Phế Đô

Am ni cô bắt đầu xây dựng từ đời Đường, tương truyền thời đó nhà điện rộng lắm, sư sãi cũng đông, hương lửa nghi ngút còn hơn cả chùa Dựng Hoàng. Đến năm Minh Thành Hoá, vùng Quan Trung động đất sụt lở một nửa nhà cửa, từ đó sa sút dần, có tu sửa đi chăng nữa, cũng chỉ trên nửa đất còn lại. Trong những năm rối ren của cuộc Cách mạng văn hoá, càng thảm hại không chịu nổi, nhà cửa bị các nhà máy chung quanh cướp chiếm già nửa, hơn ba mươi sư sãi tan tác hết. Mãi đến khi tôn giáo trở lại bình thường, tìm kiếm khắp nơi các sư sãi ngày nào, mới biết người thì đã chết, kẻ thì trở về đời thường, chỉ còn năm ni cô già lưng còng da mồi còn sống rải rác ở năm thôn thuộc ba huyện ngoại ô Tây Kinh, động viên họ run rẩy trở lại am, vừa bước vào cổng đã nhìn thấy tượng Phật bị đập phá, nhà cửa đổ nát, cỏ mọc ngập ngụa khắp nơi, hàng chục con chim cu gáy hoang dã bay vù vù, dưới bàn thờ một lớp phân chim bắn tung toé lên người. Năm chị em sư sãi ôm nhau khóc lóc thảm thiết. Có người bảo không thấy mặt sư, thì thấy mặt Phật, họ tự cảm thấy lòng Phật vẫn còn, không chết trong tai hoạ lớn cũng là ý chỉ của Phật muốn họ đến canh giữ am này. Thế là họ cạo mái tóc khô ráp đã trắng bệch, mặc bộ quần áo nhà chùa vát chéo màu chàm xanh đen, tuy chưa có nhiều thiện nam tín nữ cúng biếu, song nhờ có một khoản tiền nhỏ nhoi của uỷ ban sự vụ dân tộc thành phố trích cho. Cũng coi như lại có tiếng chuông của am ni cô vang lên gióng giả từng hồi vào hai buổi sáng chiều. Vài năm đã qua đi, cho dù đã sửa lại điện Đại Hùng, đắp được tượng Quan âm bồ tát sặc sỡ, lợp lại nhà khách phòng thiền ở phía đông phía tây, song chưa thể xây cất điện Thánh mẫu ở đàng sau điện Đại Hùng, ở bên trái và bên phải sân trước am, các nhà máy và thị dân chiếm đất vẫn chưa dọn đi, làm cho sân am có hình dáng một quả bầu đặt ngược. Mà mấy bà vãi già càng yếu đi, cũng chẳng ai biết đọc biết viết suốt ngày chỉ biết thắp hương khấn vái, cuốn kinh đã từng thuộc làu làu ngày xưa đã bị rơi rụng, mất đoạn quên chương, không còn hoàn chỉnh, bị sư sãi ở chùa Dựng Hoàng, chùa Ngoại Long, chùa Khang Hoa chê bai bêu riếu. Khi hội Phật giáo điều mấy ni cô trẻ ở chùa nghìn Phật núi Chung Nam bổ sung cho am ni cô này, cũng là lúc Tuệ Minh tốt nghiệp. Viện Phật học điều đến chùa Dựng Hoàng. Đến chùa Dựng Hoàng, Tuệ Minh thấy đây là nhà chùa lớn, sư sãi ở chung, có nhiều người tu hành đắc đạo gọi là "Chân nhân cao tăng", liền có ý định một ngày nào đó đến am ni cô.

Chỉ vì mới đến còn lạ nước lạ cái, không biết cặn kẽ nơi đó, Hội Phật giáo hỏi ý kiến chị, định phân công chị đến đó, chị chỉ từ chối. Nhưng lại bắt đầu lo sắp xếp công việc của am ni cô, giúp đỡ soạn thảo văn bản thu hồi đất đai bị lấn chiếm và đơn xin kinh phí. Mãi tới lúc mọi việc đã tương đối suôn sẻ lại có ảnh hưởng kha khá, Tuệ Minh liền xin đến đó. Ở am ni cô, Tuệ Minh không nhận ngay trách nhiệm chính, trước tiên chị tôn một ni cô già đứng ra cai quản, còn mình làm người giúp việc, song lại cố ý để ni cô già làm hỏng việc, tỏ ra bất lực không có khả năng, còn mình thì chẳng bao lâu được chị em ni cô tín nhiệm, ủng hộ đứng ra thay thế ni cô già. Từ đó Tuệ Minh thi thố tài năng, lên cấp trên, xuống cơ sở, giao thiệp rộng khắp và đã tranh thủ được hàng loạt khoản chi riêng, xây dựng điện Thánh Mẫu với tốc độ cực nhanh và trang trí rực rỡ nhà hành lang. Bởi những hộ chiếm dụng ngay một lúc khó dọn đi ngay, Tuệ Minh đã mở đọc phủ chỉ Tây Kinh và trong văn tự ghi về am ni cô, đã tìm tdc một câu trương truyền Dương Ngọc Hoàn đã từng đi tu ở đấy, liền như vớ được ngọc quý, chép thành hơn mười tờ, lần lượt gửi cho Uỷ ban sự vụ dân tộc thị uỷ, tỉnh uỷ và hội Phật giáo, lại nhờ Mạnh Vân Phòng viết một bài báo cáo, tuyên truyền ầm ĩ nhà chùa mà Dương Ngọc Hoàn đã từng đi tu là cổ tích quan trọng như thế nào trong lịch sử tôn giáo, hơn nữa trong công cuộc chấn hưng Tây Kinh phát triển văn hoá và du lịch, tu sửa khôi phục bộ mặt cũ của nơi đây sẽ trở thành điểm nóng du lịch như thế nào. Vậy là thị trưởng rối tinh lên, triệu tập cuộc họp gồm các ngành, uỷ ban dân tộc, hội Phật giáo, các nhà máy, đơn vị chiếm dụng địa bàn của am ni cô và Cục quản lý nhà đất, yêu cầu trả lại phần đất chiếm dụng càng nhanh càng tốt. Kết quả, trừ ngôi nhà lớn năm tầng dân đang ở không thể dọn đi được, đã thu hồi toàn bộ phần đất đai bị chiếm dụng. Thành tích công lao của Tuệ Minh đã nổi bật lên, liền xây lại cổng chùa, tuy không phải lầu cổng chạm gỗ khắc đá như ngày xưa, nhưng cũng oách không kém chùa Dựng Hoàng. Trong am ni cô khen ngợi, hệ thống Phật giáo trên dưới khâm phục, đương nhiên Tuệ Minh đã mượn gió tung hoa, hoạt động ráo riết lên trên xuống dưới, đã giành được chức Giám viện, định chọn ngày tốt hoàng đạo tổ chức lễ nhận chức.

Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi qua một đêm giao hoan cuồng nhiệt, lúc tỉnh dậy đã tám giờ sáng, cả hai anh chị sưng vù mặt mũi, cùng xoa bóp cho nhau một lúc, rồi vội vàng ăn xúp băm viên thịt trộn ớt trong quán ăn của người Hồi, sau đó cùng giả vờ ra vẻ vừa mới đến, dẫn nhau đến dưới lan can ngoài cổng am ni cô ngồi nói chuyện. Trong lan can là cổng chùa mới tinh. Trước mái cổng chùa treo một băng lụa đỏ "Lễ nhận chức Giám viện am ni cô". Trên bậc thềm rộng dưới hiên kê một cái bàn, phủ vải trắng đặt chiếc micro cuốn vải đỏ, hai bên là hai dãy năm hàng mười ghế tựa cứng, trên trụ cổng bề thế có câu đối "Lẽ Phật như mây, mây ở đỉnh núi, leo lên núi mây càng xa: Nghĩa giáo như trăng, trăng ở trong nước, rẽ mặt nước ra, trăng càng sâu". Trên bãi rộng dưới bậc thềm đã kéo đến khá đông người, có nhà sư áo dài xanh, có đạo sĩ cặp buộc tóc, đông hơn cả là một số khách mời và nhân viên duy trì trật tự của đồn công an. Phía ngoài hành lang đậu một dãy xe con. Trang Chi Điệp nhìn số xe, có một số là xe riêng của thị trưởng, liền thốt lên khâm phục. Tuệ Minh quả thật chứng tỏ tài năng. Còn những người qua lại đã biết hôm nay trong am có việc, những ai không có giấy mời và thẻ ra vào thì không được đi vào, chỉ bám lan can mà nhìn. Những người bán hàng rong, bày các loại thức ăn, và hương nến ở trong ngõ rao bán om sòm. Trang Chi Điệp nhìn trong đám người không thấy Mạnh Vân Phòng, cũng không biết anh ấy còn mời những ai, liền đi đến trước hiệu bán xâu quả mật, mua một xâu để ăn. Đường Uyển Nhi bảo thứ ấy không vệ sinh, đòi ăn bánh gương. Bánh gương lâu nay không thấy bày bán, hai người đến gần chủ hàng là một ông già đang ngồi trước lò bánh cao cao. Lò bánh là một xe ba bánh song quây kín không nhận ra xe ba bánh, ở trên có mái che có một tấm gỗ ngang viết bút mực "Trương bánh gương". Trên cột nhỏ ở hai bên, thì một bên là "Nguyên Mễ Nguyên Trấp Nguyên Thủ Nghệ" (vẫn gạo ấy, chất nước ấy, tay nghề ấy) bên kia là "Lão hộ, lão nhân, lão Tự hiệu" (vẫn gia đình ấy, con người ấy, tên hiệu ấy) Trang Chi Điệp khen:

- Hay!

Ông già đã mở cái lồng to bằng gương lấy que tre xiên hai cái bánh. Trang Chi Điệp bảo:

- Chỉ lấy một cái, tôi không ăn.

Ông già bảo:

- Anh không phải người yêu, người tình hả? vậy xin lỗi, vợ anh ăn một mình.

Đường Uyển Nhi nhìn Trang Chi Điệp, hai người cùng cười.

Trang Chi Điệp hỏi:

- Bánh gương còn có cách gọi nào nữa thưa ông?

Ông già đáp:

- Bánh gương, bánh gương, không chỉ có kích thước to bằng cái gương, mà còn có ý trọn vẹn viên mãn. Ở đời Đường, bánh này là món chuyên dùng trên lầu xanh kỹ nữ ca hát, trong xã hội cũ cũng bày bán ở cửa nhà hát và ngoài sân vui chơi. Bây giờ không cầu kỳ như thế, nhưng nó giống như bốc thăm, phàm những đôi trai gái nào đến ăn, chỉ mua một cái, thì người đàn bà kia phải là vợ, đồng chí, người quen, hai người mua hai cái, thì không phải người yêu, cũng là người tình, không sai một cái nào cả.

Trang Chi Điệp nói:

- Thế thì sai rồi, viên mãn lên là vợ, hai vợ chồng mới tốt đẹp viên mãn chứ.

Ông già đáp:

- Không sai một chút nào cả. Người xưa đã từng nói, thê không bằng thiếp, thiếp không bằng đĩ, đĩ không bằng vụng trộm. Vợ chồng bây giờ mười cặp thì có đến chín vá víu mà sống với nhau. Nói vui đấy, nói vui đấy!

Hai người đi ra, Đường Uyển Nhi hỏi:

- Tại sao anh không mua một cái mà ăn? Xem ra chúng mình không lâu dài đâu nhỉ?

Trang Chi Điệp đáp:

- Ông già khéo mồm khéo miệng nói vui để bán hàng ấy mà. Tin thế nào được ông ấy? Nếu theo ông ấy nói, mua một cái là vợ chồng, thì dự đoán chúng ta sắp thành vợ chồng đấy!

Câu nói làm cho Đường Uyển Nhi tươi tỉnh hẳn lên. Cùng lúc ấy có tiếng người nói:

- Hay lắm, hai người các bạn đang lu đường nhựa ở đây à?

