Vì bất ngờ bị cảnh sát thẩm vấn, Từ Bạch bỏ lỡ lần gặp bà cuối cùng.
Bằng chứng mà Triệu An Nhiên cung cấp rất lớn và phức tạp, còn liên quan đến đánh giá tổn thất tài sản của Hằng Hạ - kết quả phán xét về mặt này không thể chỉ tin vào một bên Hằng Hạ, mà phải giao cho các chuyên gia có liên quan.
Căn cứ theo khẩu cung của Triệu An Nhiên, Từ Bạch là đồng lõa của cậu ta, lấy cắp bí mật thương mại và bán cho các công ty lớn. Bằng cách này, tội lỗi của công ty XV cũng được xóa bỏ.
Cũng vì Từ Bạch và Tạ Bình Xuyên đã kết hôn, cho nên các chứng cứ hướng về Tạ Bình Xuyên trước đó cũng phải được kết luận lại. Vụ kiện này không biết sẽ kéo dài đến khi nào – giống như những vụ tranh chấp khác trong ngành, có thể phải điều tra đến tận ba hay năm năm.
Họa đơn vô chí, mà khó khăn thì liên tục ập đến. Từ Bạch như lạc trong mây mù, cả người hỗn loạn mấy ngày liền.
Đến hôm làm tang lễ.
Lễ truy điệu được tổ chức tại nhà tang lễ, Từ Bạch và Tạ Bình Xuyên cùng tham dự. Là cháu rể của người đã khuất, Tạ Bình Xuyên được xem như thành viên nam trong gia đình. Anh đứng ở cửa cùng Từ Bạch, gặp thân thích dưới quê lên.
Trời lạnh buốt, không khí tang tóc bao trùm.
Mắt của bố Từ Bạch đỏ hoe, ông giới thiệu với họ hàng: "Đây là con rể tôi, chưa kịp làm đám cưới."
Tạ Bình Xuyên gật đầu chào hỏi, bầu không khí im lặng.
Anh không nhận ra Từ Bạch đã ra khỏi phòng.
Những vòng hoa sơ sài xếp thành hàng, trong số những người đến viếng, có rất nhiều đồng nghiệp của bố. Từ Bạch thấy hơi ngột ngạt nên ra ngoài cho thoáng, Đào Quyên đi theo sát phía sau, thậm chí không buồn lo cho con trai.
"Từ Bạch," Đào Quyên gọi thẳng tên, giọng điệu khá ôn hòa, "hầy, bà cụ qua đời rồi, cô đau lòng lắm nhỉ."
Cô ta mặc đồ đen từ trên xuống dưới, đeo khuyên tai hạt châu, tóc búi cao, quấn một dải băng. Có lẽ vì hôm nay là lễ truy điệu, khách khứa đến đông đúc nên cô ta cố tình trang điểm kỹ, phong thái rất xinh đẹp.
Nhưng Từ Bạch không nhìn cô ta.
Đào Quyên đến gần một bước, nói: "Từ Bạch à, chuyện năm đó, cũng lâu đến thế rồi, bà nội cũng đi rồi. Bố cô cũng đã lớn tuổi, hơn 50 rồi, càng ngày càng già. Cô thù hằn với bố làm gì chứ? Chẳng lẽ, cô muốn hận bố cô cả đời?"
Chuyện phong thủy không phải hoàn toàn bịa đặt. Những nhà tang lễ mà Từ Bạch từng đi, nhìn chung đều mát mẻ hơn những nơi khác, nhưng không khí tĩnh mịch và nặng nề. Từ Bạch vẫn đứng thẳng người, một lúc sau, rốt cuộc đáp lại một câu: "Lúc đó tôi mới mười lăm tuổi. Lúc cô mười lăm tuổi, cô đang làm gì?"
Đào Quyên chưa trả lời, Từ Bạch đã nói: "Mười lăm tuổi, lớp 8, không có gánh nặng kinh tế, chỉ sống ấm no..."
Cô hơi nghiêng mặt sang, ánh mắt đối diện với Đào Quyên: "Nói thù hận, không bằng nói là trong lòng nguội lạnh thì đúng hơn. Người tôi hận không chỉ có ông ấy, còn có cô."
Gần đó có một vòng hoa, cùng với hai bức màn treo, gió thổi qua, mang đến khúc nhạc buồn.
Sắc trời u ám, không thấy ánh mặt trời, không một bóng người qua lại, bầu không khí rất căng thẳng.
Đào Quyên cười nói: "Này, đang lễ tang đấy, cô không muốn mặt mũi hay sao mà gây chuyện với tôi?"
Cô ta vuốt tóc, rất sang trọng và gọn gàng, khóe mắt nhướng lên, vô cùng quyến rũ.
