Lúc này chợt nghe tiếng kèn trống nổi lên rộn ràng. Đám khách hành hương du lịch ở trước điện Đức Thánh Mẫu đổ xô cả về phía trước, có tiếng con gái gọi lanh lảnh:
- Mẹ ơi, mau lên, Giám viện ra mắt kìa!
Ba người liền đi về phía trước, không biết Tuệ Minh đầu tiên đi ra từ ngôi nhà nào, nhưng đã nhìn thấy một nhà sư tai to đầu múp mặc áo cà sa đỏ thẫm, tay cầm tấm ngọc, vừa vái vừa chào liên tục, đi ở phía trước. Theo sau là một ni cô bê tượng Phật, một ni cô gõ mõ, rồi bốn ni cô trẻ đi thành hai hàng, tay xách lồng đèn hoa sen. Tuệ Minh đi sau họ, mặc áo cà sa óng ánh, chân đi giày da đen lòng sâu gót nổi, khuôn mặt trang trọng càng nổi đôi mắt sáng, hàm răng trắng, cặp má hồng màu cánh sen và cái cổ ngọc ngà, bước đi khoan thai, như tiên bay bồng bềnh. Sau cùng là tám nhà sư tấu nhạc và bốn ni cô tùy tùng, tất cả thành một hàng dọc tưng bừng rực rỡ đi tới điện Đức Thánh Mẫu. Lý Hồng Văn đang trong đám đông đứng xem liền chạy đi nhìn Tuệ Minh. Đường Uyển Nhi thì ghé vào tai Trang Chi Điệp nói:
- Anh xem cô Tuệ Minh kia có phải họ Mã không?
Trang Chi Điệp nói:
- Có lẽ phải. Am ni cô quả là một nơi tốt đẹp.
Đường Uyển Nhi liền bảo:
- Vậy thì sau này em sẽ đến đây.
Trang Chi Điệp ngấm ngầm hích vào Đường Uyển Nhi hỏi:
- Em ở đây được ư?
Đội nghi lễ vừa đi vào điện Đức Thánh Mẫu thì những người đến xem ập tới vây chặt cửa chính như nước thuỷ triều dâng. Bọn Trang Chi Điệp không chen vào được chỉ nghe thấy âm nhạc càng rộn rã, tiếng vái chào không ngớt. Mạnh Vân Phòng nói:
- Tôi đi tìm người trao đổi để bọn mình vào xem.
Vừa bước tới cửa can thiệp, thì đám đông liền mở ra một lối đi. Thì ra đội nghi thức vào bái tạ Đức Thánh Mẫu, chính thức ra mắt còn ở điện Đại Hùng, đội nghi thức sẽ về hai đình đông tây trước, đốt hương quỳ lạy và ra nhà hành lang phía trước lạy các vị Bồ tát, rồi sang điện lớn.
Lúc này có người dẫn các vị lãnh đạo đi vào điện lớn trước, ngồi xem ở góc tường hai bên. Mạnh Vân Phòng kéo luôn Trang Chi Điệp cùng ngồi vào đội ngũ lãnh đạo. Trang Chi Điệp không đi. Trong lúc lưỡng lự thì đội nghi thức đã đi vào điện lớn, cửa chính lại đông nghìn nghịt, không nhìn thấy gì cả. Trang Chi Điệp nói:
- Thôi, có vào thì cũng không nhìn rõ đâu mà!
Mạnh Vân Phòng hỏi:
- Vậy thì đi đâu? Ngồi cũng chẳng có chỗ mà ngồi.
Trang Chi Điệp đáp:
- Chẳng bằng đi vào căn nhà riêng kia ngồi uống rượu.
Mạnh Vân Phòng vỗ tay reo:
- Ý kiến hay đấy!
Nói rồi đi khắp nơi tìm được Lý Hồng Văn, Cẩu Đại Hải, Đái Thượng Điền đi ra cổng chùa, rẽ mấy chỗ, rồi từ một ngõ nhỏ, đi thẳng đến căn hộ số mười ba của căn nhà năm tầng.
Trên đường đi, Mạnh Vân Phòng đã nói với mọi người tình hình về căn hộ này, còn đang suy nghĩ đặt cho nó một cái tên gì đó. Sau khi mở cửa, đã nhìn thấy trên tường chính diện của phòng khách, đã thấy Trang Chi Điệp treo hai chữ to tướng trong khung kính: Cầu khuyết, liền tuỳ cơ ứng biến, to giọng giới thiệu:
- Đây là xa lông của chúng ta, chúng ta gọi nó là "nhà cầu khuyết".
Mọi người nghe xong rối rít bảo "cầu khuyết" vừa nhã, vừa có ý sâu sắc. Lý Hồng Văn liền nói:
- Có nơi tốt thế này, sau này toà soạn tạp chí mời tác giả đến sửa bản thảo có thể mượn dùng được đấy!
Trang Chi Điệp nói:
- Không được, chúng mình có hoạt động của chúng mình chứ. Sau này cứ bảy ngày mười ngày họp mặt một lần, cũng từ chối mời người bên ngoài. Hôm nay anh em đi lại mệt mỏi dẫn đến, xin chớ nói vung lên, tránh ai ai cũng biết, rồi không có chỗ nào yên tĩnh đâu!
Thế là khui luôn một chai rượu và hai gói lạc rang mua ở tầng dưới ra, yêu cầu không chia chủ khách, ngồi xen kẽ theo ý muốn. Mạnh Vân Phòng nói:
- Đến đây có thể đem theo thức ăn, nhưng đã đến đây dứt khoát chỉ có bàn về văn học nghệ thuật. Hôm nay vừa uống rượu vừa bàn, bây giờ bắt đầu nhé!
Cẩu Đại Hải nói:
- Bàn văn học nghệ thuật, chứ không bàn buôn bán, nói bắt đầu thì bắt đầu à? Hay là vừa uống rượu vừa tán chuyện lung tung, cứ tán, cứ tán chủ đề sẽ chuyển đổi.
Chai rượu được mở nắp, song không có chén, liền lấy nắp làm chai làm chén, thay nhau uống một lượt.
Đường Uyển Nhi không ngồi trên ghế xa lông mà ngồi trên giường, bảo:
- Em không uống!
Mạnh Vân Phòng hỏi:
- Sao em lại không uống? Bị thương à?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Khỉ gió ạ! Em không phải nhà văn, nhà biên tập, em nói thế nào được văn hoá nghệ thuật.
Nói rồi đưa tay sửa gối trên giường, chợt phát hiện có sợi tóc dài, giật nảy mình vội đưa tay nắm lấy.
Mạnh Vân Phòng bảo:
- Em không nói được văn học nghệ thuật thì em là nghệ thuật để bọn anh bàn về em.
Đường Uyển Nhi nói:
- Thầy cứ mở mồm ra là ngửi thấy mùi hôi. Em không gọi là thầy nữa.
Trang Chi Điệp nói:
- Thế này vậy, mỗi anh kể một câu chuyện, kể xong mọi người nhận xét, ai có trình độ thì không uống rượu, ai không được thì phạt ba chén.
Mạnh Vân Phòng nói:
- Tôi biết thóp anh rồi, lại định nghe bọn tôi kể để lấy tư liệu sáng tác chứ gì!
Cẩu Đại Hải nói:
- Đây là gì nhỉ? Bồ Tùng Linh đã mở một Liêu Trai mà.
Mạnh Vân Phòng nói:
- Bồ Tùng Linh không nhanh tay bằng Trang Chi Điệp đâu, một phần ba tiểu thuyết của anh ấy đều do tôi cung cấp đề tài, thế mà chả bao giờ trả nhuận bút cho tôi. Nhưng hôm nay tôi vẫn kể một chuyện, song phải nói rõ giá. Chi Điệp, anh có trả không nào?
Trang Chi Điệp nói:
- Một lúc nữa uống xong rượu, đi ăn mì nước tương, tôi sẽ chi tiền.
Mạnh Vân Phòng liền kể:
- Đây là chuyện có thật. Các cậu có biết vạt đất trũng ở cổng Đức Công không? Đó là nơi cư trú của những người dân quê hương Hà Nam. Trước ngày giải phóng, nước sông Hoàng ngập lụt, người Hà Nam chạy nạn đến Tây Kinh đã dựng lều ở tại đó, đã ở là họ cứ lì ra không chịu đi, càng đến càng đông. Vì thế, khu vực cổng Đức Công tại sao gọi là đặc khu Hà Nam. HIện giờ lều che của họ đã ít rồi, cũng xây một số nhà mái chảy hẳn hoi, nhưng vì đất đai hẹp, lại mỗi nhà một gian, bên trái cửa sổ bên phải cửa chính, thế là có chuyện xảy ra. Hôm ấy, có hai vợ chồng mới chuyển đến, chị vợ người búng ra nước, anh chồng yêu khiếp lắm. Ban đêm đã yêu mấy lần, ban ngày vẫn còn làm một lần nữa, tiếng động phát ra, người cạnh nhà nghe thấy đâm ra tò mò chú ý, ông ta là người không có vợ, sống độc thân. Đêm hôm sau, đương nhiên hai vợ chồng họ lại yêu, yêu xong, chị vợ liền đi tiểu, chị ta thích đi tiểu tiện vào lúc này.
Đường Uyển Nhi nói:
- Khi thầy kể mồm phải ngậm viên băng phiến mới được!
Mạnh Vân Phòng bảo:
- Thôi được vậy thì kể xen vào câu chuyện lịch sự nhã nhặn. Chuyện kể rằng bệnh viện nọ nhận vào một bệnh nhân đang đau ruột thừa, trước khi mổ phải cạo sạch lông ở bên dưới, đầu tiên do một người y tá già cạo, đang cạo thì chuông điện thoại reo, người cần gặp chính lại là người y tá già, người y tá già liền bảo cô y tá trẻ cạo thay. Sau đó đã cạo xong, một già một trẻ rửa tay ở bể nước. Y tá già bảo: bên ngoài xã hội bây giờ bọn trai trẻ có cái mốt viết chữ vào người, nhưng cái người bệnh này lạ quá, lại viết ở ngay chỗ ấy hai chữ "nhất lưu" (loại một). Y tá trẻ lại nói: đâu phải có hai chữ, những bảy chữ cơ đấy, nhất giang xuân thuỷ hướng đông lưu (một dòng sông xuân chảy ra biển).
Mọi người chưa nghe rõ tức khắc, thì Đường Uyển Nhi sấn đến đấm thẳng vào Mạnh Vân Phòng.
Đái Thượng Điền vẫn còn chưa hiểu ý, liền hỏi:
- Thế là thế nào, một người nhìn thấy hai chữ, một người lại nhìn thấy bảy chữ.
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Ngốc thế, Đường Uyển Nhi vừa nghe một cái đã biết ngay. Nếu là anh và tôi thì bao giờ cũng chỉ thấy hai chữ, nếu là Đường Uyển Nhi lập tức thành bảy chữ.
Mọi người chợt hiểu cười ồ. Trang Chi Điệp giục:
- Kể tiếp câu chuyện trước đi.
Mạnh Vân Phòng nói:
- Câu chuyện kể thêm này đương nhiên không lấy thêm tiền. Người vợ kia đi ra tiểu tiện rồi trở vào. Bởi trời tối mà nhà nào cũng y hệt như nhau, chị ta mắt nhắm mắt mở u u mê mê, đẩy cửa đi vào, đi vào một cái, là leo luôn lên giường nằm. Nhưng khốn nỗi, chị ta đã vào nhầm buồng của ông sống độc thân bên phải. Ông sống độc thân ngủ không yên, vừa nghe thấy chị ta đi tiểu ở ngoài, sốt ruột không chịu nổi, đột nhiên lại thấy chị ta vào giường mình nằm, biết tỏng chị ta vào nhầm buồng, ông ta nghĩ bụng của ngon đưa đến tận nơi, ăn vào thì ăn không, không ăn thì cũng phí! Chẳng nói chẳng rằng ôm luôn thịt liền. Chị ta bảo, khiếp thế, vừa xong lại đòi nữa cơ à? Ông sống độc thân cứ im thin thít, thở hồng hộc như trâu già. Chị ta nghe thở thấy là lạ thò tay sờ lên đầu, thì đầu trọc lóc, liền kêu lên một tiếng ái à, lật luôn nhảy xuống giường đi ra. Lần này thì chị ta vào đúng nhà mình. Anh chồng hỏi: sao đi lâu thế, em ra sông trường tiểu tiện à? Chị vợ nghẹn ngào, xin lỗi chồng, rồi cứ thế kể lại. Anh chồng giận điên tiết lên, xông ra khỏi cửa, không ngờ lại chạy vào căn nhà bên trái. Ồ, tôi quên không nói trước mùa hè đêm ngủ không nhà nào đóng cửa, cứ mở toang cho mát. Người ngủ trong nhà này là một ông già, anh chồng chẳng nói chẳng rằng, cứ túm cổ dậy, dã cho một trận nên thân. Hết!
Lý Hồng Văn liền hỏi:
- Hết rồi ư? Thế cuối cùng thì sao?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Đương nhiên là ầm ĩ cả lên. Đồn công an đã phải xử vụ kiện này. Vì vậy dân cư ở vùng này đã phản ánh lên thị trưởng, họ bảo nếu không giải quyết khó khăn nhà ở cho dân cư ở đây, thì sẽ còn nhiều chuyện làm mất mặt người Tây Kinh. Không phải ư, bây giờ chẳng phải đâu đâu cũng đang cải tạo khu đất trắng đó ư?
Mọi người nhận xét:
- Câu chuyện này hay đấy. Anh không phải uống rượu.
Lý Hồng Văn bảo:
- Anh Mạnh Vân Phòng nói cái gì cũng gắn với chuyện trai gái. Tôi kể một câu chuyện, Đường Uyển Nhi nghe được đấy. Tôi sống ở Tây Kinh đã lâu lắm, có nhiều họ hàng chú bác cô dì. Trong xã hội hiện nay đang mốt các loại lưới, nào lưới tông phái độc chiếm một vùng, nào lưới tập đoàn, lưới bạn học, lưới đồng hương, lưới thư ký, lưới gì mạng gì cũng có giá, chỉ có lưới thân thích họ hàng thì chẳng ra sao, hơn nữa, xu thế là nông thôn bao vây thành thị. Cán bộ lãnh đạo lớn bé trong thành phố đều từ nhà quê phấn đấu mà lên. Những gia đình ở Tây Kinh lâu đời, thì dường như không có ai phụ trách một đơn vị nào. Nhà tôi có mười tám gia đình họ hàng, tổng cộng là ba mươi sáu con em, một nửa thì điều đi huyện khác không về được nữa, còn lại, thì toqàn là nhân sĩ lớp dưới, con vào nhà trẻ, cũng không có ai mà dựa để đi cửa sau. Nhưng mỗi năm tết đến vẫn phải đi biếu xén họ. Tết xuân năm nay, tôi mua một hộp bánh điểm tâm. Bà xã bảo, họ hàng đông thế mua một hộp thì biếu ai? Tôi bảo tôi sẽ có cách. Sáng sớm mồng một tết, tôi biếu cậu tôi hộp bánh ấy, buổi chiều, dì lớn tôi bảo con em biếu tôi một hộp bánh điểm tâm. Tôi lại đem biếu dì thứ hai. Cứ thế người ta cho tôi, tôi lại biếu người ta, trong ngày tết cứ chạy như đèn cù, ăn không ngon, ngủ chẳng yên. Đi thăm họ hàng là chuyện qua lại, đặt bánh điểm tâm xuống là đi ngay được. Đến mồng tám tết đã đến ngày đi làm. Buổi tối, "một chú ngựa non háu đá" của tôi đến biếu tôi bánh điểm tâm, cậu ta là người họ hàng cuối cùng, để bánh xuống, không chờ tôi về đã đi luôn. Tôi về đến nhà, vừa nhìn một cái đã thấy hộp bánh này quen quen, bên trên có ghi con số ba đồng ba hào rưỡi, đó là giá tiền tôi đã ghi lại khi mua. Cậu ta lại đem biếu tôi! Có ý nghĩa đấy chứ, có thể viết thành một truyện ký.
Mọi người nhận xét:
- Có đôi chút ý tứ cũng không hay đâu, anh phải uống rượu đi.
Lý Hồng Văn uống rượu xong, hỏi:
- Chuyện thế mà không hay à? Được,tôi xin nhận, xem các anh kể thế nào!
Đến lượt Đái Thượng Điền. Đái Thượng Điền kể:
- Tôi không biết kể, tôi xin uống rượu vậy!
Trang Chi Điệp nói:
- Cậu làm công việc phê bình, nhìn nhận vấn đề cao hơn chúng tôi, cậu phải kể một đoạn.
Đái Thượng Điền nói:
- Đơn vị tôi không có nhà ở, vợ tôi ở ngân hàng, nhà tôi đang ở là gia đình bên vợ. Ngôi nhà này cao lắm, phải leo lên tầng mười, tôi thường thở hổn hển, bở cả hơi tai, leo lên đến nơi, đưa tay sờ chìa khóa, thì mới nhớ quên khóa xe, mà chìa khoá còn cắm ở ổ khóa xe đạp. Bổ sung thêm một chút, chìa khoá cửa nhà tôi buộc cùng với chìa khoá xe đạp.
Mọi người còn đang nghe thì Đái Thượng Điền không nói nữa, liền giục:
- Nói tiếp đi!
Đái Thượng Điền bảo:
- Hết rồi!
Đường Uyển Nhi nói:
- Chuyện này không được, anh phải kể chuyện khác.
Đái Thượng Điền liền nói:
- Tôi thường nghĩ, trong thành Tây Kinh đông dân như thế, nhưng tôi thường quen biết không ngoài bốn năm người. Trong gia đình, tôi là con trai của bố mẹ, là chồng của bà xã, là bố của thằng con, ra ngoài là bạn bè của anh em, là công chức của đơn vị. Vậy thì trên thế giới này, cái gì thật sự thuộc về mình? Cái thuộc về tôi thực sự chỉ là cái tên tôi. Nhưng tên là của tôi xưa nay tôi chưa bao giờ gọi tên mình, đều do người khác gọi.
Mạnh Vân Phòng nói:
- Cậu uống rượu đi, chuyện này đâu có phải là câu chuyện?
Trang Chi Điệp nói:
- Cậu ấy nói, trong lòng tôi cũng thấy cay cay, không được phạt cậu ấy, Đại Hải, đến lượt cậu
Cẩu Đại Hải nói:
- Nhưng điều tôi nói ra đâu không coi là câu truyện. Cũng không dám chứng thực tính chân thật, tôi nghe người ta kể lại đấy. Hiện giờ trên thị trường có nhiều vàng giả. Tôi cứ bảo lãnh đạo không bị hàng giả làm hại, nhưng chủ nhật tuần trước, chị gái tôi kể, một vị lãnh đạo ở thành phố Tây Kinh thết đãi mấy người bạn cũ, để ra oai, ông ấy không sắp cỗ ở nhà, mà đặt tiệc ở một khách sạn cao cấp. Họ đòi uống rượu Mao Đài, giám đốc khách sạn có Mao Đài đưa ra, vừa nếm thử thì phát hiện ra rượu giả, lấy chai khác nếm thử vẫn là rượu giả, lấy một lúc ba chai liền đều là rượu giả, mặt giám đốc tái nhợt. Vị lãnh đạo ấy liền bảo "khách sạn cao cấp của anh làm ăn kiểu gì vậy?", rồi sai thư ký riêng của ông về nhà ông lấy rượu. Thư ký riêng về nhà ông đem đến một chai rượu Mao Đài, mở ra rót mỗi người một ly, không những là rượu giả, mà đựng trong chai toàn là nước máy, không phải rượu.
Mạnh Vân Phòng nói:
- Chắc chắn kẻ nào đó đã hối lộ ông ấy, biếu rượu ngon như thế, thì đứa nào mới biếu nổi cơ chứ! Nhưng không biếu thì lại không được việc. Triệu Kinh Ngũ bảo cậu ấy đã từng làm như vậy. Đại Hải nói chuyện này ra thì ai ai cũng biết, cũng nghĩ được ra. Hôm nay rượu này là rượu thật, cậu phải uống đầy.
Cẩu Đại Hải đỏ mặt:
- Tôi đã thanh minh rồi, không phải câu truyện, chỉ cung cấp cho mọi người một chi tiết để sáng tác.
Nói rồi vẫn uống rượu. Lý Hồng Văn nói:
- Những điều tôi nói lúc nãy, các bạn không hài lòng, nhưng vẫn có chứa đựng bên trong một ánh chớp. Tôi còn phải thanh minh thêm, tôi đã sử dụng trong một bài viết. Chi Điệp này, anh thì khỏi phải dùng, nếu anh dùng, anh có tên tuổi, anh chép lại của tôi, song người đọc lại bảo sao chép của anh, ăn cắp văn của anh.
Trang Chi Điệp nói:
- Mình chưa đọc thật mà. Mình kể một chuyện. Vừa giờ ở trong am ni cô, mình đi vào nhà vệ sinh, vừa bước vào, người đông lắm, các hố đều có người ngồi chồm chỗm, có cả người đứng chờ bên cạnh. Có một người ngồi xổm cười với mình, mình nghĩ, ai thế nhỉ, cũng là người yêu văn học phải không? Hay là đã từng nghe mình nói chuyện chăng? Hoặc đã từng nhìn thấy ảnh của mình trong sách nhỉ? Mình liền bước tới, thì người đó lại phớt tỉnh. Thì ra anh ta đang rặn, khi rặn mạnh quá nét mặt hình như đang cười.
Mọi người cười ầm lên rộn rã. Đường Uyển Nhi nói:
- Như thế là thầy chửi chúng em, buộc chúng em phải cười, chúng em cười coi như đang đi đại tiện cả lượt! Nhưng thầy cũng tự chế giễu mình, một nhà văn lớn lại nói đùa vậy sao?
Trang Chi Điệp bảo:
- Tự chế giễu mình tốt chứ. Truyện đời là thế, muốn người khác không khó xử, cũng muốn mình khỏi tê tái, cách tốt nhất là tự giễu cợt mình, một tiếng cười vui vẻ là xong. Trước kia chụp ảnh, để mọi người được chụp ảnh cùng cười, thường cứ tự bảo "tươi lên!" rồi mới chụp, chẳng thà cứ bảo luôn "nào, rặn đi!" Chi tiết này thế nào, độc quyền thế đấy, không ai được dùng đâu!
Mạnh Vân Phòng nói:
- Vậy thì không được, hôm nay nói ra, thì ai cũng dùng được. Xa lông văn nghệ mà, nghĩa là trao đổi tin tức, khêu gợi tình cảm, thúc đẩy sáng tác mà lị!
Đường Uyển Nhi liền bảo:
- Bây giờ em biết làm nhà văn thế nào rồi! Thì ra văn chương là tôi dùng của anh, anh dùng của tôi đó. Nước trong bể thuỷ tinh nuôi một đàn cá, con này nhả con kia ăn, con kia nhả ra con này đớp. Bể nước đó trở thành nước thối, cá cũng trở thành cá thối.
Một câu nói đã làm cho ai nấy ngồi đực mặt ra chẳng thiết nói năng gì. Mạnh Vân Phòng cười bảo:
- Đường Uyển Nhi ghê gớm quá, lột một cái, bóc toàn bộ lớp da nhà văn trên cơ thể chúng ta ngồi đây! Cho nên tôi chủ trương tìm biện pháp đột phá. Vốn định mời Tuệ Minh đến đây nói chuyện. Hiện giờ chị ấy đang bận, để lần sau vậy. Nếu các bạn thấy thú vị, muốn quan tâm, tôi có thể nói một vài kiến thức về lĩnh vực khí công, đó là "thiên tử thần số".
Trang Chi Điệp nói:
- Anh Phòng này, đừng có giơ cái thần số của anh ra. Đường Uyển Nhi không phải là nhà văn, nhà biên tập nhưng cảm giác của cô ấy tốt hơn tất cả chúng ta ngồi đây. Cô ấy lại là người ngoài cuộc, nhìn chúng ta rõ hơn chúng ta nhìn mình, anh cứ để cô ấy nói nữa đi.
Đường Uyển Nhi nói:
- Em đâu có cái tài ấy cơ chứ?
Mạnh Vân Phòng nói:
- Em nói đi, em nói xong chúng mình đi ăn cơm.
Đường Uyển Nhi liền hỏi:
- Muốn nghe ăn chay hay nghe ăn tanh đây?
Lý Hồng Văn bảo:
- Em còn nhiều thế cơ à? Nghe ăn tanh nhé?
Đường Uyển Nhi nhìn mọi người một lượt, cười hì hì rồi nói:
- Vừa nghe nói kể ăn tanh, nhìn các vị, vị nào cũng tươi tỉnh hẳn lên, tiếc rằng em không kể được chuyện ăn tanh. Em ở nhà quê lên, không biết nhiều về thành phố lớn, song đã được nghe một đoạn lời, em thử hát có được không?
Trang Chi Điệp đáp:
- Hay lắm!
Thế là Đường Uyển Nhi cất giọng hát:
Tám trăm dặm Tần Xuyên bụi đất bay mù mịt
Ba mươi triệu nhân dân cất giọng hét Tần xoang vung thiên địa
Múc một bát mì sợi vài vui hí hửng
Miệng cứ làu bàu không có vị ớt cay
Hát xong mọi người cùng vỗ tay nói:
- Đây là người Thiểm Tây, càng là bức tranh người Tây Kinh, Đường Uyển Nhi này, em nghe ở đâu vậy?
Trang Chi Điệp liền bưng ly rượu nói:
- Hôm nay có ý nghĩa nhất không phải là mấy văn nhân chúng mình, mà quả thật Đường Uyển Nhi cao tay hơn, lời đã hay, giọng hát cũng hay, tôi đề nghị không phạt rượu cô ấy, mà phải thưởng cô ấy ba chén. Sau đó anh nào còn muốn uống thì đem theo, tôi mời anh chị em đi làm một chầu mì nước tương.
Mọi người đứng cả lên, bảo Đường Uyển Nhi uống. Đường Uyển Nhi mặt tươi roi rói, cứ cười suốt, uống một chén, còn hai chén nữa, bảo uống không nổi.
- Thầy Điệp ơi, thầy uống giúp em một chén, chúng ta cụng ly một cái thật kêu nhé!
Trang Chi Điệp nâng chén chạm với Đường Uyển Nhi một cái, Đường Uyển Nhi ngửa cổ uống ực một cái hết trước, nét mặt càng ửng đỏ như một bông hoa đào.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...