Các vị đồng học xin, chào mọi người.Trong Cảm Ứng Thiên, kinh văn nói về ác báo rất dài.
Bảy đoạn nhỏ phía trước là nói căn bản đại ác, cũng chính là nói cội gốc của vạn ác.
"Nếu có kẻ làm những điều phi nghĩa, trái nghịch đạo lý [như sau]: Coi thủ đoạn độc ác là tài năng, nhẫn tâm làm chuyện tàn ác, độc hại, ngầm hại người lương thiện, ngầm khinh vua và cha mẹ, khinh rẻ thầy dạy, phản bội người mình phải phụng sự, lừa kẻ không hiểu biết, gièm báng bạn học, dối trá, hư ngụy, công kích thân thuộc, ương bướng bất nhân, sử dụng những thủ đoạn độc ác, tàn nhẫn".
Đến chỗ này, tổng cộng có bảy đoạn nhỏ.
Chúng ta mỗi lúc phải nên cảnh giác.
Bảy sự việc này, nếu như chúng ta tỉ mỉ mà phản tỉnh, mà tư duy, chúng ta đều phạm rồi, chỉ là mức độ phạm có cạn sâu khác nhau, phạm vi ảnh hưởng có rộng hẹp không như nhau, đương nhiên kết tội quả báo cũng không giống nhau.
Tóm lại mà nói, đây là ác nghiệp, do ác nghiệp mới chiêu cảm thiên tai nhân họa, vô số quả báo bất thiện.
Nếu như chúng ta không thể phản tỉnh kiểm điểm thật kỹ, sửa đổi làm mới từ căn bản, thì không chỉ đạo nghiệp của chúng ta không thể thành tựu, mà còn sợ thân người cũng không thể giữ được, phước báo nhân gian thì càng không cần phải nói.
Đây là điều mà một người học Phật trước tiên cần phải giác ngộ.
Đoạn văn này chúng tôi vẫn chưa giảng xong, hôm nay chúng ta xem tiếp đoạn nhỏ thứ sáu:"Hư vu trá ngụy, công kiết tông thân" (Dối trá, hư ngụy, công kích thân thuộc"Hư" là hư vọng, không có căn cứ xác thực mà đã tùy tiện bàn luận.
"Trá", trong chú giải nói là "Dùng quỷ kế gạt gẫm người khác thì gọi là Trá ", âm mưu ngụy kế, lừa gạt đối với người khác.
" Dùng những cách thức dối đời trái lẽ thì gọi là Ngụy ", đó là hư ngụy.
Làm người có thái độ và tâm thái như vậy thì không có chút thành ý nào.
Hiện tại đích thực như vậy, không chỉ đối với xã hội, đối với đại chúng không có chút thành ý nào, mà đối với vợ con và cha mẹ của mình cũng không có chút thành ý, thêm nữa, cũng không thành ý đối với chính bản thân họ.
Hiện tại là xã hội như vậy thì sao mà không gặp nạn? Tại sao có thể có loại tình trạng này? Tại vì sao có sự việc như vậy? Truy đến cội gốc là chúng ta bỏ mất đi giáo dục của Thánh Hiền, cho nên mới rơi vào bước đường này.
Chúng ta có may mắn tiếp nhận được một phần nhỏ của giáo dục Thánh Hiền, chúng ta đối với đạo lý của thiện ác, nhân quả của thiện ác có thể hiểu rõ một chút, có được chút năng lực phân biệt, thế nhưng tất nhiên năng lực này của chúng ta vẫn chưa đủ.
Thế gian có rất nhiều sự việc tưởng như đúng mà lại sai, nhất là giống như những người ác nói ở chỗ này, tâm địa bất thiện, diện mạo hư ngụy, chúng ta rất khó nhìn thấy được.
Hư tình giả ý, ngay đến người thân thuộc, họ cũng công kích bơi móc, cũng đều nhiễu hại, huống hồ người ngoài.
Chúng ta ở trong xã hội gặp những sự việc này có thể trách người sao? Không thể nào.
Tỉ mỉ mà quán sát, họ làm được không tệ.
Tại vì sao không tệ? Tùy thuận phiền não tập khí từ vô lượng kiếp của họ, "tiên nhân bất thiện", cha mẹ không dạy họ, tôn trưởng không dạy họ, thầy giáo không dạy họ, họ không phải Thánh Hiền trời sanh, cho nên họ làm ác là phải rồi.
Nếu họ không làm ác thì họ chính là Phật Bồ-tát tái sanh, không phải là phàm phu.
Người phàm thì có lý nào không làm ác? Chúng ta có thể từ góc độ này mà quán sát, tâm của chúng ta liền bình.
Tâm bình khí hòa, trong đây liền sanh trí huệ, vậy mới thấy được rõ ràng chân tướng sự thật.Làm thế nào cứu vãn những chúng sanh khổ nạn này? Vẫn là một phương pháp cũ, toàn tâm toàn lực đề xướng giáo dục Thánh Hiền, đề xướng giáo dục Phật-đà, cho dù có một số phê bình ác ý, kháng cự, nhiễu hại cũng không hề gì.
Vì sao vậy? Họ vô tri, họ đáng thương.
Nếu như họ chân thật tường tận rồi, tự nhiên họ liền sám hối, họ liền quay đầu.
Cho nên chúng ta đối với người không rõ lý, người vô tri, lấy thế pháp mà xem thì phải lượng thứ họ, không nên trách cứ họ, dùng Phật Bồ-tát để nhìn thì phải thương xót họ, phải cứu họ.
Hiện tại bạn đi cứu giúp họ, có những phương thức họ không thể tiếp nhận, đó là do thiện căn phước đức của họ chưa đạt đến, cho nên cần phải dùng phương tiện khéo léo, trước phải bao dung, phải khoan dung nhẫn nại, ngay đời này không cứu được thì đợi đời sau, đời sau không cứu được thì đời sau nữa.
Phật độ chúng sanh thỉ chung không bỏ một người, lúc nào họ chịu quay đầu thì đến lúc đó sẽ giúp đỡ họ.
Nếu không thể quay đầu thì đứng ở bên cạnh nhìn, chân thật là nhìn họ tạo nghiệp, nhìn họ đọa lạc, nhìn họ đọa địa ngục, nhìn họ chịu vô số khổ.
Vì sao vậy? Bạn nói thiện ngôn thiện ngữ đối với họ, họ nghe không lọt vào, họ không tin tưởng, họ không thể tiếp nhận, họ có phân biệt chấp trước kiên cố.
Không phải Phật Bồ-tát không giúp đỡ họ, mà do chấp trước kiên cố của họ quá mạnh, nghe không được lời thiện, không thấy được việc thiện chân thật.
Vì sao vậy? Tâm của họ là hư vọng, cái họ thấy được cũng là hư vọng, cho nên chân thành là quan trọng nhất.
Trong chú giải nhỏ này nêu ra cho chúng ta rất hay, "Thành là đạo của trời, suy nghĩ chân thành là đạo của người".
Chúng ta tu học, đem sự chân thành xếp ở vị trí thứ nhất.
Có chân thành sau đó mới có “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, có “thanh tịnh, bình đẳng, giác” thì sau mới có “đại từ đại bi”."Suy nghĩ chân thành" chính là trong Phật pháp gọi là phát tâm Bồ-đề.
Thể của Tâm Bồ-đề, trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói là tâm chí thành, chân thành đến tột đỉnh, tâm này chính là tâm Bồ-đề.
Thâm tâm, đại bi tâm là tác dụng của tâm Bồ-đề.
Tâm chí thành là thể tánh của tâm Bồ-đề.
Nếu chúng ta không phát ra tâm chân thành thì tâm Bồ-đề từ đâu mà ra? Căn bản sẽ không có.
Tâm chân thành là chân thật làm đến không lừa gạt chính mình, không lừa gạt chúng sanh, đây là chân thành.
Chỉ có tâm chân thành mới có thể tuân theo giáo huấn của Phật, "lìa tất cả tướng, tu tất cả thiện".
Nếu tâm không chân thành thì phải quấy thiện ác luôn luôn điên đảo, đem ác xem thành thiện, đem việc thiện xem thành ác.
Thấy sai rồi! Người như vậy, ở thời đại hiện nay này không ít.
Chúng ta chính mình phải nỗ lực phản tỉnh, xem có phải mình cũng là loại người này hay không? Không phản tỉnh, không kiểm điểm, bạn không thể nào nhận ra, làm sao có thể quay đầu? Tự mình luôn cho rằng chính mình tu không tệ, tu rất tốt, đâu biết được việc mình làm chính là nghiệp nhân của địa ngục? Cho nên, chúng ta dùng Cảm Ứng Thiên, dùng Liễu Phàm Tứ Huấn, dùng An Sĩ Toàn Thư (đây là Ấn Tổ dạy bảo chúng ta) làm một sự nỗ lực phản tỉnh kiểm điểm.
Ở ngay trong giáo huấn của Phật, chúng ta đặc biệt đề xướng Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh.
Ngày trước, tôi đã từng giảng qua ba lần.
Hiện tại cũng có đồng tu y cứ theo băng ghi hình này chỉnh lý thành văn tự, cũng có chỗ đã in thành sách, lưu thông bên ngoài.
Những văn tự này tôi sẽ tìm thời gian để xem qua một lần.
Sau khi tu đính mới có thể chính thức lưu thông.
Những thứ này đều là giúp chúng ta cải ác hướng thiện, làm thành nấc thang thứ nhất để chúng ta vào đạo tu học.Trong Vựng Biên nói rất hay: “Chúng ta ngày nay xả bỏ lòng thành mà theo hư dối trá ngụy.
Đây là trái với đạo Trời, đánh mất đi đạo người”.
Trong sáu cõi luân hồi, cõi trời mất đi rồi, cõi người mất đi rồi, các vị nghĩ xem, còn nơi nào để đi? Quả báo ở ba đường ác, chúng ta làm sao có thể không cảnh giác? Sinh mạng của con người rất là mong manh.
Trận động đất lớn ở Đài Loan là minh chứng cho lời giáo huấn của Phật.
Trên Kinh Phật nói cho chúng ta nghe rất nhiều, "mạng người vô thường, cõi nước mong manh".
Chúng ta cư ngụ ở trên địa cầu này, Phật nhìn thấy rất là nguy nan, khó tránh được đổ vỡ.
Khoa học gia có dự đoán, ngay trong vũ trụ có rất nhiều hành tinh nhỏ, đường kính của hành tinh nhỏ này là mười cây số, mấy chục cây số, một trăm cây số, lớn nhỏ đều có.
Nếu hành tinh nhỏ này va vào địa cầu, địa cầu sẽ tan vỡ, tất cả sinh mạng trên địa cầu, trong khoảng sát-na liền bị tiêu diệt hết.
Tình hình này đã có xảy ra hay chưa? Có! Nhà sử học, nhà khảo cổ học nói với chúng ta, ngày xưa địa cầu đã từng bị những hành tinh nhỏ này (vẫn không phải quá lớn) va chạm rồi.
Họ đã nói, ngày trước những loài khủng long bị tuyệt chủng trên địa cầu là do nguyên nhân gì? Hành tinh nhỏ đụng vào địa cầu.
Bề rộng của hành tinh nhỏ đó không vượt quá mười cây số, nếu như là mấy chục cây số thì địa cầu đã vỡ tan rồi.
Rất là mong manh! Mạng người là vô thường.
Chúng ta ngày nay được thân người, cư ngụ ở địa cầu này, gặp được chánh pháp, bạn mới biết được cơ duyên này thật khó được, thật là đáng quý.Phật dạy chúng ta ngay trong một đời này phải nên làm những việc gì? Phật nói: "Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân" (Mọi thứ không mang được, chỉ có nghiệp theo thân).
Những gì không thể mang theo thì chúng ta phải buông xả, còn những gì mang đi được thì chúng ta phải thật làm.
Những thứ nào có thể mang đi được? Nghiệp mà bạn tạo thì mang đi được.
Hạt giống nghiệp tập vĩnh viễn không mất.
Vậy thì bạn tạo là ác nghiệp, bạn mang đi, tương lai biến thành quả báo ba đường ác; bạn tạo là thiện nghiệp mang đi, tương lai thì bạn hưởng phước báo trời người, cái này bạn mang đi được, không thể mất đi.
Phật vì chúng ta nói rõ chân tướng sự thật, chúng ta chính mình phải biết được nên chọn lựa thế nào.
Chúng ta phải nên chọn lấy nghiệp thiện, đây là Phật dạy chúng ta.
Không những phải tu tất cả thiện, mà còn phải lìa tướng tu thiện.
Vì sao vậy? Lìa tướng tu thiện thì quả báo ở pháp giới Phật, ở pháp giới Phật Bồ-tát; chấp tướng tu thiện thì quả báo ở pháp giới trời, người.Phật từ bi đến tột đỉnh.
Chúng ta tu thiện thì phải lìa tướng, không thể nào nhiễm trước đối với thế xuất thế gian pháp.
Mọi lúc, mọi nơi, ngay trong tất cả cảnh duyên thường phải giữ tâm thanh tịnh.
Tâm thanh tịnh chính là đối với tất cả các pháp không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm.
Người thế gian mê, ta không mê.
Người thế gian không chịu làm, ta đến làm, lìa tướng tu thiện.
Người thế gian không chịu làm, người tường tận nên chịu làm, người giác ngộ chịu làm.*************Các vị đồng tu, buổi tối hôm qua chúng ta cùng nhau vui Tết Trung Thu.
Tôi đã nghe qua báo cáo của mọi người.
Báo cáo của các vị cũng là sự giao phó đối với các cư sĩ hộ pháp.
Mọi người đều phấn đấu nỗ lực như vậy, dụng công tu học, đây là chúng ta báo ân của thường trụ, báo ân của hộ pháp, báo ân của quốc gia, báo ân của thí chủ.
Chúng ta đang chăm chỉ làm, chúng ta phản tỉnh kiểm điểm, chúng ta làm như vậy vẫn chưa đủ, vẫn phải chăm chỉ nỗ lực.
Ấn Tổ cả đời đề xướng ba loại sách: Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, An Sĩ Toàn Thư.
Tôi dùng quyển này chính là quyển của Hoằng Hóa Xã của Ấn Tổ.
Tổ sư Ngài tâm từ bi khẩn thiết, biết được chúng sanh thế gian đời sau này gặp phải tai nạn to lớn, Kinh Phật tuy là tốt, nhưng người giảng ít, người hiểu tường tận không nhiều, huống hồ có rất nhiều người còn hiểu lầm nghiêm trọng đối với Phật pháp, cho rằng Phật giáo là tôn giáo, cho nên tôn giáo cùng tôn giáo có đối lập, tín đồ của các tôn giáo khác trên thế gian không sẵn lòng xem Kinh Phật, cho nên Ấn Tổ dùng ba loại sách này.
Ba loại này đều không phải là Kinh điển Phật giáo, hy vọng có thể phổ cập, có thể làm cho các tín đồ của tôn giáo khác có thể tiếp nhận, đây không phải Phật giáo.
Chúng ta từ chỗ này mà thể hội được khổ tâm của Ấn Tổ.
Dụng ý của Ngài là hy vọng tránh được sự nghi ngại của các tôn giáo, để tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền nhân, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện.Nếu như tâm hạnh bất thiện, như mấy câu phía trước của Cảm Ứng Thiên đã nói, nếu giữ cái tâm như vậy, có loại ý niệm này mà đối nhân xử thế tiếp vật thì "cái tâm ấy quá nhọc nhằn ".
Câu này nói vọng niệm của họ rất nhiều, ngày ngày đang lao tâm, "chuyện ấy quá nguy hiểm", họ làm ra những sự việc rất là nguy hiểm, " chính là tướng trạng bạc phước nhất trong thiên hạ!".
Những câu này, các đồng tu chúng ta phải học thuộc lòng, kinh văn không dài.
Từ câu " Nếu có kẻ dấy lòng phi nghĩa, làm chuyện trái nghịch đạo lý ", đến câu " Ương bướng bất nhân, độc ác, tàn nhẫn, tự cho là đúng ", phải đem đoạn nhỏ này học thuộc, mỗi giờ mỗi phút phản tỉnh.
Ngày trước, tôi khuyến khích đồng tu đem Cảm Ứng Thiên phụ lục vào thời khóa tối, khi làm xong thời khóa tối thì đọc qua một lần Cảm Ứng Thiên.Chúng ta có phải như cổ đức đã nói là "chính là tướng trạng bạc phước nhất trong thiên hạ" hay không? Không có phước! Vậy thì nếu như lật ngược lại, ngày nay chúng ta đề xướng "chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi", giữ cái tâm như vậy; "nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật", làm cái việc như vậy, đó là người phước dày đệ nhất trong thiên hạ.
