Quỷ Cổ Nữ

Ngày 20 tháng Năm, khoảng 16 giờ 40 phút, tại ngõ Phủ Tùng - Dư Trinh Lý.
“Không ai trong các vị nhìn thấy ông già đó à?” Ba Du Sinh hỏi.
Mọi người ở đại sảnh bàn bạc và nhất trí che giấu hành vi của Lý Vạn Tường xong xuôi, tình trạng trở lại như thời điểm tên cướp B và C bỏ ra ngoài rồi, thì bỗng có tiếng bước chân, một ông già xuất hiện.
Na Lan nói, “Em đương nhiên không biết ông ta, em cũng không kịp nhìn vẻ mặt của tất cả mọi người, nhưng nghe họ xôn xao phía sau thì nhận ra có một người biết ông ta, còn lại thì không biết.”
Ba Du Sinh, “Đúng! Gói thuốc nổ thứ hai.”
“Tiếc rằng lúc đó em đã nhảy xuống lầu nên không nhìn thấy người quăng gói thuốc nổ. Chắc chắn phải có ai đó nhìn thấy, nhưng họ không nói ra.” Na Lan nói.
“Cũng như cô và mọi người không nói ra Lý Vạn Tường!”
Na Lan gượng cười, “Thì em đang nói đây còn gì?” Thấy Ba Du Sinh tủm tỉm, cô bèn làm ra vẻ vừa nhớ ra, “… à, còn có Quách Tử Phóng.”
“Tôi cho rằng cô đã sớm đoán ra rồi.” Ba Du Sinh hơi nghĩ ngợi, rồi hỏi, “Mọi người không ai biết tên ông già à?”
Na Lan lắc đầu, “Vì sự việc xảy ra quá nhanh!”
Ngày 18 tháng Năm, tại đại sảnh lầu chính Tiêu Tương, hiện trường vụ án.
Ông già từ dưới nhà đi lên tên là Hồng Hán Hữu, lúc tới tầng hai hội quán Tiêu Tương, ông cảm thấy mọi việc xảy ra hôm nay nên coi là duyên phận.
Ông chủ tâm đến hội quán Tiêu Tương, ông đã có ý định này cách đây một tháng. Nghe nói hội quán của Đới Hướng Dương sắp khai trương, ông quyết định sẽ đến. Mọi kết cục sẽ xảy ra trong ngày khai trương này. Ông đã tính toán đâu ra đấy, gói thuốc nổ thì chuẩn bị từ lâu, ông cũng đã nắm vững quy luật hoạt động của Đới Hướng Dương, ông định tấn công Đới Hướng Dương ở khách sạn Đại Kim Sa. Nhưng sau khi biết tin Đới Hướng Dương khai trương hội quán, ông bèn nghĩ lại. Ông đã kiên nhẫn chịu đựng bao năm qua, thì chờ thêm một tháng nữa, chẳng khó.
Hôm nay đến hội quán Tiêu Tương, ông đi theo Quách Tử Phóng.
Sau khi đến Giang Kinh, Hồng Hán Hữu bèn nghe ngóng khắp nơi xem phóng viên đáng tin cậy nhất ở đây là ai. Thoạt đầu người ta bảo không có ai cả. Về sau, có người nói: đáng tin hay không chỉ là tương đối, hoặc là cho ông biết vài tay phóng viên “không đáng tin cậy mấy”.
Một trong số đó là Quách Tử Phóng.

Hồng Hán Hữu cũng đã tính rồi: ở hiện trường phải có mặt một tay phóng viên. Lý do rất đơn giản: đây là chuyện lớn liên quan đến quốc kế dân sinh. Nhiệm vụ của phóng viên là đưa tin về những sự việc như thế, đưa tin một cách khách quan công bằng. Cho nên mới khó tìm phóng viên nghiêm chỉnh. Hồng Hán Hữu biết rõ hơn ai hết về sự kiện xảy ra ở Hồng Bình, nếu có một phóng viên hết lòng vì chính nghĩa thì chuyện ngày đó đã không đến nỗi nào.
