1.
~*~
Những năm 80 của thế kỷ 20, tôi học trung học.
Khi ấy vẫn còn quy định cấm để tóc dài.
Quy định ấy khiến cho hết thảy các nam sinh trung học đều có quả đầu tựa như con nhím, lúc gội đầu thỉnh thoảng còn có thể bị sợi tóc đâm đau nhói.
Khi ấy tôi từng cho rằng nguyên nhân khiến mình trông chẳng đẹp trai gì cả chẳng qua là bởi tóc quá ngắn, nhưng sau khi lên đại học lại nhận thấy, hình như tóc có dài ra cũng cóc thay đổi được gì.
Có điều là quy định cấm để tóc dài và câu chuyện này không liên quan gì với nhau.
Kiểu như trong tiểu thuyết Cổ Long thường bất thình lình xuất hiện một người con gái, thời gian bao giờ cũng là đêm hôm khuya khoắt, khung cảnh là chốn đồng không mông quạnh bốn bề vắng lặng, mọi thanh âm đều nín bặt.
Thường thường nàng sẽ lầm bà lầm bẩm, than thở đôi câu, lướt qua vài trang trong tiểu thuyết, sau đó đột nhiên biến mất.
Cho đến khi tiểu thuyết kết thúc, người con gái thần bí này cũng chẳng hề xuất hiện trở lại, nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến nội dung tiểu thuyết.
Thế rốt cuộc nàng xuất hiện để làm cái cóc gì?
Tóm lại, những năm 80 của thế kỷ 20, tôi học trung học.
Khi ấy vẫn còn quy định cấm để cấm tóc dài.
Tôi từ quê đến thành phố đèn sách, khi ấy quê nhà không có nổi một chiếc đèn giao thông.
“Đài Bắc không phải là nhà tôi, quê hương tôi không có đèn nê ông…”
Đổi Đài Bắc trong “Lộc Cảng tiểu trấn” thành Đài Nam, đổi đèn nê ông thành đèn giao thông, lời ca ấy chính là tiếng lòng tôi.
Tôi phải mất chút thời gian mới thích ứng được với cuộc sống xa nhà đơn độc này.
Tôi học được cách giặt quần áo bằng tay, mà còn giống cô bé lọ lem chịu thương chịu khó, vừa giặt giũ vừa hát ca.
Thói kén ăn cũng phải sửa đổi, bởi rằng nếu mỗi lần đến nhà ăn đều chỉ ăn độc món khoái khẩu, chẳng chóng thì chầy sẽ phát ngán, ngán lâu có khi sẽ hóa điên.
Trước khi hóa điên, bắt đầu ăn những món mà bình thường đến cả nghe cũng chẳng buồn nghe, lâu rồi món nào cũng xơi được tuốt.
Đời trung học dưới áp lực khổng lồ của kỳ thi tuyển sinh, là cực kỳ đơn giản.
Ngoài đọc sách là thi cử, ngoài thi cử chính là đọc sách.
Bất kể khi nào ở đâu, đều sẽ có người nhắc nhở bạn những câu danh ngôn kiểu như “Chuyên cần thì ấm no, mải chơi thì chết đói”, “Chỉ có gieo giọt mồ hôi, mới có thể gặt hái hạnh phúc”, “Thành công thuộc về những người kiên định đến cùng”, vân vân mây mây, khiến bạn nhận thấy việc nghỉ xả hơi là tội ác tày trời.
Nhân tiện, chắc hẳn tôi là kiểu người kiên định đến cùng.
Bởi vì sau này tôi thi đỗ đại học.
“Nghiêm Quy.”
“Trịnh Truyền.”
“Quay về việc chính đi.”
Đây là lời thoại tướng thanh trong vở “Đêm ấy ai nói tướng thanh” nổi tiếng.
Thế nên, chúng ta quay lại việc chính thôi.
Câu chuyện bắt đầu từ một giờ học văn khi mới lên lớp mười một.
Giờ học văn vốn rất buồn tẻ, lão thầy giảng văn bằng tiếng địa phương đặc sệt mà chẳng ma nào nghe hiểu được.
Thỉnh thoảng lão có cố pha trò, nhưng lúc nào lão cũng vừa nói vừa phát ra thanh âm hí hí như tiếng ngựa.
Với lại còn có cả nước miếng văng ra từ kẽ răng.
Thế nhưng giờ học văn đầu năm ấy lại khiến trái tim tôi vào đông trước hạn.
“Đề nghị mọi người đề cử một bạn học, đại diện cho trường ta tham gia cuộc thi viết văn các trường trung học toàn Đài Loan.”
Sau khi lão thầy nói xong, đám học trò chỉ hơi hơi máy mí mắt, xem chừng chẳng ai có hứng thú.
Được hạng nhất trong cuộc thi viết văn các trường trung học toàn Đài Loan thì sao? Thành tích thi văn đại học có tăng được tẹo nào không?
“Lấy ‘Hiếu thuận’ làm chủ đề, viết một bài văn nghị luận.” Lão thầy không thức thời tiếp tục nói, “phải viết một vạn chữ, thời hạn là hai tháng, sau khi viết xong nộp cho tôi.”
Có nhầm không đấy?
Học sinh trung học viết văn là vì thành tích, bình thường viết một ngàn chữ đã không viết nổi, thế mà phải viết một vạn chữ? Lại còn là thể loại văn nghị luận không thể tán hươu tán vượn.
Như thế có thể làm lỡ bao nhiêu thời gian học bài đấy.
Một bầu không khí căng thẳng lan ra giữa đám học trò, bởi vì đây là chuyện sống còn, mọi người đều rất lo sợ chính mình sẽ biến thành khổ chủ.
Nào có ngờ một bạn học bất chợt giơ tay nói tên tôi ra!
“Hành văn của bạn học Thái luôn luôn rõ ràng rành mạch, em tin bạn ấy nhất định có thể giành lấy vinh quang về cho trường ta!”
Sau khi cậu ta nói xong, đám bạn học vỗ tay tán thưởng, tiếng hoan hô nổi lên bốn phía.
“Thật là xứng đáng với vinh dự này nha.” Có bạn học nói.
“Trò Thái.” Lão thầy lộ vẻ tươi cười, “xem ra em là niềm hy vọng của tất cả mọi người (Chúng vọng sở quy).”
Chúng vọng sở quy (归: quy về, dồn về) cái cóc gì? Cái này gọi là chúng “Quy” (龟: con rùa) sở vọng thì có.
Đàn rùa này giống như ở thời cổ, ai rút được thăm thì phải đưa con gái lên núi gả cho yêu quái. Mọi người chỉ biết cầu nguyện bản thân mình không trúng thăm, tuyệt nhiên không thèm quan tâm xem đứa bắt phải thăm là đứa nào.
Trong giờ Sinh học có đề cập đến việc adrenalin có thể khiến con người ta đột nhiên nảy sinh sức mạnh ghê gớm, lôi được chiếc đàn piano ra khỏi nơi xảy ra hỏa hoạn, lúc này adrenalin của tôi chắc hẳn đang tiết ra, vì thế tôi đứng lên lớn tiếng nói:
“Thưa thầy, văn em viết không hay đâu ạ!”
“Đừng khiêm tốn quá em.”
“Đây là sự thật mà. Nếu khiêm tốn, em sẽ nói văn em viết rất thối.”
“Vì vinh quang của trường ta, em phải việc nhân đức không nhường ai mới đúng.”
“Nếu đúng vì vinh quang của trường ta, thầy càng phải chọn người có năng lực thực sự chứ.”
“Các bạn học đều tin tưởng em như vậy, sao em lại không tự tin thế?”
“Bọn họ sao có thể có lòng tin với em? Bọn họ chỉ muốn tìm một tấm bia đỡ đạn mà thôi.”
“Cái thái độ ra sức thoái thác này của anh, tôi cực kỳ không ưa.” Lão thầy trừng mắt nhìn tôi.
“Thầy ơi, chắc thầy phải hiểu rõ thành tích viết văn của em hơn bất cứ ai chứ.”
“Đừng nói nữa!” Hình như lão thầy nổi cáu rồi, “tóm lại, anh chính là niềm hy vọng của tất cả mọi người.”
“Nhưng …”
“Còn nói!” Lão thầy đột ngột ngắt lời tôi.
Tôi há hốc mồm, muốn nói lại thôi, hậm hực ngồi xuống.
Xem ra cảnh ngộ của tôi tựa như con cá bị thực khách chọn trúng trong bể cá ở quán hải sản.
Nếu là hy vọng của tất cả mọi người, tôi cũng chỉ có thể thấy chết không sờn thôi.
Sau khi hết giờ, tay bạn học giơ tay đề cử tôi đi đến cạnh tôi, nói bằng cái giọng điệu cười trên nỗi đau của kẻ khác:
“Ai bảo mày giẫm lên chân người ta nhưng không nói một câu xin lỗi.”
Tôi rất buồn bực, suy đi nghĩ lại xem tôi giẫm lên chân người ta lúc nào?
Khi chuông vào lớp vang lên, tôi mới nhớ ra tuần trước lúc đánh bóng rổ từng không cẩn thận đạp lên chân cậu ta.
