tháng Hai, hồi IX
"Nghĩ mà xem, một khi ý tưởng thành công, nếu chế tạo hàng không mẫu hạm, vậy chúng ta có thể thu hoạch được hai con chất lượng như nhau; nếu chế tạo một trăm chiến đấu cơ, vậy chỉ trong nháy mắt đã nhân đô...!À không, không, không, mấy thứ này toàn là vũ khí, e rằng chúng ta sẽ chẳng cần đến nữa.
Chúng ta đâu cần phải tranh giành tài nguyên, vấn đề ăn mặc ở được giải quyết hết ráo rồi! Chúng ta có thể kết nối với các vũ trụ song song yếu, giống như đứa trẻ cầm nhiều bóng bay.
Tài nguyên rồi sẽ nhân đôi, nhân ba..."
"Khỏi lo về tình trạng thiếu dân số, vì chúng ta có thể đạt được thành quả với một nửa hoặc thậm chí ít người hơn.
Cũng khỏi lo về tình trạng thừa dân, sau tất cả, chúng ta sẽ có nhiều hơn một Trái Đất.
Ôi chúa ơi, lần đầu tiên tôi thấy tương lai con người sáng sủa xinh đẹp vậy đấy! Nói thật nhé, lắm lúc tôi cảm thấy nhân loại chúng ta đang từ từ đi đến hồi kết."
"Nếu đã có thể mang tài nguyên ngày 32 đến thế giới chúng ta, vậy ngược lại, chúng ta cũng có thể đưa vật vào thế giới đó.
Tỷ như rác thải hạt nhân và lượng lớn rác thải không thể xử lý hay phân hủy!"
Tuy rằng ý tưởng điều chuyển tài nguyên chỉ mới chớm nở, nhưng nghĩ đến việc nó có thể mang lại vô số lợi ích cũng đủ khiến lòng người ấm áp, rất nhiều nhà lãnh đạo đang sốt ruột bàn bạc kế hoạch hành động.
Trước hết, Đập Lượng Tử và thông tin mà nó ghi nhận là tài sản của nhân loại.
Điều này quá rõ ràng, không một quốc gia hay cá nhân nào được phép độc chiếm nó vì bất kỳ lý do gì.
Còn về "cha đẻ" Reilly Ron?
"Ồ, tôi nghĩ ông ta sẽ lấy làm vui mừng khi thấy di sản của mình mang đến lợi ích cho toàn nhân loại."
"Vả lại, Đập Lượng Tử thuộc về Reilly Ron đã bị chính tay ông ta đập nát, cái cỗ máy trong ngày 32 chẳng thuộc sở hữu của ai cả.
Nó giống như địa cầu dưới bàn chân chúng ta, nuôi dưỡng chúng sinh một cách vô vị lợi."
Trên cơ sở đồng thuận này, làm thế nào để phân chia lợi ích đã trở thành mối ưu tiên hàng đầu.
Theo nguyên tắc "làm nhiều được nhiều", ai càng đóng góp nhiều hơn cho kế hoạch – chẳng hạn, đưa dữ liệu kỹ thuật và thông tin được ghi lại của Đập Lượng Tử trong ngày 32 trở lại vũ trụ gốc, tiến hành nghiên cứu chuyên sâu trong trung hạn, thiết kế-chế tạo máy móc liên quan trong giai đoạn sau, và cử nhân lực vận chuyển ở khâu cuối cùng – tóm lại, quốc gia nào đóng góp nhiều hơn sẽ có tiếng nói và quyền phân phối cao hơn.
Tuy nhiên, một vài tiểu quốc e ngại các nước lớn giở thủ đoạn hòng độc quyền kỹ thuật công nghệ, đã khăng khăng lập thỏa thuận chi tiết dựa trên tính công bằng, tính chính đáng và tính nhân đạo, vô hình trung làm kéo dài thời gian thực thi.
Mặt khác, vài cường quốc cũng đang cân nhắc làm thế nào mang về lợi ích nhiều nhất.
Thực ra chẳng ai cho rằng chỉ với một Đập Lượng Tử, loài người sẽ lập tức trở thành một thể thống nhất.
Họ lo lắng hơn về việc liệu một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới có nhân cơ hội này thình lình trỗi dậy, trở thành một siêu cường vô tiền khoáng hậu và vươn lên dẫu đầu hay không.
Có lẽ trong tương lai xa, sẽ có một Trái Đất hoàn toàn thống nhất, hòa bình tươi đẹp, đoàn kết mạnh mẽ hơn; con người cũng sẽ quên đi quốc tịch, và chỉ nhớ mình là Người Trái Đất rồi chung sống hòa thuận với nhau.
Song vào thời điểm này, các nhà lãnh đạo đều sẵn sàng đứng trên lập trường của mình hòng tranh đấu vì lợi ích quốc gia.
Mấu chốt là làm sao mang dữ liệu kỹ thuật khổng lồ và thông tin được ghi lại trong Đập Lượng Tử về vũ trụ gốc – có thể nói, ai nắm được những thông tin này nhanh hơn, người đó tất có ưu thế tuyệt đối.
Họ bỗng nhớ tới Thỏa thuận miễn trừ nhà khoa học từng ký kết trước đây, chỉ cần dựa theo phụ lục danh sách, triển khai đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực vật lý và máy móc cho những nhân tài hiện có; rồi chuyển đến hòn đảo kia, dữ liệu kỹ thuật sẽ được truyền lại từ từ thông qua trí nhớ và tri thức của họ.
Điều kiện là trong khoảng thời gian này, họ phải luôn ở cùng nhau; mỗi lần trở về từ ngày 32, họ phải sao chép nội dung ký ức của mình dưới sự giám sát của tất cả đại diện mỗi quốc gia.
Và như mọi lần, ý kiến bất đồng lục tục xuất hiện.
Có bao nhiêu người sẽ được gửi đến đó? Chỉ cần nhìn vào đống đổ nát của Đập Lượng Tử, đã có thể thấy đây là một dự án khổng lồ phức tạp.
Nhân tài đương nhiên không thiếu, song với tình trạng dân số ít ỏi của ngày 32, nhân tài đúng trong lĩnh vực này lại đếm trên đầu ngón tay.
Vấn đề là chẳng phải quốc gia nào cũng có nhân tài liên quan, một số tiểu quốc thậm chí không có, tình trạng này như dựa vào hên xui (tất nhiên không chỉ tùy thuộc vào vận may, từ góc độ xác suất, những quốc gia có dân số đông, nền giáo dục phát triển và trình độ công nghệ cao sẽ có nhiều tài năng phù hợp được ngày 32 "lựa chọn" hơn).
Dẫu sao, nếu đóng góp được tính từ số lượng nhân tài cử đến, thì đối với những quốc gia kém may mắn, e rằng không công bằng.
Nó chẳng khác nào đóng dấu họ với cái mác "thua từ vạch xuất phát, bị loại từ vòng gửi xe"; mà nếu không tính, vậy rõ ràng chẳng công bằng với một đất nước sản sinh ra biết bao nhân tài.
Nếu vào thời điểm khác, những quốc gia có lắm nhân tài sẽ chẳng đếm xỉa tính công bằng ở đây, công bằng vốn chỉ dành cho những ai cống hiến và bỏ tiền nhiều hơn.
Vậy, cái họ e ngại là gì? Họ ngại, ngại các tiểu quốc "không ăn được phá cho hôi" – tiêu hủy Đập Lượng Tử trong ngày 32.
Cực chẳng đã họ phải đồng ý với biện pháp "đảm bảo tối thiểu", dù không cắt cử nhân tài cũng sẽ có đóng góp nhất định, rồi căn cứ vào giá trị này, mỗi lần cử thêm một người để gia tăng độ cống hiến.
Và nếu nhiều hơn năm người, khoản đóng góp của mỗi người bổ sung sẽ giảm đi phân nửa, đại loại giống như thu nhập cao-đóng thuế cao, nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của "đầu sỏ cống hiến", cố gắng làm cho khoản đóng góp có xu hướng đồng đều hơn.
Cắt cử nhân tài, vậy phân công nhiệm vụ thế nào? Nội dung chứa đựng trong một lý thuyết đi trước thời đại và một dự án quy mô lớn ắt có nhiều cấp độ, như cốt lõi, trọng điểm, chung chung, chi tiết nhỏ...!Vì thiếu nhân lực mà lượng thông tin thì khổng lồ, chúng chỉ có thể chia thành các phần và phân công cho từng cá nhân một.
Nhưng liệu, những người ghi nhớ thông tin với mức độ quan trọng khác nhau có ảnh hưởng đến thái độ đóng góp của họ không?
Tại sao cậu được ghi nhớ nội dung quan trọng, trong khi tôi và bọn họ phải cắm đầu vào những nội dung ít quan trọng hơn? Dựa vào trình độ học vấn ư?...!Do tỷ lệ xác suất nhân tài trùng lĩnh vực không cao, nên cần phải phát triển một tiêu chuẩn lượng giá mới cho kiến thức liên quan đến Đập Lượng Tử.
Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn này sẽ là một cuộc chiến dài hơi đối với tất cả quốc gia.
Tệ hơn nữa, sự khủng hoảng niềm tin đã ám ảnh kể từ khi ngày 32 xuất hiện lại bao trùm tất cả mọi người trong cuộc họp.
Họ không thể đảm bảo, rằng mỗi người ghi nhớ dữ liệu đều tiết lộ trung thực những gì mình biết.
Và họ càng không thể phán đoán, liệu việc che giấu của người nọ là ý muốn chủ quan, vô tình bỏ sót hay thực sự nhầm lẫn.
Giả sử người chịu trách nhiệm ghi nhớ phần dữ liệu cốt lõi nhận được chỉ thị từ lãnh đạo, đâm ra cố tình che giấu hoặc ghi sai một ít nội dung, rồi về nhà đóng cửa tự bảo ban nhau nghiên cứu, thì sao? Thì từ đó kỹ thuật nước họ càng ngày càng tiến bộ, trong khi quốc gia mình lại giậm chân tại chỗ chứ sao nữa!
Vậy để đảm bảo tính công bằng công khai, việc chuyển dữ liệu có bắt buộc kiểm tra chéo? Cần bao nhiêu người để không xảy ra tình trạng thông đồng? Công bằng mà nói, có quá nhiều người ghi nhớ cùng một phần dữ liệu, vậy phải chăng đã làm chậm hiệu quả truyền tin? Nhỡ đâu thế hệ đầu tiên đã chết già, mọi thứ vẫn còn dang dở thì sao?
Những vấn đề trên cần phải được giải quyết khẩn cấp, càng chậm trễ thì càng không thể thực hiện bước tiếp theo; tuy nhiên, sự phức tạp, vụn vặt, tác động sâu rộng và tính ảnh hưởng lớn khiến việc giải quyết trong thời gian ngắn là chuyện bất khả thi.
Chu kỳ tiếp theo sắp đến, tháng Hai này chỉ có hai mươi tám ngày, nếu không có gì bất ngờ ngày 32 sẽ kéo dài trong bốn hôm: 29, 30, 31 và 32.
96 giờ, đủ sức gây ra hàng loạt những biến đổi kinh thiên động địa.
Họ không còn cách nào đành dồn công việc thảo luận chi tiết vào tháng Ba, ưu tiên hàng đầu hiện tại là bảo vệ Đập Lượng Tử trong ngày 32.
Mỗi quốc gia sẽ cử người canh giữ hòn đảo nơi đặt Đập Lượng Tử, với điều kiện không ai được phép lên đảo, tránh để kẻ xấu thừa cơ cuỗm đoạt.
Xét trên khoảng cách từ các quốc gia đến 81,5° Kinh độ Đông, họ bèn thống nhất một thời gian; chỉ sau thời gian này, họ mới được phép sử dụng các phương tiện giao thông để tiếp cận hòn đảo trong phạm vi mười hải lý; những hành vi vi phạm đều được xem là phá vỡ hiệp ước liên minh, dù cho bất kỳ lý do nào.
Một quốc gia gần hòn đảo đã kiếm được khoản tiền "nho nhỏ".
Ngày 32 tới kéo dài trong 96 giờ, có nghĩa ngoài tàu, trực thăng và máy bay chiến đấu mà người dân các nước sử dụng, họ còn cần được tiếp nhiên liệu thường xuyên.
Tình cờ quốc gia nọ có sân bay với lượng lớn nhiên liệu hàng không và một Người 32 trong phi hành đoàn mặt đất, có thể cung cấp cả dịch vụ bảo trì lẫn tiếp nhiên liệu.
Rất rõ ràng, không có bữa cơm nào miễn phí, giá họ phải trả cao hơn gấp ngàn lần so với thực tế.
Trách nhiệm bảo vệ Đập Lượng Tử và giám sát đại diện từ các quốc gia khác, Hoa Quốc đương nhiên giao cho Châu Yến An.
La Thái Vân nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng và tính nguy hiểm của nhiệm vụ này, vì đây là lần đầu tiên lượng lớn Người 32 từ các quốc gia cùng đổ về một nơi, e rằng năng lực quân sự của mỗi cá nhân ít nhất cũng đạt mức tối thiểu (dù thoạt đầu không rành rọt, chính phủ cũng sẽ chọn người có tiềm năng phù hợp, đào tạo huấn luyện trên nửa năm).
Họ có thể lái tàu chiến, trực thăng hay chiến đấu cơ, mỗi phương tiện di chuyển cũng sẽ trang bị vũ khí nhiệt áp cực kỳ khủng bố.
Không gì đảm bảo họ sẽ tuân thủ hiệp ước liên minh mà chẳng gây rối hoặc cố tình chia rẽ nội bộ.
Trong bốn ngày giằng co, một khi mất bình tĩnh rất dễ xảy ra xích mích.
Máy bay chiến đấu thường dùng của Châu Yến An là con Swift 10 hai chỗ, song nhiệm vụ này đòi hỏi tính cơ động cao hơn, kể cả khi có sự hỗ trợ của phần mềm thông minh cũng khó phát huy hết sức mạnh tuyệt vời của Swift 10.
Do đó, tiêm kích một chỗ Gyrfalcon có thể linh hoạt lên xuống theo phương thẳng đứng, sẽ phù hợp nhất.
Một tin tốt nữa là Hoa Quốc và nước B đã bí mật liên minh.
Bề ngoài, nước B sẽ cử người lái trực thăng đến, nhưng đồng thời lại âm thầm cho tàu ngầm hạt nhân lặng lẽ tiếp cận theo đường biển.
Thứ nhất, người của hai nước phái tới có thể luân phiên nghỉ ngơi; thứ hai, nước B hy vọng nếu xảy ra xung đột, máy bay chiến đấu của Hoa Quốc có thể yểm trợ cho trực thăng và tàu ngầm hạt nhân của họ.
Mặt khác, nếu Châu Yến An gặp khó khăn cần phải bỏ máy bay nhảy dù, họ cũng sẽ thả tàu cứu hộ đưa Châu Yến An lên tàu ngầm hạt nhân.
Đây cũng là hình thức liên minh phổ biến giữa nhiều quốc gia.
Sau khi rời khỏi phòng họp trở về ký túc xá, Châu Yến An nói với Dịch A Lam: "Lần này chúng mình chia nhau hành động trong ngày 32.
Tổ trưởng La dặn anh đưa em đến căn cứ máy bay không người lái, rồi đi đảo Đập Lượng Tử ngay."
Dịch A Lam tiếc vô cùng, "Nếu rành máy bay không người lái hơn, em đã có thể điều khiển ít nhất một con đi cùng anh."
Châu Yến An nói: "Không sao, anh vẫn còn đồng minh khác."
"Lần này, mình ở đó tận bốn ngày."
"Em sợ à?"
Dịch A Lam lắc đầu: "Nếu là trước đây, em sẽ thấy lo lo.
Nhưng bây giờ thì không."
Châu Yến An lấy làm tò mò: "Tại sao vậy?"
"Vì chúng ta đã lý giải được thế giới này.
Chúng ta có thể giải thích và mô tả nó bằng khoa học.
Sự thật có thể không nhất thiết phải được giải thích bằng khoa học, song những gì được giải thích bằng khoa học nhất định là sự thật.
Đúng không?"
Dịch A Lam mắt cong cong, như thể phát sáng: "Ngày 32 là thật, không phải ảo ảnh có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.
Anh biết không, một vài bộ phim và tiểu thuyết thường lấy chủ đề du hành thời gian hoặc sống lại.
Khi xem, em cảm thấy sẽ thật tuyệt nếu có thể thay đổi những điều mình hối hận và sống lại cuộc đời mới.
Nhưng khi nhấm nháp kỹ hơn, nếu chuyện đó thực sự xảy ra với em, em sợ rằng mình sẽ ôm tâm lý kháng cự.
Vì nó đồng nghĩa, nếu mọi thứ trải qua trong quá khứ bị thay đổi hoặc không tồn tại, thì mọi thứ em làm ngay lúc này cũng có thể bị thay đổi và xóa bỏ một lần nữa.
Em bỗng dưng không tìm thấy thứ gì chứng minh cho sự tồn tại của mình."
"Thoạt đầu, ngày 32 mang đến cho em cảm giác trống rỗng khó tả.
Em chẳng biết nó có thật không.
Làm sao "cái thứ" như vậy lại xuất hiện trong thế giới em và anh đang sống? Giống như khi anh tìm thấy một con gián, thì cả nhà anh đã chứa hàng nghìn con gián rồi; khi anh gặp một sự tồn tại không thể phân biệt đâu là thực đâu là giả, mọi thứ khác đều trở nên thiếu chắc chắn."
Dịch A Lam dịu dàng nắm tay Châu Yến An.
Hơi ấm là thực, thế giới là thực, và ngày 32 cũng là thực.
Khoảng cách ngắn ngủi sẽ chẳng khiến y cảm thấy dằn vặt, vì y đã biết, ngày 32 sẽ không đột ngột biến mất.
Như sự xuất hiện hợp lý của nó, cuộc gặp gỡ giữa y và Châu Yến An chưa bao giờ là một giấc mơ mong manh dễ dàng xóa nhòa..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...