Cho nên ông muốn nói chuyện trước với Quách Tử Phóng về sự kiện Hồng Bình. Tại sao lại để cho một người có tuổi tứ chi lành lặn, đầu óc tỉnh táo như ông chỉ vì thể hiện quan điểm mà phải đến nông nỗi này.
Thì ra chuyện đó vốn rất đơn giản.
Tám năm về trước bỗng rộ lên một tin đồn nửa thực nửa hư: ở Hồng Bình có mỏ vonfram.
Về lý mà nói, đây là tin tốt lành. Hồng Bình chưa phải là nơi rừng thiêng nước độc nhưng cũng không màu mỡ trù phú, cho nên miền đất này vẫn mấp mé bên cạnh chuẩn nghèo, phát hiện mỏ kim loại quý là một vận may hiếm có. Những người có máu mặt ở địa phương muốn kiếm chác được một món ra trò trước khi các chủ mỏ và thợ mỏ đua nhau kéo đến, nhưng khai thác và gia công vonfram yêu cầu kỹ thuật và thiết bị cao cấp chứ không giống như khai thác than đá hay luyện quặng sắt, nên những người này đành cầu cứu người từ xa đến. Tập đoàn Hâm Viễn đã có mặt.
Hâm Viễn cử nhân viên kỹ thuật đến, rồi nhanh chóng đưa ra kết luận: tin đồn Hồng Bình có mỏ vonfram là đúng, tin này chưa lan rộng ra ngoài. Họ quyết định đầu tư khai thác ở Hồng Bình. Được Hâm Viễn chi tiền cho, một tay phú hào có máu mặt ở địa phương chấp nhận làm tiên phong, tức là “chân chạy”, giải quyết thông suốt mọi mối quan hệ ở xã, huyện, giúp Đới Hướng Dương có được giấy phép khai thác, đồng thời mua lại ruộng đất của các hộ dân trong đó có 20 mẫu rừng và 4 mẫu ruộng của Hồng Hán Hữu.
Hai chục năm qua, nhờ 20 mẫu rừng này, cả nhà Hồng Hán Hữu sinh sống tạm ổn, không dư dật nhưng cũng không đói khổ. Nhìn số tiền người ta đặt trước mặt, ông hiểu rằng: không còn rừng còn ruộng, cả nhà ông có thể chết đói. Vì thế Hồng Hán Hữu từ chối thẳng thừng.
Tên “chân chạy” cho Hâm Viễn bèn tự nguyện chi thêm chút ít tiền bồi thường, rồi cả trưởng thôn lẫn bí thư thôn cũng đến vận động. Hồng Hán Hữu nói: ông cần phải có con đường sống, và từ chối. Phú hào nói sẽ bàn thêm với tập đoàn, các vị cứ chờ đấy.
Rồi một đêm tối trời gió mạnh, họ “chờ” thấy một xe tải chạy đến cùng hơn chục tên côn đồ tay cầm gậy gộc, hai mươi phút sau cả nhà Hồng Hán Hữu mười mấy người già trẻ lớn bé bị đánh nhừ tử, em trai ông bị đánh gãy hai chân, người con thứ hai của ông bị đánh gãy chân trái và tay trái, lại thêm chấn thương sọ não, bà mẹ già 81 tuổi bị đánh đập hỏng một con mắt.
Căn nhà tranh vách đất của Hồng Hán Hữu vẫn còn nhưng đã biến thành một bãi hoang, toàn bộ đồ đạc trong nhà bị đập phá sạch.
Hai hôm sau trưởng thôn cùng phú hào tới hỏi thăm, tỏ ra rất thông cảm với tổn thất này, trưởng thôn thở dài: cũng nên thấy rằng bọn chúng vẫn còn nương tay đấy, nếu chúng đánh chết người thì chúng tôi cũng không biết tìm chúng ở đâu.
Hệt như câu nói của cảnh sát.
Vài hôm sau gã phú hào ấy lại đến thương lượng tiếp với Hồng Hán Hữu. Ông hiểu rằng đây là thời điểm sinh tử của cả nhà mình, ông nói: tình thế đã có biến động, cả nhà bị thương thì ít ra cũng cần có tiền để chạy chữa, và Hâm Viễn phải chấp nhận mai kia khai thác vonfram cho con cháu ông vào làm thợ, bằng không chúng tôi sẽ chết đói, và nếu thế thì chúng tôi quyết giữ rừng giữ đất, liều chết chống lại các người!
Phú hào nói: đâu thể như vậy, xã hội coi mạng người như cỏ rác hay sao? Không đời nào để đến nước ấy, chúng tôi sẽ giúp ông đạt nguyện vọng.
Vậy là cuộc sống của cả nhà Hồng Hán Hữu đã có điểm tựa, không còn rừng còn ruộng nhưng cũng có việc làm để đủ ăn và chăm sóc các cháu.
Tám năm sau, các nhân viên kỹ thuật của Hâm Viễn đã nhận ra vì sao thông tin mỏ mới ngày xưa lại nửa thật nửa giả: trữ lượng vonfram ở Hồng Bình rất có hạn. Nhất là khi tay phú hào địa phương ngày càng đòi ăn miếng to hơn. Hâm Viễn ngày càng khó khống chế cục diện Hồng Bình từ xa, các chủ mỏ tư nhân cũng kéo đến mỗi lúc một nhiều, khiến việc khai thác vonfram trở nên gian nan. Ban đầu hiệu quả to lớn nhưng nay chẳng bằng đào quặng sắt.

Hâm Viễn đành chạy tháo thân. Rất nhanh chóng, nhà họ Hồng bỗng rơi vào cảnh quẫn bách chưa từng thấy.
Rừng rậm tốt tươi ngày trước nay xác xơ chỉ còn trơ đá núi, nham nhở như bị dán cao, bợt bạt như ghẻ lở hắc lào. Bốn mẫu ruộng nhà họ Hồng ngày trước gần bờ sông, đã biến thành nơi tập kết đất đá, ô nhiễm không biết đến ngày nào mới trồng trọt lại được.
Huống chi, rừng và đất chẳng còn thuộc về nhà họ Hồng nữa, mỏ vonfram phá sản, người ta không trả lại quyền sử dụng đất cho nhà họ Hồng.
Hồng Hán Hữu lại lao vào cuộc chiến mưu sinh cho gia đình, ông đi khắp nơi kêu cầu, tìm cách giải quyết. Rất nhiều gia đình ở Hồng Bình có cảnh ngộ như nhà ông, đùm bọc nương tựa lẫn nhau, dần dần hình thành một lực lượng. Nhưng Hồng Bình ngày nay đã khác tám năm về trước. Năm xưa Hồng Bình là miền đất khiến nhiều người thèm rỏ dãi, tay phú hào cùng Hâm Viễn đã đánh nhanh thắng nhanh, Hồng Bình giờ đây chỉ như một gia đình sa sút, như một ngôi sao tàn lụi hết thời, nghe nói tay phú hào đã di cư sang Úc, phòng tài chính huyện không đủ sức trợ cấp cho các hộ mất đất mất đường sống dù chỉ là một chút tượng trưng, nói gì đến giải quyết sinh kế cho hàng trăm con người. Cho nên cánh thanh niên thì đành gạt nước mắt giã biệt quê hương đi đến các thành phố gần đó làm thuê, trung niên quá tuổi lao động cũng không chịu nổi chờ chết, họ đi khiếu kiện, một số người như Hồng Hán Hữu thì điên tiết không chịu nổi, nghĩ đến những cách giải quyết rất cực đoan.
Cậu con trai thứ hai của Hồng Hán Hữu khi trước bị đánh gãy chân, hơi tập tễnh, lên xuống giếng mỏ rất khó khăn nên được làm ở tổ nổ mìn phá đá. Cậu ta cũng sáng dạ, nên chẳng bao lâu sau là nắm được kỹ thuật cơ bản về thuốc nổ, tự chế hai bọc thuốc nổ theo yêu cầu của cha. Hồng Hán Hữu không mang thuốc nổ lên tàu hỏa vì sợ gây ra nguy hiểm, mà đi bằng xe buýt đến Giang Kinh.
Tổng giám đốc của tập đoàn Hâm Viễn là Đới Hướng Dương đang ở Giang Kinh. Đã đến lúc phải tính sổ các món nợ ngày trước.
Hồng Hán Hữu muốn kể hết đầu đuôi câu chuyện với Quách Tử Phóng, ngồi xuống hẳn hoi, vừa ăn mỳ vừa nói ấy.
Bởi thế sáng nay ông đến trụ sở Tin chiều Tân Giang. Ông đã quan sát suốt hai tuần qua, thấy sáng nào Quách Tử Phóng cũng đến tòa soạn, kể cả cuối tuần. Thế là phải, vì phóng viên luôn cần đưa tin, sáng ngày ra đã bắt đầu có đủ loại tin tức, nếu chểnh mảng thì vứt!
Hồng Hán Hữu đi đi lại lại bên ngoài tòa soạn, định bụng gặp Quách Tử Phóng nói chuyện xong sẽ đến ngay hiệu ăn Tiêu Tương. Ông không biết tại sao gọi Tiêu Tương là hội quán? Gọi là hiệu ăn thì kém cạnh hay sao? Ông muốn thuyết phục Quách Tử Phóng cùng đi, anh chàng này sẽ có tin độc quyền tin nhanh tin nóng, cánh nhà báo luôn mong điều này chứ còn gì? Nhưng liệu Quách Tử Phóng có ra sức ngăn cản ông? Tất nhiên! Nếu không, anh ta cũng có tội. À, không sao, mình sẽ không nói cụ thể, chỉ cần anh ta đi cùng rồi sẽ biết.
Ông đang cân nhắc thì Quách Tử Phóng từ trong tòa soạn đi ra, có vẻ vội vàng, ra vỉa hè vẫy taxi luôn.
Hồng Hán Hữu chưa kịp gọi thì anh phóng viên “ngựa vằn” ấy đã chui tọt vào taxi. Ông đủ tiền để đi taxi theo nhưng nào biết anh ta đến đâu, nếu ra tận ngoại thành thì mình tốn tiền vô ích à?
Cũng may, đoạn đường trước cửa tòa soạn khá đông xe cộ, vì Tin chiều Tân Giang nằm trên đường Nam Trường An gần đại lộ Nhân Dân, nên hay bị tắc xe. Hồng Hán Hữu rảo bước, lát sau thì đèn đỏ ở đầu phố, nhân đó ông chạy lên đầu xe Quách Tử Phóng.
Dân thành phố thật là buồn cười.
Đã hết đèn đỏ mà chiếc taxi đó vẫn chạy như rùa bò, Hồng Hán Hữu phải chờ nó bò đến, ông thậm chí vẫn đủ thì giờ mua một cái bánh bột vàng, ông muốn thử nếm xem thứ bánh của người miền Bắc này ra sao.
Khó mà nuốt được.
Còn Quách Tử Phóng, sốt ruột không chịu nổi, anh ta ra khỏi taxi rồi chạy như bay.

Không lo! Dù Quách Tử Phóng sung sức, chân dài nhưng thể lực thì chẳng bằng Hồng Hán Hữu, ông dễ dàng đuổi kịp anh ta. Quách Tử Phóng chạy đến ga tàu điện ngầm rồi chui xuống. Hồng Hán Hữu yên tâm, vì ông cũng có thẻ từ, ông ung dung bước vào, cùng lên rồi cùng xuống tàu với Quách Tử Phóng. Lên mặt đất, đi một quãng không xa, rẽ vào một con ngõ nhỏ nhếch nhác nhưng rất đông người, đi tiếp, thì nhìn thấy hội quán Tiêu Tương.
Đúng là có duyên!
Hôm nay Hồng Hán Hữu muốn kết thúc với Đới Hướng Dương, ông muốn người phóng viên nghiêm chỉnh Quách Tử Phóng có mặt ở đó, anh ta sẽ đưa tin chân thực về diễn biến, sẽ kể lại câu chuyện thay ông. Nhưng rõ ràng là ông không cần thuyết phục gì cả, mà tự anh ta tìm đến Tiêu Tương.
Quách Tử Phóng đi thẳng vào cửa lầu chính, Hồng Hán Hữu càng mừng: vì chính ông cũng vào nơi này! Ông đã biết tin hôm nay lầu chính Tiêu Tương tổ chức chiêu đãi: khách của Đới Hướng Dương và một ông chủ nữa. Quách Tử Phóng có thể vào chứng tỏ anh là một phóng viên có vị trí đáng nể, ông chỉ mong anh đừng quá thân thiết với Đới Hướng Dương thì tốt.
Hồng Hán Hữu đi đi lại lại bên ngoài lầu chính, tâm tư bề bộn, dù nhìn bề ngoài thì ông cũng như nhiều du khách đang ngắm nghía các tòa lầu Ba Khắc. Đi thẳng vào lý sự với Đới Hướng Dương thì chắc là không được. Mình lại do dự băn khoăn rồi? Không hiểu sao ông có cảm giác mình chuẩn bị chưa kỹ, còn thiếu một thứ gì đó, dù thiên thời địa lợi nhân hòa đã đủ cả nhưng Hồng Hán Hữu vẫn cảm thấy hơi gấp gáp. Dù sao cũng nên để cho Quách Tử Phóng ngồi thở một lát đã. Hồng Hán Hữu đã quan sát từ trước, biết rằng lầu chính Tiêu Tương này còn có cửa sau, thường đóng im ỉm và khóa chặt. Cũng không là gì hết! Hồng Hán Hữu co duỗi vận động chân tay, rồi trèo lên cái cây mọc sát bên tường. Ông già sáu mươi ở miền rừng núi vẫn khác với ông già sáu mươi nơi thị thành! Đều tập thể dục, nhưng ông già miền núi có thể trèo cây, còn ông già thành phố chỉ có thể nhảy múa ở quảng trường là cùng.
Khi đang bám theo một cành cây to trèo lên, ông bỗng nghe thấy tiếng “đoàng” giống như tiếng súng của người trong thôn săn bắn thỏ, hoẵng gì đó, hình như tiếng “đoàng” từ trong lầu chính vọng ra. Sau đó là tiếng pháo nổ ran. Ngày khai trương hiệu ăn mới, đốt vài bánh pháo là chuyện bình thường.
Rồi ông nhảy xuống sân sau, ngó nghiêng bước đi, ông muốn tìm một chỗ ngồi nghỉ chốc lát để ổn định tâm trạng. Đây là lần đầu tiên Hồng Hán Hữu quấn thuốc nổ trong người lọt vào một chốn vui chơi giải trí cao cấp nên có hơi căng thẳng… Hầy, chủ yếu là lần đầu tiên mang thuốc nổ trong người!
Gọi là sân sau nhưng chẳng khác gì không có sân, chỉ đi mấy bước là đến sân trước. Ông đành quay lại, và nhìn thấy ô cửa sổ đang mở, bên trong vọng ra những tiếng rầm rầm và leng keng. Thử ghé nhìn vào, thì ra bên trong là nhà bếp, có ba thợ nấu bếp mặc đồng phục màu trắng đang bận rộn.