Lúc đánh bóng rổ thân thể va chạm nhau rất bình thường mà, với lại tôi cũng cười cười tỏ vẻ xin lỗi cậu ta, không ngờ cậu ta lại ghi hận chuyện kiểu này.
Trời ạ, mới là học sinh trung học thôi mà tâm tư đã nặng nề như thế.
Tôi chẳng có lòng nào kiểm nghiệm xem rốt cuộc giáo dục trung học xảy ra vấn đề ở đâu, bài văn một vạn chữ đã đủ làm tôi phiền muộn.
Theo nguyên tắc khởi, thừa, chuyển, hợp [1] mà lão thầy ngữ văn đã giảng đến tã ra, mở đầu phải phá đề, kết thúc phải đanh thép.
Cho nên số lượng từ của khởi và hợp chắc sẽ không nhiều. Thế thì chẳng phải là thừa và chuyển phải nuốt tươi phần lớn số lượng từ?
Chẳng lẽ phần thừa phải lê thê sơn cùng thủy tận, còn phần chuyển phải liễu ám hoa minh sao? [2]
Trong tivi hoặc trong phim thường diễn ra kiểu tình tiết cho vay nặng lãi sắp tới hạn đòi nợ, mà người nợ tiền bao giờ cũng giở trò để trong thời hạn có thể xoay sở ra tiền cần trả.
Cõi lòng tôi tựa như những người thiếu nợ vay nặng lãi ấy.
Thảm thay, nợ tiền còn có thể đi cướp ngân hàng, nhưng nợ chữ thì có đến ngân hàng cũng chẳng cướp được.
“Hạn i nội trong hai tháng phải giao ra một vạn chữ, bằng không thì giết cả nhà mi!”
Trong suy nghĩ của tôi, lão thầy ngữ văn đã biến thành qủy hút máu cho vay cắt cổ rồi.
Tôi đến thư viện mượn ba quyển sách hướng dẫn làm văn, trong đó có một vài bài mẫu lấy chủ đề là hiếu thuận.
Còn đi tới quán sách cũ mua một quyển sách, quyển sách rất nát, trang bên trong có dính tiêu bản muỗi, thậm chí còn dính cả cứt mũi.
Để có thể thuận lợi đẻ ra một vạn chữ kia, bảo tôi mặc váy chạy ba vòng quanh sân thể dục tôi cũng có thể nhẫn.
Tôi đã viết ở nhà hai ngày, vì muốn nhanh, viết thẳng lên bản thảo.
Nhưng thường viết chưa đến mấy dòng đã tắc tịt.
Giấy viết bản thảo đã vo mất hơn mười tờ, tiến độ thì vẫn còn là con số 0.
Mỗi khi thấy chồng sách và xấp giấy ấy trên bàn học, trong lòng liền bực bội, chẳng có cách nào tập trung viết.
Mỗi khi gắng gượng viết chỉ có thể vừa viết vừa chửi thề.
Hơn nữa vụ này cũng ảnh hưởng đến tâm trạng khi học những môn khác của tôi.
Còn tiếp tục như thế, tâm trạng sẽ càng tệ hơn, học hành sẽ càng kém hơn, chỉ sợ sẽ tạo thành tuần hoàn ác tính.
Vì thế tôi mang bốn quyển sách kia đến trường, cũng mang theo giấy viết bản thảo, nhét cả vào trong ngăn kéo bàn học.
Tranh thủ thời gian tan học viết viết bản thảo, tôi cũng chẳng muốn viết được một nửa lại bắt đầu lại từ đầu.
Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu (Việc nhỏ không nhẫn nại sẽ làm hỏng việc lớn), cho nên tiểu tiện phải nhịn, nước uống in ít thôi, mới có thể dôi ra chút thời gian viết bản thảo.
Sau khi tan học về nhà, không thấy chồng sách và xấp giấy viết bản thảo kia, nhắm mắt làm ngơ, học bài liền chuyên chú hơn.
Phác thảo ở trường mấy ngày, bản thảo cơ bản đã hoàn thành.
Cái gọi là “Bản thảo”, chẳng qua là trích ra một vài điểm quan trọng từ bốn quyển sách kia, dùng để tham khảo khi viết lách.
Thời kỳ máy vi tính không phổ biến, không thể paste, chỉ có thể ngoan ngoãn dùng bút viết một vạn chữ.
Rốt cuộc là lúc bắt đầu viết lên giấy, vẫn không ưng ý lắm, giấy viết bản thảo thường bị vo thành nắm, tôi tiện tay ném ngay vào trong ngăn kéo.
Có một sớm tôi vừa mới vào phòng học, ngồi vào chỗ của mình, sau đó lấy một quyển sách và giấy viết từ trong ngăn kéo ra, định bụng tranh thủ thời gian tự học đầu giờ viết tí bản thảo, bất chợt phát hiện ra trong sách có kẹp tờ giấy.
“Này! Cậu có phép lịch sự không đấy! Ngăn kéo này không phải chỉ có mỗi mình cậu dùng.
Nơi quy tụ mấy đồ bỏ đi là thùng rác, không phải là ngăn kéo!”
Đó là chữ viết màu đỏ lớn gấp ba so với kiểu chữ bình thường.
Tôi giật nảy mình, quyển sách từ trong tay tuột ra, rơi xuống sàn nhà.
Sau khi lấy lại tinh thần, cẩn thận suy nghĩ: “Ngăn kéo không phải chỉ có mình mày dùng thôi à?”
Gian phòng học này chỉ thuộc về lớp chúng tôi, hơn nữa chỗ ngồi của từng học trò là cố định, thế nên ngăn kéo này đương nhiên là chỉ có mình tôi dùng thôi chứ nhỉ.
Lẽ nào có người chòng ghẹo tôi?
Nhìn quanh bốn phía, bạn học khác đều đang yên lặng đọc sách, trong phòng học không có một chút tiếng động.
Theo lý, bởi vì chuyện chết tiệt phải viết bài văn một vạn chữ, giờ đây tôi đã thành “Suy Vĩ đạo nhân” của lớp. [3]
Mọi người ngoài việc thông cảm với tôi, ngầm cười nhạo tôi, không nắm tay tôi để tránh lây xúi quẩy ra, còn có ai không nhân tính trêu cợt tôi thế này?
Tuy buồn bực, nhưng sau khi học xong mấy tiết, viết xong mấy trăm chữ bản thảo, tôi đã quên béng mất chuyện tờ giấy.
Sáng sớm hôm sau vào phòng học, lại phát hiện tờ giấy thứ hai.
“Này! Cậu thật sự rất nhố nhăng, cậu nghe không hiểu tiếng Trung à?
Thứ gì cần dùng thì mang về nhà, thứ gì không cần thì ném vào thùng rác!
Understand?”
Cũng là chữ viết màu đỏ.
Lần này phản ứng của tôi không phải là bị dọa cho giật mình nữa, mà là nổi cơn tam bành.
Dưới tình trạng mỗi ngày phải đọc cả đống sách, tôi còn phải lãng phí thời gian, tinh lực, trí tuệ với một ít tiền bạc.
Đến bây giờ tôi vẫn không rõ vì sao cứ phải là tôi viết bài văn này.
Cảnh ngộ này đã là bi kịch lớn nhất đời trung học rồi, vậy mà còn bị người ta giáo huấn, hơn nữa còn dùng tiếng Anh.
Tôi tìm ngay một chỗ trống trên tờ giấy, viết:
“Ê! Đủ rồi nhá! Đừng có chọc tôi, tôi sẽ khó chịu!”
“Cậu làm ngăn kéo bừa bộn như thế, còn dám kêu khó chịu à?
Rốt cuộc cậu có lương tâm không?”
Đây là chữ trên tờ giấy ngày thứ ba.
Tôi không có lương tâm?
Gặp phải kẻ ăn mày mù lòa, bạn có thể lờ hắn đi, cũng có thể làm thinh đi qua hắn, ấy vậy mà bạn lại tè vào cái bát sứt trước mặt hắn.
Kẻ đi tè lại còn mắng tôi không có lương tâm?
“Tróc lộng đồng học tâm hà an?
Nhân quả báo ứng chung tu hoàn.
Bách niên chi hậu Diêm Vương điện,
Nhữ tái đầu thai tố nhân nan!”
(Phần dịch thơ của ss Lãnh Vân:
Trêu chọc bạn học có gì vui?
Báo ứng chung quy cũng đến thôi.
Trăm năm nữa Diêm Vương mời tới,
Đố cậu lại đầu thai làm người.)
Tôi tức điên lên, viết trên tờ giấy bài vè này.
Sau khi viết xong xem một lượt, bực bội đột nhiên tan biến, lại còn cười tủm tỉm.
Bài thơ này viết có vần có điệu, xem ra tôi hẳn còn chút tài hoa.
Tiếc là tôi phải viết bài văn nghị luận một vạn chữ, nếu mà tham gia mấy cuộc thi viết kiểu như “Tìm kiếm Lý Bạch thứ hai”, “Linh đồng chuyển thế của Tô Đông Pha ở chốn nao”, đại khái là tôi rất có hi vọng.