Đường Uyển Nhi giật mình, không quay đầu lại nhìn, liền né sang một bên đường, dường như là người đi đường không quen biết, Trang Chi Điệp quay đầu lại thấy Mạnh Vân Phòng liền hỏi:

- Sao bây giờ anh mới đến? Vừa gặp Đường Uyển Nhi ở ngã tư, tôi bảo mau mau đi gọi Chu Mẫn đến, hôm nay thầy giáo Phòng của em mời bọn mình đi dự lễ Giám viện lên chức. Cô ấy bảo Chu Mẫn đi vắng, cô ấy cũng không dự, tôi cứ cố giữ cô ấy lại.


Nói rồi liền gọi:

- Đường Uyển Nhi, Đường Uyển Nhi, em hỏi thầy giáo Phòng của em xem có mời em không nào?

Đường Uyển Nhi hiểu ý ngay, liền cười mà bảo:

- Em không tin, thầy giáo Phòng mà lại mời em ư?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Mời chứ. Nếu tôi dối em, thì cái thằng tôi ngần này tuổi sẽ là chó!

Chẳng mấy chốc, Lý Hồng Văn, Cẩu Đại Hải của toà soạn tạp chí, Đái Thượng Điền làm phê bình văn nghệ của hội nhà văn cũng đều đi xe đến. Mọi người cùng giới thiệu hỏi thăm nhau rồi do Mạnh Vân Phòng dẫn đến cửa lan can, nói với người của đồn công an gác cổng mấy câu, rồi đi cả vào, Mạnh Vân Phòng quen biết ở đây, vừa đi vừa nói chuyện, nào là hai cây cờ ở ngoài cổng chùa kia là vật của thời Tống như thế nào như thế nào, nào là cổng chùa này nhằm thẳng của chu tước của tường thành có phong thuỷ địa lý đẹp như thế nào.

Đi qua cổng chùa là một bãi rất rộng, ở giữa là một cái bể nước, trong bể có núi giả, trên núi có nước phun. Có nhiều người đặt tiền đồng xu lên mặt nước, bảo nổi được thì may mắn tốt lành.

Đường Uyển Nhi chen vào trước xem ồn ào, đã đặt mấy đồng, đồng nào cũng chìm xuống đáy bể, tức đến mức cứ thò tay vào túi móc tiền xu, tiền xu đã hết sạch. Quay người nhìn phía sau bể lại là cột cờ, song chỉ có một cột bên trên treo cờ phướn màu vàng, hai vên cờ phướn có hai dải lụa màu rũ xuống chấm đất. Trang Chi Điệp đứng đó đang đọc.

Đường Uyển Nhi bước đến đòi Trang Chi Điệp cho vài đồng tiền xu. Trang Chi Điệp đang xem cờ phướn, hai tay lại đánh diêm hút thuốc bảo Đường Uyển Nhi thò tay vào túi quần mà lấy. Đường Uyển Nhi đã móc được mấy đồng xu, song không rút tay ra.

Trang Chi Điệp vội bảo:

- Em táo tợn thế, đây là đất Phật.

Đường Uyển Nhi cười, rồi cầm tiền xu đi luôn.

Mạnh Vân Phòng đi tới bảo:

- Cái đấy có gì đâu mà đọc, lời từ mình viết ấy mà.

Nói rồi kéo Trang Chi Điệp đi về phía sau.

Đường Uyển Nhi cuối cùng cũng đã đặt được một đồng xu, song không có ai quen ở bên cạnh mà khen ngợi, liền bĩu môi hất hàm bỏ đi luôn, nhưng đã hớn hở trước các bức tượng ở hai bên dưới dãy nhà hành lang, nhận ra tượng Bồ tát, song không biết là loại Bồ tát nào, bức tượng nào mặt cũng như trăng tròn, mắt én mày ngài, trông rất đẹp. Mạnh Vân Phòng gọi:

- Đường Uyển Nhi xem Bồ tát xinh đẹp, hay định so sánh với Bồ tát xem ai đẹp đấy hả?

