Sáng nay Phi Nhi tới bãi đua ngựa thật sớm, ngoài bãi vắng ngắt không một bóng người, trong lán cũng chưa có ai, nàng bèn ngồi xuống băng ghế trong lán nhìn trời mây, chờ đợi.
Đương lúc mơ mơ màng màng, chợt nghe tiếng vó ngựa, Phi Nhi choàng tỉnh thì trông thấy Tế Độ và Nhạc Thăng Long cưỡi ngựa từ ngoài bãi cho ngựa phóng thốc lại, nàng bèn đứng phắt dậy.
Chỉ lát sau, hai người kia đã tới nơi nàng ngồi.
Tế Độ ngồi trên con ngựa ô cao lớn, ghìm cương.
Sáng nay chàng vận đồ kỵ sĩ bó sát màu xanh lam viền bạc, càng làm nổi bật thân hình rắn rỏi, lưng chàng thắt một sợi dây đai cũng màu bạc, yên ngựa đeo ống tên, trong cắm mấy mũi tên đuôi lông vũ.
Nhạc Thăng Long ngồi trên con bạch mã chênh chếch phía sau con ngựa ô của Tế Độ, Nhạc Thăng Long vận bộ đồ xanh lá mạ.
Phi Nhi cúi đầu thỉnh an với Nhạc Thăng Long và Tế Độ.
Tế Độ ngạc nhiên hỏi:
-Nàng tìm ta?
-Vâng thưa tướng quân.
-Có chuyện gấp gì à? Nàng không sao chứ?
Phi Nhi bất giác đưa tay lên nắm lấy sợi dây chuyền mặt Phật trên cổ nàng, gần như không thể đo lường được phân lượng của dây chuyền này, hôm nay nó nặng nề quá sức tưởng tượng của nàng.
Hay là trong lòng nàng nặng nề? Nàng nghĩ đến lời đã hứa với Phi Yến, nhưng nàng đã trót nảy sinh tình cảm với người đàn ông này, nàng không thể dẹp bỏ tình cảm dành cho chàng cũng không điều khiển được lý trí của mình.
Nàng luôn muốn gặp chàng, bất cứ giây phút nào, cho dù chỉ nhìn chàng cưỡi ngựa từ xa, nhìn chàng trong thư phòng xem tấu chương, một vài giây ít ỏi bên chàng, nàng cũng mãn nguyện vì nàng không chịu được cảm giác thiếu vắng chàng.
Nhưng Phi Nhi không dám trả lời Tế Độ những điều nàng đang nghĩ trong lòng, đành chỉ vào con ngựa mà chàng đang cưỡi, nói:
-Không có gì thưa ngài, chỉ là tiểu nữ… rất thích xem ngài huấn luyện ngựa.
-Nàng thích xem huấn luyện ngựa, nàng biết cưỡi ngựa sao?
Phi Nhi cưỡi ngựa rất khá nhưng nàng lắc đầu.
Từ khi thấy Phi Nhi xuất hiện và đối đáp cứ ấp a ấp úng, Nhạc Thăng Long đã dùng ánh mắt đầy ý nhị nhìn Phi Nhi.
Sau khi Nhạc Thăng Long nghe Phi Nhi trả lời, bèn hăng hái đề nghị Tế Độ dạy Phi Nhi cưỡi ngựa.
Phi Nhi cũng hớn hở cho rằng đó là một đề nghị rất hay.
Vì nàng đang rầu rĩ, mấy hôm nay không có cơ hội gần gũi Tế Độ, nên sau khi nàng nghe Nhạc Thăng Long đề nghị xong, vô cùng mừng rỡ, luôn miệng tán thành.
Tế Độ dễ dãi gật đầu, sáng nay chàng cũng rảnh, không phải hầu triều, hơn nữa chàng nghĩ để nàng có một môn giải trí nào đó để nàng khỏi cả ngày cứ ru rú ở trong phủ buồn bã vì tông tích của em gái.
Thế là Tế Độ nhờ Nhạc Thăng Long mang ngựa lại cho Phi Nhi.
Một lát sau Nhạc Thăng Long trở lại với con ngựa nhỏ màu nâu đồng, trao dây cương cho Phi Nhi.
Phi Nhi thấy con ngựa nhỏ bé thật dễ thương, nàng vui quá, cầm dây cương, lắc lắc dây cương định reo “đẹp quá” nhưng không ngờ nàng vừa lắc sợi cương con ngựa đã chồm lên tại chỗ.
Phi Nhi vờ kinh hoàng nhắm mắt rú lên, đến khi cảm thấy nó đứng yên mới mở mắt, ra là Tế Độ đã ghìm cương lại giúp nàng.
Chàng vừa nhìn nàng vừa cười.
Phi Nhi cúi đầu bảo:
- Bây giờ ngài rút lại lời hứa vẫn còn kịp đấy, bằng không, xem ra trọng trách của ngài sẽ rất gian nan.
Phi Nhi nói vậy chứ tim đập thùm thụp, nhưng nàng không biết chứ xưa nay Tế Độ đã hứa làm việc gì rất hiếm khi nuốt lời.
Chàng nhảy xuống đất đỡ Phi Nhi lên yên ngựa, khẽ vuốt vuốt lưng ngựa rồi dạy Phi Nhi cách cầm cương.
Phi Nhi ngoan ngoãn làm theo.
Một hồi sau Phi Nhi ruổi ngựa đi từ từ được.
Tế Độ vẫn đi tụt lại sau chừng nửa đầu ngựa hộ tống Phi Nhi.
Chàng vừa đi vừa bảo:
- Chúng ta hẵng thong thả dạo một vòng cho nàng làm quen với ngựa.
Tiện thể ta sẽ nhắc vài điều nên chú ý để lát nữa bắt đầu cho chạy nước kiệu.
Phi Nhi vâng dạ.
Thật ra trong bụng Phi Nhi rất buồn cười, có đến hơn mươi lần nàng định kẹp chân vào bụng ngựa, vung roi lên để chạy nước kiệu.
Hai người đi một vòng sau đó trở lại gần lán, Tế Độ bảo Phi Nhi chờ một chút, rồi vào trong lán nói gì đó với Nhạc Thăng Long.
Một lát sau Nhạc Thăng Long dắt thêm con ngựa khác cũng màu nâu đồng đến.
Tế Độ nắm dây cương, trỏ con ngựa của Phi Nhi, nói:
- Ngựa nàng đang cưỡi là ngựa con, rất thuần tính.
Ta sẽ cưỡi ngựa mẹ, nó sẽ tự khắc đi theo.
Nói đoạn, chàng tung mình nhảy lên con ngựa lớn hơn.
Lúc nãy Phi Nhi leo xuống ngựa nghỉ một lát giờ lại lập cập trèo lên con ngựa non.
Tế Độ thúc ngựa chầm chậm đi trước, bảo:
-Tay nàng yếu, lại chưa quen tính ngựa, đừng nên nóng vội.
Đi thêm một vòng nữa nàng hãy cho ngựa chạy bước ngắn theo ngựa mẹ.
Phi Nhi thấy Tế Độ truyền đạt cách cưỡi ngựa rất hiệu quả, phương pháp dạy cực kỳ bài bản, trong lòng đã cảm mến càng thêm cảm mến chàng.
Nhưng đột nhiên Phi Nhi cảm thấy cổ nghèn nghẹn, hai khóe mắt cũng cay cay, cứ nghĩ mai sau ngộ nhỡ chàng phát hiện ra nàng lừa chàng, nàng phải rời khỏi chàng, nghĩ đến đó nàng lại đau lòng.
Phi Nhi mãi suy nghĩ, chợt nghe tiếng vó ngựa lộp cộp vang lên phía sau lưng hai người, thì ra Mẫn Mẫn và phu xe của Mẫn Mẫn đang cưỡi ngựa chạy đến.
Mẫn Mẫn ngồi trên ngựa trong khi phu xe của Mẫn Mẫn xuống ngựa bái chào Tế Độ.
Tế Độ và Phi Nhi cũng xuống ngựa bái chào Mẫn Mẫn.
Mẫn Mẫn ngồi trên con ngựa trắng như tuyết, cho Tế Độ và Phi Nhi miễn lễ, đoạn, Mẫn Mẫn nhìn con ngựa nhỏ, nhếch môi nói với phu xe của nàng:
- A Lan, em thấy tướng quân đối xử không được công bình đúng không? Sáng nay ngài cho cô gái này cưỡi Đồng Nhi.
Từ trước đến nay ngài không bao giờ cho ai đụng tới con Đồng Nhi, ngay cả Tử Lăng đã quen ngài lâu như vậy thậm chí Tân Nguyên ngài cũng không cho.
A Lan gật mạnh đầu.
Mẫn Mẫn nói:
-Không hiểu sao ngài ấy lại ưu đãi một dân nữ đến như vậy.
Phi Nhi không biết Mẫn Mẫn đang nói đùa hay nói thật, nàng không ngừng nhìn sang Tế Độ, hồi hộp chờ nghe câu trả lời từ chàng.
Tế Độ cười nói:
- Đồng Nhi là con ngựa non hợp với người vừa tập cưỡi ngựa.
Còn đa số các vị cách cách và tiểu thư con nhà tổng binh như Tân Nguyên cách cách và cách cách đây đều lớn lên trong quân doanh, thuật cưỡi ngựa đã rất tài tình, rất đáng ngưỡng mộ rồi.
Hơn nữa con Tuyết Hoa của cách cách có gì không tốt đâu?
Câu trả lời của Tế Độ không khiến Mẫn Mẫn thỏa mãn.
- Tuyết Hoa của bổn cung không có gì không tốt thế nhưng không thể nào so sánh được với Đồng Nhi của cô ấy mà thôi!
Mẫn Mẫn nói, rồi quay sang A Lan:
-Em thấy ta nói như vậy có phải không?
A Lan chưa trả lời thì khi này Nhạc Thăng Long và Trương Dũng cũng cho ngựa chạy lại.
Sau khi đợi Nhạc Thăng Long và Trương Dũng xuống ngựa tham kiến mình và Tế Độ rồi, Mẫn Mẫn lặp lại câu hỏi vừa rồi.
Vừa hỏi A Lan, Mẫn Mẫn vừa nheo mắt với Phi Nhi, để cho Phi Nhi hiểu rõ rằng Phi Nhi đã được Tế Độ "ưu ái" đến như thế nào!
Trong khi A Lan nói vâng dạ với Mẫn Mẫn, Nhạc Thăng Long và Trương Dũng bước lại gần Tế Độ, Trương Dũng nói nhỏ gì đó, ba người đàn ông chuyện trò.
Phi Nhi không nghe rõ họ đang nói gì, hình như là chuyện trong quốc tử giám, mà Phi Nhi cũng chẳng thể tập trung để lắng nghe vì Mẫn Mẫn hỏi nàng:
-Cô nương tên gì?
-Dạ bẩm cách cách dân nữ tên Phỉ Nhi.
-Phỉ Nhi này – Mẫn Mẫn nói - Chúng ta cho ngựa vừa thả bộ vừa ngắm cảnh để ba vị tướng quân bàn chuyện đại sự.
Phi Nhi vâng dạ, leo lên lưng Đồng Nhi, điều khiển Đồng Nhi đi theo Mẫn Mẫn.
Mẫn Mẫn cho Tuyết Hoa của nàng đi song song con ngựa của Phi Nhi.
-Phỉ Nhi này – Mẫn Mẫn nói - Hay là hôm nay bổn cung cùng cô đua ngựa một trận đi, để xem Tuyết Hoa của ta lợi hại, hay Đồng Nhi lợi hại hơn?
Phi Nhi rất thích đua ngựa, nếu là bình thường nàng đã nổi hứng đáp trả: “Ði thì đi chứ, sợ gì? Ðể cho cô bớt cái thói ngông cuồng đi cũng tốt!” Rồi nàng sẽ phóng lên ngựa tiên phong cho ngựa phóng thẳng tới trước rồi nhưng hôm nay Phi Nhi chỉ cúi đầu bảo:
-Dân nữ không dám, thân phận dân nữ thấp hèn, không dám đua ngựa với cách cách.
Dân nữ xin chịu thua cách cách.
Mẫn Mẫn nói:
- Như vậy còn gì vui nữa, hay là cô xem thường bổn cung, ai bảo cô chịu thua bổn cung? Vả lại cô cũng đừng nên làm cho Đồng Nhi trở thành con mèo bệnh đấy! Nào! Ðể ta giúp cho cô đánh một roi!
Mẫn Mẫn vừa nói vừa đưa cây roi ngựa lên trên cao, bất thần quất xuống mông Đồng Nhi một cái thật mạnh.
- Á...
Phi Nhi kêu lên một tiếng, thân hình nàng thốt nhiên xông thẳng về phía trước thật mạnh, không kịp nắm lấy dây cương, Đồng Nhi đã kinh hoàng vọt nhanh về phía trước, như điên như cuồng.
Mẫn Mẫn cảm thấy vô cùng khoái trá cười lên ha hả.
Tế Độ đang nói chuyện với Trương Dũng và Nhạc Thăng Long, nghe tiếng kêu của Phi Nhi và tiếng cười của Mẫn Mẫn, lập tức chấm dứt câu chuyện phóng lên ngựa, thúc hai chân vào bụng ngựa vọt nhanh tới rượt theo Phi Nhi.
Ở đằng xa, Đồng Nhi phóng thật nhanh như điên như cuồng chạy xuống ngọn đồi.
Phi Nhi đã nhỡ đóng kịch đành làm cho trót, nàng phủ phục trên lưng ngựa, lắc qua lắc lại từ trái sang phải, từ phải sang trái, tay chân vờ cuống quýt quơ quào tìm nắm sợi dây cương đã bị sút ra.
Tế Độ ở phía sau cho ngựa rượt theo, mặt mày chàng kinh hãi thấy Phi Nhi gần như sắp rớt khỏi lưng ngựa.
Trong nhất thời, Tế Độ và Phi Nhi, hai con ngựa của họ hợp lại thành một đường, phóng như bay, phóng như bay.
Vó ngựa cuốn tung, cát bụi mịt mù.
Tế Độ cuống quýt vừa kêu vừa la:
- Nắm lấy cương ngựa! Kéo ghịt Đồng Nhi lại! Mau mau nắm lấy cương ngựa...
Phi Nhi cũng biết là phải nắm lấy cương ngựa thế nhưng đúng ngay lúc nàng vừa nắm được sợi dây cương đó trước mặt nàng đột nhiên có một nhánh cây giăng ngang, nàng kêu rú lên kinh hoảng, y phục nàng đã bị móc vào nhánh cây, nguyên cả thân hình bị nhấc bổng lên lơ lửng trên không rồi rớt thật nhanh xuống đồi.
Nói thì chậm nhưng lúc đó lại rất nhanh.
Tế Độ tung mình nhảy lên, hướng về phía Phi Nhi nhào tới định chộp lấy nàng mà vẫn không kịp.
Tế Độ chỉ nghe "bình" một tiếng, vật nặng rớt đánh bịch xuống đất một cái.
Phi Nhi lăn xuống đồi.
Tiếp theo đó là tiếng Phi Nhi rú lên, tiếng nàng vang thật to.
Đến khi Tế Độ chạy tới thì thấy Phi Nhi đang ngồi ôm một chân rên rỉ bên tảng đá lớn dưới chân đồi, đôi mắt sũng nước.
Tế Độ kinh hoàng thất sắc, chàng buông người phịch xuống đất, hai tay bưng hai má Phi Nhi lên hỏi:
- Sao rồi? Sao rồi? Nàng bị thương rồi chăng?
Phi Nhi ngưng khóc thút thít, cũng ngưng rên rỉ song vẫn ôm lấy chân:
- Tiểu nữ...!tiểu nữ...!không việc gì...!nhưng mà...!Đồng Nhi...!Đồng Nhi chạy mất rồi…
Tế Độ không để tâm đến con ngựa quý của chàng đã chạy lạc, sờ tay lên chân Phi Nhi, biết chân nàng đã trặc, bèn bế thốc Phi Nhi lên và đi lên đồi.
Phi Nhi nở nụ cười méo xệch nói:
- Tiểu nữ...!tiểu nữ...!không việc gì...!không việc gì thật mà...!ngài hãy mau đi tìm Đồng Nhi…
Tế Độ thấy khuôn miệng Phi Nhi lệch hẳn về một bên như chực khóc, nghĩ nàng bị đau đến nổ đom đóm mắt mà vẫn cố gắng nhoẻn miệng cười với chàng.
Tế Độ nhìn nàng dịu dàng.
Chàng đặt Phi Nhi ngồi trên lưng con ngựa của chàng rồi cũng phóng lên ngồi phía sau nàng.
- Ta đưa nàng về phủ, sau đó mời đại phu đến xem vết thương của nàng.
Tế Độ nói.
Hai người cưỡi chung một con ngựa leo lên ngọn đồi.
Lúc Tế Độ nóng ruột thúc ngựa chạy nhanh, Phi Nhi luôn miệng kêu đau nên Tế Độ đành cho ngựa đi chậm lại.
Phi Nhi ngồi phía trước Tế Độ, khe khẽ mỉm cười.
Thật ra nàng chỉ muốn được ở riêng rẽ bên chàng, không có người chung quanh quấy rầy, vì sự thật từ nhỏ nàng đã tập võ công nên không biết đã bị trặc chân như thế này bao lần.
Hồi ở Đồng Sơn, nàng theo Cửu Dương học khinh công của phái Thiếu Lâm, những lần tập luyện nhảy cao bay xa nàng cũng thường hay bị trặc chân.
Phi Nhi cố giấu tâm tình phấn chấn của nàng, đưa mắt nhìn khu rừng mọc đầy dương liễu và anh đào, gió đưa các nhành liễu phát ra tiếng rì rào vui tai, nàng nhủ bụng sáng nay nàng vừa được ngắm cảnh đẹp lại được ngồi sát vào lòng người đàn ông quan trọng nhất đời nàng, mắt ngắm phong cảnh hữu tình, trên đời này còn hạnh phúc nào bằng? Trong lúc này nàng như quên đi Đồng Sơn, quên đi nỗi thương đau chất ngất, quên đi Thiên Địa Hội, quên đi trách nhiệm...! nàng tựa đầu hẳn vào ngực Tế Độ, nói:
-Mẫn Mẫn cách cách nói phải, tiểu nữ cưỡi ngựa thật tệ.
Tế Độ vội vàng nói:
- Làm gì có chuyện đó? Ta rượt theo nàng không kịp đấy chứ! Hôm nay là hôm đầu tiên nàng tập cưỡi ngựa mà đã khá hơn rất nhiều người rồi.
Phi Nhi dẩu môi:
- Nhưng tiểu nữ chỉ học được cách ngồi trên lưng ngựa sao cho khỏi lăn xuống đất thôi, đến khi nó bắt đầu chạy, tiểu nữ liền té lăn ra đất.
Nàng nói đoạn, rùng mình nói thêm:
-Thật là đáng sợ, lúc Đồng Nhi chạy xuống đồi, thân hình của tiểu nữ tưng lên xốc xuống thật kịch liệt trên lưng Đồng Nhi, xốc đến độ cảm thấy đầu váng mắt hoa không còn phân biệt được Ðông Tây Nam Bắc gì nữa cả.
Phi Nhi dứt lời, không nghe Tế Độ lên tiếng đáp lời nàng, bèn ngẩng đầu nhìn lên chàng ai oán nói:
- Tiểu nữ thật không có năng khiếu, học cưỡi ngựa cứ trông như trẻ con vậy!
Tế Độ lắc đầu nói:
- Đừng so mình với trẻ con.
Khối đứa cưỡi ngựa còn giỏi hơn nàng nhiều.
Phi Nhi nhìn sững Tế Độ, chàng cười xòa tiếp:
-Là ta vừa đùa với nàng, nàng rất có năng khiếu cưỡi ngựa.
Phi Nhi chun mũi lại rồi cũng cười.
Tiếng cười của Phi Nhi khiến Tế Độ nhớ đến Nữ Thần Y, chàng nhớ năm xưa chàng và Nữ Thần Y cũng từng cưỡi chung một con ngựa như chàng và Phi Nhi bây giờ.
Nữ Thần Y cũng ngồi ngay trước mặt chàng và cười, tiếng cười của nàng nghe hay như tiếng suối róc rách, đôi lúc lại như tiếng chuông gió khua, vang từng âm thanh thánh thót, bàng bạc khắp mọi nơi, tiếng cười dễ thương đó làm chàng cảm thấy vui trong lòng.
Phi Nhi thấy Tế Độ im lặng, hỏi chàng:
-Ngài làm sao vậy?
-Không có gì.
-Rõ ràng ngài có tâm sự, chắc ngài đang giận tiểu nữ làm mất con Đồng Nhi của ngài.
-Không – Tế Độ lắc đầu – Lúc nãy nàng cười làm ta nhớ đến tiếng cười của nàng ấy.
Nàng ấy có nụ cười rất đẹp, khi nàng ấy cười giống như hoa đều nở vậy.
Phi Nhi vẫn nhìn lên Tế Độ, hỏi:
-Thế còn tiểu nữ, khi cười có giống hoa nở không?
Tế Độ lắc đầu:
-Nàng cười cũng rất đẹp nhưng không cùng một dạng.
Ta không biết nữa, không biết diễn tả thế nào, có điều không giống nhau.
Phi Nhi mím môi.
Tế Độ thấy Phi Nhi mím môi, lại nữa, ánh mắt nàng chùng xuống sau khi nghe câu trả lời của chàng, tâm tư thiếu nữ lộ cả ra ngoài, Tế Độ chợt thấy chàng ngồi sát vào người cô thiếu nữ này trông không ổn chút nào bèn leo xuống ngựa.
Tế Độ vừa dắt ngựa đi vừa nói:
-Lúc nãy nàng nói rất thích xem huấn luyện ngựa vậy nàng có biết huấn luyện ngựa là cả một nghệ thuật không? Việc huấn luyện bắt đầu khi ngựa còn nhỏ, cho ngựa tiếp xúc với con người khiến ngựa trở nên dạn dĩ hơn, sau đó dạy ngựa bằng sợi dây.
Người huấn luyện sẽ cột dây vào đầu ngựa và cho chạy vòng vòng theo hình tròn cùng lúc dạy ngựa nghe những hiệu lệnh như ngừng, đi, chạy.
Yên ngựa và người ngồi lên cưỡi ngựa được dạy một cách từ từ cho ngựa quen dần đi.
Một thời gian sau người huấn luyện sẽ dạy ngựa bằng cách dùng chân hay tay của mình để điều khiển ngựa theo ý mình.
Ví như dùng chân thúc vào bụng để khiến ngựa đi ngang, kéo dây cương ngược lại đằng sau để ra hiệu cho ngựa dừng lại, giật phía phải để quẹo phải, giật phía trái để quẹo trái.
Tế Độ nói thao thao bất tuyệt.
Phi Nhi rất nhạy cảm, đương nhiên nàng biết Tế Độ cố tình không ngồi chung một con ngựa với nàng, chàng muốn giữ cho bản thân không gần gũi một cô gái nào ngoài người con gái trong lòng chàng.
Phi Nhi nhủ bụng chàng yêu Nữ Thần Y nhiều như thế, nhưng vì thân phận khác biệt nên hai người không thể nào được gần nhau.
Phi Nhi chứng kiến tấn bi kịch ấy, liên tưởng đến tình cảnh ấy của chàng, lòng nàng không khỏi bùi ngùi.
Lúc này Mẫn Mẫn phi ngựa chạy lại đón đường hai người.
Phi Nhi thấy Mẫn Mẫn, vờ cuống quýt độ như sắp khóc đến nơi, bảo Tế Độ:
-Tiểu nữ không muốn đua ngựa với cách cách nữa đâu, tướng quân, ngài giúp tiểu nữ nói với cô ấy đừng bắt tiểu nữ đua ngựa nữa!
Tế Độ nhìn Phi Nhi bằng ánh mắt như không hiểu nàng đang nói gì, Phi Nhi được dịp bèn kể với Tế Độ chuyện Mẫn Mẫn đã dùng roi đánh vào mông Đồng Nhi ra sao.
Phi Nhi dứt lời, Mẫn Mẫn cho ngựa bước song song với ngựa của Tế Độ, nhìn xuống chàng, nói:
-Định Viễn đại tướng quân, giờ Ngọ hôm nay Đài Nã phúc tấn đãi tiệc mừng bổn cung tới thăm bà ở Túc vương phủ, ngài nhớ phải đến đúng giờ!
Tế Độ thấy Mẫn Mẫn không xin lỗi thậm chí cũng không hỏi thăm Phi Nhi lời nào, khẽ chau mày.
Mẫn Mẫn không nghe Tế Độ trả lời, lặp lại câu nói vừa rồi.
Tế Độ vẫn không trả lời, Mẫn Mẫn bèn trợn mắt nhìn Tế Độ, quát lên:
-Định Viễn đại tướng quân! Ngài đã ăn trúng gan hùm mật gấu rồi phải không? Dám không trả lời bổn cung, đang trách bổn cung à?
Tế Độ im lặng.
Mẫn Mẫn tung hai tay lên trời kêu lên:
- Làm sao mà bổn cung biết cô ấy cưỡi ngựa tồi đến thế này? Nếu biết trước bổn cung đã không thi đấu với cô ấy làm gì.
Không phải bổn cung cố ý làm cô ấy bị thương mà bổn cung hoàn toàn không ngờ sự việc lại đến nông nỗi này!
Tế Độ vẫn một mực giữ im lặng, cũng không nhìn Mẫn Mẫn, tiếp tục dắt con ngựa đưa Phi Nhi đi thẳng.
Mẫn Mẫn kéo dây cương cho ngựa của nàng dừng lại nhìn theo Tế Độ, nàng thấy thái độ chàng lạnh nhạt, bèn đưa cặp mắt tức tối nhìn theo chàng.
Bấy lâu, ở trong lòng Mẫn Mẫn, lúc nào Tế Độ cũng là bậc quân tử khoan hòa, đối nhân xử thế rất mực nhã nhặn và lịch thiệp.
Hơn nữa chàng còn sở hữu một giọng nói điềm đạm cuốn hút người nghe.
Thế mà lúc này cái người tử tế nồng hậu ấy vì đứa con gái thân phận thấp hèn mà phớt lờ nàng.
Mẫn Mẫn ấm ức nhủ bụng: “Ái Tân Giác La Tế Độ! Không ngờ mấy năm gặp lại, chàng thật vô lễ! Dám vì một đứa con gái quê mùa mà không phân biệt trên dưới, tuân theo lề luật, phép tắc, dám không trả lời ta?”.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...