20.7.68
Những ngày bận rộn công tác dồn dập, thương ít, mọi người trong bệnh xá đều hết sức vất vả. Riêng mình trách nhiệm càng nặng nề hơn bao giờ hết, mỗi ngày làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya. Khối lượng công việc quá lớn mà người không có nên một mình mình vừa phải phụ trách bệnh xá, vừa lo điều trị, vừa giảng dạy. Vô cùng vất vả và cũng còn nhiều khó khăn trong công việc, nhưng hơn bao giờ hết mình cảm thấy rằng mình đã đem hết tài năng sức lực của mình để cống hiến cho cách mạng. Đôi mắt người thương binh hôm nào đau nhức tưởng như bò hôm nay cũng đã sáng lại một phần. Cánh tay anh bộ đội sưng phù đe dọa chảy máu bây giờ cũng đã lành lăn. Những cánh tay xương gãy rời cũng đã liền lại… Đó chính là nhờ sức lực của mình và những người y tá đêm ngày lăn lộn trong công tác bên giường bệnh.
Và với những học sinh, mình cũng đã đem lại những điều quý giá trong lý luận về y học. Mình đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà bẳng cả tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao thiệt thòi đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được. Thương biết mấy những Thuận, những Liên, những Luận, Xuân, Nghĩa mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều rất giống nhau: Rất ham học, rất cố gắng để đạt mức hiểu biết cao nhất. Thuận mới vừa khóc cha chết, hai chiếc tang còn nặng trên ngực nhưng nụ cười đã trở lại trên đôi môi nhợt nhạt – Thuận đã hát đã cười đã sôi nổi thảo luận, nhìn Thuận mình biết bao mến thương và cảm phục.
Liên vừa lo học vừa lo làm việc trong bệnh xá. Liên lặn lội trong mọi công việc từ sớm đến tối như một con chim nhanh nhẹn vui cười đi đầu trong mọi gian khổ - đó cũng là hình ảnh mình cần học tập.
Kể làm sao cho hết những người anh hùng vô danh mà mảnh đất miền Nam đau thương khói lửa này đã tạo nên họ.
25.7.68
Một buổi ngồi trên giường bệnh của Lâm, Lâm bị một mảnh đạn cối cá nhân xuyên vào tủy sống, mảnh đạn ác nghiệt đã giết chết một nửa người Lâm - từ nửa ngực trở xuống. Lâm hoàn toàn bại liệt, lở loét và biết bao nhiêu đau đớn hành hạ Lâm.
Lâm năm nay hai tư tuổi, là một cán bộ y tế xuất sắc của Phổ Văn. Ban Dân y huyện mới rút Lâm về bổ sung chưa được một tháng, trong lần đi công tác vừa qua địch càn đến, Lâm xuống công sự nhưng khi tay anh vừa mở nắp hộp công sự thì bọn Mỹ đã đến sát sau lưng, một mảnh đạn nhỏ đã giết hại đời Lâm một cách đau đớn. Lâm chưa chết nhưng chỉ còn nằm để chờ chết. Đứt tủy sống trong điều kiện ở miền Bắc còn bó tay nữa là ở đây.
Lâm biết điều đó nên đau khổ vô cùng. Chiều nay ngồi bên Lâm, Lâm đưa lá thư của Hạnh (người vợ trẻ của Lâm) cho mình coi rồi khẽ nói với mình:
“Chị ơi, các chị tận tình, gia đình tần tình nuôi em để làm gì? Trước sau em cũng chết, em có sống cũng chỉ làm khổ các chị và gia đình mà thôi”. Một giọt nước lăn dài trên gò má gầy ốm của Lâm.
Thương Lâm vô cùng mà chẳng biết nói sao. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh của Lâm chắc mình cũng nói như vậy mà thôi. Nhưng không lẽ không động viên Lâm… Ôi! Chiến tranh! Sao mà đáng căm thù đến vậy và đáng căm thù vô cùng là những con quỷ hiếu chiến. Vì sao chúng lại thích đi tàn sát bắn giết những người dân hiền lành, giản dị như chúng ta. Vì sao chúng đang tâm giết chết những thanh niên còn đang tha thiết yêu đời, đang sống và chiến đấu với bao mơ ước như Lâm, như Lý, như Hùng và nghìn vạn người khác nữa?
27.7.68
Anh Khả (14) bị bắt rồi!
Buồn biết bao nhiêu, anh Khả mới hôm nào đó nắm tay Thùy thân thiết, bàn tay của người anh đồng hương, đồng nghiệp ấm nóng thân tình. Mới hôm nào đó hai anh em lui cui bên bàn mổ, nét chữ anh còn in đậm trên bệnh án. Hôm nay anh đang nằm ở đâu? Trong một chiếc cùm nặng trĩu hay trong phòng tra tấn của một nhà giam nào? Buổi sáng hôm ấy (20 tháng 7) ra đi, chắc anh không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sa vào tay giặc nên anh chào mọi người với nụ cười đùa vui. Anh nắm tay mình nói khẽ “Anh đi nghe Thùy”, rồi đi xa mấy bước anh nói to hơn “Độ mười bữa nữa anh về, nhiều lắm là mười lăm bữa”. Anh Khả mến thương ơi, đến bây giờ Th. càng thấy quý anh, thương anh hơn bao giờ hết. Tình thương mộc mạc rất đỗi chân tình ấy có từ những buổi Thùy còn quàng chiếc khăn đỏ trên vai, từ những ngày anh còn là chú Khả. Nhớ anh, Thùy nhớ cả một chuỗi ngày êm ấm. Ở đó có một căn nhà xinh, có đôi mắt đen tròn của bé Kim… Có bao giờ gặp anh nữa không hở anh? Ba lô anh còn đây, mỗi khi nhìn thấy nó, Thùy thấy đau nhói trong lòng.
4.8.68
Vẫn là những ngày công tác dồn dập, khó khăn vẫn đến từng giờ từng phút vậy mà sao lòng mình lại thấy ấm áp niềm tin. Phải chăng nụ cười trên đôi môi còn thoáng nét đau buồn của người học sinh trẻ ấy làm mình dịu đi mọi suy nghĩ về riêng tư? Phải chăng vì tiếng hát lạc giọng vẫn vang lên khi lòng người trai ấy vẫn đang rớm máu vì hai cái tang đè nặng lên ngực. Đó là lời nhắc nhở rằng mình hãy học tập cho được tinh thần lạc quan kỳ diệu. Vâng tôi xin học tập và học tập không ngừng để giữ vững niềm tin cách mạng mà các đồng chí đã dạy tôi bằng cuộc sống chiến đấu kiên cường của các đồng chí.
Và mình đã vui, lời ca lại cất lên sau những giờ lao động mệt nhọc.
Lòng sung sướng biết bao khi thấy rằng có rất nhiều đôi mắt nhìn mình cảm thông thương yêu mến phục. Đó là đôi mắt của những học sinh mong đợi mình lên lớp. Đó là đôi mắt của các bệnh nhân mong mình đến bệnh phòng… Vậy là đủ rồi Th. ạ, đừng có đòi hỏi cao hơn nữa. Cả Đức Phổ này đã dành cho mình một tình yêu thương trìu mến. Đó là một ưu tiên rất lớn rồi.
***
Chị Hai về mang tin buồn: Anh Dũng đã chết vì bị Mỹ bắt sống và giết tại chỗ.
Đau xót biết chừng nào!
Không lẽ quyển sổ nhỏ này cứ ghi tiếp mãi những trang đầy máu hay sao. Nhưng Thùy ơi! Hãy ghi đi, ghi cho đầy đủ tất cả những máu xương, mồ hôi nước mắt của đồng bào ta đã đổ hai mươi năm nay. Và ở những ngày cuối của cuộc đấu tranh sinh tử này, mỗi sự hy sinh càng đáng ghi, đáng nhớ nhiều hơn nữa. Vì sao ư? Vì đã biết bao nhiêu năm rồi ta chiến đấu hy sinh và niềm ky vọng đã như một ngọn đèn rực sáng trước mắt, ở cuối đoạn đường, hôm nay gần đến đích thì ta ngã xuống.
8.6.68
Trời chưa sang thu nhưng mỗi buổi sáng về đã thấy lành lạnh. Phải chăng cái lạnh giữa núi rừng đã khiến mình cảm thấy cô đơn? Không đâu Thùy ơi, Thùy đứng dối với chính mình. Thùy đang buồn - một nỗi buồn mà dù Th. có được biết bao nhiêu yêu thương của bao nhiêu người cũng không che lấp nổi. Thùy ơi! Biết trả lời sao khi đời vẫn có những người ti tiện nhỏ nhen. Làm sao mà biết được? Và như một dòng suối nước chảy trong veo nhưng đôi chỗ vẫn có những vũng nước đọng ven bờ đá. Dù sao dòng suối vẫn đẹp, ta nhìn cả dòng suối và yêu cái nên thơ của nó chứ ai lại vì một vũng nước nhỏ mà ghét bỏ nó.
M. ơi, M. cũng như dòng suối ấy chăng? M. cũng là dòng nước chảy rì rào êm đẹp và cũng còn những vũng nước đọng ven bờ? Thùy là người đi giữa rừng, nghĩ sao đây? “Mong rằng đó là một lời thề độc trong truyện cổ tích trớc những dư luận phù thủy. Mà những chuyện như vậy không nên có ở tâm hồn trong sáng và tế nhị như Th.”.
M. bảo Th. quên đi những điều đã làm ảnh hưởng niềm tin ở nhau ư? Không đâu M. ơi! Niềm tin bằng mười năm thương nhớ đợi chờ đâu phải dễ sứt mẻ, nhưng khi đã sứt mẻ lại không dễ gì mà hàn gắn.
Cho nên chẳng biết nói sao. M. ơi, nếu trong chuyến đi này, M. không trở về nữa thì sao? Ôi, sao chúng ta chỉ đem đến cho nhau những đau buồn, mà nói cho đúng hơn là sao M. cứ gieo đau buồn lên trái tim một người con gái sôi nổi yêu thương và tràn đầy hy vọng ở cuộc đời?
14.8.68
Những buổi chiều như chiều nay, nắng vàng yếu ớt đang xuyên qua khung cửa. Rừng cây im lặng… Cái nóng bỏng của cuộc chiến đấu ngoài kia không về đến đây chăng? Mình lặng yên lắng nghe tiếng rì rầm thảo luận của các nhóm học sinh đang ôn thi. Học sinh! Sao lòng mình tràn ngập mến thương đối với những người em ấy. Nhất là đối với Thuận một cán bộ của lớp. Thuận ham học, chăm làm, hồn nhiên và rất tế nhị. Điều cơ bản làm mình thương Thuận là hoàn cảnh đau xót của Thuận và cái nghị lực phi thường của Thuận - hai chiếc tang còn trên ngực, mình vẫn thấy Thuận có những phts ngồi lặng yên một mình đăm đăm suy nghĩ và khẽ thở dài. Nhưng trước mặt mọi người và trong mọi lĩnh vực công tác Thuận luôn giữ được vẻ hăng say, sôi nổi. Nhìn Thuận học và làm ít ai hiểu được điều gì đã xảy ra với Thuận. Bỗng dưng mình so sánh Thuận với Nghĩa - đứa em trai mới của mình và thấy ở Thuận có những nét đáng yêu, đáng quý như Nghĩa. Muỗn xem Thuận như một đứa em để mình sưởi ấm cho cuộc sống tình cảm cô đơn đau xót của Thuận. Mà có nên như vậy không nhỉ? Xét kỹ đi.
Buổi chiều hôm ấy 26 tháng 1 năm 67 mình rời Phổ Hiệp ra đi. Sân nhà Thường đông nghịt những người đến đưa tiễn mình. Xúc động làm mình lúng túng, chẳng biết làm gì mình ngồi xuống cạnh mẹ Thường bốc củ bảo vào thúng. Lúc ngẩng lên mình bỗng sửng sốt vì một đôi mắt đăm đăm nhìn mình, đôi mắt đen to rất hiền, long lanh nước mắt. Đôi mắt nhìn mình buồn vô hạn và tràn ngập một tình thương yêu thiết tha. Đó là đôi mắt của Khiêm.
Mình quen Khiêm trong những ngày ác liệt của mùa khô 1967 khi mình về công tác tại Phổ Khánh. Người giáo viên trẻ ấy đã đến với mình bằng cả tình thương mến và cảm phục rất chân thành. Tâm hồn những người đã qua thời học sinh có những nét dễ cảm thông nhau. Những ngày nằm dưới công sự mình kể cho Khiêm nghe về Paven15 và Ruồi Trâu, về những bài thơ mình yêu thích
Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng
Khiêm cũng rất thích các bài Núi Đôi, Quê Hương.
Rồi Khiêm kể cho mình nghe cuộc đời học sinh vào tù ra tội của Khiêm. Khiêm đã ở tù ba năm, đi khắp nhà lao tỉnh, Huế… Bọn giặc đánh đập nhiều lần làm Khiêm gầy yếu.
Mới đầu chỉ là mến nhau nhưng sau mình trở nên thân với Khiêm bằng một tình bạn rất đỗi trong trắng và chân thành. Công tác đồng bằng được một thời gian, mình về căn cứ. Từ buổi xa Khiêm đến nay gần một năm rồi nhưng mình vẫn cảm thấy có một đôi mắt đen buồn, long lanh nước mắt đang nhìn mình trong buổi chia tay.
Ai có ngờ lần chia tay đó lại là vĩnh biệt. Khiêm đã chết rồi! Trong một buổi đi càn giặc Mỹ đã tìm thấy công sự của Khiêm. Chúng mở nắp cống sự, Khiêm vọt lên dùng quả lựu đạn duy nhất trong tay quăng vào lũ giặc. Bọn quỷ khát máu sợ hãi nằm rạp xuống. Khiêm chạy được một đoạn nhưng quả lựu đạn chó chết đã câm, bọn giặc chồm dậy đuổi theo Khiêm và đến băm nát người Khiêm. Khiêm chết rồi, đôi mắt đen dịu hiền giờ đây mở trừng căm giận. Mái tóc đen xanh của Khiêm giờ đây đẫm máu và bụi cát. Những hạt cát của quê hương quyện vào mái tóc của người thanh niên anh dũng. Chiếc áo Ninfan màu xám giờ đây rách nát và loang lổ máu. Chiếc áo ấy Khiêm đã mặc hôm đầu tiên gặp mình, cũng chiếc áo ấy Khiêm đã cùng Th. len lỏi trên con đường nhỏ hẹp đầu gai lưỡi hùm của 31, 32, 33, Quy Thiện của 15, 19 “chú trung hải”16. Và cũng chiếc áo ấy một đêm trăng đẹp từ Phổ Khánh trở về. Gió lạnh từ biển thổi vào làm Kh. khẽ run. Th. đã đưa chiếc áo của Quế cho Khiêm mặc, trên nền áo xám giản dị nổi bật màu đỏ đậm đà như lời Khiêm hôm ấy: “Thùy ơi! Trên đời này trừ ba má, Khiêm không ai thương ai hơn Thùy, kể cả người yêu Khiêm”.
Khiêm đã hy sinh rồi! Nghe tin mình bàng hoàng không tin là sự thực. Khi đã chắc chắn Kh. chết, mình không khóc, có phần bình thản nữa. Mình đã dùng nghị lực khống chế nỗi xúc động. Nhưng mỗi giây phút qua đi, nỗi đau thương mới lớn dần và giờ đây nước mắt mình giàn giụa. Mình khóc một mình bên ngọn đèn khuya, những gọt nước mắt mằn mặt chảy dài trên mặt rồi rơi xuống lăn trên vạt áo mình. Khiêm ơi, có cách nào nghe được lời Thùy nói một lần nữa hay không? Hãy nghe đây lời hứa trả thù cho Khiêm. Hứa bằng đau thương xé ruột, bằng căm thù bầm gan. Và hứa bằng cả thương nhớ không bao giờ phai nhạt. Nghe chăng Khiêm, người bạn bất tử trong lòng tôi!
Chú Thích
14 - Anh Khả trước cùng công tác với ba của Thùy Trâm ở Hà Nội. Lần ấy anh bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Sau khi được trao trả, anh về công tác tại Cần Thơ và là bạn thân thiết của gia đình Phương Trâm
15- Nhân vật chính trong Thép đã tôi thế đấy của N.Ôxtơrôpxki
16 - Có lẽ là bí danh của một số cơ sở
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...