Chúng ta có phước dày hay phước mỏng đều ở trong một niệm của chính mình.
Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, mỗi giờ mỗi phút phải để ở trong tâm, phải đem cái tướng phước mỏng đoạn dứt, chăm chỉ mà tu phước dày.
Không có phước báo thì không thể giúp chúng sanh, cho dù giúp chúng sanh cũng là không thể làm đến nơi đến chốn, cũng là làm sai việc.
Cho nên, hai câu nói "Cái tâm ấy quá nhọc nhằn, chuyện ấy quá nguy hiểm" rất có đạo lý.
" Chẳng vào tam ác đạo thì sẽ đi về đâu?", loại người này không đọa vào ba đường ác thì họ đi đến nơi nào? Chắc chắn là đọa ba đường ác." Lừa dối kẻ chẳng hiểu biết, gièm báng bạn học; Đặt điều vu cáo hư vọng, xảo trá, dối gạt, công kích thân thuộc ".
Đoạn này là căn nguyên của các ác, mà ở xã hội ngày nay, gần như trên toàn thế giới, ở nơi đâu, bất cứ lúc nào chúng ta cũng đều có thể thấy được, thậm chí chính mình bình lặng mà phản tỉnh, mấy câu này chúng ta có câu nào mà không phạm? Cho nên, xã hội ngày nay động loạn bất an, thiên tai nhân họa mà trong Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 33, Phật nói được rất hay: "Tiên nhân vô tri, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả", bạn làm sao có thể trách họ chứ? Chân tướng của sự thật chỉ có Phật thấy được rõ ràng, thấy được thấu triệt.
Phật chân thật là từ bi đến cùng cực, nhìn thấy chúng sanh tạo nghiệp thọ báo, dùng bi tâm vô tận để dạy bảo họ, ngay trong ức vạn người chân thật có thể quay đầu chẳng qua là hai - ba người mà thôi.
Cho nên, các vị đọc kinh sách của cổ Thánh tiên Hiền mới sâu sắc hiểu được nỗi khổ tâm của các Ngài.
Thế Tôn và Khổng Tử trọn đời theo đuổi công tác giáo dục chẳng phải là mấy câu trong Kinh Vô Lượng Thọ đã nói hay sao? Ai có thể dạy? Người tường tận có thể dạy.
Người tường tận tất nhiên là số ít, người mê hoặc là đa số.Người thế gian ít có thời gian thân cận với thiện tri thức.
Chúng ta thân cận lão sư, tất nhiên thời gian ở chung với lão sư ít, mà thời gian ở chung với bạn học thì dài.
Tri kiến của bạn học cũng gần giống với chúng ta, một số lỗi lầm đã phạm chính mình tuyệt nhiên không biết, còn cho rằng hành vi tạo tác của chính mình đều là chính xác; tin nghe bạn học mà không thể tôn trọng lão sư.
Lão sư, tôn trưởng tất nhiên là người từng trải, nếu như có nghi hoặc phải nên thỉnh giáo, lão sư có trách nhiệm giúp chúng ta phá mê khai ngộ.Mấy câu này tổng cộng phân thành bảy đoạn nhỏ.
Chúng ta đọc đến đoạn nhỏ thứ sáu: " Đặt điều vu cáo hư vọng, xảo trá, dối gạt, công kích thân thuộc".
Tôi đọc những chữ này, cảm khái vô hạn.
Tôi cảm thấy những chữ này đã nói ra căn bản thiên tai nhân họa ngày nay của chúng ta.
Đoạn này tôi đã giảng qua mấy lần, thế nhưng tôi cảm thấy không thể không nói nhiều lần.
Người phàm phu mỗi ngày đọc Kinh, mỗi ngày nghe Kinh, mà phiền não tập khí của chúng ta không thể chuyển đổi lại, cho nên tôi sâu sắc hiểu rõ tại vì sao Thế Tôn phải giảng Kinh nói pháp 49 năm.
Bốn mươi chín năm mà có thể chuyển đổi lại thì đều là người rất giỏi rồi, làm sao nghe Kinh ba đến năm năm mà có thể chuyển đổi lại được? Vào thời xưa thì có, hiện tại thì không có.
Bạn cùng học với tôi rất nhiều, có tám năm, cũng có mười năm, hai mươi năm, nhưng có chuyển đổi được hay không? Tỉ mỉ quán sát, chưa thể chuyển đổi được.
Chúng ta chính mình nỗ lực phản tỉnh kiểm điểm, có chuyển đổi được hay không? Tôi học Phật 47 năm rồi, giảng kinh 40 năm mới có thể chuyển đổi được chút ít, tuyệt nhiên chưa chuyển đổi được một trăm phần trăm.
Nếu chuyển đổi được một trăm phần trăm thì thành Phật rồi.
Do đây có thể biết, sự việc này thật khó.
Cho nên gần đây tôi đọc Kinh luận này, chọn lọc và giảng tỉ mỉ, đạo lý chính ngay chỗ này.Trong chú giải nói rõ cho chúng ta biết "hư" là gì.
Hư là hư vọng.
"Khinh mạn vô căn cứ thì gọi là Hư", trong Phật pháp gọi là giảo ngôn, không có căn cứ.
Có thể tin hay không? Người tin rất nhiều, mọi người đều tin nghe, dường như họ nói là thật vậy.
Đặt điều sinh sự toàn là vô căn cứ, hoàn toàn dựa vào sự phỏng đoán của chính mình, dựa vào vọng tưởng của chính mình, sự thật có rất nhiều chỗ không phải người tri thức nông cạn như chúng ta có thể thấy ra được.
Có một số việc nhỏ và cạn cợt còn dễ thấy, mọi người có thể vừa nhìn liền tường tận, vào sâu thêm một tầng thì không thấy.
Đem thiện cho là ác, đem ác cho là thiện, thiện ác, phải quấy, tà chánh điên đảo quá nhiều, quá nhiều rồi.
Cho nên đại chúng ngày nay, trong tâm của các đồng tu, làm thế nào xây dựng một tiêu chuẩn? Tiêu chuẩn Phật đã xây dựng cho ta rồi.
Chúng ta không tường tận, chúng ta không tuân thủ, vẫn là như phải mà quấy, nghe theo lời xằng bậy.
Ta ngay đời này gặp được người sáng suốt.
Tôi ở chung với Hàn Quán Trưởng trong 40 năm, có lời thị phi hay không? Rất nhiều.
Bà nghe những lời thị phi này thì thế nào? Có người nói lời thị phi về tôi, bà đến hỏi tôi sự việc này là thật hay là giả.
Đây là một người thông minh, không phải là người hồ đồ.
Người hồ đồ nghe theo lời bịa đặt, sẽ không đến hỏi tôi, họ liền rời khỏi rất dễ dàng.
Đến khi làm cho rõ ràng rồi thì hối hận không kịp.
Trong việc này có rất nhiều người như vậy, đặt điều sinh sự, mục đích là gì? Những thí dụ như thế này, chúng ta ở trong xã hội hiện thực xem thấy được rất nhiều, nhỏ là cá nhân, lớn là đoàn thể, căn nguyên đều là tự tư tự lợi, lời nói việc làm đều là tổn người lợi mình.
Kỳ thật, họ không rõ ràng chân lý, tổn người chắc chắn không lợi mình, chỉ có lợi người mới là chân thật lợi mình.Cảm Ứng Thiên, Pháp sư Ấn Quang đặc biệt in ấn ra, làm thành giáo huấn duy nhất cứu giúp chúng sanh thời Mạt Pháp.
Chúng ta ngày ngày phải đọc, ngày ngày phải nghiên cứu thảo luận, thâm giải nghĩa thú, chăm chỉ nỗ lực phụng hành.
Sinh mạng của con người rất là mong manh.
Động đất lớn ở Đài Loan, các vị đều thấy được rất rõ ràng, khoảng trong mấy giây là sinh mạng và tài sản liền tiêu tan.
Có rất nhiều người cả nhà đều bị mất mạng trong tai nạn này.
Thời gian chỉ có mấy giây, họ đã gặp phải rồi, có thể bảo đảm chính chúng ta không gặp hay không? Nghĩ đến chỗ này, chúng ta mới hiểu là vì sao Đại Sư Ấn Quang thường đem chữ "chết" để ở ngay trước mặt mình? Phật đường của Đại Sư Ngài không giống như Phật đường của người khác, ngay giữa Phật đường treo một chữ "CHẾT" lớn, bên dưới chữ "CHẾT" là thờ một tôn tượng A Di Đà Phật.
Ngày ngày nghĩ đến, bất cứ giờ phút nào cũng đều có thể chết.
Khi chết rồi thì làm sao? Người thông minh có cái nhìn trước sau, không nghĩ đến đời này mà nghĩ đời sau, con người này mới là chân thật có trí huệ.
Sau khi chết thì đi đến nơi nào? Đây gọi là việc lớn tử sanh.
Trong Kinh luận dạy chúng ta: "Mọi thứ mang không được, chỉ có nghiệp theo mình".
Cho nên, trồng nhân thiện ắt được quả thiện, tạo nghiệp ác nhất định có khổ báo.
Như thế nào thì gọi là thiện, gọi là ác? Phàm hễ lợi ích chúng sanh là thiện, phàm hễ lợi ích chính mình thì là ác.
Đạo lý này chúng ta đã nói qua nhiều rồi.
Con người tại vì sao hư vọng, xảo trá, dối gạt? Đều là vì tự tư tự lợi mới tạo ra các ác nghiệp này.Câu thứ hai nói: " Xằng bậy đặt chuyện nói xấu, miệt thị là Vu ".
Đây hãm hại người." Dùng quỷ kế gạt gẫm người khác là Trá ", ức hiếp dối trá."Dùng những cách thức dối đời trái lẽ thì gọi là Ngụy”, hư ngụy.
Ngài nói ra bốn chữ, phía sau nói "phân ngôn tắc tứ", phân chia ra để nói là bốn chữ này, hợp lại mà nói chính là "tâm không chân thành", "không thành vậy".
Hay nói cách khác, chân thành chính là răn trừ "hư vu trá ngụy", đây mới gọi là chân thành.
Nếu còn có ý niệm này tồn tại thì bạn không thành."Thành là đạo của Trời".
Chữ "thiên" (trời) này ở trong Phật pháp nói chính là chân tâm, chính là bổn tánh.
Thành là chân tâm, thành là tự tánh."Suy nghĩ chân thành là đạo của người", thường hay nghĩ thành, thường hay nhớ thành, thường học thành.
Nhân đạo, “đạo của người” này là Bồ-tát đạo.
Quả nhiên chúng ta giữ tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi thì chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ.
Một số đồng tu Singapore nghe được sự việc cảm ứng của cư sĩ Tề ở Thiên Mục Sơn đều lo sợ không dám lên núi.
Nguyên nhân gì vậy? Tâm không thành! Có nên đến nơi đó để tu hành hay không? Nên! Ta muốn học Phật, ta muốn cầu sanh Tịnh Độ thì ta nhất định phải lên núi.
Ta không muốn cầu sanh Tịnh Độ, ta vẫn muốn luân hồi sáu cõi, ta vẫn muốn đọa ba đường ác thì ta không nên đi.
Đây là sự việc rất rõ ràng bày ra ngay trước mắt.
Bạn không dám đi, bạn chính là chúng sanh của ba đường ác.
Bạn dám đi, bạn chính là chân thật phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, muốn thấy A Di Đà Phật.
Vấn đề chính là tâm của bạn là chân tâm hay là giả tâm, quá rõ ràng rồi! Trong tiểu chú nói được rất hay, ngày nay chúng ta xả bỏ chân thành, làm ra cái gì? "Hư vu trá ngụy".
Đây là nghịch thiên, là trái nghịch thiên đạo, mất đi nhân đạo.
Mất đi nhân đạo rồi, "cái tâm ấy quá nhọc nhằn", trong tâm lo lắng, lao tâm.
" Chuyện ấy quá nguy hiểm ", chuyện ấy là gì? Bình thường bạn đối nhân xử thế tiếp vật, bạn làm những việc nguy hiểm này.
Kết luận sau cùng nói: "Chính là tướng trạng bạc phước nhất trong thiên hạ", không có phước báo, thiên hạ bạc phước đến mấy không thể hơn chỗ này.
"Chẳng vào tam ác đạo thì sẽ đi về đâu?".
Loại người này không đọa lạc ba đường ác thì họ đi đến nơi nào? Mấy câu nói này đáng để chúng ta sâu sắc phản tỉnh.Xã hội hiện nay pháp nhược ma cường.
Trong "Thanh Tịnh Minh Hối" của Kinh Lăng Nghiêm đã nói: "Tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng", đây chính là chỉ xã hội trước mắt chúng ta.
Những gì là tà sư? Phàm hễ nói ra những lời cho bạn nghe trái lý, trái với tánh đức thì những người đó toàn là tà sư.
Thật quá nhiều, quá nhiều rồi! Mỗi ngày bạn tiếp xúc đều là như vậy.
Có mấy người dạy bạn hành thiện? Có mấy người nhận thức được cái gì là chân thiện, cái gì là giả thiện? Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói rất hay, thiện có “chân - giả”, có “tà - chánh”, có “tròn - méo”, có “lớn - nhỏ”, có mấy người có thể nhận thức rõ ràng? Do nguyên nhân gì? Không đọc sách Thánh Hiền, không thân cận thiện tri thức.
Vào thời xưa, người đi học thường nói: "Ba ngày không đọc sách Thánh Hiền, mặt mũi liền khó coi".
Từ trong câu nói này, chúng ta thể hội được tập khí của chúng ta là nghiêm trọng đến như vậy.
Ba ngày không tiếp xúc sách Thánh Hiền, tâm bệnh tập khí lại xuất hiện.
Chúng ta nghĩ xem, công lực của người xưa tu học còn có thể khống chế được ba ngày, công lực của người hiện tại e rằng không thể khống chế được ba giờ.
Thật đấy! Một mặt đọc, một mặt đang giảng, một mặt vẫn nghĩ tưởng xằng bậy, đây chính là không thể khống chế được.
Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần vẫn là như vậy, vẫn muốn tạo tội nghiệp, vậy bạn liền biết được phiền não tập khí nghiêm trọng đến mức độ nào.
Cho nên không đọc Kinh thì làm sao được? Ngày ngày đọc, giờ giờ đọc, trừ khi chính mình có công việc.
Khi buông xả công việc thì liền phải mở quyển Kinh ra.
Rất đáng lo! Không nên cho rằng học Phật, học Tịnh Độ rồi, tương lai chắc chắn có thể vãng sanh.
Thiên Mục Sơn cũng không dám đi, còn vãng sanh hay sao? Chính mình phải rõ ràng, phải tường tận.Các vị nghe cư sĩ Tề giảng, quỷ thần của Thiên Mục Sơn đều mong muốn nghe Kinh, đều hy vọng thời gian nghe Kinh dài một chút.
Ngày ngày mở băng ghi hình, nhưng họ vẫn cảm thấy thời gian không đủ.
Sau khi chúng ta nghe rồi có cảm tưởng gì? Tôi nghĩ, đại đa số sau khi nghe rồi trơ trơ như người gỗ, không hề để ý.
Sau khi tôi nghe rồi, cảm xúc rất sâu sắc.
Khi không có công việc, khi không có người đến tìm tôi thì tôi đọc Kinh, mỗi giờ mỗi phút không dám buông lơi.
Các vị cầu là quả báo hiện đời, tôi thì cầu là hy vọng đời sau thân cận A Di Đà Phật, không mong cầu thứ gì của thế gian này, tất cả tùy duyên, hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức.
Chúng ta ở thế gian này, sống một ngày cũng tốt, sống hai ngày cũng tốt, thế nào cũng tốt, mọi thứ tùy duyên, quyết không có chấp trước, quyết không có dục vọng của chính mình.
Sống thêm một ngày thì giúp đỡ chúng sanh thêm một ngày, mặc họ có làm theo hay không, trái lại sống một ngày thì làm một ngày.
Ngạn ngữ thường nói: "Làm Hòa thượng một ngày, đánh chuông một ngày ".
Đem bổn phận của chính chúng ta làm cho được tròn đầy viên mãn thì chính là công đức viên mãn.
Không phải sự việc thuộc bổn phận của mình thì không nghe không hỏi.
Khi tôi đọc đoạn Kinh văn này, cảm xúc của tôi sâu hơn các vị gấp nhiều lần.Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.A Di Đà Phật!.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...