Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang


Cuối cùng rồi mục tiêu cũng đạt. Đan Thanh đã vào thành phố hằng khao khát cũng đã qua chiếc cổng mà cách đây nhiều năm chàng đã nhịp những bước đầu tiên tìm kiếm vị thầy. Những tin tức đã đến tai chàng trên đường đi vào thành phố. Chẳng biết là bệnh địch đã lan đến và có lẽ còn đang hoành hành, người ta kể cho chàng về các cuộc rối loạn rất đáng lo ngại và Hoàng đế đã phái một vị Thống đốc đến để tái lập trật tự, để ban hành những điều luật khẩn cấp, bảo vệ đời sống và tài sàn. Vị giám mục đã tức khắc rời khỏi thành phố ngay sau khi bệnh dịch bộc phát và đang cư ngụ thật xa nơi một trong những tòa lâu đài của ông ở miền quê. Gã lang thang không mấy chú ý những tin tức này. Khi mà thành phố vẫn còn đứng sững cùng với xưởng điêu khắc nơi chàng muốn làm việc thì mọi việc khác đều không đáng kể đối với chàng. Khi chàng đến nơi, bệnh dịch đã lắng dịu, mọi người đang trông chờ vị giám mục trở về và quan thống đốc ra đi, họ mong mỏi được sống trở lại một đời quen thuộc yên ổn.
Khi Đan Thanh gặp lại thành phố một cảm giác mà chàng chưa hề có, nỗi xúc động của kẻ trở về mái nhà xưa
dâng ngập lòng chàng, để tự trấn tĩnh, chàng tạo một bộ mặt nghiêm khắc, khác với bản tính hồn nhiên cố hữu. Tất cả vẫn ở nguyên vị trí: những vòm cửa, hồ nước xinh đẹp, chiếc tháp cổ kính vụng về của ngôi giáo đường và ngọn tháp mảnh khảnh mới xây của nhà thờ Saint Mary, gác chuông tươi sáng của nhà thờ Saint Laurence, khu chợ lộ thiên rộng lớn. Ôi, tất cả đều chờ đợi chàng. Có một lần trên đường đi, chàng đã mơ thấy mọi vật trở nên xa lạ và thay đổi, vài nơi sẽ điêu tàn và đổ nát, có những nơi không nhận ra nổi, vì nhiều cao ốc mới và cảnh trí không vừa mắt. Chàng bước qua những đường phố nước mắt lưng tròng và nhận ra từng căn nhà một. Chàng nhận thấy chính mình cũng đố kỵ với dân thành thị cư trú vững chãi trong ngôi nhà xinh xắn, trong an toàn, được bảo bọc, và tiện nghi, an lành vì có tổ ấm, họ sống với căn phòng và xưởng làm, chung quanh vợ con, người giúp việc và láng giềng.