“Cấm nhúc nhích! Giơ tay lên!” Chợt có người hô vang, tiếng hô át cả tiếng quạt hút mùi đang chạy vù vù.
Hồng Hán Hữu vô thức giơ tay theo mệnh lệnh, rồi ông nhận ra tiếng hô ấy nhằm vào ba người đầu bếp trong nhà. Tim vẫn đập thình thịch, ông vội nấp dưới ô cửa sổ, bất động. Là chuyện gì thế? Lẽ nào là kẻ cướp xông vào cướp nhà bếp Tiêu Tương?
Nghe thấy người trong đó nói với nhau mấy câu, sau đó là tiếng quát, “Đi! Đi lên gác!”
Cuối cùng chỉ còn lại tiếng quạt hút mùi đang chạy như điên.
Hồng Hán Hữu thận trọng thò đầu lên nhòm gian bếp, không thấy một ai. Trên bàn xếp đủ thứ soong nồi muôi thìa chậu, và một vài món đã nấu xong. Rõ ràng là bọn cướp không nhằm vào gian bếp, nếu không, chúng sẽ nẫng ngay các món ngon lành kia rồi. Hồng Hán Hữu đu lên bậu cửa sổ trèo vào trong bếp. Quạt hút mùi chạy nhức cả đầu, ông định tắt đi, nhưng các hàng chữ tiếng nước ngoài ghi chú đã khiến ông từ bỏ ý định này.
Chính vì không tắt quạt hút mùi nữa và quay người lại nhìn ra phía sau của gian bếp, nên ông mới nhìn thấy hai bóng người vừa đi ngoặt qua góc tòa lầu. Cửa sau chỉ là giếng trời thoáng đãng, sao lại có người đi vào đây? Bản năng xui ông ngồi thụp ngay xuống, sau đó nhích người về phía bồn rửa tay. Ông nghe thấy tiếng bước chân của ai đó đi vào cửa, không vào bếp, sau đó đi ra luôn.
Ông bỗng chú ý đến một cái thùng to ở bên dưới bồn rửa tay.
Một thùng dầu, dầu lạc, dầu đậu hay dầu hạt cải? Bên ngoài không đề chữ gì cả, ông thử mở nắp thùng ra ngửi. À, dầu hạt cải.
Ông bỗng “tỉnh ra”: vì đây là thứ mà ông ngờ ngợ là còn thiếu trong kế hoạch của mình, là thứ vẫn khiến ông do dự…
Có thùng dầu này, ông sẽ có thêm nguồn lực.

Hồng Hán Hữu bỗng cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh, ông từ từ đứng lên nhìn khắp lượt, trong bếp không có một ai, chốn này thuộc về ông! Ông lại kiểm tra các tủ lớn nhỏ, phát hiện thấy một can sắt 10 lít đựng dầu diesel còn nguyên vẹn. Nhà bếp này có bốn bếp đun ga, một trong số đó có thể vừa đun ga vừa đun dầu diesel, dầu này để dự phòng.
Ông nhấc can dầu lên, nghĩ ngợi, rồi lại đặt xuống. Ông chạy ra đóng kín cửa sau, chốt chặt, sau đó đóng kín các cửa sổ, hạ mành xuống. Tốt rồi, trong này là một không gian khép kín, bí mật, lát sau nó sẽ sặc mùi dầu.
Hồng Hán Hữu đang tưới dầu khắp sau nhà thì nghe thấy tiếng còi hụ của xe cảnh sát. Ông giật mình, suýt nữa tuột tay đánh rơi can dầu. Ông cố trấn tĩnh. Có lẽ mình đoán không sai, đúng là có kẻ định cướp Tiêu Tương, và cảnh sát đã đến để xử lý!
Thế thì mình phải nhanh tay lên mới được.
Hồng Hán Hữu lại nghĩ: không! Mình vốn không dính dáng gì đến cướp bóc, cứ để cảnh sát xử lý xong bọn cướp, rồi Đới Hướng Dương và Quách Tử Phóng lại ngồi với nhau, khách khứa tề tựu đủ cả, đó mới là lúc tốt nhất để mình nói chuyện với Đới Hướng Dương. Cho nên, mình sẽ chờ đến tối cũng không vấn đề gì. Nhưng nếu các đầu bếp quay lại tiếp tục nấu ăn, họ thấy sàn nhà toàn dầu là dầu thì sẽ thế nào?
Được, đến lúc đó hãy hay. Chứ bây giờ làm sạch đám dầu này đâu có dễ?
Hồng Hán Hữu tiếp tục tưới dầu. Tưới hết dầu diesel lại tưới dầu hạt cải, ông tưới khá đều. Chỉ ngán nhất là hai chân dính dầu lép nhép, giẫm nhòe nhoẹt khắp nơi, trơn trượt rất khó bước đi. Cứ thế, ông làm từ từ, thậm chí thừa thời gian để tìm được cách tắt cái quạt hút mùi chạy ầm ầm.
Thế là tốt rồi, Hồng Hán Hữu có thể nghe thấy mọi âm thanh bên ngoài, tiếng bước chân cảnh sát chạy lên gác sẽ nhắc nhở ông phải nấp đi. Liệu cảnh sát có cho rằng vụ cướp xảy ra trong bếp không? Chắc là không. Và dù họ đến thì ông vẫn có đủ thời gian chạy ra khỏi sân sau. Cảnh sát chỉ có thể nhìn thấy khắp sàn nhà bếp là dầu và mấy cái can ngổn ngang, thế thôi.
Thùng dầu bị đổ thì đương nhiên dầu sẽ chảy ra lênh láng.
Hồng Hán Hữu nghe thấy tiếng loa cảnh sát, không rõ lắm nhưng lờ mờ hiểu được là trên gác có người bị bắt làm con tin, họ đang muốn thương lượng. Ông nghĩ bụng, thế thì mình tiếp tục đợi.
Chờ đợi rất lâu, bỗng nghe bụng kêu o o. Lúc trước ăn nửa cái bánh bột, tất nhiên không đủ lấp đầy dạ dày. Ông bước đến trước mấy đĩa thức ăn chẳng biết tên gọi là món gì, mỉm cười, rồi bắt đầu “thanh lý” chúng. Ăn được nửa chừng, ông lại cảm thấy thiêu thiếu thứ gì đó, bèn bước lại tủ bếp, trông thấy một chai rượu Phần, tất nhiên ông vui lòng thu nhận!
Cơm rượu đầy đủ rồi, Hồng Hán Hữu lại cảm thấy kỳ lạ: cảnh sát đến từ lâu, bắc loa kêu gọi, mình đã ăn xong bữa cơm, sao mà lâu quá họ vẫn không xông vào cứu người, chiến đấu với bọn cướp? Ông đi chầm chậm ra khỏi nhà bếp, đi qua hành lang rồi bước đến đầu cầu thang. Nghe loáng thoáng trên gác có người nói chuyện, giọng thân mật ôn hòa chứ không có vẻ nguy cấp gì cả.
Hồng Hán Hữu lại ngạc nhiên, nghĩ ngợi và lắng nghe một lúc, hình như họ nói ai thiệt thòi gì đó.
Dù được ăn không bữa cơm, dân Hồng Bình chúng tôi đây vẫn bị thiệt thòi! Ta nói với Đới Hướng Dương nhà ngươi đấy!
Ông không thể xác định Đới Hướng Dương có mặt trên đó không, nhưng nếu có mặt thì lúc này ông ta đang bị khống chế, người được tự do là bọn cướp chứ còn gì!
Mình cũng đang tự do, đây chẳng phải cơ hội rất tốt hay sao?
Mình đang chờ đợi cái gì?
Hồng Hán Hữu hít vào một hơi thật sâu, rồi bước lên cầu thang.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui