1968
8.4.68
Một cas ruột thừa trong điều kiện thiếu thốn. Thuốc giảm đau chỉ có vài ống Novocaine nhưng người thương binh trẻ không hề kêu la một tiếng. Anh còn cười động viên mình - nhìn nụ cười gượng trên đôi môi khô vì mệt nhọc, mình thương anh vô cùng. Rất đau xót rằng sự nhiễm trùng trong ổ bụng không do ruột thừa vỡ. Tìm kiếm gần một giờ không thấy nguyên nhân, mình đành đóng lại, cho đặt dẫn lưu và đổ kháng sinh trong ổ bụng. Nỗi băn khoăn của một người thầy thuốc + nỗi thương xót mến phục người thương binh ấy làm mình không thề yên bụng. Vuốt nhẹ mái tóc anh, mình muốn nói với anh rằng: với những người như anh mà tôi không cứu chữa được thì đó là điều đau xót khó mà phai đi trong cuộc đời phục vụ của một người thầy thuốc.
10 4.58
Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương. Nghe anh Tuấn ra lệnh: “Tất cả ba lô lên đường!”. Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mình một lần cuối. Bỗng dưng một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong mình như mặt sông những ngày mưa lũ và… mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người. Thôi! Các anh đi đi, hẹn một ngày gặp lại lại trên miền Bắc thân yêu…
Suốt một đêm một ngày lo lắng vì cas mổ của San, chiều nay lòng mình vui sướng xiết bao khi thấy San ngồi dậy, nét mặt anh còn in nỗi đau đớn mệt nhọc nhưng nụ cười ngượng nở trên môi. Bàn tay anh khẽ nắm bàn tay mình mến thương tin tưởng ơi người thương binh trẻ tuổi dũng cảm kia ơi, tôi thương anh bằng một tình thương rộng rãi nhưng rất sâu xa: tình thương cửa một người thầy thuốc trước bệnh nhân, tình thương của một người chị đối với đứa em đau ốm (thực ra San bằng tuổi mình) và tình thương ấy đặc biệt hơn đối với mọi người vì cộng thêm că lòng mến phục. Anh có thấy điều đó trong cái nhìn lo âu của tôi không? Có thấy bàn tay tôi dịu dàng đặt nhẹ trên vết thương, trên đôi tay xanh gầy của anh đó không .Chúc San mau bình phục để trở về với đội ngũ chiến đấu, trở về với bà mẹ già đang vò vo ngóng trông con từng giờ, từng phút.
12.4.68
Rừng chiều sau một cơn mưa, những lá cây xanh trong trước ánh nắng, mỏng mảnh xanh gầy như bàn tay một cô gái cấm cung.
Không khí trầm lặng và buồn lạ lùng. Cả khu nhà bệnh nhân im lặng, bên khu nhân viên cũng chỉ nghe thấy tiếng Hường rì rầm trò chuyện với ai. Một nỗi nhớ mênh mang bao trùm quanh mình. Nhớ ai? Nhớ ba, nhớ má, nhớ những người vừa ra đi… và nhớ cả một người bệnh nhân đang chờ mình đến với anh nữa. Bên trong nỗi nhớ hình như có một nỗi buồn sâu kín, thầm lặng nhưng rất nặng nề. Dù sao vết thương lòng vẫn đang rỉ máu, dù mình có muốn lấy công việc lấy mọi nỗi nhớ khác đè lên trên, nó vẫn trỗi dậy, xót xa vô cùng. Hãy quên đi Th. ơi! Hãy quên đi mà tìm lại niềm hy vọng mới mẻ xanh tốt trong lành hơn. Hãy lấy niềm tự hào mà quên đi thất vọng. Con người ấy đâu có xứng đáng với tình yêu trong trắng, chung thuỷ của Thuỳ.
Ơi những người thân yêu của tôi trên quê hương Đức Phổ này, có ai hiểu và cảm thông hết nỗi lòng tôi chăng? Nỗi lòng một cô gái đay ước mơ hy vọng mà không được đáp lại
một cách xứng đáng?
13. 4. 68
Thư từ từ khắp bốn phương gửi về. Cảm ơn tất cả mọi người đã dành cho tôi những tình thương mến thiết tha. Đọc thư niềm vui chen lẫn với nỗi buồn. Tại sao mọi người có thể dành cho mình những tình thương ấy mà một người - một người đã được hưởng một tình yêu trong trắng, chân thành lai không xứng đáng với mình? Buồn làm sao hở M.?
Mình nhũng muốn lấy tình thương của mọi người đền đáp cho chỗ trống của tâm hồn mà không sao làm được. Trái tim mình vẫn cứ bướng bỉnh đập theo nhịp độ của tuổi hai mươi tràn đây hy vọng, tràn đầy thương yêu. Thôi hãy bĩnh tỉnh lại với nhịp đập yên bình của mặt biển những buổi chiều lặng gió đi tim ơi!
14. 4. 68
Một bài thơ làm tặng cho mình, bài thơ của một thương binh đang nằm viện, xuất phát từ lòng mến thương cảm phục đối với một người bác sĩ đã chăm sóc anh và mọi bệnh nhân khác một cách tận tình. Anh ta tìm hiểu kỹ về mình và viết bài thơ tặng. Bài thơ tràn ngập niềm mến yêu chân thành và nỗi đau xót trước mối tình tan vỡ của mình. Anh ta nói lên những lời nói xót xa cay đắng của một cô gái bị người yêu phụ bạc.
Đọc bài thơ... mình buồn vô hạn, không thề kìm được mình ghi ngay dưới bài thơ đó một dòng chữ "Cảm ơn tình thương mến của anh, nhưng hình như anh chưa hiểu Trâm. Hứa với anh rằng sẽ có lúc nào đó để anh hiểu về một người con gái của XHCN", và mình đưa trả lại bài thơ.
Ôi! Đây mới là điều đáng buồn nhất trong quan hệ với M.. Mọi người đều trách M., đều thương mình, nhưng mình xót xa biết bao nhiêu khi thấy người ta thương mình bằng một tình thương có cả sự thương hại nữa! Dù anh Thiết, dù Hào, Nghinh... ai ai đi nữa đã cảm thương san sẻ với mình, mình vẫn không muốn. Một mình đã đủ giải quyết rồi, một mình đủ sức chôn sâu cả nhiều năm thương yêu yêu hy vọng ấy xuống tận đáy đất sâu rồi - mảnh đất tâm hồn mình vẫn màu mỡ, vẫn đủ sức để gieo lên đó một mùa hoa tươi đẹp được kia mà. Hỡi tất cả mọi người, không cần tưới lên mảnh đất ấy những giọt lệ xót thương đâu. Hoa thơm phải được tưới bằng nước mát trong lành.
Mỗi ngày tình cảm với M. càng lạt phai đi và nỗi trách móc càng lớn dần lên. Mình đã và sẽ xa dần người bạn ấy. Anh đâu có xứng đáng với mình?
…68
Không khí im lặng của buổi trưa trùm lấy khu rừng. Nghe San đau, mình lên thăm. Cả phòng cũng đang yên ngủ, kể cả người bệnh nhân mình tới thăm. Không muốn làm thức giấc San, mình rón rén trở ra nhưng tiếng San khẽ rên làm mình trở lại anh cười bẽn… (mờ không đọc được). Anh không đau nhưng có lẽ muốn gặp mình. Cả ngày hôm nay mình bận.
Câu chuyện không phải là chuyện thương tật mà anh lại hỏi: “Hôm nay đúng là ngày chị về Đức Phổ phải không?”
- Vừa tròn một năm San à!
Mình trả lởi mà không khỏi ngạc nhiên vì câu hỏi của San. Muốn ngồi với San nói chuyện về cả một năm qua, một năm chiến đấu gian lao vất vả nhưng rất đáng tự hào trên mảnh đất quê San. Nhưng mình lại thấy khó nói. Có nghĩa lý gì đâu nhưng việc mình làm so với San, với tất cả bà con Đức Phổ đã kiên cường chiến đấu suốt hai mươi năm ròng. Còn nói với San về nỗi nhớ thương với gia đình trong những ngày xa cách lại càng vô lý hơn. San chỉ còn một mẹ già. Cha San chết từ lúc mẹ anh mới hai hai tuổi đầu, người vợ trẻ ấy đã hy sinh cả tuổi xuân của mình ở vậy nuôi San cho đến khi anh được mười chín tuổi thì cho anh đi bộ đội. Năm năm qua vào sinh ra tử San vẫn còn sống, vừa mới cách đây một tháng địch tập kích vào vị trí, San đã thoát khỏi nanh vuốt của quân thù. Mười lăm đồng chí của anh hy sinh. Chỉ một xíu nữa thôi có khó khăn gì đâu, San cũng đã ngã xuống dưới chân hòn núi Cửa ấy rồi. Lúc đó mẹ San có khóc cạn nước mắt cũng không bao giờ có được một đứa con như San nữa. Vậy mà hôm nay San đến đây với mình, có lẽ nào mình lại để thần chết cướp đi người con yêu quý của một bà mẹ đang lo âu hy vọng tất cả vì đứa con duy nhất ấy. Không bao giờ đâu! Mình sẽ phải cố hết sức vì San cũng như vì tất cả những người bệnh nhân! Đó chẳng phải là niềm tự hào của một người thầy thuốc đó sao?
* * *
Nhận được thư và quà của Vân. Thương Vân làm sao. Cuộc đời Vân sao đủ mọi đắng cay, những đắng cay mà một người như Vân lẽ ra không bao giờ phải chịu. Vân sống giàu lòng vị tha, giàu niềm hy vọng, giàu tình cảm cách mạng. Phải đền đáp cho Vân những điều đó chứ. Cớ sao cuộc đời cứ dành cho Vân hnững sự rủi ro? Đã thấy được điều đó mình phải có trách nhiệm. Phải đem lại cho Vân niềm vui, tin tưởng bằng những hành động cụ thể.
17.4.68
Chia tay anh Kỳ và chị Phượng. Sống với nhau cả một năm tròn, hôm nay mình mới hiểu hết tình thương của những người thân thiết đó.
Đêm đã khuya sau buổi liên hoan, anh Kỳ sang phòng mình chơi. Hai anh em chẳng biết nới gì, quyển vở để trước mặt, cây bút cầm trong tay mà những dòng chữ dưới ngòi bút anh đều vô nghĩa. Thời gian còn rất ít, anh cần nói cần viết những chuyện quan trọng. Vậy mà sao anh làm thinh hở anh? Phải chăng anh muốn nói với em bằng đôi mắt đỏ vì thức khuya bao đêm ròng, bằng nụ cười buồn rười rượi trên khuôn mặt gầy ốm? Anh ôm mình trong đôi tay mảnh khảnh, hành động đó rất bình thường với anh nhưng hôm nay sao làm mình cảm động. Tiễn anh đi rồi. Tiễn anh ra đến suối mình bần thần trở về thấy mảnh giấy lưu niệm anh gửi cho Liên. Mấy dòng chữ ngắn ngủi trong đó anh có dặn: “Em và Trâm phải thương nhau chân thật. Trâm vào đây xa gia đình chỉ có bạn….”. Anh Kỳ ơi! Cảm ơn anh, em không bao giờ quên tấm tình của anh đối với em đâu!
Và buổi cuối cùng nằm trong cánh tay của chị Phượng, nghe những lời dặn lại mình lặng yên không nói, những giọt nước mắt âm ấm chảy trên mặt mình và rơi sang mặt chị. Chị ơi, đến hôm nay em vẫn chưa là Đảng viên, buồn đến vô cùng…
22.4.68
Hường ơi! Hường đã chết rồi sao? Mình nghe tin mà bàng hoàng như trong cơn ác mộng. Bao giờ cho hết những đau xót này - nay một người ngã xuống, mai lại một người ngã xuống. Xương máu đã chất cao như ngọn núi căm thù sừng sững trước mắt chúng ta. Bao giờ! Bao giờ và bao giờ hỡi các đồng chí. Bao giờ mới đuổi hết lũ quân uống máu người
không tanh ấy khỏi đất nước chúng ta.
Vậy là hết, những đêm rì rầm tâm sự bên nhau không bao giờ có nữa. Bên tai mình còn nghe rõ giọng Hường trầm trầm tình cảm, Hường khen ngợi động viên mình, ca ngợi mối tình chung thủy cửa mình. Vậy là hết, những buổi cùng nhau tắm dưới suối nước, cùng nhau ăn một chén chè. Mình bỗng nhớ hôm nào gặp Hường bên bờ suối ở Nghĩa Hành, Hường ôm mình trong tay, hôn lên mái tóc, hôn lên má mình và cả hai cùng rưng rưng nước mắt.
Nhìn chú Công vẫn bình thản không hay biết gì về tin sét đánh ấy, mình thấy xót xa như ai xát muối vào trong ruột. Mất một đứa con như Hường còn đau hơn mất cả khúc ruột. Chú ơi, hãy nén đau thương lại đi chú, nếu biết tin này! Và anh Quang, người con trai đã thuỷ chung chờ đợi Hường trong bao nhiêu năm nay cũng không bao giờ thực hiện được mơ ước nửa. Hường của anh đã vĩnh viễn nằm yên dưới nắm đất quê hương anh rồi.
23.4.6S
Một ngày mệt nhọc vô cùng. Ba cas thương nặng vào một lúc. Suốt một ngày đứng bên bàn mổ đầu óc căng thẳng vì những vết thương, vì tiếng khóc xé ruột xé lòng của chú Công (cha Hường) và vì những tin buồn dồn dập.
Hường đã bị bắt sống trên đường công tác. Cậu bé sôi nổi nhiệt tình ấy không hiểu có chịu nổi những đòn tra tấn của quân thù hay không. Thương Đường vô tận. Lá thư viết gửi Đường vậy là chưa đến nơi. Người cầm thư đã chết còn người nhận thư thì bị bắt!!! Một giọng hát buồn từ đâu văng vẳng bên tai mình "Lòng mẹ bao la như biển thái bình rạt rào. Lời ru êm ái như dòng suối hiền ngọt ngào". Lời hát của Đường trong buổi tối hôm xưa hay là lời than đau xót của Đường trong ngục tối lúc mà Đường nghĩ đến người mẹ già đã suốt đởi cặm cụi nuôi con, đặt tất cả niềm vui, hy vọng vào đứa con cưng ấy?
Biết bao nhiêu bà mẹ như mẹ Đường sẽ còn đau khổ khóc than đến cạn dòng nước mắt. Ôi nếu mình ngã xuống, mẹ mình cũng sẽ như bà mẹ ấy thôi, cũng sẽ là một bà mẹ suốt đời hi sinh vì con để rồi mãi mãi đau xót vì con mình đã ngã xuống nơi chiến trường khói lửa. Mẹ ơi! Con biết nói sao khi lòng con thương mẹ trăm nghìn triệu mà cũng đành xa mẹ ra đi. Quân thù đang còn đó, bao nhiêu bà mẹ còn mất con, bao nhiêu người chồng mất vợ. Đau xót vô cùng.
25.4.68
Cũng vẫn là những tin buồn, trên đường đi học ở tỉnh về, đoàn cán bộ của Đức Phổ bị địch tập kích nghe nói có hy sinh một số. Nghĩa cũng đi trong số đó, chẳng hiểu em mình có làm sao không. Em mình xông xáo, dũng cảm dễ có khả năng đi đầu bám đường lắm. Em ơi! Nếu em có làm sao thì chị biết nói gì nữa hở em? Chị sẽ khóc ròng bao đêm vắng hay là nước mắt khô lại thành ngọn lửa thù rực cháy trong tim chị? Mấy ngày này chị vẫn mong em về thăm, bây giờ!...
26.4.68
Nhận một lá thư từ H8 trở về, không phải thư của M. mà là của anh Tâm. Đọc thư chỉ thấy buồn vô hạn. Những ngày qua đã lùi vào dĩ vãng lâu rồi xa rồi, còn khơi lại làm gì nữa hở anh Tâm? Anh thương em nhưng vô tình đã làm em đau khổ. Anh báo tin rằng M. đang đau yếu, anh nói rằng anh hiểu em, thương em nhưng thực ra anh có hiểu gì em đâu. Anh chưa hiểu hết lòng tự ái của một cô gái xuất phát từ tầng lớp học sinh như em sao? Còn nếu đã hiểu thì… tốt hơn hết là hãy nói với em về những điều cần thiết trước mắt công tác tốt, cảnh giác tốt. Vậy thôi!
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...