Cha tôi đã tha lỗi cho tôi và cho phép tôi theo anh Côretti và cha anh về vùng quê chơi. Chúng tôi vốn khát khao chút khí trời thoáng đãng trong sạch, nay được đi chơi, thật là vui vẻ như ngày hội.
Đúng hai giờ chiều hôm qua, Đêrôtxi, Garônê, Garôpphi, Precôtxi, Côretti bố, Côretti con, và tôi đều tề tựu tại vườn "Ông Tượng"... Ai nấy đều mang theo hoa quả, bánh trứng để ăn đường. Tôi mang một cái bát gỗ, một bình sắt tây, Garônê xách một bầu rượu vang trắng. Côretti đeo một cái binh toong to tướng của cha anh đi lính ngày xưa đựng đầy rượu vang đỏ, Prêcôtxi cắp bên cái yếm thợ rèn, một cái bánh hai cân. Chúng tôi đáp ô-tô hàng ra ngoại châu thành chừng năm, sáu cây số.
Nửa giờ sau, chúng tôi xuống xe và rẽ vào một cánh đồng cỏ bao la, xa xa nổi mấy ngọn đồi. Trời xanh cỏ biếc! Gió thổi hiu hiu. Thực là xinh đẹp và mát mẻ vô cùng! Chúng tôi đi. Chúng tôi chạy. Chúng tôi nằm lăn ra cỏ, chúng tôi gội đầu trong suối, chúng tôi nhảy qua bờ rào...!
Cha anh Côretti, áo vắt vai, miệng ngậm tẩu, đi sau nhìn chúng tôi, thỉnh thoảng lại thét lác cho chúng tôi đừng nghịch phá rách cả áo quần. Hôm nay anh Prêcôtxi cũng huýt còi, có lẽ trời mưa mất! Côretti mau lẹ như con nai, vừa đi vừa lấy cành cây gọt đủ thứ: cánh cối xay, thìa, đĩa, ống tiêm rất khéo! Đêrôtxi chốc chốc lại đứng lại bảo chúng tôi tên các cây cỏ và sâu bọ. Sao mà anh biết lắm thế? Không biết anh học những khoa ấy tự bao giờ Garônê im lặng gặm bánh: từ khi mẹ anh mất đến giờ, anh có vẻ kém vui, song lòng anh vẫn tốt như xưa. Anh giơ tay đón mỗi khi chúng tôi qua hố, qua cầu. Prêcôtxi sợ bò như cọp vì ngày còn bé anh bị bò húc một lần. Garônê biết ý mỗi khi gặp bò là anh đứng chắn Prêcôtxi đi qua.
Chúng tôi cứ vừa đi vừa chơi như thế cho tới địa phận làng Margơretta. Ở đây là nhiều đồi, ngọn nào cũng có cây cao bóng rợp. Chúng tôi thi nhau lên đồi, chúng tôi nhảy nhót lăn lộn...
Prêcôtxi nhảy qua bụi, rách quần, thẹn đỏ mặt. May sao Garôpphi có sẵn ghim trong túi đem ra díu lại cho bạn.
Garôpphi một mình thơ thẩn nhặt sỏi, nhặt đá, chắt chiu giấu kỹ tưởng trong có ngọc, có vàng.
Đêrôtxi, Côretti và tôi, ba người hết chạy nhảy lại leo trèo hết đùa chỗ rậm lại chơi chỗ nắng, hò reo vùng vẫy như một bọn điên. Cuối cùng mệt lả, chúng tôi mới chịu lên một ngọn đồi rồi gọi nhau hội họp dưới bóng cây, trên đám cỏ để ăn uống. Đứng trên đỉnh đồi chúng tôi nhìn ra một bức toàn cảnh rất đẹp: dưới chân một cánh đồng mênh mông xanh rờn, xa xa là dãy Anpi, sườn nhuộm sắc lam, đầu phô tuyết trắng!
Chúng tôi đói quá ăn rất ngon miệng. Cha anh Côretti hái lá bi làm đĩa đựng giò và phân phát đồ ăn cho chúng tôi.
Chúng tôi vừa nói chuyện về thầy giáo, các bạn vắng mặt và bàn về chuyện thi.
Cha anh Côretti uống rượu vui vẻ lắm, ông bảo chúng tôi:
_ Những người hàng củi cần uống rượu hơn là các cậu học trò, vì bé mà uống rượu thì có hại.
Chúng tôi đáp:
_ Chúng tôi không biết uống. Mời ông uống thật say!
Ông nói tiếp:
_ Các cậu chơi đùa với nhau hôm nay có thích không?
Chúng tôi đồng thanh đáp "có" và "mong thỉnh thoảng lại có cuộc đi chơi này".
Ông nói:
_ Bây giờ còn nhỏ, các cậu chơi với nhau xem chừng thân thiết lắm. Nhưng một mai, cậu Enricô, cậu Đêrôtxi làm luật sư hay giáo sư chẳng hạn, còn các bạn khác kẻ làm thợ, người buôn, lúc ấy có lẽ "ôi thoio" tình bạn bè!
Đêrôtxi đáp:
_ Đời nào! Đối với tôi, Garônê sẽ vẫn là Garônê, Prêcôtxi vẫn là Prêcôtxi, các bạn khác cũng thế, dù tôi có làm đến Hoàng đế nước Anh chăng nữa, tình cố cựu vẫn y nguyên.
Cha anh Côretti nâng cốc, nói:
_ Khá lắm! Khá lắm! Cậu nói nghe được! Học đường vạn tuế! Học đường là một gia đình cho kẻ khó và cho người giàu! Tôi nâng cốc này để chúc cho tình thân ái của các cậu được lâu dài!
Chúng tôi đều vỗ tay khen.
Trời gần tối. Chúng tôi xuống đồi, dắt tay nhau vừa chạy vừa hát. Qua bờ sông Pô, chúng tôi đã thấy lập loè trăm nghìn con đom đóm giỡn bay trên cỏ và dưới sông sóng vỗ đen ngòm!
Về đến vườn "Ông Tượng", chúng tôi cùng nhau chia tay và hẹn chủ nhật tới sẽ lại gặp nhau trong cuộc phát thưởng cho thợ thuyền.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...