Đường Uyển Nhi xịu mặt chạy đến song lại cười nhăn nhở. Mạnh Vân Phòng liền nói:

- Xịu mặt vào, thì còn giống Bồ tát chứ nụ cười này xinh tươi quá, không giống đâu.

Đường Uyển Nhi nói:

- Thầy giáo Phòng ở chỗ nào cũng nói lung tung, không tôn kính Phật.

Mạnh Vân Phòng bảo:

- Chuyện Phật giáo tôi biết hơn em nhiều, ngày xưa Đại pháp sư đã nói, Phật là gì, là cái cọc cố định.


Trong khi nói chuyện, Trang Chi Điệp chỉ ngó đầu nhìn vào trong dãy nhà đọc kinh và nhà ở của sư sãi, Lý Hồng Văn liền hỏi:

- Đằng ấy là nơi ngủ của ni cô à? Ngủ riêng từng người hay từng đôi?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Anh chỉ quan tâm người ta ngủ thế nào! Mau mau đến đăng ký ở nơi tiếp đón nhà phía sau đã.

Lý Hồng Văn lại hỏi Trang Chi Điệp:

- Ni cô ngủ chung giường, có đồng tính luyến ái không nhỉ?

Trang Chi Điệp im lặng. Đằng trước đang có một ni cô đi tới mặc áo dài nâu, đầu trọc song mặt mũi xinh đẹp. Lý Hồng Văn liền lè lưỡi, cứ xuýt xoa, ni cô cạo trọc đầu đẹp quá. Trang Chi Điệp nói:

- Lúc nữa nhìn thấy giám viện, có lẽ anh phải kêu lên thành tiếng cho mà xem!

Đã đến chỗ đăng ký, ở đây túm tụm rất đông người, một ni cô già ngồi sau một cái bàn, trước mặt để bút mực và tranh tờ bằng giấy Tuyên. Mạnh Vân Phòng đến giới thiệu Trang Chi Điệp, ni cô già và mấy vị sư ở bên cạnh ngạc nhiên đều cất tiếng A Di Đà Phật, liền nhìn thấy Tuệ Minh từ trong cửa tròn nhỏ bên cạnh bước ra đón. Quả nhiên Lý Hồng Văn thốt thành tiếng, Trang Chi Điệp liền đưa tay ra bắt, Tuệ Minh cũng đáp lại theo lễ nghi nhà Phật, đón vào trong cửa tròn nhỏ. Thì ra lại là một nhà nhỏ rất sạch sẽ, ở phía bắc có hai gian sảnh, liền mời ngồi nghỉ trong sảnh, có người bưng trà đến ngay.

Tuệ Minh nói:

- Điệp tiên sinh đến dự, quả thật là niềm vinh dự đối với cửa Phật, tôi cứ sợ không mời được tiên sinh đến.

Trang Chi Điệp đáp:

- Am ni cô có việc lớn như thế này, tôi không đến sao được? Xin chúc mừng chị.

Tuệ Minh liền nói:

- Tiên sinh thấy đấy, lãnh đạo tỉnh và thành phố, các ngài ấy cũng đến cả.

Trang Chi Điệp thăm dò lãnh đạo đến gồm những ai, nhưng Tuệ Minh đã dẫn anh sang căn phòng phía tây. Trong phòng này có một vòng tròn ghế ngồi kiểu thẳng màu đen, trên ghế có đệm ngồi màu vàng hơi đỏ, ở giữa là bàn trà sơn đen, trên mặt gắn tấm ngọc thạch hoa văn sơn thuỷ Lam Điền, thuốc lá thơm để tứ tung ấm chén lộn xộn.

Tuệ Minh lên tiếng:

- Thưa các vị lãnh đạo, tôi xin giới thiệu đây là Trang Chi Điệp, nhà văn có tên tuổi.

Các vị lãnh đạo nói:

- Đều đã biết cả.

Từng vị đưa tay ra bắt, Trang Chi Điệp nhận ra chủ nhiệm ban sự vụ dân tộc tỉnh, thành phố, Cục trưởng dân chính, có cả Hoàng Đức Phúc và một người nữa là thư ký trưởng của thị uỷ.

