Những Mùa Táo Nở Hoa





Một chuyến đi chơi bất ngờ và không có dự định trước, tôi và hai đứa bạn cùng học đại học rủ nhau đi xem phim mới của Pixar, Soul. Tôi không nghĩ Soul hẳn là một ví dụ tuyệt vời về việc thúc đẩy cho người ta có động lực sống, có thể do nó là hoạt hình, nặng nề quá sợ trẻ con không xem nổi. Thế nhưng nếu có gì phải suy nghĩ về Soul không thì có rất nhiều, và dù có nhiều cái còn chưa tới, chưa đủ dữ dội, tôi nghĩ rằng vẫn đáng để chúng ta xem xem. 

Soul kể một câu chuyện khá thú vị về chuyến hành trình trả lời cho những câu hỏi rất đời thường, nhưng cũng gây ra rất nhiều mỏi mệt. Chuyện làm nghề, chuyện đam mê, chuyện tìm mục đích sống, chuyện về những phút giây huy hoàng và cái giá của nó, hay mối quan hệ giữa người với người... Kha khá giống với Lalaland, Soul bàn về những lựa chọn trong đời giữa một bên là nghệ thuật, một bên là "miếng cơm manh áo". Mẹ của Joe lúc nào cũng muốn cậu con trai của mình có một công việc ổn định, có bảo hiểm y tế, có cơ hội thăng tiến, trong khi những gì anh muốn lại là trở thành một nhạc công chuyên nghiệp. Đời không chỉ có những giấc mơ, đời không chỉ có những "tinh hỏa" ta có thể dành trọn cả đời cho nó, đời còn có cả những vấn đề về tài chính, về cơm ăn áo mặc. Thực ra, cũng chẳng phải chúng ta không nhận thức được điều đó, và tôi nghĩ, nếu cứ khăng khăng nâng cao cái gọi là đam mê cũng không phải cái hay. Muốn làm cái mình thích được thì trước hết phải sống được đã, tôi chẳng coi trọng tiền bạc đến mức sống chết vì nó, nhưng đương nhiên, tôi ý thức được sự cần thiết của nó trong đời mình. Chỉ là, nếu mà Joe làm một giáo viên, chấp nhận một cuộc sống bình lặng, thì hẳn cả đời anh sẽ luôn cho mình là nhạt nhẽo vô vị. Gỉa như nếu là tôi, đứng ở The Great Beyond ấy và suy ngẫm lại về đời mình sau những gì đã lựa chọn mà không phải cái mình muốn, thì chắc chắn tôi sẽ nghĩ tôi đã sống một cuộc đời thật sự vô dụng. Phim nói về việc trân trọng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, bạn không nhất thiết phải trở nên xuất chúng để có một cuộc đời có nghĩa, thế nhưng sẽ buồn làm sao nếu chúng ta làm những việc mình ghét, trong từng giây từng phút của cuộc đời, để nó gặm nhấm đi niềm vui và lẽ sống của chính mình. Joe cảm thấy cuộc đời anh, những giây phút tưởng như vô vị trở nên đẹp đẽ, cũng bởi anh được sống và làm điều khiến mình thấy vui. 

Tôi biết mình đang sống ở một thế giới như thế nào, hôm đi xem tôi bảo N. là biết thế hồi đấy tao ở quách cõi trên, vì tao chả biết tinh hỏa của mình là gì. Hoặc có biết, nhưng không đủ can đảm để theo đuổi nó. Sinh viên trường tôi hay đùa về việc làm trái nghề hay than vãn với việc lạc lối với tất cả mọi thứ, một cuộc khủng hoảng trầm trọng khi mà điểm D môn kế toán khiến bạn suy nghĩ về việc chắc chắn mình sẽ chả làm được cái gì cho đời. Đại học là thế, nó khó hơn cấp 3 không phải đơn giản ở lượng kiến thức hay cách học sâu xa, mà nó khiến con người ta cảm thấy vô dụng khi sai một cái bé tí nào đó, hoặc khi không làm theo những gì mà câu lạc bộ hay các buổi hội thảo khuyên nhủ. Tôi phải học một chuyên ngành khó và thẳng thắn mà nói là chẳng phù hợp, nhiều bạn cũng giống tôi, struggling với việc bỏ công bỏ sức 4 năm để rồi học vẫn không khá nổi, và còn chẳng biết tương lai sẽ làm gì. Tôi với Joe vật lộn trong câu chuyện làm thế nào để vừa khiến mình vui vẻ, vừa đáp ứng những nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Chỉ khác là, nếu như nhu cầu cầu của Joe va đập với cơm áo, thì nhu cầu của tôi va đập với mong muốn của cha mẹ. Tôi chẳng có định hướng mình sẽ làm một cái gì đó khó kiếm cơm cả, tôi vẫn thích những công việc ổn định và bình thường, nhưng tôi không mong nó thuộc lĩnh vực tài chính. Vì sao, vì tôi không giỏi, vì tôi không tìm thấy niềm vui thích trong đó, vì tôi vật lộn với nó đến mức muốn buông xuôi và muốn đốt sạch sách vở, bỏ học cho rồi. Tôi không biết gia đình trông chờ ở tôi điều gì khi tôi nói tôi muốn chuyển hướng làm ngành khác, vẫn thuộc kinh tế, vẫn là một công việc stable, nhưng chỉ vì nó là tài chính nên nói người khác còn đang chán thì đâm đầu vào làm gì. Thế với tôi chẳng nhẽ làm tài chính thì không chán? Tôi phát bực với việc mình nhân nhượng thì bố mẹ càng muốn lôi tôi về quỹ đạo cũ, dù biết tôi không thể làm nổi nó, chứ không phải không thích làm nó. Tôi vẫn đang suy nghĩ về đời mình, và vẫn phải đang làm những phép thử, phải thử thì mới biết mình muốn cái gì, và chỉ có thử rồi tôi mới biết mình không hợp với việc học tài chính. Tôi không phải là một đứa lười biếng, tôi đã cố gắng, tôi đã mong muốn, nhưng dường như ngay cả khi là những phép thử tôi cũng bị người tôi không muốn nhất dập tắt mất. Tôi như linh hồn số 22, dằn vặt về những gì mà những người khác nói về quyết định của mình, sống trong một cái buồng dội âm mà câu "không được đâu", "chán lắm", "không phù hợp" khiến tôi phát dồ. Tôi đang thử, nhưng người ta chưa kịp để tôi thử đã khiến tôi vốn tự ti với việc học lại càng thêm tự ti vì sợ rằng mình sẽ chẳng làm được gì cả. 


Một vấn đề nữa để nói, mà tôi không  đánh giá cao được là tình huống Joe bày tỏ nỗi lòng với mẹ mình về thứ mình thích, và bà chấp nhận anh. Những xung đột của khủng hoảng tuổi 20 và cha mẹ dữ dội hơn nhiều, và độc hại hơn nhiều so với những gì phim diễn tả. Tôi đọc tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, chứng kiến những câu chuyện của bạn bè, và tự trải nghiệm, tôi thấy Joe thật may mắn vì có một người mẹ hiểu mình và nói đúng ra thì, khá "dễ mềm lòng". Cha mẹ tôi và bạn bè tôi sẽ không thế, tôi thấy ở họ một sự gay gắt, một sự bực mình và đay đả khi con mình có nguy cơ đi chệch khỏi đường ray đã được lắp sẵn. Cha mẹ luôn đứng trên khía cạnh muốn tốt cho con, nhưng ít khi hỏi với con thế nào là tốt, bản thân họ thấy tốt thì tự cho rằng nó sẽ tốt với con mình, ôi mới ngây thơ làm sao. Tôi đã cố gắng chiều lòng mẹ tôi, học một ngành mà mẹ yêu cầu, lái dự định mình không theo tài chính nhưng vẫn theo một cái baren để mẹ vừa lòng, ấy thế mà thay vì cổ vũ tôi và mong muốn tôi làm các phép thử, mẹ tôi lại gàn. Mẹ biết tôi học không tốt, mẹ biết tôi vật vã với những con số và công thức, mẹ biết tư duy tôi khác biệt, nhưng vẫn không thể chấp nhận việc tôi từ chối cái mẹ mong mỏi. Tôi thấy bất lực và chán nản, khi bất kể xoay sở theo cách nào mẹ cũng khiến cho tôi cảm thấy mình vô dụng và kém cỏi, kể cả trong việc tìm thứ phù hợp và làm hài lòng mẹ. 

Thực ra, Soul là một bộ phim đẹp và đáng yêu, nó nói về câu chuyện va đập với cuộc sống theo một cách thú vị (again, chắc vì là hoạt hình). Thông điệp của Soul cũng rõ ràng, giống Tiana trong princess and the frog, "maybe what you want is not what you need" . Thế nhưng nó lại mở ra một trong vô vàn vấn đề về "existential crisis" ở hiện tại, giải quyết vấn đề chưa tới đâu, nhưng khai mở cũng là tốt rồi. Hơn nữa, biết trân trọng những điều nhỏ mà mình đang làm cũng là một cái hay mà phim gửi gắm. Ở đời có lẽ người ta nên bớt lo nghĩ và mải chạy theo "đại dương" mà quên mất cái nho nhỏ trong đời cũng đẹp.


Tính viết một cái gì đó bình đạm và mang nhiều dấu ấn phim hơn, lại thành ra kể lể về đời mình. Ừ thì, chắc vì cũng thấy nhiều relate, với lại, phim này không quá hợp để phân tích sâu, nó dễ thương quá mà...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui