" "Thế nào là sống như một con người?" thực sự là một câu hỏi mang tầm vĩ mô, và gần như không có một đáp án nào là tuyệt đối. Có lẽ từ lâu, con người đã luôn đi tìm một thứ định nghĩa cho hai từ "Con người". Chúng ta soi chiếu "Con người" bằng những khái niệm triết học, những ý niệm cá nhân, những quan điểm xã hội,... Bất kể lĩnh vực nào cũng đã luôn mong mỏi để tìm thấy một câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên đây là một khái niệm mà khó có thể tìm thấy được một mẫu số chung giữa các định nghĩa của các góc nhìn khác nhau, tôn giáo, chính trị, lịch sử, nghệ thuật hay kinh tế,..., có thể bởi con người vừa là cái chung, cũng vừa là cái riêng, cái cá nhân, cá thể, rất khó để có thể quy đồng. Còn với riêng bản thân tôi, tôi muốn tìm câu trả lời ở một thứ gì đó đơn giản hơn, như là câu chuyện về chú mèo hoang Bob và nhạc công đường phố Bowen chẳng hạn.
Cuốn sách "A street cat named Bob" đã trở thành một hiện tượng khi được xuất bản, và đem lại cho Bob lẫn Bowen rất nhiều điều mà có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được. Đó là một câu chuyện rất bình dị và đáng yêu giữa mèo và người, và với việc Bowen vốn không phải là một nhà văn, thì lối hành văn giản đơn đã khiến quyển tự truyện này toát lên một vẻ mộc mạc và giản dị không ngờ. Đằng sau câu chuyện của đời thường này có rất nhiều điều đáng để ta suy ngẫm, và để lý giải cho câu hỏi "Làm thế nào để sống như một con người?"
Bowen đã từng là một một con người trượt dài trong những tệ nạn xã hội. Khi anh chưa gặp mèo Bob, anh có tiền sử sử dụng ma túy, là một kẻ vô gia cư lang thang không nghề nghiệp không việc làm, anh không muốn gặp lại mẹ mình ở một đất nước khác, và nếu có gặp ba thì ông cũng chỉ cho anh tiền rồi thôi. Nếu dựa theo những chuẩn mực xã hội hiện đại thì quả thật Bowen sẽ không được tính là đang sống như một con người, anh nghèo nàn không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần, như một cái cây bị mục từ bên trong, rất dễ dàng bị quật ngã bởi gió bão. Bowen đã phạm sai lầm, và anh hoàn toàn ý thức được điều đó, chỉ là để thay đổi, để trở lại thành một con người đúng nghĩa là cả một quá trình. Có thể nói rằng tồn tại thì dễ, nhưng sống cho ra dáng một con người thì lại là điều không phải ai cũng làm được. Ở ngoài xã hội còn rất nhiều người giống như Bowen đã từng, những người đã phạm sai lầm trong cuộc đời, những người từ khi sinh ra đã không thể đi được một con đường đúng, những người thiếu kĩ năng để sống một cuộc sống tử tế. Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng để sống như một con người không chỉ cần có đủ trợ cấp về mặt tiền bạc, ăn uống hay một mái nhà, mà nó cần có một sự giáo dục tử tế, đúng hướng từ trong tâm hồn và ý thức., tránh xa những điều xấu, nhận thức được trách nhiệm, rèn luyện ý chí bản thân,... Chẳng ai sinh ra đã là kẻ xấu. Bowen cũng vậy, nhưng cuộc đời này có nhiều hơn một cạm bẫy để con người ta không thể vượt qua. Và ngoài Bowen, người đã phạm sai lầm, còn ở đâu đó những người ngay từ đầu đã rất khó để bước đi trên con đường đúng đắn. Vậy nên tôi vẫn luôn trăn trở rằng, chính phủ và các tổ chức từ thiện nên làm nhiều hơn là chỉ cung cấp nhu yếu phẩm và tiền cho những con người cần giúp đỡ. Ví dụ như họ nên suy nghĩ kĩ hơn về việc xây dựng nhận thức và tình cảm cho những đứa trẻ mồ côi, thay vì chỉ cho chúng một vài cái kẹo, chụp một vài tấm ảnh tay bắt mặt mừng.
Câu chuyện về cuộc đời lầm lạc của Bowen không phải là duy nhất, song điều khiến nó trở nên đặc biệt hơn là nhờ sự có mặt của chú mèo hoang Bob. Tôi thấy có nhiều người nói rằng nỗ lực thì không bằng may mắn khi đọc về Bowen và Bob, họ cho rằng Bowen may mắn tìm được và nuôi Bob, để chú mèo này như một thần tài, đem lại cho anh danh tiếng, tiền bạc và rất nhiều thứ khác. Nhưng đó quả thật là một suy nghĩ sai lầm, và chắc người đó chưa từng đọc qua quyển sách hay đủ kiên nhẫn để xem hết bộ phim chuyển thể của câu chuyện. Bob đến với Bowen hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng để bỏ ra một số tiền vốn là tiền ăn cả tuần của mình để mua thuốc và chăm sóc Bob, lại là lựa chọn của Bowen. Bowen không tìm thấy được ở cha mẹ mình hay bất kì ai trong xã hội sự đồng cảm, mà lại là ở chú mèo hoang anh vô tình cưu mang được. Bob không đánh giá anh là một nhạc công nghèo khó, không đánh giá anh là một kẻ nghiện ngập, không liếc mắt nhìn anh với một vẻ khó chịu khi đi ngang qua trên đường,... Bob tin tưởng anh và đối xử với anh bình đẳng với mọi người, cho anh chăm sóc và để anh quyết định nó sẽ đi đâu, và chính điều đó đã làm Bowen cảm động để quyết tâm thay đổi chính mình. Thật lạ khi trong quá trình tự cai thuốc, anh luôn khẳng định rằng vì Bob cần tôi, nên tôi không thể bỏ cuộc được. Anh tự chịu đau đớn và dằn vặt để đem lại cho chú mèo và chính mình một cuộc sống tốt hơn, chứ không phải vì bất kì ai khác.
Quay trở lại với câu hỏi "Thế nào là sống như một con người?", tôi nghĩ rằng đó không chỉ là những nỗ lực nội tại, xây dựng bản thân mình hay phải cố gắng lên, vượt qua cái này cái khác hay có trách nhiệm với gia đình, bạn bè, xã hội,... mà còn phải có cả sự công nhận của những cá nhân khác nữa. Chỉ đến khi mang Bob theo cùng đi làm, người ta mới dành cho Bowen những ánh mắt dịu dàng hơn trước, bớt định kiến về cuộc sống của anh hơn trước. Bob làm cho mọi người có cảm giác Bowen là một người an toàn và dễ chịu, vì chỉ có những người hiền lành mới có những con động vật hiền lành đi kèm mà thôi. Bowen không ngờ được tới điều đó, rằng Bob không chỉ thu hút nhiều khách hơn, mà còn tạo cho anh cơ hội được trò chuyện với mọi người một cách bình thường. Bowen bình đẳng với mọi người, anh được kết nối lại với xã hội, được có cảm giác mình đang sống như là một con người chứ không còn là một bóng ma vật vờ như trước.
Chúng ta là những cá thể khác nhau nhưng lại sống trong một tập thể, vậy nên giữa chúng ta cần những sự trao đổi, kết nối để luôn luôn thấy mình không bị lạc ra khỏi đám đông. Giống như nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao đã từng nói "Ai cho tôi làm người lương thiện?" Nhiều người đã tranh cãi rằng chẳng phải lương thiện vốn là một nỗ lực tự thân hay sao, tại sao phải xin ở người khác điều đó. Thực ra nếu để ý chúng ta sẽ thấy rằng sau khi Chí Phèo gặp Thị Nở, Chí Phèo đã nhen nhóm khát vọng quay trở lại làm người lương thiện rồi. Thị Nở không đánh giá hắn như cách người dân làng Vũ Đại làm, phải chăng vì Thị là một người dở hơi? Khi thức dậy vào buổi sáng mà lần đầu tiên hắn nghe được tiếng chim hót và tiếng người đem vải ra chợ bán, hắn cũng đã muốn có một cuộc sống bình thường vì ý thức được rằng mình đã ở cái dốc bên kia của cuộc đời, muốn có vợ có con, có một mái ấm với chồng cày cấy vợ dệt vải. Nhưng Chí Phèo lại chẳng bao giờ quay lại làm người bình thường được, nếu như Bá Kiến còn tồn tại và làng Vũ Đại vẫn coi hắn như một con quỷ. Làm sao để hòa nhập khi chỉ cần thấy bóng dáng hắn là mọi người đều kinh sợ xa lánh, làm sao để hòa nhập khi Bá Kiến vẫn còn muốn lợi dụng hắn làm những việc bất chính cho mình? Để sống như một con người cần nhiều hơn một nỗ lực tự thân, nó cần một sự khoan dung và cảm thông của xã hội để đưa những con người đang lạc lối quay trở lại với quỹ đạo.
Tuy nhiên tôi luôn hy vọng rằng chúng ta không rơi vào tình huống lầm đường lạc lối rồi lại phải xin xã hội một sự cảm thông, vì xã hội không dễ gì cho chúng ta điều đó. Mặc dù cuộc đời này không dễ dàng gì để bước qua, và mọi kể hoạch đều có thể đổ bể, thì tôi vẫn luôn tin rằng con người vẫn luôn có mong mỏi được sống một cách bình thường, được sống cho đúng nghĩa hai chữ "con người", như Bowen vẫn luôn muốn một ngày có thể về lại gặp mẹ, hay đứng trước mặt bố mà không phải vì cần hỏi xin bất cứ một đồng bạc nào. Tôi thích cái cách Bowen không ghét bỏ và đỗ lỗi cho cha mẹ mình, anh biết mình sai và mong được thay đổi.
Xét đến cùng, "Làm thế nào để sống như một con người?" có lẽ không nên được trả lời bằng những gạch đầu dòng và bắt đầu bằng động từ "Nên" hay "Phải", và cũng khó có thể đặt ra được một tiêu chuẩn nào là chân lý cho việc làm người. Đó là một quá trình riêng tư của mỗi người, là sự tự lắng nghe, tự dung nạp và tự thể nghiệm để tìm ra hướng đi cho chính bản thân mình. Ở con người, cái cần nhất không hẳn là hoàn thành những trách nhiệm được yêu cầu, mà còn là khả năng tự soi vào lòng mình, biết trăn trở cùng những vấn đề không thể rành mạch đúng hay sai. Bản thân mỗi người chúng ta, như Nguyễn Minh Châu đã từng viết, "vừa là quan tòa, vừa là thầy cãi lại vừa là nạn nhân của chính mình." Và để có được khả năng ấy cũng không phải là điều dễ dàng gì, đọc thêm nhiều sách?, dự thính nhiều buổi nói chuyện?, suy nghĩ về những góc cạnh còn dang dở?,... Điều quan trong nhất là con người có dám đối diện với lòng mình không, đối diện với những phần "con" và "người" đan xen trong tiềm thức, để mỗi một ngày lại ngộ ra mình phải làm gì để đi hết hành trình "sống như một con người." Làm người, khó nhất là tự chất vấn lại những điều tưởng như đã ngủ yên bên trong tâm hồn mình. "
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...