Người đó lấy chiếc chìa khóa mở cửa và bước vào, theo sau là một gã trẻ tuổi vụng về đã bỏ chiếc mũ lưỡi trai đang đội. Gã mặc bộ quần áo vải thô sặc mùi biển, rõ ràng gã thấy lạc lõng trong căn phòng thênh thang gã đang có mặt lúc này. Không biết làm gì với chiếc mũ, gã đang nhét nó vào túi áo ngoài thì người kia đỡ lấy. Việc làm lặng lẽ và tự nhiên khiến gã trẻ tuổi vụng về này lấy làm cảm kích.
"Ông ta hiểu," gã nghĩ. "Ông ta sẽ không bỏ mặc mình đâu."
Gã bước bám gót người kia, vai đung đưa, đôi chân cứ chạng ra một cách vô tình y như thể mặt sàn nhà bằng phẳng đang nhao lên đảo xuống theo nhịp xô đẩy của sóng biển. Những căn phòng rộng rãi dường như quá chật chội vì những bước đi chao đảo của gã. Gã chỉ sợ nhỡ đôi vai rộng của mình đụng phải ô cửa hoặc gạt đổ những đồ mỹ thuật trên mặt lò sưởi thấp. Gã co người né nghiêng bên nọ, nghiêng bên kia giữa các đồ vật, hình dung thêm bao nguy cơ mà thực ra chỉ chứa chất trong đầu gã. Giữa một chiếc đại dương cầm và cái bàn đặt giữa nhà trên mặt sách chất cao, khoảng cách đủ cho dăm bảy người đi sóng hàng, thế mà gã cứ ướm ướm đi một cách lo ngại, đôi tay nặng nề thõng xuống hai bên. Gã không biết làm gì với đôi cánh tay và bàn tay của mình và khi do trí tưởng tượng bị kích động, gã tưởng như một cánh tay sắp gạt phải chồng sách để trên bàn, nên nhảy tránh sang bên như một con ngựa hốt hoảng khiến suýt nữa va phải chiếc ghế dương cầm. Gã nhìn dáng đi dễ dàng của người đi trước mình và lần đầu tiên nhận ra bước đi của mình khác với những người khác. Gã thấy thoáng một phút xấu hổ sao mình lại đi đứng vụng về thế. Mồ hôi toát ra trên trán thành những giọt lấm tấm, gã dừng lại lấy khăn tay lau bộ mặt nâu bóng.
"Đợi tôi chút. Arthur, ông anh ơi," gã nói, định dùng lời nói bông lơn để che giấu nỗi lo lắng của mình. "Độp một cái như thế này thật là quá đối với tôi. Cho trấn tĩnh lại cái đã. Ông biết đấy, tôi cũng chẳng muốn tới, mà tôi nghĩ gia đình ông cũng chẳng khoái gì gặp tôi."
"Không sao đâu," đó là câu trả lời để làm yên lòng. "Anh đừng sợ chúng tôi. Chúng tôi là những người bình dị thôi mà. A kìa, tôi có thư."
Arthur bước lùi lại bàn, xé phong bì, bắt đầu đọc, tạo cho người khách lạ một dịp để trấn tĩnh lại. Người khách lạ hiểu điều đó và lấy làm cảm kích. Gã vốn là người nhạy cảm, hiểu biết. Sau cái bề ngoài hốt hoảng, quá trình nhạy cảm vẫn tiếp diễn không ngừng. Gã lau mồ hôi trán, liếc nhìn quanh với vẻ mặt đã trấn tĩnh lại, tuy đôi mắt vẫn lộ vẻ của những con thú rừng sợ bẫy. Gã bị bao vây giữa những cái xa lạ, lo ngại về những điều có thể xảy ra, không biết mình nên làm gì, chỉ biết là mình đã đi đứng, cư xử vụng về, lo sợ tính cách phẩm chất của mình cũng bị tổn thương như vậy. Gã rất nhạy cảm, cả thẹn, cái nhìn thích thú mà người kia trộm liếc nhìn qua bức thư đâm vào lòng gã như một nhát dao. Gã nhìn thấy cái liếc mắt đó, nhưng gã không tỏ dấu hiệu gì vì một trong những điều gã học được là tính kỷ luật. Tuy vậy, nhát dao đó cũng chạm lòng tự trọng của gã. Gã tự rủa mình vì đã tới đây, nhưng đồng thời gã cũng quyết định, dù sao chăng nữa, đã tới thì phải ráng đến cùng. Nét mặt gã đanh lại và ngọn lửa chiếu đến ánh lên trong mắt gã. Gã nhìn chung quanh với thái độ thung dung hơn, con mắt quan sát tường tận; mọi chi tiết trong gian phòng đẹp đẽ ghi vào trong trí gã. Mắt gã mở to, không vật gì trong tầm nhìn lại thoát khỏi. Và khi đôi mắt ấy uống no được vẻ đẹp phía trước thì ánh lửa chiến đấu cũng tắt đi, nhường chỗ cho một tia nhìn ấm áp. Gã vốn dễ xúc cảm trước cái đẹp và đây là lý do để xúc cảm: Một bức vẽ tranh sơn dầu đã cuốn hút làm gã chú ý. Một đợt sóng lớn gầm lên lao tung vào một tảng đá nhô ra, những đám mây giông thấp nặng, bao phủ bầu trời, bên ngoài đợt sóng, một con thuyền dẫn đường mũi hướng theo chiều gió thổi, nghiêng hẳn về một bên để lộ mọi thứ trên boong, vượt lên, in hình trên nền trời giông bão. Thật là đẹp, nó cuốn hút gã không thể cưỡng lại được. Gã quên dáng đi vụng về của mình và bước lại gần bức vẽ, rất gần. Cái đẹp biến mất trên nền vải. Nét mặt gã lộ vẻ bối rối. Gã nhìn vào bức tranh dường như là bôi bác rồi bước đi. Lập tức tất cả vẻ đẹp lại vụt trở lại trên nền vải. "Một bức tranh đánh lừa!" gã nhìn và gạt nó đi, mặc dù giữa muôn vàn cảm xúc nhận được, gã vẫn có thì giờ để tức giận vì một vẻ đẹp dường ấy lại đem hy sinh làm trò lừa đời. Gã không biết gì về hội họa. Gã có được làm quen với những bức tranh in, thạch bản, là những cái lúc nào cũng rành mạch rõ nét, dù chỉ nhìn gần hay nhìn xa. Gã cũng đã được xem những bức tranh sơn dầu để bày trong cửa hàng, nhưng mặt kính đã ngăn không cho đôi mắt khao khát của gã tới gần.
Gã liếc nhìn lại ông bạn đang đọc thư và trông thấy những quyển sách trên bàn. Một ánh khao khát thèm muốn đột hiện trong mắt gã như vẻ thèm thuồng đột hiện trong mắt một người sắp chết đói trông thấy thức ăn. Gã bước một bước dài, mạnh, đôi vai đánh mạnh từ phải sang trái; gã tới bên bàn, gã trìu mến sờ mó những cuốn sách. Gã nhìn tên sách và tên tác giả, đọc vài đoạn, vuốt ve những cuốn sách bằng đôi tay và đôi mắt: có một quyển gã nhận ra đã đọc rồi. Những cuốn còn lại là những cuốn xa lạ với những tên tác giả lạ. Gã tình cờ cầm lên một cuốn của Swinburne 2 bắt đầu chăm chú đọc, không còn nghĩ mình đang ở đâu nữa, nét mặt gã rạng rỡ. Hai lần gã kẹp ngón tay gập sách lại để nhìn vào tên tác giả. Swinburne! Gã sẽ nhớ mãi cái tên đó. Cái anh chàng này thật có mắt tinh đời, ý thức về màu sắc và ánh sáng ở anh ta mới tinh tế làm sao! Nhưng Swinburne là ai mới được chứ? Có phải ông ta đã chết khoảng một trăm năm nay rồi, như hầu hết các nhà thơ không? Hay là ông ta vẫn đang còn sống và làm thơ? Gã giở lại trang ghi đề sách... "Phải, ông ta còn viết cuốn sách khác. Được, sáng mai công việc đầu tiên của gã là ra thư viện công cộng tìm một vài cuốn của Swinburne." Gã quay lại đọc mê man. Gã không để ý thấy một phụ nữ trẻ tuổi đã bước vào phòng. Cho mãi đến khi gã nghe tiếng nói của Arthur:
"Ruth, đây là ông Eden."
Quyển sách gập lại trong ngón tay trỏ của gã, và trước khi quay lại, gã thấy rộn lên một cảm giác mới lạ đầu tiên, không phải về cô gái mà về câu nói của anh nàng. Bên trong cái thân thể nổi bắp của gã là một khối tình cảm xao động. Một kích động nhẹ nhất của thế giới bên ngoài vào ý thức tư tưởng, tình cảm của gã, lập tức xúc cảm trỗi dậy, đùa giỡn như những ngọn lửa bập bùng. Gã dễ thụ cảm và dễ xúc động một cách lạ kỳ, trong khi trí tưởng tượng cao đến tột độ không ngừng hoạt động để xác định mối quan hệ của những chỗ giống nhau và khác nhau. "Ông Eden" đó là điều làm gã rung động - gã, người mà suốt đời bị gọi là "Eden" hoặc Martin Eden, hay chỉ cộc lốc "Martin." "Lại "Ông" - lạ quá," gã thầm nghĩ. Ngay lập tức, bộ óc gã dường như biến thành một phòng tối mênh mang của một chiếc máy ảnh, và gã nhìn thấy bầy quanh tiềm thức của mình những hình ảnh bất tận của đời gã, cảnh sống bên lò lửa, trong khoang tàu, nơi đóng trại, bờ biển, nhà tù, quán rượu, nhà thương, những khu phố nhà ổ chuột, trong đó, mối dây liên hệ là cái cung cách người ta xưng hô với gã trong những hoàn cảnh khác nhau.
Rồi gã quay lại và nhìn thấy cô gái. Trông thấy nàng, những ảo ảnh trong trí gã bỗng biến đi. Nàng là một cô gái nước da xanh, vẻ siêu tục, đôi mắt xanh to, đầy trí tuệ với suối tóc vàng óng. Gã không biết nàng ăn mặc ra sao, chỉ biết chiếc áo nàng mặc cũng kỳ diệu như chính nàng. Gã ví nàng như một đóa hoa vàng thanh thanh trên một cành cây mảnh mai. Không, nàng là một linh hồn, một thiên thần, một tiên nữ. Vẻ đẹp cao siêu không phải của nơi trần thế. Hay có lẽ sách nói đúng chăng, có nhiều người đẹp như nàng trong xã hội thượng lưu. Nàng có thể phải được như gã Swinburne nọ ca tụng. Có lẽ trong khi tả nàng Iseult 3 trong cuốn sách trên bàn kia, anh ta vẫn hình dung ra một người nào đó như nàng. Nào nhìn, nào cảm xúc, suy tư, tất cả dồn dập đến cùng một lúc. Những thực tại trong đó có gã diễn biến không ngừng. Gã thấy bàn tay nàng đưa ra về phía tay gã, và nàng vừa bắt tay vừa nhìn thẳng vào mắt gã, không e dè, như một người đàn ông. Những người đàn bà gã biết trước đây không bao giờ bắt tay kiểu này. Nói cho đúng, hầu hết những người ấy chẳng hề bắt tay. Bao sự liên tưởng, bao hình ảnh về các cách gã làm quen với những người đàn bà ấy dồn dập như nước lũ xô vào tâm trí gã, đe dọa nhận chìm nó. Nhưng gã xua đuổi chúng đi và ngắm nhìn nàng. Chưa bao giờ gã gặp một người đàn bà như thế. Những người đàn bà mà gã biết trước đây! Tức khắc, cạnh nàng, ở hai bên, xếp hàng một dãy những người đàn bà mà gã quen biết. Trong một giây phút dài tưởng chừng bất tận, gã đứng trong một phòng triển lãm tranh trong đó nàng chiếm vị trí trung tâm, chung quanh la liệt bao nhiêu bức tranh đàn bà khác, tất cả được liếc mắt nhìn qua để cân nhắc, đánh giá, chính nàng làm tiêu chuẩn. Gã thấy những bộ mặt gầy gò ốm yếu của những cô gái trong xưởng máy, những ả màu mè, chua ngoa ở khu nam phố chợ 4 , có những ả trong trại chăn nuôi và những mụ đen đủi, thuốc lá luôn mồm vùng cực Mexico. Rồi đến lượt những cô gái Nhật trông như "búp bê," chân bước rón rén trên những đôi guốc gỗ; rồi lại đến những cô gái lai, vóc người thanh tú mang trên mình dấu vết suy đồi; những cô gái đảo Nam Hải, thân mình núng nính, vòng hoa tết trên đầu, làn da nâu sẫm - tất cả bị mờ đi trong một cơn ác mộng khủng khiếp, quái đản - một lũ sinh vật bệu rệch, lôi thôi lếch thếch lê gót trên những vỉa hè khu Bạch giáo đường 5 ; những con điếm trong tửu quán, mồm thối hoắc, bẩn thỉu mang lốt quỷ cái làm bả dâm cho những gã thủy thủ, những rác rưởi của hải cảng, cặn bã của loài người.
"Xin mời ông ngồi, ông Eden," người con gái cất lời. "Từ khi anh Arthur nói chuyện, tôi cứ mong được gặp ông. Ông thật là can đảm... "
Gã xua tay chối từ, lẩm bẩm nói có gì đáng kể, và ai mà chẳng làm như gã. Nàng nhận thấy ở bàn tay gã giơ lên có những vết bỏng đang lên da non, liếc nhìn bàn tay buông thõng bên kia cũng thấy như vậy.
Với đôi mắt tinh và soi mói, nàng cũng nhận thấy một vết sẹo trên má gã, một vết lộ ra dưới mái tóc trên trán, một vết thứ ba chạy dài rồi lấp trong cổ áo cứng. Nàng cố nén một nụ cười khi nhìn thấy đường đỏ hằn, vết cọ xát của cái cổ cồn áo trên cái cổ nâu sẫm của gã. Hẳn là gã không quen mặc áo cổ cứng. Con mắt phụ nữ của nàng cũng để ý tới bộ quần áo gã mặc, rẻ tiền cắt vụng, vết nhăn chạy dài trên vai áo, một loạt những đường nhăn ở ống tay áo làm nổi lên bắp thịt cuồn cuộn.
Trong khi vung tay lẩm bẩm nói gã có làm gì đâu, gã vẫn tuân theo lời mời của nàng, cố lèn mình trong chiếc ghế. Gã còn đủ thì giờ thán phục vẻ nhẹ nhàng ở nàng khi nàng ngồi xuống, rồi gã mới lảo đảo bước tới cái ghế đối diện nàng, hết sức ngượng về sự vụng về của mình. Đối với gã đây quả là một điều mới mẻ. Suốt đời cho đến tận lúc này, gã chẳng hề để ý xem là mình duyên dáng hay vụng về. Những ý nghĩ ấy không bao giờ đến với đầu óc gã. Gã rón rén ngồi xuống mép ghế, rất lúng túng về đôi tay của mình. Để đâu cũng thấy vướng. Arthur đi ra khỏi phòng, và Martin Eden nhìn theo bằng con mắt thèm muốn. Gã thấy bối rối khi phải ở lại một mình trong căn phòng với người con gái thanh tao này, không có một anh chủ quán để gọi lấy rượu, không một chú hầu bàn để sai ra góc phố kiếm một hộp bia, rồi dùng thứ đồ uống xã giao ấy để bắt đầu câu chuyện vui giữa bạn bè.
"Ông Eden, cái sẹo ở cổ ông nó to quá!" Người con gái nói, "sao vậy? Chắc hẳn là do một cuộc phiêu lưu nào đó."
"Thưa cô," gã liếm đôi môi khô, hắng giọng nói, "một tên Mexico cầm dao. Một trận đánh lộn. Sau khi tôi gạt băng con dao đi, nó định ngoạm cắn đứt mũi tôi."
Tuy gã kể rất tồi, nhưng trong cặp mắt gã là hình ảnh rực rỡ của cái đêm oi bức đầy ánh sao ở Salina Cruz, dải bờ biển trắng, ánh đèn của những chiếc thuyền chở đường bỏ neo nơi bến cảng, tiếng nói của những thủy thủ say rượu ở xa xa, những người phu bốc vác chen đẩy nhau, sự điên cuồng bốc lửa trên gương mặt tên Mexico, đôi mắt thú dữ lóe lên trong ánh sao, lưỡi thép đâm vào cổ gã, máu vọt ra, đám đông và những tiếng la hét, hai thân hình, gã và tên Mexico ghì chặt lấy nhau, lăn tròn, lăn tròn, cầy cát lên và đâu đây ở phía xa, âm thanh dìu dặt của cây lục huyền cầm. Bức tranh là như vậy, nhớ lại, lòng gã rung động, tự hỏi không biết người vẽ bức tranh thuyền buồm dẫn đường treo trên tường kia có thể vẽ được cảnh đó chăng. Dải bờ biển cát trắng, những vì sao, ánh đèn của những thuyền chở đường phải nổi lên, gã nghĩ thế, và ở giữa, trên bãi cát, đám đông sẫm đen vây quanh hai người đang vật lộn. Con dao chiếm một vị trí trong bức tranh, gã nhấn mạnh, và phải nổi bật lên, lóe sáng trong ánh sao. Nhưng tất cả những ý đó, gã không nói ra được ý nào.
"Nó định ngoạm mất mũi tôi," gã kết luận.
"Ối!" Người con gái nói, giọng nhẹ và xa xôi, gã nhận thấy sự xúc động trên nét mặt nhạy cảm của nàng.
Gã cũng cảm thấy xúc động, đôi má rám nắng của gã ửng nhẹ, lộ vẻ bối rối sượng sùng, tuy thực ra gã thấy nó bừng bừng nóng rát như khi gã đứng giáp cửa lò để mở. Những chuyện ẩu đả đâm chém nhau tầm thường hèn hạ như vậy rõ ràng không phải là đề tài thích hợp trong câu chuyện với một thiếu nữ lịch sự. Những nhân vật trong sách, trong giai tầng của nàng không bao giờ nói những chuyện như vậy - mà có lẽ họ cũng chẳng biết gì về những chuyện ấy.
Câu chuyện vừa cố khơi ra, ngừng lại một lúc. Rồi nàng lại ướm hỏi về cái sẹo trên má gã. Ngay khi nàng hỏi, gã đã nhận thấy nàng cố gắng nói theo lối nói của gã, gã quyết định tránh và nói theo lối nói của nàng.
"Chỉ là một câu chuyện không may," gã nói, tay để lên má. "Một đêm lặng gió: biển bỗng nổi sóng; cột buồm chính bị cuốn đi rồi là dây dợ cũng bị cuốn theo. Dây cáp bện xoắn lại như một con rắn. Tất cả những người gác trên boong cố níu lại, tôi lao tới và bị quật vào mặt."
"Ôi," nàng nói, lần này giọng có vẻ hiểu, tuy trong thâm tâm nàng thấy ngôn ngữ của gã đối với nàng thật khó hiểu, nàng tự hỏi "dây cáp" là cái gì, bị "quật vào mặt" là thế nào.
"Cái nhà ông Swineburne 6 ," gã mở đầu câu chuyện, định thực hiện ý định của mình, nhưng lại phát âm "i" dài ra.
"Ai?"
"Swineburne, nhà thơ," - gã nhắc lại, vẫn phát âm sai.
"Swinburne," nàng chữa lại.
"À vâng, đúng cái anh chàng đó," gã ấp úng, má lại nóng rực lên. "Ông ấy chết được bao lâu rồi?"
"Ủa, tôi không nghe nói ông ấy đã mất," nàng nhìn gã vẻ tò mò. "Ông quen ông ấy ở đâu?"
"Tôi đã ngó thấy ông ta lần nào đâu," gã trả lời. "Nhưng tôi đã đọc vài ba bài thơ của ông ta trong cuốn sách kia ngay lúc trước khi cô vào. Cô có thích thơ ông ấy không?"
Đề mục câu chuyện gã vừa nêu ra, nàng liền bắt ngay, nói thao thao, dễ dàng. Gã thấy dễ chịu hơn, khe khẽ ngồi lùi vào trong mép ghế, hai tay nắm chắc lấy thành ghế, như bộ nó có thể tuột đi hất gã xuống sàn. Gã đã làm được cho nàng nói theo lối nói của nàng, và trong khi nàng nói thao thao, gã cố gắng theo dõi, kinh ngạc sao cái đầu nhỏ xinh thế kia lại chứa đựng được biết bao vẻ đẹp thanh tao của khuôn mặt nàng. Gã đã theo dõi nàng mặc dù bị lúng túng vì những ngôn từ không quen thuộc vẫn nhẹ nhàng thoát ra từ đôi môi nàng, vì những lời phê bình và phương pháp tư tưởng xa lạ đối với gã nhưng nó vẫn kích thích và làm trí óc gã rung động. Đây là đời sống tinh thần, gã nghĩ, đây là cái đẹp ấm áp, kỳ diệu, gã chưa bao giờ mơ tới cuộc đời có thể như vậy. Gã quên cả mình, nhìn nàng bằng con mắt khao khát. Đây là một cái gì vì nó mà sống, mà chiến thắng, mà đấu tranh, phải, vì nó mà chết nữa. Sách nói đúng.
Trên đời này có những người đàn bà như thế. Nàng là một. Nàng chắp thêm cánh cho trí tưởng tượng của gã, những bức họa rộng lớn, sáng ngời trải ra trước mặt gã, trên đó hiện lên những nhân vật mờ ảo, to lớn của yêu thương, của lãng mạn và của những hành động anh hùng vì một người đàn bà - vì một người đàn bà thanh thanh, một đóa kim hoa. Và qua ảo ảnh rung rinh, bập bồng như một mộng cảnh thần tiên, gã chăm chú nhìn người đàn bà thực kia, ngồi đó bàn luận về văn chương, nghệ thuật. Gã cũng có nghe thấy, nhưng mắt vẫn nhìn chằm chằm, không biết rằng mình nhìn chăm chú quá, không biết rằng tất cả những cái gì thực là đàn ông trong bản chất của gã đang ánh lên trong mắt gã. Nhưng nàng, vốn là một phụ nữ ít biết tới cái thế giới đàn ông, đã nhận thấy rất tinh đôi mắt bốc lửa của gã.
Chưa bao giờ có người đàn ông nào nhìn nàng như thế và nó làm nàng lúng túng. Nàng vấp váp rồi lắng yên không nói. Dòng tư tưởng trôi đi mất. Gã đã làm nàng sợ, nhưng đồng thời nàng cũng cảm thấy thích thú một cách lạ kỳ khi được ngắm nhìn như vậy. Là một con người có giáo dục, nàng biết rằng đây là một điều nguy hiểm, một điều sai trái tế nhị, bí hiểm, quyến rũ, trong khi bản năng của nàng lại rung vang trong cơ thể như tiếng kèn thúc giục nàng gạt bỏ đi cả giai tầng, cả địa vị để gần gũi người lữ khách từ một thế giới khác tới đây, người thanh niên vụng về này với đôi bàn tay đầy sẹo, cổ đỏ hằn vì chiếc cổ áo cứng mặc chưa quen, người thanh niên mà, không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc sống thô tục đã làm cho nhơ nhớp, hôi tanh. Nàng là con người trong trắng và bản chất trong trắng nàng phản ứng lại, nhưng nàng cũng còn là đàn bà, và nàng bắt đầu thấy tất cả sự mâu thuẫn của một người đàn bà.
"Như tôi đã nói... mà tôi đang nói gì ấy nhỉ?" Nàng đột ngột dừng lại và cười vui vẻ vì sự lúng túng của mình.
"Cô nói là cái gã Swinburne không trở nên một nhà thơ lớn được và, thưa cô, cô vừa nói đến đấy... " Gã nhắc, rồi chợt thấy như đói cồn; và một niềm rung cảm nhẹ nhàng dâng tỏa nơi xương sống gã khi nghe tiếng nàng cười. "Như bạc," gã nghĩ bụng, "như tiếng chuông bạc rung nhẹ" và ngay lúc ấy, trong giây lát, gã như được mang đi tới một miền xa, nơi đấy, dưới những bông anh đào nở rộ, gã ngồi hút thuốc, lắng nghe tiếng chuông từ một tháp chùa cao gọi tín đồ đi hái rơm về cầu nguyện.
"Đúng thế, cảm ơn ông," nàng nói. "Xét cho cùng, Swinburne thất bại là bởi vì, phải, vì ông ta thiếu tế nhị. Có nhiều bài thơ của ông ấy không bao giờ nên đọc. Mỗi dòng thơ của những nhà thơ thực sự vĩ đại phải mang một chân lý đẹp, phải kêu gọi tất cả những gì là tao nhã trong con người. Không một dòng thơ nào của những nhà thơ lớn có thể bỏ qua, mà không vì thế cuộc đời này nghèo nàn đi một chút."
"Tôi nghĩ," gã ngập ngừng nói, "những cái tôi vừa đọc thật là tuyệt. Tôi không hề biết ông ấy lại là một - một tên đểu cáng - Tôi nghĩ những cái đó chắc là ở trong những cuốn khác của ông ta."
"Ngay trong cuốn ông vừa đọc, có nhiều câu có thể bỏ đi được," nàng nói, giọng kiên quyết khẳng định.
"Hẳn là tôi đã bỏ qua những câu ấy. Những đoạn tôi đọc thực là hay. Nó bừng lên, rạng ngời, rọi vào tâm hồn tôi và tỏa sáng trong tôi như ánh mặt trời hay ánh đèn pha. Nó nhập vào tôi như vậy đấy, nhưng thưa cô, tôi đâu có phải là nhà phê bình thơ."
Gã ngừng lời. Gã bối rối, đau khổ thấy mình không nói nên lời. Gã cảm thấy cái vĩ đại, ánh hào quang của cuộc sống trong những vần thơ gã đọc, những lời gã nói ra không thỏa đáng. Gã không thể nào diễn tả được những điều gã cảm thấy; trong thâm tâm, gã tự ví mình như một thủy thủ trên con tàu lạ, một đêm tối trời, mò mẫm trong mớ dây buồm trơn tuột không quen thuộc. Được, gã quả quyết, làm quen với cái thế giới mới này là tùy gã thôi. Xưa nay chưa có điều gì gã đã muốn mà lại không đạt được; bây giờ là lúc gã muốn học nói những điều ở trong đầu óc gã sao cho nàng có thể hiểu được. Nàng đã choán ngợp trên chân trời của gã.
"Bây giờ đến Longfellow 7," nàng nói.
"Vâng, tôi đã đọc ông ta," gã hấp tấp ngắt lời nàng, trong lòng như có gì thôi thúc, muốn phô bày tất cả kho tàng tri thức sách vở nhỏ bé của mình, muốn tỏ cho nàng rõ, gã không phải hoàn toàn là một thằng đần ngốc. ""Bài ca cuộc sống", "Vươn lên mãi" và... tôi nghĩ tất cả có thế!"
Nàng gật đầu và mỉm cười. Gã cảm thấy nụ cười của nàng có vẻ rộng lượng, thương hại mà tha thứ. Gã định khoe khoang theo kiểu đó thì thật là một thằng ngốc. Cái anh chàng Longfellow này chắc hẳn phải sáng tác cơ man nào là tác phẩm thơ.
"Xin cô tha thứ, tôi đã nói liều như vậy. Tôi nghĩ thực ra thì tôi chẳng biết gì nhiều về những chuyện đó. Nó không phải là loại chuyện của tôi, nhưng rồi đây tôi sẽ làm cho nó là loại chuyện của tôi."
Câu nói vang lên như một lời đe dọa. Giọng gã quả quyết, mắt gã lóe sáng lên, đường nét trên mặt đanh lại. Nàng thấy hình như quai hàm của gã đã đổi khác, nó bạnh ra, vẻ khiêu khích một cách khó chịu. Đồng thời một làn sóng mãnh liệt mang tất cả sức cường mạnh của giới đàn ông dường như trào ra từ con người gã, đổ ào tới xâm chiếm cơ thể nàng.
"Tôi nghĩ rằng ông có thể sẽ làm nó thuộc loại chuyện của ông được lắm chứ. Ông có sức mạnh rất tốt."
Nàng chấm dứt câu nói bằng một tiếng cười. Ánh mắt nàng ngừng lại trong giây lát trên cái cổ nổi bắp thịt cuồn cuộn như dây chão, như cổ bò tót, nâu sẫm vì ánh mặt trời, tràn trề sức sống và sức mạnh thô bạo - và mặc dầu, gã ngồi kia, vẻ thẹn thùng, nhún nhường, nàng vẫn cảm thấy bị gã lôi cuốn.
Nàng ngạc nhiên vì một ý nghĩ không lành mạnh đã xô đến trong đầu. Nàng thầm nghĩ, giá mà đôi tay nàng có thể đặt lên trên cái cổ kia, để cho tất cả sức mạnh và sự cường tráng của nó trào ra, thấm vào nàng. Nàng cảm thấy ngây ngất vì ý nghĩ đó. Nó dường như đã hé lộ cho nàng rõ sự đe dọa không ngờ tới trong bản chất của nàng. Hơn nữa, đối với nàng, sức mạnh vốn là một cái gì trần tục và thô bạo. Vẻ đẹp đàn ông lý tưởng của nàng bao giờ cũng là vẻ thanh tao duyên dáng. Tuy nhiên, ý nghĩ kia vẫn cứ đeo đuổi. Nàng ngạc nhiên hết sức sao mình lại muốn đặt bàn tay lên cái cổ rám nắng kia. Thực ra, nàng đâu phải là một người khỏe mạnh. Nhưng nàng đã không biết điều đó. Nàng chỉ biết từ trước đến giờ, chưa một người đàn ông nào làm nàng rung động như anh chàng này - cái anh chàng đã làm cho nàng lúc lúc lại phải choáng váng với kiểu ngữ pháp khủng khiếp của y.
"Đúng, tôi không phải là một người tàn tật," gã nói. "Những lúc túng quẫn thì ăn sắt cũng tiêu. Nhưng lúc này tôi cứ như bị chứng khó tiêu. Hầu hết những điều cô nói tôi không thể tiêu hóa nổi. Tôi chưa hề được đào luyện theo lối đó, hẳn cô cũng biết. Tôi vẫn thích sách, thích thơ, có thì giờ là đọc nhưng chẳng bao giờ nghĩ về những cái đó theo lối nghĩ của cô. Vì thế, tôi không thể nói những chuyện đó được. Tôi giống như một nhà hàng hải trên một vùng biển lạ, không hải đồ, không địa bàn. Bây giờ tôi muốn xác định phương hướng và vị trí của mình. Có thể là cô cho tôi vài lời khuyên nhủ. Cô làm thế nào mà học được tất cả những điều cô vừa nói nhỉ?"
"Tôi nghĩ là bằng cách đến trường và học tập thôi," nàng trả lời.
"Hồi còn bé tôi cũng đã đi học," gã cãi lại.
"Vâng, nhưng tôi muốn nói đến trường trung học, và nghe những bài giảng ở trường đại học kia."
"Cô đã học ở trường đại học?" Gã hỏi, vẻ ngạc nhiên rất thành thực. Gã cảm thấy nàng bỗng trở nên xa cách hơn nữa, ít nhất có đến hàng vạn dặm.
"Hiện tôi đương theo học ở đó. Tôi theo những khóa học đặc biệt về tiếng Anh."
Gã không hiểu "khoa tiếng Anh" là gì, nhưng gã nhẩm thầm nhớ lấy tên cái môn mà mình dốt và nói qua chuyện khác.
"Thế liệu tôi phải học mất bao lâu thì mới vào được đại học?" Gã hỏi.
Nàng mừng rỡ khuyến khích lòng ham học của gã và nói:
"Đấy là còn tùy xem ông đã học được đến đâu. Ông chưa qua trường trung học phải không? Chắc hẳn là không rồi. Nhưng ông học hết tiểu học rồi chứ?"
"Còn hai năm nữa mới hết khi tôi thôi học," gã trả lời. "Nhưng khi còn học bao giờ tôi cũng được xếp hạng cao."
Liền ngay đó, gã tự giận mình vì đã khoe khoang, gã nắm chặt lấy tay ghế, điên cuồng đến nỗi đầu ngón tay đau nhói. Đúng lúc ấy gã nhận thấy một người đàn bà bước vào phòng. Gã thấy nàng đứng dậy và nhẹ lướt qua sàn đón người mới tới. Họ hôn nhau, tay quàng lừng nhau tiến về phía gã. Gã nghĩ, chắc đây là mẹ nàng. Bà ta người cao, thân hình thon thả, mái tóc nâu, vẻ đẹp đường bệ. Chiếc áo dài của bà đúng là, gã nghĩ, chỉ có được trong một tòa nhà như thế này. Gã thích thú ngắm nhìn những nếp đẹp của chiếc áo. Bà và chiếc áo của bà nhắc gã nhớ tới những người đàn bà trên sân khấu. Rồi gã nhớ lại đã từng trông thấy những người đàn bà quý phái với những chiếc áo dài tương tự bước vào các rạp hát ở London, gã đứng ngắm và bị những tên cảnh sát đẩy ra ngoài hàng hiên, dưới làn mưa bụi. Rồi trí óc gã lại gợi tới Đại khách sạn ở Iokohama, nơi đây, từ bên kia hè đường, gã cũng đã nhìn thấy các bà quý phái. Rồi thành phố và bến cảng Iokohama, trong muôn vàn hình ảnh hiện lên loang loáng trước mắt gã. Nhưng gã vội xóa đi cái ống kính vạn hoa thu hình của ký ức ấy bởi gã đang bị thôi thúc vì sự khẩn thiết của hiện tại. Gã biết mình phải đứng dậy để được giới thiệu, gã chật vật đứng lên, ống quần phình ra nơi đầu gối, cánh tay buông thõng lố bịch, mặt căng thẳng, đứng chờ sự thử thách sắp tới.
Chú thích:
1, Friedrich Nietzsche - Triết gia Đức (1844-1900) với thuyết con người anh hùng, chủ trương của con người phải rèn luyện ý chí để trở thành con người thượng đẳng (siêu nhân) - một học thuyết cá nhân chủ nghĩa về đạo đức, quý tộc về chính trị.
2, Algenon Charles Swinburne (1837 - 1909), một thi sĩ kiêm phê bình văn học người Anh. Tác phẩm của ông đầy tính chất trữ tình, được thanh niên thời đó rất ưa thích (ND).
3, Tên một nhân vật trong tác phẩm của Swinburne.
4, Khu chợ (Market) thuộc Cựu Kim Sơn - phía Đông bắc khu chợ là nơi tập trung của nhà giàu, phía Nam là khu dân nghèo.
5, Whitechapel - Khu dân nghèo.
6, Ý Martin muốn nói đến Swinburne.
7, Henry Wordsworth Longfellow (1807 - 1882) - thi sĩ Mỹ. "The Psalm of life" và "Excelsior" là những tác phẩm nổi tiếng của Longfellow - các học sinh Mỹ thường phải học.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...