Trời đã khá trưa, phía bên kia đường còn rọi nắng, nhà ốc, quán rượu, bảng hiệu của hội đoàn, những cánh cửa chạm trổ, và chậu hoa đang tắm mình trong ánh sáng nồng ấm. Không có gì nhắc nhở đến thần chết và điên loạn lo sợ đã bùng nổ. Con sông vắng lạnh, màu xanh nhạt, trong vắt vẫn róc rách xuôi dòng dưới chân cầu. Đan Thanh ngồi nghỉ giây lát trên bờ đập. Trời tối sầm, bầy cá vẫn tung tăng lội trong bóng mát dưới đáy sông xanh biếc như pha lê hoặc không cử động, nghếch miệng ngược với triều nước. Tia nắng vàng yếu ớt như ngày xưa vẫn rung rinh đó đây, rọi chiếu từ ánh sáng dưới đáy nước hứa hẹn và gợi đến mộng mơ. Những dòng nước nơi khác cũng có cá lội; những nhịp cầu và phố xá, cũng dâng hiến nhiều cảnh tượng đẹp mắt, chàng có cảm tưởng đã từ lâu chưa từng trông thấy, chưa từng cảm thức như hiện giờ. Hai cậu bé bán thịt đi ngang qua, tay dắt con bê. Chúng cười hát, liếc mắt và nói giỡn với con nhỏ giúp việc đang phơi áo quần trên bao lơn. Tất cả đều qua nhanh! vừa mới đây ngọn lửa bệnh dịch còn bốc khói và bây giờ nhịp sống trở lại bình thường, người ta lại cười vang đùa giỡn. Nhưng chàng không có gì đổi khác. Chàng ngồi đây, vui mừng được thấy lại cảnh vật ngày cũ, cảm thấy dễ chịu và thâm tình với những người định cư như thể không có chết chóc khốn khổ, không có Lan, không có cả nàng công chúa Do Thái. Chàng mỉm cười đứng lên và đi tiếp. Khi gần đến nhà thầy Không Lộ, trên con đường thuở xưa bao lần chàng đã đi qua, tim chàng bỗng se thắt, đau đớn và lo ngại trĩu nặng. Chàng muốn gặp thầy ngay hôm nay, muốn biết nơi thầy đang đứng. Chàng không thể chờ nổi đến hôm sau. Không hiểu thầy có còn giận chàng? Tất cả như đã xa xưa, và cũng không còn quan trọng, và nếu có chăng nữa, chàng cũng bất cần. Chàng chỉ cần thầy còn đó, thầy và xưởng điêu khắc của thầy, là tốt lắm rồi. Vội vàng, như sợ bỏ lỡ cơ hội cuối cùng, chàng tiến nhanh đến ngôi nhà quen thuộc, cầm ngay quả đấm và chàng sợ đến ớn lạnh vì cửa đã khóa chặt. Có phải là điềm không may? Trước đây, cửa không bao giờ khóa giữa ban ngày. Chàng để quả đấm rơi xuống và chờ đợi, băn khoăn chợt ào đến.
Một bà lão giúp việc ra mở cửa và đón chàng vào. Bà ta không xấu thêm chỉ già hơn và ít thiện cảm, bà chẳng nhớ Đan Thanh. Chàng hỏi thăm ông thầy giọng lo ngại. Bà lão nhìn chàng vẻ ngờ vực:
- Ông thầy à? Không có ông thầy nào ở đây. Hãy đi đi ông ạ, không ai vào được cả.

Bà lão cố đẩy chàng ra ngoài đường, chàng nắm lấy tay bà ta và gào lên:
- Hãy nói, bà Thanh, Chúa ơi! Tôi là Đan Thanh, bà không nhớ tôi sao? Tôi phải gặp thầy Không Lộ.
Không có vẻ gì mừng rỡ lộ trên gương mặt xa lạ của bà trong đôi mắt viễn thị.
- Không còn thầy Không Lộ ở đây nữa - bà ta lạnh lùng trả lời- ông ta đã chết. Hãy đi đi, tôi không phải đứng ở đây để chuyện trò.
Tất cả đều sụp đổ. Chàng đẩy bà lão qua một bên, bà ta chạy theo chàng, la lên khi chàng vội vã băng ngang qua hành lang tối om dẫn đến xưởng làm. Xưởng đóng cửa. Chàng leo lên cầu thang, bà lão vẫn lải nhải la mắng theo sau. Trong ánh sáng chập chờn của căn phòng thân thuộc, những bức tượng mà thầy Không Lộ đã sưu tập vẫn còn đó, chàng gọi to Ly Phương.
Cửa mở và Ly Phương bước vào. Chàng chỉ nhận ra nàng khi nhìn nàng lần thứ hai; quang cảnh trước mắt bóp nát tim chàng. Kể từ lúc lo ngại khi thấy cửa khóa, mọi vật trong nhà đều có vẻ ma quái và như chìm vào cơn ác mộng, nhưng giờ đây trông thấy dáng dấp Ly Phương, chàng bỗng rùng mình nổi gai. Nàng Ly Phương diễm lệ kiêu sa ngày nào, bây giờ trở thành một cô gái già dữ tợn trong chiếc áo đen đơn sơ, gương mặt nàng vàng vọt bệnh hoạn, đôi mắt bấn loạn và hãi sợ.
- Xin tha thứ cho tôi, chàng nói. Bà Thanh không muốn cho tôi vào. Cô có nhận ra tôi? Tôi là Đan Thanh, nói đi, trời ơi! Hãy nói đi, có phải là cha cô đã qua đời?

Qua ánh mắt, chàng biết là nàng đã nhận ra chàng, và chàng đứng đây thật là không phải lúc.
- Ồ, Ông là Đan Thanh? - Chàng nhận rõ vẻ kiêu kỳ trong giọng nói của nàng,- Ông có băn khoăn cũng vô ích. Cha tôi đã mất. Còn xưởng điêu khắc? Xưởng đã đóng cửa. Nếu ông muốn kiếm việc làm, ông nên đi nơi khác.
Chàng cố trấn tĩnh:
- Cô Ly Phương, chàng nói giọng thân mật, tôi không đến để tìm việc làm, tôi chỉ muốn đến cầu nguyện Chúa giáng phúc cho thầy và cô. Tôi rất đau buồn nghe tin ấy. Tôi thấy là cô đã trải qua những giờ phút khủng hoảng. Nếu một môn đệ biết ơn thầy, có thể làm gì được giúp cô, xin cô hãy nói, tôi rất vui lòng. Cô Ly Phương! Tim tôi tan nát khi trông thấy cô ra nông nỗi, tôi rất ân hận.
Nàng lui về phía cửa:
- Cám ơn ông, nàng nói ngập ngừng, ông không giúp ích gì cho cha tôi hoặc tôi được. Bà Thanh sẽ tiễn ông ra ngoài.
Giọng nàng buồn thảm, nửa giận dỗi, nửa run sợ. Chàng nghĩ rằng nếu nàng có can đảm, nàng sẽ mắng nhiếc chàng.

Rất nhanh chàng xuống dưới nhà, và bà lão đóng ập cửa sau lưng khóa chặt. Chàng có thể nghe tiếng vặn khô khan hai lần khóa lạch cạch vang dội đến chàng như nắp áo quan buông xuống.
Chàng bước chậm trở về bờ đập và ngồi xuống chỗ cũ bên dòng sông. Ánh dương đã lẩn khuất, hơi lạnh tỏa ra từ mặt nước, phiến đá nơi chàng ngồi cũng thấm lạnh. Con đường dọc theo bến sông trở nên vắng lặng. Triều nước un bọt quanh cột trụ dưới chân cầu; đáy sông tối hun hút, không còn tia sáng vàng vọt nào lấp lánh nữa. Chàng nghĩ phải chi ta vượt khỏi bờ đập, rơi xuống nước rồi biệt tăm. Một lần nữa, chàng thấy thế giới được thần chết bao phủ. Một giờ đã qua và hoàng hôn đi vào tối. Và rồi chàng thầm khóc, buồn bã và tức tưởi, những giọt lệ nồng ấm nhỏ xuống ướt cả tay và đầu gối. Chàng khóc cho vị thầy vừa nằm xuống, cho sắc đẹp tàn tạ ấy của Ly Phương, khóc cho Lan, Lỗ Bình, và Hương Vân, cho tuổi hoa niên của chàng đã hoang phí và úa tàn.
Vào khuya, chàng tìm đến quán rượu, nơi chàng đã một lần nâng ly với bạn hữu. Bà chủ quán nhớ mặt chàng. Chàng gọi một khúc bánh mì. Bà ta khá thân thiện; và bưng đến cho chàng thêm một cốc rượu. Chàng không sao nuốt nổi bánh và rượu. Đêm ấy chàng ngủ trên chiếc băng dài trong quán. Sáng sớm bà chủ quán gọi chàng dậy. Chàng cám ơn bà ta và ra đi, ăn hết khúc bánh mì trên đường.
Chàng bước đến khu chợ cá. Nơi ấy tọa lạc ngôi nhà mà chàng đã một lần ở trọ. Bên cạnh vòi nước, các bà bán cá đang rao hàng; chàng chăm chú nhìn vào thùng tròn, chiếu mắt vào những sinh vật lấp lánh dễ thương. Trước đây chàng đã thường nhìn ngắm như vậy. Chàng nhớ đến luồng cảm giác thương xót bầy cá và căm hận bọn bán cá lẫn khách đến mua. Chàng nhớ lại một buổi sáng chàng đang vơ vẩn nơi đây, lòng trắc ẩn nổi lên khi nhìn ngắm bầy cá, tâm tư chàng thật u uất. Thời gian thấm thoát thoi đưa, bao nhiêu con nước đã trôi dưới cầu.   Chàng nhớ lại nỗi buồn chán trước đây nhưng vẫn không rõ được nguyên do. Chung quy rồi tất cả đều qua mau: nỗi buồn, đau khổ, tuyệt vọng cũng như niềm vui. Những ấn tượng vui buồn, đau đớn đã từng hằn sâu trong tâm tưởng, ngày theo tháng sẽ phai nhạt, giảm dần chiều sâu, mất hẳn ý nghĩa, và đến một thời điểm nào đó, chẳng còn nhớ đến ai đã làm khổ ai. Hoa ưu tư rồi cũng héo tàn. Và cơn đau của chàng hôm nay, một ngày kia có biến thành vô nghĩa và tàn lụn chăng? Chàng tuyệt vọng vì thầy đã qua đời mà chưa hòa thuận với chàng, chàng khổ sở vì không còn xưởng điêu khắc nào còn mở cửa để chàng có thể thường thức lạc thú trong sáng tác và giải phóng những hình ảnh mãi mãi đè nặng tâm tư chàng. Điều chắc chắn là niềm đau về nhu cầu sáng tác này rồi cũng lão hóa và mệt mỏi. Rồi ta cũng sẽ quên đi. Không có gì trường cửu, cả sự nuối tiếc cũng vậy.
Khi chàng chú mục vào đàn cá, hấp thụ những dòng tư tưởng trên, chàng nghe một giọng nói thân mật gọi tên chàng.
"Đan Thanh," có ai gọi chàng rụt rè, và khi chàng ngẩng lên, chàng trông thấy một cô gái lịch sự, có vẻ bệnh hoạn, đôi mắt sâu đẹp lạ lùng. Chàng không quen biết cô bé.
"Đan Thanh, có phải anh đấy chăng?" Cô bé nhắc lại nàng là con gái ông chủ nhà đã mời chàng ly sữa nóng trong căn bếp vào buổi sáng chàng ra đi; nói xong mặt cô bé đỏ rần.
Vâng cô bé ấy là Mai, đứa trẻ bệnh hoạn đi khập khiễng ngày nào đã lo cho chàng, cô bé vẫn rụt rè và dịu dàng. Giờ đây chàng nhớ lại tất cả. Mai đã đợi chàng trong buổi sáng mát lạnh và rũ buồn khi chàng rời xa, đã đun sữa cho chàng, chàng đã hôn tặng và Mai đã im lặng nhận lãnh thật trang trọng, như nhận phép bí tích, chưa bao giờ chàng nghĩ đến Mai và bây giờ nàng đã trưởng thành, đôi mắt tuyệt đẹp, nhưng vẫn còn đi khập khiễng. Chàng bắt tay Mai. Chàng vui sướng vì còn có người trong thành phố này nhớ đến và yêu thương chàng.

Mai vẫn nắm lấy chàng, chàng không nhiệt tình lắm. Chàng được mời dùng cơm với song thân nàng trong gian phòng có treo bức họa của chàng và chiếc cốc màu đỏ hồng ngọc vẫn còn trên chiếc kệ lò sưởi. Cả nhà mời chàng ở lại vài hôm và sung sướng gặp lại chàng. Rồi chàng được biết những gì đã xảy ra trong nhà vị thầy. Không Lộ không phải chết vì bệnh dịch, nhưng cô Ly Phương xinh đẹp đã bị truyền nhiễm và ngã bệnh trầm trọng một thời gian dài; cha nàng đã nuôi bệnh nàng và ông đã qua đời vài tuần trước khi nàng lành bệnh. Nàng thoát chết nhưng vẻ đẹp không còn.
Xưởng điêu khắc bỏ không, ông chủ nhà nói. Chỉ còn là căn nhà xinh xắn với nhiều pho tượng và liền bạc thừa thãi. Hãy suy nghĩ đi Đan Thanh! Chắc cô ấy sẽ không từ chối. Cô ấy sẽ không thể chọn lựa được nữa.
Chàng nghe kể về những ngày bệnh dịch thao túng, bọn vô lại đã đốt cháy nhà thương ra sao, chúng tấn công và cướp bóc nhiều nhà giàu có, và có những lúc, sau khi vị giám mục bỏ trốn, thành phố sống trong cảnh vô trật tự và mất an ninh. Chính lúc ấy, vì du hành gần đấy, Hoàng đế đã phái đến một viên thống đốc là Bá tước Huân Lịch. Cũng tốt, ông ta là một nhà quý tộc thao lược. Ông ta chỉ cần vài người lính bộ binh và kỵ binh để tái lập trật tự. Nhưng bây giờ thời kỳ cai trị của ông ta sắp chấm dứt, dân chúng đang chờ vị giám mục trở về. Bá tước đã quá khe khắt với dân chúng và họ đã hết chịu nổi với cô nhân tình của ông ta tên là Ái Liên. Bấy lâu nay Hội đồng thành phố muốn bể đầu vì phải đối xử với viên võ tưởng cận thần, kẻ được Hoàng đế sủng ái, tiệc tùng luôn với các sứ thần như các bậc vương tử. Dân chúng đã quen với vị giám mục hiền hòa trước đây.
Bây giờ Đan Thanh được hỏi đến chuyến phiêu lưu của chàng
- Thật là đau thương, chàng nói giọng buồn nản, tôi chẳng muốn nói nhiều. Tôi đã lang thang và lang thang, bệnh dịch lan tràn khắp nơi, chết chóc xảy ra khắp chốn, ở đâu mọi người đều hóa điên và trở nên hung dữ vì quá sợ, có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ quên hết. Tôi đã sống sót, và giờ đây tôi đã trở về nhưng vị thầy của tôi đã yên nghỉ! Xin cho tôi ở lại đây và tịnh dưỡng rồi tôi sẽ tiếp tục lãng du.
Không phải chàng ở lại để tịnh dưỡng. Chàng ở lại vì chán nản và chưa biết quyết định ra sao, vì nhiều kỷ niệm của đoạn đời yên vui trong thành phố yêu mến này, và cũng vì tình thương của cô bé Mai đáng mến đã sưởi ấm tim chàng. Chàng không thể trở lại như xưa, chàng không thể tặng nàng tình yêu, nhưng tình bạn và lòng trắc ẩn, vẻ từ tốn thầm lặng tôn kính của nàng đã ấp ủ tâm hồn chàng. Nhưng ngoài tất cả những điều ấy, chính con người nghệ sĩ trong chàng sống dậy với nhu cầu sáng tác sôi bỏng, đã giữ chàng lại nơi đây dù không còn xưởng điêu khắc, dù chỉ còn những phương tiện khả dĩ tạm bợ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui