Những ngày sau đó, tôi thường xuyên mơ thấy cảnh mình và An Tâm kết hôn. Chúng tôi ngồi trong xe hoa vừa to vừa đẹp, đi qua đường Trường An. Theo sau xe của chúng tôi là rất nhiều người thân và bạn bè, trong đó có bố mẹ tôi. Mẹ tôi vẫn trẻ trung như xưa, hình bóng cùa bà khiến tôi cảm thấy ấm áp và quyến luyến không nỡ rời. Trong đoàn rước dâu còn có cả bố mẹ An Tâm nữa, có lần An Tâm cho tôi xem ảnh của họ nên tôi có thể tưởng tượng ra dáng vẻ của hai người. Ngoài ra còn có những người bạn đã lớn lên cùng tôi và tất nhiên là không thể thiếu Lưu Minh Hạo. Tuy nhiên, không hiểu sao tôi còn nhìn thấy cả Chung Ninh và Chung Quốc Khánh nữa, họ cũng đến chúc mừng tôi. Dường như tôi đã kéo toàn bộ những người từng đối xử tốt với tôi vào trong giấc mơ đó. Họ xuất hiện trong giấc mơ của tôi, mang đến cho tôi niềm vui và cả nỗi buổn khó tả. Sau đó, một thầy bói mù ven đường đã xem quẻ cho tôi, ông ta nói tôi là một người lương thiện, có lòng bao dung với mọi người, luôn hướng đến một kết thúc có hậu cho tất cả mọi người… Ông ta dùng giấc mơ để đánh giá nhân cách và phẩm chất con người tôi, khiến tôi rất vui, mặc dù không biết bản thân có tốt như ông ta nói không. Nhưng có một điều khiến tôi không sao hiểu được, đó là tôi luôn nhìn thấy một vài cảnh sát mặc đồng phục xuất hiện trong giấc mơ đó. Hình ảnh của họ rất mông lung, mờ ảo khiến tôi không nhận ra được đó là ai. Ngay cả thầy bói cũng cảm thấy hoảng hốt khi thấy sự xuất hiện của cảnh sát, ông ta nghi hoặc hỏi tôi đã phạm tội gì.
Tôi kể cho An Tâm nghe về giấc mơ ấy. Em cười, nói: “Cảnh sát thì có gì đáng sợ chứ, em cũng là cảnh sát mà.”
“Nhưng hiện giờ em có còn là cảnh sát nữa đâu.” Tôi sửa lại lời em.
“Chắc đồng nghiệp trong đội Phòng chống ma túy đấy. Nếu em kết hôn, nhất định sẽ mời họ tới dự. Có điều chắc em không kết hôn nữa đâu, nếu kết hôn, tại sao em chưa bao giờ mơ thấy giấc mơ này nhỉ?” An Tâm lém lỉnh nói.
Thực ra, đó chỉ là một giấc mơ thôi, khi đó chúng tôi không thể kết hôn được, bởi cả hai đều tay trắng, lại còn vướng một đứa con đau ốm nữa chứ. Vấn đề quan trọng nhất chúng tôi phải giải quyết chính là làm thế nào để sinh tồn.
Để chữa bệnh cho Tiểu Hùng, tôi đã giấu An Tâm bán chiếc ti vi hai mươi chín inch của mình cho người quen của một người bạn học cũ. Lúc tôi mua, nó có giá hơn năm nghìn tệ, vậy mà chỉ sau một năm, nó chỉ đáng giá có một nghìn hai trăm tệ, tôi tức muốn ói máu. Ban đầu, ông ta chỉ trả có một nghìn, sau một hồi kì kèo của bạn tôi cộng thêm một chiếc bình pha cà phê, ông ta mới đồng ý với giá một nghìn hai trăm tệ. Đã thế ông ta còn nói: “Một nghìn hai thì một nghìn hai, có điều tôi già rồi, không quen uống cà phê, hay cậu đổi sang cái máy xay đi.” Tôi biết ông ta muốn lấy cái máy xay của nhà tôi, vì từ lúc bước và bếp, ông ta đã “nhắm trúng” nói rồi. Thế là tôi dứt khoát nói: “Cái bình cà phê lẫn máy xay, một nghìn tư, thế nào?” Ông ta cười gian xảo, một nghìn tư? Chú em, còn sớm lắm, cậu đi rửa mặt đi. Nếu được giá như thế thì cậu cứ giữ lại cả đi, biết đâu sau này còn bán được nhiều tiền hơn ấy chứ.” Tôi tức muốn xịt khói nhưng vẫn phải nhẫn nhịn, nói: “Thế ông cho một cái giá đi.” Ông ta nói: “Một nghìn hai là một nghìn hai, nếu không thì máy xay tôi cũng không cần, chỉ trả một nghìn cho cái tivi thôi.” Bạn tôi thấy tình hình có vẻ căng, bèn ra mặt chốt lại cuộc mua bán. “Thế này đi, cái bình pha cà phê để cháu mua cho.” Thế là tôi bán.
Hôm ấy vào đúng ngày rằm tháng Giêng, An Tâm mua mấy bát bánh trôi, còn mua cả vỏ bánh về làm há cảo nữa. Em tìm cái máy xay để làm nhân nhưng không thấy, bèn hỏi tôi có thấy đâu không.
Tôi nói: “Anh bán rồi.”
An Tâm ngẩn ra mấy giây rồi hỏi: “Sao lại bán?”
“Mấy hôm nữa, Tiểu Hùng xuất viện, có thêm ít tiền cũng tốt, đỡ phải đi vay Lưu Minh Hạo.”
An Tâm đứng thẫn thờ hồi lâu, mặt buồn rười rượi.
Tôi vội hỏi: “Em sao vậy?”
“Dương Thụy, anh vì mẹ con em mà phải bán đồ trong nhà đi, em buồn lắm.”
“Haizz... cũng có phải là bán con bán cái đi đâu. Tại anh thấy em sức khỏe dồi dào, thân thể cường tráng muốn em tự băm nhân há cảo để tiêu hao bớt năng lượng chứ dùng máy xay thì tốn điện lắm.” Tôi nói đùa.
Đến lúc đó, An Tâm mới gượng gạo mỉm cười hỏi: “Anh bán được bao nhiêu tiền?”
“Một nghìn tư.”
An Tâm giật mình. “Một nghìn tư, sao lại nhiều thế được?”
“Còn kèm cả bình pha cà phê nữa, dù sao chúng ta cũng không uống cà phê mà.”
“Thế thì cũng chưa đến ngần ấy tiền?”
“Còn kèm cả chiếc ti vi nữa.”
An Tâm lập tức quay người nhìn, quả nhiên không thấy đâu. Sau đó, em bước tới, ôm lấy tôi và khóc. Em úp mặt vào ngực tôi, khóc không thành tiếng, nước mắt thấm ướt cả áo tôi. “Dương Thụy, em không nỡ làm khổ anh.”
Sau đó, tôi còn bán thêm một số đồ gia dụng, đồ trang trí, rồi thảm, đèn... Thứ gì đáng tiền hoặc có người muốn mua là tôi bán. Lưu Minh Hạo mua bộ sưu tập tem đắt tiền của tôi. Dạo đó, cậu ta đang theo đuổi Lý Giai, chị họ của Bội Bội. Cô ta có sở thích sưu tầm tem, thế là cậu ta liền mua tặng ngay. Tôi cũng nhân cơ hội đó mà kiếm của Lưu Minh Hạo tám trăm tệ. Lưu Minh Hạo không hề mặc cả một câu, rút tiền ra trả ngav. Sau này, nghe nói bộ tem đó ít nhất cũng đáng giá nghìn tệ thì tôi chỉ biết thở dài, xét khả năng buôn bán, đương nhiên tôi không phải là đối thủ của Lưu Minh Hạo.
Lưu Minh Hạo vớ bở lại còn ra vẻ với tôi, nói: “Cậu không biết đấy thôi, tem cổ giờ đứng giá lắm, người ta còn nói tôi trả giá quá cao nữa đấy. Bọn mình là chiến hữu bấy lâu, thuận mua vừa án thì thôi, cậu để ý lời thiên hạ nói làm gì.”
Lưu Minh Hạo thấy tôi im lặng liền đánh trống lảng: “Cậu phải tìm việc đi, cứ bán đồ thế này không được đâu. Cậu xem nhà cậu còn lại những gì? Cứ thế này thì sớm muộn cũng bán cả cậu luôn đấy.”
Tôi thấy Lưu Minh Hạo nói cũng đúng, liền nhờ cậu ta giới thiệu cho mình công việc sửa máy giặt ở khách sạn Long Đô, lương tháng khoáng một nghìn tệ, bao ăn sáng ăn trưa, cảm cúm nhức đầu có thể đến xin thuốc của xưởng, cũng khá ổn.
Tôi háo hức kể cho An Tâm nghe chuyện đó. An Tâm nói công việc đó rất vất vả, nếu tôi muốn là tạm thời thì cũng được, nhưng tôi đường đường là cử nhân đại học, sớm muộn cũng sẽ có sự nghiệp hơn người. Tôi cười xòa, nói con người phải sống thực tế một chút, trước hết phải có tiền nuôi em và Tiểu Hùng đã.
Lưu Minh Hạo đồng ý giới thiệu và bảo tôi đợi. Không còn máy nhắn tin nữa, cả ngày tôi không dám rời nhà, sợ cậu ta đến tìm đúng lúc tôi không có ở nhà. Thấp thỏm mong ngóng gần một tuần thì có một chuyện xảy ra khiến tôi bực hết cả mình.
Sáng hôm đó, An Tấm vừa mới đi làm, còn tôi vẫn ngủ thì có người gõ cửa. Tôi tưởng An Tâm quên khoá nên quay về lấy, vội tung chăn dậy mở cửa. Cửa vừa mở ra, tôi thấy một đôi nam nữ lạ mặt bèn vội chạy vào nhà thay quần áo, xong đâu đấy quay ra, tôi mới để ý họ đội mũ cảnh sát có gắn quốc huy màu đỏ. Tôi lập tức chột dạ, nhớ tới giấc mơ và lời nói của lão thầy bói, cảm thấy sáng ra mới mở mắt đã gặp cảnh sát, thật là xúi quẩy. Nhưng nhìn kĩ thì thấy họ không phải là cảnh sát, không biết là nhân viên bảo vệ hay người của Cục Thuế vụ, Công thương nữa. Mãi đến khi họ giới thiệu, tôi mới biết họ là người của Viện Kiểm sát.
Người phụ nữ đó khoảng hơn bốn mươi tuổi, trông già hơn người đàn ông đi cùng. Bà ta lên tiếng trước. “Hôm nay, chúng tôi đến đây là muốn gặp cậu để tìm hiểu một việc. Hi vọng cậu sẽ nói thật.”
Mấy lời này nghe như cảnh sát hỏi cung nghi phạm, chỉ khác ở chỗ ngữ điệu mềm mỏng hơn nên tôi cũng không thấy sợ, liền nói: “Được thôi, bà muốn hỏi chuyện gì?”
Kiểm sát viên nam lấy ra một cuốn sổ để ghi chép thông tin. Kiểm sát viên nữ hỏi tôi: “Trước đây, khi còn làm việc cho công ty Quốc Ninh, cậu đã phụ trách một công trình xây dựng, chính là công trình xây dựng nhà thi đấu Quốc Ninh đúng không?”
“Vâng, tôi làm chỉ huy phó của công trình, tổng chỉ huy là Biên Hiểu Quân."
“Thế công việc của cậu là gì?” Bà ta hỏi tiếp.
“Tôi và anh ta cũng không phân công công việc rõ ràng, nói chung có việc gì thì làm việc đó thôi. Biên Hiểu Quân là người chịu trách nhiệm chính, anh ta kêu tôi làm gì thì tôi làm cái đó. Trước đây, tôi chưa làm việc xây dựng bao giờ nên cũng không rõ lắm.”
“Công ty nào bao thầu công trình đó?”
“Công ty Kiến trúc và vật liệu xây dựng Long Hoa.”
“Có đấu thầu không?”
“Không, công ty Quốc Ninh không phải là doanh nghiệp nhà nước nên không cần đấu thầu công khai. Nội bộ Quốc Ninh tự đề xuất, so sánh giá cả, chất lượng của các công ty rồi quyết định thôi.”
“Do ai quyết định?”
“Do Chủ tịch Hội đồng quản trị Chung Quốc Khánh quyết định. Đương nhiên dự án này có liên quan đến trường dạy võ Kinh Sư nên phải thông qua Hội đồng quản trị của trường nữa, nhưng thực ra, chỉ cần báo với Hiệu phó của trường là được.”
“Thế Chung Quốc Khánh căn cứ vào đâu để đưa ra quyết định này? Công ty Long Hoa đã từng hợp tác với Quốc Ninh chưa?”
“Chưa từng. Long Hoa là do bộ phận chỉ huy công trình chúng tôi đề xuất, sau đó báo số liệu cho Chung Quốc Khánh so sánh.”
“Vậy tức là hợp tác với công ty nào là do các cậu quyết định?”
“Người quyết định là Chung Quốc Khánh, chúng tôi chi báo số liệu thôi.”
“Cậu nói “chúng tôi” là gồm những ai, cậu và Biên Hiểu Quân à?”
“Chủ yếu là Biên Hiểu Quân. Sao vậy, anh ta có chuyện gì sao?”
“Cậu thấy quá trình tuyển chọn nhà thầu có vấn đề gì không? Ví dụ như nhận hối lộ chẳng hạn.”
Tôi trầm tư suy nghĩ nhưng nhất thời không nghĩ ra, liền nói: “Công trình nhà thi đấu nói chung là tốt. Giờ chắc đã làm xong phần móng rồi, nghe nói chất lượng không tồi. Nếu có chuyện nhận hối lộ thì chắc chỉ có Biên Hiểu Quân thôi chứ không phải Chung Quốc Khánh, công ty Quốc Ninh là của anh ta mà.”
Hai kiểm sát viên nhìn nhau, sau đó hỏi tôi: “Sao cậu lại nghĩ ngoài Chung Quốc Khánh ra thì chỉ có Biên Hiểu Quân là có thể nhận hối lộ, còn những người khác thì sao?”
Tôi cười, đáp: “Ngưừi khác muốn nhận hối lộ cũng chưa đến lượt. Người ta muốn nhận hối lộ thì chí ít cũng phải có quyền trong tay chứ.”
Kiểm sát viên nữ cũng cười. “Thế cậu có muốn nhận hối lộ không?”
Tôi lặng người, biết là bà ta nói đùa nhưng nhân viên tư pháp nói đùa thì vẫn có ẩn ý, không thể lơ mơ được. Thế là tôi đáp: “Tôi thì nhận hối lộ làm sao được chứ.”
“Vì sao? Cậu và Biên Hiểu Quân có gì khác nhau?”
“Đương nhiên là khác nhau rồi.”
“Khác như thế nào?”
Tôi nhất thời cứng họng, không biết có nên nói khi đó mình còn là em rể tương lại của Chung Quốc Khánh, còn Biên Hiểu Quân chỉ là một kẻ làm thuê, không thể coi là sếp của tôi được.
Không hiểu sao bà ta lại xoáy vào chuyện đó. Tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ với Chung Ninh nữa bèn chuyển đề tài: “Có chuyện nhận hối lộ hay không cũng đừng tìm tôi. Tôi không phải là đối tưọng cần điều tra.”
Họ im lặng một lát rồi kiểm sát viên nữ nói: “Được hôm nay chúng ta nói đến đây thôi. Cậu cứ suy nghĩ kĩ về vấn đề tôi vừa hỏi nhé, nếu nhớ ra điều gì thì hãy nói cho chúng tôi biết. Tôi sẽ cho cậu số điện thoại.”
Tôi nhận thấy trong câu nói đó ẩn chứa sự khó chịu, cứ như thể tôi che giấu chuyện tiêu cực thật vậy. Chắc hai kiểm sát viên đó mắc bệnh nghề nghiệp mất rồi, nhìn ai cũng hóa ra tội phạm. Tôi lẳng lặng nhìn người phụ nữ viết số điện thoại để trên bàn trà rồi lạnh nhạt tiễn họ ra cửa.
Hai ngày sau khi kiểm sát viên đến nhà tìm tôi, tôi và An Tâm đón Tiểu Hùng về nhà. Tiểu Hùng thậm chí còn quấn tôi hơn cả quấn An Tâm, nó cười tươi rói, vuốt nhẹ lên mặt tôi, lại còn thơm vào má tôi nữa. Trước kia, tôi chẳng bao giờ thích trẻ con, nhưng Tiểu Hùng là một ngoại lệ.
Tiểu Hùng về rồi, căn nhà trở nên náo nhiệt và tràn đầy sức sống. Tâm trạng của tôi cũng tốt hơn, không còn quá lo lắng quá về chuyện công việc nữa, được hay không đành nghe theo mệnh trời vậy. Không ngờ, chỉ hai ngày sau, Lưu Minh Hạo đã có tin cho tôi. Cậu ta đi ngang qua trung tâm thương mại nên tiện thể ghé vào nói với An Tâm, bảo tôi thứ Hai tuần sau đó mang chứng minh thư và bằng tốt nghiệp đến bộ phận nhân sự của Long Đô để phỏng vấn.
Tám giờ sáng thứ Hai, tôi đã có mặt ở phòng Nhân sự của khách sạn. Cuộc phỏng vấn rất đơn giản, họ hỏi mấy câu rồi xem qua bằng tốt nghiệp của tôi, sau đó bảo tôi điền vào một tờ giấy. Hai ngày sau, tôi nhận được thông báo trúng tuyển. Trưởng bộ phận giặt là rất có thiện cảm với tôi, sau khi hỏi han một hồi, ông ta không để tôi làm thợ sửa chữa máy giặt nữa mà chuyển sang bộ phận bán hàng. Xưởng giặt là của khách sạn rất lớn, có tới gần trăm nhân viên. Đơn hàng trong khách sạn vốn không ít, vậy mà họ còn nhận thêm đơn hàng ở ngoài nữa, nào là đại sứ quán, công ty nước ngoài... đều mang quần áo, rèm thảm tới đó giặt. Trước đó, xưởng cũng có một nhân viên kinh doanh nhưng ngoại hình người đó không sáng sủa lắm, lại không nói được tiếng Anh nên không kiếm được nhiều mối làm ăn cho xưởng.
Thế là tôi được nhận vào Long Đô làm việc, lương tháng hơn một nghìn tệ, bao ăn hai bữa, tắm giặt tại xưởng, có xe đưa đón. Hơn nữa, vì làm ở bộ phận kinh doanh nên tôi được cấp thêm một chiếc máy nhắn tin và một bộ vest, chỉ tiếc là nó hơi ngắn nên tôi không mặc. Khi đi làm, tôi vẫn mặc quần áo của mình, xưởng trưởng còn đồng ý để tôi giặt quần áo miễn phí nữa. Mới đi làm được một tháng, tôi đã kiếm được bốn khách hàng cho xưởng, trong đó có một khách sạn không có bộ phận giặt là riêng. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã tăng mức doanh thu của khách sạn thêm năm mươi nghìn tệ.
Theo quy định của khách sạn, tôi được thưởng hơn chín trăm tệ, nhờ vậy cuộc sống của tôi và An Tâm trở nên thoải mái hơn. Lương của hai người cộng vào được khoảng hơn ba nghìn tệ. Chúng tôi định sẽ dùng số tiền đó để mua đồ cho Tiểu Hùng và trả nợ cho Lưu Minh Hạo cùng sếp Phan.
Đáng tiếc, cuộc sống tốt đẹp đó không kéo dài được bao lâu. Trong khi tôi vẫn hăng say và hết mình cho công việc thì lại bất ngờ bị đuổi việc.
Hôm đó, do phải đợi một nhân viên ngoại giao của đại sứ quán tới lấy quần áo nên tôi không ra ngoài tìm khách hàng. Vị khách hàng đó vô cùng khó tính, tôi sợ người khác không quen việc nên ở lại xưởng chờ, tiện thể giúp đồng nghiệp một số việc. Khi đi qua phòng ăn, một quản lý của khách sạn đột nhiên bước đến hỏi tôi: “Cậu là Dương Thụy?” Tôi không biết người đó thuộc bộ phận nào nhưng trong mặt rất quen hình như đã từng nhìn thấy anh ta ở phòng ăn, bèn nói: “Vâng.” Người đó lại nói: “Cậu đi theo tôi.”
Thế là tôi đi theo ông ta, đến tiệm cà phê, giải khát cạnh phòng ăn, lúc này không phải giờ phục vụ nhưng hình như bên trong có người. Tiệm cà phê được trang trí theo phong cách cổ điển với gam màu trầm, ánh đèn vàng mờ ảo, ấm áp. Bất chợ, tôi trông thấy hai bảo vệ khách sạn đứng cùng hai viên cảnh sát. Tôi nhận ra một trong hai người cảnh sát đó chính là kiểm sát viên nam đã đến nhà tôi hơn một tháng trước.
Bảo vệ trông thấy tôi, liền ra hiệu với kiểm sát rằng ông ta đã gặp tôi rồi nhưng vẫn hỏi: “Anh là Dương Thụy phải không?” Ngữ điệu lạnh lùng và nghiêm nghị hơn lần gặp trước.
Tôi nhíu mày, đáp: “Đúng.”
Ông ta nói tiếp: “Căn cứ vào luật hình sự và về tội tham ô nhận hối lộ, anh bị buộc tội nhận hối lộ. Theo luật, chúng tôi có quyền bắt anh!”
Tôi như bị sét đánh ngang tai, đứng chết trân một chỗ. Kiểm sát viên còn lại bước đến còng tay tôi lại. Thời khắc đó, tôi rất muốn hét lên rằng: “Các người bắt nhầm người rồi!” nhưng lại không thể thốt nên lời. Đến lúc trấn tĩnh được rồi thì tôi lại im lặng, nghĩ bụng có nói bây giờ cũng vô dụng, đó không phải là nơi để tôi kêu oan.
Họ bảo tôi ký tên vào lệnh bắt giữ. Khi bị dẫn đi, sực nhớ tới An Tâm, tôi dừng lại và nói với kiểm sát viên: “Tôi muốn nói với người nhà một tiếng.”
Kiểm sát viên nói: “Chúng tôi sẽ thông báo cho người nhà của anh” rồi lôi tôi đi.
Khi họ dẫn tôi ra khỏi khách sạn, rất nhiều nhân viên khác cũng trông thấy, trong đó có mấy cô bạn đồng nghiệp thường ngày vẫn hay chuyện phiếm với tôi, họ đều sợ chết khiếp. Mấy đồng nghiệp nam thầm thì hỏi tôi là ai và làm ở bộ phận nào, tôi nhìn họ mà thấy vô cùng khó chịu. Tôi bị áp giải lên xe, đến đồn cảnh sát và bị nhốt vào phòng tạm giam.
Hôm đầu tiên bị tạm giam, không có ai đến thăm tôi. Ngồi thu lu ở góc phòng, tôi cứ lo lắng không yên, không phải tôi lo cho mình mà là lo cho An Tâm. Nhỡ tôi bị bắt giam luôn thì An Tâm và Tiểu Hùng sẽ sống thế nào đây không biết bố tôi có đòi lại nhà và đuổi mẹ con em ra đường không, không biết em có nghĩ tôi nhận hối lộ thật và thất vọng về tôi không... Nghĩ đến đó, tôi không kìm được nỗi đau đớn trong lòng mà bật khóc.
Trong phòng giam có mấy phạm nhân cũ, thấy tôi vào mà chẳng để ý đến ai, liền dằn mặt tôi. Bọn chúng hỏi tôi phạm tội gì mà bị bắt, có thuốc lá không... Tôi chẳng còn tâm trí đâu mà trả lời, nước mắt cứ chảy dài trên má. Nhìn bộ dạng đó của tôi, bọn chúng nghĩ tôi là một thằng bụi đời nên ra sức cười nhạo, thậm chí còn tát tôi, lục túi tôi xem có gì đáng tiền không. Tôi đứng lên tránh, chúng liền xúm lại dồn tôi vào góc tường, đấm đá túi bụi. Thế là tôi tức điên lên, liều mạng đánh trả.
Bọn đầu gấu đó thấy tôi gầy gò nên coi thường, không nhận ra tôi là dân chơi thể thao chính hiệu, lại còn học cả Taekwondo nữa. Tôi đẩy bọn chúng ra rồi không chờ chúng kịp phản ứng, liền tung ra một loạt quyền cước, khiến bọn chúng ngã dúi dụi, máu mồm máu mũi chảy be bét. Chỉ đến khi cảnh sát nghe thấy tiếng ồn, chạy đến kéo tôi ra thì trận ẩu đả mới kết thúc.
Sau đó, tôi bị nhốt riêng trong một căn phòng tối tăm và bị còng tay suốt ba tiếng đồng hồ, đến lúc ăn cơm tối, cảnh sát mới mở còng tay cho tôi. Ăn cơm xong, tôi thấy cảnh sát trực ban cầm còng tay đến, liền nói: “Cổ tay tôi tê hết cả rồi, đừng bắt tôi đeo còng nữa có được không?”
Viên cảnh sát đó hỏi: “Thế sao lúc nãy cậu lại bị còng tay?”
“Mấy tên lưu manh kia bắt nạt tôi.”
Cảnh sát lại hỏi: “Họ bắt nạt cậu, sao lại không bị còng tay?”
Tôi đáp: “Bọn họ đánh tôi, tôi phản kháng lại.”
“Nghe nói cậu là cử nhân đại học sao lại bị bắt vào đây?”
“Tôi bị oan.”
“Ai vào đây mà không nói vậy, phạm pháp rồi còn kêu oan.” Viên cảnh sát mỉa mai.
Tôi biết có tranh cãi với anh ta cũng vô dụng, không khéo lại chọc giận anh ta nên không nói nữa. Viên cảnh sát đó lại hỏi: “Cậu nói xem, có cần còng lại không?”
“Không.” Tôi vội đáp
“Thế nhỡ cậu lại đánh người thì sao?”
“Thế thì các anh cứ việc nhốt tôi lại.”
Viên cảnh sát đó cười khẩy. “Nằm mơ đi, thôi, cậu ngoan ngoãn ở đấy đi.”
“Ở một mình thì đánh được ai chứ? Anh đừng còng tay tôi nữa được không?”
Viên cảnh sát ngẩn ra một lát rồi nói: “Nói cho cậu biết, vào đây thì phải biết điều một chút, còn gây chuyện nữa, tôi sẽ còng tay cậu lại.”
Tôi cúi đầu không nói, viên cảnh sát đóng cửa lại và bỏ đi.
Hôm sau, có người của Viện Kiểm sát đến thẩm vấn tôi. Vẫn là hai kiểm sát viên đến nhà tôi lần trước. Đến tận lúc đó tôi mới biết, tôi bị bắt là vì hai mươi nghìn tệ của Lưu Minh Hạo và gã giám đốc công ty Long Hoa.
Lần này, họ chỉ thẩm vấn để xác thực lại những chi tiết nhỏ, như chúng tôi đi ăn cơm ở đâu, tiền là do ai đưa, nói những chuyện gì, sau đó tôi dùng tiền vào những việc gì…Mỗi lần tôi muốn giải thích thì họ đều ngắt lời tôi, chỉ để tôi trả lời đúng vào câu hỏi của họ, có hoặc không, không được quanh co phân trần.
Từ lời nói của họ, tôi đoán gã giám đốc công ty Long Hoa đã gặp phải chuyện gì đó, hình như cũng đã bị bắt, chuyện tôi nhận hối lộ cũng là do gã ta khai ra. Nhưng cũng có một số tình tiết khiến tôi nghĩ là người của công ty Quốc Ninh tố giác. Cả hai khả năng đều có thể lắm. Chẳng phải Chung Quốc Khánh đã nói sẽ xử lý tôi sao? Nếu không ngồi trong trại giam, trước mặt kiểm sát viên thì tôi đã quên bẵng lời đe dọa của anh ta rồi.
Thẩm vấn xong, cảnh sát dẫn tôi đến văn phòng lĩnh chăn gối, nói là người nhà tôi mang đến. Vừa nhìn tôi đã biết là An Tâm tới, vội hói cảnh sát: “Người nhà tôi có nói gì không?” Viên cảnh sát trợn mắt, quát: “Nói cái gì mà nói? Đợi sau này gặp nhau rổi muốn nói gì thì tha hồ nói!”
Cảnh sát ở đó nói chuyện rất cục cằn, thô lỗ, xem phạm nhân chẳng khác gì súc vật để chà đạp. Tôi ôm chăn gối, đầu óc rối tinh rối mù cả lên. Tôi bị dẫn về phòng tạm giam lúc đầu, mấy tên hôm qua bị tôi đánh không dám ho he lấy một câu. Tôi vênh mặt lên, lườm nguýt tứ phía để uy hiếp bọn chúng, nhưng thực ra trong lòng cũng thấp thỏm lo sợ bị trả thù. Sau đó, tôi thấy chúng chẳng qua chỉ là lũ ỷ đông hiếp ít, dần dần chúng tôi thân thiện với nhau hơn, bọn chúng ai cũng nể sợ tôi.
Mấy ngày sau, tâm trạng của tôi đã dần khá hơn, không còn sợ hãi như lúc mới bị bắt nữa. Người của Kiểm sát còn đến gặp tôi một lần nữa, chủ yếu hỏi sau khi nhận tiền từ công ty Long Hoa, tôi đã làm gì để giúp họ trúng thầu và cũng là để nghe tôi giải thích. Khi tôi nói xong, ông ta không có bất kỳ phản ứng gì, chỉ ghi lại vào một quyển sổ màu đen rổi bỏ đi.
Lại qua mấy ngày không có tin tức gì. Hằng ngày tôi chỉ biết ăn rồi ngủ, không giống như lúc đầu ăn không ngon ngủ không yên. Tôi nhớ An Tâm da diết và thỉnh thoảng cũng nhớ đến bố tôi. Tôi nghĩ bố tôi làm lãnh đạo bao nhiều năm, chắc chắn có quen biết giới cảnh sát, nếu ông thực sự thương yêu tôi, chắc sẽ không ngồi yên nhìn tôi bị bắt giam thế này. Nhưng từ lúc hai bố con cãi nhau, tôi không về thăm ông lần nào. Tôi biết tính bố tôi chỉ thích ngọt không thích nhạt, tôi càng không về thăm ông, ông càng tức giận, nếu không ông đã không nói với Lưu Minh Hạo là muốn đòi lại nhà. Ông phải tức giận lắm mới làm như vậy, chứ không phải vì căn nhà đó. Mà có khi biết tôi bị giam ở đây, ông lại vui mừng cũng nên, chắc chắn ông sẽ nói với Lưu Minh Hạo rằng: “Bác đã bảo rồi mà nó không nghe, dính vào đứa con gái đó sớm muộn cũng có ngày rước họa vào thân...”
Một buổi sáng nọ, tôi lại bị dẫn đến phòng thẩm vấn, nhưng tôi không thấy nhân viên của Viện Kiểm sát mà chỉ thấy một cô gái khoảng ba mươi tuổi đang chờ mình. Chị ta bảo tôi ngồi xuống phía đối diện, thái độ của chị ta rất nghiêm túc nhưng cũng không hề gây phản cảm. Sau đó, chị ta đưa danh thiếp cho tôi, không đợi tôi đọc đã tự giới thiệu: “Tôi là luật sư của văn phòng luật Hồng Quang, được bạn của cậu là cô An Tâm mời đến để làm luật sư biện hộ cho cậu trong vụ nhận hối lộ của công ty Long Hoa, cậu có ý kiến gì về việc đó không?”
Tôi ngẩn người vì ngạc nhiên, mãi mới hỏi được một câu: “An Tâm mời chị làm luật sư cho tôi, phải trả bao nhiêu tiền vậy?”
Luật sư có phần ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi nhưng vẫn nghiêm túc đáp: “Văn phòng chúng tôi thu tiền theo quy định của Bộ Tư pháp, còn cậu hỏi phí tổn cho vụ án này là bao nhiêu thì còn phải xem mức độ khó dễ thế nào, thời gian xử án là bao lâu và có kháng án hay không rồi mới quyết định được.”
Câu hỏi tiếp theo quan trọng không kém, tôi biết không nên hỏi luật sư nhưng vẫn buột miệng: “An Tâm lấy đâu ra tiền để trả?”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...