Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh


Hôm nay có rất nhiều đồng tu đến từ Trung Quốc, cơ duyên hội tụ của chúng ta vô cùng hiếm có.

Hôm qua có đồng tu đã nêu ra bốn vấn đề, nhân thời gian này tôi giải đáp một cách đơn giản.

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo ngày mai chúng ta bắt đầu giảng tiếp.

Những vấn đề này có thể nói là vấn đề chung của người học Phật chúng ta.1.

Vấn đề thứ nhất.Họ nói, có người xuất gia đề xướng bảy ngày tinh tấn niệm Phật, không ăn cơm mới được xem là tinh tấn, có thể uống thức uống, khi buồn ngủ vẫn có thể ngủ.

Có người đã chịu đựng được mười ngày không ăn cơm, rất nhiều người làm theo phương pháp này.

Loại đề xướng này có như pháp không?Phật Đà vô cùng từ bi, đối với 3.000 năm sau, tức xã hội ngày nay, Ngài thật sự là rõ như lòng bàn tay.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, tà sư thuyết pháp như hằng hà sa”.

Thời Mạt Pháp mà Ngài nói chính là chỉ thời đại hiện nay của chúng ta.

Chúng ta làm thế nào biện biệt pháp này là chánh hay tà? Phật trước khi nhập diệt, vì các đệ tử sau này đã làm cuộc khai thị quan trọng, chính là “Tứ y pháp”, trong đó điều thứ nhất là “Y pháp, bất y nhân”.

Vậy phương pháp bảy ngày tinh tấn niệm Phật này có như pháp hay không? Chúng ta thử xem trong kinh điển có nói hay không? Nếu trong kinh điển không có thì đó chính là họ nói, không phải Phật nói.

Điều mà họ nói, chúng ta nhất định không được làm theo, đó là bạn y nhân bất y pháp rồi.

Chúng ta phải “y pháp, bất y nhân”.Kinh điển Tịnh Độ rất dễ dàng tra.

Kinh điển Tịnh Độ thuần chân là ba kinh và một luận.

Các bạn thử xem trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh A Di Đà”, “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” có cách nói này hay không? Có nói không ăn cơm mới được xem là tinh tấn hay không? Điều này tôi mới nghe nói lần đầu tiên, trước đây tôi chưa từng nghe bao giờ.

Không ăn cơm mới được xem là tinh tấn, đâu có loại đạo lý này!Tinh tấn niệm Phật, trước đây tôi ở Đài Loan, lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam đã làm hai lần Phật thất.

Sau hai lần thì không làm nữa.

Tôi hướng về thầy thỉnh giáo tại sao không làm nữa? Thầy nói, hiện nay chúng sanh không phải loại căn cơ này.

Sao gọi là “Tinh tấn niệm Phật”, “Phật thất tinh tấn” vậy? Niệm Phật 24 giờ không gián đoạn; niệm Phật bảy ngày bảy đêm không gián đoạn, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, đây gọi là tinh tấn.

Tôi biết là bảy ngày bảy đêm không có ngủ, nhưng mà chưa từng nghe nói là không ăn thức ăn.

Điểm tâm đều có hộ pháp chuẩn bị chu đáo, khi bạn đói thì có thể ăn bất cứ lúc nào, nhưng không có ngủ.

Họ thì làm ngược lại, họ có thể ngủ, không được ăn thức ăn, điều này chưa từng nghe nói bao giờ.

Trên kinh luận đã không có phép tắc này, tổ sư cũng không có cách nói này, thì đây không đủ để tin nhận.Căn tánh của người hiện đại, nếu so với người xưa, nói thật là kém rất xa, rất xa.

Nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Môi trường sống hiện nay của chúng ta không giống như người xưa.

Mọi người đều biết, vào thời xưa, dân số ít, kết cấu xã hội đơn giản, tâm hạnh con người thuần phác, thành thật chất phác, ít vọng niệm, ít dục vọng, ít tạo nghiệp, cho nên họ dễ dàng được lợi ích.

Hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, tôi thường hay nói, khoa học kỹ thuật là yêu thuật, trò bịp của ma vương, không phải của Phật Bồ Tát.

Phật Bồ Tát thông minh tuyệt đỉnh, 3.000 năm trước đã có thể tạo ra rất nhiều máy móc để chúng ta bay ở trong khoảng không vũ trụ, nhưng các Ngài không làm.

Bạn thử nghĩ, ma muốn làm, nhưng Phật không làm là tại sao vậy? Phật hy vọng tất cả chúng sanh thoát khỏi lục đạo luân hồi, thoát khỏi thập pháp giới.

Thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi thập pháp giới thì cần tâm thanh tịnh, cần giới – định – tuệ.

Khoa học kỹ thuật phát triển làm đủ kiểu biến hóa, khiến cho giới định tuệ của bạn thảy đều hủy sạch.

Các bạn thử nghĩ xem, có phải đạo lý này hay không? Đây là hai con đường.Ngày nay, nhất là mấy năm gần đây, chúng ta nhìn thấy ở ngoại quốc có rất nhiều những sách vở nói về lục đạo luân hồi, nói luân hồi đã nói rất nhiều.

Hiện nay người nước ngoài càng ngày càng tin.

Tin có luân hồi thì sự việc sẽ thế nào? Tin có luân hồi mà bạn không ra khỏi luân hồi thì có lợi ích gì? Phật giúp chúng ta thoát khỏi luân hồi, không những thoát khỏi luân hồi mà còn thoát khỏi thập pháp giới.

Chúng ta đọc rất nhiều sách của phương Tây nói về luân hồi, chúng tôi nhìn thấy cũng rất hoan hỷ, nhưng biết rất rõ ràng nó không rốt ráo.

Họ đã dùng rất nhiều phương pháp khoa học xác thực, chứng minh rồi.

Người chết chẳng qua là đổi thân thể mà thôi, vẫn ở trong lục đạo.

Người phương Tây đối với điều này là phát hiện mới.

Chân tướng sự thật này vào mấy ngàn năm trước, trong Ấn Độ giáo cổ xưa đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch.

Phật Đà xuất hiện ở thế gian, thật sự mà nói chính là vì sự việc này, làm thế nào để giúp bạn thoát khỏi luân hồi, nói cho bạn biết luân hồi từ đâu mà có, tại sao lại có sự việc này.

Đây mới là pháp rốt ráo, mới là pháp liễu nghĩa.Chúng ta nhất định phải nhớ kỹ “Tứ Y Pháp”.Thứ nhất là “Y pháp bất y nhân”.Pháp của Tịnh Tông bao gồm năm kinh và một luận.

Những kinh khác chúng ta không quan tâm, chúng ta phải theo kinh của bổn tông.

Ta tu pháp môn này thì theo kinh của bổn tông này.

Những điều nói trong kinh khác, đó không phải là pháp môn bổn tông của chúng ta thì ta không theo.


Đạo lý này chúng ta phải biết.Thứ hai là “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”.Sao gọi là liễu nghĩa? Tôi dựa theo phương pháp lý luận này tu hành, tôi thật sự có thể ra khỏi tam giới, thật sự có thể chứng được Phật quả, thì kinh này đối với tôi là liễu nghĩa.

Hay nói cách khác, liễu nghĩa nhất định là khế cơ, khế lý.

Khế lý, không khế cơ thì không phải liễu nghĩa.

Khế cơ, mà không khế lý cũng không phải liễu nghĩa.

Điều này chúng ta phải biết.Thứ ba là “Y nghĩa, bất y ngữ”.Điều này lại càng quan trọng.

Hiện nay rất nhiều người phản đối bản hội tập, đây chính là không hiểu được điều này.

Hiểu điều này thì vấn đề được giải quyết rồi.

Ý nghĩa đúng thì nói nhiều hay nói ít một chút cũng chẳng sao cả.

Rất nhiều người không tin bản phiên dịch, cho rằng phiên dịch chắc chắn không thể sánh với nguyên bản; nguyên bản đáng tin, bản phiên dịch không đáng tin.

Hiện nay kinh Phật lưu lại toàn là bản phiên dịch, nguyên văn đã thất truyền rồi.

Cho nên điều này Phật dạy chúng ta, ý nghĩa đúng là được rồi.

Nếu như có người đề xướng phản đối bản hội tập, thì đây thật là không có đạo lý.

Tại sao nói không có đạo lý? Trong tự viện cửa Phật chúng ta, khóa tụng sáng tối là bản hội tập, bên trong niệm chú, niệm kinh văn, nghi thức tán tụng toàn là của hội tập.

Nếu như phản đối bản hội tập thì khóa tụng sáng tối đều vứt bỏ rồi.

Ngoài ra còn có rất nhiều kinh sám Phật sự dùng bản sám, các bạn thử xem, “Lương Hoàng Bảo Sám” có phải là bản hội tập không? “Thủy Lục Sám Nghi” có phải là bản hội tập không? Bạn hãy xem thật kỹ, thảy đều là bản hội tập.

Phản đối bản hội tập, vậy tất cả tự miếu đều không cần làm Phật sự nữa, cũng không cần làm thời khóa sáng tối nữa.

Vậy rất tốt, cứ thật chân thành niệm kinh văn bản nguyên dịch, còn đây toàn là bản hội tập.

Điều này không có đạo lý.

Những ngôn luận này làm lạc lối chúng sanh, đoạn pháp thân huệ mạng của tất cả chúng sanh.

Nếu nói một cách nghiêm khắc hơn, tất cả kinh mà Phật Thích Ca mâu Ni đã nói trong 49 năm thảy đều là hội tập.

Chính Phật nói, Ngài không có nói một câu pháp nào, pháp mà Ngài nói là của cổ Phật nói, cũng là hội tập ý của cổ Phật.

Thế Tôn như thế thì Khổng Lão Phu Tử của chúng ta cũng như thế.

Cả đời Khổng Lão Phu Tử cũng là làm hội tập.

Chính Phu Tử nói, Ngài “thuật nhi bất tác”.

Thuật là gì? Thuật lại lời của người khác, những điều nói ra đều là của người khác, không có câu nào là của chính mình.

Đương nhiên những lời này là lời khiêm tốn, nhưng chúng ta thử nghĩ thật kỹ, đây là chân tướng sự thật.

Những đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu.Điều sau cùng rất quan trọng, dạy chúng ta “Y trí bất y thức”.Trí là gì? Phải làm theo lý trí, không nên làm theo tình cảm.

Gặp những cảnh giới này phải suy nghĩ nhiều, không được phép mù quáng làm theo; theo bừa là y thức, bất y trí.

Trí tuệ của bạn không có, bạn làm theo tình cảm thì sao bạn không mê được?2.

Vấn đề thứ hai.Họ nói, hiện nay, có một số nơi đã in một quyển sách nhan đề là “Niệm Phật Cảm Ứng Lục”, nói về cảm ứng thần thông.

Thông qua phương pháp ngồi thiền nhập định, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc tham gia cuộc thi do Phật A Di Đà và Phật Thích Ca Mâu Ni chủ trì.

Trong sách còn nói, họ đã chính mắt nhìn thấy lão pháp sư Tịnh Không ở thế giới Cực Lạc, và thường hay nhìn thấy cư sĩ này, cư sĩ nọ hiện nay vẫn còn trong thế giới chúng ta.

Cách nói như vậy của cuốn sách này có như pháp hay không?Xin thưa với quí vị, hoàn toàn không như pháp.

Họ đến thế giới Cực Lạc nhìn thấy tôi ư? Tôi chưa đến thế giới Cực Lạc thì làm sao họ đến thế giới Cực Lạc nhìn thấy tôi được? Đây là đề xướng mê tín.Cảm ứng có thể nói, nhưng không được nói nhiều.

Cảm ứng thần thông ở trong Phật pháp đều có, nhưng Phật quyết không dùng cảm ứng thần thông làm Phật sự.

“Làm Phật sự” là ý nghĩa gì vậy? Hiện nay gọi là “Giáo hóa chúng sanh”.

Phật nhất định không dùng phương pháp cảm ứng, phương pháp thần thông để giáo hóa chúng sanh.

Tại sao vậy? Nếu như dùng loại phương pháp này, chúng ta sẽ không có năng lực biện biệt ma và Phật, vì ma cũng có thần thông, ma cũng có cảm ứng.

Phật dùng phương pháp gì giáo hóa chúng sanh vậy? Dùng giảng kinh thuyết pháp.

Giảng kinh thuyết pháp thì ma không biết.

Cho nên, Phật Thích Ca Mâu Ni rất sáng suốt, phương pháp tôi dùng là anh không biết; cái anh biết dùng, tuy tôi cũng biết dùng nhưng tôi không dùng.

Hai cái này có khác biệt, Phật với ma là có khác biệt rồi.Bạn thử xem tổ sư đại đức các đời, có người nào dùng thần thông không? Có ai nói cảm ứng đâu? Nhất định là luôn thuyết kinh giảng đạo, đem những đạo lý lớn này nói rõ ràng với mọi người, để họ tự mình khế nhập.

Đây là nguyên tắc của nhà Phật trong việc giáo hóa chúng sanh.


Chúng ta hiểu rõ, chúng ta nhất định tuân thủ.

Cho nên, loại sách này là không như pháp, loại sách này truyền bá ở bên ngoài, thật sự mà nói là có hại đối với tôi.

Người ta không biết, cho rằng pháp sư Tịnh Không đề xướng mê tín, pháp sư Tịnh Không luyện thần thông.

Đây là phá hoại hình tượng của Phật pháp, đây là tội lỗi chứ không có công đức.

Cho nên, loại sách này tốt nhất là đem nó tiêu hủy, không nên lưu thông.3.

Vấn đề thứ ba.Họ nói, hiện nay có người đề xướng “Pháp môn bổn nguyện” đã hại không ít người.

Trước đây còn tinh tấn niệm Phật, hiện nay không những không niệm nữa, mà còn nói lão pháp sư Tịnh Không đã hại họ uổng phí mấy năm công phu, và nói, chỉ cần vừa phát nguyện là Phật A Di Đà đã chuẩn bị xong vé máy bay cho họ rồi, lâm chung mười niệm là có thể lên phía trước cầm được vé máy bay, liền có thể bay đến thế giới Cực Lạc.Lời nói này, tôi không biết các bạn có tin hay không, nhưng lời nói này là không chính xác!“Bổn nguyện niệm Phật” là tổ sư đại đức xưa nay đề xướng, điều này không sai, nhưng người hiện nay không hiểu ý của tổ sư, đã xuyên tạc dụng ý của tổ sư.

Trước đây có lợi ích, hiện nay không những không có lợi ích, ngược lại còn có hại.

“Bổn nguyện” là nguyện thứ 18 trong 48 nguyện.

Chúng tôi trong lúc giảng kinh đã giảng rồi, đặc biệt giảng tường tận.

Trong 48 nguyện, mỗi một nguyện đều bao hàm 47 nguyện khác, nếu như thiếu đi một nguyện thì bổn nguyện của nó sẽ không viên mãn.

Đây là đại đức xưa nay nói.

Bốn mươi tám nguyện là lấy nguyện thứ 18 làm hạt nhân.

Nguyện 18 từ đâu mà có vậy? Là từ tổ hợp 47 nguyện khác mà ra, do đó thiếu đi một nguyện đều không được, phải hiểu rõ đạo lý này.Bộ kinh Vô Lượng Thọ từ đâu mà có vậy? Bộ kinh Vô Lượng Thọ chính là nói rõ cụ thể 48 nguyện, tuyệt đối không phải chỉ cần duy có nguyện thứ 18, những nguyện khác đều không cần, vậy là hỏng rồi.

Giống như trong một căn nhà, cột nhà là quan trọng nhất.

Nếu nói, tôi chỉ cần cột nhà, những cái khác đều không cần, vậy có thể được xem là ngôi nhà không? Có thể thọ dụng được không? Giống như một con người vậy, bộ não là quan trọng nhất, chỉ cần bộ não, những cái khác đều không cần, bạn thử nghĩ xem đây là người gì? Há không nghe trong kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Một tức tất cả, tất cả tức một” sao? “Tất cả”, tỉ như nói toàn bộ cơ thể con người, đây là tất cả; đầu, mắt, não, tủy, bất kỳ một bộ phận nào, đây là “một” ở trong “tất cả”.

Một không thể lìa tất cả, “tất cả tức là một, một tức là tất cả”.Chúng tôi thường hay nói với mọi người, một câu danh hiệu A Di Đà Phật này, công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn.

Tại sao vậy? Một câu danh hiệu này chính là 48 nguyện viên mãn.

Bốn mươi tám nguyện viên mãn chính là toàn thể kinh Vô Lượng Thọ.

Mở rộng thêm đến tất cả kinh giáo mà chư Phật Như Lai đã nói, đều không lìa một câu Phật hiệu này.

Công đức Phật hiệu không thể nghĩ bàn, nhưng không thể chỉ nắm lấy một cái cục bộ này, toàn thể không cần nữa, đây là chắc chắn sai lầm.

Chúng ta học Phật nhất định phải thật sự hiểu cho rõ ràng.“Bổn nguyện” là gì vậy? Chân thật thông đạt toàn bộ kinh luận Tịnh Độ rồi, nắm lấy cương lĩnh này, vậy là đúng.

Không phải nói, tôi chỉ cần nắm lấy cái cương này, lưới không cần nữa.

Ví như bắt cá, dây viền lưới gọi là cương, tôi nắm lấy cái cương này rồi, lưới không cần có, vậy thì bắt được gì? Cương nắm lấy rồi, phía dưới toàn bộ là lưới đều nắm lấy.

Họ đã hiểu sai bổn nguyện này rồi, chỉ nắm lấy cương, mà không có lưới.

Các bạn muốn vẽ tranh biếm họa, vẽ ra rất thú vị, họ bắt cá chỉ nắm lấy cương, phía dưới không có lưới.

Cổ nhân đề xướng bổn nguyện niệm Phật, họ nắm lấy cương, phía dưới là lưới.

Quí vị hãy nghĩ tỉ mỉ ý nghĩa này.

Họ đề xướng bổn nguyện, đáng tiếc họ không hiểu được cái gì là “bổn nguyện”.

Cho nên, kinh không thể không đọc, không thể không thâm nhập nghiên cứu.

Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc đâu có dễ dàng như vậy, đâu có hời hợt như vậy? Tâm của bạn với tâm của Phật không giống nhau, hành vi của bạn không giống với hành vi của Phật thì niệm Phật cũng không thể vãng sanh.

Đối với họ, bất kể tâm và hành vi của ta và Phật khác nhau như thế nào, chỉ cần niệm một tiếng “A Di Đà Phật” liền có thể vãng sanh rồi.