Trang Chi Điệp bắt tay xong các vị ở hàng trên, đi tới trước mặt Hoàng Đức Phúc hỏi:


- Thị trưởng có đến không?

Hoàng Đức Phúc đáp:

- Thị trưởng có một cuộc họp quan trọng, cử tôi đi thay.

Trang Chi Điệp nói:

- Ban nãy nhìn số xe cứ tưởng là thị trưởng đến rồi. Hôm nay khí thế quá mời các vị đến dự đông đủ như thế này.

Hoàng Đức Phúc nói:

- Đây coi như một việc lớn đầu tiên của am ni cô mà!

Vị thư ký trưởng ngồi bên cạnh hỏi:

- Gần đây nhà văn có tác phẩm gì lớn không?

Trang Chi Điệp giả vờ không nghe thấy, chỉ nói với Hoàng Đức Phúc:

- Anh có khoẻ không?

Hoàng Đức Phúc cũng hỏi lại:

- Anh thế nào? Chân khỏi rồi chứ. Nghe nói có một lang băm chữa cho phải không?

Trang Chi Điệp đáp:

- Chữa hay lắm, hai tờ thuốc cao là khỏi.

Nói xong quay trở về. Vị thư ký trưởng kia cúi người đưa tay ra định bắt, nhưng Trang Chi Điệp vẫn giả vờ không nhìn thấy, lại nói với Hoàng Đức Phúc một câu gì đó, trở về ghế ngồi uống trà, liếc mắt nhìn vị thư ký trưởng vẫn đứng tại chỗ, tay chưa rụt về ngay, song từ từ co đầu ngón tay, nói với người bên cạnh:

- Hôm nay thứ tư, ngày mai thứ năm, ngày kia đã là thứ sáu rồi.

Lúc ấy Mạnh Vân Phòng ở cửa vẫy tay gọi Trang Chi Điệp đi ra. Mạnh Vân Phòng nói:

- Hôm nay Tuệ Minh bận, chị ấy bảo không tiếp được từng người, chị ấy nhờ tôi tiếp thay anh và các bạn cho được chu đáo, lại đưa tôi sáu phiêu ăn, xong buổi lễ sẽ ăn cơm tại đây. Trong am tuy đều là món ăn chay, song cũng đặc biệt lắm, anh thử ăn xem thế nào.

Trang Chi Điệp nói:

- Hôm nay người đông lộn xộn lắm, ăn làm gì chẳng bằng đi về ăn mì tương, trời nóng nực ăn mì tương cũng mát.

Mạnh Vân Phòng nói:

- Thế cũng được. Tôi bảo anh em đi xem những tranh chữ chúc mừng, bây giờ sắp đến giờ khai mạc, mình có đi xem không? Anh phải lên bàn ngồi với các vị lãnh đạo đấy!

Trang Chi Điệp bảo:

- Anh chàng thư ký trưởng cũng đến, vừa rồi mình phớt lờ, nếu phải ngồi cùng bàn, mà gặp hắn lại phớt bơ thì không hay. Buổi lễ cử hành như thế nào?

Mạnh Vân Phòng nói:

- Đầu tiên họp đơn giản ở cửa am, chỉ là thổi kèn, đốt pháo, do Đại pháp sư Tường Vân ở chùa Pháp Môn đến đọc quyết định phong Tuệ Minh là Gíam viện am ni cô, sau đó lãnh đạo nói chuyện, đại biểu các nhà chùa phát biểu ý kiến, đại biểu các giáo phái phát biểu ý kiến, sau đó mới tiến hành một loạt nghi thức lên ngôi Giám viện về mặt Phật giáo.

Trang Chi Điệp bảo:


- Họp thì bỏ, khi cử hành nghi thức thì đến xem.

Mạnh Vân Phòng nói:

- Vậy để tôi nói với anh em tự do hoạt động, cuối cùng tập trung ở cổng am. Anh cứ đến điện Thánh Mẫu trước chờ ở đấy, tôi sẽ dẫn anh đi xem cái này, bảo đảm anh yêu thích.

Trang Chi Điệp đến điện Thánh mẫu xem tượng trước, trước điện có một cái chảo quai to, bên trong toàn là tro nhang. Trước chảo là một chiếc giá sắt dài bốn mét được hàn lại. trên giá sắt, cứ cách bốn tấc lại khoan một lỗ nhỏ. Từng bầy trai gái đốt hương đốt nến ở đây, nến cắm đầy lỗ nhỏ, dầu nến đổ lờ nhờ, chảy ngập ngụa. Trang Chi Điệp cảm thấy không khí ngột ngạt, liền đi ra, nhìn thấy hai phía đông và tây điện, bên nào cũng có cái đình nhỏ, bèn ra đình phía đông xem trước. Trong đình dựng một tấm bia đá. Trên bia viết rõ trước khi vào cung, Dương Ngọc Hoàn đã đi tu ở đây như thế nào. Đường Huyền Tông thì đến am này đốt hương lễ Phật như thế nào, vân vân. Đã nhận ra toàn những từ ngữ do Mạnh Vân Phòng soạn thảo. Trang Chi Điệp mỉm cười lại đi sang đình nhỏ phía tây xem có cái gì. Mạnh Vân Phòng bước đến, có cả Đường Uyển Nhi. Đường Uyển Nhi nhễ nhại mồ hôi, sắc mặt càng ửng đỏ xinh tươi, chị ta bảo đã xem hết từng ngôi điện, hỏi am ni cô sao lại có nhiều hoà thượng như thế, hơn nữa lại có cả đội nhạc, đội nhạc toàn nhà sư và ni cô. Nhà sư và ni cô cũng biết chơi nhạc cụ kia à?

Mạnh Vân Phòng nói:

- Trong am có mười ba ni cô, tổ chức một việc lớn như thế, số người đâu có đủ, đều mời từ các chùa khác đến. Đội nhạc do tôi mời các nhạc công của đoàn ca múa Nguyễn Tri Phi, để thêm phần nghiêm trang, đã cho mặc quần áo nhà Phật. nếu theo suy nghĩ của em, trong am ni cô có nhiều hoà thượng như thế, thì chẳng phải "Chùa đều có "chuyện" rồi ư?

Trang Chi Điệp hỏi:

- Anh Phòng này, văn bia trong đình có phải là tác phẩm lớn của anh không đấy? quả thật là anh nói láo, Đường Huyền Tông đã từng đến thắp hương, anh có chứng cứ gì không?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Anh có chứng cứ gì chứng tỏ Đường Huyền Tông không đến đây thắp hương nào?

Nói rồi kéo Trang Chi Điệp sang đình phía tây, nói:

- Anh xem cái này, đây là hàng thật giá thực, trong am đã từng có một ni cô nghiêm chỉnh, tuyệt thế đại mỹ nhân.

Trang Chi Điệp nhìn vào, thì là một tấm bia vừa phải. Văn bia như sau:

"Bịa mộ Mã Lăng Hư, ni cô Thánh Võ quan nước Đại Yên

Một người thục nữ mặc quần áo màu vàng, họ Mã, tên Lăng Hư, là người Vị nam, nước da trắng hồng, tư chất thanh tú, có dáng dấp nổi bật, có tính cách thông minh tài trí lương thiện dịu dàng, sắc đẹp rực rỡ như ráng màu, thơm thảo như hoa lan. Múa ống tay áo dài có thể quay mười vòng quanh trống, tiếng hát ba ngày vẫn còn âm vang bên tai, đánh đàn nhảy múa thì như hạc tiên, thổi sáo thì như rồng ngâm, âm nhạc, nhịp phách thì do thầy truyền dậy, song biểu diễn, thì Lăng Hư vốn được trời ban. Tài sắc của Lăng Hư nổi bật ngay đến Ngô Muội và Hàn Nga cũng tự thấy xấu hổ không bằng. Tài sắc của Lăng Hư không chỉ nổi tiếng ở vùng Đông Hạ, mà còn truyền tới nước Nam. Năm tháng trôi qua, tấm lòng thường dân của Lăng Hư dần dần lắng xuống đã cảm thấy chán đời, thế là viết tên trong cung Tiên, nếu gặp quân tử nào thích hợp, cũng nguyện gửi gắm trọn đời. Năm mười ba Thiên Bảo, đi tu ở chùa Khai Nguyên, đầu tháng Thánh Võ, theo về với ông Độc cô trong họ Độc cô chúng tôi. Từ đó trong trắng như ngọc, có khí phách thanh cao như tùng xanh, tư duy nhanh nhạy, có thể nhìn thấy thấu suốt bản chất của sự vật. Nhưng sự việc không theo ý nguyện, sống gò bó như thế suốt ba năm, trong lòng lo nghĩ, thường có tâm trạng nặng nề, hàng ngày thường gặp gỡ bạn bè với những lời đùa vui và đàn hát, chưa đầy một phần ba thời gian của cuộc sống, đã không may nhiễm bệnh qua đời lúc hai mươi ba tuổi. Có người quân tử đã nhận xét: Bề ngoài xinh đẹp, song đã chết non, quả thật đáng tiếc! Tên tự của Mã Lăng Hư là Quang Khiêm, quan huyện uý của huyện Hưu Ninh Hấp châu, một đời chuyên làm việc thiện, là người lương thiện hiền lành. Nay viết một bài kỷ niệm, ca ngợi tài sắc của Mã Lăng Hư.

Ôi con người hiền thục như thế, Mã Lăng Hư xinh đẹp như mùa xuân, ai ngờ con người xinh đẹp như vậy lại bị ông trời cướp mất cuộc sống sớm như vậy. Mã Lăng Hư như mây trên núi Vu, Mã Lăng Hư như thần trong sông Lạc. Quả tình tôi không biết tại sao lại như vậy, vì thế đành phải đi hỏi ông trời.

Ngày hai mươi hai tháng giêng năm Thánh Võ dựng bia

Người soạn văn bia: Lý Sử Ngư thị lang bộ hình

Người viết lên bia: Lưu Thái Hoà thường dân áo vải"

Trang Chi Điệp đọc xong không nén nổi, thốt lên:

- Đây quả là một bài văn hay. Người đàn bà họ Mã được miêu tả đã làm cho người ta thán phục. Năm xưa tôi đến bờ sông Lạc Thuỷ, nhìn thấy con sông ấy, liền nhớ đến bài "Lạc thần phú", cảm động quá đứng trước gió mà than thở. Hôm nay đọc bia này, dường như tôi đã gặp cô ấy, có khác nào đang đứng trước mặt mình. Tiếc rằng con người như hoa như ngọc ấy, đường đời lận đận số phận long đong, ai cũng thương tình.

Đường Uyển Nhi thấy Trang Chi Điệp tình cảm xốc nổi nhất thời, hai mắt đo đỏ, trong lòng nao nao, liền cười giận, bảo:

- Những lời thầy giáo Điệp nói chẳng khác nào thơ của Sêchxpia, đáng tiếc thầy Điệp không cùng thời đại với chị ấy, nếu không em sẽ phải gọi bằng cô mất thôi

Trang Chi Điệp vẫn còn nói một cách si mê:

- Lấy được hay không lấy được còn tuỳ, nhưng tôi khẳng định phải gặp, phải biết cô ấy.

Nói xong đi mua một nén hương thắp trước mộ. Đường Uyển Nhi càng có ý ghen tị, liền nói:

- Thầy Điệp quả là người si tình, họ Mã có linh thiêng, cũng xứng đáng khi sống làm người, chết đi làm ma. Nhưng dưới gầm trời đàn bà tốt đẹp quả thật nhiều lắm, ngày xưa có, bây giờ có, tương lai vẫn có. Chỉ có điều thầy Điệp không thể sinh ở thời xưa, cũng không thể thọ đến tương lai. Cho dù đàn bà bây giờ người đẹp nào cũng như mây, không biết thầy Điệp nên yêu người nào.

Nói tới mức Trang Chi Điệp đỏ dừ mặt lên, mới biết mình bỗng chốc đã sa đà trong cõi suy tư tình cảm, đã nói nhiều quá.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui