Những tia nắng len yếu ớt qua tấm rèm rọi vào mắt khiến tôi thức giấc. Do dự vài giây, tôi kéo tấm rèm. Ánh nắng không còn khẽ khàng nhưng cũng chẳng gay gắt, nắng vẫn mang một màu tươi mới. Dụi đôi mắt sưng húp vì khóc cả đêm, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, tuyết đã rơi. Con đường phía dưới lấm tấm tuyết, trên nóc những chiếc ô tô phủ đầy tuyết trắng. Hôm qua, cái xơ xác của lá khô khiến đất trời ảm đạm, hôm nay cái tinh khôi của tuyết trắng khiến người ta bàng hoàng. Tuyết rơi đêm, ông trời lén lút đem cho đứa con – mảnh đất nơi này tấm áo khoác khó phai màu, khó hoen ố. “Đông thật sự đã sang”, tay vuốt khung ảnh, tôi thầm thì với anh như vậy.
Có lẽ, anh chưa bao giờ biết sự tồn tại của tấm ảnh này,
****
Tôi trở về nhà sau những ngày thi cử căng thẳng. Thú thật, tôi không thích về nhà vì sợ cô đơn, nhất là trong thời tiết lạnh lẽo như thế này, nhưng tôi không thể để người tôi yêu thương nhất cô đơn được. Mẹ tôi lúc nào cũng luôn một mình, khi bà sống, khi bà nuôi tôi và cả khi bà ra đi. Nếu có ai hỏi tôi, thế nào là đau khổ, tôi sẽ nghĩ ngay đến mẹ và nói rằng “Hãy nhìn vào bà ấy!” Một ngày đông rét mướt. Bịt kín từ đầu đến chân, cúi gằm mình tránh rét, tôi bước trên lớp tuyết khá dày. Tuyết lạo xạo dưới chân. Ngoài đường chẳng vì thế mà ít người qua lại, người ta , ai cũng khoác lên mình áo lông vũ, giày đi tuyết, những mũ những khăn. Gương mặt của ai cũng như nhau, đều bị tuyết phủ lên vẻ lạnh lùng buốt giá. Tôi khựng lại bởi dáng người quen thuộc ở phía trước.
- Em về nhà sao không nói với anh ? - Anh bước đến bên tôi, và hỏi.
- Em nghĩ là, em không phải nói với anh… - Tôi ấp úng trả lời.
- Em đừng trốn tránh anh nữa, được không?
Anh lại cười, nụ cười ấm áp, nụ cười của mưa, tôi ước, thêm một lần mẹ được nhìn thấy nụ cười ấy. Mẹ tôi, người luôn giữ gìn khung ảnh của anh,mẹ nhìn, mẹ vuốt ve, có lúc nước mắt lặng lẽ rơi. Tiếu Vũ, là con của mẹ, là niềm vui và cũng là nước mắt của bà. Cũng có lẽ, bởi anh là Tiếu Vũ nên bà gọi tôi là Lệ Dương. Mẹ tôi là một người phụ nữ đẹp nhưng nghèo khó, mẹ anh là một người đàn bà sang trọng nhưng chẳng thể sinh con. Nhưng bởi ông – bố anh là người đàn ông dịu dàng, nên mẹ đã dành cho ông không chỉ một đứa con mà cả tình cảm sâu kín trong trái tim bà. Họ đưa anh đi khi anh mới ba tháng tuổi, và anh chẳng thể biết sự thật ấy.
Tôi là một đứa trẻ được mẹ đem về nuôi. Cũng từ lúc ấy, tôi biết gọi tiếng “mẹ”, mẹ được gọi “con”. Hai mẹ con sống trong một căn hộ nhỏ, đồ đạc đơn sơ. Lúc mới về đây, tôi hỏi mẹ :
- Mẹ ơi ! Cậu bé kia là ai vậy ?
- Không phải cậu bé đâu con, là anh trai con đấy ?
- Sao anh không ở đây với mình hả mẹ ?
- Ừ, anh có một gia đình khác.
- Con muốn gặp anh quá.
Mẹ chỉ vuốt tóc tôi mà không nói gì. Lúc ấy, tôi không đủ lớn để hiểu những nhớ nhung mẹ dành cho anh, tôi cứ ngây ngô cứa thêm nỗi đau vào lòng mẹ. Buổi tối trước khi đi ngủ, tay mẹ trôi trên khung hình, miệng mẹ thầm thì điều gì đó. Tôi làm theo mẹ, và thì thầm với anh, đủ để mẹ nghe thấy “Tiếu Vũ à, anh ngủ ngon nhé!”
Càng lớn, tôi càng bớt ngây ngô. Tôi thấy đôi mắt mẹ sâu trũng như để giấu nước mắt. Tôi biết, mẹ rất vất vả. Mẹ làm việc tại một siêu thị lớn, công việc bận rộn, nhưng đồng lương chỉ đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Đến một hôm, tôi về nhà thấy cửa không đóng và một đôi giày nam. Trong nhà, mẹ và người đàn ông ngồi giữ khoảng cách, nhưng bàn tay mẹ nằm gọn trong bàn tay người đàn ông ấy. Thấy tôi, họ giật mình buông tay ra.
- Con về rồi !
- Về rồi à con, chào bác đi !
- Cháu chào bác ạ. - Tôi vẫn lễ phép chào, dù thấy hơi lạ vì cảnh tượng vừa rồi.
- Ngoan quá. - Bác hiền từ nhìn tôi, ánh mắt thật ấm áp thân quen.
Tôi ngồi trong nhà, băn khoăn không biết có nên ra ngoài ngồi không vì mẹ và bác đang nói chuyện, nhưng tôi lại tò mò muốn biết người đàn ông kia là ai, sao mẹ và ông ấy lại thân mật đến vậy. Chừng năm mười phút sau, mẹ gọi tôi ra, người đàn ông ấy đã về, tôi mới dám hỏi mẹ.
- Bác ấy là ai hả mẹ ?
Mẹ lưỡng lự nhìn tôi hồi lâu. – Mẹ nghĩ là đã đến lúc con đủ lớn để biết mọi chuyện.
Mẹ ôm lấy tôi, trầm ngâm kể : - Con vẫn hỏi mẹ vì sao Tiếu Vũ không ở cùng chúng ta phải không ? Chuyện xảy ra cách đây cũng gần hai mươi rồi. Cha Tiếu Vũ khi ấy không còn trẻ, dù cố gắng nhưng gia đình ấy vẫn không thể có con. Khi ấy, mẹ Tiếu Vũ gặp mẹ phụ việc ở một hàng ăn, nên ngỏ lời với mẹ. Mẹ cũng không hiểu vì sao bà ấy lại chọn mẹ, bà ấy hứa sẽ ẹ một căn hộ nhỏ và tìm một công việc tốt hơn. Ban đầu mẹ không đồng ý, nhưng khi một người phụ nữ chấp nhận để chồng mình có con với người khác, chấp nhận nuôi một đứa trẻ không phải máu mủ của mình đã khiến mẹ đã suy nghĩ rất nhiều. Lúc ấy bà ngoại bệnh, gia đình khó khăn, nên lần thứ hai bà ấy quay lại, mẹ đã đồng ý. Cha của Tiếu Vũ là một người đàn ông tốt, khi mẹ mang bầu, bác ấy không chỉ đến thăm mẹ, mà đến thăm cả bà ngoại. Khi bà ngoại mất, bác ấy cũng động viên mẹ rất nhiều
- Thế sao bác ấy vẫn mang anh Tiếu Vũ đi mà không để anh ấy ở lại đây với mẹ ?
- Hôm nay bác ấy đến để báo ẹ Tiếu Vũ đã đỗ vào trường X, trường mà Tiếu Vũ thích.
- Sau này con cũng sẽ thi vào đó.
- …..
- Mà có phải anh ấy là Tiếu Vũ, nên mẹ gọi con là Lệ Dương không ?
Mẹ chỉ xoa đầu tôi, đôi mắt mẹ cười, nhưng buồn lắm. Khi ấy, tôi chưa thể hiểu hết nỗi đau trong mẹ. Tôi, đơn thuần chỉ tìm thấy sự đồng điệu của hai người phụ nữ, tôi không giận bà ấy – người đã mang Tiếu Vũ đi, vì có lẽ, trong bà cũng ẩn chứa nỗi đau, nỗi đau của một người không có thiên chức làm mẹ, bởi vậy bà phải chăm sóc và yêu thương một đứa trẻ không phải máu mủ ruột thịt. Và có lẽ, bà cũng là người tốt thì mới có thể hành động như vậy, cũng như mẹ nhận tôi về nuôi, nhận một đứa trẻ xa lạ về làm con.
Tôi chỉ biết đôi mắt mẹ buồn xa xăm, chứ tôi không biết rằng, ở nơi xa xăm ấy là nỗi đau của một người đem con mình cho người khác, không chỉ đau, mà còn xót. Có lẽ, bà luôn day dứt, bà muốn được nghe tiếng gọi “Mẹ” từ Tiếu Vũ, bà thèm cảm giác thức đêm, canh giấc ngủ cho con trai, hay ầu ơ những câu dân ca mộc mạc. Giấc ngủ con thiếu lời ru của mẹ, sự lớn lên của con thiếu bàn tay mẹ chăm sóc. Nhưng, Tiếu Vũ sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được điều ấy, bởi với anh, người phụ nữ kia mới là mẹ anh. Với tôi khi ấy, Tiếu Vũ là một người vừa gần gũi, vừa xa vời, vừa hạnh phúc, vừa ẩn chứa những điều đắng cay. Và những điều đắng cay, mà bản thân Tiếu Vũ không hề biết.
Thời gian mải miết trôi, những cố gắng của tôi cũng được đền đáp. Tôi đỗ vào trường X. Và tôi bắt đầu tìm anh. Tôi lên mạng, tìm trường X và tên anh. Thật lạ, kết quả chỉ có một. Chỉ một cái tên Lý Tiếu Vũ hiện ra, tôi ngỡ ngàng nhìn tấm hình đại diện, đó là một chàng trai với nụ cười rất rực rỡ. Nụ cười của mưa là như vậy sao ? Anh đã khác, đã khác với tấm hình khi bé rất nhiều. Anh không còn là cậu bé tôi vẫn nói chúc ngủ ngon hàng ngày, mà đã ra dáng đàn ông và rất chững chạc. Nhưng có lẽ, vẫn là anh có nụ cười của mưa, mướt một màu mát mẻ, không ưu phiền. Tôi kết bạn với anh, và lặng lẽ theo dõi những dòng trạng thái, những tấm ảnh anh chụp, những MV anh xem, tôi, chỉ đơn giản muốn biết cuộc sống của anh thế nào, có hạnh phúc hay không, thật may mắn là cuộc sống của anh luôn vui vẻ.
Kì học đầu tiên tôi không đăng kí những môn tự chọn, những ngày cuối tuần tôi về nhà với mẹ. Mỗi ngày của tôi có bạn bè, có học tập nhưng mẹ không phải vậy, tôi không muốn thấy mẹ đơn côi trong căn nhà ấy. Tôi mang về nhà những câu chuyện trường lớp và cả những câu chuyện của anh. Có lẽ không bao giờ tôi quên được hình ảnh của mẹ khi ấy, khi tôi nhắc đến Tiếu Vũ. Chỉ hai từ “Tiếu Vũ” mà khiến đôi mắt mẹ vụn vỡ, những trũng sâu, những trong veo mẹ gìn giữ bấy lâu bỗng trào dâng, òa trên gương mặt khắc khổ của mẹ. Mẹ khóc. Mẹ cười. Nhưng, tuần nào cũng vậy, tôi vẫn về và nhắc đến anh, đôi mắt mẹ vẫn vỡ vụn. Mẹ vẫn khóc. Mẹ vẫn cười. Cũng như tôi biết, mẹ vẫn buồn, nhưng mẹ cũng vui. Tôi vẫn dõi theo anh, ngày ngày, khi mở máy tính, việc đầu tiên tôi làm là vào xem trang cá nhân của anh, việc ấy khiến đám bạn cùng phòng nói tôi thích anh, tôi chỉ cười, đôi khi đâu cần giải thích. Có đôi lần anh cũng vào trang của tôi, có lẽ anh cũng tò mò hoặc thấy khó chịu về việc tôi thường xuyên đến thăm “nhà” anh như vậy. Nhưng rồi mọi chuyện lại lặng trôi.
Kì học thứ hai, tôi vẫn không đăng kí môn tự chọn. Tôi đến trường nhưng hầu như không ở lại kí túc. Mẹ bị bệnh nằm viện nên mỗi khi không có giờ học tôi lại đến với mẹ. Tôi mơ hồ cảm giác sẽ chẳng còn nhiều thời gian ở bên mẹ. Thời gian qua đi nhanh thật nhanh, nhanh đến mức tôi chẳng kịp nhận ra vẻ héo hắt ở mẹ. Mẹ khéo léo giấu đau thương trong từng nụ cười, và có lẽ, cả một nụ cười lúc mẹ ra đi. Mẹ ra đi vào một ngày nắng hạ hiu hắt, là ngày thi cuối kì, tôi làm bài thi trong tâm trạng gấp gáp, bất an. Đêm trước mẹ bên tôi, dựa gương mặt hốc hác lên bờ vai ướt đẫm, mẹ khóc, mẹ nhớ anh và mẹ nhớ cả cha anh. Tôi chưa từng thấy mẹ yếu đuối đến vậy, tôi lặng im lắng nghe từng hơi thở yếu ớt, từng lời nói chua chát mẹ nói ra.
Hôm sau, khi đám bạn vừa nộp bài thi vừa tíu tít nói về dự định du lịch trong kì nghỉ thì tôi vội vàng mở điện thoại. Tin nhắn bác sỹ gửi khiến trái tim tôi vỡ vụn. Chưa khi nào tôi thấy quãng đường từ trường đến bệnh viện lại dài đến vậy, và cũng chưa khi nào, nước mắt của tôi miên man đến thế.
Mẹ đã ra đi, ra đi khi không kịp nhìn tôi lần cuối, ra đi khi những câu chuyện về anh còn dang dở, ra đi khi những nỗi đau của mẹ còn chất đầy. Họ an ủi tôi rằng khi ra đi mẹ không hề đau đớn, họ nhắn nhủ với tôi rằng mẹ xin lỗi vì không thể ở bên và chăm sóc tôi nhiều hơn, họ an ủi tôi rằng mẹ rất yêu tôi, nếu như tôi yêu mẹ thì phải mạnh mẽ, đừng suy sụp. Họ nói, họ cứ nói, họ vẫn nói. Có lẽ bởi họ không biết, mẹ là người cho tôi cuộc sống, mái nhà và tình yêu thương, nếu không có mẹ, giờ này tôi sẽ là ai, liệu tôi có còn tồn tại trên thế gian này nếu ngày ấy mẹ không đưa tôi đi, nếu mẹ không đưa cho tôi chiếc bánh bao nóng khi tôi đang bới thùng rác để tìm thứ gì đó cho vào bụng. Với tôi, mẹ là tất cả, tôi ở bên mẹ mà chưa thể báo đáp mẹ một ngày, dù tôi có tỏ ra ngoan ngoãn hay giỏi giang, nhưng tôi vẫn chưa từng chăm lo ẹ, dù chỉ một ngày.
- Bác đã thanh toán viện phí, bác cũng sẽ giúp cháu lo liệu tang lễ. Cháu đừng quá buồn phiền, hãy để mẹ cháu nơi suối vàng yên tâm về cháu.– Người phụ nữ ấy nói với tôi như thế, nhưng tôi chẳng thể đáp lời.
Mẹ đã mãi mãi ra đi, và tôi lại đơn độc trên thế gian này. Mẹ mang đi một trái tim dang dở, một gia đình dở dang, và mang đi cả tôi của ngày có mẹ. Tôi lại là tôi, lại một mình đơn độc trên cõi đời. Trong tháng hè, tôi xin làm thêm tại một tiệm cà phê, vừa để tránh những tháng ngày cô đơn, vừa để kiếm thêm tiền tiêu vặt. Khi ra đi, mẹ để lại cho tôi một khoản tiền, có lẽ vừa đủ để tôi học xong đại học. Cha của Tiếu Vũ nói sẽ giúp tôi chi trả học phí, nhưng tôi không muốn, dù sao tôi cũng đã đến tuổi có thể tự lo ình, tôi không còn phải là đứa trẻ năm tuổi cù bất cù bơ khi xưa.
Tôi trở lại trường sau kì nghỉ hè, mọi thứ dường như đã thay đổi. Bạn bè biết chuyện của gia đình tôi nên cũng động viên an ủi, nhưng không phải vì thế mà tôi có thể an nhiên cười như xưa. Tôi trốn vào góc nhỏ của riêng mình, đi học, làm thêm, dõi theo anh và về thăm mẹ. Mỗi lần đến thăm mẹ, tôi mang theo những câu chuyện về anh, chỉ có điều, đáp lại tôi không còn là nước mắt và nụ cười vụn vỡ của mẹ mà chỉ là gió hiu hiu thổi, cỏ khe khẽ đong đưa. Phải chăng, mẹ đang về lắng nghe và dõi theo anh.
Một chiều thu nhạt nhòa nắng, tôi nhớ mẹ. Tôi nằm bên Tây hồ nhìn trời xanh. Tôi khóc. Nước mắt không ngừng lăn, vội vã, và tôi cũng không muốn những giọt nước mắt ấy ngừng, tôi cần biết mình còn có những lúc yếu đuối. Tiếng bước chân đang đến gần khiến tôi quay đầu lại nhìn. Đó là anh. Tôi ngồi dậy, nhìn về phía hồ nhưng không vội lau những giọt nước mắt.
- Bạn ình địa chỉ mail được chứ? – Anh chậm rãi hỏi, có chút ngượng ngùng. Tôi gật đầu, anh lúng túng lấy cuốn sổ nhỏ và chiếc bút từ trong ba lô đưa cho tôi. Tôi viết, và cảm giác đôi mắt anh đang soi vào tôi như ánh sáng soi vào bóng tối. Tôi bỏ đi sau khi trả lại bút và sổ cho anh. Anh nói với theo. – Cảm ơn!
Tối về phòng tôi nhận được mail của anh. Những câu ngắn ngủi xen lẫn những dấu ba chấm, dường như anh rất ngập ngừng khi viết những dòng chữ ấy vậy. “Chào bạn! Mình là Lý Tiếu Vũ, lớp báo năm ba. Hôm nay, mình có… .vô tình .chụp hình bạn….lúc bạn khóc. Tấm hình ấy rất đẹp…nếu có thể, bạn có thể….cho phép mình…dùng tấm hình ấy…đi dự thi được không ? Bạn trả lời mình sớm nhé. Cảm ơn bạn nhiều.
P/S: Mà địa chỉ này, có phải của… Lưu Lệ Dương, lớp văn năm hai không?”. Tiếu Vũ gửi mail kèm theo những tấm hình của tôi, tôi không nghĩ là khoảnh khắc ấy đã lọt vào ống kính của anh. Những yếu đuối tôi giữ cho riêng mình đã bị anh phát hiện, và anh còn muốn để nhiều người khác cùng xem, điều ấy với tôi là không thể chấp nhận được, tôi trả lời, chỉ vẻn vẹn hai chữ “Không được.”
Buổi học hôm sau có lẽ đã bình thường với tôi nếu như không có sự xuất hiện của anh. Anh đến và một lần nữa muốn tôi đồng ý để anh dùng tấm ảnh ấy đi dự thi.
- Nếu bạn không đồng ý, ngày nào mình cũng sẽ đến lớp bạn cho đến khi bạn đồng ý! – Anh rời lớp tôi với một lời tuyên chiến như vậy. Tôi đã bị vài cô bạn lườm nguýt rồi ỳ xèo, ở học viện này có ai không biết anh – có tiền – đẹp trai – chưa có người yêu. Vậy mà anh lại nói với tôi những lời như vậy, điều ấy khiến nhiều cô gái thấy khó chịu. Đám bạn cùng phòng tôi rất ngạc nhiên không hiểu có chuyện gì, bởi họ biết tôi vẫn hay lên trang cá nhân của anh, người nói câu ấy, theo phỏng đoán của mọi người đáng lẽ nên là tôi nói mới phải.
- Có chuyện gì thế? Sao Tiếu Vũ lại tìm mày thế?– Lưu Linh hỏi tôi khi tan học.
- Ừm, Tây hồ đi. – Dọc đường đi, và cả rất lâu rất lâu ngồi bên Tây hồ, tôi kể cho Lưu Linh nghe chuyện của tôi, những điều tôi cất giữ bấy lâu, cả lý do vì sao tôi quan tâm đến anh như vậy. Lưu Linh ngỡ ngàng, tôi biết, điều ấy cũng là dễ hiểu.
- Để anh ấy dùng tấm hình ấy đi. Coi như mày không hề biết chuyện.
- Như vậy có được không?
- Tiếu Vũ đâu có biết chuyện, không sao đâu. Chứ cứ từ chối, giấu diếm, bệnh nhà báo của anh ấy trỗi dậy, thì mọi thứ còn rắc rối hơn.
Tôi suy nghĩ về những gì Lưu Linh nói. Nhưng tôi vẫn băn khoăn một điều, tôi có nên để anh ấy đem bức ảnh đi dự thi không. Ảnh anh chụp quả thật rất đẹp, đó là tôi mà chẳng phải là tôi. Ánh nắng hồng nhạt của một chiều hoàng hôn rọi thấu qua giọt lệ trên gò má, một giọt nước long lanh chứa đựng đủ màu sắc của cầu vồng. Nếu như, nếu như anh mang bức ảnh ấy đi thi, rồi mọi người cũng sẽ biết đến tôi. Rồi sẽ có những điều gì sẽ đến, quả thật tôi không biết.
Tôi vẫn chưa đồng ý để anh mang ảnh đi dự thi. Ba ngày trôi qua miết mải và mệt mỏi. Ngày ngày anh đến lớp học của tôi một cách ngoan cố rồi ngồi im một chỗ để đám con gái rối rít cả lên. Chỉ có tôi là mệt mỏi.
Cuối cùng cũng đến cuối tuần. Tôi đến thăm mẹ. Có lẽ chỉ có những giây phút yên bình bên mẹ mới khiến tôi thấy thoải mái hơn. Vẫn là những câu chuyện dở dang tôi mang đến ẹ. Gió hiu hiu lướt qua lay động đám cỏ. Bỗng tôi giật mình bởi sự xuất hiện của anh. Những câu chuyện tôi kể ẹ, anh có nghe thấy?
- Bức ảnh tôi chụp bạn là những bức ảnh rất đẹp, tại sao bạn không đồng ý để tôi đem đi dự thi?
- Mà kể cả bạn không đồng ý, tôi cũng sẽ mang đi dự thi. – Tiếu Vũ lạnh lùng nói. Như thể, anh không còn kiên nhẫn.
- Nếu được giải, tôi sẽ chia một phần giải thưởng cho bạn.
Anh bỏ đi. Nhẹ tênh. Tôi, hụt hẫng, lo sợ.
Rồi anh làm thật. Anh gửi những bức ảnh ấy đi dự thi, và anh còn chia sẻ trên trang cá nhân của anh, và tôi. Ban đầu đám lớp tôi ỳ xèo nhưng sau một thời gian, mọi thứ đều lắng xuống. Cho đến một hôm.
Đó là lần thứ hai tôi gặp người phụ nữ ấy. Bà đẹp, sang trọng và quý phái.
- Cuộc sống của cháu vẫn ổn cả chứ? – Bà nhẹ nhàng hỏi tôi khi đặt tách café xuống.
- Dạ, vâng ạ.
- Nếu có khó khăn gì, cứ liên hệ với bác. – Bà nở một nụ cười đôn hậu, rồi nói tiếp. – Bức hình đạt giải của Tiếu Vũ là chụp cháu đúng không?
Tôi đã rất ngạc nhiên. Bức hình đã đoạt giải. – Cháu đã không đồng ý để anh ấy mang những bức ảnh đó đi dự thi. Cháu…
- Bác biết, Tiếu Vũ có kể với bác. Có lẽ cháu cũng đã nghĩ đến việc nếu Tiếu Vũ biết tất cả… Vậy nên, cháu hãy coi như không có việc gì xảy ra. Hôm nhận giải, Tiếu Vũ có lẽ sẽ đưa cháu đến. Chúng ta sẽ cư xử như những người xa lạ, được chứ?
- Vâng ạ.
Mối duyên giữa tôi và anh dường như chưa dứt. Tôi muốn trốn, muốn tránh nhưng chẳng thể nào thoát được ra khỏi tầm mắt của anh. Anh đến tìm tôi để báo rằng anh đạt giải Sáng tạo cho bức ảnh đó. Nhưng lần này anh không lạnh lùng như trước. Khi tôi từ chối đến dự lễ nhận giải, anh đã khéo léo đưa ra lời đề nghị khác. – Vậy có một bữa tiệc nho nhỏ để chúc mừng, bạn đừng nói là bạn cũng sẽ từ chối nhé! Năn nỉ đấy.
Và tôi chẳng thể khước từ thêm một lần nào nữa đề nghị của anh.
Bữa tiệc nho nhỏ của anh được tổ chức tại nhà. Một biệt thự lớn, đủ để hiểu mức độ giàu có, xa hoa. Bạn bè anh là những người ăn mặc, trang điểm như những ngôi sao, với những thứ đồ hàng hiệu và trang sức lấp lánh. Tôi bị choáng ngợp. Cũng phải thôi, bởi tôi đâu phải là người của thế giới ấy.
Khi tôi theo anh bước vào phòng khách, mọi ánh mắt dồn về phía tôi như thể tôi là vật thể lạ. Rồi họ vỗ tay rầm rầm, hô hào tán thưởng khi anh giới thiệu tôi chính là người trong ảnh, người giúp anh có được thành công và giải thưởng. Tôi ngượng nghịu nép vào anh. Rất may, sau đó anh đưa tôi đến gặp bố mẹ anh. Và chúng tôi, cư xử như đã ngầm thỏa thuận từ trước. Rồi, một lúc sau, đám bạn của anh vây lấy tôi như thể những con sói hào hứng khi thấy cừu non. Có lẽ, họ lạ với những người như tôi. Họ buông lời trêu đùa, rồi thăm dò mối quan hệ giữa anh và tôi. Tôi chỉ biết im lặng, lặng lẽ nhắn tin cho anh. “Tôi muốn về.”
Anh lập cập chạy đến khi tôi đang chào bố mẹ anh.
- Sao về sớm thế?
- Sáng mai còn dậy sớm đi làm thêm.
- Con đưa Lệ Dương ra ngoài, bắt xe cho cô bé đi. – Bố anh nói.
- Vâng
Tôi cúi chào hai bác một lần nữa rồi bước vội. Anh đi bên cạnh tôi, ba hoa chích chòe. – Đã nói là sẽ được giải rồi mà. Mà hôm nay nhìn hiền lành thỏ non thế! Mà sao hay lên trang của tôi thế? Yêu thầm tôi à?
Tôi thấy mệt mỏi trước những câu hỏi dồn dập, chỉ thở dài. – Mệt rồi. Vào đi. Tôi tự về được. Bye.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...