[5] 12:19 P.M
Có rất nhiều vấn đề xảy ra với tôi.
Rõ ràng, tôi đang bị xẹp phổi, rách lá lách, chảy máu trong không rõ nguồn gốc, nghiêm trọng nhất là chấn thương sọ não. Tôi còn bị gãy xương sườn, rách chân, một vết thương đòi hỏi phải ghép mô. Và gương mặt của tôi hẳn sẽ cần giải phẫu thẩm mỹ - nhưng, như lời các bác sĩ nói, đấy là trong trường hợp tôi may mắn.
Ngay lúc này, trong phòng mổ, các bác sĩ phải cắt lá lách của tôi, luồn một ống mới để dẫn lưu phổi xẹp, và điều trị cầm máu bất cứ thứ gì có thể dẫn đến chảy máu trong. Họ chẳng thể làm gì nhiều cho não của tôi.
“Cứ chờ xem thế nào,“ một trong những bác sĩ phẫu thuật nói, trong lúc vẫn nhìn vào hình chụp X-quang của đầu tôi. “Ngay bây giờ, hãy gọi đến ngân hàng máu. Tôi cần hai túi máu O trừ và giữ trước hai túi.”
Nhóm O trừ, nhóm máu của tôi. Bây giờ tôi mới biết. Nó không thuộc phạm trù trước đây tôi từng nghĩ tới. Tôi chưa đến bệnh viện bao giờ, trừ phi bạn tính cả lần tôi đến trạm cấp cứu sau khi bị mấy mảnh thủy tinh cắt vào mắt cá chân. Thậm chí tôi còn chẳng phải khâu một mũi nào, chỉ tiêm phòng uốn ván thôi.
Trong phòng mổ, các bác sĩ đang tranh luận xem nên bật loại nhạc nào, giống như gia đình tôi lúc ngồi trong xe sáng nay. Một người thích Jazz, người khác thích Rock. Bác sĩ gây mê, người đang ngồi gần đầu tôi, yêu cầu nhạc cổ điển. Tôi nhiệt tình ủng hộ cô ấy, tôi cảm thấy nó hẳn đã hữu dụng khi ai đó bật đĩa của Wagner, dù tôi không biết trước rằng bản 'Sự xuất hiện của những nàng Valkyrie' sôi động là thứ sẽ vang lên bên tai. Tôi đã hy vọng bài gì nhẹ nhàng hơn, 'Bốn mùa' chẳng hạn.
Phòng mổ nhỏ và đông người, ánh sáng chói lòa càng làm nổi bật sự bẩn thỉu của nó. Nó không hề giống trong tivi, nơi phòng mổ giống như một rạp hát cổ kính dành chỗ cho một ca sĩ opera và một thính giả. Sàn nhà, mặc dù được đánh sáng bóng, nhưng vẫn cáu bẩn với những vết trầy và vệt đen mà tôi đoán là vệt máu khô.
Máu ở khắp mọi nơi. Nó không khiến các bác sĩ nao núng tẹo nào. Họ rạch, khâu và cắt bên cạnh cả dòng sông máu, giống như chỉ đang rửa bát với xà phòng vậy. Trong lúc đó, họ không ngừng bơm đầy vào tĩnh mạch của tôi.
Bác sĩ phẫu thuật lúc nãy muốn nghe nhạc rock đổ rất nhiều mồ hôi. Một y tá phải thường xuyên thấm mồ hôi cho ông ấy với cái gạc kẹp trong nẹp. Có lúc mồ hôi làm ướt cái bịt mặt và ông ấy phải thay nó.
Bác sĩ gây mê có những ngón tay rất dịu dàng. Cô ngồi gần đầu tôi, quan sát các cơ quan sinh tồn, điều chỉnh lượng chất lỏng, chất khí và thuốc họ truyền cho tôi. Hẳn cô đang làm tốt công việc của mình, vì tôi chẳng cảm thấy gì hết, kể cả khi họ đang giằng giật cơ thể tôi. Đó là một công việc thô lỗ và hỗn độn, chẳng hề giống trò Phẫu thuật ta chơi hồi bé khi mà bạn phải cẩn thận để không chạm vào sườn khi cắt bỏ một cái xương, nếu không cái còi báo động sẽ kêu lên.
