Không khí im lặng bao trùm căn phòng khiến Huệ Lan tưởng mình sắp ngộp thở. Nhưng may sao trước khi Huệ Lan bể phổi mà chết thì ở trên ghế mây bà Phụng đã hừ lạnh một tiếng.
Rồi sau đó bà bưng lấy tô cháo yến và ăn lấy từng thìa như chưa hề có chuyện chán ăn lúc trước. Cảm giác hòn đá đang đè nặng trên ngực được dở xuống. Huệ Lan thấy bản thân như vừa thoát qua khỏi cửa tử thì bên kia bà Phụng đã thở hắt ra một tiếng não nề.
- Huệ Lan à, mẹ xin lỗi vì đã nghĩ sai cho con. Nhưng đã giúp thì hãy giúp cho trót.
Còn chưa hiểu người trước mặt đang nói gì thì bà Phụng đã đưa cho Huệ Lan một túi vải đựng đồ trang điểm. Bà nói:
- Mặc váy đẹp thì không đủ để làm dì Út Duyên xinh đẹp hơn. Huệ Lan con hiểu mẹ muốn con làm gì rồi chứ.
Hiểu.. Huệ Lan đương nhiên hiểu.
- Dạ, nhưng thưa mẹ! Con không có biết trang điểm.
- Mẹ biết.
Bà Phụng chậm rãi trả lời Huệ Lan.
- Và mẹ cũng không có ý bảo con phải trang điểm cho dì Út..
- Trời ơi! Mọi người biết gì chưa?
Tiếng của Mẫn Nhi từ ngoài cửa vọng lại.
- Ông Sáu Hưng tỉnh lại rồi đó. Thiệt là may mắn quá đi! Phải báo cho bà chủ biết mới được. Chắc bà chủ sẽ mừng lắm đó.
- Đúng là cô Hai của tui sẽ vui lắm.
Giọng Hứa Kim Phát có phần trịch thượng.
- Nhưng giờ cô Hai đang bận la mắng cô chủ của cô rồi nên chậm một chút hãy gõ cửa.
Tiếng nói vọng vào bên trong cửa làm bà Phụng lập tức cau mày. Bà day day mi tâm của mình rồi buột miệng nói.
- Người đáng chết lại không chết.
- Mẹ nói gì thế ạ?
Huệ Lan vội vàng lên tiếng hỏi. Nhưng bên kia bà Phụng đã lập tức lảng sang chuyện khác. Bỏ tô cháo yến chỉ còn trơ đáy xuống khay, bà Phụng bưng ly sữa lên. Cũng là động tác khuấy tới khuấy lui, nhưng lần này bà Phụng uống ngay chứ không bỏ ly sữa xuống như với tô cháo.
Một tiếng khà dài thỏa mãn, bà Phụng đưa ánh mắt nghiêm khắc nhìn Huệ Lan.
- Mẹ muốn con thay mẹ giám sát quá trình trang điểm cho dì Út. Phải thật đẹp, thật lộng lẫy. Với có chuyện này..
Huệ Lan cẩn thận chỉnh lại cái khẩu trang của mình một lần nữa rồi nàng mới xốc cái ba lô lên mà bước lên xe. Chiếc Mers chầm chậm lăn bánh ra khỏi cánh cổng sắt to oạch, rồi hòa vào dòng xe cộ đang lưu thông trên đường. Đây là lần thứ hai Huệ Lan được ngồi chiếc xe này. Lần trước là khi Huệ lan được đem từ cô nhi viện về.
- Cô Lan, cô ổn chứ?
Giọng chú Quang lo lắng.
- Cô phải say xe không? Nếu vậy thì túi nôn nè. Chắc cũng chỉ nôn một lần thôi vì từ đây tới bệnh viện có hơn ba cây số thôi.
- Cháu không có say xe.
Dù nói vậy nhưng Huệ Lan vẫn vươn tay để đón lấy cái túi nôn từ chú Quang. Lần thứ 2 được ngồi trên xe hơi sang trọng của mẹ nuôi, nhưng là lần đầu tiên Huệ Lan được đi xe một mình. Có sự đặc cách này là do nàng đã chính thức được bà Phụng công nhận?
Không, không phải.. là do Huệ Lan đang đi lo công chuyện cho bà Phụng. Nàng đang trên đường đến bệnh viện thăm cậu Sáu Hưng và thanh toán viện phí cho cậu. Huệ Lan còn nhớ như in vẻ mặt khó chịu của Hứa Kim Phát khi anh chàng nghe Huệ Lan truyền đạt lời của bà Phụng.
Một vẻ mặt ghen tức, bực dọc. Lúc ấy Huệ Lan nghĩ anh ta sẽ lập tức đập cửa phòng để hỏi cho ra lẽ thì không ngờ anh ta lại im lặng bỏ đi xuống lầu và từ đó cho đến khi Huệ Lan rời biệt phủ thì nàng cũng không thấy lại anh chàng nữa.
Tin.. Tin..
Điện thoại của Huệ lan kêu lên báo có tin nhắn tới. Là tin nhắn của Mẫn Nhi.
- Cậu Phát đã đập nát hết đồ đạc trong phòng của cô rồi cô Lan ơi!
- Sao anh ấy lại làm thế chứ? Em có làm gì anh ấy đâu?
- Là ghen ăn tức ở đó. Cô được bà chủ sai việc thì có nghĩa là bà chủ đã tin tưởng cô. Mà điều đó lại đồng nghĩa với việc vị trí của cậu Phát sẽ bị lung lay. Có điều tui không nghĩ là cậu ta lại tức khí đến độ lao dô phòng của cô mà đập phá như vậy. Chắc muốn dằn mặt cô đó, nên cô phải cẩn thận nha cô Lan..
Bấm vài chữ gửi đi để trấn an và cảm ơn Mẫn Nhi, thì bất chợt một suy nghĩ chợt xẹt ngang qua đầu Huệ Lan. Có khi nào là vậy? Nhìn người ngồi ở băng ghế sau hết chau mày rồi lại thở dài, chú Quang không kiềm được mà lên tiếng hỏi.
- Cô Lan sao vậy? Có phải cô đang nghĩ đến lúc phải gặp bà An không? Yên tâm đi! Giờ ông Hưng bị thương nằm đó nên bà ấy chẳng dám gây sự với cô đâu. Chưa kể hôm nay cô đến bệnh viện là tuân theo lệnh của bà chủ nữa.
- Vâng, cháu biết rồi!
Huệ Lan cố nặn ra một nụ cười để làm yên lòng người ngồi trước. Quả tình là Huệ Lan cũng rất sợ gặp bà An. Nhưng đó là chuyện trước kia, khi nàng chưa biết lí do tại sao bà An cứ gây sự với mình nhưng giờ thì Huệ Lan đã biết, nên nàng cũng chẳng còn sợ người đàn bà ấy nữa. Lại một suy nghĩ khác, chạy ngang qua đầu làm Huệ Lan phải cau mày. Nàng cẩn trọng quan sát người đàn ông đang cầm lái.
- Chú Quang nè, khi dì Duyên của cháu rút khẩu súng đó ra vì sao chỉ nhìn từ một khoảng cách xa thật xa như vậy mà chú lại chắc nó là súng thật. Chú đã nhìn thấy súng thật rồi sao?
- Đương nhiên là nhìn thấy rồi!
Chú Quang trả lời ngay.
- Hồi còn là thanh niên chú có đi nghĩa vụ quân sự tận hai năm đó. Không thành thạo hoàn toàn, nhưng nhìn qua thì có thể phân biệt được súng giả súng thật. Có điều..
Đạp phanh cho xe dừng lại trước cổng bệnh viện chú Quang bất ngờ thở hắt ra một tiếng não nề.
- Có điều loại súng SVN – 88 đó có khả năng bắn được ba loại đạn gồm đạn cao su, đạn cay và đạn nổ. Thật là đến cả lúc ông Hưng ngã xuống thì tôi vẫn cứ đinh ninh là trong đó chỉ có đạn cao su thôi.
- Vì sao ạ?
- Còn vì sao cái gì hả cô Lan?
Chú Quang bối rối.
- Ai mà nghĩ một người xinh đẹp, dịu dàng như bà Út lại dám lên mạng đặt mua súng rồi đem nó đi giết người đâu. Mà nhất là người bà giết lại là anh trai ruột của mình.
- Có nghĩa khẩu súng mà dì Út cháu dùng đó có thể đặt mua ở trên mạng được sao?
- Được chú cô Lan. Không những súng mà đạn cũng mua được. Muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, chỉ là cô có tiền hay không mà thôi.
- Nhưng nó là súng đạn, là vật sát thương có khả năng gây nguy hiểm cho người khác mà. Theo cháu nhớ thì luật pháp Việt nam nghiêm cấm việc tàng trữ sử dụng súng kia mà.
Khẽ tặc lưỡi chú Quang liếc nhìn Huệ Lan một cái rồi chậm chạp đánh xe vào bãi đỗ của bệnh viện. Đợi đến khi chiếc xe vào được khu vực đỗ an toàn rồi, người đàn ông có phong thái bụi bặm ấy mới ngoái đầu ra sau mà nói với Huệ Lan.
- Cái gì cũng có thể lách luật mà cô chủ. Bọn buôn bán súng đó đem cái lí do là tự vệ để kinh doanh thứ hàng cấm đó. Rồi gì mà đạn cao su không có khả năng sát thương. Nhưng nói thật là nếu ta muốn hỏi mua đạn nổ thì bọn họ vẫn bán luôn.
Từng câu từng chữ mà chú Quang nói cứ liên tục lặp đi lặp lại trong đầu khiến những bước chân của Huệ Lan trở nên đặc biệt vụng về. Khi ấy nàng đã hỏi lại chú Quang thế này.
- Lẽ nào công an họ không biết được những hành động buôn bán phi pháp kia sao?
Và câu trả lời của chú Quang là họ biết chứ nhưng họ làm ngơ thôi. Bởi buôn bán đôi ba khẩu súng đó chỉ bị phạt tầm vài triệu để răn đe không đủ thành lập án. Công an mà những cái phạt như vậy không đủ cho họ lên quân hàm, nhưng lại mất thời gian nên họ chẳng dại dây vào đâu..
- Ai đó?
Tiếng nói vọng ra từ bên trong phòng bệnh. Là của mợ An, bà ấy đã lên tiếng hỏi khi nghe tiếng gõ cửa của Huệ Lan. Dặn chú Quang đợi mình ở bãi đỗ xe, Huệ Lan một mình đi vào trong bệnh viện.
Lúc xoay người bước đi, Huệ Lan đã thấy ánh mắt rất đỗi lo lắng của người đàn ông đó. Đúng là lúc nói một đằng lúc đụng chuyện thì sẽ hành động một nẻo. Cánh cửa phòng bệnh bật mở. Người bước ra là bà An.
Khỏi nói bà ta kinh ngạc đến mức nào khi nhìn thấy Huệ Lan một mình. Thậm chí khoa trương hơn người đàn bà ấy còn chạy hẳn ra hành lang để nhìn ngó. Thực sự hành động của bà An đáng ghét đến độ Huệ Lan phải ép mình lên tiếng.
- Mợ à, con tới có một mình thôi. Cậu đã tỉnh rồi phải không mợ?
- Sao lại..
Người đàn bà ấy định nói gì đó. Nhưng bên trong phòng vang lên tiếng ho khụ khụ của ông Hưng, làm bà ta phải dừng lại mà ngoe nguẩy bước vào. Nhìn theo bóng lưng có phần dị hợm của bà An, Huệ Lan chợt nhớ đến câu chuyện mà hôm trước Mẫn Nhi kể cho nàng.
Chuyện là, xưa kia gia đình mẹ nuôi của Huệ Lan không có giàu như bây giờ. Nhà đông con thì chớ, lại phải mưu sinh bằng nghề làm bún tươi bỏ sỉ cho tiểu thương các chợ nên ai cũng bốc ra một mùi chua chua thủm thủm của nước gạo lên men. Vì thế nên từ bà Phụng đến ông Hưng dù đã qua tuổi cập kê nhưng cũng chẳng có ai để ý.
Cứ ngỡ là chị em bà Phụng sẽ ế bền vững thì đùng một cái bà An vác bụng bầu đến ăn vạ. Thì ra trong một lần đi bỏ bún cho quán ăn của bà An, ông Hưng đã bị bà An "cưỡng bức".
Đang ế dài cổ thì thịt đưa tới miệng nên dù miếng thịt kia là thịt mỡ thì ông Hưng vẫn không chê. Nhưng chuyện làm sao chỉ dừng ở đó. Bà An sau mấy lần ăn nằm với ông Hưng thì đã vác bụng bầu tới nhà ăn vạ.
Và sau khi ông Hưng xác nhận là có làm chuyện kia với bà An thì ba mẹ ông Hưng đã bắt ông phải chịu trách nhiệm. Dù bà An chỉ cao bằng nửa ông Hưng, rồi thì lưng dài, chân ngắn.
Khi ấy Mẫn Nhi đã dùng cụm từ gì nhỉ? Vịt bầu mông bự.. Nghe đúng là hơi thô thật, nhưng thực tế thì.. Ông Hưng nằm trên giường vừa thấy Huệ Lan bước vào thì chép miệng.
- Con đến thăm cậu sao?
- Dạ.
Huệ Lan cười nhẹ rồi cúi người đặt giỏ hoa quả lên tủ đầu giường.
- Cậu thấy trong người thế nào rồi ạ? Vết thương do đạn bắn thì nghe đâu là sẽ đau hơn vết thương do dao. Lại còn khó lành nữa.
- Đúng là tuổi trẻ am hiểu hơn người. Viên đạn găm vào dạ dày nên cậu mới giữ được mạng, bác sĩ nói chỉ cần nó chệch tầm 1cm thôi thì cậu con sẽ chẳng còn nằm đây mà tám chuyện được.
Dừng lại nhăn nhó, ông Hưng vì vận sức để nói quá lâu nên đã động tới vết thương ở bụng. Thấy chồng đau đến mặt xanh mày xám, bà An ngồi cạnh xót ruột mà nhắc.
- Coi kìa! Nói cho lắm vào đau ra đấy. Ông đó, đừng có mà khinh thường vết thương nhỏ nên phá sức, nếu không giữ gìn cẩn thận vết khâu bục ra thì có mà chết đấy nhen.
- Bà cứ nói quá! Vết khâu bục ra thì mình khâu lại. Chứ để tỏ lòng thì giờ mới là lúc thích hợp nhất. Huệ Lan à, nhà ta xảy ra cớ sự này là do cậu. Do cậu tham muốn xin mảnh đất ở chợ đó nên mới làm dì Út của con tức tối mà hành xử như vậy. Tại cậu.. tại cậu hết. Cậu biết lí do tại sao hôm nay chỉ có mình con đến thăm cậu, có phải là vì mẹ con ghét cậu, căm thù cậu. Thiệt là từ lúc nghe tin dì Út của con chết thì cậu cũng muốn chết quách đi. Cậu đau lắm con có biết không?
- Kìa, tui nói với ông chuyện con Út đã chết hồi nào chớ? Thiệt tình mới tỉnh dậy cái là đã khóc lóc như vầy thì sao mà lành vết thương được.
Nói một vài câu an ủi ông Hưng, Huệ Lan xin phép ra về với lý do phải ghé qua tiếp tân của bệnh viện để đóng viện phí. Đứng ở bàn tiếp tân, Huệ Lan đang kiểm tra lại lần cuối số tiền cần phải đóng rồi mới đặt bút kí xuống.
Hơn 30 triệu tiền viện phí, con số nghe qua choáng thật. Nhưng biết sao được. Dù là ở bệnh viện công nhưng tất cả những dịch vụ mà ông Hưng đang dùng đều là loại tốt nhất, sang chảnh nhất. Nhận tờ biên lai từ chị gái tiếp tân, Huệ Lan nói khẽ:
- Cảm ơn chị!
Bên kia hai người tiếp tân cũng mỉm cười mà đứng dậy chào Huệ Lan. Họ làm vậy vì phép lịch sự là một, phần khác thì hẳn là vì họ nghĩ Huệ Lan có tiền. Đúng vậy một cô gái trẻ có hơn 30 triệu bạc trong thẻ thì không thể là loại nghèo khổ đói rách. Nhưng họ đâu có biết số tiền ấy là chỉ mới được bà Phụng chuyển vào sáng nay với mục đích là để thanh toán tiền viện phí cho ông Hưng.
Mỉm cười chua chát, Huệ Lan chậm rãi quay đi. Nhưng đôi chân chưa kịp bước tới thì đã phải khựng ngay lại. Cú va chạm đã làm giấy tờ trên tay chàng thanh niên bay tứ tung. Huệ Lan biết bản thân đã gây họa nên đã nhanh miệng lên tiếng.
- Xin lỗi anh! Để tôi nhặt giúp anh!
Những tờ giấy được Huệ Lan thu nhanh lại. Có điều đôi mắt lanh lẹ của cô gái đã đọc được vài dòng chữ không nên đọc ở trên đó.
- Tên Hứa Kim Duyên. Tuổi 42. Quốc tịch Đức. Ngày giải phẫu ngày 4/5/20xx. Cái này..
Bên kia Vũ Dương đã nhận ra Huệ Lan ngay từ lúc đụng phải cô gái, nên khi Huệ Lan có ý muốn giúp anh nhặt giúp giấy tờ thì anh đã muốn ngăn nàng lại. Nhưng chuyện gì tới cũng phải tới.
Căng thẳng nhận lại những tờ giấy mà Huệ Lan đưa tới, Vũ Dương ngập ngừng một lúc thật lâu mới có thể mở lời.
- Chào cô Lan! Trùng hợp thật đấy!
Đúng là trùng hợp thật!
- Anh.. anh đã mổ tử thi của dì Duyên rồi sao?
Cái gật đầu đến từ gã đàn ông cao lớn làm trái tim của Huệ Lan chợt nghèn nghẹn. Nàng nói bằng một giọng thật nhỏ.
- Tôi.. Tôi có thể nhìn dì ấy một chút không?
(Hết chương 6)
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...