"Một nụ cười có thể mang đến cả mùa xuân. Một giọt lệ có thể làm đen tối cả đất trời."
"Đã nói là cả đời mà, thiếu một năm, một tháng, một ngày, một giờ, liền không còn là một đời nữa!"- Bá Vương Biệt Cơ.
***
Mình mới xem Bá Vương biệt Cơ, mới xem, không phải là xem lại.
Đây là một bộ phim hay, và khó, nên trước khi viết cái này mình có đi đọc một số bài phân tích khác. Các bài phân tích phim thường nói đến hai nàng Ngu Cơ là chủ yếu, hoặc cái chết của Kinh kịch, hoặc nghệ thuật dàn dựng của phim. Quả thật viết về hai nàng Ngu Cơ thì có quá nhiều thứ để nói, sự cảm mến, thấu hiểu, xót thương, người ta ngưỡng mộ một Điệp Y xinh đẹp xuất thần, là Ngu Cơ của giấc mộng vàng son, người ta cũng đồng cảm với Diệu Linh, một nàng Ngu Cơ của đời thường đã chấp nhận hy sinh tất cả. Họ, cả hai người, đều hướng về Bá Vương của mình, Bá Vương của cả mộng và thực, vậy nên khi Bá Vương quay đầu lại như một kẻ nhu nhươc, họ đã đều lựa chọn cho mình cái chết.
Tiểu Lâu có nhu nhược không, có tệ hại không?
Câu trả lời có lẽ là có, dù sao thì cũng chẳng thể phủ nhận rằng chính Bá Vương Tiểu Lâu đã trực tiếp và gián tiếp đẩy những nàng Ngu Cơ của cuộc đời mình vào bước đường cùng. Diệu Linh đã nhảy từ trên tầng cao xuống, không có ai đỡ lấy. Và Điệp Y đã rút gươm cứa cổ mình, chết trước mặt Bá Vương vì anh biết câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao ái thiếp lúc nào cũng phải chết?". Trích phân tích của một người mình đã đọc: "Bá Vương không có Ngu Cơ thì ngài vẫn là Bá Vương, còn Ngu Cơ mà không có Bá Vương thì không còn là Ngu Cơ nữa rồi."
Nhưng nói thật thì mình thương Tiểu Lâu, vì cái kẻ đớn hèn đổ hết tội lỗi và thóa mạ lên Điệp Y và Diệu Linh, lại vốn có những phẩm chất giống một người quân vương hơn bao giờ hết. Diệu Linh là gái lầu xanh, hẳn cô cũng đã kinh qua không biết bao nhiêu lời tán tỉnh, những trò lọc lõi của bọn làng chơi, hay Điệp Y khi còn là một đứa trẻ đã bị chính mẹ ruột của mình chặt đi một ngón tay thừa, đến cái áo kỉ vật duy nhất gợi nhớ đến mẹ nó cũng mang đốt, thì chẳng có lý gì để nó tin tưởng ai thêm lần nào nữa. Ấy thế mà hai con người này đã trao niềm tin cho một người duy nhất, chính là Tiểu Lâu. Tiểu Lâu đã gắn bó với Điệp Y từ khi hai người còn chưa có nghệ danh, chưa nổi tiếng, sự thân thiết, gắn bó của hai người rõ ràng đến độ bạn học còn bảo rằng thiếu Sĩ Tứ thì mày chả làm được cái gì. Tiểu Lâu từ những năm tháng tuổi thơ đã là người chính trực, tốt bụng, hết lòng giúp đỡ khuyên nhủ Điệp Y trong những lúc khó khăn nhất. Anh thậm chí còn đập cả cái bình đất vào đầu bọn lính Nhật khi thấy chúng sỉ vả nền nghệ thuật nước nhà, lấy trang phục, lấy cái nghệ thuật của anh ra để làm trò vui. Tiểu Lâu bị bắt, và con người ấy còn quật cường đến độ không chịu nịnh nọt để được tha, anh còn nhổ vào mặt Điệp Y khi biết bạn diễn của mình hát hí cho tướng Aoki để anh được thả ra. Đã từng có một Bá Vương Tiểu Lâu như thế trong cuộc đời Ngu Cơ Điệp Y. Còn với Diệu Linh, Tiểu Lâu thực sự là một người cứu cánh, "cứ nhảy đi anh sẽ đỡ em", và Diệu Linh đã nhảy thật, kể từ đó mà cô cảm mến anh, cảm mến người dù chưa làm tròn được nghĩa vụ người cha, nhưng luôn yêu thương và bảo vệ cô, "dù có đi ăn xin em cũng sẽ đi với anh". Đã có một Bá Vương Tiểu Lâu trong cuộc đời Ngu Cơ Diệu Linh như thế.
Thế tại sao con người với những phẩm chất đáng nhẽ ra sẽ trở thành quân vương, đến cuối phim lại trở thành kẻ tội đồ như vậy? Có lẽ bởi Bá Vương chỉ là giấc mộng anh hùng, còn thực tế lại là một câu chuyện khác. Tiểu Lâu, sâu tận cùng bên trong hóa ra chỉ là một con người bình thường, bình thường tới mức tầm thường hơn cả hai nàng Ngu Cơ trong phim. Con người ấy đã lùi bước, e dè, khúm núm trước quyền lực của quan lớn, trước sự thật, trước khẩu hiệu chỉ có nước hành hình mới thỏa lòng được nhân dân, trước sự tạp nham của kinh kịch thế hệ nối tiếp,... để rồi cuối cùng không quay trở lại nổi làm Bá Vương trước kia, đập đầu vỡ gạch để cứu sư phụ và đồng môn. Bá Vương phải đi bảy bước, còn Tiểu Lâu chỉ đi được có năm, Tiểu Lâu không còn là Bá Vương, và vốn cũng chưa bao giờ có thể là Bá Vương. Con người ấy cũng là một số phận bi kịch, bị những biến chuyển của lịch sử xã hội, bị làn sóng cuộc đời nhấn chìm và bào mòn đi từng chút từng chút một. Trong những thời kỳ mà xã hội xoay vần, để chỉ trong mấy mươi năm của cuộc đời một con người đã có thể bước từ sự vàng son hưng thịnh xuống tới tận đáy cùng, hỏi làm sao để con người ta không sợ hãi, không run rẩy, và đáng sợ hơn cả, không đánh mất chính mình?
Nói đến đây lại nhớ đến nhân vật Hộ trong Đời thừa.
Hộ cũng là môt người có giấc mộng anh hùng như Tiểu Lâu. Hộ cưu mang Từ, Hộ chăm sóc gia đình Từ, Hộ có lý tưởng, có đạo đức trong nghề nghiệp. Hộ là một người không thể chê trách. Nhưng rồi Hộ vẫn rơi vào cái bóng quá khổ của kẻ anh hùng mà chẳng phải là anh hùng. Hộ sống với sự dằn vặt rằng cái anh làm ra là phi nghệ thuật, cao hơn là phi nhân tính, chỉ để thỏa mãn những cái bình thường nhất của cuộc đời như cơm áo gạo tiền. Nhưng anh không làm khác được, vì nếu làm khác thì Từ và các con anh sẽ chết đói, Hộ nhận ra những cái tủn mủn mà anh coi thường bây giờ cũng có thể trở thành gánh nặng trên con đường đến với giải Nô ben của anh. Và thế là anh say, say để có thể sống với những gì hóa ra trong tâm can mình ngấm ngầm mong mỏi, mà thậm chí có những điều anh chẳng thể nhận thức được. Hộ và Tiểu Lâu đều bị dằn vặt, đều bị sự nhập nhằng của cuộc sống, của niềm tin giết mòn để rồi chẳng biết từ lúc nào đã trở thành những kẻ hèn mọn trước mặt chính những người đã trao niềm tin cho mình.
Có phải những nàng "Ngu Cơ" và Từ đã đặt một gánh nặng quá sức lên đôi vai của những người bình thường khoác áo anh hùng ấy?
Cả hai nàng Ngu Cơ đều không có lỗi, cả Từ cũng không có lỗi. Họ, thực ra cũng chỉ là những con người bị hiện thực giày xéo, tha thiết một chốn nương tựa dù bên ngoài trông có vẻ cảnh giác vì đã từng tin tưởng nhầm người. Điệp Y từ cái ngày hát đúng câu hát "Bản chất ta là nữ, không phải là nam" đã quyết gắn cả cuộc đời mình với kinh kịch, với Bá Vương mà nếu cái bóng vương to lớn ấy chết đi thì cũng cam lòng mà chết theo. Diệu Linh từ cái này uống nửa bát rượu của Tiểu Lâu cũng đã quyết tâm đi cùng người đàn ông này đến cuối đời, dù người đó còn xa mới có thể được coi là một người chồng mà cô mong mỏi. Còn Từ, từ cái ngày Hộ cưu mang mình cũng đã quyết sẽ yêu Hộ dù có thể tình yêu ấy giống như tình yêu của một con chó đối với chủ.
Xét cho cùng, người cưu mang hay người được cưu mang, ai cũng đều đáng thương cả. Và còn đau đớn hơn nữa khi những số phận này lại phải quay quắt trong những thời kì mà người ta tưởng như đang khai sáng cho nhau, như cái cách mà Cách mạng Văn hóa nói.
Rốt cục thì, những nàng Ngu Cơ cũng đã từ biệt "Bá Vương" của lòng mình rồi.
"Quên đi tôi sẽ không còn đau nữa
Chuyện xưa ấy xin để gió cuốn bay".
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...