Bác sĩ gây mê lơ đãng xoa hai bên thái dương của tôi qua lớp găng tay cao su. Đây là hành động mẹ hay làm khi tôi bị cảm hoặc trải qua cơn đau đầu đến mức từng tưởng tượng mình rạch đứt một cái mạch máu trên thái dương để làm dịu sự đau đớn.Đĩa CD của Wagner đã phát lại lần thứ hai. Các bác sĩ quyết định đã đến lúc đổi sang thể loại mới, nhạc Jazz chiến thắng. Mọi người thường xuyên cho rằng vì tôi thích nhạc cổ điển, tôi sẽ là một tín đồ của nhạc Jazz. Tôi không hề, bố tôi mới thế. Ông yêu nó, đặc biệt là phong cách phóng khoáng và hiện đại của Coltrane. Ông nói rằng Jazz là nhạc punk của người già. Tôi đoán điều này đã giải thích tất cả, vì tôi cũng chẳng thích punk.
Ca mổ vẫn tiếp diễn, tôi kiệt sức vì nó. Tôi không hiểu làm thế nào các bác sĩ lại có sức chịu đựng bền bỉ thế. Họ chỉ đứng tại chỗ, nhưng có vẻ còn khó khăn hơn cả chạy marathon.
Tôi bắt đầu lơ đãng, và rồi nghĩ về tình trạng của mình. Nếu như tôi không chết, vì chiếc máy nghe nhịp tim vẫn kêu bíp bíp đều đặn nên tôi cho rằng mình chưa chết, nhưng tôi cũng chẳng ở trong cơ thể của mình, vậy tôi có thể đi đâu? Tôi là một hồn ma ư? Liệu tôi có thể dịch chuyển mình đến bãi biển ở Hawaii không? Liệu tôi có thể vào tham quan nhà hát Carnegie ở New York không? Liệu tôi có thể đến chỗ Teddy?
Chỉ để thử nghiệm, tôi ngọ nguậy cái mũi của mình như Samantha trong phim Bị phù phép. Chẳng có gì xảy ra cả. Tôi búng ngón tay, gõ gót chân. Tôi vẫn ở đây.
Tôi quyết định thử phương pháp nào đó đơn giản hơn. Tôi đến bên cạnh tường, tưởng tượng rằng mình bay xuyên qua nó và xuất hiện ở mặt tường bên kia. Nhưng tôi chỉ đụng vào tường khi cố gắng bước xuyên qua.
Một y tá cầm túi máu chạy vội vào, trước khi cánh cửa đóng lại sau lưng cô ấy, tôi lách ra ngoài. Bây giờ tôi đang đứng ở hành lang bệnh viện. Có rất nhiều bác sĩ và y tá mặc đồ xanh lam và xanh lá đang hối hả di chuyển xung quanh. Một người phụ nữ nằm trên băng ca đội mũ chụp mỏng màu xanh, tay cắm kim truyền đang gọi, “William, William.” Tôi đi ra xa hơn. Có một dãy các phòng phẫu thuật, tất cả đều chật kín người đang hôn mê. Nếu người bệnh trong những căn phòng ấy đều giống như tôi, vậy tại sao tôi không thể thấy ai ngoài người thường? Có ai đi tha thẩn như tôi không? Tôi rất muốn gặp ai đó cũng ở trong hoàn cảnh như mình. Tôi có vài câu hỏi, kiểu như, chính xác thì tôi đang ở tình trạng nào và làm sao để thoát khỏi nó? Liệu tôi có phải chờ bác sĩ đến đánh thức không? Nhưng không có ai giống tôi ở xung quanh cả, có lẽ bọn họ đã tìm ra cách đến Hawaii rồi.
Tôi theo y tá đi qua một cánh cửa đôi tự động, vào đến phòng chờ. Ông bà của tôi đang ở đây.
Bà Gran đang huyên thuyên với ông Gramps, hoặc chỉ với không khí. Đó là cách bà ngăn chặn cảm xúc khống chế mình. Tôi đã từng thấy bà như thế rồi, khi ông Gramps lên cơn đau tim. Bà đi đôi bốt ống bằng nhựa và mặc cái áo khoác làm vườn dính bùn. Chắc bà đang làm việc trong nhà kính khi nghe tin tức của chúng tôi. Tóc bà bạc, quăn và ngắn, bà luôn để kiểu này, bố nói vậy, từ những năm 70. “Nó tiện,“ bà bảo. “Không bù, không rối.” Đó cũng là cách nói chuyện đặc trưng của bà, không thừa lời.
Bà là điển hình cho lối thực dụng, đến mức hầu hết mọi người đều không bao giờ đoán được rằng bà thích các thiên thần. Bà có cả một bộ sưu tập thiên thần bằng sứ, thiên thần bằng len tết, thiên thần thủy tinh màu, thiên thần gì-gì-đó nữa, trưng trong cái tủ gỗ kiểu Trung Quốc trong phòng khâu của bà. Bà không chỉ sưu tầm thiên thần không, bà tin chúng. Bà nghĩ chúng ở khắp mọi nơi. Có lần, một cặp chim lặn mỏ đen làm tổ ở cái hồ trong khu rừng phía sau nhà ông bà, Gran đã khăn khăng rằng đó là cha mẹ đã chết từ lâu đến thăm mình.Một lần khác, chúng tôi đang ngồi ngoài hiên nhà bà, tôi nhìn thấy một con chim đỏ và hỏi Gran: “Đó có phải chim mỏ chéo đỏ không ạ?”
Bà lắc đầu. “Chị gái Gloria của bà là một con chim mỏ chéo,“ bà nói, ám chỉ tới bà Glo vừa qua đời, người bà Gran chưa bao giờ thân thiết. “Bà ấy sẽ không đến gần đây đâu.”
Gramps đang nhìn chằm chằm vào phần còn lại trong cái cốc xốp của ông, cào cào phần mép của cốc khiến một số vụn tròn màu trắng rơi xuống lòng ông. Tôi có thể nói đó là loại rượu tệ của tệ, loại trông như đã được ủ từ năm 1997 và vẫn nằm trong nồi ủ từ đó đến nay. Dù thế, tôi không ngại làm một cốc.
Bạn có thể kẻ một đường thẳng từ Gramps đến bố rồi đến Teddy, mặc dù mái tóc gợn sóng dày dặn của ông Gramps đã chuyển từ màu vàng sang bạc và trông ông vạm vỡ hơn Teddy, thằng bé chỉ như một cái que, và bố, người dẻo dai và rắn chắc từ những buổi học giảm cân buổi chiều từ trung tâm YMCA. Nhưng họ đều có cặp mắt nước màu xanh sáng, màu sắc như đại dương vào ngày mây.
Có lẽ đó là lý do giờ đây tôi cảm thấy khó có thể nhìn thẳng vào Gramps.
***
Trường Juilliard là ý tưởng của Grans. Quê bà ở Massachusetts, nhưng bà đã một mình chuyển đến Oregon vào năm 1955. Bây giờ thì nó chẳng có gì đáng nói, nhưng tôi đoán năm mươi hai năm trước thì nó hẳn phải là vụ tai tiếng lớn dành cho một phụ nữ hai mươi hai tuổi chưa chồng. Gran thừa nhận rằng bà bị sự hoang dã hấp dẫn, và chẳng nơi nào hoang sơ hơn những khu rừng bất tận và bờ biển lởm chởm đá ở Oregon. Bà tìm được vị trí thư ký ở chi nhánh Sở lâm nghiệp. Ông Gramps là nhà sinh học ở đó.
Thỉnh thoảng chúng tôi quay trở về Massachusetts vào mùa hè, ở tại một nhà nghỉ bên rìa Tây của bang được đại gia đình bà Gran thuê trong một tuần. Đó là dịp tôi gặp anh chị em họ và những ông bà xa mà hiếm khi tôi nhớ được tên. Tôi có rất nhiều thân thích ở Oregon, nhưng họ đều là bên của ông Gramps.
Mùa hè năm ngoái ở khu nghỉ Massachusetts, tôi mang theo cello để có thể tiếp tục luyện tập cho buổi nhạc phòng sắp tới. Chuyến bay không đông nên tiếp viên cho tôi để nó ngay bên cạnh mình, giống như những nghệ sĩ chuyên nghiệp thường làm. Teddy nghĩ rằng điều đó rất nhộn và cố gắng nhồi bánh quy đường cho cái đàn.
Trong nhà nghỉ, tôi mở buổi hòa nhạc nhỏ vào một buổi tối, tại phòng khách, với thính giả là họ hàng và những đầu thú treo tường. Sau buổi diễn có ai đó đã nhắc đến Juilliard, và Gran bắt lấy ý tưởng đó.
Lúc đầu, chuyện có vẻ xa vời. Có một chương trình đào tạo âm nhạc rất tốt ở trường đại học gần chỗ chúng tôi ở. Và, nếu tôi muốn đi xa hơn, có một học viện âm nhạc ở Seattle, chỉ cách vài giờ lái xe. Juilliard ở phía bên kia của đất nước, còn đắt nữa. Bố mẹ bị hấp dẫn bởi ý tưởng này, nhưng tôi có thể khẳng định cả hai đều không muốn thả tôi đến New York hay cầm chân tôi tại một chỗ để tôi trở thành một nghệ sĩ cello trong dàn nhạc hạng hai ở thành phố nhỏ. Họ không biết tôi có đủ giỏi không. Thật ra, cả tôi cũng vậy. Giáo sư Christie nói rằng tôi là một trong những học sinh có triển vọng nhất cô từng dạy, nhưng cô chưa từng nhắc đến Juilliard với tôi. Juilliard dành cho những nghệ sĩ có trình độ cao, và dường như khá ngạo mạn nếu nghĩ rằng họ sẽ liếc nhìn tôi đến lần thứ hai.Nhưng sau lần họp mặt, khi một người khác, người nào đó khách quan và đến từ rìa Tây thấy rằng tôi xứng đáng vào Juilliard, gợi ý này đã khắc sâu vào đầu bà Gran. Bà tự đi nói chuyện với giáo sư Christie, và cô giáo của tôi nắm lấy nó như vớ được mỏ vàng.
Vì thế, tôi điền vào tờ đơn đăng ký, thu thập các giấy giới thiệu và gửi bản thu âm của mình. Tôi không kể với Adam về chuyện này, tôi tự nhủ rằng chẳng lý nào phải ầm lên khi việc giành được một buổi diễn thử còn là quãng đường dài. Nhưng sau đó, tôi nhận ra đấy chỉ là dối trá. Một phần nhỏ trong tôi cảm thấy chỉ việc nộp đơn thôi cũng là một hành động phản bội. Juilliard ở New York, Adam ở đây.
Nhưng anh không còn ở trường cấp ba nữa, anh hơn tôi một tuổi, và năm nay, năm cuối của tôi, anh đã bắt đầu học ở một trường đại học trong thành phố. Anh chỉ đến trường bán thời gian vì Shooting Star ngày càng nổi tiếng. Nhóm đã giành được hợp đồng thu âm với một hãng đĩa ở Seattle, và rất nhiều lời mời lưu diễn. Vì thế chỉ sau khi tôi nhận được phong bì dập nổi chữ Trường Juilliard và một bức thư mời đến buổi diễn thử, tôi mới nói cho Adam chuyện mình nộp đơn. Tôi giải thích rằng rất nhiều người không thể vượt qua vòng ứng đơn. Lúc đầu trông anh hơi khiếp sợ, giống như không thể tin được. Sau đó anh nở nụ cười buồn. “Yo Mama phải dè chừng rồi,“ anh nói.
Buổi diễn thử được tổ chức ở San Francisco. Bố có vài hội nghị ở trường trong tuần đó nên không thể đi, mẹ thì vừa bắt đầu công việc mới ở đại lý du lịch, vì thế bà Gran xung phong đi cùng tôi. “Chúng ta sẽ tạo nên tuần lễ của phụ nữ. Trà muộn ở Fairmont. Mua sắm bằng mắt ở quảng trường Union. Đi phà đến Alcatraz. Chúng ta sẽ là du khách.”
Nhưng một tuần trước khi chúng tôi đi, bà Gran mắc chân vào một cái rễ cây và bị bong mắt cá chân. Bà phải đeo một trong những đôi giày ống kỳ quặc và không thể đi được. Một sự hoảng loạn nhỏ diễn ra. Tôi nói rằng tôi có thể tự lái đến đó, hoặc đi tàu hỏa, và rồi tự trở lại.
Ông Gramps là người khăng khăng đòi đưa tôi đi. Chúng tôi cùng ngồi trên chiếc xe tải cỡ nhỏ của ông. Cả hai không nói chuyện nhiều, không vấn đề gì với tôi bởi tôi rất căng thẳng. Tôi sờ suốt vào chiếc bùa may mắn bằng que kem mà Teddy tặng tôi trước khi đi. “Đầu lọt đuôi xuôi,“ nó nói với tôi.
Gramps và tôi nghe nhạc cổ điển và bản tin về trang trại trên radio khi dừng ở một trạm nghỉ. Những lúc khác, chúng tôi ngồi trong yên lặng. Nhưng đó là một sự yên lặng thoải mái, nó khiến tôi được thư giãn và cảm thấy gần gũi với ông hơn bất kỳ mối chân tình nào có thể.
Gran đã đặt cho chúng tôi một quán trọ rất diêm dúa, và thật khôi hài khi thấy Gramps đi đôi ủng làm việc và áo khoác nỉ sọc vuông đứng giữa đống hoa khô và vải lót cốc ren. Nhưng ông dễ dàng chấp nhận nó.
Buổi diễn thử rất gian nan. Tôi phải chơi năm bản nhạc: Một bản concerto của Shostakovich, hai tổ khúc của Bach, toàn bộcapriccioso Pezzo của Tchaikovsky - yêu cầu gần như là quá quắt, và một phần từ The Mission của Ennio Moricone, một lựa chọn thú vị nhưng đầy rủi ro, bởi vì Yo-Yo Ma đã từng diễn bài này và tất cả mọi người sẽ đem ra so sánh. Tôi ra ngoài với đôi chân run rẩy và phần nách đầy mồ hôi. Nhưng Endorphins của tôi đang tăng lên, cộng thêm sự nhẹ nhõm sau buổi diễn khiến tôi hoàn toàn lâng lâng.
“Chúng ta tham quan thành phố nhé?” Gramps hỏi tôi, môi của ông nhoẻn thành một nụ cười.
“Chắc chắn rồi ạ!”
Chúng tôi làm tất cả những chuyện bà Gran đã hứa. Gramps đưa tôi đi uống trà muộn và mua sắm, mặc dù trong bữa tối, chúng tôi bỏ qua một số địa điểm khá đồng bóng ở Bến Ngư Phủ đã được bà Gran lựa chọn, thay vào đó là dạo quanh khu phố Trung Quốc, tìm kiếm nhà hàng nào có dãy người chờ dài nhất để vào ăn.
Khi trở về nhà, ông Gramps thả tôi xuống xe và vòng tay ôm tôi. Bình thường ông sẽ bắt tay, hoặc vỗ vai vào những dịp cực kỳ đặc biệt. Cái ôm của ông rất mạnh và chặt, tôi biết đó là cách ông nói với tôi rằng mình đã có một khoảng thời gian tuyệt vời.
“Cháu cũng thế, Gramps,“ tôi thì thầm.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...