Đây là lừa mình dối người, chắc chắn không có cái đạo lý này.4.

Vấn đề thứ tư.Họ nói, hiện nay có người không những công kích bản hội tập “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ” của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, mà còn lớn tiếng hô hào nào là “Hiện tượng Tịnh Không”.Điều này thật nghiêm trọng, tôi trở thành “hiện tượng” rồi.

Việc này có thể không cần quan tâm họ.

Tuy họ không tin, họ công kích, nhưng trên thế giới này người tin vẫn rất nhiều.

Họ không tin, ta tin.

Chúng ta đã đạt được lợi ích chân thật từ trên bản hội tập này.

Chúng ta tin, chúng ta ngồi đây, có không ít đồng tu đều phát tâm học tập bộ kinh điển này, hoằng dương bộ kinh điển này.

Trong lúc bạn giảng kinh hoằng dương, bạn sẽ phát hiện một hiện tượng là khi giảng bộ kinh điển này pháp duyên đặc biệt thù thắng.

Bạn không tin thì có thể thử xem.


Bạn giảng một lần bản hội tập của Ngài Hạ Liên Cư, giảng một lần bản của Khang Tăng Khải, bạn thử xem cái nào thính chúng nhiều, cái nào pháp duyên thù thắng.

So sánh qua, lập tức liền biết ngay.

Năm loại nguyên bản dịch cùng với những phiên bản khác bạn cũng giảng thử xem, rồi bạn làm một cuộc so sánh, sẽ thấy bản này pháp duyên đặc biệt thù thắng.

Sự thù thắng từ đâu mà có vậy? Chư Phật gia trì, Long Thiên ủng hộ.Nói đến cảm ứng, gần đây một số đồng tu đến từ Trung Quốc nói cho tôi biết, họ nhìn thấy có quỷ thần nhập vào người nói, hiện nay trong quỷ thần phần lớn cũng đang niệm bản hội tập, cũng đang nghe giảng kinh, cũng đang học Phật.

Ngay cả quỷ thần cũng đang học tập, nếu chúng ta không học hành nghiêm túc thì ngay cả so với quỷ thần chúng ta cũng không bằng.

Đây là lời chân thật.

Những việc khác chúng ta không cần quan tâm, lấy bình tâm thanh thản đối xử hiện thực, dùng tâm yêu thương chân thành đối với tất cả người sự vật, chân thành niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nhất định y giáo phụng hành.

Đạo lý trong kinh điển phải thông đạt, phương pháp phải hiểu rõ, y giáo phụng hành thì chúng ta trong đời này chắc chắn được lợi ích thù thắng.*****************************Kinh văn: “Chánh cần trang nghiêm cố, tất năng đoạn trừ nhất thiết bất thiện pháp, thành nhất thiết thiện pháp”.Điều này phía trước đã báo cáo qua với quý vị rồi.

Một câu cuối cùng “Thành nhất thiết thiện pháp” vẫn phải giảng lại một lần nữa.Ba khoa mục đầu tiên trong 37 đạo phẩm là căn bản tu hành của chúng ta.

Bất luận học Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ đều không thể đi ngược lại nguyên tắc này.

Đây có thể nói là cơ sở giáo dục của Phật pháp, là pháp căn bản.Môn học thứ nhất là “Tứ Niệm Xứ”, chúng tôi ở phần trước đã giới thiệu qua với quý vị rồi.“Tứ niệm xứ” dạy chúng ta thấy rõ.“Tứ chánh cần” dạy chúng ta đoạn ác tu thiện.“Tứ thần túc” dạy chúng ta buông xả.Nếu như không ở trên đây thiết lập cơ sở tu hành thì nhất định không thể nhập môn trong Phật pháp.

Chúng ta phải thường xuyên đem ba khoa này ghi nhớ ở trong lòng, cố gắng nỗ lực đem nó thực hiện vào trong đời sống của mình, như vậy mới có thể được thọ dụng.“Chánh cần” có bốn pháp.

Bốn pháp này thực ra là hai cặp Thiện - Ác.Ác pháp đã sanh, chúng ta phải thường xuyên phản tỉnh, đã đang tạo tác, phải lập tức đem nó đoạn trừ.

Ác pháp còn chưa sanh, khi chúng ta nhìn thấy người khác tạo ác, ta hiện nay vẫn chưa tạo thì phải nhớ kỹ nhất định không được sanh.

Đây là hai điều chánh cần của ác pháp.Về thiện pháp, thiện pháp đã sanh phải khiến nó tăng trưởng, tiếp tục không ngừng nỗ lực làm.

Thiện pháp chưa sanh phải khiến nó sanh khởi lên.

Đây là hai điều của thiện.“Tất năng đoạn trừ nhất thiết bất thiện pháp”.

Chúng ta đã biết đây là hai điều của pháp ác.

Hai điều đoạn ác đã có hiệu quả, tất cả pháp ác, pháp bất thiện thảy đều được đoạn trừ.

Phía sau câu này là “Thành nhất thiết thiện pháp”, đây là hai điều của pháp thiện cũng thực tiễn được rồi.Tiêu chuẩn của thiện – ác ở đâu vậy? Chính là bộ kinh này, những điều mà trong bộ kinh này nói chính là tiêu chuẩn của thiện – ác, đặc biệt là “thập thiện”.

Mới học nhập môn quá nhiều, chúng ta không nhớ nổi, cũng không biết nên bắt tay từ đâu, cho nên Phật nói với chúng ta, pháp môn này gọi là “phương tiện ban đầu”, gồm mười điều: thân ba, khẩu bốn, ý ba.

Tương ưng với mười điều này là pháp thiện, không tương ưng với mười điều này gọi là pháp ác.

Thân tạo sát, đạo, dâm, đây là pháp ác.

Khẩu thì vọng ngữ, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, ác khẩu, đây là pháp ác.

Ý thì tham, sân, si, đây là pháp ác.“Tứ chánh cần”, phương tiện ban đầu là dụng công phu ở chỗ này, đây là thật sự biết dụng công.

Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, dùng tiêu chuẩn mười điều này để tu sửa.

Việc ác nhất định phải đoạn trừ, sau này không tạo nữa; việc thiện phải niệm niệm tăng trưởng.

Đến khi nào thành tựu tất cả pháp thiện vậy? Đó chính là đoạn mở đầu của bộ kinh này, Thế Tôn chỉ dạy chúng ta:Thứ nhất, “Ngày đêm thường niệm thiện pháp”.

Ngày đêm là không gián đoạn, ở trong tâm thật sự thường xuyên có thập thiện nghiệp đạo.Thứ hai, “Ngày đêm thường tư duy thiện pháp”.

Đây cũng là tư duy thiện pháp ngày đêm không gián đoạn, tư tưởng thiện.

Chúng ta từ sáng đến tối, đối với người, với việc, với vật, đều phải dùng thiện để cư xử với nhau, dùng thập thiện để đối đãi.Thứ ba, “Ngày đêm thường quan sát tất cả thiện pháp”.

Ý nghĩa của “Quan sát” này là phụng hành, đem ý định, tư tưởng của bạn thực tiễn vào trong hành vi đời sống của bạn thì bạn mới có thể thành tựu tất cả thiện pháp.Thiện pháp làm đến thuần chân viên mãn rồi thì người này chứng được vô thượng Bồ Đề.

Đây là Phật quả cứu cánh viên mãn.

Cho nên bộ kinh này xem ra không dài, bề ngoài nhìn thấy như không quan trọng, nhưng nó vô cùng quan trọng.Chúng ta ở rất nhiều nơi nhìn thấy hình Phật, đặc biệt là hình Phật vẽ màu, ở phần đầu hình Phật đều có vầng sáng tròn.

Tròn là ý nghĩa tròn đầy, sáng là đại biểu cho trí tuệ.

Trong trí tuệ đã hàm chứa cả phước đức rồi.

Chúng ta tán thán Phật là “Quy y Phật, nhị túc tôn”.

Chữ “Nhị” này chính là trí tuệ và phước đức cứu cánh viên mãn.

Sáng là đại biểu cho ý nghĩa này.

Tranh màu, phía trên vầng sáng chúng ta luôn luôn nhìn thấy có ba chữ, có khi viết bằng chữ Phạn, có khi viết bằng chữ Trung Văn, cũng có khi thấy viết bằng chữ Tạng, cách đọc là “Án – A – Hồng”.

Ba chữ này nghĩa là gì vậy? Chính là thập thiện nghiệp đạo.

“Án” là thân ba thiện, “A” là khẩu bốn thiện, “Hồng” là ý ba thiện.

Từ đó cho thấy, thập thiện nghiệp đạo là từ sơ phát tâm mãi đến Như Lai quả địa cứu cánh viên mãn.

Sau đó chúng ta mới chợt nhận ra, Phật dạy chúng ta chính là dạy mười điều thiện này, chúng ta học Phật cũng chính là học mười điều này.Trong cửa Phật, Đại thừa, Tiểu thừa, quả vị khác nhau rất nhiều.

Sự khác nhau từ đâu mà có vậy? Do trình độ đạt được trong việc tu học thập thiện mà phân biệt ra.

Chúng ta ngày nay học thập thiện, thật ra mà nói, học rất không giống.

Điều này tự mình nghiêm túc soi lại một chút chẳng phải đã biết rồi sao? Không cần hỏi người khác, trong tâm ta có thập thiện hay không, khởi tâm động niệm vẫn là tự tư tự lợi, vẫn là muốn làm những việc tổn người lợi mình thì tâm của chúng ta là bất thiện; cái niệm này, cái tâm này tương ưng với thập ác, không tương ưng với thập thiện.

Những điều chúng ta nghĩ, những điều chúng ta nói, những điều chúng ta tạo đều là ở bên thập ác này; thập thiện chẳng qua là nghe nói mà thôi.

Nghe rồi, bản thân rất hoan hỷ, đây chính là mình có thiện căn.

Hoan hỷ nhưng tại sao không thể thực tiễn, tại sao không làm được? Nhà Phật nói là do “nghiệp chướng sâu nặng”.


Quí vị nhất định phải biết, nghiệp chướng phiền phức.

“Nghiệp” là tạo tác, khởi tâm động niệm, tư tưởng, ngôn ngữ, hành vi, đây là “Nghiệp”.

Bởi vì nghiệp của chúng ta là bất thiện, chúng ta tạo tác là thập ác nghiệp, đây là nói lời thành thật, chỉ là thập ác nghiệp chúng ta tạo có nặng nhẹ khác nhau; tạo nhẹ thì ba đường thiện, tạo nặng thì ba đường ác.

Quả thật là ý niệm ác của chúng ta quá nhiều, ý niệm thiện rất ít.

Làm thế nào có thể sửa đổi trở lại, khiến niệm thiện của chúng ta nhiều hơn niệm ác thì chúng ta sẽ có tiến bộ, bình thường chúng ta gọi là “công phu đắc lực”.

Bạn phải thật làm!Tại sao các bậc Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều rất cố gắng nỗ lực làm, còn chúng ta thường hay lơ là, thường hay quên mất (sự quên mất này trong Phật pháp gọi là “thất niệm”, quên mất ý niệm thiện rồi, thường xuyên thất niệm)? Đây là do tập khí ác quá nặng, đúng như trong kinh Địa Tạng đã nói: “Chúng sanh cõi Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm toàn là tội lỗi”.

Phật nói những lời này thật không quá mức, chúng ta tự mình bình tĩnh thử nghĩ liền biết ngay.

Giác ngộ bắt đầu từ đâu vậy? Tôi thường hay khuyến khích các đồng tu, bắt đầu làm từ “vứt bỏ tự tư tự lợi”.Học Phật có thể khế nhập cảnh giới Phật hay không? Có thể vào cửa Phật hay không? Trong pháp Đại thừa, vào được cửa Phật là người gì vậy? Là Bồ Tát quả vị sơ tín ở trong thập tín.

Chúng ta ngày nay chưa có đạt được.

Bồ Tát quả vị sơ tín mới được gọi là người thiện.

Tại sao vậy? Ý nghĩ tự tư tự lợi không còn nữa, Phật ở trong kinh giáo gọi là “Kiến tư phiền não”, tam giới 88 phẩm kiến hoặc các Ngài đã đoạn rồi, vậy mới vào cửa.

Trong Phật pháp là năm lớp, một tiểu học, nếu như chúng ta đem 50 cấp bậc, từ thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa chia ra, thì thập trụ là tiểu học, thập hạnh là trung học, thập hồi hướng là đại học, thập địa là học viện, như vậy thì quả vị thập tín còn chưa được tiểu học, mới ở lớp mẫu giáo.

Theo cách chia như vậy thì chúng ta ngay cả lớp mầm của mẫu giáo còn chưa vào được, vẫn ở ngoài cửa, vậy thì chúng ta có gì đáng để kiêu ngạo, có gì để tự cho là tài giỏi chứ? Ngay cả lớp mầm mẫu giáo còn chưa vào được, đứng ở ngoài cửa người ta nghe giảng, không phải học sinh chính thức.

Học sinh chính thức thì 88 phẩm kiến hoặc đoạn sạch rồi (kiến hoặc, điều đầu tiên là “Thân kiến”).

Đạo lý này, chân tướng sự thật này, chúng ta không thể không hiểu rõ.

Sau khi thật sự hiểu rõ rồi thì tâm sám hối của chúng ta mới sanh khởi được, tuyệt đối sẽ không còn cống cao ngã mạn, tuyệt đối sẽ không còn tự cho là đúng nữa.

Thử nghĩ, sánh với người tu hành của nhà Phật, sánh với người nào cũng không thể sánh bằng.

Đoạn ác, tu thiện bắt tay làm từ chỗ này.

Đây là căn bản, căn bản của căn bản.Chúng ta không dụng công phu ở trên đây thì đời này nhất định luống công, không vào được cửa.

May mà Phật có pháp môn mang theo nghiệp vãng sanh, nếu như không có pháp môn mang theo nghiệp vãng sanh này, có thể nói là cả thế giới một người cũng không thể thành tựu, bất kể bạn tu pháp môn nào, bạn cũng không thể thành tựu, bởi vì “ngã” chưa có buông xả.

Trong kinh Kim Cang nói rất hay: “Nếu Bồ Tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức không phải Bồ Tát”.

Bồ Tát là học sinh quả vị sơ tín, học sinh của lớp mầm mẫu giáo, các Ngài đã đem tướng ngã buông xả rồi.

Bạn còn chấp trước có cái “ngã”, còn chấp trước “đây là cái của tôi”, vậy là bạn tiêu rồi.Chúng ta muốn buông, bắt đầu buông từ đâu vậy? Trước hết buông “cái của tôi”.

Đây là “vật ngoài thân” nên buông tương đối dễ dàng.

Vật ngoài thân mọi thứ đều không chấp trước, tuyệt đối không để ở trong tâm.

“Buông xả” tức là nói ở trong tâm không chấp trước nữa, không phân biệt nữa, đây mới là thật sự buông xả, trên sự không có trở ngại.

Cho nên kinh Hoa Nghiêm, đến cuối cùng nói với chúng ta là “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”.

Tại sao trên sự vô ngại vậy? Sự là cái giả, không phải thật, “phàm cái gì có tướng đều là hư vọng”, nó đâu có biết sinh ra chướng ngại? Chướng ngại là phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, những thứ này là chướng ngại.

Bạn phải đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông xả, sau đó ở trong tất cả pháp thế gian bạn mới tùy duyên, bạn mới được tự tại.

Công phu phải bắt đầu từ chỗ này.Sao gọi là “tất cả thiện pháp”? Không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả, đây là “tất cả thiện pháp”, tương ưng với thập thiện.Thập thiện là sự.

Sự đối diện có cái lý, lý sự không hai.

Quan sát từ trên lý, kinh Vô Lượng Thọ cũng dạy chúng ta: “Quán pháp như hóa, tam muội thường tịch”.

Câu kinh văn này hay, quá tuyệt diệu!“Quán pháp như hóa” là trí tuệ Bát Nhã.

Thập ác phải đoạn, thập thiện phải tu.

Đoạn ác tu thiện đều là như huyễn, như hóa.

Đoạn ác mà không chấp trước đoạn ác, tu thiện mà không chấp trước tu thiện, thế là bạn không phải học sinh mẫu giáo rồi, chí ít bạn đã thăng cấp đến tiểu học, trung học rồi, tức là bạn không phải Bồ Tát quả vị thập tín, bạn đã đến thập trụ, thập hạnh.“Tam muội thường tịch” chính là vĩnh viễn gìn giữ “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác”, trong kinh Lăng Nghiêm gọi là “Thường trụ chân tâm”.

Thường trụ chân tâm của bạn thường xuyên hiện tiền.

Thường trụ chân tâm chúng ta mỗi người đều có, nhưng vô cùng đáng tiếc là bị nghiệp chướng che lấp, chướng ngại mất, nên thường trụ chân tâm của chúng ta không lộ ra được, mà chỉ lộ ra vọng tâm.

Cho nên, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, nếu bạn không dùng “tứ chánh cần” thì không làm được, chắc chắn không làm được, nhất định phải dùng “tứ chánh cần”.“Tứ chánh cần” ở trong đời sống thường ngày, ở mọi lúc, mọi nơi chúng ta niệm niệm đều phải đề cập đến.

Ý nghĩ vừa khởi, lập tức nhận ra ngay niệm này là thiện hay là ác.

Nếu như là ác thì phải mau mau đoạn, là thiện phải sinh khởi.

Trong đây đặc biệt phải chú ý là đoạn ác, tu thiện đều không chấp trước, trong kinh Bát Nhã gọi là không dính tướng.

Bạn đi con đường này là thuần chánh, trong pháp Đại thừa nói, đường bạn đi là trung đạo.

Trung đạo là Bồ Tát đạo.

Đoạn ác, tu thiện nếu như có phân biệt chấp trước ở trong đó cũng tốt, cũng được xem là khá, nhưng đó không phải Bồ Tát đạo.

Có phân biệt, có chấp trước là đường thiện của trời, người.

Không phân biệt, không chấp trước là Bồ Tát đạo.

Cũng là một sự việc nhưng trong đó đạo lý không giống nhau.

Có phân biệt, không có chấp trước đó là đi đường Nhị thừa, cao hơn đường trời người một cấp, còn có phân biệt, hoàn toàn không có chấp trước, khác biệt là ở chỗ này, chúng ta không thể không biết.

Cho nên, tông chỉ của điều này chính là dạy chúng ta đoạn ác, tu thiện, tích lũy công đức.Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.A Di Đà Phật!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui