, lần trước
tôi còn chọc cho hắn tức nghẹn họng.
Xe bus của sân bay
dừng ở trạm cuối, bụng tôi đói cồn cào. Ban đầu, tôi định
kiếm thứ gì bỏ bụng nhưng sau đó lại chẳng muốn ăn gì. Trước
cổng tàu điện ngầm có không ít taxi đang vẫy khách, có người
mời chào tôi:
- Đi taxi không em?
Tôi vốn định lắc đầu, rồi bỗng nhiên lại gật.
Taxi đỗ trước khu chung cư, nơi đó có đội ngũ quản lý giống như
khách sạn. Bảo vệ mở cửa xe cho tôi, hiển nhiên anh ta vẫn nhận ra tôi, thậm chí còn nở nụ cười chuyên nghiệp:
- Chào cô!
Mật mã mở cửa tôi vẫn nhớ, bước vào thang máy rồi mà tôi vẫn
thoáng đắn đo. Thôi đã đến rồi, còn lần khần gì nữa. Tôi ấn
chuông, không bao lâu sau cánh cửa bật mở.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...