Vốn dĩ bố Từ Bạch đã mệt mỏi về mặt tinh thần lẫn thể xác, so với Đào Quyên hôm nay, hai người cứ như kém nhau 30 tuổi. Chồng già và vợ trẻ lấy nhau, người vợ đã hy sinh, người chồng tất nhiên phải bù đắp.
Thế nên, Đào Quyên giải tỏa tâm lý gánh nặng, mở miệng nói: "Tôi không phải tới cãi nhau với cô. Từ Bạch, chúng ta nói thẳng nhé, điều kiện kinh tế trong nhà không ổn, em trai cô phải đi học, mà lương của bố cô thì thấp. Còn cô, kết hôn rồi, chồng vừa đẹp trai vừa giàu..."
Cô ta dừng nói, nghĩ tới Tạ Bình Xuyên, trong lòng hụt hẫng.
Chỉ lớn hơn Từ Bạch mười tuổi, nhưng hoàn cảnh lại khác nhau một trời một vực.
Đào Quyên kéo áo khoác lên, tự giễu bản thân: "Tiền mà bà nội cô bán nhà cũ, Từ Bạch, nhường cho chúng tôi đi. Mấy trăm vạn thôi mà? Không là bao nhiêu với chồng cô, nhưng là tiền cứu mạng với gia đình tôi."
Cô ta dựa vào tường. Lúc nói chuyện, khuyên tai hạt châu đong đưa, dường như Đào Quyên nhận ra, giơ tay sờ một lúc rồi nói: "Khuyên tai giả, tôi không mua nổi đồ thật."
Nào ngờ Từ Bạch trả lời: "Muốn mua khuyên tai thật à? Cô hẳn là nên tìm Từ Lập Huy chứ không phải tôi."
Trước đó, khi cô nhắc đến bố, chưa bao giờ gọi đầy đủ họ tên.
Cái chết của bà nội như một con dao bén, cắt phăng đi sự bình tĩnh bên ngoài. Từ Bạch đi vòng qua trước mặt Đào Quyên, để lại một câu: "Tiền sau khi bán nhà cũ đã được bên trung gian gửi vào thẻ ngân hàng tôi rồi. Hôm qua tôi mới nhận được tiền, không có ý định đưa cho các người. Đây là di chúc của bà nội, tài sản của bà, tại sao tôi phải tặng cho cô?"
Cô đi một đôi bốt đơn giản, vẫn cao hơn Đào Quyên đi giày cao gót.
Đào Quyên không khỏi nhướng mắt: "Này, Từ Bạch, cô không muốn nói chuyện đàng hoàng đúng không? Trong lễ truy điệu của bà nội cô, cô một hai muốn mất mặt, khăng khăng phải cãi nhau với bậc bề trên?"
"Người muốn cãi nhau là cô." Từ Bạch dừng chân, quay đầu lại liếc cô ta một cái, "Tôi đã không liên lạc với họ hàng mười năm nay, cũng không quen biết đồng nghiệp của Từ Lập Huy, nếu cô muốn mất mặt thì cãi lại đi."
Hoạt động tưởng niệm sắp bắt đầu, người dẫn chương trình đã lên sân khấu chuẩn bị đọc diễn văn, đang chờ thân thích vào đầy đủ.
Từ Bạch đi vào từ cửa sau, Đào Quyên đi theo cô. Xung quanh đủ mọi tiếng ồn, xen lẫn tiếng khóc bi thương – khác với Đào Quyên nghĩ, Từ Bạch không rơi một giọt nước mắt nào, biểu hiện rất máu lạnh, cực kỳ thiếu lương tâm.
Từ Bạch thậm chí không nhìn quan tài.
Vừa chạm mắt đến quan tài là cô đã muốn nhìn chỗ khác, không dám đối mặt, cũng không dám cung kính nhìn.
Bước chân nhẹ hẫng, cứ như lướt nhanh. Biểu hiện của sự đau buồn không chỉ là khóc lóc, mà còn nghi ngờ thực tại, như lọt vào sương mù.
Theo lời bác sĩ, tình trạng của bà nội bất ngờ chuyển biến xấu, nguyên nhân chết không phải ung thư gan, mà là đột tử. Gây suy tạng, mất đi ý niệm muốn sống.
Nghĩ đến đây, Từ Bạch lại nhìn về phía Đào Quyên.
Đào Quyên nhếch miệng, không tránh né.
Cô ta nhìn Từ Bạch lên đài, đứng cạnh Tạ Bình Xuyên, rõ ràng là mang giày đế bằng nhưng Từ Bạch đứng không vững lắm, lúc lảo đảo thì được Tạ Bình Xuyên đỡ lấy. Từ lúc đó đến khi kết thúc nghi thức, anh không hề buông tay.
Người đi, trà nguội, khách khứa lần lượt xuống sân khấu.
Nhóm họ hàng ngồi cùng nhau an ủi bố Từ Bạch. Từ Hoành còn nhỏ tuổi ngồi trên ghế, ôm iPad cúi đầu chơi. Không phải cậu không sợ hay không hề thấy đau lòng, chỉ là không biết phải ứng phó thế nào, dứt khoát ngồi chơi game.
Mẹ cậu vuốt tóc cậu, bình tĩnh nói: "Hoành Hoành, thứ con không có, mẹ sẽ giành lại cho con."
Người nhà họ Từ đều đang khóc thương cho bà cụ, Đào Quyên thì lại ôm chặt con trai, xót xa cho hoàn cảnh của hai mẹ con. Ở đất Bắc Knh, không có tiền thì phải sống thế nào, con trai của cô còn chưa được mười tuổi.
Đào Quyên thật lòng thật dạ, một giọt nước mắt rơi xuống.
Sau đó, là khóc không ra tiếng.
Đào Quyên nức nở nói: "Hoành Hoành, con đừng nhớ bà nội nữa, bà nội không về được... Nhà bị chị con lấy rồi, một nhà ba người chúng ta phải làm thế nào đây?"
Bố của Từ Hoành đứng cách đó không xa lắm. Đào Quyên lấy khăn giấy lau mặt, nước mắt rơi như mưa trong nháy mắt: "Từ Bạch, xem như dì xin con, hôm nay là lễ truy điệu, ngày mai đưa bà nội con đi chôn rồi, con mà không nói rõ ràng thì dì chẳng quan tâm gì nữa, bây giờ đi tìm bà cụ..."
Một người lớn ra mặt, đi đến gần, hỏi: "Cô làm gì vậy, đứng lên đi, đừng có nằm dưới đất."
Đào Quyên không nghe. Cô ta gọi: "Từ Bạch, Từ Bạch...."
Cứ như thần chú thúc riết.
Từ Bạch bị cô ta gọi, đi qua vài người họ hàng, đến đó như dự đoán.
Nhưng cô giật phăng iPad trong tay Từ Hoành, đập "bốp" xuống đất. Mặt đất là sàn gỗ, màn hình iPad không bị vỡ, chỉ bị nứt một đường nhỏ, chọc giận Từ Hoành vốn đang yên lặng.
"Lúc đọc diễn văn, cậu chơi game, từ đầu đến cuối, cậu chỉ chơi game." Từ Bạch hỏi em trai cùng cha khác mẹ, "Bà nội lo cho cậu chín năm nay, cẩn thận chu đáo, bà bệnh nằm viện, qua đời, cậu không có một chút cảm xúc nào hết, cậu là con người sao?"
Cô cảm thấy rất không đáng.
Bạo lực không thể giải quyết vấn đề. Không biết bắt đầu từ khi nào, mọi người cứ thích nói "Đập phát chết luôn", thế nhưng bạo lực là xúc phạm pháp luật, nếu ai cũng có thể dùng tư hình [1], thì người nghèo chính là tầng lớp thảm nhất.
[1] tư hình (私刑), hay hành hình kiểu Lin-xơ: bị hành hạ tàn bạo và độc ác không cần lý do.
Từ Bạch hiểu điều này. Cô chẳng có cách để giáo dục đứa trẻ này, rất muốn ném nó khỏi nhà tang lễ.
Nhưng lạ là người em cùng cha khác mẹ này lại không chửi tục. Cậu ta khóc lóc thảm thiết, nói: "Bà nội không đưa nhà cho mẹ.... mẹ cứ hỏi bà... rồi bà chết luôn....."
Giọng nói rất lớn, vang dội khắp nhà tang lễ.
Sắc mặt Đào Quyên trắng bệch.
Cô ta che miệng con trai lại, mắng: "Bậy bạ! Con đang nói gì đó?!"
Đứa trẻ chín tuổi không thể giấu được tâm trạng. Sở dĩ cậu thường xuyên nói tục là vì cậu có ấn tượng sâu với những câu chửi thề, hiểu "chết" là nguyền rủa, là cơn ác mộng đáng sợ.
Cậu chưa từng nghĩ rằng nội sẽ chết, hết bệnh thì ra viện – chuyện này rất bình thường.
Rốt cuộc bây giờ cũng nói ra hết suy nghĩ trong lòng, cậu khóc lóc ỉ ôi, không nhìn thấy vẻ mặt của bố.
Tạ Bình Xuyên đứng ngay bênh cạnh bố vợ, thêm dầu vào lửa: "Bố còn nhớ bác sĩ nói gì không? Muốn ca mổ tiến hành đúng kế hoạch, xác xuất thành công là 70% trở lên, trước đó phải giữ cho tâm trạng của bệnh nhân thoải mái."
Anh nói: "Sau khi bà nội qua đời, Từ Bạch mất ngủ suốt đêm. Con đoán bố cũng rất đau lòng, máu mủ ruột thịt, công ơn nuôi dưỡng mấy mươi năm..."
Họ hàng xung quanh nghe nói vậy thì không khỏi bàng hoàng. Ở quê họ, nhà họ Từ cũng được xem là có máu mặt, tuy không phải giàu sang phú quý gì, nhưng cũng không đến nỗi thiếu tình người.
Tạ Bình Xuyên biết rõ những lời mình nói sẽ tổn thương tâm trạng của bố vợ, nhưng anh vẫn lên tiếng. Anh không đứng ở góc độ của bố Từ Bạch để xuy sét, mà là nghĩ đến bà cụ đang nằm trong quan tài.
Một bên cán cân thì không thể nào cân bằng, không thể được lòng tất cả mọi người, giữa thiện và ác luôn có ranh giới.
Những họ hàng lớn tuổi trách mắng bố Từ Bạch: "Thật không Lập Huy? Chuyện trong nhà thành ra thế này, bố cậu mà còn sống thì sẽ đau lòng cỡ nào? May là ông ấy đi trước rồi đấy!"
Từ Lập Huy bước đi, cả người run rẩy.
Bố qua đời sớm, ông được mẹ nuôi lớn.
Ông đi đến trước mặt Đào Quyên, nhớ tời lời Tạ Bình Xuyên nói, giơ tay phải của mình lên. Đào Quyên cho rằng ông muốn đánh mình, cô ta lập tức khóc lóc kể lể: "Anh giết tôi luôn đi, để tôi đi gặp mẹ anh! Rồi ông vào tù, mất luôn nửa đời người còn..."
Thế nhưng chồng không đánh cô ta. Ông cho bản thân mình một cái tát.
Cổ họng đắng chát, ông ho khan vì tức giận. Tiếng nhạc đau thương vẫn đang vang lên, như một giai điệu mỉa mai kéo dài, ký ức trong quá khứ như súng như gươm, khiến cả người ông đầm đìa máu chảy. Nếu như trên đời có thuốc hối hận — tiếc là không có nếu như.
Vào ngày thứ ba chôn cất bà nội, bố cô ly hôn với mẹ kế.
Mẹ kế không có công việc và thu nhập, quyền nuôi con trai được giao cho bố. Lịch sử như được lặp lại, bởi vì ngay lúc này, mẹ kế cũng không được chia tài sản sau khi ly hôn. Nhà và tiền tiết kiệm đều do bố đứng tên, ông bán căn nhà ba phòng một sảnh, chuyển sang nhà một phòng một sảnh ngay cạnh trường học.
Sau khi người thân yêu nhất qua đời, cuối cùng cũng bắt đầu nghĩ về cuộc sống, cảm giác tội lỗi ngày một lớn dần, nhưng ông chưa từng liên lạc với Từ Bạch. Thỉnh thoảng có vài lần nhìn thấy con gái trên đường, cũng chỉ trò chuyện vài câu, như người xa lạ thân quen.
Ông đi tìm Tạ Bình Xuyên cũng chỉ muốn dặn dò: "Bố thật sự có lỗi với Tiểu Bạch, con bé ở nước ngoài mấy năm qua, tôi không làm tròn trách nhiệm của người cha. Giao cho con, bố cũng yên tâm."
Đó là một buổi tối sau cơn mưa mùa đông, bầu trời không gợn mây, gió bấc lạnh buốt. Nghe ông nói vậy, Tạ Bình Xuyên đáp: "Con sẽ chăm sóc tốt cho cô ấy. Con cũng đã hứa với bà nội rồi."
Bố Từ Bạch biết anh từ nhỏ, nhìn anh từ cậu con trai thấp bé ngày nào giờ đã thành một người đàn ông cao lớn, chợt cứ như quay về tứ hợp viện lúc trước, con gái ông chạy quanh bức tường, giống như đang nói đùa: "Bố ơi, con thích anh hàng xóm, sau này cũng không muốn xa anh."
Khi đó, là một người bố, ông cười nói: "Ừm, bố thấy cậu ấy cũng thích hợp lắm."
Bây giờ, ông vỗ vai Tạ Bình Xuyên. Khoảng cách mười năm, không thể tránh khỏi xa lạ. Ông tự biết sau này nếu không cần thiết thì không cần liên lạc, tốt nhất là ngay từ lúc này không cần qua lại nữa, vì ông già rồi, không còn mặt mũi nào đối mặt nữa.
Tạ Bình Xuyên nhìn ông rời đi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...