“Cậu khỏi phải nguyền rủa tôi, dù sao tôi cũng không là người.”
Chữ trên tờ giấy ngày thứ tư.
Không phải là người?
Sống lưng tôi lạnh toát, toàn thân nổi da gà.
Ngẫm lại, bình thường hồn ma không biết viết, mà phải dùng thanh âm quãng tám trầm để nói những câu kiểu như: “Tôi thảm quá cơ…” vân vân.
Có lẽ hồn ma này không muốn ở địa ngục, khoái bám trong ngăn kéo bàn học, nhưng tình huống này chỉ có thể xuất hiện trong tiểu thuyết, sẽ không xuất hiện trong cuộc sống trung học.
Bởi vì đời trung học cũng là địa ngục.
Tôi giữ bình tĩnh, quyết định hôm nay sau khi tan học về trễ một chút, xác định xem có người chỉnh tôi thật hay không.
Đợi đến khi các bạn về hết rồi, tôi còn đợi thêm năm phút nữa.
Lúc rời phòng học, còn liên tục ngoảnh lại, để ý xem có người nào lẻn vào phòng không.
Ngày hôm sau dậy thật sớm, cấp tốc vọt vào phòng học.
Quả nhiên tôi là người đầu tiên vào phòng học.
“Tôi cảnh cáo cậu lần cuối cùng, nếu không thu dọn ngăn kéo sạch sẽ, cậu cứ thử xem!”
~*~
*Chú thích:
[1] Khởi, thừa, chuyển, hợp: khởi là bắt đầu, thừa là tiếp đoạn trên, chuyển là chuyển tiếp, hợp là kết thúc. Là thứ tự cách viết văn.↑
[2] Nguyên câu thơ là của Lục Du:
“Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”
Tức là:
Sơn cùng thuỷ tận ngờ hết lối, liễu rủ hoa cười lại gặp làng.↑
[3] Suy Vĩ đạo nhân: Biệt danh của vai hề Tần Giả Tiên.↑
2.
~*~
Tôi như quả bóng xì hơi, ngồi đờ người trên ghế.
Rốt cuộc là ai chứ?
Chẳng lẽ là ma thật ư?
Đừng nhé, tôi là học sinh ban tự nhiên, vật lý với hóa học đã làm tôi sợ đến mức không ra hình người nữa rồi, nếu cậu muốn dọa người thì phải tìm đám học trò ban xã hội ấy.
Bát tự của tôi nhẹ nhưng không nhẹ lắm, hơn nữa chẳng hề làm chuyện trái với lương tâm.
Thành tích của tôi nói chung là sẽ không tạo thành “Áp lực của bạn bè”, thi cử cũng không gian lận, gặp thầy giáo sẽ cúi chào, bài tập toàn tự mình làm, thường xuyên cho bạn học chép bài, thậm chí còn hỏi han xem cậu ta chép có mệt không, học sinh trung học như tôi đây quả thực có thể dựng tượng đồng được rồi.
Ma qủy gặp tôi chắc phải cảm động đến rớt nước mắt, chứ không phải là hù dọa tôi đâu.
Tôi miên man suy nghĩ cả ngày, bản thảo cũng không viết nổi một chữ.
Lúc tan trường vốn định viết xuống tờ giấy: “Xin hỏi cậu có oan tình gì?”
Nhưng sau đó ngẫm lại bèn thôi.
Ngộ ngỡ tên ấy nói tro cốt của hắn chôn ở dưới gác chuông trường học, đòi đào lên vào đúng 12 giờ đêm, thế chẳng phải là tôi tự chuốc phiền toái?
Thôi kệ, cứ dọn sạch những nắm giấy trong ngăn kéo, an toàn hơn. Hơn nữa tôi còn dùng giẻ lau thấm chút nước, lau sạch sẽ ngăn kéo.
Lúc cầm giẻ lau chùi ngăn kéo, tôi chợt nghĩ:
Nếu con ma này là tín đồ Cơ Đốc giáo, có lẽ tôi có thể đến nhà thờ lấy chút nước thánh vẩy vào ngăn kéo; Nếu Đạo giáo là tín ngưỡng của hắn, vậy tôi chỉ có thể mời người vẽ bùa thôi.
Sớm hôm sau, mang theo tâm trạng thấp thỏm không yên đi vào phòng học, ngồi xuống.
Trước tiên hít sâu một hơi cố gắng bình tĩnh, rồi cúi đầu ngó vào trong ngăn kéo.
Sau đó tôi thở dài một hơi.
Vì tờ giấy lại xuất hiện nữa rồi.
“Cuối cùng cậu cũng biết nghe lời rồi, thiện tai thiện tai.
Nhưng sách của cậu vẫn chiếm không gian của tôi.”
Thiện tai thiện tai?
Chẳng lẽ tín ngưỡng của tên này là Phật giáo?
“Quán tự tại Bồ tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc,…”
Tôi chép một lượt “Tâm Kinh” lên tờ giấy.
“Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh?
Không đủ sức đâu! Tôi hung lắm.”
Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, sau khi tan học tôi cầm bốn quyển sách trong ngăn kéo nhét vào cặp mang về nhà.
Tóm lại, đêm nay chính là vừa viết bản thảo vừa chửi bậy vừa thấy sờ sợ vừa thấy chẳng biết phải làm sao.
Vốn cho là mình có thể như chí sĩ kháng Nhật bị quân Nhật bắt giữ, chẳng những có thể chịu đựng được bất cứ khổ hình nào, mà còn có thể tranh thủ phun nước miếng vào người giặc.
Chẳng ngờ dưới tình huống mơ hồ không rõ đối phương có phải là ma qủy thật hay không, đã chùn chân rồi.
Rõ là yếu bóng vía.
“Biết sợ là tốt, cuối cùng cũng biết khó mà lui nhỉ.
Sau này ngăn kéo phải thu dọn sạch sẽ, đừng làm bừa bộn nữa.
Phải làm một học sinh trung học có phép lịch sự, đừng giống đứa trẻ bị chiều quá sinh hư.”
Tôi giống đứa trẻ bị chiều quá sinh hư?
Ngoan ngoãn chịu thua còn bị bỡn cợt, quả tình tôi nuốt không trôi cơn tức này.
Sau khi tan học tôi đến miếu Thành Hoàng trong vùng, lấy một quyển “Chú Đại Bi”.
Bữa tối ăn chay, ăn xong tắm rửa cẩn thận, sau đó quay ra ngồi ngay ngắn trước bàn học.
“Nam mô. Hắc ra đát na. Đa ra dạ da. Nam mô. A rị da. Bà lô yết đế. Thước bát ra da…”
Tôi dùng bút lông chép lại toàn văn “Chú Đại Bi” gồm 415 chữ lên giấy.
Nếu tờ giấy không xuất hiện nữa, vậy coi như xong;
Nếu tờ giấy lại xuất hiện, đành phải mời Quan Thế Âm Bồ Tát phân xử thôi.
“Ôi, hôm nay cậu ngoan lắm, ngăn kéo rất sạch sẽ.
Mời cậu ăn viên kẹo.”
Ngoài tờ giấy ra, đúng là còn có viên kẹo.
Nhưng tôi không dám ăn viên kẹo ấy, vớ vẩn có khi đây chỉ là ảo giác của tôi, thứ ấy thực ra không phải là kẹo mà là nến Nguyên Bảo hoặc là giấy tiền vàng mã, vân vân.
Tôi hạ quyết tâm, cầm tờ sao chép “Chú Đại Bi” nọ, đặt ngay ngắn trong ngăn kéo.
Bốn góc giấy còn dùng băng dán trong suốt dán chặt vào.
“Chữ viết bút lông của cậu không tệ, lễ vật này tôi nhận. Để báo đáp, tôi kể cho cậu nghe một truyện cười.
Năm ngoái mẹ tôi làm phẫu thuật, tôi lo lắm, vì mẹ rất sợ đau, mà sau khi phẫu thuật sẽ rất đau đớn.
Sau khi mẹ phẫu thuật xong tôi đến thăm bà, chỉ thấy nét mặt bà tự nhiên, nói nói cười cười. Tôi ngạc nhiên lắm, hỏi: “Mẹ, mẹ không đau ư?”. Bà trả lời: “Không con à. Có người bảo mẹ niệm Chú Đại Bi rất hữu hiệu, thế là mẹ bèn niệm ba lần Chú Đại Bi, quả nhiên ly khổ đắc lạc.”
Tôi càng tò mò hơn, lại hỏi: “Nhưng mẹ ơi, mẹ không biết niệm Chú Đại Bi mà.”
“Mẹ biết chứ, mẹ cứ ‘Chú Đại Bi’, ‘Chú Đại Bi’, ‘Chú Đại Bi’, đọc ba lần ‘Chú Đại Bi’ như vậy thôi.”
ps. Truyện này có được coi là truyện cười không nhỉ?”
Tờ giấy này có ý nghĩa gì? Truyện cười nhạt thếch về Chú Đại Bi à?
Truyện cười nhạt thếch về Chú Đại Bi, tôi chỉ từng nghe: Nếu muốn biến chén sữa đậu nành nhỏ thành cái bát lớn, cứ niệm Chú Đại Bi là được ngay.
Nhưng trọng điểm không phải là truyện cười nhạt thếch này có mấy sao, mà là tại sao tên đó kể truyện này ấy.
Nỗi sợ hãi của tôi chẳng hiểu sao biến mất, điều còn vương lại chỉ là nghi hoặc mà thôi.
Chắc hẳn tên đó không phải là ma quỷ, thế thì rốt cuộc tên đó là ai?
Vì sao cứ để lại lời nhắn trong ngăn kéo tôi thế?
Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu, cũng chẳng có chút manh mối nào, dứt khoát không nghĩ nữa. Đã không là ma quỷ, vậy thì không việc gì phải sợ, tôi lại đặt bốn quyển sách kia vào ngăn kéo.
Lúc tan học, theo thường lệ tất cả học trò đều phải quét dọn qua loa phòng học rồi mới được rời đi.
Hôm nay tôi phụ trách lau cửa sổ, đây là công việc nhẹ nhàng nhất, thường hoàn thành sớm nhất.
Lau cửa sổ xong tôi liền quay về chỗ ngồi, khoác cặp chuẩn bị về nhà.
Lúc khua chổi đến gần tôi, cậu bạn ngồi phía bên phải tôi nói: “Này, trong ngăn kéo của cậu còn có đồ chưa mang đi.”
Đầu tiên tôi ngây ra một lúc, sau đó bóp cổ cậu ta, kêu lên: “Ra là cậu!”
Cậu ta hoảng sợ, cây chổi rơi xuống đất phát ra thanh âm giòn giã.
Cậu ta ra sức vùng ra, sau đó lườm tôi, nói: “Làm gì thế!”
“Tại sao cậu phải dọa tớ?”
“Tớ dọa cậu?” Cậu ta ngỡ ngàng.
Ông nói gà, bà nói vịt một hồi, tôi mới biết cậu ta chỉ hảo tâm nhắc nhở tôi, sợ tôi quên mang sách về nhà.
“Với lại buổi tối còn có học sinh bổ túc đến học, để sách trong ngăn kéo không hay.” Cậu ta nói.
“Học sinh bổ túc ?” Tôi rất sửng sốt.
“Đúng thế.” Cậu ta chăm chú nhìn tôi, “Cậu không biết à?”
“Tớ có biết đâu!” Tôi gần như kêu lên.
“Cậu đần lắm, ngay cả điều này cũng không biết.”
Sau khi nói xong cậu ta không đếm xỉa đến tôi nữa, tiếp tục công việc quét tước của mình.
Làm sao tôi có thể biết được trường chúng tôi còn có học sinh bổ túc?
Cái này đi thi cũng chẳng hỏi!
Thì ra dùng chung một cái bàn với tôi chỉ là một học sinh bổ túc nào đó, hoàn toàn không phải ma quỷ.
Cậu ta nói rất đúng, tôi thật là đần.
Bí ẩn quấy nhiễu bấy lâu nay cuối cùng có lời giải, tâm trạng tôi liền thoải mái.
Từ khi lão thầy ngữ văn cưỡng ép tôi viết văn đến nay, tôi đã không còn biết vui sướng là thế nào.
Bỗng nhiên nỗi niềm vui sướng ập tới, khiến tôi liên tiếp cười không ngưng nghỉ.
Tôi bèn quay lại chỗ ngồi, lấy ra một tờ giấy, định bụng cũng viết một truyện cười cho tên học bổ túc đọc.
“Tớ cũng kể cho cậu nghe một câu chuyện cười. Có một khách làng chơi khi đang cùng gái điếm làm việc, gái điếm không rên một tiếng.
Khách làng chơi phàn nàn: “Em yên lặng thế này tôi không khoái lắm đâu, chắc em không biết gọi xuân chứ gì?” Gái điếm trả lời: “Em đương nhiên biết gọi xuân.” Khách làng chơi nói: “Thế thì gọi mấy tiếng tôi nghe.”
Thế là gái điếm liền kêu: “Xuân, xuân, xuân…” [1]
ps. Truyện cười này với truyện cười của cậu có cách vào đề khác nhau nhưng kết quả lại giống nhau đến kì diệu nhỉ?”
Buổi tối khi học bài trước bàn học, thỉnh thoảng lại bật cười ngu ngơ.
Tôi còn hát nữa đó, mà còn là bài hát tiếng Anh.
“Sayonara… Japanese goodbye… whisper sayonara… smiling and don’t you cry…”
Chính tôi cũng không hiểu vì sao, mình luôn ngâm nga bài hát chủ đề của phim “Mối tình hoa anh đào” này.
Sáng sớm hôm sau mang theo tâm trạng chờ mong được thấy tờ giấy đi vào phòng học.
Tên đó sẽ viết những gì nhỉ?
Biết đâu vì truyện cười tôi viết rất buồn cười, tên đó muốn cùng tôi kết nghĩa kim lan cũng nên.
“Thấp hèn! Vô vị! Biến thái!
Còn nữa, cậu lại để sách trong ngăn kéo làm gì thế, phiền quá đấy!”
Hả?
Tại sao lại thế?
Đây là truyện cười nhạt thếch năm sao, hơn nữa còn là truyện dâm đó.
Tên nam sinh trung học khỏe mạnh nào nghe được truyện cười này cũng phải xúc động đến khóc nức nở ấy chứ.
Hay “Tên ấy” là con gái?
Tôi vẫn cho rằng tên ấy là con trai, bởi vì trường chúng tôi là trường nam sinh, không có nữ sinh nào cả.
Thậm chí con chó lang thang trong vườn trường cũng là giống đực.
Lẽ nào trường bổ túc có nhận nữ sinh?
Tôi do dự một lúc, viết xuống tờ giấy của ngày hôm nay:
“Xin lỗi, cho phép tớ hỏi cậu một vấn đề uyên thâm.
Cậu là con gái à?”
“Hỏi thừa. Tớ là một nữ sinh bổ túc thuần khiết thoát tục, tấm lòng thiện lương.
Còn cậu, cậu là tên nam sinh trung học đơn điệu buồn tẻ, không có tinh thần tập thể!”
Tôi có chút bối rối, dù sao cũng ở trường hòa thượng lâu rồi, chẳng hề có kinh nghiệm đối mặt với bạn học nữ.
Đành phải viết bằng giọng điệu rất khách sáo:
“Rất xin lỗi. Tớ mang sách về nhà rồi.
Tớ cứ tưởng là ngăn kéo này chỉ có mình tớ đang dùng thôi, không phải tớ cố ý chiếm dụng không gian của cậu.
Mong cậu thứ lỗi cho sự vô tâm của tớ.”
“Tục ngữ nói: Tu mười năm mới có thể ngồi cùng thuyền.
Nếu muốn dùng chung một ngăn kéo, sơ sơ cũng phải tu mười tháng.
Thế nên lau giọt lệ nơi khóe mắt cậu đi, tớ tha thứ cho cậu rồi.”
Lau nước mắt cái rắm, chẳng hiểu ra sao cả.
Nhưng cô ấy bằng lòng tha thứ cho tôi, hiển nhiên không phải là nữ sinh hẹp hòi.
Chỉ cần không phải là nữ sinh hẹp hòi, vậy thì dễ nói chuyện rồi.
“Lúc trước cậu giả ma giả quỷ dọa tớ làm gì?”
“Tại cậu ngốc đấy. Chính cậu coi tớ là ma.”
“Vậy cậu vẫn có thể bảo tớ, thực ra cậu chỉ là một học sinh bổ túc thôi.”
“Ai bảo cậu không thu dọn ngăn kéo gọn gàng sạch sẽ, bị dọa là đáng đời.”
“Xin lỗi, tớ có nỗi khổ tâm. Tớ phải viết bài văn một vạn chữ.”
“Viết văn thể loại gì?”
“Bàn về hiếu thuận hoặc các chủ đề tương tự với hiếu thuận, phải làm để dự thi.”
“Cậu viết văn hay lắm à?”
“Chẳng hay. Tớ bị hãm hại.”
“Thế nên cậu là người tốt.”
“Sao lại nói thế?”
“Chỉ có người tốt mới bị hãm hại mà.”
Đối thoại thế này nếu là khi mặt đối mặt chỉ mất có một phút đồng hồ, nhưng khoảng thời gian ở trong ngăn kéo, lại phải mất sáu ngày.
~*~
*Chú thích:
[1] Ờ thì “Gọi xuân” chắc là rên rỉ gì gì đó trong lúc gì gì đó (tìm hiểu thêm với “Mèo gọi xuân”). Ý cha khách làng chơi là bảo kỹ nữ rên nhưng kỹ nữ không rên mà kỹ nữ đọc hẳn chữ “Xuân” ra. Hì hì, chú thích tí, sợ có người cũng ngơ như mình, đọc đến lần thứ hai mới hiểu (lại còn phải nhờ bác Gúc để tìm từ thích hợp nữa chứ *che mo*)
Tương tự với truyện cười về chú Đại Bi: Đáng lẽ phải niệm chú Đại Bi là cả nguyên bài dài cơ, nhưng người mẹ chỉ đọc đúng ba lần tên của bài chú là “Chú Đại Bi”.↑
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...