Lúc trở về, tôi cùng mẹ Hải đi bộ. Tôi lo bệnh của bà ấy mà đi bộ sẽ bị mệt nhưng bà ấy xua tay: “Không sao, bác thích cảnh sắc đồng quê lắm! Rất yên bình. Bác sinh ra và lớn lên ở thành phố, chẳng có mấy dịp được về đồng quê thế này. Bác cũng muốn Hải trải nghiệm một chút nhưng không có thời gian. Mà tại sao cháu không làm việc ở Hà Nội? Trẻ tuổi như cháu rất có tương lai phát triển.”
Tôi trầm mặc, nhìn về phía cuối chân trời xa xa: “Trước khi có Bo, cháu cũng chỉ như bao nhiều người khác muốn ở lại Hà Nội làm việc và sinh sống. Thế nhưng cuộc sống lại luôn chứ đựng những điều bất ngờ, có những bước ngoặt khiến cháu thực sự hoang mang, cảm thấy con đường phía trước tối tăm và u ám, cháu chỉ đơn giản nghĩ rằng chỉ có quê hương mới có thể chứa chấp được mẹ con cháu. Và bác thấy đấy, hai mẹ con cháu sống rất tốt.”
Mẹ Hải choàng tay qua vai tôi một cách thân thiết và hỏi: “Con gái, vậy cho đến bây giờ con có cảm thấy hối hận không?”
Tôi thực sự ngạc nhiên về cách xưng hô thân mật này, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình có thể thân mật với mẹ Hải như thế. Tôi lắc đầu: “Không ạ! Cháu chưa bao giờ hối hận về những quyết định của mình.”
Bà ấy thở dài: “Cuộc đời bác đã gặp không ít những người tốt nhưng người như con thì là lần đầu tiên. Một mình chịu đựng đắng cay thị phi để nuôi đứa con không phải là ruột thịt của mình, con có bao giờ cảm thấy thiệt thòi và tủi thân không?”
Tôi mỉm cười đáp: “Nói là không tủi thân, không buồn khổ, không suy nghĩ thì không đúng. Nhưng đó là những gì cháu đã lựa chọn nên cháu không cảm thấy mình thiệt thòi gì.”
“Vậy còn hạnh phúc của riêng mình? Con không nghĩ đến sẽ lấy chồng sao? Con làm thế thì có ích gì? Ai thấu hiểu cho con? Rồi một ngày nào đó Bo biết con không phải mẹ đẻ của nó, con sẽ làm sao?”
Những điều bà ấy nói không phải tôi chưa từng nghĩ tới, nó thậm chí còn từng là nỗi chăn trở của tôi hằng ngày hằng đêm, nhưng khi tôi nhìn Bo mỗi ngày một lớn lên ngoan ngoãn đáng yêu và khi nhìn mẹ tôi mỗi ngày một già đi thì tôi đã hiểu thế nào gọi là “người mẹ”. Mẹ tôi chịu bao nhiêu nhọc nhằn vất vả để sinh ra tôi và nuôi tôi lớn, mong tôi sẽ hạnh phúc sau này, còn mẹ thì cứ ngày một già yếu. Tất cả những điều đó là vì cái gì? Chẳng gì cả. Mẹ luôn chỉ đứng phía sau mỉm cười khi tôi hạnh phúc, rơi nước mắt vui sướng trước thành công của tôi và sẵn sàng đỡ lấy tôi khi tôi vấp ngã. Cũng như tôi bây giờ, làm tất cả vì Bo mà chẳng mong được đáp lại cái gì, chỉ mong thấy thằng bé mỗi ngày đều cười vui vẻ, ăn ngoan, khỏe mạnh, sau này làm người có đạo đức, sống có trách nhiệm, có ích cho xã hội là tôi đã hạnh phúc lắm rồi, đâu cần ai phải thấu hiểu? Nếu như nuôi con để nhằm một mục đích nào đó hay chuộc lợi cho bản thân thì người đó hoàn toàn không xứng đáng với danh từ cao quý kia.
“Bác, bác có muốn nghe cháu kể một câu chuyện không ạ?”
“Bác rất muốn nghe.”
Bước chân tôi đều đều chậm rãi: “Có một cô gái trẻ chưa từng lập gia đình, khi cô ấy chứng kiến người bạn thân nhất của mình mang thai mà không kết hôn thì cảm thấy rất ái ngại. Nhiều lần cô ấy tìm cách khuyên bạn mình bỏ đứa bé đi để làm lại cuộc đời nhưng người bạn đó nhất quyết không chịu, nói rằng không cam lòng giết chính máu mủ của mình. Mỗi ngày người bạn đó đều đặt tay lên bụng mỉm cười hạnh phúc, có khi còn thì thầm nói chuyện với đứa con trong bụng. Cô gái trẻ hoàn toàn không hiểu nổi vì sao bạn mình lại cố chấp như vậy, rõ ràng người mà bạn ấy yêu thương đã bỏ rơi bạn ấy, không thèm nhận đứa con đó vậy mà bạn ấy còn yêu thương con của anh ta như vậy làm gì? Lẽ ra phải căm ghét anh ta, phải ghét cả máu mủ của anh ta mới đúng, cô gái trẻ có suy nghĩ thế nào cũng không hiểu nổi bạn mình. Sau này, khi cô gái trẻ ấy cũng làm mẹ, được bế một đứa bé còn đỏ hỏn vào lòng, nhất là vào thời điểm đứa bé biết gọi ‘mẹ’ lần đầu tiên thì cô gái đã hiểu bạn mình, cái đó gọi là tình thương của người mẹ, dù chuyện gì xảy ra đi nữa cũng không thể bỏ rơi đứa con của mình, nó vô tội. Tình thương yêu đó là vô bờ, vô điều kiện. Tương lai thế nào không quan trọng, dù cho con mình làm sai điều gì thì người làm mẹ vẫn rộng lượng mà bao dung tha thứ.”
Khi câu chuyện của tôi kết thúc, quay sang nhìn mẹ Hải thì mới phát hiện ra bà ấy đã khóc từ bao giờ. Tôi dừng bước, im lặng nhìn bà ấy, chờ bà ấy lên tiếng.
“Vân, con có ghét bác không? Bởi vì bác chính là kẻ sinh ra kẻ bạc tình, đáng ghét đó.”
Tôi thực sự không cầm lòng được: “Đúng là cháu rất ghét anh ta nhưng với bác cháu không có một chút ác cảm nào. Cháu nói thật đấy ạ! Cháu biết bác cũng là một người mẹ, bác yêu thương con trai mình là điều hiển nhiên. Cháu không trách bác đâu.”
“Bác có thể ôm con một lát không, con gái?”
Tôi dang tay ôm lấy bà ấy thay lời đồng ý. Vòng tay của bà ấy ấm áp và chứa đựng nhiều tình cảm hơn tôi nghĩ, thật không thể tin người phụ nữ giàu tình cảm này lại chính là người sinh đã ra người đàn ông bạc bẽo không ra gì kia.
Mẹ Hải nói bên tai tôi: “Bác đã từng rất rất mong có được một đứa con gái như con, có thể cùng tản bộ, cùng tâm sự, cùng mua đồ, cùng nấu ăn, mua cho nó những bộ quần áo đẹp, dạy cho nó cách trở thành một người phụ nữ tuyệt vời. Con không ngại khi bác gọi con là con gái chứ?”
Những lời tâm tình chân thật của bà ấy đã chạm đến trái tim tôi.
“Vâng, và bác có thể đến nhà con chơi và thăm Bo bất kỳ lúc nào.”
Bà ấy sụt sùi buông tôi ra, đôi mắt già nua nhưng không che giấu được nét đẹp một thời nhìn tôi xúc động: “Bác thấy ngưỡng mộ bố mẹ con nhiều lắm vì họ đã sinh ra và dạy dỗ được một người con tuyệt vời như con, trong khi họ chỉ là những người nông dân bình thường. Còn bác…bác tự cảm thấy xấu hổ.”
Tôi không nói gì nhưng rõ ràng không thể giấu nổi niềm tự hào về gia đình mình. Tôi không ngại nói cho cả thế giới biết tôi yêu bố mẹ tôi, những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng chất phác và đôn hậu đã dạy tôi biết bao điều về cuộc sống này.
_
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...