Hoa Dương và Trần Kính Tông ở lại Trần gia ba đêm rồi dọn về phủ Trưởng công chúa.
Thật ra Hoa Dương cũng không hiểu rõ Trần Kính Tông đang nghĩ gì: “Chàng thật lòng theo ta về bên đây ở luôn ư?”
Theo quan sát của nàng mấy năm nay, Trần Kính Tông chỉ thua hai ca ca về mặt tuân thủ lễ pháp nghiêm ngặt, còn đâu vẫn thân thiết với người trong nhà, kể cả cha chồng. Nhìn từ bên ngoài, Trần Kính Tông suốt ngày cãi cọ với cha, nhưng đến khi cha chồng ốm liệt giường, gần như hôm nào hắn cũng phải qua thăm, có thể thấy lòng hiếu thảo của hắn không hề thua hai ca ca.
Hắn đối xử với cha chồng như vậy, với mẹ chồng và các cháu trai, cháu gái trong nhà càng không cần phải nói.
Một quan võ thẳng thắn bộc trực như hắn, không biết có khi nào sẽ cảm thấy ấm ức vì phải xa người thân trong thời gian dài không.
Hoa Dương không phải kiểu Trưởng công chúa ép Phò mã phải ở chung như hình với bóng. Nàng bình tĩnh nói với Trần Kính Tông: “Cứ cách ba, bốn ngày, chàng lại về một đêm đi. Trên triều hay Vệ Sở có chuyện gì khiến chàng băn khoăn, có thể về thương lượng với phụ thân và đại ca.”
Trần Kính Tông vừa rửa đồ về xong, thấy nàng tỉnh táo, có vẻ rất có hứng nói chuyện. Hắn cầm một chiếc quạt tròn, nằm nghiêng cạnh nàng, quạt cho cả hai. Hắn vừa quạt, vừa nhìn nàng nói: “Không có chiến sự, Vệ Sở có việc gì đâu. Nếu quân lương hay binh khí có vấn đề, ta bẩm báo lên Binh Bộ là được.”
Hoa Dương: “Chàng không nhớ người nhà à?”
Trần Kính Tông: “Ta nhớ nàng hơn.”
Hoa Dương lườm hắn, bên khóe môi lại ẩn hiện ý cười.
Trần Kính Tông dùng diềm quạt vỗ nhẹ lên gương mặt ửng hồng của nàng: “Nàng cứ giục ta về nhà, ngoài miệng giả vờ hiền huệ, hay là nàng coi trọng tiểu bạch kiểm nào rồi, đuổi ta đi nhường chỗ cho người ta?”
Hoa Dương nắm cán quạt, kéo về phía mình.
Trần Kính Tông vươn người sang, hơi thở ấm áp phả vào tai nàng.
Hoa Dương lại lấy quạt che mặt mình lại.
Giữa quạt tròn là lớp sa mỏng, Trần Kính Tông hôn nàng cách lớp sa ấy, đôi tay phủ lớp chai mỏng nắm lấy nửa bên vai ngọc của nàng: “Chuyện nuôi trai, đời này nàng đừng hòng nhớ thương.”
Hoa Dương không hề nghĩ đến chuyện nuôi trai.
Một ông Phò mã đã đủ cho nàng nuốt không trôi, lại còn nuôi trai, nàng sợ bản thân sống lâu quá ư?
Trong cung, Nguyên Hữu Đế vẫn tuân thủ lịch làm việc và nghỉ ngơi mà Thích Thái hậu và Trần Các lão định ra cho hắn nghiêm ngặt.
Ý mà tỷ tỷ nghĩ cho hắn, Nguyên Hữu Đế khá muốn làm theo, nhưng hắn sợ mình giả bệnh không thể lừa được thái y. Thái y mang đi nói cho mẫu hậu và Trần Các lão biết, hai kẻ nghiêm khắc kia không biết sẽ nghĩ ra chiêu gì mới. Dù là phê bình bằng lời nói hay phạt quỳ, phạt chép sách, Nguyên Hữu Đế đều không thích.
Mãi cho tới một buổi sáng sớm giữa tháng sáu, Nguyên Hữu Đế đang ngủ ngon đột nhiên lại bị Đại thái giám Tào Lễ gọi dậy, nhắc nhở hắn nên rời giường đọc sách.
Nguyên Hữu Đế đầu óc mơ màng, chỉ muốn ngủ. Thế nhưng lý do kiểu như “ngủ nướng” sẽ không được mẫu hậu và Trần Các lão đồng ý. Nếu hắn cố chấp đòi ngủ nướng, mẫu hậu sẽ sang hỏi hắn xem có phải hắn muốn làm hôn quân không!
Nguyên Hữu Đế ép bản thân mình phải dậy.
Đọc sách, ăn cơm, lên triều.
Ngồi ở trên long ỷ, Nguyên Hữu Đế mười bốn tuổi thỉnh thoảng lại tự véo mình một cái, cố giữ bản thân không ngủ gục giữa chừng.
Trần Đình Giám nhìn lên long ỷ mấy lần. Buổi triều mới diễn ra được ba mươi phút, hắn đã bảo mọi người lui xuống, dù sao hôm nay cũng ít việc cần bàn bạc.
Nguyên Hữu Đế ngạc nhiên nhìn về phía Trần Các lão, nhưng các đại thần đều chờ hắn rời điện trước. Nguyên Hữu Đế cố nén tò mò trong lòng, quay về Càn Thanh Cung.
Tiếp theo là khoảng thời gian Nội Các và các đại thần diện thánh riêng.
Thích Thái hậu cũng ngồi đó. Đến giai đoạn này, Nguyên Hữu Đế không cần nói thêm gì, chỉ cần nghe hoặc xem là đủ. Những gì mà cả mẫu hậu và Trần Các lão đều tán thành, hắn gật đầu là được.
Lúc tinh thần tốt, Nguyên Hữu Đế sẽ nghiêm túc ngồi nghe, học tập cách xử lý quốc sự. Lúc hắn buồn ngủ, Nguyên Hữu Đế lười động não, dù sao kiểu gì mẫu hậu với Trần Các lão chẳng xử lý tốt.
Sau khi mọi việc được giải quyết xong, Trần Đình Giám sẽ đưa Nguyên Hữu Đế đến Ngự Thư Phòng. Thủ phụ như hắn dù có bận thì mỗi ngày vẫn dành nửa canh giờ để giảng bài cho Hoàng đế.
Lúc này, trong Ngự Thư Phòng chỉ có Trần Đình Giám, Nguyên Hữu Đế và đại thái giám Tào Lễ.
Nhân lúc Các lão sửa sang lại sách vở, Nguyên Hữu Đế vội vàng ngáp một cái.
Ai ngờ, hắn còn chưa ngậm miệng, Trần Các lão ngồi bàn đối diện đã thản nhiên bảo Tào Lễ, đầu còn không ngẩng lên: “Đi lấy chén trà cho Hoàng thượng tỉnh táo.”
Nguyên Hữu Đế: “…”
Trong râu Các lão vẫn còn con mắt nữa đúng không!
Tào Lễ đau lòng nhìn Hoàng thượng nhà mình, lui ra ngoài chuẩn bị nước trà.
Nguyên Hữu Đế hồi hộp nhìn Trần Các lão.
Trần Đình Giám nhớ tới lão tứ hồi nhỏ. Trần Đình Giám từng làm học sinh bao nhiêu năm, cũng có bốn đứa con trai đi học, lão tứ là đứa duy nhất dám công khai nằm ngủ khi tiên sinh đang giảng bài.
So với lão tứ, Nguyên Hữu Đế đúng là học sinh ngoan, nhưng học sinh ngoan thỉnh thoảng cũng muốn lười biếng một chút.
“Hôm qua Hoàng thượng không ngủ ngon ư?” Trần Đình Giám đi tới. Dung mạo của hắn nho nhã, bộ râu dài tăng thêm vài phần uy nghiêm nhưng ánh mắt nhìn Nguyên Hữu Đế rất ôn hòa.
Nguyên Hữu Đế quá quen với cách Các lão khuyên nhủ, đôi khi ông sẽ trực tiếp phê bình hắn đầy nghiêm khắc, có đôi khi lại nhẹ nhàng dụ hắn nói hết những lời trong lòng, sau đó dùng giọng điệu bình thản, nói có sách, mách có chứng mà khuyên hắn cần cù hiếu học, phân biệt đúng sai, hiếu kính mẫu hậu, yêu nước thương dân các thứ.
Vì vậy, Nguyên Hữu Đế lắc đầu, nghiêm mặt nói: “Ngày mùa hè nắng chói chang, ta hơi mệt mỏi thôi, tiên sinh đừng lo.”
Trần Đình Giám: “Ra là vậy, thần còn tưởng Hoàng thượng chăm chỉ học hành, cần chính thương dân, long thể sẽ vất vả. Nếu Hoàng thượng không cảm thấy mệt, vậy thần không cần điều chỉnh là lịch làm việc và nghỉ ngơi cho người nữa.”
Tim Nguyên Hữu Đế đột nhiên đập nhanh hơn!
Ông cụ nghiêm túc hay đang bày bẫy chờ hắn nhảy vào thế?
Một lát nữa Tào Lễ về rồi!
Nguyên Hữu Đế nhớ lại thái độ của ông trong một năm trở lại đây có vẻ ôn hòa hơn nhiều, hắn quyết định tin ông thêm một lần, gương mặt nhỏ nhắn xụ xuống, giọng cũng thành khẩn hơn: “Không dối gì tiên sinh, đúng là ta rất mệt. Buổi sáng ta thường có cảm giác ngủ không đủ giấc, tuy vẫn cố rời giường đọc sách được, nhưng đầu cứ mê mang. Lúc đọc, ta chỉ thấy tốn thời gian mà tác dụng chẳng được bao nhiêu, không biết tiên sinh có thể giảm số lần lên triều không, đợi đến khi ta lớn lên, thể lực đủ chịu được thì khôi phục số lần như cũ?”
Nếu giảm thời gian lên triều, mỗi ngày hắn sẽ được ngủ nhiều thêm ít nhất nửa canh giờ!
Trần Đình Giám nhìn thấy tia máu mỏng manh trong mắt vị Hoàng đế trẻ.
Ông có hơi chần chờ.
Nguyên Hữu Đế: “Ta biết tiên sinh lo lắng điều gì, ngài sợ ta về sau cũng lười biếng chính chính sự. Thế nhưng, ta có thể bảo đảm với tiên sinh, đến khi tự mình chấp chính, ta chắc chắn sẽ làm một vị minh quân chăm chỉ.”
Trần Đình Giám cuối cùng ra quyết định: “Được, thần tin Hoàng thượng.”
Lúc này, Tào Lễ bưng trà vào.
Trần Đình Giám tiếp tục sửa sang lại tài liệu, Nguyên Hữu Đế giơ tay lên, giả vờ ngáp một cái.
Giảng bài xong, Trần Đình Giám đi cầu kiến Thích Thái hậu.
Thích Thái hậu nghe Trần Đình Giám định giảm số lần lên triều, nhíu mày nói: “Có phải Hoàng thượng phàn nàn với Các lão lên triều vất vả không?”
Trần Đình Giám hơi cong người, cung kính nói: “Bẩm nương nương, Hoàng thượng không những không oán giận, ngược lại còn che giấu mệt mỏi. Bản thân thần cảm thấy, Hoàng thượng hiện đang độ tuổi phát triển cơ thể, long thể và việc học đều quan trọng như nhau. Nếu cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ, Hoàng thượng sẽ khó tập trung khi đọc sách. Cứ tiếp tục như vậy, việc học càng lúc càng khó thấy hiệu quả, khiến Hoàng thượng càng ghét học hơn, làm vậy mất nhiều hơn được.”
Thích Thái hậu trầm mặc.
Trần Đình Giám liếc nhìn nàng, nói: “Nương nương, Hoàng thượng dù sao cũng mới chỉ mười bốn tuổi. Thần cho rằng, bồi dưỡng cho Hoàng thượng cảm thấy hứng thú với việc học, việc triều chính quan trọng hơn. Nếu chỉ vì việc học nặng nề mà khiến Hoàng thượng khó chịu, bây giờ người vẫn còn niên thiếu đã không nghe người và thần dạy dỗ, đến khi Hoàng thượng tự mình chấp chính, ai sẽ ngăn được Hoàng thượng?”
Xa không đề cập tới, riêng triều đại này đã đủ Hoàng đế làm ẩu rồi.
Thích Thái hậu hiển nhiên hiểu rất rõ về các vị tổ tông nhà mình, cũng chính vì Hoàng Đế cha chồng, rồi Hoàng Đế chồng nàng đều “có tiền đồ”, nàng mới sợ nhi tử đi theo vết xe đổ của họ, dạy dỗ nghiêm khắc từ nhỏ.
Thích Thái hậu đã đồng ý với đề nghị của Trần Đình Giám, nhưng vẫn tò mò hỏi: “Trước nay Các lão đều nghiêm khắc, vì sao mấy năm nay lại nhẹ nhàng với Hoàng thượng như vậy?”
Nàng cũng phải đề phòng trường hợp Trần Đình Giám chiều theo ý nhi tử, cố ý dung túng cho nhi tử học ít đi.
Trần Đình Giám hổ thẹn nói: “Nói ra sợ nương nương chê cười, thời còn trẻ thần đỗ Trạng Nguyên, được nhiều người khen. Vè sau được tiên đế và nương nương thưởng thức, vào cung dạy dỗ Hoàng thượng đọc sách. trưởng tử, thứ tử, tam tử nhà thần cũng là Trạng Nguyên, Thám Hoa, bản thân thần cảm thấy thần cũng có chút tài dạy học nên vẫn nghĩ câu thầy nghiêm ra trò giỏi là chính xác.”
Thích Thái hậu gật đầu, cả triều văn võ có ai không khâm phục Trần Đình Giám biết cách dạy con?
Trần Đình Giám tiếp tục nói: “Bốn đứa nhi tử của thần, thần vẫn nghĩ rằng, lão tứ kiêu ngạo khó thuần sẽ là kẻ vô dụng nhất, cả đời chỉ dựa được vào thân phận Phò mã của Trưởng công chúa để diễu võ giương oai. Thế nhưng năm kia, lão tứ nhà thần suất lĩnh Tả Vệ đoạt giải nhất kỳ thì võ, năm ngoái hắn lại lập chiến công trên đường bình định. Người ngoài khen thần hổ phụ vô khuyển tử, nhưng bọn họ đều đã quên, lão tứ từ năm mười tuổi đã về nhà cũ ở Lăng Châu, tiền đồ của hắn bây giờ có liên quan gì đến thần đâu.”
“Mấy năm nay thần thường tự nghĩ lại, trưởng tử, tam tử đỗ được Trạng Nguyên, Thám Hoa, thật ra đều do tài năng của chính hai đứa đó, thần cũng chưa từng nghiêm túc dạy dỗ điều gì. Người thần thật sự dạy, chỉ có Hoàng thượng và lão tứ mà thôi, nhưng vì thần quá nghiêm khắc nên lão tứ càng ngày càng có khoảng cách với thần, đến sách cũng không thèm đọc. Đến khi thần nhận ra tài năng thật sự của lão tứ, rồi lại nhìn Hoàng thượng, thần thường toát mồ hôi lạnh, chỉ sợ lúc trước nghiêm khác sẽ khiến Hoàng thượng chôn mầm móng ghét đọc sách trong lòng.”
Nói tới đây, Trần Đình Giám quỳ xuống: “Nương nương, nếu như vậy thật, thần chính là tội nhân thiên cổ, xin nương nương trách phạt!”
Thích Thái hậu buồn cười nói: “Đoạn phía sau Các lão quá lời rồi, còn phần phía trước lại quá khiêm tốn. Hai ca ca của Phò mã có tài thật, nhưng bọn họ có được thành tựu như ngày hôm nay, đều nhờ người làm phụ thân như người dạy dỗ. Còn về Phò mã, hắn không thích đọc sách là trời sinh, không phải do đối nghịch với ngươi.”
Trần Đình Giám: “Có lẽ vậy, hoặc có lẽ do thần già rồi, có cái nhìn mới về dạy dỗ. Phần hiểu này chưa chắc đã đúng, dạy dỗ Hoàng thượng thế nào, còn xin nương nương quyết định.”
Cả triều văn võ, trước giờ Thích Thái hậu tin nhất là Trần Đình Giám, dù hắn có thay đổi cách dạy Hoàng thượng, chỉ cần lý do có lý, Thích Thái hậu vẫn ủng hộ.
“Các lão nói rất có lý, cứ thử theo cách của ngươi đi. Nếu Hoàng thượng phụ tấm lòng của ngươi, càng thêm lười nhác, Các lão cứ tiếp tục nghiêm khắc với hắn.
Trần Đình Giám nhận lệnh, cúi đầu cáo lui.
Thích Thái hậu nhìn về phía ngoài cửa sổ.
Hai cha con Các lão và Phò mã bất hòa, bà đã biết từ lâu, nhưng có ai biết Hoàng thượng và Thái hậu như nàng cũng chẳng thân thiết gì đâu?
Nàng biết nên làm thế nào để làm một Hoàng Hậu tốt, nhưng nàng có phải mẫu hậu tốt hay không, chắc phải để người đời sau bình luận.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...